Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



VỀ DƯỚI ÁNH TRĂNG XƯA


NGƯỜI VỀ DƯỚI TRĂNG



T uệ Nguyên xếp cuốn “Quẳng Gánh Lo Đi Và Vui Sống” của Dale Carnegie đang đọc dở lại, bước ra sân vươn vai, hít thở một lát rồi ngồi xuống bên thềm nhà, nhìn ra khắp sân vườn, ngoài ngõ. Ánh trăng rằm tròn trịa trên cao, tỏa ánh sáng rực rỡ, mông mênh, huyền diệu. Nàng nhìn về phía chân trời xa, cảm nhận trong trái tim mình, một tình yêu vô bờ, nồng ấm đang hòa lẫn trong huyết quản. Nàng nhớ anh! Và nàng cảm nhận được, anh cũng nhớ nàng da diết. Nỗi nhớ cứ mông mênh, sâu thẳm, cuộn trào trong tâm hồn, để nàng ngậm ngùi, hoài niệm; và trách thầm anh lênh đênh phương trời nào, để nàng đớn đau như vậy?

“Đêm nay rằm trăng sáng,
Trăng vườn xưa ngậm ngùi.
Chói lòa mầu kỷ niệm,
Em nhớ chàng khôn nguôi!”. (*)

Nỗi nhớ cứ miên man, lai láng, khôn nguôi, để nàng như nhìn thấy trong cái mầu trăng huyền nhiệm ấy, bóng dáng chàng lung linh, mờ ảo tựa khói sương; và nàng cố níu giữ, sợ hình ảnh ấy tan mất; trông nàng ngơ ngác đến tội nghiệp.

Chị Hai của nàng lấy chồng ở xóm trong, về thăm nhà, thấy nàng ngồi ngẩn người bên thềm, liền gọi lớn:

- Nguyên! Mầy làm gì ngẩn người, tao về mà không thấy vậy? Bà nội đâu?

Tuệ Nguyên giật mình:

- Em có làm gì đâu, ngồi ngắm trăng thôi mà. Nội trong nhà chớ đâu!

Chị Hai, bỗng cười giòn giã:

- A! Tao biết rồi. Mầy nhớ thằng Nhơn, phải không?

- Mệt ghê. Nhớ đâu mà nhớ!

- Không nhớ nó mà ngồi ngẩn ngơ vậy hả? Đừng hòng qua mắt được bà chị nầy nghen!

Tuệ Nguyên cười theo chị:

- Không có thiệt mà. Mà chị về, còn anh Hai đâu, sao không đi cùng?

- Bữa nay tao về ở lại chơi với mầy và nội nè! Mầy ăn bắp rang không, tao có mang về nè, xuống bếp đi.

Tuệ Nguyên cười nịnh chị:

- Thương thì thương cho trót, mang về thì xuống bếp rang luôn đi. Chị dễ thương nhất nhà nà!

- Thôi đi cô em! Làm biếng như quỷ! Thiệt nội nói mầy làm biếng hổng sai chút nào, chỉ cái sách sách, vở vở, ngẩn ngẩn, ngơ ngơ là giỏi. Coi chớ có bữa ma nhập đấy em ạ!

Tuệ Nguyên cười lớn:

- Ôi! Bà chị của em. Em đâu dám không nhận cái danh làm biếng, bộ chị hổng nhớ mẹ nói em “làm biếng nhớt thây” sao? Nhưng mà, em chỉ làm biếng vào bếp thôi, còn lại cái gì em cũng siêng hết. Chị hổng thấy em ngày nào cũng chúi đầu vô sách sao? Siêng đó chớ bộ! Con ma nào mà dám bắt em chứ?

Chị Hai nhìn em gái, âu yếm:

- Thôi, tui chịu thua con em của tui. Mầy nói lận qua, lận lại, tao chịu mầy á; ngồi đó ngắm trăng đi, tao rang bắp xong, hai đứa cùng ăn cùng nói chuyện nghe!

- Dạ! Hoan hô chị Hai! Chị của em là nhất.

- Thôi mệt quá! Đừng có nịnh chị mầy.

Chị Hai vừa nói vừa đi vào nhà trong. Tuệ Nguyên nghe tiếng chị nói chuyện với nội, và tiếng sột soạt rang bắp ở dưới bếp. Nàng nghĩ mà thương chị Hai, nghỉ học về quê, không biết làm gì hết, ngoài việc ra đồng. Nàng còn có chị để mà nhờ, mà dựa; còn chị, có biết nhờ, dựa vào ai. Chị Hai là đầu tàu, nhổ cỏ, dặm lúa cũng chị làm nhiều hơn; gánh lúa thì chất đầy gióng, không như nàng, đầu ba, bốn bó lúa mà đi rón rén, đau vai ê ẩm. Năm tháng cứ quanh quẩn bên đồng ruộng, không thoát ra ngoài giây phút nào; nghe theo tiếng kẻng giục giã hằng ngày, con người ta không mụ mẫm, cũng trở thành mụ mẫm. Nàng nghĩ, mình còn có niềm vui bên sách vở, rảnh rang một chút là chúi đầu vô đọc; không mở mang kiến thức, thì cũng giết thì giờ, khỏi nghĩ ngợi vu vơ. Còn chị Hai, như một cô thôn nữ thực thụ, không có niềm vui nào khác ngoài ruộng đồng, đồng ruộng. Nàng thương chị Hai lắm!

Hai chị em nàng ăn bắp rang, nói chuyện cười đùa dưới trăng; kể nhau nghe kỷ niệm tuổi học trò, và nàng được nghe chị Hai nói về ước mơ cháy bỏng trong chị, mà bấy lâu nay vì quá vô tình, nàng không được biết. Chị Hai ước mơ được là một dược sĩ, được mặc chiếc áo blouse trắng chị yêu thích; mong được nghiên cứu, điều chế thuốc men, để cứu giúp những người mắc bệnh hiểm nghèo. Ước mơ của chị trong sáng, cao quý là vậy, mà cũng đành phải xếp lại; để nghe theo tiếng kẻng hằng ngày, sống một đời sống bình thường nhất.

Tuệ Nguyên nghĩ, đến một lúc nào đó, những ước mơ thật sự vỡ vụn, biến mất; thì đời sống của con người, có lẽ cũng trở nên khô cằn, cứng nhắc, buồn tênh. Đời sống mà không có ước mơ, thì sao nhỉ? Sẽ tàn lụi tất cả - con người sẽ không còn niềm tin, hy vọng để vươn tới! Thật đáng sợ!

Hai chị em nói chuyện đến hơn chín giờ mới vào đi nằm. Tuệ Nguyên nằm thao thức, nhìn ra cửa, thấy ánh trăng rớt qua chiếc phên tre ngoài hiên, trong cái không gian im vắng, lặng lẽ, chỉ nghe tiếng côn trùng rỉ rả, thấm đẫm nỗi buồn. Một bóng người lướt nhẹ từ ngoài vào, làm nàng hoảng sợ; nhìn kỹ, nàng thấy bóng người vào ngồi trên chiếc phản một lát, rồi ra vò nước. Tuệ Nguyên sợ quá, vội lay chị nói thầm vào tai:

- Hình như có ma, chị Hai!

Chị Hai ngái ngủ, giọng lè nhè:

- Ma cỏ gì thời buổi nầy mà mầy nói. Mầy thiệt là!

Tuệ Nguyên sợ sệt:

- Thiệt mà. Em thấy rõ ràng, có bóng người trắng lộp từ ngoài vào, ngồi trên phản, một lát rồi ra vò nước. Thiệt mà!

Chị Hai tỉnh hẳn, vụt đứng dậy, chạy lại cửa phên, dòm ra ngoài:

- Đâu, để tao coi thử, con ma nào mà dám vào đây hù em gái tao? Nó đâu? Nó đâu?

Tuệ Nguyên kéo mền trùm kín người, đôi tai lắng nghe tiếng động bên ngoài. Chị Hai dõi theo cái bóng người ngồi trên phản, thấy anh ta rút gói thuốc trong túi và châm lửa hút. Chị Hai vội đẩy cửa bước ra ngoài:

- Ơ! Chớ cậu về khi nào, mà sao giờ mới xuống vậy? - quay vào trong, ma cỏ nào đâu, thằng Nhơn nó về chớ ma gì mà ma, làm hết hồn hà!

Tiếng người đàn ông, giọng trầm và ấm:

- Dạ chào chị! Tui mới về khi sáng. Cả ngày bận ít việc, nào trình diện, rồi bà con đến thăm; với lại tui để tối nay có trăng, xuống thăm nhà vui hơn.

Nghe giọng nói của anh, nàng vội bung mền ngồi dậy chạy ra; thấy anh ngồi đấy, hiền lành nhìn nàng mỉm cười. Niềm vui vỡ òa trong nàng, không nói nên lời. Niềm hạnh phúc lớn lao quá, nàng không thể hình dung nổi, dù nàng luôn mong chờ cái ngày này. Vậy là anh đã về, về thật rồi, nghe sao như chuyện cổ tích? Nàng bước lại bên anh, nhìn thật kỹ, sợ mình gặp ảo giác rồi thất vọng. Anh cầm tay nàng, nghẹn ngào:

- Anh đã về, em à!

Tay nàng run run trong tay anh, giọng thì thầm, nhắc lại lời anh vừa nói:

- Anh đã về!

Nội nàng nghe, vội thức dậy, cả nhà quây quần bên anh thăm hỏi. Ánh trăng trên cao dường như cũng hòa theo niềm vui của nàng, chợt sáng rõ, rực rỡ. Đêm sâu, yên vắng hơn, tiếng côn trùng rỉ rả, nhưng sao nàng nghe vui, không như trước đây. Nội đi nằm trước, chị Hai ngồi chơi một chặp rồi cũng muốn đi ngủ tiếp. Chị Hai vào nhà trong ôm ra chiếc gối và cái mền, dặn dò:

- Hai đứa chơi một lát nữa rồi đi nghỉ nha! Nhơn nằm ở phản, mền gồi đây, nha em.

Nhơn từ tốn:

- Dạ chị! Chị nghỉ trước đi, tui xin phép ngồi chơi với Tuệ Nguyên một lát nữa nghe!

Chị Hai ừ, rồi quay vào nhà trong.

Nhơn và nàng ngồi trên chiếc kệ xi măng bên hiên nhà, nghe niềm hạnh phúc mênh mang rót vào trái tim xao xuyến, rộn ràng. Nhơn nhìn sâu trong mắt nàng, giọng anh thì thầm:

- Em có thấy trăng đêm nay đẹp lắm không? Vầng trăng uyên nguyên, nhiệm mầu, em nhỉ?

Tuệ Nguyên nhìn lên ánh trăng, giọng xa xăm:

- Vầng trăng kỷ niệm mà anh. Mỗi độ trăng về, em luôn nhớ đêm trăng kỷ niệm năm nào, anh ạ! Nó luôn là ánh trăng đẹp nhất trong cuộc đời em.

- Vậy nên anh mới nói là ánh trăng ấy mầu nhiệm, uyên nguyên, luôn soi đường cho anh trong đêm tối của cuộc đời. Anh trở về cũng lại một đêm trăng - chợt ngập ngừng, và em luôn là ánh trăng đẹp nhất trong lòng anh.

Anh kể cho nàng nghe, những tháng năm lao khổ giữa núi rừng, không lúc nào thôi nhớ nàng, yêu thương nàng; hy vọng một ngày được trở về, cùng nàng hát khúc hát yêu thương. Giọng anh tha thiết:

- Em biết không, những đêm trăng sáng không tài nào anh ngủ được, cứ thao thức nhớ nghĩ. Anh nhớ em đến vô cùng. Nỗi nhớ như cấu nát trái tim anh, nhiều lúc anh muốn trốn về thăm em một chút rồi lên; nhưng rồi anh sợ, anh sợ đau thương sẽ chia cắt chúng ta.

- Hạnh phúc nào chẳng đổi bằng những đau thương, mất mát, hở anh?

Nhơn nắm tay nàng:

- Em đồng ý bên anh suốt cuộc đời này chứ?

Nàng cười khúc khích:

- Còn xem lại, thử loài ngựa hoang có muốn dừng chân không đã?

Nhơn chợt ngâm lên khe khẽ:

- Tóc em quàng dây buộc,

Chân ta đi dung dằng

Cầm tay nhau tỏ thật

Cớ sao em ngại ngần?

- Bởi, anh là loài ngựa hoang không biết yêu đồng cỏ!

Nhơn rút một điếu thuốc, châm lửa, đưa lên môi, hít một hơi dài, giọng trầm buồn:

- Tuổi thơ anh buồn lắm, mới tám tuổi đã theo mẹ gồng gánh tản cư. Học một buổi, buổi còn lại anh phải đi chăn bò thuê. Những ngày hè, anh theo mẹ bán cơm cho lính. Anh phải giả vờ không biết mẹ, để bán nước, sau khi họ ăn cơm xong. Trong lòng anh, luôn muốn được thoát ra, vươn lên, đến một chân trời mới, rộng mở; cho nên, cứ muốn bôn ba, dù chí không thành, danh chẳng đặng; nhưng với em, anh sẵn sàng vì em tất cả, luôn yêu thương và chia sẻ cùng em những ngọt bùi, cay đắng. Mong em hiểu lòng anh.

Nàng nghẹn ngào:

- Cảm ơn anh! Em chợt nhớ bài hát “Tuyệt Khúc Chàng” lời thơ của anh, Nguyên K phổ nhạc. Em hát anh nghe nha! Coi như mừng anh trở về.

- Em hát đi. Anh muốn nghe em hát bài ca này.

Tuệ Nguyên hít thật sâu lấy hơi, cất giọng hát… “Đêm nay rằm trăng sáng. Trăng vườn xưa ngậm ngùi. Chói lòa mầu kỷ niệm. Em nhớ chàng khôn nguôi. Đêm nay rằm trăng sáng. Chàng lênh đênh nơi nào? Trăng vườn mơ em gọi, nhớ chàng đến tái tê…”; giọng nàng cao vút, mông mênh trong đêm thanh vắng, nghe buồn da diết. Anh lắng nghe, cảm nhận nỗi nhớ thương của người yêu qua câu hát. Tiếng hát trong trẻo, vút cao, nỗi nhớ như réo rắc thêm “Núi một đời trầm mặc. Rừng một đời thâm nghiêm. Chàng một đời phiêu bạc. Em một đời ngóng trông”. Một đời chàng phiêu bạc, dong ruổi theo tiếng gọi của loài ngựa hoang; để nàng một đời trông ngóng, dõi theo. Hạnh phúc lang thang trên đồng cỏ, trên núi đồi, như mây bay, để cho cuộc đời nầy héo gầy, mong nhớ? Giọng nàng như vỡ òa với khổ thơ cuối “Trong vô cùng em hát, chàng ơi hạnh phúc thầm. Trong vô cùng em chết, tình ơi tuyệt khúc chàng”; mông mênh, mông mênh!

Nhơn chợt choàng tay ôm nàng vào lòng, anh cúi xuống trên gương mặt hâm hấp nóng của nàng. Nụ hôn ngọt ngào đầu đời, làm nàng luống cuống, hoang mang. Anh rút trong túi ra một chiếc hộp nhỏ, đựng chiếc nhẫn mi ca, mầu đen bóng loáng, đeo vào tay nàng, giọng âu yếm:

- Anh tặng em. Đây là chiếc nhẫn tự tay anh làm, vài ngày nữa, mẹ anh sẽ xuống thăm nhà em.

Nàng mân mê chiếc nhẫn trên tay, giọng xa xôi:

- Hạnh phúc như một chiếc ghế, anh nhỉ!

Nhơn cười hiền lành:

- Em hiểu rồi à?

- Dạ. Em hiểu rồi. Chỉ cần ngồi xuống là sẽ thấy.

- Đơn giản là vậy, mà ít ai nhìn thấy, cứ mãi chạy tìm kiếm suốt tận đâu, cho đến mệt nhoài, rã rời, em nhỉ?.

Tuệ Nguyên đồng tình:

- Đúng vậy anh. Có người suốt đời vẫn còn kiếm tìm, vọng tưởng, có biết đâu rằng, nó ở sát bên hiên nhà chớ đâu.

Nhơn nhìn nàng, thăm dò:

- Em nói anh đấy à?

- Sao em dám nói anh như vậy chứ - chợt ngập ngừng, anh thấy lâu rồi mà, chỉ có điều… muốn bay xa, xa thiệt xa… cho đến khi mỏi mệt, ngồi xuống mới thấy hết được chiếc ghế hạnh phúc, là như thế nào? Phải không anh?.

Nhơn cười rạng rỡ:

- Chỉ cần ngồi xuống là sẽ thấy liền em nhỉ!

Ánh trăng rằm bàng bạc, mênh mông.

(*) Thơ – NC




VVM.31.7.2023