Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


ĐÊM TRĂNG LẠNH


 

C ó tiếng chuông gọi cửa. Bác Nhân chậm chạp bước ra ngoài lan can của mảnh sân nho nhỏ, gọi là sân hóng gió trên lầu một, nhìn xuống tầng trệt, phía cửa ra vào, xem ai lại đến chơi vào buổi này, đang giờ nghỉ trưa. Bác vừa về hưu, chưa quen với giờ giấc mới, giấc ngủ thường đến muộn và hay kéo dài, nói chung cũng không hạn định giờ giấc chặt chẽ như trước.

Một chàng trai cao, ốm, nước da ngăm đen, kiểu người Tây Nguyên mà bác Nhân thường gặp trước đây, lại cũng giống như sinh viên các nước bạn Lào, Cămpuchia thường hay đến hỏi bài vở vợ bác. Bác gái thường hay được mời hướng dẫn luận văn tốt nghiệp cử nhân, thạc sĩ, tiến sĩ cho các sinh viên hai nước bạn này.

Vừa bước vào cửa, chàng trai đã vui vẻ chào hỏi rồi nói ngay:

“Mẹ con bảo thế nào con cũng phải tìm cho ra nhà bác để đến thăm bác. Con vừa ở Đăk Lăk xuống”.

“Ai nhỉ?”, bác Nhân tự hỏi, ai? …, mà nhìn vào vóc dáng cao kều, cái điệu bộ rụt rè đáng yêu của chàng trai này thì không thể đoán ra được mẹ chàng là ai cả.

“Mẹ con hay kể chuyện các bác về làm cầu”.

“Mẹ con bảo cầu nào cơ? Bác không nhớ hết”.

“Các bác cho mẹ con đi nhờ xe vào Krông Nô …Hôm ấy trời mưa to lắm…”

Bác Nhân đã bắt đầu nhớ ra…

“Có phải con là con của ... cô Lan?...mẹ Lan?”

Hai bác cháu ôm chầm lấy nhau ngay.

“Đúng, đúng! Mẹ con có tên Việt là Lan”.

Bác Nhân chợt thốt lên:

“Ôi! Con đã lớn thế này rồi ư?”.


Ngày ấy bác Nhân, kỹ sư Lê Trọng Nhân còn trẻ khỏe. Anh được giao phụ trách một nhóm, một đoàn khảo sát, có nhiệm vụ chọn vị trí cầu Krông Nô để lập dự án xây dựng cầu này. Tiếng Tây Nguyên, Krông có nghĩa là sông, con sông. Chẳng hạn Krông Ana, Krông Pha, tức là sông Ana, sông Pha.

Krông Nô, tại khu vực dự định làm cầu, chảy hun hút trong rừng sâu Trường Sơn rậm rạp và rất hiểm trở, thuộc tỉnh Đăk Lăk, giáp ranh với tỉnh Lâm Đồng. Riêng việc tổ chức một chuyến đi vào trong đó cũng phải lập một kế hoạch cẩn thận. Nhưng như ta đã biết, không có một kế hoạch nào ngay từ đầu đã có thể hoàn hảo. Có rất nhiều chuyện ngẫu nhiên xảy ra, nằm xa ngoài kế hoạch, có thể dẫn đến nhiều khó khăn mới, nhưng đôi khi lại cũng có thể mang đến nhiều sắc màu, nhiều niềm vui bất ngờ, mới và lạ.

Mọi việc chuẩn bị được tiến hành tại Buôn Ma Thuột với sự phối hợp của Sở Giao thông vận tải tỉnh Đăk Lăk. Sở chấp nhận kế hoạch dự kiến của Nhân và cử một người vừa dẫn đường vừa trực tiếp làm việc với đoàn. Đó là một cán bộ trung cấp kỹ thuật mới về Sở, còn rất trẻ, đẹp trai, cao gần mét tám, tên là Xuân. Thoáng nhìn vào đôi mắt mở to, mái tóc hớt cao rất gọn của Xuân, Nhân đã thấy vui vui. Anh nhận ra ngay, Xuân là một chàng trai thông minh, nhanh nhẹn, sẵn sàng gánh vác.

Buổi sáng hôm đoàn ra đi, trời mưa rất to. Vào Trường Sơn giữa cơn mưa trắng rừng thế này, đã thấy xui rồi. Nhưng không ai nản chí. Việc cần đi, vẫn phải đi. Hi vọng quá lắm đến trưa trời cũng sẽ tạnh.

Dọc đường, khi chưa ra khỏi Buôn Ma Thuột, có một cô gái xin đi nhờ. Cô đứng chờ sẵn trong một cái quán lúp xúp, mái tranh, bên lề đường. Cô bó mình bằng một tấm nilon xanh, chạy ra gần giữa tim đường vẫy tay xin đi nhờ. Rõ ràng có việc khẩn cấp. Đoàn vui vẻ đón cô lên xe.

Khi đã ngồi gọn trong xe, không còn bị vướng víu bởi tấm nilon, cô cười rất tươi, cảm ơn mọi người:

“May quá! Tốt quá! Em cảm ơn các anh!”.

Rồi cô nói luôn, biết là mọi người đang muốn hỏi mình:

“Em tên Việt là Lan. Em là cô giáo. Em dạy học trong Krông Nô”.

Vẫn chưa hết vẻ hồi hộp:

“Em ra dự lớp bồi dưỡng giáo viên ngoài Ban Mê. Lớp học chưa xong đâu, chỉ sắp xong thôi. Nhưng em phải vội về ngay vì các em học sinh trong đó nhắn ra là nhớ cô lắm!”.Mà em cũng nhớ chúng lắm, không chịu nổi nữa.”

Mọi người cười ồ lên, thật vui vẻ vì cái lý do quá ngây thơ và trong sáng của cô.

Nhân cũng quay lại nhìn cô kỹ hơn.

Còn quá trẻ, chắc cô chỉ mới 17, 18 tuổi. Cô có đôi mắt tròn to, rất sáng, nụ cười duyên dáng, thân mật, cứ như mọi người trên xe đều đã là người nhà mình cả rồi. Cô mặc một chiếc áo pull màu vàng chanh, ôm sát người, rất xinh. Mái tóc cũng cài một bông cúc vàng rực rỡ.

Nhân chợt nghĩ bụng:

“Ôi, một bông cúc rừng, một con chim vàng anh của rừng!”.

Lúc đó, cậu Xuân ngồi sát cạnh cô giáo, rất nghiêm chỉnh, khuỳnh tay dựa hẳn người vào thành ghế phía trước, không dám ngọ nguậy, nói lảng sang chuyện khác:

“Có một chiếc cầu làm bằng cây (tức bằng gỗ tròn) vừa bị sập. Sở đã điện vào nhờ đồng bào dân tộc sửa ngay, sửa thật nhanh để kịp cho đoàn vào. Nửa chiều sẽ tới đó. Địa phương hứa sẽ làm kịp”.

Nhân hỏi:

“Có phải cầu bắc qua Krông Ana không?”

Xuân lắc đầu:

“Em cũng không rõ”

Cô giáo trả lời thay:

“Đúng đấy anh ạ. Cầu Krông Ana. Khi em ra đây, còn chưa hư”.

Rừng Trường Sơn hai bên dày đặc. Mưa to quá. Không một bóng thú rừng, không một tiếng chim hót. Cả tiếng vượn hú gọi bầy buổi sáng cũng không có. Tất cả đều sũng nước. Suối nhỏ đã thành thác rồi, chảy băng băng, nước đục ngầu. Nhiều mái núi đã sạt lở. Xe khảo sát vẫn cố đi tiếp. Cô giáo bảo gần tới một bản làng rồi, có thể nghỉ lại, để cô vô nói với Già làng cho.

Đoạn tiếp theo thoáng đãng hơn, giống như một trảng cỏ tranh.

Khi chiếc xe đang hổn hển lên dốc bỗng thấy trước mặt có một cô gái băng ngang qua đường. Cô hoàn toàn sexy, để lộ toàn bộ vẻ đẹp của mình, của rừng mưa. Cô có nước da trăng trắng, đúng hơn là màu ngà, chứ không ngăm ngăm đen như ta vẫn tưởng. Quần áo cô gói kỹ, vo tròn trong một tấm nilon, ôm ngang trước bụng. Toàn thân đều ướt như cây rừng. Cô đi rất tự nhiên, không vội vã. Hình như cô chỉ có một thoáng liếc nhìn cái ôtô, một thoáng mỉm cười với cái xe, chứ chẳng quan tâm gì đến những người ngồi trong xe. Không thấy có một biểu hiện e thẹn hoặc một vẻ ngượng ngịu nào cả. Đúng là một bông hoa rừng, một con chim rừng chưa một lần nào biết mùi cung tên, tự nhiên quá, hồn nhiên nữa, rất đẹp và đáng yêu biết bao!

Trên xe, không ai nói gì, chưa ai kịp nghĩ gì thì cô gái đã khuất sau một mái cúc dại.

Chợt cô giáo Lan nói:

“Chỉ có cái váy! Một cái váy thôi!”.

Mọi người dường như đã hiểu ra. Tưởng tượng ra, đoán ra mà hiểu.

Có thể lúc gặp mưa, trên người cô chỉ mặc có mỗi chiếc váy, như các cô gái khác ở đây, khúc trên thường để trần, cứ tự nhiên núng nính. Cũng có thể, ở nhà cô không còn chiếc váy thứ hai nào nữa.

Theo như giọng nói có phần ái ngại của cô giáo Lan vừa rồi, Nhân hiểu nghiêng về cái ý thứ hai, tức có lẽ ở nhà cô gái kia không còn cái váy nào khác nữa thật. Người dân ở đây còn nghèo lắm.

Trời không còn mưa nặng hạt, đoàn quyết định nghỉ luôn trên xe, không vào bản nữa. Cơm bới mang theo lúc này ngon tuyệt. Mọi người đều có phần. Cô giáo ăn ngon lành lại còn bảo “ăn xong em sẽ hát cho các anh nghe”. Không ai hỏi cô giáo có mang theo thứ gì để ăn đường hay không. Cô ấy đã hứa hát rồi mà. Ở đây nếu lên nương làm rẫy mới có ăn trưa.Sau này Nhân mới biết điều đó.

Quá chiều đoàn cũng đến được chỗ cây cầu hỏng.

Khi tới nơi mới biết, đúng là cây cầu gỗ bắc qua Krông Ana, đoạn trên nguồn.

Nhân mừng thầm, đồng bào dân tộc ở đây giỏi quá. Phải chặt năm cây gỗ to, lát đối đầu. Phải đóng cọc đỡ trụ ở giữa và kê đá hai mố cầu hai bên bờ, giằng chặt, xe mới qua được. Vậy mà chỉ trong vòng không đầy một ngày mưa, đồng bào đã làm xong. Mọi người, ở trần, làm việc trong mưa, ướt nhẫy, nhưng cầu đã tạm xong. Một người chỉ huy, vẫy tay cho xe qua. Những người khác, toàn nam giới đứng trên hai mố cầu, bên bờ sông, chăm chú theo dõi, hồi hộp.

Khi tới bản Krông Nô, trời tạnh hẳn. Người đổ ra xem xe ôtô khá đông. Nhất là các em nhỏ, lồng nhồng. Phụ nữ chỉ mặc váy, che khúc dưới. Khúc trên cứ lủng lẳng thoải mái. Riêng các cô thanh nữ không ra xem xe, chỉ lấp ló trên nhà sàn. Cô nào cũng đẹp, có vẻ như muốn khoe bộ ngực tròn chắc và đôi vai trần hấp dẫn của mình, cười hết sức tự nhiên và thân thiện.

Người dân ở đây hỏi nhiều nhất là câu: “Các anh có dầu thắp đèn không?”. Tiếc quá, xe của đoàn chạy xăng, không có mazút để cho dân thắp đèn.

Nhân hỏi một ông già mới biết, ở đây, lâu rồi, cứ chừng sáu tháng mới có một chuyến xe vào. Phần lớn là xe bộ đội, chạy bằng mazut, bằng dầu DO. Họ hay cho dân dầu thắp đèn.

Lúc này, ở đây chưa có mua bán, thương mại gì, không có cửa hàng, nhà hàng. Tờ mờ sáng, phía sau nhà, chỗ con voi đứng chịu rét thâu đêm, có họp chợ, nhưng chỉ để đổi chác. Không dùng tiền bạc. Đổi bằng ớt khô. Đong bằng lon sữa bò. Ớt được dùng làm vật trung gian để tiến hành đổi chác. Có thể đây cũng là một loại tiền nguyên thuỷ. Thú vị thật.

Đoàn đi chuyến này chưa có kinh nghiệm. Sở không căn dặn gì. Xuân cũng còn bỡ ngỡ. Cô giáo hỏi, ai có quần áo, có thể chưa cần dùng tới hôm nay, ngày mai thì gom lại, mang ra đổi lấy thức ăn, chứ ở đây không dùng tiền được. Kết quả đổi được ba con gà, chia làm ba bữa. Gạo thì đoàn có mang theo. Mắm muối cũng vậy.

Cô giáo không có nhà ở đây, chỉ ở lại với các em học sinh, với đoàn tại nhà một cô bạn, chị bạn thì đúng hơn, vì người chị này đã có chồng và một cháu nhỏ.

Cơm chín, không đủ bát đĩa. Cô giáo chạy một vòng khắp bản, mượn được 8 cái bát sứt, 8 cái muỗng, không có đũa, bẻ que củi làm đũa.

Bữa cơm thật ngon và vui, cô giáo cũng tham gia. Riêng gia chủ, tức gia đình chị bạn không tham gia. Không có cái tục ấy.

Gia chủ nấu sau, ăn sau. Tất cả nấu trong hai cái soong thật sạch, được đánh bóng loáng. Một soong thổi cơm. Một soong nấu món gì lạ lắm, giống như canh mà khi đang sôi lại khuấy lên, đặc sệt như cháo. Nấu bằng một thứ lá rừng, nói bằng tiếng dân tộc, Nhân không hiểu, không nhớ được. Bỏ thêm vào một nắm to ớt hiểm. Chắc là cay lắm, người dưới xuôi không thể ăn được. Mọi người đều ăn vào một cái chén bự, to bằng một cái tô nhỏ.

Cháu bé được ăn đầu tiên. Cháu còn phải bế trên tay. Người mẹ đút cho cháu ăn cái thứ cháo cay cứng lưỡi ấy. Vậy mà cháu chẳng khóc tý nào, lại còn cười toe toét, đạp chân, múa tay. Xong, mới đến lượt mẹ cháu. Cũng trong cái chén ấy. Một ít cơm, một ít cháo, trộn lẫn. Người thứ ba được ăn theo kiểu xếp hàng này là đức ông chồng. Cũng chỉ một chén như thế. Người cuối cùng được ăn lại là người lớn tuổi nhất. Cô giáo giải thích: ông chú. Người đàn ông em bố chồng này phạm một lỗi gì khá nặng, bị Già làng xử phạt, phải ăn sau cùng. Còn thì ăn, hết thì thôi. Tục lệ này khi đoàn lên đây, còn nghiêm ngặt.

Đêm rét quá, ai cũng xoa tay, xít xà, co ro. Cô giáo đốt một đống lửa lách tách, phần phật ở giữa nền nhà ngoài. Chuyện vui mới biết, cô dạy ở đây được hơn hai mùa bắp rồi. Dạy một lúc những 5 lớp, hai lớp 1, hai lớp 2 và một lớp 3. Chia làm hai buổi, sáng, chiều.Tất cả học sinh trai gái đến lớp đều không đủ quần áo mặc.. Cô cười tỏn tẻn:

“Chỉ một mình em mặc đủ quần áo, kỳ quá!”

Chẳng mấy chốc, các bạn đến thăm cô rất đông, có đến năm, sáu, rồi bảy, tám cô cậu. Họ nói với nhau toàn bằng tiếng dân tộc. Nhân uống với họ vài ly rượu đế, rồi tìm cách rút lui. Riêng cậu Xuân, được cô giáo giữ lại với đám bạn bè. Anh em đi ngủ, nằm trên liếp nứa, cũng êm lưng. Nhưng Nhân không ngủ được, lạnh quá, chưa quen với vùng này. Các bạn trẻ chuyện trò rôm rả, hát với nhau, nhảy múa với nhau nữa, quanh bếp lửa. Hôm đó Nhân chỉ chập chờn. Hình như có lúc trăng rất sáng. Ánh trăng lọt vào sàn nhà, vào liếp nứa, mơ hồ quá, mơ màng quá. Sáng ra anh vươn vai mấy cái, cảm thấy vui vui và còn ngạc nhiên vì không thấy mệt.

Ngày hôm sau đoàn chia làm hai nhóm: một nhóm quá trưa đã chọn xong vị trí cầu Krông Nô, kéo thước thép đo đạc chiều dài cầu, bắc máy vẽ trắc ngang lòng sông, tìm mớn nước lũ, cắm mốc, giấu cọc vv. Nhóm kia đến chiều cũng đã phát rừng, lập xong bình đồ, đi cao đạc, đóng xong hai đường cong, nối thông được tuyến đường hai đầu cầu.

Cô giáo dẫn các em học sinh ríu rít ra tận vị trí cầu, xem anh em làm, giúp đóng cọc, bôi sơn. Nhân chỉ vào mấy cái cọc gỗ, mốc đá có sơn đỏ, nói với các em:

“Cọc cầu, cọc đường đấy. Các em đừng để trâu bò phá nhé.”

Cô giáo nói với đoàn bằng tiếng Việt, dịch cho các em học sinh bằng tiếng dân tộc. Dịch xong, các em và cô giáo đều cười vui vẻ, líu lo bằng tiếng dân tộc, mắt ngời sáng.

Cậu Xuân bảo muốn nhảy xuống sông tắm, nước cạn thôi, nhưng lạnh quá, không dám. Gọi là sông, có cái gì đó còn chưa đúng là sông. Gọi là suối lại cũng không còn là suối nữa. Con sông còn quá trẻ, đang thời niên thiếu, đang lớn dần lên, lòng đầy sỏi cuội, nhiều thác đá, còn nguyên sơ và đáng yêu biết bao!

Cậu Xuân lén trao cho cô giáo một vật gì đó, nho nhỏ, hình như một viên cuội mà anh vừa tìm được. Cô giáo nắm bàn tay lại ngay, cười rất tươi. Nhân chợt nhớ đến một câu thơ của ai đó:

Nghe đá mềm trong tay”

Hôm đó Nhân và anh em chụp được nhiều hình đẹp, có đủ các em học sinh và cô giáo Lan. Tất cả đều trẻ đẹp, đầy sức sống mới, như suối, như sông, như suối đang lớn lên thành sông của núi rừng Tây Nguyên.

Nhân còn chụp được cả viên cuội nằm tròn trong tay cô giáo. Cô xoè bàn tay cho Nhân chụp rất hồn nhiên. Đó là một viên cuội trắng, hồi lâu cô nắm chặt quá và Nhân cảm thấy hình như viên cuội trắng đã thấm đẫm.

Từ bấy đến nay …Ông Nhân ngẫm nghĩ …Đã bao nhiêu năm rồi? …Đúng là không ai có thể đuổi kịp thời gian… Cầu đã xây xong từ lâu lắm rồi…Ông chợt thấy buồn vì đã không có dịp trở lại.

Ông nhớ đến một khổ thơ mà ông đã viết để tặng cho anh chị em công nhân cầu đường, những người đồng nghiệp của ông, hình như cũng vào dạo đó:

              Đường làm xong anh vội ra đi

              Cầu xây xong trở lại mấy khi

              Nếu không có một đêm trăng lạnh

              Em bảo rằng anh nhớ trở vế.

Vậy là, hóa ra đã có một đêm trăng lạnh thật, một cuộc gắn bó, những lời hẹn hò mà ông Nhân không hề được biết đến và cậu Xuân sau đó đã lại xuyên rừng trở về… Ôi, lớp trẻ, đáng yêu biết chừng nào!...Ông Nhân vẫn lặng lẽ đuổi theo những ý nghĩ của mình… Cái đêm trăng ấy, có phải vậy chăng, lạnh như ngày xưa mình đã chập chờn nhận biết và viết ra không nhỉ?.. Không sao… Cái lạnh đã làm cho đôi bạn trẻ xích lại gần nhau hơn và sau đó họ đã nên vợ nên chồng?...Đã có con trai, con gái? …Tuyệt quá!...

Chàng trẻ tuổi tự xưng tên Việt là Tuấn, con mẹ Lan và bố Xuân. Anh về Thành phố HCM để học Đại học Khoa học tự nhiên, Khoa Tin học.

Anh run run, lục tìm trong balô, hồi hộp lấy ra một chai rượu nhỏ màu nâu thẫm nói:

“Bố mẹ con gửi biếu bác chai rượu hổ cốt. Mẹ con bảo phải đưa tận tay bác”.

Chàng trẻ tuổi còn run run đưa cho ông Nhân xem một cuốn album nho nhỏ, trong đó có đúng mấy tấm hình mà ngày xưa ông đã chụp…

Ông Nhân nắm chặt tay, ôm chặt vai chàng trai trẻ, lắc thật mạnh rồi quàng tay ôm chặt lấy cả người anh như ôm một đứa con trai, đi xa lâu ngày trở về.

Ông như muốn thốt lên:

“Ôi, Tây Nguyên! Tây Nguyên của tôi!”.




VVM.04.8.2023.NVA.29811

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com