Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

GIỌT NƯỚC MẮT
CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG TRẦM CẢM


                     

M ột ngày nọ tôi có nhiệm vụ đưa hai vợ chồng người Mỹ đi tham quan trải nghiệm một làng nghề ẩm thực gần Huế, hướng dẫn họ làm cái bánh tráng truyền thống của Việt Nam rồi sau đó mời họ về ăn cơm với gia đình để họ tìm hiểu thêm lối sống đời thường của một phụ nữ Huế tạm dịch là “Famous Lady”.

Xe Công ty Du lịch đến tận nhà đón tôi. Lúc bước vào xe, tôi gật đầu chào cặp vợ chồng đang ngồi bên trong. Cô vợ xinh đẹp vui vẻ chào tôi. Nhưng người chồng, thật lạ! Tôi có cảm giác ông ta như một pho tượng, nghĩa là không có một phản ứng nào trên khuôn mặt lạnh lùng để đáp trả lời chào lịch sự của tôi.

Tôi ngồi băng trước cạnh tài xế, quay người lại để thông báo cho họ về lịch trình chuyến tham quan hôm nay. Bà vợ rất hào hứng hỏi thêm tôi một số chi tiết. Ông chồng vẫn như một tượng đá không cảm xúc. Tôi cố gượng để cái cảm giác mất hứng khỏi chi phối suốt hành trình.

Quả nét mặt ông ấy đã gây cảm giác sờ sợ cho tôi ngay phút đầu. Một khuôn mặt với mấy vết sẹo trên gò má. Nơi khóe mắt có thêm một vết sẹo sâu, kéo con mắt trái xếch lên, trông rất hung dữ. Tôi cố bằng một thái độ thân thiện với giọng nói nhẹ nhàng để hoàn thành khúc dạo ban đầu với khách rồi quay lên ngồi im lặng. Một cánh tay từ phía sau vói lên nắm tay tôi bóp nhẹ nhẹ.

Đó là bàn tay người vợ. Tôi quay lại mĩm cười. Tôi nhận ra đó là một thông điệp cảm thông.

Lúc đến làng nghề, tôi xuống trước, mở cửa mời khách. Bà vợ nhanh nhẹn xuống xe. Ông chồng vẫn ngồi lì trong xe, không nói không rằng gì cả. Tôi mời mãi mà ông không xuống khiến tôi thật sự ngỡ ngàng. Bà vợ kéo tôi đi. Vừa đi bà vừa nói:

“Madame đừng bận tâm, chồng tôi vốn thế, không thích tiếp xúc với ai cả”

Vào xưởng bánh, mãi mê hướng dẫn bà khách làm chiếc bánh đầu tiên trong đời bà, rồi tiếng reo vui hạnh phúc của bà ấy khi đã làm được cái bánh xinh xắn, con đường đất đầy lá tre xào xạc của làng quê, tiếng con trẻ chơi đùa, tiếng gà cục tác ... khiến tôi quên dần cảm giác khó chịu lúc nãy.

Xong công việc, chúng tôi ra xe để về nhà tôi ăn trưa. Lúc lên xe, lại cái im lặng khó chịu ấy tái diễn. Ông ta không buông một câu nào với vợ để hỏi công việc làm bánh ra sao, có vui không? có mệt không?.... mà vốn dĩ đức ông chồng nào cũng sẽ hỏi vợ khi họ không tham dự chương trình này.

Đến nhà, tôi mời hai vợ chồng vào. Lúc này thì ông ta mới chịu xuống xe, đi thẳng một mạch vào ngồi ngay bàn ăn chứ không tíu ta tíu tít như bà vợ đi tham quan đủ điều.

Người nhà dọn cơm mời khách, bà vợ lại lăng xăng chụp ảnh món ăn rồi hỏi đủ thứ về nguyên liệu, cách chế biến...sau đó ăn say sưa như thế đã nhịn đói nhiều ngày. Riêng ông chồng vẫn cứ ngồi không nhúc nhích và cũng chẳng màng cầm đũa. Tôi đến bên ông, nói nhẹ nhàng: “ Thưa quý ông, những món ăn này do tôi đích thân chế biến để mời quý ông và madame dùng bữa. Xin ông vui lòng ăn kẻo đói. Nếu quý ông cảm thấy không hợp khẩu vị, xin cứ nói, tôi sẽ chế biến theo yêu cầu”.

Ông ta không trả lời, chỉ cầm đũa gắp một chút rồi ăn miễn cưỡng. Tôi lặng lẽ quan sát rồi tự hỏi: “ Sao ông ta lạ lùng thế nhỉ? Mà sao bà vợ lại có thể hồn nhiên lia lịa chụp ảnh? Lia lịa hỏi thứ này thứ nọ ? Và lia lịa ăn sạch hết thức ăn? mà chồng bà ta lại như một cục chướng trên trời rớt xuống bắt tôi chịu trận?”

Món cuối của thực đơn là một món đặc biệt nên tôi dọn độc lập. Lúc tôi bưng đặt trước mặt ông, ông cũng chẳng buồn nhìn. Tôi nhẹ nhàng đến bên khẻ nói: “ Quý ông biết không đây là món ăn đặc biệt mà ngay nhiều người Việt Nam chúng tôi cũng chưa lần thưởng thức vì năm xưa chỉ dành cho vua ngự thiện. Tôi học được từ một nghệ nhân trong đội Thượng Thiện. Sáng nay tôi đã thức dậy lúc 5h sáng tự tay chế biến, để bày tỏ lòng kính trọng ông bà. Tôi xin ông vui lòng ăn một chút. Chỉ một chút thôi cũng đủ làm tôi vui”.

Ông ta quay phắt nhìn tôi rồi cúi xuống ăn. Lần này ăn rất vội vả. Đan xen trong tiếng húp thức ăn, tôi nghe tiếng thút thít. Hóa ra ông ta khóc. Bà vợ vội vàng đến bên ông, ôm choàng ông rồi nói thật ngọt ngào: “ Darling! I love you!”. Tôi sợ hãi không biết mình có làm điều gì khiếm nhã không, rụt rè đến bên ông, tay tôi đặt nhẹ lên bờ vai ông đang rung rung qua tiếng nấc. Ông thều thào nói trong nước mắt:

“ Madame đã làm điều mà tôi đã mong đợi từ mẹ tôi suốt cả đời mình. Nhưng bà đã không làm điều đó.”

Đến lúc này bà vợ mới kể tôi nghe chuyện đời ông ấy

“ Madame Huy biết không? Chồng tôi là một đứa con bất hạnh. Anh ấy sinh ra trong một gia đình giàu có nhưng mẹ anh đã bạo hành con mình ngay từ tấm bé. Anh ấy luôn mong đợi lời ngọt ngào, khao khát vòng tay âu yếm của mẹ. Nhưng bà ấy chỉ cho con những lời chửi rũa tàn tệ, những trận đánh kinh hoàng. Chồng tôi quá sợ hãi, luôn lẩn trốn mẹ. Nơi đâu có bà mẹ, nơi ấy anh không dám đến.Anh đã bỏ nhà đi hoang nhiều đợt nhưng đều được cảnh sát dẫn về. Những vết sẹo trên mặt anh ấy là những trận đòn của mẹ và những trận ẩu đả với bọn trẻ giang hồ trong quảng đời thơ ấu. Về sau anh được đưa vào một trung tâm đào tạo trẻ em bất hảo. Tôi gặp anh, hiểu rỏ ngọn ngành nên yêu thương kết nghĩa vợ chồng.

Một ngày khi chồng tôi đã bốn mươi ba tuổi, bà mẹ giờ phút lâm chung cho gọi anh về. Trước khi nhắm mắt bà nói lời xin lỗi và để lại cho anh một gia tài kếch xù. Tôi dùng khoản tiền ấy đưa anh đi du lịch khắp nơi để mong bù đắp những thương tổn của tuổi thơ bất hạnh. Nhưng như madame thấy, vết chém trong tim anh quá sâu, không thể một sớm một chiều hàn gắn được.

Hôm nay, với tình yêu thương, madame đã giúp chồng tôi mở lòng mình- đã tự thốt lên cảm xúc tự đáy lòng mà bao năm qua luôn giấu kín.

Cảm ơn madame Huy. Chúng tôi mãi không quên bà!

P.s . Tôi cũng có một thời gian dài trầm cảm do bị quá nhiều stress trong đời. Tôi hiểu.
Chỉ có tình yêu thương mới chữa được căn bệnh này.




VVM.01.9.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .