T iểu Lan thật là một đứa trẻ đáng ghét. Nó chỉ chuyên gây ra những chuyện tai ngược làm cho người khác phải phiền lòng. Ngay từ lúc mới sinh nó đã hại chết mẹ nó vì không chịu chào đời ngoan ngoãn như những đứa trẻ khác. Hơn chín tháng, nó ngồi ngay người, chồm hỗm, chẳng chịu quay cái đầu ngỗ ngược xuống. Lúc gần sinh, nó ra sức quậy, đạp, làm mẹ nó quặn ruột xót gan suốt chín, mười giờ đồng hồ. Mãi đến nửa đêm, người bác sĩ sốt ruột miết mạnh cườm tay lên bụng sản phụ, còn cô y tá nắm chặt tay mẹ nó hô:
“Nín! Rặn!”
Thế là mẹ nó dướn cong người lên, mắt trợn trừng, tay bấu chặt vào tay cô y tá đến toé máu, cố sức rặn lần cuối. Khi ấy Tiểu Lan mới chịu thõng một chân ra ngoài, rồi lại ì ra, đong đưa mãi cái chân tím tái, mặc kệ ông bác sĩ và cô y tá cuống cà kê để lo tìm cách đưa nó ra. Còn mẹ nó tàn sức, cả người tái xanh, tái xám; hơi thở đuối dần.
Để cứu hai mẹ con, người ta đã rạch rộng cửa mình của người mẹ, tóm đứa trẻ hỗn hào lôi ra ngoài. Kết quả là con bé có mặt trên cõi đời này, nhưng người mẹ - vì mất quá nhiều máu, đã kiệt sức mà chết.
Thật tệ, nó đã bước vào đời với đôi chân tím tái, nhẽo nhợt như hai cái dẻ khoai nước hơ qua lửa, thân hình đầy nhớt nhãi. Vậy mà cái miệng nó cứ nhơn nhơn, đôi mắt bàng quan, làm như nó chẳng hề liên quan gì đến cái chết của người mẹ thân yêu vậy.
Trước khi con bé chào đời, người ta đã chọn cho nó một cái tên rất đẹp, rất thanh tao: Hương Lan, nghĩa là hương của loài hoa lan. Vậy mà khi làm giấy khai sinh, người cán bộ hành chính, là dì ruột của nó, còn đang xót cái chết của chị gái, vừa viết vừa lẩm bầm: “Gớm hương với khói, tanh như quỷ thế này. Chưa chào đời đã tác oai tác quái. Có mà tiểu yêu tinh chứ Hương Lan, hay Hương Huệ cái gì. Thôi thì Lê Thị Lan.” Cha nó tặc lưỡi. Nỗi đau đớn bởi người vợ vừa qua đời quá lớn, khiên ông chẳng bận tâm tên của con bé được ghi trong giấy khai sinh là gì gì Lan nữa. Miễn là Lan, như mẹ nó vẫn thích. Trong ông luôn hiện lên hình ảnh con bé quẫy đạp trên tay người y tá: Cái hài nhi bé nhỏ, hạt máu của ông, đầy nhớt nhãi. Khi ấy ông đã ôm chặt đứa con gái đỏ hỏn, tanh như cá vào lòng, nước mắt nhưng nhức hai con ngươi. Không hiểu sao, người cha đã thốt lên:
-Tiểu Lan ơi là Tiểu Lan, mày có phải là nghiệp chướng của bố mẹ không con?
Không biết có phải vì đứa trẻ quá nhỏ nên ông đã gọi nó là Tiểu Lan? Hay vì mẹ nó là bông lan lớn, còn nó sẽ là một bông lan bé nhỏ, xinh xắn, dễ thương như mẹ nó hằng trông đợi bấy lâu nay? Vậy là từ bấy người ta cứ quen miệng theo cha nó, nên gọi con bé là Tiểu Lan.
Tiểu Lan trơ tráo nhìn cha rồi theo bản năng, rúc đầu vào ngực cha tìm bầu sữa. Lục mãi không thấy gì, nó gắt gỏng, phun phì phì nước dãi vào mặt cha nó. Một bà mẹ trẻ ở giường bên thấy tình cảnh gà trống nuôi con của cha con Tiểu Lan, thương tình vạch áo ra cho nó bú nhờ.
Con bé hỗn hào này mới ăn khoẻ làm sao chứ. Nó mút chùn chụt, hai má phồng ra, hóp lại liên tục. Có lúc sữa ra nhiều quá, nó nuốt không kịp. Vậy là sữa trều ra hai bên má nó. Nhưng con bé vẫn chưa thoả, nó vừa bú, tay vừa giữa chặt đầu vú bên kia như sợ ai giằng mất. Mãi đến khi no nê đến mờ cả mắt nó mới lăn ra ngủ, trả lại tự do cho bà mẹ “hàng xóm” tốt bụng. Thằng bé nhà bên ấy đúng lúc tỉnh dậy, cũng sùng sục đi tìm đôi bầu sữa của mình, nhưng bây giờ thì chẳng còn được là bao. Vậy là nó vừa cắm mồm vào đầu ti lại nhả ngay ra, khóc ngằn ngặt. Cha của Tiểu Lan ngại quá, luôn miệng xuýt xoa:
-Thật đã làm phiền bác. Cái con bé hư hỗn này. Thật đã phiền bác...
Càng lớn Tiểu Lan càng chẳng giống ai. Mặt nó dài, hơi gãy. Đã thế tóc còn bị bò liếm, khiến cho khuôn mặt càng ngẳng ra, câng câng. Da nó đen nhẻm. Chân đi chữ bát. Kinh nhất là mùi tanh trên cơ thể nó ngày càng nồng nặc hơn, khó ngửi hơn. Chẳng ai thích chơi với một con bé tanh tưởi và xấu xí như Tiểu Lan. Hễ gặp Tiểu Lan ở đâu là đám trẻ con lại hét lên: “Nhìn con cá ươn kìa chúng mày ơi. Con mèo nhà tao cũng đéo thèm nữa cơ”. Và chúng nó cười khoái chí lắm. Vì vậy lúc ở nhà cũng như đi học, Tiểu Lan chỉ thui thủi một mình.
Khi Tiểu Lan lên lớp 6, cha nó lấy thêm vợ nữa. Được mấy tháng bà ta sinh cho cha của Tiểu Lan một bé gái xinh xắn, bụ bẫm. Mẹ kế đối xử với Tiểu Lan không đến nỗi nào. Nhưng bà ta tuyệt đối không cho Tiểu Lan đến gần em bé, mặc dù nó chỉ muốn vào nhìn mặt em bé một tí rồi sẽ ra ngay. Vậy là Tiểu Lan chỉ có thể áp tai vào tường, nghe tiếng ọ ẹ của em bé, hít hà mùi sữa thơm thơm như mùi bánh bích quy trong căn buồng ấm cúng của em bé. Sự cô độc biến Tiểu Lan thành một đứa trẻ nhút nhát và ít nói.
Một lần, trên đường đi học về, Tiểu Lan gặp một đứa nhỏ hí hoáy vớt hộp xốp trôi dập dình trên hồ nước, cạnh gờ đá kè. Vì mải mê quá nên trong lúc đứa trẻ cố dướn dài cánh tay ra, đã bị lăn tũm xuống hồ. Lúc ấy chỉ có mỗi Tiểu Lan ở gần đứa trẻ nên nó không kịp suy nghĩ, vứt vội cặp sách trên bờ, lội xuống nước, kéo đứa trẻ lên. Đúng lúc ấy mẹ đứa trẻ đi đến. Nhìn thấy Tiểu Lan đứng cùng con mình, bà ta lập tức bù lu bù loa lên: -Cái đồ chết băm chết vằm kia! Cái con cá thối kia! Mày định hại chết con bà hay sao?
Đứa trẻ vì quá sợ hãi, chỉ ôm chặt lấy chân mẹ, oà khóc, không nói hộ Tiểu Lan một tiếng. Tiểu Lan trân trân nhìn người đàn bà, định quay đầu bỏ đi. Nhưng người đàn bà đã chạy theo, túm lấy tay nó, đay đả: -Tao mang mày về nhà cho bố mày dậy. Đồ cá thối. Con tiểu yêu tinh đội lốt người!
ở nhà, bố Tiểu Lan đang ốm. Ông nằm thở dốc trên giường, người mỏng dính như một cái bánh quế bị ẩm. Nghe thấy tiếng ồn ào, ông bèn nhỏm dậy. Giọng choe choé của người phụ nữ khiến ông càng mệt mỏi.
-Tiểu Lan ơi là Tiểu Lan! -Ông rên lên- Nó là nghiệp chướng của tôi đây mà.
Kể từ đó Tiểu Lan càng củng cố niềm tin trong nội tâm rằng: ai cũng có thể mắng chửi nó. Vì vậy nó không bao giờ than vãn, chỉ im lặng chấp nhận mọi rủi ro xảy ra với mình. Nó đâm ra lãnh cảm với mọi thứ tình cảm yêu, ghét, giận, hờn.
Càng lớn Tiểu Lan càng khó coi. Trong khi những đứa con gái cùng lứa với nó hí hửng trốn ra sau nhà xem ti mình lớn lên hàng ngày và bận rộn với một vài ngày bí mật trong tháng thì Tiểu Lan vẫn trơ trơ ra. Người nó phẳng lì và tanh ngoeo ngoéo. Người ta thầm thì rằng, nó không phải là một đứa con gái bình thường. Thế nào là không bình thường? Thôi thì mỗi người nói một kiểu, chẳng còn biết tin ai nữa.
Vì vậy mãi đến khi bạn bè đã đi lấy chồng hết lượt thì còn trật lại mỗi Tiểu Lan. Người ta gọi Tiểu Lan là “bà cô” là “gái già”. Chẳng mấy chốc mà Tiểu Lan đã ngoài 30. Cô học nghề đánh máy rồi nhờ người ta nhận tài liệu về cho mình làm. Chia phần trăm: cô ba, người ta bẩy. Vậy vẫn còn hơn không; vì dẫu có đi xin việc ở đâu cũng chẳng ai buồn nhận một người xấu xí và hôi hám như cô.
Cha Tiểu Lan ngày một yếu đi. Nếu không có đứa em gái cùng cha khác mẹ của cô thì có lẽ ông sẽ chết mà không nhắm được mắt.
Em cô quả thật là xinh xắn. Ai cũng muốn ngắm nhìn nó. Nó sinh động và tươi rói như nắng sớm mùa hè vậy. Hai mươi hai tuổi, vừa tốt nghiệp đại học, nó xin ngay được việc làm và đã có người đến nhà dạm ngõ. Em cô lấy chồng được ba tháng thì cha cô từ giã cõi đời. Ông chỉ còn nỗi lo canh cánh về Tiểu Lan mà không có cách nào giúp được con.
Cha mất, Tiểu Lan chỉ còn là một cái bóng ở trong nhà. Còn cha, thỉnh thoảng cô còn có người hỏi chuyện, còn được quan tâm đến. Bây giờ cô sống ra sao cũng chẳng có ý nghĩa với ai. Tự nhiên cô nhớ những lúc ông than thở : “Tiểu Lan à, con không phải là người , con là nghiệp chướng của cha mẹ”. Đôi khi lẩn thẩn, cô tự độc thoại và nhại lại lời cha, trong lòng tự nhiên đau thắt.
Một ngày nọ, khi Tiểu Lan đang cắm cúi đánh bài cho kịp hẹn với khách thì mẹ kế của cô về với một người đàn ông luống tuổi, vuông vức:
-Đây là anh Du. Con chào anh đi
Tiểu Lan bần thần nhìn mẹ kế và khách; hai người chẳng chênh nhau mấy tuổi. Thậm chí mẹ cô còn có phần tươi trẻ hơn. Có thể vì mối quan hệ họ hàng nào đấy mà cô phải gọi ông ta là là anh chăng?
Trong lúc hai người ra bàn trà, ngồi nói chuyện, Tiểu Lan tiếp tục quay lại với công việc của mình, trong đầu vẫn chưa hết hồ nghi. Cô nghe lõm bõm tên mình được nhắc đến khá thường xuyên trong câu chuyện nhỏ to của hai người.
...“Em nó tốt nết nhưng phải cái cao số”
“Tôi cũng không cần người trẻ đẹp. Tôi tự biết mình đã cứng tuổi, con cái nay trưởng thành, chẳng đứa nào chịu ở với mình nên chỉ mong có người làm bầu bạn, chăm sóc lúc tuổi già mà thôi. ”
“Em nó âm dương chưa được điều hoà nên người ngợm hơi khô cứng. Chắc bên nhà còn phải chỉ bảo thêm nhiều. Nhưng không phải là người đỏng đảnh khó chiều. Bác cứ yên tâm”
Bẵng đi hơi một tháng, Tiểu Lan thấy người đàn ông nọ xuất hiện với nhiều xe cộ đi theo. Mẹ kế cô đon đả ra chào khách rồi vào buồng giúp cô mặc quần áo và trang điểm : “Người ta đến dạm ngõ, còn không nhanh lên con. Thế mà mẹ cứ tưởng ông ta không ưng. Phúc con còn lớn lắm đấy con ạ”
Tiểu Lan nhẫn nại làm mọi việc theo lời chỉ dẫn của mẹ kế. Đã từ lâu cô sống mà không có chủ ý của riêng mình
Cuộc sống gia đình không làm cho Tiểu Lan thay đổi. Cô im lặng và nhẫn nại làm các công việc trong nhà chồng. Thực ra cô chẳng cần phải làm gì hết vì họ còn có một bà giúp việc rất mẫn cán. Nhưng cô không thể không động chân, động tay. Vì nếu thế cô sẽ sống như thế nào được ?
Bà giúp việc rất quý và thương Tiểu Lan như con. Hàng ngày bà đều mua lá thơm về cho cô đun nước tắm. Bởi vậy mùi tanh trên cơ thể cô chỉ còn phảng phất, không đáng ghê sợ nữa.
Chồng của Tiểu Lan cũng là một người đàn ông tốt. Ông ta không hề có ý đụng chạm đến cô. Điều ấy khiến Tiểu Lan thấy dễ chịu. Mỗi ngày họ ngồi nói chuyện với nhau trong khoảng một tiếng đồng hồ. Thực ra cô chỉ im lặng, lắng nghe. Thi thoảng “vâng, dạ” cho phải phép. Chồng cô cũng chẳng buồn lòng về điều đó. Bù lại, cô giúp ông ta mỗi khi bị lên cơn co giật, mũi mồm méo xệch.
Cuộc sống của Tiểu Lan có chút xáo trộn khi đứa em cùng cha khác mẹ của cô đột ngột mang đến đứa con lên năm nhờ cô nuôi giúp. Vợ chồng nó đã li dị. Họ nội từ chối đứa cháu. Người mẹ trẻ không thể để đứa con quẩn chân mình vì cô còn phả tính toán chuyện tương lai. Bà ngoại không còn đủ sức khoẻ để chăm cháu. Chỉ có Tiểu Lan là có thể làm được điều đó giúp em cùng cha khác mẹ của cô.
Nhưng dù sao cô phải hỏi ý kiến chồng.
-Thế cũng tốt. – Chồng cô gật gù- Cho em đỡ buồn. Nhà lại có tiếng trẻ.
Vậy là cô tự nhiên có đứa con để nuôi. Cô bận rộn với rất nhiều công việc: nào là phải thức khuya dậy sớm, lo tìm trường cho con đi học, sắm sanh quần áo, sách vở... Tiểu Lan không hề khó chịu về điều đó, ngược lại cô thấy sung sướng vì cuộc sống của mình có ý nghĩa hơn.
Chuyện về Tiểu Lan có lẽ nên dừng ở đây thì tốt hơn vì những chuyện đau buồn là điều không ai muốn. Nhưng cứ mỗi lần nhìn bức ảnh cúi gằm mặt của cô, tôi lại không thể kìm lòng được .
Tôi nhớ vẻ mặt hớn hở của cô khi đi xem điểm thi học sinh giỏi cho con. Tôi nhớ vẻ đau đớn hằn trên gương mặt loang lổ máu của cô cạnh chiếc xe máy bị đâm tan tành và làn rau cỏ đổ tung toé ở chỗ đầu ngã tư rẽ về nhà.
Vậy mà chẳng ai có được một bức ảnh tử tế của cô. Cô còn chưa có cả chứng minh thư. Thực ra không ai muốn chụp ảnh cùng với Tiểu Lan vì những lý do rất vớ vẩn. Tìm mãi, tìm mãi, người ta chỉ tìm được một bức ảnh có mặt cô - tấm ảnh chụp trong đám cưới của em gái cô. Khi ấy tay thợ ảnh chỉ cốt sao bấm được nhiều kiểu để ăn tiền nên mới tình cờ thu được hình của cô. Nhưng bức ảnh cũng không tử tế vì mặt cô đang cúi gằm, nom rất tội nghiệp.
Chẳng lẽ bàn thờ cô không có ảnh? Vậy là bức ảnh mặt cúi gằm của Tiểu Lan được mang đi phóng to.
Khi buồn tôi vẫn thường ngồi ngắm bức chân dung duy nhất trong đời của Tiểu Lan và lẩn thẩn nghĩ về đời sống ngắn ngủi của cô. Có phải vì vậy mà trong giấc ngủ của mình, tôi hay mơ thấy Tiểu Lan.
Nhưng có một điều rất đỗi kỳ lạ là, trong những giấc mơ ấy, Tiểu Lan luôn hiển hiện trong hình hài một của đứa trẻ kiên nhẫn im lặng, hai mắt ráo hoảnh nhưng le lói những vệt buồn thăm thẳm. Những người đi qua cô cứ lớn phổng lên một cách lạnh lùng.
Còn Tiểu Lan? Bao nhiêu năm đã qua rồi mà Tiểu Lan ơi, sao cô vẫn không chịu lớn, dù là trong giấc mơ?