Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


Tranh của nữ họa sĩ Tạ Thị Minh Tâm

VẦNG TRĂNG LUNG LINH



M ấy hôm nay ông Sáu không tài nào ngủ được. Cứ nghiêng qua, trở lại, thi thoảng ngồi dậy ra ngoài sân hút thuốc, nhìn vầng trăng mười hai, mười ba đang toả sáng, dịu dàng chảy tràn mặt đất. Lòng ông dịu lại. Thỉnh thoảng cơn ho lại kéo dài. Ông cố ghìm lại để nhỏ tiếng, giữ giấc ngủ yên cho bà Sáu. Ông không muốn để bà biết nỗi lo của ông về các con…

     Hai hôm trước, thằng út con ông điện về. Giọng nó ngập ngừng, ngài ngại. Qua điện thoại, ông thấy lạ nhưng sớm nhận ra ngay:
     - Được, con cứ đi thẳng vấn đề!
     - Thưa ba! Con đang cần gấp 15 triệu để trả bạn con. Quá hạn trả nó cứ giục hoài. Ba vay giúp, trong này con bí quá…
     Ông Sáu định nói: Ba làm gì có số tiền nhiều vậy; vả lại, sổ đỏ của ông cũng đã thế chấp khi vay tiền cho đứa con gái thứ ba rồi. Ông kịp nén lại. Chắc nó kẹt lắm đây, cần lắm nó mới gọi cho ông…
     - Nếu ba không có, con đành xoay sở đường khác vậy.
     - Không! ông dứt khoát- Mai ba tìm cách giải quyết và kiếm số tiền ấy gửi con. Yên tâm mà làm ăn con nhé!

     Ông cúp máy. Có gì len vào tim ông quặn thắt, nỗi quặn thắt không tên. Ông cũng không biết vì sao như vậy. Thằng út là đứa có chí. Nó lại có gan làm ăn nữa. Ở xã này, mấy đứa bằng nó. Tốt nghiệp y sĩ, nó không theo nghề ông mà bỏ đi Sài Gòn, vừa làm vừa học. Vất vả mấy năm cũng học xong đại học, đi làm, rồi lấy vợ- cô gái mà lúc đầu ông không ưng vì người mà con ông thương yêu không rõ tông tích. Nghe nói cô ở tận ngoài Nghệ An, cha mẹ mất sớm, hai chị em rời quê vào làm ăn sinh sống ở thành phố. Cưới một người con gái cho con mà không rõ lai lịch nguồn gốc nên ông không đồng ý. Nhưng ông không thắng nổi con. Chúng kết hôn, sống và lập nghiệp ở thành phố.

     Tuy không giàu so với người khác, nhưng mấy năm trời bươn chải, con ông cũng mua và cất được ba ngôi nhà; một để ở, còn hai cái kia cho thuê. Tài sản lên đến bạc tỷ. Thời gian gần đây, nghe nói con ông làm ăn không được thuận lợi. Nó nhảy từ công ty này sang công ty khác. Nó vốn là đứa thích làm chủ chứ không muốn làm thuê cho ai. Được thì phất, không thì thôi. Quan niệm của nó là thức thời nhưng có phần bồng bột. Khác với thằng cả, trầm tĩnh, thận trọng, giữ quân bình cuộc sống gia đình, biết trọng chữ nghĩa, nên một đời nghèo khổ…
     Bây giờ thằng út cần tiền giải quyết nợ nần. Nghe nói nó còn định bán bớt một ngôi nhà để trả nợ. Ông nghĩ có lẽ do mới thành lập công ty nên gặp khó khăn. Lâu nay, ít khi nó mở miệng mượn ai một đồng; với ông thì càng không. Ông ngồi nhẩm. Nếu bán số nữ trang của bà Sáu- số nữ trang duy nhất, quà cưới mà lâu nay bà Sáu cất giữ, gần đây đau yếu nên gửi ông cất giùm- cũng mới hơn 10 triệu; còn gần năm triệu nữa lấy đâu? Nghĩ đến số lúa từ đám ruộng cho người ta mướn cộng với lương hưu ứng trước 2 tháng chắc cũng đủ gửi con. Vậy là yên tâm! Những ngày tháng tới, vợ chồng ông tằn tiện cũng đủ qua ngày. Trồng rau lấy đó cải thiện, chỉ tốn một ít mua vài chai nước mắm và một vài thứ khác chi phí trong gia đình…

     Ông thấy thương bà Sáu, đau yếu hơn sáu năm rồi, không làm gì, mỗi ông chăm sóc từ lo ăn, tắm rửa, đến giặt giũ, đi chợ… Bây giờ, già rồi ăn uống kham khổ cũng tội. Mấy đứa con ở xa, đứa nào cũng cực khổ vì nuôi con ăn học đại học, cao đẳng.. Có đứa đau ốm vì không có tiền chạy chữa đành chấp nhận “sống chung với lũ”. Ngày trước, vợ chồng ông lo năm đứa, kể cũng khổ thật nhưng đứa nào cũng học hành đến nơi đến chốn. Có lúc khổ phải độn gạo vào khoai để ăn nhưng không đến nỗi phải đói. Giờ, xã hội phát triển, nhu cầu sống cũng khác. Chúng chỉ nuôi có hai đứa nhưng cũng vất vả lắm rồi. Ông không muốn con cái lo lắng nên dứt khoát ở lại quê không chịu đến ở hẳn nhà đứa nào cả…

     Đêm nay. Trăng mười ba đang tròn. Xa xa, phía chân trời, sao mai lấp lánh. Không gian yên ắng. Ông ngả mình trên chiếc ghế gỗ ngoài sân. Gió đang hát trên những ngọn tre già trước ngõ. Văng vẳng tiếng ve đâu đó. Mùa hạ đến rồi! Ông nhớ đến thời đi học. Tiếng ve một thời gợi nhớ trong ông. Hồi đó thật đẹp! Nhưng chiến tranh ác liệt quá. Lũ bạn ông bấy giờ chỉ vài đứa học đến tú tài. Riêng ông, sau khi tốt nghiệp, bị bắt quân dịch đi lính quân y, tốt nghiệp y sĩ phục vụ cho chính quyền cũ ngành quân y. Sau giải phóng, về quê, làm việc ở trạm y tế xã phục vụ nhân dân cho đến ngày nghỉ hưu. Chưa một ngày an nhàn, bà Sáu tai biến. Ông phải lo cho vợ…

     Hồi chiều, ông bàn với bà Sáu và thuyết phục được bà, bán số nữ trang và 300 ký lúa để gửi tiền cho con. Xong, ông vào bưu điện gửi nhưng cô nhân viên không nhận bởi gửi tiền qua tài khoản chỉ có ở ngân hàng chứ bưu điện không phục vụ. Ông không biết ngân hàng ở đâu, đành về, gọi điện cho thằng cả hỏi địa điểm gửi và cách gửi. Ông cẩn thận ghi chép lại. Ngày mai ông sẽ đi gửi cho con.

     Đốt điếu thuốc, rít vài hơi, ông nhả khói. Mắt cay xè. Có phải khói thuốc làm ông chảy nước mắt hay hạt bụi nào rơi vào mắt ông. Ông cười! Mình đã làm thêm một việc cho con….

     Thời buổi bây giờ giá cả thị trường thay đổi hàng giờ hàng ngày. Hôm qua giá vàng hơn triệu tám, nay còn triệu bảy. Mất hơn triệu sau một đêm. Mà thôi con đang cần. Ông phải bán! Thằng cả ông, hai vợ chồng nó cán bộ công chức gần hai mươi năm mà không cất nổi ngôi nhà cấp 4. Thằng cả tâm sự với ông, nguyện vọng muốn xây được ngôi nhà để sau này đỡ vất vả tuổi già, có chỗ thờ cúng ông bà, có chỗ nghỉ ngơi cho các em ở xa về quê. Nó không muốn về nơi ông Sáu đang sống vì xa cơ quan; vả lại nơi ông ở như một cái đảo đầy nước mênh mông mỗi khi có lũ lụt về. Nó có lý. Nhưng với vợ chồng ông thì khác, thích yên tĩnh. Ở cái xóm quê nhỏ , hẻo lánh này, ông quen rồi, lên phố ồn ào, chật hẹp quá! Cách đây gần mười năm, ông đã xây lại căn nhà trên mảnh đất do ba ông để lại. Lúc ấy, thằng út đang ăn nên làm ra nên hỗ trợ 30 triệu. Bây giờ vật giá lên gấp đôi, gấp ba, nên thằng cả không xây nhà nổi là đúng. Hồi ấy ông tính cất khang trang để vợ chồng thằng Năm ở. Nhưng rồi tụi nó cũng ra riêng, cất nhà ở thị trấn vì không muốn ở quê.

     Việc ông bán số nữ trang bà Sáu và toàn bộ số lúa trong nhà để gửi tiền thằng út, ông xem như là trả bớt một nửa món nợ ông nhận khi xây nhà. Ông dự định sẽ tiết kiệm lương hưu và số tiền bảo hiểm dành dụm trả hết số còn lại. Ông nói với bà Sáu mình làm vậy để kiếp sau không phải nợ nần con cái. Điều ấy khiến bà Sáu không cầm được nước mắt. Không biết bà có tin vào điều đó không, chỉ thấy bà đưa ống tay áo chặm vào mắt…
     - Sao ông không ngủ mà ngồi ngoài sân hút thuốc vậy?
     Ông giật mình quay lại. Bà Sáu đã đứng sau lưng ông từ hồi nào…
     - Tui dậy. Đi ngoài. Thấy cửa mở, cứ ngỡ ông quên đóng, nên ra xem. Ai ngờ ông ngồi đây, suýt nữa tui giật mình!
     Ông Sáu cười:
     - Nóng nực quá bà ạ! Mùa hè đến rồi! Tôi ra đây hóng mát. Bà có nhớ cái mùa hè năm 1962 không?
     - Nhớ cái gì? Mùa hè nào? Năm 1962 ? Cái ông này hôm nay sao lạ! Đương không lại hỏi chuyện xưa…
     - Thì mùa hè năm tôi lên ở trọ nhà chị Tư để học thi Tú tài, thấy bà đang phát hàng rào bị gai đâm sướt tay, tôi chạy đến băng vết thương cho bà. Sau đó, bà đỏ mặt vì tôi cứ nhìn bà…
     - Ơ hay! Cái ông này, kỳ cục quá!
     - Trông bà kìa! E ấp như hồi con gái….
     - Đồ quỷ sứ…
     Ông và bà Sáu cười vang...

     Có tiếng gà gáy sớm. Trời sắp sáng. Vầng trăng lung linh toả sáng. Vợ chồng ông choàng vai nhau đón một ngày mới tinh khiết đang dần đến…

18. 4. 2008
(Đã đăng trên Báo Bình Định số 3249)




VVM.22.9.2023-NVA.1006

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .