1.
Không biết đây là lần thứ mấy thằng cu Vàng (tên khai sinh là Trần văn Việt Hòa) bị mẹ đánh đòn vì cái tội trổ mái nhà leo lên nóc đứng cho cao hơn mặt đường phía trước. Bởi khi đứng trước cửa nhà, dù có cố nhón gót cách mấy nó vẫn còn thấp hơn mặt đường cỡ một cái đầu! Thật ra, khoảng chênh lệch đó cũng do trước đây nền nhà nó vốn đã thấp nhất xóm, còn chiều cao của bản thân nó thì lọt dưới chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới! Mỗi lần nâng đường thì người người, nhà nhà lại nâng nền đội mái lên theo, chỉ có nhà nó là vẫn bình chân như vại ở cuối xóm.
Sau khi trải qua mấy đợt nâng đường nhà nó đã lọt thỏm dưới vệ đường, quanh năm nghe tiếng nước cống chảy róc rách và mùi ống cống xộc vào từng ngõ ngách của gian nhà chật hẹp. Mỗi khi mưa lớn hoặc triều cường chỉ ở mức cảnh báo cấp 1 thì nhà nó đã "vượt mức báo động cấp 3"! Những lúc đó, nước từ trên đường tràn xuống, từ dưới cống và các hố ga dâng lên, hòa thành thứ nước đục lờ hôi hám ứ đọng trong nhà nửa ngày trời chưa chịu rút. Chị em nó thay phiên nhau ngồi trên ghế cầm cái thau nhựa nhỏ tát nước ra ngoài cửa, nhưng cứ tát ra bao nhiêu thì nước lại dâng lên bấy nhiêu bởi đường cống không kịp thoát, lại thêm rác thải, bùn sình tụ bạ lâu ngày gây ra tắt nghẽn.
Hiếu động và tinh nghịch như bất cứ thằng nhóc nào, nó chỉ cần đặt cái ghế nhỏ lên cái ghế lớn đã kê sẵn trên bàn, "phóng" lên đầu tủ, bước qua mấy cái nẹp gỗ đóng vách rồi lên sát mái nhà. Tiếp theo, một tay neo người, một tay vẹt tấm "tôn" lợp rỉ sét đã bị bẻ quặt một góc lên trên, chui lên mái, bò lên nóc nhà như làm xiếc! Đó là một trong những chỗ hứng nước mưa của bà ngoại nó và cũng là cổng trời của nó. Hành trình đó lặp lại thường xuyên, mòn nhẵn như đường đi của loài kiến, một con kiến vàng con, nhỏ nhoi trong quầng sáng chói lòa mà nó đã đi tìm.
Cổng trời của cu Vàng, chú bé con đang tuổi học lớp sáu, là nơi nối liền giữa không gian màu khói trong nhà và bầu trời trong sáng trên cao. Mặc dù tầm mắt có bị giới hạn bởi bức tường cao chót vót của nhà bên cạnh và những cao ốc gần đó nhưng nó vẫn cảm nhận một không gian khác vô cùng quyến rũ đã trở thành nhu cầu bức thiết mỗi ngày đối với nó. Ở đó nó không còn phải chịu đựng cái cảm giác tù túng, ngột ngạt, được tự do hít thở bầu không khí trong lành, nhìn ngắm mọi thứ từ trên cao. Và hơn hết, nó có thể vượt lên khỏi cái lề đường dựng đứng trước cửa và con dốc bất đắc dĩ đổ xuống từ thềm nhà bên cạnh. Những thứ đó đã vô tình biến nhà nó thành một cái hang hay một cái gì đó tương tự.
Sau khi giắt cây roi bằng nhánh trứng cá lên vách, cô Tần dặn thằng con út:
-Lần này là lần chót, nghe chưa! Còn tái phạm là má nhốt mầy ở trên nóc nhà luôn! Nhớ nhắc chị nấu cháo sớm cho ngoại ăn để còn uống thuốc.
Muộn chồng nên đã gần năm mươi mà ba đứa con của cô Tần chỉ mới ở tuổi chua chanh chát khế. Đứa con gái đầu lòng sắp mười lăm tuổi, thằng trai kế mười ba, cả hai đứa đã nghỉ học, chỉ thằng Vàng là còn đi học vì được học bổng của trường đến hết cấp hai. Trong lần bị tai nạn lao động chồng cô đã không qua khỏi, để lại cho cô bầy con nheo nhóc và món tiền bồi thường chỉ đủ để trả nợ.
Một thân một mình bươn chải nuôi con và phụng dưỡng mẹ già, cô Tần cứ quần quật như cái máy không lúc nào ngưng nghỉ. Đã có lúc cô muốn buông xuôi tất cả, nhưng khi nghe mấy đứa con nói chuyện, gọi nhau bằng những cái tên mộc mạc mà cha chúng đã đặt cho như ba điều ước của đôi vợ chồng nghèo, cô nhớ đến chồng và mỉm cười trong nước mắt. Cô lại tất tả một mình trên con đường mà số kiếp đã định, hết lòng tận tụy, hi sinh vô điều kiện cho cái gia đình yếu thế, cam chịu của cô vì đó là người sinh ra cô và những người cô đã sinh ra.
Hàng ngày chưa đến 3 giờ sáng cô đã thức dậy, nhẹ nhàng quơ lấy cái áo khoác cũ mèm và cái nón vải đã phai đến độ không thể nhớ chính xác nó đã từng là màu gì! Cô rón rén mở cửa rồi khép lại, đến bên vòi nước ngoài hiên rửa mặt, súc miệng, bươn bả leo lên con dốc để ra đường. Cô phải ra chợ sớm để xếp hàng thuê xe kéo rồi sau đó kéo hàng, khiêng vác từ các xe tải về kho bãi cho đến sáng.
Trước đây cô làm xuyên đêm nhưng do lâu ngày các khớp xương trở nên rệu rã không thể tiếp tục được nữa, cô chuyển sang kéo hàng cho mấy sạp, quày và cửa tiệm tạp hóa trong chợ, chủ yếu trong khoảng nửa đêm về sáng. Hàng nhẹ, đường gần hơn, tiền công cũng ít hơn nhưng có còn hơn không! Sau khi trừ tiền thuê xe kéo, mỗi ngày cô cũng kiếm được một ít để "đầu tư" cho nồi cháo lòng mà cô sẽ bán dạo trên khắp đường phố, ngõ hẻm, ở những quán cóc, gốc cây của cánh xe ôm hay ngoài hàng rào bệnh viện...
Sáng về nhà, chỉ nghỉ ngơi một lát là cô bắt tay vào cùng với con Tiền sơ chế các thứ đã mua. Khi nấu xong nồi cháo bắc lên xe đẩy là đã sắp tới giờ người ta ăn trưa, đến lượt thằng Bạc phụ má đẩy xe lên dốc rồi đi theo bưng cháo, rửa tô... Cuộc mưu sinh đường phố của hai mẹ con dài ngắn, nắng mưa bất kể, có khi xế chiều đã bán hết, có khi ế ẩm đến tối, thậm chí đến khuya. Thương má, thương em, Tiền cứ xin đi bán với má nhưng cô Tần không muốn con gái lớn phải dầu dãi ngoài đường. Cả thằng Bạc cũng sớm biết nghĩ nên dành đi bán với má để chị ở nhà, nó nói như nó là anh cả của con Tiền:
-Ngoài đường đủ hạng người, chị khờ quá ra ngoài mất công lo!
Ở nhà chăm sóc bà ngoại, dọn dẹp nhà cửa, lo cơm nước, giặt giũ cho cả nhà và vô số việc không tên khác, Tiền cũng đủ già hơn độ tuổi mười lăm của nó! Dù đã ra dáng thiếu nữ lắm rồi nhưng nó vẫn chưa hay mình đang sắp trở thành một ai đó, với tóc dài chấm vai, dáng gầy cao và đôi mắt tròn xoe của mẹ, nụ cười rạng rỡ của cha, còn vẻ nguyên sơ ẩn dấu bao điều bí mật kia là của riêng nó. Tiền vô tư, đơn giản, hồn nhiên với tất cả và không cảm thấy thiếu thốn thứ gì khi bên nó luôn là những người thân yêu nhất. Cả ngày nó chỉ trông thằng Vàng đi học về đem truyện Đô-rê-mon mượn của bạn để xem ké rồi hai chị em bàn luận, cười ngặt nghẽo làm bà ngoại cũng cười theo.
Tiền ngủ với bà ngoại trên chiếc giường duy nhất trong nhà. Từ lâu nó đã quen với mùi dầu nóng trên người ngoại, quen cả tiếng ngáy, tiếng thở mệt nhọc và những câu nói mê của ngoại. Hầu như lần nào ngoại cũng gọi tên của má nó, rồi rì rầm, than thở điều gì đó mà may ra chỉ có má mới hiểu được đôi ba câu.
-Ngoại biểu má đừng đi. Không biết ngoại nghĩ má sẽ đi đâu nữa!
Lần khác:
- Tần à, mai dỡ chà...nghe...
Đó là hồi má còn nhỏ ở dưới quê, má phải phụ lo cơm nước cho cánh dỡ chà bắt cá ở khúc sông trước nhà ngoại.
Rồi bữa nọ ngoại khóc thút thít:
-Đắng, đắng lắm!
Chắc ngoại nằm mơ thấy má ép uống thuốc. Ngoại cứ bệnh rề rề, bệnh già, đau chỗ này, nhức chỗ kia, răng lung lay, tay chân tê lạnh... Những viên thuốc do "bác sĩ" phạc-ma-xi nghe má diễn tả rồi làm thinh chẩn bệnh bốc thuốc, chỉ đỡ một hai hôm rồi đâu lại hoàn đấy!
Ba cái võng giăng nối đầu thành hình tam giác giữa nhà, đó là chỗ ngủ của ba người còn lại. Nằm võng suốt nhìn lưng ai cũng cong cong, nhất là cô Tần. Cái dáng cao cao, gầy gầy đã truyền lại cho con Tiền nên bây giờ cái lưng cô tha hồ cong! Cong như đoạn bắt đầu những khúc quanh của đời cô, những khúc quanh không chỉ làm cô điên đảo mà còn làm mấy đứa con nhỏ của cô cũng bị ngả nghiêng theo. Sự thắt ngặt, nghiệt ngã của những khúc quanh đó đã thành những mối dây xiết chặt cuộc đời cô vào những tảng đá, những vực sâu vô phương gỡ thoát.
Tiếng trở mình liên tục của ngoại trên chiếc giường cũ kỹ làm mọi người khó đi vào giấc ngủ sâu. Đã vậy đêm nay lại oi bức hơn hẳn mọi đêm, tiếng võng đưa cót két, tiếng quạt giấy phành phạch, mùi cống rãnh bốc lên... càng thêm bứt rứt. Cây bàng nhỏ bên vệ đường thường khi vẫn nghe xào xạc lá giờ cũng im lìm như không còn tồn tại.
-Má, bắt đầu ngày mai con không ngủ ở nhà nữa!
Giọng thằng Bạc nghe lạ lùng như của ai khác vì nó đang vỡ tiếng mà cũng vì nó vừa đưa ra một quyết đinh bất ngờ và hoàn toàn không phù hợp với một thằng bé mới mười ba tuổi. Cái giọng bình tĩnh, thản nhiên như của người lớn làm cả nhà lặng đi trong cái lặng của đêm hè nặng nề tịch mịch.
Cả nhà đang lơ mơ ngủ bỗng tỉnh rụi. Cô Tần hoảng hồn ngồi bật dậy trên võng, cả cu Vàng cũng chới với, không ngờ chuyện thằng anh nói với nó bữa hổm, căn dặn nó giữ bí mật giờ lại tuyên bố công khai với cả nhà trong khi nó còn chưa biết phải xử trí thế nào.
-Mầy biết mầy mới nói gì không Bạc?
-Con không ngủ ở nhà nữa, ngộp lắm!
-Trời ơi! Ai xúi biểu rủ rê mầy? Không ngủ ở nhà rồi ngủ ở đâu? Ai chứa mầy hả con?
Giọng thằng Bạc vẫn tỉnh bơ:
-Thì ban ngày con vẫn đi bán cháo với má mà! Con chỉ đi ngủ chỗ khác thôi, sáng về.
-Nhưng tại sao phải như vậy? Chỗ khác là chỗ nào? Biết bao người không nhà cửa còn phải ngủ ở lề đường sạp chợ kia kìa!
Thằng Bạc không trả lời, chị hai Tiền chêm vô:
-Chắc là chỗ anh em ông Khanh đó má!
Thấy thằng Bạc làm thinh không cãi, cô Tần điếng hồn. Thằng Khanh nhà ở đầu đường mới vừa ra tù mấy tháng nay vì dính tới một vụ ma túy. Thằng Lữ vừa vô trại giáo dưỡng vì đâm thầy giáo bị thương, cha mẹ nó phải chạy chọt khắp nơi mới được bảo lãnh về nhà. Thằng Bạc mà giao du với anh em nhà đó thì coi như xong, không hiểu bọn chúng dụ dỗ nó bằng mồi gì mà dám đòi bỏ nhà đi ngủ bụi!
Dù cô Tần đã dùng hết cách để răn đe, dỗ dành, năn nỉ... suốt mấy ngày liền nhưng thằng Bạc chỉ chậm lại một chút thôi. Vài hôm sau, những đêm chập chờn hụt hơi trong cái hang ẩm thấp, nồng nực mùi nước thải tù đọng đã không có nó nữa.
Đêm với cô Tần bỗng lại dài lê thê, nghe tiếng ho của bà ngoại, tiếng trở mình đập muỗi của con Tiền, nhìn sang thằng Vàng nằm co trên võng, dường như bao nhiêu nước mắt còn lại trong cuộc đời đã chắt hết ra, tràn lan trên hai gò má nhô cao. Không biết trong cái nhà này sẽ còn xảy ra điều gì nữa đây?! Một nỗi sợ hãi mơ hồ chợt dấy lên trong lòng, cô quyết tâm phải dùng biện pháp mạnh với thằng con lì lợm kia. Nhưng biện pháp gì thì nhất thời cô cũng chưa nghĩ ra!
Ban ngày thằng Bạc vẫn về đúng cái lúc cô Tần đẩy xe cháo lòng lên dốc và đi bán với má đến hết hàng rồi lặn đâu mất. Những hôm bán ế, nhìn gương mặt buồn hiu và cái lưng cong của má vừa đẩy vừa ghìm xe cháo xuống con dốc để vào nhà, Bạc cũng phụ một tay mà lòng nó nặng trĩu. Nó không biết phải nói gì, làm gì, khi việc bỏ nhà đi đêm của nó đã làm má buồn nhiều đến thế. Nhưng nó đã quá chán cái cảnh đêm đêm nằm cong trên võng, quá sợ cái mùi như chuột chết phải hít thở mỗi ngày, và nhất là phải chấp nhận tất cả những thứ đó vây chặt lấy những người thân yêu nhất của nó.
Mẹ thằng Khanh nói với cô Tần:
-Nó ngủ nhà tôi chớ đâu, bà đừng có lo chi cho mệt!
Lo lắng đã đành, trong lòng còn thêm nỗi sợ muốn chết! Gánh nặng mưu sinh cuốn phăng từng ngày đến tối tăm mặt mũi, sợ mà không biết phải làm gì ngăn chặn cho điều sợ hãi đừng xảy ra thì nó xảy ra thật.
Chỉ khoảng một tháng sau thằng Bạc bị công an phường tóm gáy, bắt quả tang vận chuyển mấy tép heroin cho đám người đang nhảy nhót điên cuồng trong một ngôi biệt thự.
Cô Tần rụng rời tay chân nhìn thằng con cúi gằm mặt leo lên xe để tới trại giáo dưỡng dành cho trẻ vị thành niên. Thằng Bạc không dám nhìn má lấy một lần, lòng cô đau như thể có ai cầm dao cắt nát ruột gan.
Cô Cam, cán bộ Hội phụ nữ phường nắm tay cô an ủi:
-Ở hoàn cảnh chị thì nên mừng mới phải! Vô đó cháu sẽ được học văn hóa, học nghề, sau này sẽ có công ăn việc làm tử tế, chị cứ yên tâm.
Cô Tần gạt nước mắt trở về nhà. Chưa bao giờ đường về nhà lại dài đến thế, thân xác mệt mỏi rã rời đến thế! Vừa đến đầu con dốc, vì mải nghĩ đến thằng Bạc, cô bước hụt chân té sấp mặt xuống đất. Cố nén đau, cô lồm cồm ngồi dậy ôm mặt bước khập khiễng vô nhà. Nhìn cái võng của thằng Bạc trống không với đôi dép tổ ong đứt quay gần hết xếp ngay ngắn dưới lưng võng, nước mắt cô lại tuôn rơi. Bà ngoại trở mình, khó nhọc ngồi dậy nhìn cô với đôi mắt lúc nào cũng như ngân ngấn nước của bà:
-Sao chảy máu mũi rồi? Lại đây má lau cho.
Lần đầu tiên sau hàng mấy chục năm trời, khi đã đến tuổi xế chiều, cô Tần gục đầu vào lòng mẹ khóc rưng rức. Bao khổ ải đắng cay, bao cô đơn buồn tủi suốt một đời những tưởng đã vùi sâu, chôn kín, đã chai sạn, đã thành đá để cô đủ dũng cảm và sức mạnh làm điểm tựa cho cả nhà, giờ đây trong đôi cánh tay run rẩy của mẹ già tất cả vụt trào dâng, tuôn đổ như thác nguồn nhấn chìm cô trong khổ đau và bất lực.
Người mẹ già nua đau ốm của cô còn biết làm gì hơn, lặng im ôm con gái mình vào lòng, ôm cả từng cơn nức nở của nó và ngửa mặt thầm khóc với cao xanh.
2.
Cô Tần đi thăm thằng Bạc đâu được vài lần thì bà ngoại mất.
Đêm đó cũng một đêm nóng bức hầm hập, con Tiền ôm gối ra nằm cái võng của thằng Bạc đong đưa mãi tới gần sáng mới ngủ thiếp đi. Chưa được bao lâu nó đã mở choàng mắt vì tiếng kêu thất thanh của cô Tần. Thằng cu Vàng cũng hết hồn loay ngoay như cua bò trên võng.
Người bà, người mẹ, từ lâu lặng lẽ như cái bóng bên con cháu, giờ đây đầu tóc, áo sống gọn gàng, tấm mền mỏng kéo lên ngang ngực, hai tay chắp trên bụng, nằm ngủ yên lành như chưa hề ốm đau bệnh tật, chưa hề chịu đựng những cơn đau tận trong xương. Bà ra đi thật nhẹ nhàng, như chiếc lá bàng khô rụng ngoài kia.
Căn nhà giờ đây càng vắng lặng hơn bao giờ hết. Cô Tần vẫn lao lung khuya sớm với công việc hàng ngày và xe cháo lòng cùng với con Tiền rong ruổi đến tối mịt mới về. Thằng cu Vàng ở nhà một mình, ngày nào cũng ăn cháo thay cơm, có khi cháo ế về khuya để đến sáng lót lòng đi học. Không sữa, không bánh, không quần áo mới, không được đi chơi, không có ai để nói chuyện... Vậy mà nó vẫn đứng nhất lớp, luôn vượt trội với các môn khoa học tự nhiên. Cu Vàng lại có năng khiếu đặc biệt về môn cờ vua và đã giành giải nhất trong cuộc thi cờ khối lớp sáu do trường tổ chức.
Cô Tần hứa sẽ thưởng cho thằng con trai út một cái cặp mới nhưng nó nói cuối năm sẽ có phần thưởng có thể sẽ có cái cặp, nên bây giờ nó xin má dành tiền đó dắt hai chị em đi thăm anh Bạc, một lần thôi cũng được! Cô Tần nghẹn ngào gật đầu, thằng út Vàng mừng rỡ nhảy tưng tưng, còn con Tiền lặng thinh ngó ra ngoài con dốc ẩm ướt đang thả những chiếc lá bàng khô bay xuống trước cửa nhà.
Trong đầu Tiền đang còn chập chờn, lởn vởn một đôi mắt, một cái nhìn đầy ám ảnh. Hôm nay lúc dừng xe cháo trước ngôi nhà bốn tầng có trồng một giàn gấc đầy trái chín trong sân và nhiều chậu hoa rất đẹp, trong lúc má múc cháo vào cái gà-mên cho một bà có vẻ là người giúp việc, Tiền bất chợt bắt gặp ánh mắt lạ thường của người đàn ông phía sau khung cửa sổ đang đăm đăm nhìn nó. Trong khoảnh khắc, một cảm giác kỳ lạ chưa từng có hoàn toàn xâm chiếm Tiền. Nó nhìn sững vào gương mặt ấy, lùi bước đến sát bên cạnh má. Rồi gương mặt biến mất sau một nụ cười, tấm màn cửa màu trắng ngà buông xuống bất động như chưa từng được vén lên trước đó chừng một phút.
Hai chị em cu Vàng đã không còn cơ hội được má đưa đi thăm anh Bạc.
Đêm trước cùng với con Tiền đi bán về khuya vì cháo ế, cô Tần vốn mất ngủ triền miên lại buồn rầu nên càng khó ngủ. Cô dậy sớm hơn mọi khi, ngồi nhìn các con một hồi rồi rời nhà để ra chợ. Khi gắng sức bưng một thùng chứa đầy bình nước xả vải loại 2.800 ml, cô đã ngã quỵ trên thùng hàng và bất tỉnh. Vài người bốc vác quen biết lâu năm đã bỏ việc làm hôm đó để đưa cô vào bệnh viện cấp cứu.
Người phụ nữ bạc số ấy đã không tỉnh dậy lần nào, cứ thế âm thầm ra đi như vẫn thường ra đi mỗi khi trời rạng sáng.
Chị em con Tiền ngơ ngác, chưa kịp hiểu điều gì đang xảy ra với chúng khi má không còn trở về trong căn nhà hiu quạnh. Chúng như đang trôi trong một giấc mơ lạc loài hoang vắng. Khi bừng tỉnh để nhận biết thực tại và hiểu rằng từ nay má sẽ không còn bên cạnh, không còn gặp lại, không còn được má ôm vào lòng để hít sâu mùi má, mùi của lam lũ yêu thương, của sớm khuya chăm bẵm, má đã chết rồi... chúng mới kêu gào hoảng loạn như những con chim non vừa rơi ra khỏi tổ, rơi khỏi lòng mẹ bao dung...
Vậy là từ nay chỉ còn một mình Tiền trên những ngả đường với chiếc xe cháo lòng đã vơi bớt phân nửa, hương vị nồi cháo thì càng vơi đi nhiều hơn! Nó nhớ rất rõ những công đoạn má làm, nêm nếm y chang nhưng không hiểu sao vẫn nấu không ra cái vị ngon hàng mấy chục năm của má. Những khách quen hiểu rõ hoàn cảnh cũng nhiệt tình ủng hộ con nhỏ một thời gian nhưng rồi nồi cháo vẫn thường xuyên ế chỏng ế chơ, bếp lửa để ủ nóng cho nồi cháo âm ỉ đến mỏi mòn rồi cũng tắt ngấm. Cháo lòng lang thang của cô Tần đã mai một, thất truyền trong sớm tối!
Hội phụ nữ phường quá nhiều việc để làm nhưng cô Cam và các chị em vẫn ưu tiên trường hợp của gia đình cô Tần, bây giờ chỉ còn hai đứa nhỏ không người nuôi dưỡng. Mức trợ cấp xã hội cho trẻ mồ côi dưới 16 tuổi cùng lắm chỉ đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu, còn những vấn đề bức thiết khác phải tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ chúng thôi!
Cu Vàng đang được hưởng học bổng của trường lại là học sinh giỏi toàn diện nên chưa phải lo lắm về khoản học phí và dụng cụ học tập. Một gia đình Việt-Anh hiếm muộn hiện là giáo viên thỉnh giảng của Trung tâm ngoại ngữ thuộc trường đang tiếp cận, tìm hiểu nguyện vọng của cậu bé, nếu thuận lợi sẽ xúc tiến thủ tục nhận con nuôi.
Còn Tiền, khổ cái là đã dang dở học hành từ hồi chưa xong lớp năm nên chỉ có thể theo học nghề lao động phổ thông. Nếu muốn nó có thể học bổ túc văn hóa song song với học nghề do cơ sở đào tạo của Trung tâm xúc tiến việc làm kết hợp với Hội phụ nữ mở tại địa phương, học phí sẽ do Quỹ Bảo trợ trẻ em VN giúp đỡ.
Lớp đào tạo nghề may gia công học ban ngày, lớp bổ túc văn hóa học ban đêm. Sau khi lo cơm nước cho em, Tiền cứ ngày bốn lượt đi về, nét vô tư hồn nhiên xưa kia đã dần biến mất, đôi mắt nó bỗng buồn thăm thẳm như của một người từng trải.
Một điều không ngờ là đường đến lớp lại đi ngang ngôi nhà có trồng giàn gấc hôm đó. Những trái gấc xanh pha ánh vàng xen lẫn trái chín màu đỏ cam rực rỡ làm Tiền cứ xuýt xoa, thầm nhớ món xôi gấc của bà ngoại mà mấy chị em nó rất thích. Tiền có vẻ đã quên bẵng chuyện người đàn ông sau khung cửa, hay ít nhất đã nhận ra sự vô lý của nỗi sợ hãi lúc đó!
Nhưng càng không thể ngờ, đôi mắt đáng sợ trong khung cửa đó một lần chợt nhìn thấy Tiền đi ngang qua và bắt đầu chờ đợi để nhìn thấy nó từng sáng, từng chiều. Hắn cũng đã nhiều lần giả như đi tập thể dục, theo sau Tiền cách một quãng ngắn rồi dừng lại ở phía bên kia đường, nhìn con bé đi xuống cái dốc nhỏ và mất hút trong đó.
Cho đến một buổi tối kia cũng vậy, hắn vẫn đi phía sau Tiền cách một quãng ngắn nhưng không có ý định dừng lại. Cô bé bước xuống con dốc ẩm ướt nước triều cường, mở cửa, bật đèn. Trong nhà nước đã dâng lên tới mắt cá chân, Tiền định tát bớt nước rồi mới đóng cửa. Nó biết có tát nước ra cũng vô ích thôi nhưng muốn làm để giết thời gian, để đỡ nhớ ngoại, nhớ má. Với lại hôm nay sau khi tan học cu Vàng có buổi thi đấu cờ vua trong trường, Tiền phải đợi em về để hâm nóng đồ ăn cho nó. Nhưng vừa để cái cặp xuống bàn, Tiền hoảng hốt quay lại vì nghe tiếng chân rột roạt hối hả khác thường trong nước.
Ngay lập tức, Tiền nhận ra gương mặt của người đàn ông sau khung cửa kia. Ánh mắt hiện giờ của hắn còn đáng sợ gấp ngàn lần hôm đó. Có lẽ cái cảm giác lạ kỳ chiếm lĩnh hồn xác Tiền hôm đó chính là một dự cảm bất an, điềm báo trước về một tai ương khôn lường mà nó phải đối mặt từ gã đàn ông. Tiền điếng người chôn chân trên nền gạch ngập nước, nó nói không ra hơi:
-Ông... ông vô nhà tôi làm gì? Đi ra đi, không tôi la lên đó!
Tên đàn ông không nói không rằng, vẫn với nụ cười của quỷ, hắn từ từ bước về phía con bé đang hoảng sợ đến hồn phi phách tán. Tiền cứ lùi dần về phía sau như đã lùi về phía má hôm đó. Khi gã bất ngờ lao tới, con bé thét lên:
-Má ơi! Cô bác ơi !Cứu con!
Gã ôm chặt người Tiền, bất kể nó vừa vùng vẫy la hét vừa cào cấu vào mặt vào cổ hắn:
-Vàng ơi! Vàng ơi! Cứu chị với Vàng ơi!!!
Nhưng không ai nghe tiếng kêu cứu thất thanh của Tiền vọng lên như từ dưới đáy hang. Giọng nó khản đặc, sức chống cự yếu dần trong khi gã kia càng lúc càng hung hãn. Hắn tát vào mặt Tiền liên tiếp mấy cái vì đã cào rách mí mắt hắn đến chảy máu lại còn cắn vào tay hắn khi hắn cố bịt miệng nó. Hắn xé toạc chiếc áo sơ mi trắng Tiền đang mặc, cả cái áo lót mỏng manh để lộ vùng ngực thanh tân của một bé gái vừa bước sang tuổi mười lăm. Tiền nhũn người, yếu ớt đưa tay che ngực. Hắn quật cô bé xuống nền nhà. Làn nước tù đọng dơ bẩn ngấm vào tóc tai thân thể cũng không làm Tiền ghê tởm bằng cái việc mà tên thú vật kia đang làm.
Cô bé ngất đi trong đau đớn, tủi hổ và căm giận tột cùng.
Sắp về đến nhà, thằng Vàng quay lại nhìn theo người đàn ông vừa đi ngang qua nó dưới ánh đèn đường. Trông ông ta như vừa từ địa ngục chui lên, lúc đi lúc chạy với một bên mắt đầy máu, quần áo ướt sũng. Bóng tối đi theo che phủ ông ta hay ông ta cố tình đi lẩn vào bóng tối dưới những tàn cây trên đường, chập chờn như một bóng ma!
Vào đến cửa nhìn thấy cảnh tượng bên trong, thằng Vàng buông cả sách vở rợi xuống nước, run lẩy bẩy chạy đến bên chị. Nó òa khóc vì tưởng chị đã chết. Tiền nằm thiêm thiếp dưới nền nhà, mực nước đục ngầu tanh tưởi mấp mé trên thân mình trắng xanh nhợt nhạt, một vạt tóc đen bết dính vắt ngang qua gương mặt. Nó nghe tiếng thằng Vàng khóc nên cố chống tay gượng ngồi dậy, níu lấy tấm áo rách phủ lên người...
Thân thể trong trắng và tâm hồn thuần khiết của một thiên thần đã bị vấy bẩn. Một trăm năm hay ngàn năm kết tinh từ ánh sáng của muôn vàn tinh tú, chắt lọc từ vô số sắc hương kỳ vĩ trong vũ trụ, ký thác vào đó biết bao điều vi diệu để trái đất này xuất hiện một trinh nữ? Liệu sự trinh bạch bị tước đoạt bởi loài thú man rợ phải trả giá bằng bao nhiêu lần sinh mạng của chính nó mới có thể đòi lại công bằng?
(còn tiếp)
VVM.08.9.2023.NVA