Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



NGÀY VỀ




Nguyên tác của Teruko Hyuga (Nhật Bản)

     Vài Hàng Về Tác Giả:
       Teruko Hyuga là bút hiệu của Hisako Hasegawa. Sinh năm 1934 tại Nhật Bản, bà đam mê viết truyện ngắn từ khi còn học ở bậc trung học. Vì vốn Anh Ngữ dồi dào, bà làm việc trong căn cứ quân sự của Mỹ tại Nhật Bản. Những truyện ngắn của bà thường là những đề tài tâm lý, xã hội và viết cho thanh thiếu niên.

♣♣♣

S uguru nói với tôi:

- Em à, mình không về nhà má vào ngày tết được thì mình về vào dịp lễ Obon sắp tới nhé (Chú thích: Obon là ngày các linh hồn người quá cố trở về họp mặt cùng gia đình vào tháng Bẩy mỗi năm).

- Em biết, nhưng hồi này em không thấy khỏe. Cứ ngồi lên xe lửa là em thấy chóng mặt, nhất là vào mùa hè như thế này. Mình ráng chờ tới tháng Chín tới vậy, chỉ cách nhau có hơn một tháng thôi. Anh viết thư nói là mình sẽ về thăm mẹ vào tháng Chín tới nhé. Mẹ thông cảm mà.

Suguru giải thích:

- Vào mùa hè ở nơi mẹ ở mát lắm. Mà ngày lễ Obon vào tháng Bẩy, đợi đến tháng Chín là trễ hơn cả hai tháng đó.

- Tháng Bẩy! Mình không thể đi vào tháng Bẩy được. Thằng Haruo không ưa chuyến đi dài trên xe lửa vào mùa hè, mà em cũng không muốn đi vào dịp đó nữa.

- Sống ở Tokyo nóng nực này vào mùa hè là điều vô lý, mà em cũng chẳng thích lên vùng miền Bắc nữa. Chắc mẹ nghĩ mình lấy cớ để không muốn về thăm đây mà … Vậy thì nếu không về vào dịp này thì phải hứa chắc với mẹ là tới tháng Chín mình sẽ về.

Tôi gật đầu:

- Em hứa, anh cứ viết như vậy đi.

- Được rồi. Anh cảm thấy mang tội với mẹ.

- Xin lỗi anh, em cũng thấy có lỗi với mẹ. Em sẽ làm cho mẹ vui.


Thực tình thì tôi cũng cảm thấy có lỗi với bà. Năm năm trước, khi Suguru và tôi làm đám cưới tại thủ đô Tokyo, chúng tôi có hứa là sẽ rời thành phố này để về chung sống luôn với bà cho bà vui. Bà sống một mình ở đây, bố chồng tôi đã mất cách đó ba năm. Cho đến bây giờ thằng con trai Haruo đã được bốn tuổi mà chúng tôi vẫn còn sống tại Tokyo và chúng tôi cũng cố gắng thu xếp để mỗi năm về thăm một lần. Năm ngoái Suguru cố thuyết phục tôi về thăm bà vào dịp tết nhưng nghĩ đến việc sống tại miền Bắc nước Nhật trên đảo Honshu vào mùa đông lạnh giá làm tôi rùng mình.

- Thôi được. – Nói xong Suguru viết liền một lá thư, chỉ một tuần sau chúng tôi nhận được thư trả lời, nói là bà mong chúng tôi trở về vào tháng Chín tới.

Vào dịp lễ Obon, chúng tôi tới nhà cha mẹ đẻ của tôi. Nhìn thấy các con cháu quây quần quanh cha mẹ, tôi cảm thấy buồn và có lỗi. Suguru là con trai độc nhất mà lại để mẹ cô đơn một mình.

Vào giữa tháng Tám, cầm tờ lịch trình các chuyến khởi hành trên tay, Suguru hỏi tôi:

- Mình có thể đi vào ngày mùng Một tháng Chín được không?

- Được chứ, anh đi mua vé đi.

Tôi hiểu là vào đầu tháng Chín trời vẫn còn nóng bức, nhưng tôi phải đồng ý vì không muốn để Suguru và mẹ chồng buồn lòng. Tới buổi trưa ngày 21 tháng Tám, sau khi cơm nước xong, tôi nhận được một bức điện tín. Khi mở ra đọc, mắt tôi hoa lên. Đọc đi, đọc lại mấy lần tôi mới lấy lại bình tĩnh và gọi liền cho Suguru báo cho anh biết là mẹ đã mất. Khi nghe tôi đọc xong bức điện tín, anh không nói được câu nào. Phải mất năm sáu phút sau, anh mới nói với tôi:

- Anh sẽ về nhà ngay bây giờ, chúng mình sẽ đi liền vào tối nay. Bây giờ em thu xếp hành lý nhé.

- Vâng. - Tim tôi như vỡ ra từng mảnh.


Tôi giận chính tôi. Tất cả chỉ vì tôi mà anh Suguru không về thăm bà vào dịp lễ Obon. Bây giờ thì tất cả đã quá trễ. Vơ vội ít quần áo của tôi, của chồng và thằng Hanuo bỏ vào một chiếc va li rồi tôi báo cho cha mẹ tôi biết. Mẹ tôi muốn tới giúp nhưng tôi từ chối vì có thể khi bà tới nơi thì chúng tôi đã đi rồi.

Chúng tôi lấy vé chuyến xe lửa tốc hành. Trong suốt cuộc hành trình, Suguru nhắm mắt lại mà chẳng nói một tiếng nào. Lẽ ra anh phải về với mẹ anh vào dịp tết, anh phải về với bà vào dịp lễ Obon, anh phải dọn về ở luôn tại tỉnh đó để chăm sóc cho bà, cho bà vui trong những tháng năm cuối đời. Tất cả là lỗi tại tôi, tại tôi tất cả. Tôi cảm thấy xấu hổ quá, hối hận quá. Chỉ vì tôi mà anh đang tự trách mình. Tôi hiểu là anh đang tự trách chính anh hơn là trách tôi. Tôi muốn mở miệng xin lỗi nhưng nếu nói ra thì chúng tôi sẽ khóc ngay tại đây. Anh sẽ nói là đã quá trễ rồi và bây giờ thì cũng đã quá trễ để nói lời xin lỗi.

Sáng hôm sau thì chuyến xe tới nơi. Trên đường tới nhà mẹ chồng, vài lần tôi định nói câu xin lỗi … Cuối cùng, khi căn nhà hiện ra truớc mắt, tôi thu hết can đảm nói với anh:

- Suguru, anh có tha thứ cho em không?

Anh nhìn tôi rồi gật đầu. Tôi hiểu là anh không trách và cũng tha thứ cho tôi. Anh vẫn không nói một câu nào và cho đến bây giờ tôi chợt hiểu mình là một đứa con dâu ích kỷ, một người vợ ích kỷ.

Họ hàng và những người hàng xóm đã ngồi chật trong nhà. Tôi không biết hầu hết những người này, có điều tôi biết bây giờ là mọi người đang nhìn tôi, một phụ nữ từ thủ đô Tokyo về và chắc là họ cũng bàn tán nhiều về lý do tại sao mà Suguru không về sống với bà mẹ. Tôi theo anh đi vào phòng trong, lòng tôi nói lên lời xin lỗi và xin bà tha thứ. Tôi cũng được kể lại bà là một người đàn bà phi thường. Tuy thể chất yếu ớt nhưng lại thông minh, cư xử rất đại lượng và chẳng ngại những công việc khó khăn. Tôi kính trọng bà mà không có dịp sống gần gũi để hiểu bà, tôi hối tiếc và hối hận để bà mất trong cô độc, tuy vậy tôi không thể khóc lên được, nếu tôi khóc được thì nỗi hối hận trong lòng cũng được vơi bớt.


Suguru rất bận, anh phải đi với vài người thân để lo việc ma chay. Vì tôi không quen với tục lệ ở đây nên tôi chọn việc làm trong bếp cùng với một bà già và tôi làm theo những điều bà sai bảo.

Đêm đầu tiên sau đám tang, đêm đầu tiên ở đây, chúng tôi cảm thấy thật cô đơn. Suguru nói với tôi là viên tu sĩ dặn anh là không được để hũ tro đựng xương cốt mẹ trong ngôi nhà mồ của gia đình cũng như phải mang hũ tro xương cốt cha anh để ở chỗ khác. Tôi ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao vậy? Đó là nhà mồ của gia đình mà.

- Đúng vậy, theo anh nghĩ, ông bà anh ngủ trong đó, cả cha anh, rồi bây giờ tới mẹ nữa. Vì anh sống ở Tokyo lâu nên không hiểu rõ tục lệ ở đây nên vẫn tin là như vậy. Ông ta nói là tại cha anh sống xa gia đình lâu nên phải có riêng một ngôi nhà mồ khác. Ông ta cũng nói là chưa kịp nói với mẹ anh về việc này vì bà đang đau yếu, bây giờ nghe anh về đây ở luôn nên sau này sẽ bàn kỹ lại với anh. Theo anh nghĩ thì ông ta muốn mình bỏ tiền ra mua ngôi nhà mồ mới đó thôi.

Suguru phải liên hệ với rất nhiều nơi để chuẩn bị mở một cửa hàng khi chúng tôi quay về sống vĩnh viễn tại thành phố miền bắc này nơi cha mẹ anh đã sinh sống. Chúng tôi ở lại đây một tháng rồi quay về Tokyo Tôi biết là lần này phải giã từ thủ đô vĩnh viễn nhưng lại cố trì hoãn ngày đi. Mẹ anh đã mất thì việc gì phải vội vã chứ. Suguru đã sống suốt mười hai năm ở Tokyo nên không phải chỉ xách một chiếc túi rồi ra đi là xong. Phải mất cả hai năm sau chúng tôi mới rời thành phố này, còn cha mẹ đẻ của tôi thì buồn khi thấy tôi ra đi, mẹ thì quyết định đi theo giúp tôi làm lại cuộc sống mới.

Khởi đầu Suguru quyết định làm mướn cho người khác cho tới khi sẵn sàng mở cửa tiệm riêng … chúng tôi đang cần thêm tiền. Bà mẹ chồng tôi có cửa tiệm bán len, còn Suguru thì chuyên môn sửa và buôn bán đồ điện vì vậy cửa tiệm này cần sửa lại cho thích hợp. Trong thời gian chúng tôi ở Tokyo, thị trấn nhỏ bé này đã có nhiều người tới ở cũng như nhiều cửa hàng lớn mọc lên bán cùng một loại hàng hoá do đó việc buôn bán trở thành khó khăn vì có sự cạnh tranh ráo riết. Suguru hiểu rõ điều đó, tuy nhiên đây là quê quán của anh nên anh tin rằng sẽ thành công.

Sau vài tháng làm việc cho một cửa hàng, cửa tiệm mới của anh mở cửa và mẹ tôi trở về Tokyo. Nhiều người hàng xóm, bạn cũ của anh và của cha mẹ tới viếng thăm. Suguru cảm thấy tự tin. Vào mùa xuân thì thằng Haruo bắt đầu đi học và đời sống của chúng tôi dần dần ổn định.


Khoảng một năm sau sau đó, viên tu sĩ ghé qua nhà nhưng Suguru bận ở ngoài tiệm. Ông ta nhắn với tôi là muốn bàn với Suguru về vấn đề mồ mả. Vài tháng trôi qua, chúng tôi lại nhận được một lá thư của viên tu sĩ này, ông ta nhấn mạnh là muốn Suguru phải rời ngay hũ tro xương cốt của cha mẹ tôi ra khỏi nhà mồ cũ và muốn bàn với anh vài biện pháp tạm thời. Suguru cười lớn và gọi cho ông ta:

- Sư biết là tôi vừa mở cửa tiệm và không thể làm gì hơn được vì chưa có nhiều khách hàng. Hãy đợi cho tôi ít lâu nữa. Sư cũng biết là tôi và cha tôi hết lòng ủng hộ chùa mà. Tôi mới trở lại đây và là hiện nay việc buôn bán bị cạnh tranh rất mạnh. Hãy kiên nhẫn đợi ít lâu nữa.

Rồi Haruo lên lớp hai, công việc buôn bán trở nên phát đạt hơn và đời sống của chúng tôi cũng dễ chịu. Một ngày nọ, Suguru mang về một số tờ quảng cáo về nơi đặt mộ phần. Anh nói với tôi:

- Cha mẹ cần một nơi an nghỉ an bình và phải đẹp, rồi trước sau gì mình cũng theo hai người ở chung một chỗ và nơi đó cũng là nhà của gia đình mình, phải không em.

Tôi gật đầu mặc dù trong thâm tâm chẳng có hứng thú gì khi nói về chuyện chết chóc cả.

- Mà cũng chẳng vội vã gì. Mình phải suy nghĩ cẩn thận trước khi quyết định. Nếu ông ta tới, em cứ nói là anh đang suy nghĩ.


Vào một ngày đầu tháng Sáu, ông Kawai, chủ cũ của Suguru tại Tokyo gọi tới. Ông nhắn với tôi:

- Này bà Asai, tôi mong chồng bà về lại Tokyo trong một tuần lễ vào tuần sau. Chúng tôi có buổi họp mặt cho tất cả nhân viên cũ cũng như đang làm việc. Tôi biết là anh ấy phải đóng cửa tiệm nhưng chúng tôi sẽ bồi hoàn đầy đủ trong suốt thời gian tiệm đóng cửa. Xin nói với anh Suguru là chúng tôi rất mong anh ấy trở về đây ít ngày nhé.

Khi báo cho Suguru biết tin này, anh lập tức gọi cho ông Kawai báo cho biết là anh sẽ có mặt tại Tokyo tuần tới. Tôi nói với anh:

- Em cũng muốn về Tokyo ít ngày để thăm cha mẹ. Đã lâu em không gặp hai người …

- Nhưng Haruo còn đang đi học. Hãy đợi tới lúc nghỉ hè thì em và nó cùng đi thăm ông bà ngoại. Bây giờ anh về lại đó rồi mời hai người về đây chơi ít bữa.

- Có thể mẹ đi, còn cha thì không chắc. Anh cố thuyết phục cả hai cùng đi nhé. Còn công việc ở đó thì mấy anh em của em lo được mà.

Tôi biết Suguru rất quí mến cha mẹ tôi, hai người cũng coi anh như con ruột vậy. Tôi thầm cám ơn về sự đối xử của anh với gia đình cha mẹ tôi. Sau khi Suguru đi, tôi thấy cô đơn quá. Tôi có một cảm giác như một đứa bé bị bỏ rơi vậy. Đây là lần đầu tiên tôi sống một mình với thằng Haruo tại một tỉnh cực Bắc nước Nhật, quá xa với quê quán của tôi. Tôi đếm từng giờ, từng phút, mong mỏi Suguru về sớm và cuối cùng thì anh cũng trở về nhưng chỉ một mình mà không có cha mẹ.

- Ông bà sẽ về đây chơi vào kỳ nghỉ hè tới. Như vậy là tất cả sẽ có một mùa hè tuyệt vời, anh sẽ đưa cả nhà đi nghỉ tại hồ Towada.

- Thật là tuyệt, em cũng ao ước có dịp đi nghỉ mát tại đó.

Anh mở chiếc va li ra:

- Bà Kawai có tặng em hai chiếc áo Kimono, còn hai chiếc xe hơi nhựa này là của ông ngoại cho Haruo đó.

Haruo ôm lấy hai chiếc xe;

- Con cám ơn ông ngoại.

- Ông Kawai trả tiền xe cho anh và chịu tất cả tổn phí. Ngoài ra, vì mình đóng cửa tiệm suốt tuần nên ông ấy gửi cho mình một số hàng hoá để đền bù thiệt hại và cũng là quà tặng nữa.

Tôi cầm hai chiếc áo lên:

- Ông bà ấy là người tử tế. Có vẻ họ thích anh vì trước kia anh đã tận tâm làm việc cho họ. Hai chiếc áo Kimono này đắt lắm đây, em sẽ viết thư cám ơn bà ấy.

Tôi có thể nói là anh đã có những ngày vui ở Tokyo. Nghĩ tới việc cha mẹ sẽ về đây với chúng tôi vào mùa hè tới khiến tôi phấn khởi.

Vào một buổi sáng giữa tháng bẩy, Suguru đi giao chiếc TV mới cho khách hàng. Khoảng một giờ sau, tôi nhận được một cú điện thoại báo chiếc xe của anh bị một chiếc xe vận tải đâm phải và anh đã được chở vào bệnh viện.

- Trời ơi, giờ này anh phải trên đường trở về nhà rồi. – Tôi như bị tê liệt hoàn toàn, trong vài phút không thể cử động được. Suguru là một người rất cẩn thận và lái xe thật giỏi, tài xế chiếc xe vận tải đã say rượu, lái cẩu thả và vượt đèn đỏ. – Ông trời thật bất công. – Tôi lẩm bẩm khi cố đứng dậy để đi tới tới bệnh viện. Tôi không thể đi nhanh được, sức lực trong người tôi hầu như đã tan biến hết.


Nhân viên bệnh viện cho tôi hay là Suguru bị bất tỉnh và chết ngay sau khi bị chiếc xe vận tải đụng phải. Hai chân tôi nhũn ra, không còn mang nổi thân hình nữa, hai cô y tá phải dìu tôi đứng dậy rồi đưa vào phòng nơi anh đang nằm. Tôi nghe được tiếng kêu gào của chính tôi:

- Không, không thể như thế được … anh Suguru ơi, anh không chết được … bác sĩ phải cố cứu anh ấy. Ông phải làm gì đi, không thể để anh ấy chết được. Làm ơn cứu anh ấy … Thức dậy đi, anh Suguru ơi, làm ơn thức dậy đi. Đừng đi, đừng bỏ hai mẹ con em, anh ơi. Em và Haruo cần anh lắm, anh ơi …

Tôi kêu khóc rồi ngất đi. Khi tỉnh lại nhìn thấy thân xác anh nằm bất động trên giường thì lại khóc ngất cho tới trưa thì được người quen chở về nhà. Việc đầu tiên tôi phải làm là gọi báo tin cho Haruo ở trường, anh chị em của Suguru và cha mẹ tôi. Lúc này tôi là hai con người hoàn toàn trái ngược, một là viên quản lý thu xếp mọi việc cần thiết trong nhà cũng như ngoài tiệm, còn vai khác là một người vợ đau khổ vừa mất chồng.

Sáng hôm sau cha mẹ tôi tới, hai người giúp tôi thật nhiều việc, còn họ hàng và hàng xóm có thái độ khác hẳn lúc tôi vừa về đây khi mẹ của Sugaru mất. Họ thật vồn vã, thật tình giúp tôi mọi chuyện. Cha mẹ khuyên tôi trở về lại Tokyo sau khi ma chay cho Suguru xong vì tôi không thể sống tại tỉnh cực bắc nước Nhật này mà không có Suguru, hơn nữa mọi người ở đây lại nói tiếng địa phương khác hẳn với ngôn ngữ của tôi ở Tokyo, còn Haruo thì còn quá nhỏ, không thể coi sóc cửa hàng, còn tôi thì từ nhỏ chưa làm việc bao giờ, như vậy thì làm sao có thể sống ở đây được.


Hai năm trước đây, tôi không muốn sống ở đây mà chỉ muốn trở lại Tokyo. Nhưng bây giờ thì khác, tôi không thể nào bỏ dở dự tính của Suguru. Cuộc sống của anh là ở đây, đời sống của gia đình chúng tôi là tại nơi này. Không, tôi không muốn trở lại Tokyo mà phải sống ở đây như ý nguyện của Sugaru.

Cha mẹ tôi không tin vào khả năng của tôi. Họ hàng của Suguru khi biết được quyết định của tôi thì tỏ vẻ rất hài lòng, có người lại nói tôi giống như mẹ của Sugaru, bà lấy được cảm tình của họ hàng bên chồng ngay khi vừa lấy cha anh. Lời bình phẩm này làm tôi vui vì đây là lần đầu tiên tôi được khen ngợi từ họ hàng nhà chồng.

Viên tu sĩ nhắn với tôi là không được để tro của Suguru nơi cha mẹ anh nằm và cũng nói là phải lấy hai hũ tro xương của hai người ra khỏi ngôi mồ sớm. Tôi cố thuyết phục nhưng ông ta nói là sẽ để tạm cả ba hũ tro đựng xương cốt ba người phía sau chùa cho tới khi tôi tìm được ngôi mồ mới cho gia đình. Ông ta nói tới một nơi giá quá đắt, tôi tạm thời phải đồng ý vì còn quá nhiều việc phải làm. Trước khi rời khỏi thị trấn, cha nói với tôi:

- Momoko, con có chắc là con muốn ở lại đây không?

- Con sẽ cố gắng lo liệu.

Hai người nhìn nhau lo ngại, tôi nói tiếp:

- Anh Suguru muốn đưa cha mẹ tới hồ Towada chơi, một ngày nào đó, con sẽ thay anh ấy đưa cha mẹ đi.

Hai người lại nhìn nhau, cha tôi trở lại Tokyo hai tuần lễ sau khi Suguru mất, còn mẹ thì ở lại thêm với tôi ít lâu. Mẹ lo lắng hỏi tôi:

- Haruo thì còn quá nhỏ, mới học lớp hai. Con sẽ tính như thế nào về cửa tiệm đây?

- Con sẽ tìm trong đám họ hàng xem có người nào đủ khả năng quản lý được cửa tiệm không. Mọi người đã biết là con ở lại nên có ý giúp con, con thấy là họ bắt đầu qúi mến con … mới đầu họ tưởng là con sẽ bỏ đi, nhưng bây giờ thì hiểu là con ở lại nên …

Thấy nét lo âu vẫn còn trên nét mặt mẹ, tôi nói tiếp:

- Dẫu sao đi nữa thì con sẽ phấn đấu cho tới khi Haruo đủ trí khôn lo liệu được cửa tiệm. Con có đủ can đảm cho tới khi nó có vợ con, con sẽ tranh đấu tới cùng, mẹ ạ.

- Momoko, có thể rồi Haruo sẽ không thích làm việc trong cửa tiệm của cha nó cũng như cô dâu thời nay không thích sống chung với mẹ chồng. Lúc đó con sẽ phải sống cô độc ở đây.

- Không sao, sẽ không phiền hà gì cả, mẹ ạ. Chính ra con phải về đây từ sớm để sống với mẹ của Sugaru. Nếu con phải sống một mình ở đây thì cũng giống như mẹ chồng của con vậy thôi. Con sẽ tiếp tục tranh đấu cho tới khi Haruo có vợ và con.

Thấy tôi đã quyết định dứt khoát, mẹ nắm tay tôi:

- Mong là quyết định của con đúng, mẹ cũng cầu cho con may mắn và có đứa con dâu tốt.

- Mẹ ạ, con phải bán vài chiếc áo Kimono mà mẹ cho con trước khi con lấy chồng để trả tiền lo ma chay cho ông sư và tiền mua lô đất làm nhà mồ cho gia đình nữa. Chưa bao giờ con nghĩ là phải bán những chiếc áo Kimono hay mua nhà mồ cho chính mình nữa.

- Mẹ mừng là đã giúp được cho con, mà mẹ của Suguru chắc cũng có những chiếc áo kimono nữa, con coi lại thử xem.

- Vâng, con quên mất. Phải rồi, bà cũng có mấy cái đẹp lắm. Bà để lại cho con, thế mà con chẳng làm được gì cho bà. Con có lỗi nhiều lắm.

- Thì con cũng dùng để mua cho bà khu nhà mồ mới. Mẹ cũng mừng cho con là bán hết thì con đủ tiền để lo liệu cho xong việc đó.


Sau hai tháng ở với tôi, mẹ quay trở về Tokyo, bà hứa sẽ trở lại với tôi sớm. Hai tháng sau đó tôi trả tiền lo ma chay cho ông sư và kiếm được một người trẻ tuổi trông nom cửa tiệm. Sáu tháng sau đó tôi mua được ngôi mộ phần mới. Tôi được họ hàng của Sugaru và cha mẹ giúp đỡ nên bắt đầu tự tin. Tôi cũng không phải bán đi những chiếc Kimono của bà mẹ chồng nên giữ lại để mặc ở nhà. Chắc là bà hài lòng với quyết định này lắm.

Tôi bắt đầu tìm hiểu về mẹ chồng tôi qua họ hàng của Suguru vì tôi muốn học những đức tính tốt của bà. Bà đã không trách mắng tôi và Suguru khi chúng tôi không trở về sớm. Bà đã để cho Suguru sống cuộc đời của anh. Tôi biết là quyết định như vậy là một hy sinh lớn lao và phải đối diện với biết bao nỗi thất vọng và rồi tương lai tôi chắc cũng phải qua những con đường như vậy. Tôi nghĩ về mẹ chồng của tôi, bà là một tấm gương, một bó đuốc dẫn đường cho tôi. Mong mỏi là Haruo và vợ của nó sẽ yêu mến và kính trọng tôi như tôi đã qúi mến và kính trọng bà vậy.




VVM.02.9.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .