Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


Tượng Đề Thám ở Bắc Giang

ÂM VANG YÊN THẾ



C ơn gió lạnh đầu Đông dẫn chúng tôi về rừng thiêng Yên Thế miền thượng du Bắc Giang.

Vang gió chiều tiếng hát ngân nga trong màn sương,:

“ Nơi đây năm xưa Đề Thám đã phất ngọn cờ hồng. Khắp nơi nô nức kéo nhau về tụ nghĩa gìn giữ núi sông. Trên quê hương này giờ đây đã bao đổi thay. Bao nhiêu đồi hoang giờ xanh ngát những nương chè. Quê ta lại sáng tiếng vang gà đồi. Yên Thế là một bài ca âm vang …”. (Bài ca Yên Thế- Nhạc và lời: Thân Minh Quế)

Chiều Yên Thế xanh cây rừng, núi đồi, những mảnh ruộng bậc thang vương hương lúa. Những mái ngói nâu hồng nổi chìm giữa những ngọn đồi trùng điệp. Tiếng đại ngàn âm vọng mông lung.

Xa xa chập chùng núi xanh mờ mây phủ là chiến khu Việt Bắc chằng chịt đường mòn cheo leo giá lạnh: “Rét Thái Nguyên, rét về Yên Thế” còn in dấu cha tôi và đồng đội, máu đổ thắm đá, đất, cây rừng suốt chín năm chống thực dân Pháp.

Anh linh cha mẹ thao thức, bồn chồn gọi tôi về Yên Thế “Đi tìm vườn cam Bố Hạ” (Bút ký Mai Thục), tìm dáng mẹ hiền thân cò lặn lội bên xóm Đồi Lánh gần bờ sông Sỏi, vun xới vườn cam Bố Hạ quả chín ngọt lành, nuôi bốn chị em tôi, cho chồng đi chiến dịch. Tìm dấu chân cô bé hơn bốn tuổi là tôi lon ton chạy lên chợ Bố Hạ “mua chịu” từng lon sữa bò cho em khi mẹ ốm. Cậu sinh năm 1954 đặt tên Mai Hoà Bình, là tiếng thở nhẹ của bố mẹ tôi. Mừng chiến tranh chấm dứt. Ai ngờ, hai mươi năm sau, em trai tôi nằm lại Trường Sơn cháy lửa, trẻ mãi tuổi hai mươi. Giờ đây, ngẫm hai từ “mua chịu” tôi xáo xác cồn cào trong dạ. Cảnh chinh phụ lâm cùng khốn, tình người đùm bọc, sẻ chia giữa chợ, đằm sâu hồn thơ bé.

Chiều Yên Thế.
     Mây trời nằng nặng.
     Ngọn gió mồ côi hát nôn nao.

Làm sao tìm được an toàn khu, nơi có trạm quân y cha tôi băng bó vết thương cho tù binh Pháp, chìm giữa bao la rừng điệp trùng Việt Bắc?

Làm sao tìm được mảnh vườn cam heo hắt mái tranh hiền tình mẹ chở che tôi?

Làm sao tìm được cậu Mai Hoà Bình lớn lên trong từng giọt sữa chắt chiu của mẹ và tình người Yên Thế?

Làm sao tìm được những vườn cam Bố Hạ mà người Pháp từng đam mê làm đồn điền cam Bố Hạ trĩu quả đưa về Paris, nay biến mất?

Chỉ còn linh giác rực đỏ tình Mẹ Cha Em da diết hồn tôi. Tâm linh mẹ cha nâng tôi về Yên Thế, tựa vai vào “núi Thái Sơn”, uống “nước trong nguồn”, nghe “Tiếng sáo sắt mạnh như gió thần với những tiếng tiêu du dương tuyệt diệu” buổi hoàng hôn.

Nhiều lần lang thang về Yên Thế, tôi im lặng chìm trong “Bóng trăng Phồn Xương” réo rắt mảnh trăng tà, ướp hồn mình vào “Âm vang Yên Thế”.

“Âm vang Yên Thế” khắc khoải trầm tích hồn tôi thành những dòng chữ miên man nắng rừng, mưa núi, sương đêm, gió rét tê lòng, bão giông, sấm sét và Tình Mẹ, Tình Cha, Tình Đất Trời- Con Người Yên Thế, đã nuôi dưỡng tôi thủơ ấu thơ.

I. Đề Thám “Không dời phong tục”

Mặt trời ẩn chìm sau mây ngàn gió núi gợi những địa danh âm vang Lý, Trần, Lê, Mạc: đất Lạng Châu, phủ Lạng Giang, Nhã Nam. Những ngọn đồi Lánh, đồi Hồng, những con sông Sỏi, sông Mỏ Trạng, những con suối Gồ, suối Đá, suối Cầu Đen, suối Thia, suối Đồng Đảng, suối Trám, suối Vàng. Linh thiêng hồn những tộc người từng sống và chết ở đây: Kinh, Hoa, Sán Dìu, Tày Nùng, Dao, Cao Lan. Hoành tráng tên tuổi những vị anh hùng “Lương Sơn Bạc”: Cai Kinh, Đề Nắm, Hoàng Hoa Thám. Những cuộc nổi dậy của Dương Văn Cán chống nhà Lê, Nguyễn Hữu Cầu (1741- 1751), Cai Vàng (1862- 1864), Ngô Côn Lý Dương Tài chống phỉ Tầu (1869- 1879)…

Cuộc khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám (cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX) chống thực dân Pháp ba mươi năm, để lại một di sản văn hoá Yên Thế với lễ hội và phong tục dân gian toả hồn thiêng anh hùng hảo hán.

Chiều Yên Thế mây trời bảng lảng, chúng tôi thành kính thắp nén tâm nhang trong ngôi Đền Thề của tướng lĩnh, nghĩa quân Hoàng Hoa Thám uy nghi trên ngọn đồi thị trấn Cầu Gồ. Khói hương lung linh hiển hiện hình bóng người thủ lĩnh kiên cường, mưu lược, thông diệu, bất khuất, quả cảm, gương mặt quắc thước, râu hùm, hàm én, mày ngài, đôi mắt rực sáng, sang sảng lời thề cùng quân sĩ trước giờ ra trận:

“Tôi ở đất nước tôi, đất của tổ tiên tôi. Chúng tôi đây, những thần dân trung thành của nước Việt. Chúng tôi vô cùng thiết tha với phong tục trong nước, không bao giờ chịu dời bỏ phong tục đó, cho dù đứng trước cái chết, vì chúng tôi hoàn toàn tin tưởng vào Trời Đất, thần linh phù hộ cho chúng tôi làm tròn sứ mệnh”.

(Thư Đề Thám gửi quân Pháp trong trận đánh Hố Chuối ngày 22- 12- 1890).

Thế hệ cháu con Đề Thám trong huyện uỷ, Uỷ ban nhân dân huyện Yên Thế hôm nay đầy sức trẻ, được linh khí Nhã Nam nuôi dưỡng, tràn đầy năng lượng tâm linh, dẫn chúng tôi tìm về di sản văn hoá Yên Thế xao xuyến anh linh thủ lĩnh anh hùng hảo hán.

Giọng điệu hào sảng, các anh kể chuyện Hoàng Hoa Thám không bao giờ dứt.

Hoàng Hoa Thám còn gọi là Đề Thám, sinh trong gia đình nhà Nho có truyền thống thượng võ, làng Dị Chế huyện Tiên Lữ- Hưng Yên. Cả cha mẹ đều tham gia khởi nghĩa chống triều đình Huế, nên bị nhà Nguyễn sát hại. Cậu Thám phải mang họ Đoàn- tên Nghĩa, được người chú nuôi dưỡng đem trốn lên Ngọc Châu phủ Yên Thế, cải họ Hoàng. Ông đã tham gia khởi nghĩa Cai Kinh và về với khởi nghĩa Yên Thế của Đề Nắm 1888. Đề Nắm chết 1892. Đề Thám kiên định tổ chức lại nghĩa quân, tiếp tục khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám.

Khởi nghĩa Yên Thế chống thực dân Pháp lớn nhất, bền bỉ nhất của người Việt Nam. Tên tuổi các nghĩa binh Yên Thế tạc núi sông: Đề Nắm, Hoàng Hoa Thám, Bà Ba Cẩn, Cả Dinh, Cả Trọng.

Nghiên cứu sách Di sản văn hoá Yên Thế- Lễ hội dân gian (NXB Thế Giới- 2010) tôi như được truyền sóng linh thiêng về tâm hồn, nhân cách lớn của Hoàng Hoa Thám qua những giá trị văn hoá truyền thống Yên Thế gắn mật thiết với cuộc khởi nghĩa Yên Thế- Hoàng Hoa Thám (1884- 1913).

Thủ lĩnh hảo hán của núi rừng Yên Thế trung thành với lời thề “Không bao giờ dời bỏ phong tục, cho dù đứng trước cái chết”. Ông cùng nhân dân chiến đấu để bảo vệ phong tục. Phong tục chính là cuộc sống của con người trên vùng đất mà họ sinh sống. Con người dời bỏ phong tục, có nghĩa là đánh mất linh hồn mình. Không ai có thể sống hẳn hoi, tử tế khi linh hồn bị mất. Trần gian, không ai có thể sống với cái xác không hồn.

Đề Thám đã cùng nghĩa quân chiến đấu bảo vệ phong tục. Bảo vệ phong tục là bảo vệ linh hồn. Mục đích khởi nghĩa Hoàng Hoa Thám gần gũi con người như vậy, nên dân đã theo ông chống thực dân Pháp quyết liệt suốt ba mươi năm đằng đẵng.

Khi lập đồn Phồn Xương tại xã Phồn Xương, Đề Thám giúp tiền của công sức tu tạo chùa Lèo và coi như trạm liên lạc tiền tiêu. Truyền thuyết kể trước sự lùng bắt ráo riết của quân Pháp, nhà sư chùa Lèo đã lấy cái chết của mình cứu Đề Thám.

Đền Thề nằm ở trung tâm di tích Phồn Xương, đối diện với đồn Phồn Xương, đại bản doanh của nghĩa quân Yên Thế. Đền ban đầu làm bằng tranh tre, sau Đề Thám dựng đền bằng khung lim, lợp ngói, gồm ba gian tiền đường, hai dĩ hậu cung và thường xuyên tổ chức hội thề, rước, tế lễ tại đây.

Đề Thám tự mình thực hành tâm linh trong ứng xử với nghĩa quân và dân Yên Thế.

Lễ cầu may rằm tháng Giêng là dịp Đề Thám thăm viếng các thân nhân, tử sĩ của nghĩa quân. Trong ngày hội có lễ đền, thi bắn cung nỏ, bắn súng, đua ngựa, vật, đánh cờ, thi nấu cỗ…

Rằm tháng bảy Đề Thám mời các tăng ni làm lễ cầu siêu cho các tử sĩ long trọng. Cùng với lễ cầu siêu là lễ phóng ngư, thả điểu bay bổng khát vọng tự do. Chùa Phồn Xương được dựng cạnh đồn Phồn Xương với đền âm hồn, đình Phồn Xương, tạo một không gian văn hoá tâm linh đình, đền chùa, liên hoàn, tạo thế phong thuỷ hài hoà linh thiêng và thoả mãn nhu cầu tâm linh của chính Đề Thám và binh sĩ, dân chúng.

Lễ tế cờ tháng Tám. Đề Thám đọc văn tế cờ, khích lệ quân sĩ đánh thực dân, phong kiến cho đất nước thanh bình.

Đề Thám chăm lo lễ hội Phồn Xương, vốn là ngày hội cổ truyền cầu mùa, để thu nhân tài, an dân và bảo tồn, tôn vinh văn hoá dân tộc trước sự xâm lấn của văn hoá phương Tây.

Dân Yên Thế rạo rực lôi cuốn dân các tỉnh đồng bằng Bắc bộ tham dự lễ hội. Các sản phẩm nông nghiệp được chế biến làm cỗ dâng cúng thần linh: bánh chưng, bánh dày, bánh rán, xôi, gà, lợn quay. Lễ thánh thần xong, lễ vật chia cho người các thôn hưởng lộc thánh, chở ước vọng làm ăn no đủ, khoẻ mạnh, yên vui, con đàn cháu đống, gia súc nhiều, mùa màng bội thu đến từng nhà, từng người.

Trước sự truy lùng, tàn sát dã man của giặc Pháp, Đề Thám buộc phải hoà hoãn với Pháp hai lần. Trong không khí hoà hoãn lần hai, Hoàng Hoa Thám chăm lo phong tục, tổ chức lễ hội Phồn Xương trên đất thôn Trung, xóm chợ Gồ, đồn Gồ tưng bừng, náo nhiệt, lan toả đông đảo dân các làng bên, cho người các dân tộc được hưởng thụ văn hoá phong tục, nuôi cấy sức sống sâu bền. Dân làng bản hứng khởi vui sống, làm ra nhiều của cải, nông sản nuôi nghĩa quân, tin yêu Đề Thám, dấn thân đánh giặc.

Đề Thám đã xây nên một “vương quốc” riêng huyền bí và kỳ vĩ như núi rừng Yên Thế, làm thực dân Pháp điêu đứng. “Âm vang Yên Thế” truyền khắp nước Việt. Phan Bội Châu hai lần vượt vạn dặm trùng khơi lên Yên Thế gặp Hoàng Hoa Thám.

Ngạc nhiên trước “vương quốc” người hùng, cụ Phan viết: “Nhân dân tới ngày càng nhiều, những người khổ về chính quyền bạo ngược đều lấy doanh trại của tướng quân làm nơi trốn tránh. Vì thế người rất đông đúc, tiếng gà, tiếng cho rộn vang như cảnh tân đào nguyên của những bậc lánh đời vậy. Năm nọ hai lần tôi tới đền, xem khắp xung quanh đền, trâu cày từng đội, chim rừng quyện người, đám trẻ con nhởn nhơ, tiếng chày rậm rịch có cái vẻ vui của những ngày đình đám hội hè mà không hề có tiếng thở than về chính quyền bạo ngược và mãnh hổ hại người. Ở giữa cái nơi gió mưa tanh tưởi mà tạo lập được một thế giới riêng biệt thực là một nỗ lực riêng của tướng quân”.

Thiêng liêng hơn, Đề Thám để lại cho chúng ta một di sản văn hoá lễ hội Yên Thế vang hồn thiêng núi rừng Yên Thế, hào sảng khí phách anh hùng hảo hán. Không nơi nào có được.

II. Một trăm năm sau (1884- 1984).

Ánh sáng tâm linh hồi hướng lòng người về anh hùng Yên Thế- Hoàng Hoa Thám. Người Yên Thế phục hiện lại đồn Phồn Xương, trung tâm căn cứ địa cuộc khởi nghĩa Yên Thế. Xây dựng quảng trường và tượng đài Hoàng Hoa Thám cao hơn mười mét. Vị thủ lĩnh của rừng thiêng đứng trong tư thế như đang hùng hồn bước đi, một tay chống vào chuôi kiếm, áo dài, chân đi giày cỏ, đầu quấn khăn, khuôn mặt tuấn tú, nghiêm nghị, bừng sáng.

Lễ hội Phồn Xương mở lại, vào ngày 16 tháng ba lịch trăng, tưởng niệm Hoàng Hoa Thám. Sau lễ dâng hương, dân Yên Thế cùng du khách thập phương tràn vào không gian lễ hội, rộn tiếng trống, tiếng chiêng với các trò chơi dân gian náo nhiệt: đấu vật, kéo co, chạy trá hình, leo cầu kiều, bịt mắt, đập niêu, nhảy dây, chơi quay, chơi ô ăn quan, đá bóng, kéo co, đá cầu, thi chạy… Những trò chơi sôi nổi kéo nhiều người vào cuộc, vui sảng khoái.

Các cuộc thi thổi cơm, nấu cỗ, ném còn, đẩy gậy, bắn nỏ, võ cổ truyền, đấu cờ người, chọi gà… kéo con người lại gần nhau, hoà nhịp thở, niềm vui, tâm tình, khoẻ mạnh cộng cảm đám đông, dồn tụ sức sống con người giữa trời đất bao la.

Lễ hội Yên Thế do người dân biện lễ, hoà cùng đất trời thiên nhiên Yên Thế. Tinh mơ, dân các nẻo đường làng, bản xa trống nổi, chiêng vang, cờ quạt bừng sắc màu rực rỡ thắm tươi núi rừng. Đoàn rước xã Phồn Xương từ chùa Lèo đổ về khu tưởng niệm Hoàng Hoa Thám. Đoàn múa lân rộn rịp nhảy múa, trống rộn rang, cờ ngũ hành phấp phới. Trên kiệu đặt mâm một xôi, thủ lợn luộc. Kiệu do bốn trai đinh khiêng, hai bên hai người che tàn và lộng, theo sau là đoàn cụ ông, cụ bà rạng rỡ trang phục dân tộc độc đáo của mình, như muôn hoa rừng khoe sắc. Những người khiêng kiệu, vác cờ, tàn, lộng đều mặc áo đỏ, đầu chít khăn đỏ.

Đoàn rước trăm màu sắc, âm thanh rộn rịp, kéo dài, trang nghiêm, trật tự , linh thiêng.

Lễ hội Yên Thế cuốn hàng ngàn người tham dự các trò chơi, múa những đường quyền, đường roi, ngọn kiếm, đẩy gậy, cùng những binh khí đặc dị biến ảo khôn lường, thắp lửa tình yêu thương nồng hậu trong mỗi con người, khơi dậy tinh thần thượng võ, và râm ran kể chuyện Đề Thám.

Trước tượng đài Hoàng Hoa Thám linh nghiêm hồn thủ lĩnh, nghĩa quân, lễ tế cờ năm xưa tái hiện, lá cờ thêu chữ “Hoàng nghĩa kỳ” phấp phới tung bay trên nền trời Yên Thế.

Khói nhang thơm lễ cúng Thần, Phật, Thánh, tiếng tụng niệm vang thánh thiện: “Nam mô nhang vân cái bồ tát ma ha tát. Thập phương chư Phật, thái hư không bách ức phân thân đồng hiện…”

Năm mâm cỗ dâng cúng tế linh hồn Đề Thám, cùng bà Ba Cẩn và nghĩa quân, đủ món thân thương: gà trống luộc, bánh dầy, cơm nắm, chè lam, xôi, thịt lợn, rau diếp, đĩa muối trắng, muối vừng, chai rượu…

Chủ tế kính cẩn đọc văn tế:

“Kính hương hồn cụ uy linh
Kính hương hồn cụ anh linh ngời ngời
Nặng tình non nước cụ ơi
Thương người chinh chiến một đời
Vì dân đất Việt không lời kêu ca
Hy sinh tính mạng xông pha
Ba mươi năm viết bài ca anh hùng…
Suối vàng cụ hỡi có hay
Cụ về lễ hội hôm nay ở chùa”

Văn tế cụ bà Ba Cẩn, mô tả, ngợi ca người vợ thứ ba trẻ đẹp, tài năng của cụ Đề Thám và là một nữ tướng của rừng thiêng Yên Thế:

Bà Ba khi ấy mới hay
Quần chùng áo chít vận ngay vào mình
Trèo lên đứng đỉnh mặt thành
Nào là võ sĩ công danh đâu nào
Các anh thì hãy nghe tao
Đường về Bố Hạ tiến vào cầu Sa
Bây giờ chia mũi làm ba
Giã Nam ta đánh vào triều
Cao Thượng, Bố Hạ Thế nào cũng tan
Trận bầy trận đánh liên miên
Đánh cho quân giặc không miền trở tay
Đánh nhau ròng rã ba ngày
Dồn về Cao Thượng buộc Tây phải hàng.

Sau lễ cúng cụ Đề, bà Ba là lễ cầu siêu cho nghĩa quân tử sĩ siêu thăng tịnh độ:

“Cầu cho vong giả nghiệp tiêu
Dứt điều oan báo, đủ điều phước duyên”

Cầu siêu xong thì cúng phóng sinh, phóng ngư, thả điểu. Trước đây cụ Đề làm lễ phóng sinh, thả điểu ở suối Gồ. Cụ cho thả cá xuống suối, thả chim lên trời, đốt những ngọn nến cắm vào bè chuối thả xuống suối cầu cho linh hồn các binh sĩ đã ngã xuống siêu thoát.

III. Một thế kỷ sau.

Suối Gồ không còn nhiều nước như xưa nên con cháu cụ Đề chọn một đoạn sông ở thị trấn Gồ làm lễ phóng sinh. Cá, chim được thả tự do được làm lễ tại đền bà Ba trước khi về bầu trời, sông nước.

Lễ Hội Yên Thế làm sống lại kho tàng phong tục của các dân tộc cùng vui sống nơi núi rừng Yên Thế và cuộc chiến đấu của Hoàng Hoa Thám để giữ gìn phong tục, hấp dẫn du khách và các nhà khám phá văn hoá trong, ngoài nước.

IV. Bóng Trăng Phồn Xương

Tù túng loanh quanh Hồ Gươm, hôm nay được về rừng, tôi vui hơn Tết.           

Tinh mơ, ô tô đưa chúng tôi vào bản Tam Tiến cách thị trấn Cầu Gồ bảy cây số. Xe luồn rừng gập ghềnh, thác núi cheo leo, lội suối, lên đèo. Thung lũng xa xa, tiếng gà gáy, chó sủa, tiếng chim ríu rít,bóng người chìm trong cây rậm rạp. Thấp thoáng những ngôi nhà hai tầng ngói mới đỏ tươi.        

  Mưa bay. Cảnh núi rừng điểm tô những vạt ngô, mảnh ruộng thơm lúa, rạ rơm vàng lối nhỏ. Đẹp như tranh.       

  Anh Nguyễn Duy Lâm, chủ tịch xã Tam Tiến đón chúng tôi, trò chuyện:

- Tam Tiến có nhiều tỷ phú rừng đồi. Các dân tộc Kinh, Tày, Nùng, Cao Lan, Sán Chỉ chung sống, yêu rừng, trồng keo, bạch đàn, làm ao vườn, cây ăn quả, nuôi gà đồi. “Gà đồi Yên Thế”- thương hiệu nổi tiếng. Đêm đêm, từng đoàn xe về đây mua gà, chuyển khắp nơi. Đất rừng Tam Tiến mênh mông đều có chủ. Mỗi người nhận thầu hàng chục ha rừng, tái sinh cây cỏ làm giàu, giữ đất. Tam Tiến nhiều năm nay không bị lũ sạt lở núi. Người với rừng vui ca hát cùng võ sáo của cụ Triệu Quốc Uý, cháu một vị tướng của Hoàng Hoa Thám…

          Tôi mê rừng.
           Mưa bụi mờ xanh.
           Gió đại ngàn.
           Chim hót ríu ran.
           Côn trùng dạo nhạc.
            Bí ẩn. Hoang vu.
            Khát vọng sống dâng trào.
            Bóng nhỏ mong manh.
           Chập chờn sợ hãi.      

Bước chân tôi thanh thản leo lên đỉnh đồi bạch đàn của vợ chồng thương binh Trần Văn Nhân. Hàng ngày anh chị đèo xe máy vào khu rừng của mình, chăm cây phát cỏ. Tiếng máy phát cỏ rào rào rừng cây. Hoang vắng, hiện đại, và chuyên nghiệp. Rừng bạch đàn thân gỗ thẳng tăm tắp, đang chờ người mua. Anh Nhân bảo: “Chúng tôi vay vốn trồng rừng đã sáu năm, nay thu hoạch, đủ nuôi bốn con đi học, cháu gái lớn đang học đại học Sài Gòn”.      

   Anh là bộ đội biên giới phía Bắc, bị thương, một chân bằng gỗ, leo đồi nhanh hơn vợ.    

    Ngắm những ngọn núi trùng điệp thâm u bao bọc không gian bao la, không điểm tựa, tôi cảm phục những người như anh Thân. Sức sống con người thật diệu kỳ. Họ chung sống với rừng thiêng nước độc nhẹ nhàng, bình thản, thân thương.      

Qua cái chòi nho nhỏ ôm ấp anh chị Thân bữa cơm trưa, lúc mưa nguồn, nắng gắt rừng sâu, bạn tôi đùa: “Mai Thục ở lại đây viết”.     

  Làm sao tôi đủ sức chung sống với rừng như anh chị. Họ có một sức sống phi thường. Người dân Việt Nam sống phi thường. Vượt thác lũ, nắng lửa, mưa rừng, những cuộc chiến liên miên, những ngày đêm tối sáng. Đời nọ nối đời kia. Không văn chương nào tả nổi. Không thể tưởng tượng. Chỉ có máu xương và nước mắt là có thật mà thôi!       

Ô tô vòng vèo dẫn chúng tôi khám phá cuộc sống của những tỷ phú gà đồi. Cuộc “cưỡi ngựa xem hoa” này, nếu gặp mưa bất chợt, lũ tràn xe. Đâu phải chuyện đùa.       

Chúng tôi đến nhà trưởng bản Nguyễn Thị Hạnh. Tỷ phú nuôi gà. Chị đi họp. Anh Đào Văn Chương, chồng chị mời chúng tôi thăm trại  gà trong vườn vải rộng chục ha. Anh đẩy xe thức ăn, kéo chuông nhỏ gọi gà. Đàn gà khoảng hai cân, lông thắm mượt, tíu tít tụ về, lục tục ăn uống. Mỗi lứa anh nuôi trên vạn con gà, quay vòng bốn vạn con/ năm.        

Tôi lẫn vào gà. Chụp ảnh tưng bừng cùng các bạn gà yêu mến. Vui tíu tít.      

   Trại gà chị Hạnh nổi tiếng, nơi khách cả nước tham quan, học tập. Trại gà làm ăn chuyên nghiệp, khép kín, từ trứng gà, ấp gà con, gà đẻ, gà thịt và thức ăn tự chế biến ngô, khoai, sắn đến hệ thống thương mại. Chị Hạnh và con gái học cao đẳng chăn nuôi. Gà được chăm sóc vệ sinh, khoa học. Các anh chị gà mào đỏ chót.       

Thế giới gà rất đáng yêu. Tiếng gà gáy sớm, gáy trưa, canh một, canh hai, canh ba, canh bốn, canh năm, gọi con người. Tiếng gà mẹ gọi gà con. Gà mẹ xoà cánh ủ đàn gà con, khi phát hiện lũ diều hâu từ xa tít…         

Anh Chương tay lái ô tô, tay mở máy phát điện, tay gọi gà, nâng trứng… vẫn còn tay gảy đàn bầu. Chúng tôi rất vội, mà anh cố níu vào ngôi nhà hai tầng ấm cúng của mình, trải chiếu mời rượu và gảy đàn bầu đãi khách.      

Tiếng đàn bầu nỉ non bài hát ru con Nam Bộ “Gió mùa thu, mẹ ru con ngủ, năm canh chầy, thức đủ vừa năm” vang trong rừng sâu Yên Thế, như hẹn mời chúng tôi trở lại nơi này.       

  Tôi quấn lấy cây đàn bầu không nỡ rời chân. Nhà báo Thanh Hải hứa: “Em sẽ đón chị lên đây nghe đàn bầu một đêm trăng trong rừng vắng”.      

  Chương tiễn chúng tôi bằng nhạc điệu “Cây trúc xinh”. Anh bạn thơ Thanh Kim cùng tôi hát theo tiếng đàn bầu: “Cây trúc xinh, tang tình là cây trúc mọc. Cây trúc mọc bên bờ ao. Chị hai xinh tang tình là chị hai đứng. Đứng một mình, hoa lới xinh càng xinh”.        

Tỷ phú “Gà đồi Yên Thế” đấy!     

Họ sống lao khổ, nhọc nhằn, thông minh, nhẫn nại, cần mẫn, hợp lực với rừng, trở nên giàu và sang trong nhạc điệu hồn quê Việt.         

Họ chẳng kém ai trên thế gian này.         

An bình hơn mọi chốn.          

Rừng xanh ru những kiếp phong trần.        

Bởi họ yêu rừng, sống/ chết với rừng, nên được rừng yêu.        

Xe vượt những vòng đồi dẫn chúng tôi về thôn Đồng Nhân xưa có đồn Đề Thám. Đất rừng Yên Thế, đầy ắp dấu chân Đề Thám. Rừng thiêng Yên Thế, đã thiêng càng trở nên thiêng liêng cùng Đề Thám.        

Một tốp các bà, các cháu dân tộc Nùng, trang phục màu xanh chàm, đợi chúng tôi từ sớm, hát dân ca Nùng tặng bạn.       Những gương mặt bảy, tám mươi bừng sáng. Giải chiếu giữa nhà tiếp khách, các bà hồn hậu kể chuyện ngày xưa đi hát lượn.       

Bà Long Thị Thanh, đôn hậu hiền hoà, nét đẹp thiếu nữ bỗng ùa về trong giọng kể:

- Mười lăm tuổi chúng tôi mặc quần áo hội hè, rủ nhau đi hát vào các phiên chợ. Đam mê. Hát giao duyên như hát quan họ dưới xuôi. Bên nam, bên nữ, hát đối đáp. Rồi yêu nhau. Thành chồng vợ.       

Các bà đồng thanh hát những làn điệu cổ vui trầm ấm, và dịch tiếng Việt bài “Con gà trống thiến”:    

   - “Em hát anh đừng cười. Nếu em hát được giọng như anh, em sẽ lễ tết cho anh con gà trống thiến. Nếu gà trống thiến anh chê bé, thì em sẽ tết anh con lợn quay”.       

Mấy cô gái Nùng, e thẹn hát bập bõm từng câu: “Sao mẹ lại gả chồng xa. Một năm được về nhà thăm một lần. Mẹ ơi mẹ gả chồng xa. Con về con xách con gà trống to”.       

Chia tay chúng tôi, các bà hẹn mùa Xuân về Lễ hội Yên Thế, nắm tay nhau vui hát dân ca.                 

Trưa Yên Thế ngày cuối năm.    

Ánh mặt trời trôi nhanh. Gió cuốn rừng chiều.               

Trong văn phòng huyện uỷ. Bí thư Thân Minh Quế tiếp chúng tôi. Bất ngờ, tôi nhận ra dáng vẻ nghệ sĩ của anh trong phong điệu thanh thoát, đôi mắt sáng sau cặp kính trắng.         

Chúng tôi tràn đầy hứng khởi sau chuyến leo rừng. Tôi vui lan man trước đồi rừng bạch đàn thẳng tắp vút cao của vợ chồng anh thương binh, ẩn sâu, trùng điệp núi.    

Màu xanh cây rừng nao nức lòng tôi. Tuổi thơ tôi được rừng xanh ấp ủ. Màu xanh cây ôm tôi suốt cuộc đời, mà giờ đây tôi chỉ là kẻ “cưỡi ngựa xem hoa”. Vô tình. Vô cảm.      

Nhưng tôi có thể làm được gì cho rừng cây xanh, thêm xanh bất tận, rộn rã tiếng con người?         

Tôi muốn gọi vang: “Gáy lên đi gà ơi! Hát lên đi hỡi đồng bào ơi! Cho rừng mãi mãi xanh cây lá, giữ đất nuôi người. Cho thác lũ ngàn sâu/ không tàn phá nước non. Cho tình người xanh thắm yêu thương”.        

Tạ tình muôn người trong một, đã nghe tiếng gà gáy mà bồn chồn thương nhớ. Thương nhớ Con Người. Thương nhớ cái Đẹp một đi không trở lại.       

Chúng tôi chân thành chia vui cùng bí thư Quế về chuyện dân Yên Thế trồng rừng, nuôi gà, làm kinh tế giỏi.      

Nhưng anh lại nói về văn hoá tâm linh- đất thiêng Yên Thế:

- Làm sao cho mọi người no đủ là tất yếu. Nhưng đời sống con người không có văn hoá tâm linh thì không ổn. Yên Thế là vùng đất lịch sử đầy biến động, thăng trầm. Là nơi rừng thiêng nước độc, bí hiểm thâm u, núi non trùng điệp với những cánh rừng đại ngàn nằm trên dải đất biên thuỳ trấn ải phía Bắc, phên dậu vững chắc bảo vệ kinh đô Thăng Long. Quá trình vật lộn với thiên nhiên, dã thú, giặc cướp, tụ cư mở đất, lập bản làng, những con người ở đây gắn kết bên nhau, chia ngọt sẻ bùi, sức sống kiên cường, bất khuất. Tinh thần thượng võ, cảm hứng chinh phục thiên nhiên kỳ vĩ, đã tạo nên những cá tính, bản lĩnh, tâm hồn lớn, tình yêu lớn “Trai Yên Thế, gái Nội Duệ Cầu Lim”.

Yên Thế xa xưa đã là nơi tụ hội “anh hùng Lương Sơn Bạc”. Những con người tài hoa “cầm kỳ thi hoạ”, những hiền tài khắp nơi theo chân các nghĩa sĩ hảo hán, võ lâm, tìm đến xả thân vì nghĩa lớn.

Đề Thám đã cho họ được thoả chí tang bồng, được phát huy hết khả năng, sở trường của mình. Đa số những con người ấy, cá tính mạnh mẽ, cao thượng, và lãng mạn. Họ chiến đấu hết mình và uống rượu ngâm thơ, đàn hát, ngắm cảnh núi rừng hùng vĩ, cao hứng, hoạ những bức tranh thuỷ mặc, hồn nghệ sĩ hướng lên cao, tinh khôi, nồng ấm.

Binh khí đánh giặc của họ cũng là nghệ thuật truyền thống. “Thập bát ban binh khí”- mười tám môn vũ khí, trong đó mỗi môn, mỗi loại có những kỹ thuật đặc trưng riêng tuỳ nghệ thuật sử dụng của từng người như cung, nỏ, ná, quyền. Có những loại binh khí là những nhạc cụ như: sáo sắt, đàn tranh, đàn bầu, não bạt.

Đó là những di sản văn hoá nghệ thuật riêng có của Yên Thế dành cho các thế hệ hôm nay và mai sau mà chúng ta chưa khám phá được bao nhiêu.

Mấy năm qua, cây sáo sắt dài với tiêu đề lãng mạn “Bóng trăng Phồn Xương” nổi tiếng về di sản văn hoá phi vật thể của Yên Thế, hoà hợp nhuần nhuỵ giữa âm nhạc và võ thuật. Đây là một tiết mục văn nghệ đặc sắc của nghĩa quân Hoàng Hoa Thám. “Bóng trăng Phồn xương” còn là vũ khí nhạc thơ, Hoàng Hoa Thám diệt giặc. Đêm thanh vắng trong rừng huyền bí, tiếng sáo sắt vang lên, hợp khí thiêng đại ngàn, như hiệu lệnh tụ sức muôn người hùng hồn đứng dậy, khiến giặc chỉ nghe tiếng sáo đã kinh hoàng, gọi Hoàng Hoa Thám là “Hùm xám rừng thiêng”.

Anh Thân Minh Quế giấu những giọt nước mắt khóc cha vừa về với Tổ tiên rừng thiêng Yên Thế. Anh đắm mê kể chuyện Hoàng Hoa Thám và “Bóng trăng Phồn Xương” cuốn chúng tôi vào tiếng sáo sắt diệu kỳ:

- Chúng tôi lập Câu lạc bộ võ thuật Hoàng Hoa Thám, lập nhóm nghiên cứu sưu tầm những di sản võ thuật tiềm ẩn trong các bô lão, võ sư ở các bản làng. Một trong những bài võ tìm được là bài võ sáo “Thiết địch thần phong, ngọc tiêu diệu khúc” (Cây sáo sắt mạnh như gió thần với những tiếng tiêu du dương tuyệt diệu). Nghe âm lượng tiếng sáo biết người nghệ sĩ thổi sáo buồn vui, thương nhớ, yếu mạnh, bình an hay âu lo, thảng thốt. Âm lượng tiếng sáo linh diệu, biến ảo, là linh hồn nghĩa quân Đề Thám, lúc dồn dập như sóng, như mưa bão, như sấm sét, khi buồn thương da diết, khi tĩnh lặng thâm sâu, khi hiền hoà mơ mộng…

 Về Tam Tiến lần này, chúng tôi chưa thể về bản rừng Phe, thắp nén tâm nhang dâng hồn cụ Triệu Uý đã truyền hậu thế bài võ “Thiết địch thần phong” được cụ tiếp thu từ một nghĩa quân Đề Thám. Ngoài võ thuật, cụ còn là một xạ thủ “bách phát, bách trúng”. Cụ đã lẫn vào núi thiêng năm 2008, tuổi ngoài chín mươi. Nhóm sưu tầm võ thuật do cụ truyền dạy thuộc lớp người “xưa nay hiếm”, đã kịp cùng cụ Uý biên soạn bài bản bài võ sáo “Thiết địch thần phong” đổi tên thành “Bóng trăng phồn xương”.      

“Bóng trăng Phồn Xương” giờ đây nhuần nhị uyển chuyển, mềm mại, réo rắt, vang vọng sâu sa, gợi mở khoáng đạt vẻ đẹp và khát vọng sống yêu thương giữa đại ngàn.      

“Bóng trăng Phồn Xương” với năm mươi mốt chiêu thức chuyển động diệu huyền như nước chảy, mây trôi. Cây sáo sắt dài 60cm, người nghệ sĩ phải thể hiện âm vực gấp khúc, uốn lượn, thăng giáng, trầm hùng đủ các chiêu thức như một võ sĩ: Thượng bộ hợp địch, Tiền nhân chỉ lộ, Tam hoàn sáo nguyệt, Đại khôi tinh, Linh miêu bổ thử, Thanh long hộ thảo, Mãng xà truy lão hổ, Uyên ương thoái bộ, Phong tảo mai hoa…      

Võ sáo là nghệ thuật âm nhạc tụ hồn thiêng thượng võ, là loại vũ khí chuyển kiếm, các phép dùng kiếm như nghệ thuật. Võ sáo- vũ khí nghệ thuật của âm thanh, của gió và hơi thở, khí chất, năng lượng con người và vũ trụ.       

Nghệ sĩ bắt đầu thổi sáo, âm vực hài hoà tả cảnh trăng treo biến ảo, sơn thuỷ giao tình. Xa xa những dãy núi đất uốn lượn xanh tươi nhiều lâm sản quí, chim muông đua hát vang lừng, những ngọn đồi vi vút thông reo. Rồi chàng từ từ hạ chân chuyển thế “trảo mã tấn” nhìn ngang dưới chân, bàn tay khoả nước, mắt nhìn xuống soi bóng trăng. Trăng trên trời cao đã chuyển vào đáy nước. Mơ màng. Thăng giáng. Uyển chuyển mà sôi động. Không gian chảy trôi thần diệu. Không tiền, khoáng hậu.      

Nghệ sĩ với “Bóng trăng Phồn Xương” phải có tài nghệ siêu đẳng về võ và âm nhạc. Thông thạo nghệ thuật “Thập tam kiếm pháp”. Mười ba kiếm pháp trở thành nghệ thuật “Kiếm thu như bông hoa, kiếm đùa như đinh đóng” hợp cùng âm vực tiếng sáo sắt tha thiết tâm tình, tự sự, thêm bạn bớt thù, bỏ binh đao, lãng đãng cùng trăng treo đầu núi, trăng in đáy nước, trăng mờ trong sương. Tiếng sáo sắt mạnh mẽ, thực và mơ, sáng bừng trí huệ, chở đầy năng lượng, làm biến đổi nhân gian.       

Âm nhạc phụ thuộc vào khí lực người nghệ sĩ. Chàng có võ thuật khí điêu luyện, hít thở không khí vào cơ thể hoà hợp chuyển động tay chân, các cơ, biến thành khí lực. Chàng vận khí, điều nội khí đến bất kỳ nơi nào trong cơ thể. Võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” là những phút giây chàng vận khí đất trời, thành khí lực của mình, toả âm thanh hồn người Yên Thế hoà với rừng thiêng.       

Người thưởng thức “Bóng trăng Phồn Xương” cũng phải am hiểu võ thuật và âm nhạc. “Hổ phụ sinh hổ tử”. “Ngưu tầm ngưu/ Mã tầm mã”. “Đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu”.      

Con người Yên Thế đầy ắp tâm thức thượng võ truyền thống. Buổi hồng hoang, võ, vật ban đầu sơ sài. Con người dựa vào sức mạnh thiên phú với các động tác đơn giản, chống đỡ và tái hiện các động tác của  muông thú: hổ, báo, mèo, rắn… dần dần nâng lên thành nghệ thuật cao cường, gan góc chống lại thú vật và kẻ thù hoặc vui chơi giải trí, luyện sức, đua tài.        

Miền Cầu Vồng Yên Thế triều Mạc có những người võ nghệ tinh thông, được phong tước quận công như Quốc Minh, Hồng Lương, Hồng Lượng.      

Các nhân vật võ lâm thường theo một trong hai khuynh hướng. Một là theo con đường võ nghiệp, điều binh, khiển tướng, thăng quan tiến chức. Hai là theo đuổi tập tành những công phu  đặc dị, “quái gở, quái chiêu”. Họ thích ngao du sơn thuỷ, phiêu đãng thiên hạ với châm ngôn hảo hán: “Da ngựa bọc thây”, “Bốn bể giai huynh đệ”, “Giang hồ không bến đợi”, “Tự do, tự tại”, “Đội trời đạp đất”, “Độc trụ kình thiên”. Khuynh hướng thứ hai này được nhiều môn đồ võ phái khác nhau “rong ruổi dặm trường”. Họ lập các môn phái, có võ đường riêng luyện tập, võ sư thu hút võ sinh, toả lan võ thuật tới các vùng miền.     

Hoàng Hoa Thám chọn nhiều nhân tài võ, làm võ tướng. Nghệ thuật quân sự đi đôi với võ thuật của Hoàng Hoa Thám là bí quyết để cuộc khởi nghĩa Yên Thế hiên ngang suốt ba thập kỷ. Người Pháp kinh hoàng. Không hiểu nổi.       

Bảo tàng Hoàng Hoa Thám tại Yên Thế có nhiều cuốn sách người Pháp viết về Hoàng Hoa Thám chưa dịch. Nhiều bức ảnh tư liệu về cuộc khởi nghĩa, sự tàn sát khốc liệt của giặc, vũ khí cổ truyền mã tấu, cung, nỏ của nghĩa quân, về Hoàng Hoa Thám và cuộc sống gia đình… do người Pháp gửi lại, là kho báu, chúng ta chưa hiểu hết.      

Ngày nay, người Yên Thế đang khôi phục và phát triển võ thuật trong đời sống bản làng. Nhiều võ sư, lò võ truyền võ thuật cho giới trẻ. Ngoài cụ Triệu Uý, ở Bắc Giang duy nhất võ sư Trịnh Như Quân biểu diễn được võ sáo “Bóng trăng Phồn Xương” giành giải “Độc đáo nhất”.       

“Bóng trăng Phồn Xương” Trịnh Như Quân biểu diễn được dựng phim tài liệu võ nhạc dân tộc, đoạt giải nhì thi liên hoan điện ảnh truyền hình quốc tế FICTS tại Hà Nội 2008, được gửi đi Milan (Ý) giới thiệu văn hoá phi vật thể đặc sắc Việt Nam.        

Chúng tôi thăm Câu lạc bộ võ Hoàng Hoa Thám. Võ sư Nguyễn Trường Sinh dạy lớp thanh thiếu niên từ chín đến mười sáu tuổi. Các bạn nữ duyên dáng, nhiều hơn nam, biểu diễn bài quyền “Lão hổ thượng sơn” uyển chuyển tinh tế, dáng điệu oai linh, cương nhu như hổ. Đẹp lạ lùng.      

Nguyễn Trường Sinh tâm sự:

- Người xưa có câu “Văn võ song toàn”. Người có võ, có văn sống bình thản, vững vàng, kiên trì, bất khuất, can đảm, nhẫn nại mà không chịu nhục, biết tôn sư, trọng đạo. Học văn võ là học làm người có đạo, trên kính, dưới nhường, ghét gian tà, bênh kẻ yếu “Ra đường dẫu thấy bất bằng chẳng tha”. Những người “Văn võ song toàn” sống khoẻ mạnh, yêu đời, yêu người, phóng khoáng, tự do, biết dừng, biết đủ “Thắng không kiêu, bại không nản”. Sống yêu thương. Tình yêu trải rộng núi sông, đến muôn người, muôn vật. Không ghen tỵ hiềm khích, thấp bé, nhỏ nhen. Biết tôn nhau “sư huynh”, “sư đệ”, bác ái trong tình huynh đệ. Không dùng kế sách “tiểu nhân” để triệt hạ đối thủ và không “lừa thầy, phản bạn”. Giới trẻ Việt Nam ngày nay, được đào tạo “Văn võ song toàn” là mơ ước của chúng ta.

Chiều Yên Thế sương giăng mờ núi.

Bí thư Thân Minh Quế dùng dằng không muốn chúng tôi về. Anh kéo chúng tôi lên phòng làm việc của mình đầy sách, tài liệu, máy tính với cây đàn ghi- ta, đàn nguyệt, mở bản nhạc Bài ca Yên Thế do anh sáng tác và mời chén rượu ấm tình Yên Thế.       

Lâu lắm rồi. Tôi lại gặp một vị “quan huyện” có tâm hồn nghệ sĩ. Ngày xưa Nguyễn Du, Chu Mạnh Trinh, Nguyễn Công Trứ vừa làm quan vừa là nghệ sĩ, đam mê sơn thuỷ, dâng hiến hết mình cùng sông núi, con người. Cuộc đời làm quan của họ không ít hệ luỵ bởi “chất nghệ”, nhưng khoáng đạt, thoả chí là mình, đã để lại di sản văn hoá cho đời, và Tình yêu còn lại.        

Tôi mơ những ông quan nghệ sĩ tái sinh, ra sức anh hào, cùng tất cả những người Việt trên mảnh đất hình chữ S và khắp hoàn cầu, nâng niu sông núi- con người Việt Nam.     

Anh Quế hẹn chờ chúng tôi về Yên Thế ngắm “trăng Phồn Xương” trên ngọn núi xanh cao.      

Người con trai Yên Thế nhiều duyên nợ với Đề Thám, luôn đau đáu đi tìm Hoàng Hoa Thám. Anh bảo: “ Chúng tôi đã cùng Viện khoa học lịch sử mở hội thảo nghiên cứu Hoàng Hoa Thám. Song vẫn còn nhiều bí ẩn. Cái chết của cụ Đề thành huyền thoại. Nhiều chuyện thêu dệt mờ ảo. Tôi tin rằng một kiệt nhân, uyên thâm, thông thái, bản lĩnh cao cường, thần diệu như cụ- không thể chết một cách bình thường. Cụ biết chọn cho mình một cái chết đúng tầm vóc của mình. Hoàng Hoa Thám sống anh hùng hảo hán, chết cũng anh hùng xứng với núi sông.”

Âm vang Yên Thế.

Một trăm năm sau vẫn bí ẩn diệu huyền.

Âm vang Yên Thế. Gọi chúng tôi về Yên Thế.     




VVM.01.8.2023-NVA.201210

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .