T ừ lâu lắm, tôi đã nghe tiếng bấc tiếng chì người Hà Nội hay coi thường, thậm chí kỳ thị dân “Khu Bốn” Nghệ An, Hà Tĩnh! Nhưng tôi lại thấy người Hà Nội hào hoa thanh lịch sống rất vui vẻ chan hòa với mọi loại “dân”. Chuyện kỳ thị có chăng là ở số ít “tầng lớp trên” của Hà Nội thời…”Thực dân, Đế quốc”.
Ngược lại, “Dân Hà Nội” chúng tôi có thời kỳ bị nhìn bằng con mắt khắt khe, thiếu thiện cảm và bị hành “lên bờ xuống ruộng”. Tôi xin kể câu chuyện sau đây để minh chứng và ôn lại một kỷ niệm không mấy vui vẻ thời “ấu trĩ”:
Năm 1962 chúng tôi thi đỗ vào Trường Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Hồi đó người ta xếp hạng “Nhất Y, nhì Dược, tạm được Bách Khoa”. Chúng tôi đỗ vào “tạm được” với tỷ lệ 1 “chọi” 7 ( Bây giờ có lẽ phải 1 “chọi” 70 hoặc hơn!).Chúng tôi vô cùng hãnh diện khi đeo chiếc “Biển” (Huy hiệu) Trường trên ngực: Chữ Trường Đại Học Bách Khoa màu vàng trên nền xanh lá cây. Lớp chúng tôi hồi đó hai năm đầu có đến 108 Sinh viên, mọi người cứ gọi đùa là 108 anh hùng Lương Sơn Bạc. Độ tuổi cũng chênh lệch lớn; Học sinh phổ thông từ 18 đến 20 tuổi, còn các anh Kháng chiến chống Pháp về, Bộ Đội, Cán Bộ được cử đi học chênh với chúng tôi đến mươi, mười lăm tuổi, thậm chí gần hai mươi tuổi! Tỷ lệ Sinh viên người Hà Nội khá thấp.
Có một sự trùng hợp cũng thú vị: 5 thằng Hà Nội vần “Hát” chúng tôi: Lê Trường Hưởng, Diệp Xuân Hùng, Nguyễn Đức Hùng, Nguyễn Ngọc Hồ, Dương Trung Hiệp (anh ruột ông Nghị nổi tiếng Dương Trung Quốc) gặp nhau cứ như có nam châm hút dính chặt lấy nhau không rời! Học hành, Lao động và bất cứ việc gì cũng luôn quấn quýt bên nhau; Chính vì vậy thời gian đầu một số bạn ở “Tỉnh lẻ” nhiều nhất là các bạn ở “Khu Bốn” cảm thấy…cay mũi cho rằng “cái bọn Tiểu tư sản Hà Nội chỉ thích chơi với nhau mà thôi (thực tế chúng tôi sống chan hòa, thân ái với tất cả mọi người). Họ còn nghĩ rằng “Dân Hà Nội toàn Tư sản, chí ít cũng nhà giầu!”; Một quan niệm chính họ sau này cũng thấy là…ấu trĩ! Bởi hồi đó Thành phần giai cấp được coi trọng lắm! Nếu “Thành phần” như thế làm sao chúng tôi được vào Đại học? mà lại Đại Học Bách Khoa! Xin “trích ngang” Lý lịch vài nét:
Gia đình tôi có anh trai cả hoạt động cách mạng từ khi còn là học sinh, sau đó anh đi Bộ đội từ năm 1945, tham gia hai cuộc kháng chiến chống Pháp rồi chống Mỹ. Mấy ông anh rể tôi đều đi kháng chiến chống Pháp, Cha tôi là một công chức nghèo, nuôi giấu cán bộ cách mạng vào nội thành hoạt động. Diệp Xuân Hùng có bố là Liệt sĩ Công An hy sinh năm 1951 tại núi Voi Hải Phòng.
Nguyễn Đức Hùng có bố là một công chức nghèo nhưng hết lòng ủng hộ Cách Mạng, đóng góp nhiều cho Kháng chiến ngay từ đầu đến khi kết thúc!
Nguyễn Ngọc Hồ-Gia Đình Kháng Chiến về lại Thủ Đô Dương Trung Hiệp mẹ là Tư sản ( có 1 cửa hàng vải ở Hàng Đường, bên ngoài bán vải, bên trong gia đình ở ); Nhưng lại có bố là Liệt Sĩ-Ông Dương Trung Hậu quê Bến Tre chiến đấu và hy sinh anh dũng mùa Đông 1946 ở Hà Nội.
Giai đoạn đầu, vì là “Dân Hà Nội” nên chúng tôi bị…kỳ thị! Từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ bị…soi rất kỹ, bị quy kết! Có một chuyện cũng khá hài hước: sau khi nghe nói chuyện Thời sự về tinh thần cảnh giác, chúng tôi phải thảo luận tổ.
Tôi phát biểu : Lúc tôi đang đi vào Trường, có một người khách gặp tôi ở cổng hỏi thăm về Sinh viên Xuân ở ký túc xá A1, tôi bảo anh ta đi theo tôi, đúng là hơi thiếu cảnh giác, lẽ ra phải bảo anh ta qua thường trực, biết đâu Gián điệp nó trà trộn vào thì sao? (tôi nói có ý vui); Thế mà bạn Thư ký cuộc họp người “Khu bốn” ghi vào biên bản cuộc họp: “Lê Trường Hưởng đưa Gián điệp vào Trường!”
Chúng tôi bị soi kỹ nhất là Lao Động!
Năm thứ hai, khi đi lao động trên Nông trường Chè Vân Lĩnh-Phú Thọ, Năm thằng Hà Nội chúng tôi không bị tách ra (Có lẽ để dễ kiểm soát) mà được phân mỗi thằng một vệt cạnh nhau, làm cỏ Chè từ chân lên tới đỉnh đồi; Hồi đó giống Chè là cây cao quá đầu người, um tùm chứ không thấp thành luống bây giờ. Chúng tôi “biết thân biết phận” làm việc rất chăm chỉ, tích cực, cẩn thận, hôm nào cả năm thằng cũng được tuyên dương mặc dù cán bộ kỹ thuật Nông trường và cán bộ Lớp “soi” rất kỹ! Chúng tôi làm cứ “hùng hục như Trâu húc mả” cố hoàn thành tốt công việc, chẳng để ý gì đến xung quanh cả. Một hôm trời nắng quá, Nguyễn Đức Hùng dừng tay, vào một bụi Cọ um tùm nghỉ uống nước, phát hiện ra mấy bạn “Thành phần Bần Cố” chui vào đó…ngủ từ lúc nào! Còn “vệt” của mấy người này làm rất dối, thậm chí lấy cỏ dẫy ra từ chỗ này phủ lên chỗ khác! Cán bộ kỹ thuật của Nông trường phê bình rất gay gắt! Nhưng rồi cũng...êm không thấy bị kiểm điểm gì! Giá là chúng tôi có khi bị đuổi học cũng nên!
Cứ như thế, chúng tôi hồn nhiên, vô tư, chân thực mà sống đúng với bản chất trai Hà Nội. Năm thằng chúng tôi thành một nhóm dẫn đầu Lớp hầu hết các mặt, vả lại sống với nhau lâu hơn nên mọi người hiểu ra, chuyện kỳ thị mất dần thậm chí chuyển thành…khen ngợi!
Chúng tôi luôn tự hào mình là Người Hà Nội và luôn giữ gìn phát huy Bản chất tốt đẹp của Người Hà Nội.
Chính sự chân thành, trung thực, sống đúng với “chất Hà Nội” hào hoa phong nhã nhưng không mầu mè, sĩ diện của chúng tôi đã thu phục được lòng người!