Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



tranh của cố họa sĩ Tạ Tỵ

ÁNH TRĂNG CỦA TÔI




L úc nhỏ, mỗi khi đến trung thu, em và tôi thường hay lấy những cái lon sữa mà người ta bỏ đi, nhờ ba khoét giùm những lỗ. Sau đó, khéo léo để một cây thạp lạp vào, lại cẩn thận móc vào một cành cây thế là được cái lồng đèn. Xóm tôi là một xóm lao động nghèo, nhưng chúng tôi là những đứa trẻ luôn hài lòng với những gì mình đang có nên dù là một chiếc lồng đèn tự tạo cũng làm chúng tôi vui suốt đêm ngày. Lũ trẻ chúng tôi luôn háo hức những ngày trung thu, lúc ấy từ bận chiều chúng tôi sẽ ngồi chờ chú khu vực trưởng tới từng nhà, hỏi từng hộ gia đình nào có con nhỏ, ghi tên lại và cho cái hẹn đến tối sẽ tới nhà văn hoá xếp hàng lĩnh quà bánh.

Món quà khi ấy chỉ là một chiếc bánh trung thu nhỏ bán đầy ngoài chợ, vài chiếc kẹo thêm một ly nước ngọt be bé nhưng lại làm chúng tôi thích mê. Trễ hơn nữa chúng tôi sẽ đi theo những đoàn lân, nghe nhịp trống đập liên hồi, người và người nối đuôi nhau như trẩy hội. Khi thấm mệt và khi nghe tiếng trống lân chỉ còn là những khoảng ồn ào ở tít đằng xa khi xe lân qua xóm khác, tôi và em tôi thường sẽ cùng những chiếc đèn lồng tự tạo ra ngoài ruộng chơi với bầy đom đóm. Chúng tôi thường sẽ tìm những góc tối, vì chỉ ở trong bóng tối thì những ánh sáng mới hắt ra rõ ràng hơn. Có khi lồng đèn của chúng tôi là những chiếc chai thuỷ tinh để đầy đom đóm. Có khi là những lon sữa bỏ thạp lạp vào, lại có khi là những chiếc lồng đèn giấy

Em nhỏ hơn tôi một tuổi nhưng từ bé nó đã tỏ ra trường thành và chín chắn hơn tôi. Trong khi tôi còn thích mê với những chiếc kẹo dừa thì nó đã biết dành phần bánh trung thu cho ba đi làm đến nửa đêm mới về và vài chiếc kẹo trong bịch bánh ít ỏi của mình cho mẹ đương dọn gánh hàng ngoài chợ. Tôi còn nhớ trung thu năm tôi vào lớp tám, khi ba dành dụm tiền mua được cho hai đứa một chiếc đèn trung thu. Đó là một chiếc đèn chạy pin, bật lên ánh sáng nhấp nháy và tiếng nhạc vui tai hình con sư tử. Dĩ nhiên đó là món quà mà mọi đứa trẻ đều thích mê, cả hai chúng tôi đều háo hức nhưng chỉ có một cái nên hai đứa đều dành. Lúc đó ba mới nhỏ nhẹ nói với tôi:

- Của hai chị em, nhưng em bé hơn nên con để em cầm một lúc, nhường nhịn em đi con. Rồi lát em đưa con ngay mà.

Thế nhưng, tôi lại dỗi vì cho rằng ba thiên vị mà không chịu hiểu tôi là chị nhưng lại đánh mất đi sự nhường nhịn và yêu thương em của mình. Lúc đó, em nói với ba:

- Thôi ba để chị chơi trước, con không thích chơi đèn lắm đâu – Rồi nó quay sang tôi – Chị lại lấy này.

Tôi ngày ấy không nghĩ gì vội cầm lấy mà mãi sau này tôi mới biết vì em muốn nhường cho tôi. Nó cũng rất thích chiếc đèn lồng ấy, bằng chứng là đến độ vài ngày sau thì nó vẫn cầm đi súng sính mãi không thôi, lại còn hát reo vui ra chiều thích lắm…

Những năm cấp ba gia đình chúng tôi gặp nhiều biến cố, mẹ bệnh nặng nằm liệt giường, gánh nặng đè lên vai ba. Mỗi bữa ăn là những bữa đói bữa no, ngay cả môt ngày trung thu cũng là xa xỉ. Trong căn nhà cấp bốn khi ấy chỉ là những tiếng ho đêm của mẹ, bóng dáng cao to của ba tôi đi làm về đầy mệt mỏi và tiếng đấm lưng cho ba đều đều của bé em. Có năm, mẹ được cô trong xóm cho một chiếc bánh trung thu khá ngon: đó là một chiếc bánh nom khá đắt tiền với đầy đủ trứng muối, thịt nguội và đủ nhân mà tôi không biết rõ. Đối với gia đinh tôi khi ấy, đó là một thứ xa xỉ phẩm, là một món ăn ngon nhìn đã thấy thèm. Đêm trăng tròn năm ấy, ba cắt miếng bánh ra làm bốn, trong khi tôi ngấu nghiến phần ăn của mình đã không để ý, phần bánh ba không ăn để dành cho mẹ, mẹ lại lén giấu phần mẹ hôm sau bỏ vào cà mèn cho ba đi làm… Và bé em cứ ép ba mẹ ăn phần của nó vì nó ngấy những bánh trung thu người ta cho đầy thịt mỡ…

Khi bắt đầu thấm thía hoàn cảnh của gia đình, tôi và em mỗi người đều đưa ra những sự lựa chọn khác nhau để cố gắng. Trong khi tôi quyết tâm để dành học bổng vào đại học, chọn con đường học để mong có ngay đổi đời thì em tôi quyết định nghỉ học để bắt đâù bươn chải với đời sớm hơn. Dĩ nhiên ngày ấy quyết định của nó không được ba mẹ tôi chấp nhận và dường như chỉ có tôi khi ấy là biết rất rõ lựa chọn của em mình nhưng với những lí do nó đưa ra tôi chỉ có thể im lăng. Tôi còn nhớ rất rõ khi ấy là trung thu, cả hai chúng tôi đều đã cầm trên tay tờ giấy trúng tuyển chỉ chờ ngày nhập học. Vì tôi học muộn một năm nên bằng lớp em tôi.

- Em quyết định không học đại học.

- Học rồi có công việc tốt chứ không học rồi sau này ai nhận vào làm.

- Đâu phải ai cũng thành công bằng con đường đại học. Nhưng hơn nữa, em đã tính rồi. Nếu em học thì trường ấy học phí khá đắt đỏ, sinh hoạt trên phố lại tốn kém, một tháng còn chưa chắc được kinh tế nhà mình chứ đừng nói đến một năm.

Rồi như chợt sợ tôi có cùng suy nghĩ nó vội trấn an ngay:

- Hơn nữa, từ nhỏ em đã không có giỏi bằng chị, học đâu có vô, đi học chi cho uổng. – Rồi nó cười hi hi – Bù lại, em có thể thay ba má “nuôi” chị ăn học, rồi sau này chị trả em tất là được.

Không phải vì tôi ích kỉ muốn được tiếp tục việc học của mình mà vì tôi biết rõ hoàn cảnh gia đinh của tôi khi ấy đúng là chỉ được chọn một và cả việc một khi em tôi đã đưa ra quyết định thì rất khó để thay đổi. Tôi vẫn còn nhớ đêm trung thu năm ấy, ánh trăng rơi ướt áo tôi.

Em tôi đi làm, còn tôi đi học đại học. Nó nói là làm, nó đi làm để “nuôi” tôi thật, dù tôi cũng tranh thủ đi làm thêm như phụ quán nhưng số tiền chính vẫn là nó thay ba má gánh cho tôi. Những đêm hai chị em ngồi trong phòng trọ nó thường thủ thỉ :” Em chỉ mong sao chị học thật tốt rồi có được công việc tốt đãi em bữa bánh trung thu no nê.” Trung thu trên phố của chị em chúng tôi là những ngày chỉ nhìn thấy ánh sáng hắt lại của trăng rằm bởi những tòa nhà chọc trời che khuất.

Sau khi tốt nghiệp, vì học bổng và các được thầy cô chuyên khoa giới thiệu, tôi được nhận vào một công ty lớn và bắt đầu cải thiện dần cuộc sống. Qua nhiều năm, tôi bắt đầu đón được ba mẹ lên ở cùng và tôi cũng vẫn nhớ cái trung thu đầu tiên khi cả gia đình tôi quây quần trong căn nhà mới trên phố. Dẫu không thể thấy ánh trăng to như ở quê, dẫu tiếng trống lân chỉ là những điều trong hồi ức vang vọng đâu đó nhưng tôi đã mua được một hộp bánh trung thu đắt tiền về để đãi ba mẹ, và cả em. Lúc cắt bánh ra, em vẫn luôn nói những điều tự hào về tôi:

- Ba má thấy không, con biết là sẽ có ngày chị sẽ mua cho nhà mình hộp bánh thiệt to như ngày nhỏ con vẫn hay đòi.

Tôi chỉ biết im lặng, em tôi lúc nào cũng thế, trong khi chính nó mới là ánh trăng động lực soi sáng đời tôi../.





VVM.29.9.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .