C hị đứng dừng lại trước cổng tần ngần . Ngôi nhà im ắng không một tiếng động .Chỉ có tiếng gió thổi bay những chiếc lá khô xào xạc trước sân và tiếng chuông đồng hồ treo tường trong nhà đổ dồn năm tiếng ngân nga . Sao giờ nầy bé My vẫn chưa về ? Hay là “ ông ấy ”lại tạt vào một quán cà phê nào đấy , để rồi con bé lại đứng lóng ngóng chờ và khóc thút thít trong sân trường vắng vẻ . Chị quay xe trở ra phóng đi . Kể từ ngày “ chiến tranh lạnh ’’ bùng nổ trong căn nhà nầy , hai vợ chồng tránh trao đổi với nhau . Có gì cần họ đều nói qua trung gian con bé – sợi dây duy nhất nối liền giữa họ . Họ sống như hai chiếc bóng , đi lại lặng lẽ , tránh nhìn mặt nhau . Cơm nấu xong ai muốn ăn trước cứ việc ăn . Cái thuở ngồi chung bàn đầy đủ cả ba người bây giờ thấy xa lăng lắc .
Sự đỗ vỡ bắt nguồn từ một chiếc áo . Chiếc áo sơ mi trắng của Hoài – người yêu cũ của chị từ thuở còn học trung học phổ thông . Hoài là một trong số mười nam sinh của một lớp ban C đông con gái . Hoài có giọng nói ấm áp , đọc thơ rất hay nên thầy giáo môn Văn hay gọi Hoài đọc những bài thơ trước khi thầy bắt đầu phân tích . Cả lớp hay gọi Hoài là “ phát thanh viên ” của thầy Chương . Thầy Chương theo lớp ba năm , Hoài tiếp tục là phát thanh viên của thầy . Hôm nào Hoài nghỉ , cả lớp thấy nhớ giọng đọc trầm ấm quen thuộc . Chị vốn ghét con trai học ban C , nhưng Hoài đã làm chị dẹp bỏ định kiến của mình . Hoài học rất giỏi , hát hay và là cây guitar của lớp . Những giờ trống giáo viên , Hoài lên văn phòng mượn cây guitar , thế là cả lớp trở thành một câu lạc bộ văn nghệ .Chị biết trong số ba mươi nữ sinh của lớp , có nhiều trái tim nghiêng về phía Hoài . Có Hoài , con gái trong lớp đỏm dáng hơn , chăm chút hơn từ mái tóc cho đến đôi giày . Chị dõi theo những thay đổi của họ và cười thầm chế nhạo . Nhưng đến năm cuối cấp thì chị hốt hoảng nhận ra những thay đổi của mình . Một lần Hoài bị ốm nghỉ học mấy hôm , Chị bồn chồn như ngồi trên đống lửa . Lớp học trống vắng mênh mông . Những giờ học của thầy Chương vẫn rất có hồn nhưng chị còn đầu óc đâu mà tiếp nhận nữa . Nhưng trái tim của Hoài thuộc về ai ? Đám con gái trong lớp dò xét nhau . Những giờ học qua mau , ngày tháng dồn đuổi nhau cho đến khi sân trường nở những đóa phượng đầu tiên . Mùa thi đuổi theo sát nách . Cả lớp phờ phạc mệt nhoài , nhìn đâu cũng thấy bài vở . Hoài đưa ra đề nghị liên hoan chia tay . Cả lớp hưởng ứng ngay . Trong buổi liên hoan , Hoài ôm đàn hát bài Dư âm *, đôi mắt Hoài thật buồn ,tia nhìn thật ướt hướng về chỗ chị ngồi , những âm thanh ngọt ngào quấn quít :
“ Đêm qua mơ dáng em đang ôm đàn gieo muôn tiếng tơ , âm thanh trầm lắng như âu yếm ru ai trong giấc mơ …Muốn nói cùng em đôi lời trìu mến …”
Chị bối rối . Mấy chục khuôn mặt của lớp bỗng nhiên nhạt nhòa như chìm trong sương khói , chỉ còn lại chị và Hoài cùng giọng hát và ánh mắt biết nói . Chị thoáng thấy những ánh mắt ganh tỵ hướng về phía chị . Cuộc tình của của hai người làm đám con gái trong lớp xa cách chị , cả những đứa thân nhất cũng tìm cách lảng tránh . Chị nhận ra được cái giá của cuộc tình . Nhưng tình yêu làm gì có nhân nhượng , chị trở thành kẻ cô đơn trong tình bạn , nhưng lại ấm áp trong tình yêu . Rồi Hoài đi , anh theo gia đình rời xa đất nước trong một cuộc ra đi hợp pháp . Buổi chiều cuối cùng đứng trên cầu – chiếc cầu nhỏ , vắng bị bỏ phế từ ngày người ta xây một chiếc cầu to , đẹp hơn . Ai cũng muốn đi trên chiếc cầu mới xây để thấy mình đang hiện hữu trên một công trình qui mô , hiện đại . Chị vẫn thấy thương chiếc cầu nhỏ bé bị bỏ quên , im lìm soi bóng xuống dòng sông xanh biếc . Hoài đứng bên chị nói khẻ :
- Miên còn nhớ bài ca dao hồi mình học lớp mười không ? Bài Qua cầu gió bay ấy mà .
Chị gật đầu . Làm sao quên được bài ca dao ấy và cả giọng giảng bài của thầy Chương vang vọng trong lớp học . Hoài nói tiếp :
- Ca dao thì nhiều nhiều bài hay , nhưng không hiểu sao Hoài vẫn thích bài ấy nhất . Trong đó có một lời nói dối dễ thương : Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay . Dễ thương quá phải không Miên ? Hoài nói và làm thật . Hoài đã cởi chiếc áo sơ mi trắng đang mặc tặng chị , bên trong chỉ còn chiếc áo lót đông xuân , đi về . Sau nầy nghỉ lại , chị vẫn thấy hồi đó sao họ trẻ con thế , dễ thương thế . Chị đã cất chiếc áo ấy như cất một cuộc tình . Bởi vì sau đó không lâu Hoài đã chết vì một tai nạn xe hơi từ một đất nước xa xôi ở bên kia trái đất . Bây giờ nhớ lại chị vẫn không hiểu sao mình có thể vượt qua được những ngày tháng đau thương ấy . Rồi chị cũng đứng lên được để đi nốt bốn năm đại học . Giảng đường đại học vẫn vang vọng lời ca dao , nhưng không có Hoài bên cạnh nữa . Những chiều tan học chị vẫn phóng xe qua trường cũ , dừng lại một phút ở cổng trường . Nắng trong sân trường vẫn mênh mang vàng rực . không hiểu sao mỗi lần nhìn màu nắng sân trường chị lại nhớ câu thơ của Huy Cận :
Ôi nắng vàng sao mà nhớ nhung
Có ai đàn lẽ để tơ chùng .
Chị thầm cảm ơn nhà thơ đã nói hộ nỗi nhớ tha thiết trong tâm hồn chị . Những đêm khuya ngồi học bài một mình , chị lại giở chiếc áo sơ mi của Hoài ra ngắm .Chiếc áo vẫn trắng tinh như để tang cho một cuộc tình . Chị ngỡ như Hoài đang đứng bên cạnh mình ,trong buổi chiều năm xưa trên chiếc cầu cũ , gió thổi tung bay mái tóc hai người . Không biết buổi chiều tặng áo năm xưa Hoài có kịp nói với mẹ lời nói dối dễ thương : qua sầu gió bay . Một chuyện tình ngắn ngủi , kết thúc đột ngột không lời báo trước . Chị nhẩm lại thời gian cuộc tình của mình rồi lẩn thẩn so sánh với mối tình Kim, Kiều , và chợt nhận ra mối tình của mình còn ngắn ngủi hơn . Mười lăm năm sau Kim , Kiều tái ngộ . Nhưng chị thì vĩnh viễn không bao giờ gặp lại Hoài .
Rồi chị đi lấy chồng . Trong hành trang về nhà chồng , chị vẫn mang theo chiếc áo của Hoài , mặc cho mọi can ngăn của mẹ và em gái . Chị không thể nào xa chiếc áo ấy được . Chị cất nó trong ngăn tủ có khóa riêng . Chiếc áo vẫn nằm trong vùng bí ẩn như cái tên con gái đầu lòng của chị : Hà My . Nó là một nửa tên của Hoài , và một nửa tên của chị ghép lại .Nhưng bí mật nào cũng khó giữ lâu . Cho đến khi Nam –chồng chị - phát hiện ra chiếc áo ấy thì mọi chuyện đổ vỡ . Trong mấy năm làm vợ , chị cũng đã có nhiều lần xích mích với chồng – cái giá phải trả cho một cuộc hôn nhân không bắt nguồn từ tình yêu , ít ra là về phía chị - nhưng lần nầy nó bùng nổ dữ dội hơn . Ban đầu là những lời chì chiết nặng nề của Nam , sau đó chiến tranh lạnh kéo dài . Bé My đi học về lẻ loi đi laị trong bầu không khí lạnh như băng . Nó là một đứa trẻ nhạy cảm vả dễ xúc động . Năm nó lên bốn tuổi có người bà con ở quê ra , cho nó một con chim nhốt trong lồng . Ban đầu nó vui mừng rối rít . Nhưng sau đó một ngày thấy con chim lúc nào cũng kêu chiêm chiếp thảm hại , bỏ ăn , lông lá trơ trụi , nó đã mở cửa lồng cho chim bay đi . Chị đã sớm nhận ra ở con một tấm lòng nhân hậu . Những lúc vợ chồng chị cãi nhau , con bé sợ hãi hết nhìn người nọ đến nhìn người kia , đôi mắt mở to tràn đầy vẻ van lơn đến tội nghiệp . Chị thương con đứt ruột nhưng lòng tự trọng vẫn lớn hơn . Cho đến khi Nam đẩy lá đơn ly hôn đến trước mặt chị với một câu nói cộc lốc : “ Cô ký đi , tôi nghĩ là cô vẫn biết điều .”
Chị mím môi ký tên mình dưới lá đơn , cũng lạnh lùng như ký đơn xin kết hôn , chữ ký cứng cỏi , dứt khoát ,tay không hề run mà lòng thì lạnh ngắt .
Tưởng mọi việc như thế là xong . Nào ngờ Nam lôi bé My dậy . Con bé đang ngủ say trên giường , mắt nhắm , mắt mở , vừa dụi mắt vừa nghe ba tuyên bố cuộc ly hôn giữa ba mẹ . Không hiểu trong cái đầu non nớt của nó có hiểu nỗi cái từ ghê gớm đó là gì không , nhưng nó khóc thảm thiết . Chị thừa hiểu và khinh bỉ trò tra tấn của chồng . Nhưng chị không còn sức chịu đựng nữa , chị chạy về phòng , đóng sập cửa lại , ngồi trên chiếc giường cưới ngày nào , mắt ráo hoảnh , đầu óc như hóa đá .Tiếng khóc của con bé như xoáy vào ruột gan chị ,chị thấy mình có lỗi với con biết bao . Nhưng vẫn cương quyết và dứt khoát , chị không muốn Nam nhìn mình như một kẻ bại trận . Từ thời con gái chị vẫn là một kẻ giàu tự ái và kiêu hãnh . Nhưng không biết chị còn giữ lòng kiêu hãnh đến đâu khi càng ngày bé My bị héo úa dần . Trong thời gian chờ tòa xét xử việc ly hôn của bố mẹ , nó hệt như một kẻ tử tù đợi ngày ra pháp trường . Nó hoàn toàn im bặt , hỏi gì cũng chỉ gục đầu và lắc đầu , như một người câm . Ban đầu chị nghĩ là con dỗi , hoặc đó chỉ là một cách gây áp lực , một áp lực yếu đuối và bé bỏng . Tình trạng kéo dài khá lâu khiến chị hoang mang , cho đến khi cô giáo của My gặp chị , thông báo tình hình thì chị hoảng hốt thực sự .Ở trường bé My không hề nói năng . Nó ngồi như một chiếc bóng lặng lẽ , mắt mở to rầu rĩ . Giờ chơi, nó đứng một mình nhìn bạn bè bằng cặp mắt vô hồn . Chị đưa con đi gặp bác sỹ và nói hết hoàn cảnh gia đình cho người thầy thuốc nghe . Vị bác sỹ già trầm ngâm và nói với chị : “ Bé bị xúc động quá mạnh , đây là một dạng trầm uất . Kéo dài lâu có thể tổn thương thần kinh . Chị nên nhanh chóng khắ phục tình trạng gia đình . Chỉ có cách đó mới cứu được con chị .”
Ra khỏi phòng mạch chị biết lần nầy thì chị đã bại trận thật tình . Cú đấm của cuộc đời đã nhắm đúng vào trái tim người mẹ . Mệt mỏi và cay đắng , chị đã phải gục ngã như một đối thủ kiêu hãnh . Chiều hôm đó về nhà , nhìn bé My nằm ngủ co quắp trên giường như một con tôm , giấc ngủ mệt nhọc đến tội nghiệp , chị đã giở chiếc áo của Hoài ra , nhìn nó một lần cuối cùng . Thoảng đâu đó bên tai chị lời ca dao vang vọng từ một lớp học xa xôi nào từ thời con gái :
Yêu nhau cởi áo cho nhau
Về nhà mẹ hỏi qua cầu gió bay .
Thoáng một giây , chị như thấy lại cả cuộc đời con gái , hạnh phúc thì ngắn ngủi thoảng qua , đau thương thì đầy ăm ắp . Chị còn như thấy cả ánh mắt của Hoài đâu đó trong sân trường mênh mông nắng vàng . Quá khứ vừa ngọt ngào , vừa cay đắng . Bằng một động tác chậm rãi dứt khoát ,chị bật diêm . Ánh lửa lóe lên bén vào chiếc áo . Bây giờ đang có mặt trong một cõi hư vô nào đó , chắc Hoài cũng hiểu và thông cảm cho chị . Chị đã đốt chiếc áo như đốt một thời dĩ vãng . Chẳng mấy chốc chiếc áo đã biến thành tro bụi , bốc lên một làn khói xanh tan loãng như một nắm hương tàn .
Lần cuối cùng chị quay về chiếc cầu cũ bị bỏ quên , để rồi có lẽ chẳng bao giờ quay lại nơi đó lần thứ hai trong quảng đời còn lại của mình . Chiếc cầu cũ vẫn im lìm soi bóng xuống dòng sông xanh . Gió chiều vẫn thổi tung mái tóc chị . Thiên nhiên vẫn vô tình lặp lại những dấu ấn của một khoảng đời xa lăng lắc . Đầm đìa nước mắt , chị mở gói tro áo thả xuống dòng sông .Từng mảnh tro bé nhỏ chao nghiêng dưới gió chiều trước khi hòa nhập vào dòng nước thao thiết chảy ngàn đời . Chị gục đầu xuống vai cầu , mơ màng như thấy trước mắt con gái lại cười tươi như ngày nào và tiếng gọi trong vắt như pha lê : Mẹ ơi !