Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



VỀ DƯỚI ÁNH TRĂNG XƯA


NGƯỜI ĐI ĐỂ LẠI NỖI BUỒN



T uệ Nguyên cảm nhận một luồng hơi nóng ấm áp, len lỏi vào từng tế bào, nghe từng giọt nước mát, thấm đẫm hòa trong huyết quản, khỏe khoắn dần; để nhận biết rằng, mình vừa trải qua một cơn hoảng loạn, chìm vào giấc ngủ sâu, và đang trở về với thực tại.

Tuệ Nguyên nhớ lại, Hoàng - con trai lớn của nàng, đưa mẹ vào bệnh viện, sau khi khám ở phòng khám Đức Tín mấy ngày không bớt. Nàng được đưa vào khoa nội, ở dãy phòng bên khu A; sau khi làm các thủ tục xét nghiệm sinh thiết, nàng được chuyển đến khoa truyền nhiễm. Đầu nàng quay như chong chóng, nhìn lên trần nhà chao đảo, muốn ngã; da nàng ngày một vàng thêm, chuyền nước liên tục từ sáng đến tối; khiến nàng ê ẩm khắp người, mỏi mệt, rã rời. Tuệ Nguyên uống chút nước, cũng nôn thốc, nôn tháo, hoa mắt, choáng váng; và bất chợt, nàng thấy Nhơn chập chờn, trong bộ đồ lính, xuống xe ở ngã ba, vào ngày cuối tháng Ba năm ấy, đưa tay vẫy chào tạm biệt nàng rồi đi về phía trước, mất hút. Nàng hốt hoảng gọi tên anh thật to, cố nhoài người theo, bỗng thấy mình lọt thỏm vào bóng đêm mù mịt. Nàng vùng vẫy, cố bơi, muốn thoát ra khỏi nơi tăm tối ấy, cho đến khi không còn bơi được nữa.

Tuệ Nguyên khỏe dần, cảm nhận chung quanh vẫn như cũ, vẫn những người bệnh nằm chuyền nước như nàng. Nhìn thấy Tuệ Viên - đứa con gái nhỏ của nàng, đang ngồi cạnh mẹ; và nghĩ thầm, vậy là mình đã thức giấc - một giấc ngủ mê.

Giọng nàng yếu ớt:

- Mầy ở đây, ai trông cháu ở nhà?

Tuệ Viên mừng rỡ:

- Mẹ dậy rồi à? Làm con sợ muốn chết. Ngủ gì mà… ngập ngừng, mà… lâu thiệt lâu, thấy bắt sợ.

- Sợ gì mầy? Bộ chết dễ lắm sao, mẹ mầy muốn lắm, mà có được đâu!

Tuệ Viên cười khẽ:

- Thôi mẹ ơi! Sống với con cháu cho vui, chết mà làm gì, dưới đó buồn hiu à, có gì vui đâu nà. Ở đây, có con, có cháu, cần chi những thứ khác chớ.

Tuệ Nguyên cười gượng gạo:

- Mầy nói dễ nghe ghê á con. Sống chết có số hết, không phải muốn mà được đâu con.

Tuệ Viên an ủi mẹ:

- Mẹ bị viêm gan siêu vi B cấp tính, bác sĩ nói mãn tính mới sợ, chứ cấp tính chữa khỏi mà. Mẹ đừng lo, tụi con sẽ luôn bên mẹ.

- Mẹ có lo gì đâu, bệnh thì phải chịu vậy thôi mà.

Tuệ Viên pha ly sữa nóng, đổ từng muỗng cho mẹ, Viên nghĩ, mẹ mình đã khổ quá rồi, chưa có được một ngày sung sướng, giờ lại bệnh đau như vậy, thiệt là tội. Cô muốn mẹ sống thật an vui, để mình và các anh chị còn có dịp báo hiếu, còn có dịp học hỏi ở mẹ rất nhiều.

Tuệ Viên thấy sắc mặt mẹ tươi tỉnh dần, mừng và thương mẹ vô cùng; trông mẹ ốm yếu, gầy guộc, tay chân, mặt mày vàng ơi là vàng, vàng đến phát sợ. Cô tưởng tượng, nếu mẹ không qua khỏi cơn bệnh nầy, mấy anh em cô sẽ ân hận cả đời. Có món gì ngon, mẹ cũng nhường cho các con, còn mẹ ăn lây lất cũng được. Làm gì làm, việc học của con mẹ là phải trước tiên, từ sách vở, học phí, cho đến sinh hoạt trường lớp cũng vậy; bởi mẹ nói rằng, mẹ rất hiểu nỗi khổ ấy, vì mẹ đã từng vậy; thà mẹ chịu thiệt thòi, chứ không để con mẹ phải thua kém bạn bè.

Tuệ Viên mắt đỏ hoe, nhìn mẹ, giọng nũng nịu:

- Mẹ phải sống cùng tụi con, còn phải lo cho cháu, rồi chắt nữa, chớ hổng phải lo cho con không thôi đâu. Con nói rồi đó.

- Trời ơi trời! Tưởng sống để làm gì, ai ngờ, nó biểu lo cho con, cho cháu của nó nữa.

- Chớ sao. Ai biểu mẹ đẻ tụi con ra chi. Hi hi hi…

- Mầy còn cười nữa đó hở con. Con tụi bây sinh ra, tự mà chăm, tao hổng có chăm đâu, đừng có mơ!

Tuệ Viên cười giòn giã:

- Nhớ nghen. Chừng đó tụi con hổng cho mẹ ẵm “cưng” cháu đâu nha, thử ai buồn cho biết?

Tuệ Nguyên cười theo con gái:

- Ừ hen. Chắc buồn lắm hơ.

- Buồn là cái chắc á! Vậy cho nên, phải sống để còn lo cho cháu chắt nữa nghen mẹ ơi!

Tuệ Nguyên nhìn ra cửa sổ bên trái giường mình đang nằm; ánh nắng hanh vàng buồn bã rớt trên hàng cây trong khuôn viên khoa truyền nhiễm; khiến nàng thở dài, bâng khuâng.

Một phụ nữ vừa dòm vô phòng bệnh, vừa nói, “Đây rồi. Phòng tám, khoa truyền nhiễm”, rồi bước thẳng vào phòng. Tuệ Nguyên nghe giọng quen quen, ngước nhìn ra cửa phòng, thì thấy Ca đang dáo dác tìm kiếm. Nàng chưa kịp gọi bạn, thì Ca đã reo lên:

- Đây rồi. Mầy đây rồi, Nguyên ơi!

Tuệ Nguyên nhoẻn cười, héo hắt:

- Ừ! Tao đây. Tao còn sống “nhăn răng” đây nầy.

Ca bỗng phì cười:

- Vậy mà còn giỡn nữa chớ. Thiệt hết nói luôn á.

Tuệ Viên cúi đầu chào bạn của mẹ mới đến thăm, rồi xin phép đi đóng viện phí cho mẹ, (nhận giấy từ sáng giờ mà chưa kịp đi); còn lại hai người bạn bên nhau. Ca cầm tay bạn mân mê, thương cảm, chị nghĩ, sao cái số bạn mình khổ dữ vậy không biết; cả cuộc đời cứ lao đao, lận đận, hết lên rừng, lại xuống biển; giờ ổn định một chút, chưa được sung sướng gì, chồng lại bỏ đi, để bệnh tật hành hạ thế nầy. Thiệt là khổ đến tận cùng. Chị lại nhớ, lúc bạn mới vào thành phố nầy, liền tìm gặp mình, dù đường khó mấy, cũng tìm ra cho bằng được. Tình cảm lớn lao như vậy, chị luôn trân quý, mong bạn chóng bình phục, vui sống cùng con cháu, và làm những gì mình ao ước mà bấy lâu chưa làm được.

- Mầy ráng mà vượt qua, hai đứa mình còn phải đi du lịch, khám phá những nét văn hóa của xứ khác mà mình chưa biết đến; với lại, mình còn cùng về trường xưa, gặp gỡ thầy cô, các bạn học cũ nữa. Nghe chưa hở?

Tuệ Nguyên nguýt yêu bạn:

- Nghe rồi. Tao phải sống. Sống đến chừng nào các bạn mình đi hết rồi tao mới đi, được chưa?

Ca cười ha hả:

- Chớ bạn bè đi hết rồi, mầy chơi với ai mà hổng đi, nói nghe lạ chưa nà!

Tiếng cười vui vẻ của hai người bạn làm cả phòng vui lây. Một chị nằm cạnh giường, khẽ cười:

- Từ trưa giờ nằm im ru, giờ khỏe rồi hơ, sao cười vui dữ hà?

Tuệ Nguyên cười theo chị:

- Cười cho nó vui chị à, nếu không buồn lắm.

Đêm về, nhìn dãy hành lang hun hút, buồn bã, trong nàng cứ lao xao một nỗi niềm bâng quơ khó diễn đạt được. Nàng muốn trút bỏ hết mọi ưu phiền cho nhẹ người, nhưng càng muốn trút bỏ, nó lại càng nhớ hơn, như tảng đá trĩu nặng. Nàng thầm nghĩ, không biết ở chân trời xa xôi nào đó, anh có thỏa lòng với ước mơ của mình chăng, đã dừng chân, hay còn muốn khám phá những điều mới lạ hơn nữa? Nàng thở dài, tất cả đều là “Thiên ý”, như lời anh đã từng nói với nàng hôm nào.

Nàng trằn trọc, trở mình mãi, khó mà chợp mắt. Và trong ký ức cũ càng ấy, đêm trăng kỷ niệm năm nào, lại sáng lòa trong nàng. Tiếng hát vút cao, lao xao trong tiềm thức… nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng. Và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng…, (**) mênh mông, mênh mông. Lời anh khen nàng hát hay năm nào, không biết bây giờ anh có còn nghĩ vậy; và lời anh hứa, sẽ nhớ mãi đêm trăng ấy, dù có dâu biển, đổi dời, không biết anh còn nhớ không? Dường như nàng nhớ câu nói của một ai đó đã từng đọc được rằng “Đời là sự đổi thay, chỉ có sự đổi thay, không bao giờ thay đổi”; thì chắc gì có ai giữ lời hứa của mình?

Sau gần một tháng mà men gan của nàng vẫn cao chót vót, các bác sĩ hội chẩn, tìm phương pháp tốt nhất để chữa trị cho nàng.

Một buổi sáng bác sĩ thăm bệnh, hỏi nàng:

- Men gan của chị giảm rất chậm, bây giờ chỉ còn cách, chuyền một loại nước, may ra có giảm không? Nhưng loại này rất đắc, một triệu rưởi một bình, mà lại không có trong bảo hiểm. Chị có đồng ý chuyền loại thuốc nầy không?

- Cảm ơn bác sĩ! Bác sĩ cứ chuyền đi ạ. Tôi đồng ý.

Ngay sau đó, nàng được chuyền loại nước bác sĩ nói, và hôm sau xét nghiệm, men gan có phần giảm xuống rõ rệt. Nàng tiếp tục được chuyền bốn bình nữa, sau đó mới chuyền loại nước cũ. Hai tay nàng đầy vết kim đâm, đến nỗi không còn chỗ để lấy ven nữa, phải chuyển xuống chân, đau đớn vô cùng; nhưng nỗi đau thể xác, khó mà so sánh với nỗi đau trong tâm hồn nàng.

Hơn một tháng rưỡi, nàng được xuất viện, dù men gan chưa ổn định lắm, trên dưới hai trăm, mà nàng nghe nói, phải một trăm, hay dưới một trăm mới tốt. Các con nàng muốn mẹ vào Sài Gòn khám lại, nên vừa xuất viện về nhà hai ngày, nàng lên xe vào Sài Gòn ngay.

Tuệ Nguyên nhờ anh Lân - một người bạn cùng A30 với chồng, đón và đưa giùm đến bệnh viện Nhiệt Đới, (bệnh viện chuyên chữa về gan và ký sinh trùng), để khám bệnh. Anh chị nhiệt tình đưa đón, chăm sóc Tuệ Nguyên thật chu đáo, còn an ủi, khuyên lơn nàng đủ điều; ân tình nầy nàng luôn khắc cốt, ghi tâm.

Kết quả lần khám nầy, Tuệ Nguyên bị viêm gan siêu vi B mạn tính chứ không phải cấp tính như đã chữa ở bệnh viện tỉnh. Bác sĩ cho đơn thuốc và hẹn một tháng sau tái khám.

Một tháng sau, Tuệ Nguyên trở vô Sài Gòn tái khám, như lịch hẹn của bác sĩ. Nàng bàng hoàng khi biết kết quả gan đã chuyển sang giai đoạn xơ hóa từ F3 đến F4, là giai đoạn cuối của xơ gan, nếu không khéo sẽ chuyển sang K bất cứ lúc nào. Tuệ Nguyên không thể mở miệng nói, hoặc một nụ cười; dù anh chị Lân khuyên can đủ lẽ, nàng cũng cứ buồn rười rượi. Tuệ Nguyên nghĩ, mình chưa làm được việc gì cho riêng mình mà lại ra đi như thế nầy sao, nàng không nỡ từ giã cõi đời như vậy được. Và nàng khóc, nghĩ thương bản thân mình; đến bấy giờ nàng mới nghĩ đến mình, có muộn lắm không?

Các con của Tuệ Nguyên không muốn mẹ lo nghĩ nhiều, sợ ảnh hưởng sức khỏe, liền nói mẹ về quê, thăm gia đình, người thân và vui chơi cùng bạn bè. Ở Sài Gòn về mới hai ngày, nàng vội lên tàu về quê.

Tuệ Nguyên được các bạn học cũ đón mừng vui vẻ, rủ đi ăn, đi chơi cả ngày, không thấy mệt mỏi chút nào. Có bạn cho cả bịch ny lon cây chó đẻ phơi khô, có bạn cho loại thuốc được bào chế từ cây chó đẻ dưới dạng viên, cho dễ uống; có bạn rủ về nhà đúc bánh xèo, nấu bánh canh. Nàng cảm ơn, trân quý những tấm chân tình ấy, khắc ghi vào lòng, không bao giờ quên. Và ngay tối hôm đó, Tuệ Nguyên lại lên cơn sốt, choáng váng, ói mửa, liền nhập viện ngay tại quê nhà.

Nằm viện một tuần, nàng thấy được bạn bè quý mến mình dường nào; nhỏ Lê ngày nào cũng vào viện chơi với nàng cho có bạn, sáng ra, tối về. Thương nhất là bạn Hoa và bạn Tiến, đàn ông con trai mà chịu khó, chạy lên phòng bệnh trong giờ làm việc, đưa vội cái phong bì, nói mấy câu “tụi tui lén lên đây, chớ họ đâu có cho lên. Đây nè, quà của hai đứa tui, mong bà mau khỏi, rồi về đi chơi nữa nghen. Bữa hôm trước chưa gì hết mà đã vào đây rồi. Ngó vậy mà dở ẹc. Thôi hai đứa tui đi đây, để mấy cô y tá la”. Tuệ Nguyên ứa nước mắt cảm ơn bạn, nhìn theo ngậm ngùi.

Tuệ Nguyên thường xuyên về quê, vừa hốt thuốc Nam uống, vừa vui chơi với bạn bè cho vơi nỗi buồn; nhưng nỗi buồn cứ ám ảnh, đeo bám nàng mãi, không thôi. Tối tối, vui chơi, ca hát cùng bạn; đêm trằn trọc khó ngủ được, bao nỗi niềm cứ dâng trào, dù nàng cố gạt sang bên, vẫn cứ tràn ngập. Nước mắt nàng ướt đẫm gối. Nhiều đêm không ngủ được, nàng thầm thì với chính mình: “Sao anh nỡ đối xử với em như vậy? Anh từng hứa không để bàn tay em sần sùi, không để đôi chân em nứt nẻ, kia mà? Em phải sống làm sao, khi mọi người dòm ngó, canh chừng, sợ em quyến rũ chồng họ? Em phải sống làm sao, khi có người là bạn từng sống chết trên A với anh, lại chọc ghẹo em? Em biết, họ thấy em vậy, nên đùa giỡn trên nỗi đau của em thôi, phải không anh?”. Rồi nàng tự trả lời với mình rằng: “Anh là loài ngựa hoang, không bao giờ biết yêu đồng cỏ”. Chỉ vậy thôi. Nàng không dám giận anh, sợ mình lại tổn thương. Anh đã hòa tan trong máu thịt của nàng, khó mà rứt ra được; nếu buộc phải tách ra, đau đến xé nát ruột gan.

Tuệ Nguyên muốn lưu lại một cái gì đấy cho các con, sợ một ngày nào đó đột ngột ra đi; và các bạn đề nghị, nàng nên thu lại giọng ngâm thơ của mình, để kỷ niệm. Vậy là, nàng muốn ngâm những bài thơ anh đã gởi tặng nàng những năm tháng còn ở trên trại; nhưng phải có phòng thu, để tiếng rõ ràng và hay hơn. Biết nàng có ý định nầy, bạn Hoa vui vẻ góp ý:

- Được đấy Nguyên à. Tui có thằng bạn thân có phòng thu, để tui nói nó giúp bà. Tui nói là nó giúp liền hà, thân lắm luôn á.

Lê cười rạng rỡ:

- Được đó Nguyên. Ông Hoa nói là được hà, hồi giờ ổng có nói sai đâu nà.

Tuệ Nguyên nhìn các bạn, thầm cảm ơn, e ngại:

- Có phiền anh ấy không? Mình ngại lắm.

Hoa quả quyết:

- Phiền gì chớ. Tui nhờ là nó giúp liền. Yên tâm đi.

Hoa đưa số điện thoại của bạn mình cho nàng, và hứa sẽ gọi nói trước với bạn mình. Tuệ Nguyên gọi điện thăm hỏi người bạn của Hoa, dù chưa biết mặt, nhưng nghe tiếng anh nói, giọng cũng thiệt thà, dễ gần; anh hứa sẽ giúp nàng, khi nào ra phòng thu cứ gọi anh.

Một buổi sáng, như đã hứa, Tuệ Nguyên cùng ba người bạn ra phòng thu và gọi anh. Anh trả lời là đang ở trên quê, anh có đưa số điện thoại của người bạn trực ở phòng thu, bảo rằng, cứ nói với người đó, họ sẽ thu giúp. Sau khi Tuệ Nguyên gặp người bạn của anh đang trực phòng thu, người ấy bảo, sẽ tốn nhiều tiền, vì chi phí thuê đàn, thuê sáo nữa. Tuệ Nguyên nghĩ, tiền còn đủ để lo vào sài Gòn tái khám, cần thiết hơn; thôi thì, không cần để lại thứ gì cả, tất cả rồi cũng phôi pha theo thời gian; nàng cảm ơn rồi cùng các bạn ra về.

Các bạn cùng làng thuở nhỏ của Tuệ Nguyên, ai cũng e ngại cho bệnh tình của nàng, không biết trở nặng lúc nào; nên tổ chức một buổi gặp mặt, cho nàng khuây khỏa nỗi buồn. Thanh mua con gà, Ngân góp một mớ mực, Hạnh đồ uống; mọi người cùng chung vui, kể chuyện hồi nhỏ, cùng cười, cùng ăn, cùng hát nhạc sống; làm nàng nguôi ngoai một chút. Nàng rất quý tấm chân tình của các bạn.

Cứ ba tháng, Tuệ Nguyên phải vào Sài Gòn tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, uống thuốc đều đặn, không dám lơ là. Nhìn thấy ai có dáng gầy gầy, cao cao, giống anh ngang qua là nàng giật mình, thắc thỏm. Mỗi lần đến nơi nào, mà lúc trước anh với nàng đã đến, là nàng thom thóp, hồi hộp. Mỗi khi có ai nhắc tên anh, là nàng chảy nước mắt ròng rã, không kiềm nén được. Nhiều người bạn khuyên nàng, nên quên hết đi để mà sống; nàng cũng muốn thế, nhưng đâu phải muốn là được.


Lại một đêm trăng tròn ở quê nhà.

Sau khi đi nghe ca nhạc cùng các bạn về, Tuệ Nguyên không ngủ, lang thang một mình trên con đường năm xưa anh cùng nàng đi dạo dưới trăng. Mầu trăng vẫn vậy, vẫn rực rỡ, tươi mát chan hòa cùng vạn vật, cây cỏ; vẫn hết mình sáng soi khắp cõi nhân gian. Ánh trăng vẫn tròn đầy tưới tẫm, tô đẹp khắp nơi, không phân biệt miền quê hay phố thị; và nàng nhớ đến ánh trăng trong “Tuyệt Khúc Chàng” réo rắc, khoan thai, trong ký ức cũ càng vừa trở dậy. Đêm nay nằm thao thức, trăng tàn phai lạnh lùng. Úa mầu trời kỷ niệm, em nhớ chàng mông lung. Đúng vậy. Nàng nhớ chàng quá mông lung. Mông lung qua từng giọng nói, tiếng cười, từng bước chân đi, khắc khoải, buồn thương; mông lung qua từng kỷ niệm, từng lời hứa, từng ước mơ - ước mơ một ngày nào đó, chàng sẽ đưa nàng đi thăm lại chiến trường xưa, thăm lại những nơi anh từng sống, từng đi qua; ước mơ một ngày nào đó, anh sẽ viết cuốn sách, nói về tình yêu của anh và nàng, sẽ viết, sẽ viết; nhưng có lẽ, sẽ mãi mãi là bản thảo trong anh, và cũng có thể là đã bị xóa vĩnh viễn từ lâu?

Một lần về thăm quê, Tuệ Nguyên nhập viện vì căn bệnh cũ lại tái phát, phải nằm viện hơn mười ngày mới khỏe lại. Sau khi được xuất viện, nàng về nhà mẹ ở Phú Lâm, được một người bạn văn nghệ ghé thăm và mời về nhà chơi. Ngay tối hôm đó, Hạnh - tên người bạn, rủ nàng cùng đi dự buổi ra mắt sách của một vị thầy, mà chị của Hạnh mời. Tuệ Nguyên từ chối vì thấy chưa được khỏe lắm, nhưng Hạnh nói rằng, khó có dịp như vậy, nên đi cho biết. Hạnh đưa nàng bộ đồ mưa, ra lệnh:

- Chị mặc vào đi, em chở đi chơi một lát rồi về, lâu lâu mới có dịp như vậy, không đi uổng lắm.

Tuệ Nguyên lắc đầu, từ chối:

- Chị chưa được khỏe lắm sợ bệnh trở lại. Em cứ đi đi, chị ở nhà có sao đâu.

Hạnh dứt khoát:

- Không được. Chị phải đi. Em nói vậy đấy.

Vậy là Tuệ Nguyên mặc bộ đồ mưa Hạnh đưa cho, trùm khăn kín đầu, rồi cùng Hạnh đi dự buổi giới thiệu sách, dù trong lòng không muốn.

Ánh trăng non trên cao bàng bạc, mênh mông.

(**) Bài hát Nhìn Những Mùa Thu Đi - TCS




VVM.30.9.2023