Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


NHỮNG MẢNH GHÉP




    


  CHƯƠNG 2 : VÙNG TỰ DO

K iên sang vùng tự do được sắp xếp vào học lớp 4 trường cấp I xã Chiến thắng Huyện Hạc Trì tỉnh Phú thọ.

Những làng quê bị giặc chiếm đóng, người vùng tự do gọi chung là dân vùng tề. Làng Kiên cách vùng tự do bởi con sông Hồng nước đục ngầu đầy phù sa, giữa sông lại nổi lên khu đất cát rất rộng dân dùng trồng ngô, đỗ, khoai lang, gọi là Bãi Giữa, đã có một số gia đình ra đây làm nhà và làm nghề chài lưới đánh bắt cá gọi là dân Bãi Giữa.

Giữa vùng tự do và vùng địch tạm chiếm tuy cách nhau con sông Hồng, nhưng người dân hai vùng vẫn được đi lại thông thương với nhau, bên vùng tự do đã giành ra một khu đất rộng làm chợ để buôn bán trao đổi hàng hóa giữa hai vùng tự do và vùng tạm chiếm, người dân gọi là khu Miễn Lệ, Ngưởi vùng tạm chiếm có thể sang đây mua bán những thứ cần thiết như măng, nâu, sắn, những thứ lâm thổ sản rừng. Người vùng tự do vào đây để mua đường sữa, vải vóc, giâý bút… từ vùng tạm chiếm đem sang.

Vì họ đều còn quá trẻ lần đầu phải sống xa gia đình nên thường nhớ nhà. Nhiều khi chỉ mong được gặp bố mẹ ở khu Miễn Lệ cho đỡ nhớ. Nhân dân trong vùng cũng gọi họ với cái tên là học sinh vùng tề.

Họ luôn muốn được vào khu Miễn Lệ để được gặp bố mẹ hoặc người trong làng để nhìn để hỏi cái gì đó để vợi đi nỗi nhớ nhà.

Thầy Hiệu trưởng tên là Dương Văn Phong, có chữ ký rất dễ bắt chước, trong bọn họ có thằng bạn ký rất giống đã mạo chữ ký thầy để vào khu Miễn Lệ. Vì vào khu Miễn Lệ phải được nhà trường cho phép.

Thật vậy, vì mới trên dưới 10 tuổi lại phải sống xa bố mẹ nên họ rất nhớ quê hương, nhất là những khi nhức đầu, sổ mũi, ốm đau… họ đã khóc thầm trong đêm ngủ. Một lần Kiên đã bị đau đầu như búa bổ, bây giờ nghĩ lại vẫn thấy buồn cười. Mùa nước, vùng họ học được bao bọc bởi cánh đồng nước mênh mông. Suốt ngày được tự do ngụp lặn thỏa thích. Trời thì nắng chang chang lại ngâm mình dưới nước, chẳng ai bảo ban cấm đoán… tối hôm ấy Kiên đau đầu một cách lạ thường, lấy thuốc cảm để uống như mọi khi, cũng không thấy khỏi càng đau nhức buốt hơn. Kiên đã nghĩ hay là chuyện đỉa chui vào tai ngoi lên đầu, Kiên đã xin nước điếu đổ vào tai để nếu có đỉa để đỉa chui ra.

Vì trước đó Kiên đã được nghe câu chuyện đỉa chui vào tai mà rùng cả mình. Chuyện kể rằng: Ông chủ nhà nọ đã rất bực mình vì thằng ở luôn cho cả nhà ăn cơm sống mấy hôm nay, lần này ông xuống bếp để xem sự thể tại sao lại như thế, thì ông thấy thằng ở nhà ông đang lấy cái vung úp lên đầu… Ông không hiểu tại sao nó lại làm thế và cơm luôn sống là vì thế này đây, ông bực mình đã hầm hầm chạy vào bếp nó giật mình vội vàng lấy vung úp vào nồi, còn ông thì vớ lấy cây cời bếp nện vào đầu thằng ở một cái, không ngờ đầu nó vỡ toác và lúc nhúc những đỉa con bò ra. Đây là chuyện của các ông bố bà mẹ nói để cấm con cái không được ngụp lăn khi tăm ao làng.

Kiên đã liên hệ chuyên ấy mà sợ, chẳng lẽ đầu nhức nhối là do đỉa chui vào thật sao? Làm thế nào để đỉa chui ra… Người ta bảo hòa nước vôi loãng đổ vào tai cho đỉa chui ra, Kiên làm… bảo Kiên kiếm viên gạch nung lên để dưới gối để gối đầu cho đỉa thấy nóng phải chui ra Kiên cũng thực hiện…

Rất may sau đó Kiên được gặp một thầy thuốc tên Phát, cũng dân vùng tề sang vùng tự do nghe nói có học sinh vùng tề, đã vào chơi, Kiên đã kể câu chuyện đỉa chui vào tai cho anh nghe, anh chỉ cười rồi đưa cho Kiên mấy viên thuốc anh nói: Em uống mấy viên Đa-Giê-Năng này sẽ khỏi ngay thuốc chữa đău đầu đấy. Quả nhiên Kiên khỏi đau đầu một cách diệu kỳ thật…

Để chắc chắn khỏi tiệt bệnh đau đầu, một Cụ lang y trong xóm trọ đã đến châm cứu, đốt ngải ở đỉnh đầu và hai tay cho Kiên. Và từ bấy đến sau này Kiên không thấy bệnh đau đầu tái phát nữa.

Kiên có bà chị gái chạy tản cư lên huyện Đoan Hùng tỉnh Phú Thọ, anh rể Kiên đi Thanh Niên Xung Phong, nên chị dặn đi dặn lại là khi nghỉ hè lên chỗ chị trông cháu giúp chị.

Kiên đã đi bộ từ Hạc Trì lên Đoan Hùng, vì còn bé nên sự tính toán độ đường đi không chính xác, không biết rằng một ngày không thể đến được huyện Đoan Hùng… đi đến lúc 12 ,11 giờ đêm rồi mà vẫn không xác định được đến nhà chị còn bao xa nữa… Kiên thật sự hoảng sợ, lo lắng, đã phát khóc nơi đường không mông quạnh… Đang tính toán tìm nhà xin ngủ trọ để mai đi tiếp thì rất may Kiên đã gặp ba anh bộ đội đi cùng chiều và đang vượt lên trước Kiên. Các anh thấy Kiên đi lũn cũn một mình, một anh hỏi: Em đi đâu vậy? Kiên mừng quá, đã trả lời một thôi một hồi để các anh hiểu và khỏi đi mất: Em đến cầu 17 - thôn Minh Tân, Xã Bình Xuyên Huyện Đoan Hùng, chỗ chị em tản cư trên đó, chị dặn đến cây cầu 17 hỏi, là vào nhà!...

Cả ba anh bộ đội đều kêu trời, một anh nói: Thế thì em phải đi hết đêm nay rồi, sáng mai mới tới. Hình như các anh thấy sự mệt mỏi của Kiên, một anh nói: Thế này nhé, các anh sắp đến chỗ rẽ về đơn vị rồi, các anh sẽ tìm cho em một quán trọ, mai đi tiếp, rồi các anh tạt vào một quán bán hàng bên đường, nói với bà chủ quán: Đây là chú liên lạc của chúng tôi, em đã quá mệt không thể đi được nữa, chúng tôi gửi em được ngủ đêm nay, mai sáng em đi tiếp…

Bà chủ đã vui vẻ nhận lời cho Kiên được ngủ vào cái “chõng tre” của bà, còn bà thì thức đến sáng thì phải. Sáng hôm sau bà đã cho Kiên ăn bánh chưng và Kiên đã thật thà kể lại cho bà nghe Kiên là ai, và nói cho bà biết những anh bộ đội chỉ là người đi cùng đường có lòng hào hiệp thương người giúp đỡ Kiên thôi… Bà cười, bác cũng đoán vậy… liên lạc liên liếc gì mà không mặc quần áo bộ đội…

Lớn lên nhìn trên bản đồ mới thấy Việt Trì muốn lên đến Đoan Hùng phải đi qua các vùng Cổ Tích, chân Đền Hùng, đất Phong Châu, đất Phù Ninh, núi Yên Kiện… khá xa xôi.

Ngoài việc bế cháu, thỉnh thoảng Kiên còn được đi vào rừng lấy măng, lấy mật ong rừng với người trong xóm, làm bẫy đánh chim Khiếu. Kiên đã đánh được con Khiếu ngay sau ngôi nhà của chị, đưa cho bạn gái tên Mận ở cạnh nhà cầm, do cầm không chặt con Khiếu đã vuột khỏi tay, Kiên tiếc mãi, Kiên không dám “cáu” vì Mận là bạn gái mới làm quen...

Một lần chị cho theo vào rừng đi lấy mật ong rừng. Chị cuộn rơm rạ buộc chặt vào đầu cây sào dài, và đốt cho khói bay lên tổ ong, để ong bay đi, chị trèo đến đâu, chị chuyển cây sào buộc nùn rơm lên đến đây, lúc chị trèo đến gần tổ ong, chỉ việc lấy móc sào giật tổ ong cho rơi xuống đất. Việc đầu tiên là chị xuống, bẻ ngay cho mỗi người đi cùng một miếng sáp mọng mật để cho vào mồm ăn thử, rồi mới đem tảng sáp ong đó về nhà vắt lấy mật. Mật vàng óng thật quyến rũ.

Đi vào rừng thấy bụi tre, nứa nào có cây bị vàng lá, chị biết có chuột Dũi đang làm tổ, là chị nghiêng ngó tìm cửa hang hun khói đào để bắt đem về làm thịt xào với sả ăn.

Sau này Kiên vẫn nhớ như in những việc này, cả việc mấy anh bộ đội, bà chủ quán đã giúp đỡ Kiên, đấy là những ký ức khó quên…

Những năm tháng học ngoài vùng tự do Kiên đã được lớn lên về nhiều mặt, một số bạn thuộc lớp lớn tuổi như Mão, như Kiểm, như Triệu… đã xin lên đường tòng quân, vì các anh thích đi chiến đấu hơn ngồi học. Một số xin trở lại vùng tạm chiếm như Dựng, như Xoang, không học nữa vì không chịu được khổ và nhớ nhà. Thầy giáo dạy họ đều thuộc lứa tuổi trung niên và hình như đều có tinh hài hước rất thú vị… Một lần trong lớp có bạn gái tên Bền ngáp hết cỡ… thầy giáo ngừng giảng hỏi cả lớp: Con gì hay ngáp các em… Họ đã đồng thanh đáp to: Con chó ạ… Thầy cười: Đúng rồi, ngáp nhiều là gặp may đấy, chó ngáp phải ruồi mà! Rồi thầy nói với cả lớp: Thầy không cấm các em ngáp, nhưng phải biết ngáp, phải cúi xuống che miệng lại cho lịch sự… Việc đùa “quá chớn” của tụi trẻ đôi khi cũng gây ra sự cố làm người lớn phát hoảng, có hai anh lớn tuổi đố nhau uống hết ba bát mật mía nóng sẽ có thưởng, vì cạnh nhà trọ có lò đang kéo mật mía… Một anh bạn hăng hái uống một lúc hết ba bát to ngay tắp lự, uống xong thì say lăn bổ chửng ra nhà…

Bọn trẻ sợ tái mặt và kêu to là có người say mật các bác ơi, rồi được người lớn bảo phải móc họng anh ta ra để mật ộc ra không thì chết đấy…

Vùng tự do đã cho Kiên biết nhiều thứ nhiều chuyện, những anh bộ đội luyện tập lăn lê bò toài như thế nào, đã dạy cho tụi trẻ biết múa hát tập thể ra sao, biết hát bài “Kết Đoàn”, “Qua miền Tây Bắc núi vút ngàn trùng xa, suối sâu đèo cao bao khó khăn vượt qua…” “Thời cơ đã đến”. Được Nhạc Sĩ Đỗ Nhuận trên đường đi công tác lên khu Việt Bắc đã ghé thăm học sinh vùng tề và dạy họ hát bài “Ca ngợi Hồ Chí Minh” Kiên vẫn nhớ câu đầu: “Vừng sáng ánh sao vàng trên bóng cờ, Hồ Chí Minh con yêu của dân…”

Sau này Kiên đã có bài viết về Nhạc sĩ Đỗ Nhuân ông quê ở thôn Hoạch Trạch xã Thái Học, huyện Cẩm Bình, Hải Dương. Sinh ngày 10 tháng 12 năm 1922. Rời Cẩm Bình từ rất nhỏ, Đỗ Nhuận từng sống nhiều năm ở thành phố cảng Hải Phòng, nơi cha ông phục vụ trong đội quân nhạc với vai trò “lính kèn Tây”. Một trong những bài hát của nhạc sĩ Đỗ Nhuận được nhiều người hát trong giai đoạn khởi nghĩa giành chính quyền là tác phẩm “Du kích ca”. Theo ghi chép trong hồi ký của nhạc sĩ Đỗ Nhuận, bài “Du kích ca” được sáng tác trong khoảng thời gian sau Tết Âm lịch năm 1945. Khi đó, không khí cách mạng từ bên ngoài đã lan vào trong nhà tù Sơn La, anh em trong tù luôn hồi hộp dõi theo những tin tức cách mạng bên ngoài... .

Đỗ Nhuận không phải là người trong quân đội, nhưng người chiến sĩ mới của cách mạng đã tạo nhiều cảm hứng cho ông. Trong kháng chiến chống Pháp, Đỗ Nhuận đã viết nhiều tác phẩm gây ấn tượng mạnh mẽ, thúc giục cả dân tộc vững bước trong cuộc kháng chiến trường kỳ. Bên cạnh “Áo mùa đông” đằm thắm, trữ tình là “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” (1951) trang trọng; Kiên nhớ năm đó là năm 1951, một ngày chủ nhật tháng 4 tháng 5 gì đó. chúng tôi được thông báo tập trung tại nhà bà Nhặt để đón Nhạc Sĩ Đỗ Nhuận đến thăm… Đi cùng có thầy giáo Thái và con gái thầy là cô giáo Phúc. Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã chuyện trò với chúng tôi nhiều chuyện và khuyên bảo chúng tôi chăm chỉ học tập để sau này phục vụ cách mạng và nhạc sĩ có nói trên đường lên Tây Bắc tranh thủ vào thăm chúng tôi. Trong lúc chờ lệnh lên đường sẽ dừng chân ở đây và tham gia dạy hát cho chúng tôi vui đỡ nhớ nhà… Khi ấy Nhạc sĩ 29-30 tuổi.

Đầu tiên Nhạc sĩ Đỗ nhuận đọc cho chúng tôi chép bài hát Ca ngời Hồ chủ tịch do chính nhạc sĩ sáng tác. Nhạc sĩ đã chia chúng tôi thành hai tốp để tập bài hát Ca ngợi Hồ Chủ Tich. Tôi vẫn nhớ Bài hát có lời ca từ như sau


Bừng sáng ánh sao vàng trên bóng cờ,
     ...................
     Ngời ánh vinh quang của giống nòi.
     .........................
     Ngời ánh vinh quang của Việt Nam.
     .........................
     …..................................
     Ngời ánh vinh quang Tổ quốc ta.

Kiên nhớ hồi học mới có hai đoạn đầu, đoan 3 sau này mới có.

Để động viên bọn trẻ say sưa học hát, nhạc sĩ đã đề ra sự thi đua xem nhóm nào nhanh thuộc và hát đều nhất. Nhạc sĩ hát và bắt nhịp cho tốp này hát trước, cho điểm rôi tốp kia hát, lại cho điểm, thường thì số điểm hai nhóm chỉ chênh nhau nhau nửa điểm hay một điểm là cùng… Cứ nghe nhạc sĩ biểu dương cho điểm xong là bọn trẻ vỗ tay reo hò rất vui…

Bài hátNhạc Sĩ dạy chúng tôi hồi đó đã để lại cho bọn trẻ chúng tôi lòng tự hào dân tộc ta là có bác Hồ kính yêu và từ đó càng thêm yêu Tổ quốc và lãnh tụ của mình… Bài hát đã đi cùng Kiên trong chín năm trường kỳ kháng chiến. Sau này họ đều trở thành nhữngThanh niên yêu nước và trở thành Đảng viên… có người trở thành chiến sĩ quân đội nhân dân mang quân hàm Đại tá và đều được tặng bằng khen huân huy chương trong công cuộc chống Mỹ cứu nước…

Kiên còn biết Nhạc sĩ đã sáng tác được nhiều bài hát bài hát như “Sóng cả không ngã tay chèo”, và bài hát “Du kích sông Thao” (1949) nổi tiếng… .

Nhạc sĩ Đỗ Nhuận đã tham gia chiến dịch Điên Biên và đã sáng tạo những tác phẩm có giá trị như: “Hành quân xa” (1953); “Trên đồi Him Lam” (1954); “Chiến thắng Điện Biên” (1954). Ở ca khúc “Hành quân xa”, chân dung người chiến sĩ Việt Nam được thể hiện trong âm nhạc khá chân thực, mang hơi thở và nhịp đập trái tim Việt Nam hồi đó.

Những thập kỷ 60-70 của thế kỷ trước, Chúng tôi nghe đài TNVN có nói nhiều đến Đỗ Nhuận và liên tiếp truyên đi những bài hát của ông sáng tác như “Hành quân xa” và “Chiến thắng Điên Biên” lòng chúng tôi đã rạo rực, bồi hồi, xúc động tự hào… nhớ về ông Người Thầy đầu tiên dạy chúng tôi biết hát.

Đặc biệt có một lần ông đã nói đến chúng tôi học sinh vùng tạm chiếm đã được ông đến thăm dạy hát bài “Ca ngợi Hồ Chủ Tịch” đầu tiên khi ông mới sáng tác chưa phổ biên. Khi ông nhắc đến chúng tôi ông đã có lời nhắn gửi tâm tư đến không biết ai mất ai còn với tình cảm dạt dào xúc động… và còn tự hào về chúng tôi là những người được hát đầu tiên tác phẩm này…

Lúc đó nghe vậy Kiên dã cám động nói thành lời gọi tên ông “Nhạc Sĩ Đỗ Nhuân ơi em vẫn còn đây em đã trưởng thành rồi… Cám ơn Thầy đã dạy chúng em những lời ca đầu đời bỉết hát để biết yêu đồng bào, biết yêu Tổ quốc, biết yêu lãnh tụ…

Kiên đã ghi lại một kỷ niệm như thế về Nhạc sĩ Đỗ Nhuận… Về thời gian có thể nhớ sai đôi chút, nhưng câu chuyện kỷ niệm về Nhạc Sĩ Đỗ Nhuận dạy hát và nghĩ về ông là hoàn toàn sự thật đúng như vậy…

Cuối lớp 4, tức là hết cấp I, Kiên được bầu là Học Sinh gương mẫu toàn trường và đặc cách lên cấp II không phải thi, trong học bạ của Kiên thầy giáo phê:…Kết quả khả quan, xem thấy vậy, Kiên đã chạy đi hỏi Thày: Thầy phê em “kết quả khả quan” em không hiểu chữ “khả quan”. Thầy cười cái cười cởi mở độ lượng thân tình: Ý thầy nói kết quả học tập của em là đáng mừng, ừ! kết quả đáng mừng em hiểu chứ, khả quan là đáng mừng mà... . Kiên và Phan Thanh Bân cùng quê cùng vào học trường cấp II Xuân Huy huyện Lâm Thao tỉnh Phú Thọ. Trường đặt ở nhà dân thuộc đất Xuân Lũng nhưng cũng không hiểu sao lại gọi trường cấp II Xuân Huy. Ở đất Xuân Lũng có chùa Xuân Lũng, người dân nói chùa được khởi dựng vào thời Lý- Trần. chùa có một bia đá có niên đại 1377-1388. Sau này Kiên có được nghe câu chuyện về làng Xuân Lũng có Trần Trong Khiêm làng người đầu tiên đặt chân đến nước Mỹ. Câu chuyện như thế này: Các nguồn sách báo xưa nói người Việt Nam đầu tiên đi đến Mỹ là ông Bùi Viện (1841 - 1878). Ông là một nhà ngoại giao, làm quan dưới triều Nguyễn. Nhưng năm 1998, ông Mai Thanh Hải tìm thấy một số tư liệu lưu trữ tại Thư viện Quốc gia 2 TPHCM và một số tài liệu khác được biết trước ông Bùi Viện có một người Việt Nan đế Mỹ, đó là ông Trần Trọng Khiêm người làng Xuân Lũng, huyện Sơn Vị, phủ Lâm Thao (thuộc tỉnh Phú Thọ). Trần Trọng Khiêm sinh năm Tân Tỵ (1821).

Thuở nhỏ, ông học ở quê nhà, nổi tiếng hay chữ, nhưng không đi thi. Năm 20 tuổi, ông lập gia đình với người họ Lê cùng làng, theo nghề buôn bán gỗ ở Bạch Hạc (Việt Trì) và Phố Hiến (Hưng Yên). Năm 1843, vợ ông Khiêm bị một viên chánh tổng hại chết. Căm giận, ông giết chết viên chánh tổng để trả thù, rồi trốn đến Phố Hiến, xin làm thủy thủ cho một tàu buôn nước ngoài.

Suốt 12 năm (1842 - 1854), Trần Trọng Khiêm đã đi qua nhiều vùng đất từ Á sang Âu: Hồng Kông, Anh, Hà Lan, Pháp... Nhờ trí thông minh, đi đến đâu ông cũng cố gắng học tiếng địa phương. Năm 1849 ông đặt chân đến thành phố New Orleans (Mỹ), bắt đầu chặng đường 4 năm phiêu bạt ở Mỹ cho đến khi tìm đường về cố hương. Sau khi đến Mỹ, Trần Trọng Khiêm bấy giờ 28 tuổi, cải trang thành một người Trung Hoa tên là Lê Kim rồi gia nhập đoàn người đi tìm vàng ở miền Viễn Tây. Trong gần 2 năm, Lê Kim sống cuộc đời của một cao bồi miền Tây thực thụ. Ông đã tham gia đoàn đào vàng do một người Canada tên Mark khởi xướng. Để tham gia đoàn này, tất cả thành viên phải góp tiền mua lương thực và chuẩn bị lên đường. Do biết nhiều ngoại ngữ, ông được ủy nhiệm làm liên lạc cho thủ lĩnh Mark và làm phiên dịch cho những thành viên trong đoàn gồm tiếng Hà Lan, Trung, Pháp... (trong cuốn sách La Ruée Vers L’or của tác giả Rene Lefebre (nhà xuất bản Dumas, Lyon, 1937) có kể về con đường tìm vàng của Lê Kim và những người đa quốc tịch Canada, Anh, Pháp, Hà Lan, Mexico...). Ông nói với mọi người rằng ông còn biết một thứ tiếng nữa là tiếng Việt nhưng không cần dùng đến.Ông cũng nói ông không phải người Hoa nhưng đất nước của ông nằm cạnh nước Tàu.

Lê Kim và những người tìm vàng đã vượt sông Nen braska, qua dãy núi Rocky, đi về Laramie, Salt Lake City, vừa đi vừa hát bài ca rất nổi tiếng thời đó là Oh! Suzannah (Oh! My Suzannah! Đừng khóc nữa em! Anh đi Cali đào vàng. Đợi anh hai năm, anh sẽ trở về. Mình cùng nhau cất ngôi nhà hạnh phúc...). Trong đoàn, Lê Kim nổi tiếng là người lịch thiệp, cư xử đàng hoàng, tử tế nên rất được kính trọng, nhưng đó đúng là một chuyến đi mạo hiểm - họ thường xuyên đối mặt với hiểm họa đói khát và sự tấn công của người da đỏ. Sốt rét và rắn độc cũng đã cướp đi quá nửa số thành viên trong đoàn.

Sau khi tích trữ được một chút vàng làm vốn liếng, Lê Kim quay trở lại San Francisco. Vào giữa thế kỷ 19, nơi đây còn là một thị trấn đầy bụi bặm, trộm cướp. Là người tháo vát, xông xáo lại biết nhiều ngoại ngữ, chán cảnh hỗn độn, truỵ lạc và cướp bóc ở nơi ấy, ông tìm đến California, làm công việc chạy tin tự do cho vài tờ báo như tờ Alta California, Morning Post, và làm biên tập viên cho tờ nhật báo Daily Evening. Nhiều bài báo của ông đăng trên tờ Daily Evening hiện vẫn còn lưu giữ ở thư viện Đại học California. Đặc biệt, trong số báo ra ngày 8.11.1853, có một bài báo đã kể chi tiết về cuộc gặp giữa Lê Kim và vị tướng Mỹ John A. Sut ter. Tướng Sutter vốn trước là người có công khai phá thị trấn San Francisco. Khi Lê Kim mới đến đây,ông đã được tướng Sutter giúp đỡ rất nhiều. Sau khi bị lật đổ, tướng Sutter bị bệnh tâm thần và sống lang thang ở các bến tàu để xin ăn. Khi gặp lại, Lê Kim đã cho vị tướng bất hạnh 200 USD.

Năm 1854, Trần Trọng Khiêm trở về nước. Nhưng vì sợ bị bắt, nên ông không về quê mà vào Định Tường (Nam Kỳ) để khai hoang lập nghiệp, trong thân phận là một người Minh Hương. Và ông là một trong những người đầu tiên đứng ra khai phá, lập nên làng Hòa An thuộc phủ Tân Thành, tỉnh Định Tường xưa (nay thuộc tỉnh Đồng Tháp). Tại đây, ông tục huyền với một người phụ nữ họ Phan và sinh được hai người con trai, đặt tên là Lê Xuân Lãm và Lê Xuân Lương (lấy tên đệm là Xuân để tưởng nhớ quê cũ của ông là làng Xuân Lũng).

Năm 1864, quân Pháp đánh chiếm ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ, và mở các cuộc tấn công ba tỉnh miền Tây. Để cản ngăn quân xâm lược, Trần Trọng Khiêm tình nguyện theo thủ lĩnh Võ Duy Dương (1827-1866) mộ quân chống Pháp. Ông được giao chỉ huy một đội quân, và đã đụng độ với quân Pháp nhiều trận ở Mỹ Trà (nay thuộc thành phố Cao Lãnh), Cao Lãnh, Cái Bè, Cai Lậy. Năm 1866, trong một đợt truy quét của quân Pháp do tướng De Lagrandière chỉ huy, đồn quân do Trần Trọng Khiêm cai quản bị thất thủ. Không chịu bị bắt, ông đã tuẫn tiết, thi hài ông được nghĩa quân chôn cất tại Gò Tháp (nay thuộc huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp). Cảm phục tấm gương “vì nước quên thân” của Trần Trọng Khiêm, Mộ ông tại làng Hòa An có câu đối:

Lòng trời không tựa, tấm gương tiết nghĩa vì nước quyên sinh

Chính khí nêu cao, tinh thần Hùng Nhị còn truyền hậu thế.

Ghi nhớ công ông, hiện ở phường Long Bình, thành phố Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh có con đường mang tên Trần Trọng Khiêm nối đường Nguyễn Xiển với đường Mạc Hiển Tích. Ở thành phố Đà Nẵng, tại phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn có một con đường mang tên Trần Trọng Khiêm, nối đường Lê Văn Hiến với đường Chương Dương.

Cuộc đời của Trần Trọng Khiêm (tức Lê Kim) được hai nhà văn người Pháp Rene Lefebre và người Việt Nguyễn Hiến Lê chuyên thể loại hư cấu nghệ thuật trong hai tiểu thuyết có nhan đề lần lượt là La rueé vers l’or (Đổ xô đi tìm vàng) thuộc nhà xuất bản Dumas, Lyon, 1937 và Con đường thiên lý viết xong năm 1972.

Sau này Bân đi Bộ đội đóng lon Đại tá và dạy trường sĩ quan Quân đội ở Bắc Ninh cho đến lúc nghỉ hưu. Kiên đã được sống trong không khí hào hùng của chiến thắng Điện Biên. Trường cấp II Xuân Huy được chuyển về phố huyện Lâm Thao không phải học ở nhà dân nữa..

Những năm tháng học ở trường cấp II đầy ắp kỷ niệm. Kiên đã bạo dạn lên rất nhiều, thầy đã dạy học sinh biết bình tĩnh khi lên bảng như thế nào. Thầy bảo, nếu thầy gọi lên bảng, các em cứ đứng tại chỗ mà hô lên thật to “có”, để lấy bình tĩnh. Khi đã bình tĩnh, em thở thật sâu, ra đầu bàn, hiên ngang bước lên bảng… Kiên được kết nạp Đội viên Đội Thiếu niên Tiền phong, được đi cắm trại ở khu rừng cấm của làng Xuân Lũng, được thầy giáo dạy vẽ phối cảnh, đo chiều cao của cây. Tuổi học trò thật vô tư, lần đầu tiên được bạn gái vòng tay qua cổ để dạy cách thắt nút khăn quàng đỏ Kiên đã run lên, một cảm giác là lạ khó tả chạy khắp đường gân thớ thịt trong người và nóng bừng như thế nào. Nguyệt cô bạn gái thân đã hướng dẫn Kiên biết cách thắt nút khi quang khăn đỏ. Nguyệt, Kiên, ngồi cùng bàn, Nguyệt là con của một công chức làm việc ở thị xã Phú Thọ, học giỏi hơn Kiên, bài kiểm tra nào cũng có kết quả cao hơn, nhiều khi Kiên đã phải nhìn trộm bài của Nguyệt để chép, Nguyệt biết nhưng không phản đối. Vào đầu kỳ học mới Kiên đã một mình đi bộ 7 cây số có rủ Cường và một số bạn nữa lên nhà Nguyệt chơi nhưng không ai đi.

Kiên lên nhà Nguyệt chơi mang tính cách đáp lễ và cũng là để thanh minh cho nhau về chuyện Nguyệt đã viết thư cho Kiên, lại dám gọi Kiên là người bạn nhỏ của tôi. Kiên đã bực bội đáp trả với lời lẽ gay gắt, giận dỗi, Nguyệt lớn với ai cơ chứ, lại gọi Kiên là bạn nhỏ, đúng là trẻ con, và một lý do nữa, kỳ nghỉ hè vửa rồi Nguyệt và một bạn gái tên Nhân đã về quê Kiên chơi.

Đến với nhau lần này để kể cho nhau nghe những ngày hè đã làm được những gì, đã đọc được những sách gì, Những Người Khốn khổ, Thép Đã Tôi thế đấy, Người Mẹ, Ruồi Trâu, Chiến bại, Một người chân chính, cả mùa Hoa Rẻ nữa.

Nguyệt cũng kể cho Kiên nghe đã đi làm gia sư lớp 4 cho một cậu con nhà giầu như thế nào, dốt ơi là dốt, mỗi tuần được hai đồng.

Kiên cũng kể cho Nguyệt nghe những chuyện thú vị ở nông thôn, tối tối đi đặt lờ, câu ếch, bắt cua, rủi cá như thế nào…

Ngồi đến gần trưa Kiên mời Nguyệt đi ra quán phở đầu phố, với tư cách người đàn ông, Kiên nói: Tớ là thằng đàn ông nên có quyền chiêu đãi cậu… Nói cho oai, thực ra trong túi Kiên chỉ có 2 đồng, ăn xong Kiên Nguyệt đứng dạy đi liền cũng chằng chào nhà hàng và quên béng cả việc trả tiền, đi được khoảng 3-400 mét mới sực nhớ là chưa trả tiền. Kiên ngượng nghịu cười chữa thẹn: Nguyệt ơi tớ chưa trả tiền… Nguyệt cũng ngẩn người “Ừ nhỉ, để Nguyệt trả cho!”.

Kiên đã vội chạy quay lại, quả nhiên ông chủ đang đứng nhìn theo phía họ. Kiên nói như xin lỗi: Chúng cháu vui chuyện với nhau quá nên quên… Ông chủ cười: - Không sao… Đấy là đức tính của các nhà Bác học đấy… Kiên đã rút ví lấy sáu hào ra trả… Đấy cũng là câu chuyện kể cho bạn bè sau này ai cũng cười khoái trá về việc làm của thằng đàn ông Kiên…

Lớp học của Kiên sau này nhiều người đã thành danh: Nhà thơ thì có Nguyễn Thái Vận, Nguyễn Văn Toại… Đi vào nghề báo thì có Nguyễn Tiến Chước, nhà giáo thì có Nguyễn Trung Thìn, Nguyễn văn Đạt, Hà Ngọc Oánh, đi vào khoa học kĩ thuật có Nguyễn Tiến Cường, Nguyễn Đình Hỗ, đi làm thầy tu thì có Nguyễn Đức Cử…

Những ngày nghỉ hè ở quê cũng là những ngày thích thú đối với Kiên, Kiên đã giúp việc cho Thành, Thành là thống kê của đội Cải Cách ruộng đất, kẻ biểu vào số liệu mà Thành hướng dẫn.

Kiên đã kể lại công việc này khi thầy giáo Nguyễn Kim Chân, ra bài luận: “Em hãy kể những việc em đã làm trong những ngày nghỉ hè”, Kiên còn nhớ bài văn đó Kiên được Thày Chân cho 6 điểm. Thầy Chân đã hỏi Kiên: Công việc cậu kể là thật hay phịa đấy! Kiên đã trả lời thầy một cách khôi hài: Có đôi chút hư cấu cho thêm phần văn vẻ mà thầy.

Kiên được biết sau này thầy làm chủ tịch Ủy Ban Hành chính Tỉnh Phú thọ. Kiên đã một lần gặp Thầy ở Hà Nội, hôm ấy thầy bảo đi nghe Nhà Văn Nguyễn Đình Thi nói chuyện về Văn học Cách mạng.

Thầy Phạm Chất dạy toán rất hay kể chuyện cổ tích cho học sinh nghe, thầy đọc sách tiếng Pháp lầu như cháo, đọc đến đâu thầy dịch luôn cho cả lớp nghe, Kiên biết chuyện Nàng Lọ Lem, Nàng Công Chúa ngủ trong rừng rậm, Bình Minh và Mĩ Lệ… từ khi ấy. Thầy đã dạy học sinh đi vào biện luận bài toán một cách rất hay và nhớ lâu. Thầy ra bài toán: Trên cành cây xoan có hai con cu gáy, một cậu học sinh đến bắn trúng một con. Hỏi trên cây còn mấy con, cả lớp lập phương trình đặt ẩn số, vì mới bắt đầu làm quen với toán đại số- cả lớp giải rất nhanh. Cả lớp đồng thanh trả lời. Thầy đã khen, nhưng Thầy đã đi đến bảng cầm viên phấn viết chữ “sai” to tổ bố lên bảng… Lúc này cả lớp mới nhận ra: À sai thật, làm sao mà còn có con nào trên cây chứ… Biện luận là phải vậy đấy thầy bảo thế…

Có lần Thầy đã hỏi học sinh của mình: Các em có biết Thầy yêu vợ nhất lúc nào không? Thầy không đợi học sinh trả lời, Thầy trả lời luôn: Là lúc vợ thầy sắp sinh em bé… Thầy để tay lên bụng cô, Thầy thấy cái thai nhi nó cựa quậy, cựa quậy, cả lớp cười khoái trá.

Khi ra chơi học sinh nam đã nháy mắt với học sinh nữ như ý bảo: “Hãy cho nó cựa quậy đi” rồi cười hích hích với nhau.

Khi Hòa Bình lập lại, Kiên đã gặp Thầy ở Hà Nội, lúc này thầy vào làm báo, tờ Lao Động tiếng Pháp. Thày Quang dạy Hóa, cận phải đeo kính 9, 10 đi ốp, dày cộp như cái đít chai, một lần gọi tên Kiên lên bảng. Cả lớp đồng thanh: Kiên nào ạ!?” Thày bảo Đoàn Kiên, nhưng khi ghi điểm thầy lại ghi cho Đình Kiên. Đoàn Kiên bức xúc,phụng phịu định kiện thầy nhưng rồi cũng cho qua vì sức học Đoàn Đình ngang nhau. Đình Kiên đùa: Đi đâu mà thiệt lọt sàng xuống nia… tớ là nia cho…

Thày Nghiêm dạy môn Địa lý,thường bắt học sinh lên bảng nhìn bản đồ câm để trả lời kinh tế khoảng sản tài nguyên các nước ở các khu vực thầy hỏi. Thầy vừa gọi tên Đình Kiên lên bảng thì thầy có khách phải đi ra ngoài lớp nói chuyện, nói chuyện xong thày vào hỏi Kiên đã trả lời xong chưa. Cả lớp trả lời: Xong rồi ạ!... Thầy lại hỏi: Có đúng không. Cả lớp đồng thanh: Đúng ạ! Vậy à! Về chỗ: 7 điểm!

Năm nào nhà trường cũng lấy nguyện vọng của học sinh… Bạn bè đứa nào cũng có những nguyện vọng rất cao siêu. Thằng thì muốn trở thành nhà văn, thằng thì muốn làm thầy giáo, thằng thì muốn làm kỹ sư cầu cống, kỹ sư cơ khí… Kiên thấy lấy nguyện vọng là điều vô bổ chẳng để làm gì, Kiên bực mình ghi “Đi làm Kế toán” vì tối hôm qua Kiên và bạn bè đi xem phim “Những sự bất ngờ trên đường phố”, Nói về anh chàng làm kế toán say khướt trèo vào bục Công An điều khiển đèn xanh đèn đỏ mồm lảm nhảm: bút toán đen là chi, bút toán đỏ là hủy, bút đen là chi, bút toán đỏ là hủy… Làm ô tô trên ngã tư đâm dúi dụi vào nhau.

Ấy vậy mà sau này Kiên lại gắn bó suốt đời với nghề kế toán thật… Thấy Kiên ghi nguyện vọng như vậy thằng bạn thân Nguyễn Tiến Cường chỉ biết trố mắt nhìn Kiên, “Chỉ thế thôi ư?”. Kiên nhìn Cường thì đã sao? Có lẽ tiền định cái nghiệp của Kiên như thế…

Kiên Cưòng thường đi lại với nhau. Có một lần Cường đến đón Kiên ở Việt Trì về nhà chơi, về nhà Cường cứ đòi ngủ với Kiên, mà không vào buồng ngủ với vợ - Cường cưới vợ hơi sớm - Kiên bắt Cường phải vào ngủ với vợ. Cường bảo ai lại thế.

Kiên đã kể cho Cường nghe câu chuyện: Rửa mũi… Ngày xưa có hai bạn chơi với nhau rất thân đến thăm nhau như tớ với cậu vậy. Anh bạn bảo bạn cứ vào ngủ với vợ đi, anh chàng chủ nhà không nghe. Nhưng đến khi thấy bạn ngáy vo vo mới len lén mò vào, Anh bạn giả vờ ngủ,,, bị vợ đuổi ra: Ra ngủ với người ta… Anh chồng không nghe nói: Nó ngủ tít thò lò rồi… bây giờ có ỉa vào mũi cũng chẳng biết…

Sớm hôm sau gia chủ, bưng chậu nước cho khách rửa mặt, khách cứ vục mũi mà xỉ bên này xỉ bên kia… Chủ nhà thấy vậy hỏi thì khách tỉnh khô trả lời: Không hiểu có con gì nó ỉa vào mũi mình… Nghe xong cả hai đều cười hơ hơ. Cường nói: May mà nó không ỉa vào mồm đấy. Rồi cả hai lại cười mãi không thôi.

Cũng những ngày hè ở quê, Kiên đã đọc những tờ báo của Tỉnh và đã tham gia viết những ý kiến bạn đọc về làm mạ, ủ phân, giồng rau muống bè và bắt sâu, với các bút danh: Nguyễn Diệm, Văn Diệm, Diệm Duy Hà. Trong thời gian sửa sai Cải Cách Ruộng đất, Kiên đã viết vở kịch “Một Rổ Cá”, Kiên viết dựa theo bài báo của chị Nguyễn Thị Xuân đăng trên báo Phụ Nữ Việt Nam… Vở kịch được đăng trên chuyên san Tiếng hát Thành Sơn ký tên tác giả là Nguyễn Đình Kiên và Nguyễn Thị Xuân… Kiên vẫn nhớ câu kết “Yêu nhau chẳng quản chẳng nề - Một trăm chỗ lệch cũng kê cho bằng…”Cả làng ầm lên là thằng Kiên yêu cô con gái ông giáo Khảo (con ông cũng tên là Nguyễn Thị Xuân). Kiên đã đỏ mặt cãi phải giải thích mãi mọi người mới nghe cho, Nguyễn Thị Xuân là ở Báo Phụ Nữ.

Đất nước được hòa bình, Kiên xin chuyển trường về học ở thị xã Sơn Tây. Những năm tháng học ở thị xã Sơn Tây cũng là những năm tháng đầy ắp kỷ niệm của tuổi học trò. Phương tiện đi lại không thuận tiện như bây giờ, từ làng đến thị xã Sơn Tây khoảng hơn hai mươi cây số, ấy vậy Kiên vẫn thường đi bộ, hôm nào trong túi có mấy hào thì đi xe ngựa.

Chị gái Kiên thường gánh gạo cho Kiên ăn học. Kiên học trường cấp II phùng Hưng.

Kiên đã để ý tìm hiểu về ông Phùng Hưng và biết về ông Phùng Hưng như sau: Ông còn được gọi là Bố Cái Đại Vương, xuất thân từ dòng dõi cự tộc, hào trưởng đất Đường Lâm. Phùng Hưng có sức khỏe phi thường và khí phách đặc biệt. Ông được sử sách và nhân dân truyền tụng về tài đánh trâu,

giết hổ ở đất Đường Lâm. Khi Phùng Hưng trương cờ dấy nghĩa mưu việc lớn, nhân dân theo rất đông. Chỉ trong một thời gian ngắn, nghĩa quân lên tới vài vạn người. Quân giặc ở châu Đường Lâm và các vùng phụ cận không đương nổi những cuộc công phá sấm sét phải tháo chạy.

Cả thị xã có hai trường cấp II, Trường Phùng Hưng, và Trường cấp II Tư thục Nguyễn Du… Chuyện về Phùng Hưng là vậy. Còn Nguyễn Du thì Kiên cũng biết ông là nhà thơ cổ điển lớn, quê ở làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Ông xuất thân từ một gia đình quan lại quý tộc., cha và anh đều làm tể tướng dưới triều Hậu Lê. Mặc dù nổi tiếng về văn chương nhưng ông chỉ đỗ Tú tài. Thiên tài Nguyễn Du đã làm dạng danh cho Văn Học Việt Nam bằng chữ Nôm với tác phẩm Truyện Kiều. Kiên có bạn học ở trường cấp II Nguyễn Du tên là Thụ ở Ngô Thời Nhiệm Hà Nội, mẹ Thụ dạy học trường Nguyễn Du nên Thụ được theo Mẹ lên thị xã Sơn Tây học. Thụ có cái xe đạp, nhờ chiếc xe của Thụ mà Kiên biết đi xe đạp. Tối tối Kiên mượn xe của Thụ đi một vòng quanh thành cổ Sơn Tây.

Thành cổ này Kiên biết được xây dụng từ năm 1822 năm Minh Mệnh thứ 3, trên khu đất hình vuông mỗi chiều gần 400 mét. Tường thành xây bằng đá ong, loại vật liệu riêng có của xứ Đoài, càng phơi nắng càng rắn. Thành có 3 cổng: Hữu (Tây), Tiền (Trước), Hậu (Sau) mỗi cổng đều có Vọng Lâu. Xung quanh thành là hào sâu chừng 3 mét, rộng 20 mét, chu vi khoảng 2.000 mét. Trong thành có 4 khẩu súng cổ; điện Kính Thiên, nơi nghỉ của nhà vua khi đi kinh lý, dinh thự và công đường của các quan đầu tỉnh, kho lương thực, trại lính, cột cờ… Thời chiến tranh đã hủy hoại nhiều hạng mục công trình trong khu thành cổ. Hôm nay, thành cổ Sơn Tây chỉ còn lại dấu tích một số đoạn tường thành, cổng thành và một số hạng mục khác…

Kiên được bạn bè cho đi thăm Chùa Thầy. Chùa Thầy là một ngôi chùa ở chân núi Sài Sơn, huyện Quốc Oai, cách trung tâm Hà Nội khoảng 20 km về phía Tây nam. Sài Sơn có tên Nôm là núi Thầy, nên chùa được gọi là chùa Thầy. Chùa được xây dựng từ thời nhà Lý. Đây là nơi tu hành của Thiền sư Từ Đạo Hạnh, lúc này núi Thầy còn gọi là núi Phật tích.

Cùng với chùa Tây Phương và Chùa Hương, Chùa Thầy là một trong những ngôi chùa nổi tiếng nhất Việt Nam. Nếu như Chùa Láng gắn liền với giai đoạn đầu của cuộc đời Từ Đạo Hạnh, thì chùa Thầy lại chứng kiến quãng đời sau cùng cho đến ngày thoát xác của vị sư thế hệ thứ 12 thuộc dòng Thiền Ti-ni-đa-lưu-chi này.Ban đầu chùa Thầy chỉ là một am nhỏ gọi là Hương Hải am, nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh trụ trì. Vua Lý Nhân Tông đã cho xây dựng lại gồm hai cụm chùa: chùa Cao (Đỉnh Sơn Tự) trên núi và chùa Dưới (tức chùa Cả, tên chữ là Thiên Phúc Tự).

Phần chính của chùa Thầy gồm ba tòa song song với nhau gọi là chùa Hạ, chùa Trung và chùa Thượng. Giữa chùa Hạ và chùa Trung có ống muống nối với nhau, tạo thành thế hạ công thượng nhất. Chùa Hạ là nhà tiền tế, bày các tượng Đức Ông, Thánh hiền. Ống muống để tượng Bát bộ Kim Cương. Chùa Trung bày bàn thờ Phật, hai bên có hai tượng Hộ pháp, tượng Thiên vương. Chùa Thượng hay chùa trên tách biệt hẳn, ở vị trí cao nhất, biển đề Đại hùng Bảo điện, đồng thời là nhà thánh, để tượng Di Đà tam tôn, tượng ba kiếp của thiền sư Từ Đạo Hạnh, tượng cha mẹ Từ Đạo Hạnh.

Xung quanh chùa có hai dãy hành lang, phía sau có lầu chuông, lầu trống. Phía trước chùa là một sân rộng nhìn ra hồ Long Chiểu, tạo thành hàm của rồng trước trồng hai cây gạo, nhưng hiện tại hai cây gạo đã chết, được thay bởi cây đa.

Từ sân này có hai cầu là Nhật tiên kiều và Nguyệt tiên kiều nối sang hai bên, tạo thành hai râu rồng. Hai cầu này do Phùng Khắc Khoan xây vào năm 1602. Cầu Nhật Tiên nối sang một hòn đảo nhỏ, trên đảo có đền thờ Tam phủ. Cầu Nguyệt Tiên nối vào đường lên núi. Giữa ao Long Chiểu có thủy đình là viên ngọc giữa miệng rồng. Đây cũng là nơi diễn ra trò múa rối nước. Từ Đạo Hạnh được cho là ông tổ của hình thức biểu diễn dân gian này.

Tại chùa Hạ có các pho tượng Đức Ông khá đẹp, và một bức bình phong lớn mô tả cảnh địa ngục. Các pho Kim Cương đứng trong những tư thế võ mạnh mẽ, sống động.

Tại chùa Trung có hai pho tượng Hộ pháp được cho là lớn nhất trong các ngôi chùa Việt Nam, cao gần 4m. Tượng Hộ pháp đắp bằng đất thó, giấy bản giã nhỏ trộn với mật, trứng,... nên sau hơn ba trăm năm vẫn còn rất tốt. Các pho tượng đẹp nhất của chùa Thầy tập trung tại chùa Trên. Trên cao nhất là tượng Di Đà Tam tôn được tạc vào đời Mạc. Phật A Di Đà ngồi giữa dáng vẻ phúc hậu. Pho tượng Quan Thế Âm bên phải ngồi buông chân trái xuống, chân phải co lên, tay cầm một cây phất trần, dáng vẻ ung dung. Pho Đại Thế Chí ngồi xếp bằng, hai tay bắt ấn mật phùng. Ba pho tượng mỗi pho một vẻ không giống nhau, tạo thành một bộ tượng đẹp đặc biệt. Dưới đó, chính giữa là tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh trong kiếp Phật. Tượng được tạc vào thế kỉ 19, khuôn mặt khắc khổ, nổi rõ mạch máu, ngồi xếp bằng tròn trên một bệ hoa sen còn lại từ đời Lý. Bệ hoa sen đặt trên một con sư tử cuộn tròn, dưới con sư tử là một bệ bát giác. Tương truyền Từ Đạo Hạnh sau khi đã hóa, đầu thai làm con trai của Sùng Hiền Hầu và trở thành nhà vua Lý Thần Tông. Tượng Lý Thần Tông đầu đội mũ bình thiên, mình khoác long bào, ngồi trên ngai vàng. Bên trái có tượng Từ Đạo Hạnh trong kiếp Thánh, ngồi trong một khám gỗ chạm trổ cầu kì. Tượng này có cốt bằng tre, có thể cử động. Tương truyền xưa kia mỗi khi mở cửa khám thì tượng tự động nhỏm dậy chào. Sau một vị quan triều Nguyễn nói rằng “Thánh thì không phải chào ai cả”, nên tháo hệ thống khớp nối, từ đó tượng ngồi yên. Pho tượng này thể hiện nghệ thuật làm rối nước của dân gian. Trong chùa còn có tượng ông Từ Vinh và bà Tăng Thị Loan là cha mẹ Từ Đạo Hạnh và hai bạn đồng đạo thân thiết của Ngài là Thiền sư Minh Không và Thiền sư Giác Hải. Trước tượng Từ Đạo Hạnh ở chính giữa có một bàn thờ gỗ chạm trổ rất đẹp. Xưa kia nền đất còn thấp, người thắp hương vịn vào bàn thờ tạo thành một chỗ hõm rất lớn. Trong chùa Thượng còn có hai cây cột làm bằng loại gỗ quý là gỗ Ngọc am.

Qua cầu Nguyệt Tiên nối với con đường lên núi.

Trên núi có chùa Cao, vốn là Hiển Thụy am, còn có tên là Đỉnh Sơn Tự, là nơi Thiền sư Từ Đạo Hạnh đến tu đầu tiên. Trên vách chùa còn khắc những bài thơ tức cảnh của Nguyễn Trực và Nguyễn Thượng Hiền.

Tương truyền rằng động Phật Tích ở sau chùa là nơi Ngài Từ Đạo Hạnh thoát xác để đầu thai làm vua Lý Thần Tông, nên còn gọi là hang Thánh Hóa.

Phía trên chùa Cao, trên đỉnh núi có một mặt bằng gọi là chợ Trời với nhiều tảng đá hình bàn ghế, kệ bày hàng, ly rượu,... trong đó có một phiến đá nhẵn lì được gọi là bàn cờ tiên. Có lẽ nơi đây ngày xưa các bậc trích tiên vẫn ngồi chơi cờ, uống rượu, thưởng trăng và ngâm thơ. Từ chùa Cao, đi vòng ra phía sau là hang Cắc Cớ, là nơi tình tự của trai gái ngày xưa trong những ngày hội hè, như ca dao đã ghi lại:

Gái chưa chồng trông hang Cắc Cớ, Trai chưa vợ nhớ hội chùa Thầy.

Đi ngược lên trên là đến đền Thượng. Gần đền Thượng có hang Bụt Mọc với nhiều tảng đá được thời gian bào mòn trông như tượng Phật. Tiếp đó là hang Bò với lối vào âm u. Cách một đoạn là đến hang Gió với những ngọn gió thổi thông thốc cả hai đầu.

Ở chân núi phía Tây còn có chùa Bối Am, còn gọi là chùa Một Mái, chùa có tên như vậy là vì chùa chỉ có một mái ngói, mặt sau chùa dựa vào vách núi. Truyền thuyết ở khu vực chùa Bối Am, thuộc phạm vi căn cứ Đỗ Động Giang xưa cho biết: Trước kia có một toán quân của Lã Đường tự Lã Tá Công, một trong Thập nhị sứ quân, bị vây hãm trong hang núi và bị chết đói hết cả. Điều này chứng tỏ đã có một cuộc tấn công của sứ quân Lữ Đường tới lãnh địa sứ quân Đỗ Cảnh Thạc, chiếm đóng tại đây.

Như vậy, quanh núi Thầy, ngoài chùa Thầy còn có cả một cụm kiến trúc Phật giáo được xây dựng trong những khoảng thời gian khác nhau.

Trong một bài ký ghi trên vách núi, Chúa Trịnh Căn đã phác họa cảnh chùa Thầy «như viên ngọc nổi lên giữa đám sỏi đá, rạng vẻ xuân tươi khắp cả bốn mùa. Động trên hệt như cõi thanh hư, bên vách còn in mây ráng. Ao rồng thông sang bến siêu độ, cầu tiên Nhật Nguyệt đôi vầng. Hình tựa bình phong, sông như dải lụa”.

Hội chùa Thầy diễn ra từ ngày mùng 5 đến ngày mùng 7 tháng ba Âm lịch hàng năm. Trong ngày hội, nhiều tăng ni từ các nơi khác trong vùng cùng về đây dự lễ trong những bộ cà-sa trang trọng, tay cầm gậy hoa, miệng tụng kinh trong tiếng mõ trầm đều. Lễ cúng Phật và trai đàn - một diễn xướng có tính chất tôn giáo - được thực hiện có sự phối hợp của các nhạc cụ dân tộc. Nhưng hội chùa Thầy không chỉ có những nghi thức tôn giáo. Ở đây còn có trò múa rối nước mang đậm sắc thái dân gian mà ngày nay có tiếng vang ở nhiều nước.

Trai thanh gái lịch gần xa tìm đến hội chùa Thầy còn để thỏa mãn tính mạo hiểm khi leo núi và khao khát bày tỏ tình yêu trong một khung cảnh thiên nhiên rộng mở:

Rủ nhau lên núi Sài Sơn /Ai làm đá ướt đường trơn hỡi mình? /Hỏi non, non những làm thinh /Phải rằng non đã vô tình với ai?/Nước non ví chẳng chiều đời /Mắt xanh đâu lẽ phụ người tình chung? /Yêu nhau ta dắt nhau cùng /Non bao nhiêu đá nặng lòng bấy nhiêu.

(Á Nam Trần Tuấn Khải)

Các Thầy giáo dạy lớp Kiên còn rất trẻ, thầy Lê Văn Huệ giảng môn lịch sử cứ tối đến là thầy thuê xích lô đạp vòng quanh thành cổ cho mát.

Thầy giáo Phan Ngọc Đông giảng dạy môn văn học. Học sinh rất thích và quý mến thầy. Khi đứng lên trả lời thầy học sinh đều phải thưa thầy không được nói trống không, đấy là điều bắt buộc, chính vì vậy có bạn nữ tên là Phi Nga khi đứng lên trả lời thầy không thưa gửi gì, cả lớp đã phê bình một cách kịch liệt, Phi Nga chỉ trả lời một cách khô khốc: Các bạn thông cảm tớ quen mất rồi! Quen là quen thế nào cơ chứ? Nhưng rồi cả lớp đã hiểu ra tất cả. Một hôm Thầy Đông ốm không lên lớp, cả lớp rủ nhau đến thăm thầy, đến đã thấy Phi Nga đang cho thầy uống thuốc. Họ đã hiểu ra. Tớ đã quen mất rồi là vì vậy!

Cũng thời gian học ở trường Phùng Hưng Kiên còn được biết lớp 7C có hai anh em song sinh là Hoàng Lân, Hoàng Long, sau này là nhạc sĩ sáng tác những bài hát nổi tiếng cho thiếu nhi rất hay…

Những ngày kỷ niệm lớn của đất nước các lớp đều thi báo tường. Kiên được lớp phân công làm chủ nhiệm tờ báo Bốn Phương của lớp 7D. Trong ban chủ nhiệm có Bích Phượng, có Minh Tuất. Kiên được chỉ định làm Chủ bút.

Những đêm hội diễn văn nghệ toàn trường, theo quy định các lớp đều phải đóng góp chương trình. Lớp 7D vào loại kém nhất, chỉ tán hươu tán vượn, bốc phét thì được, nhưng chẳng có chương trình gì để tham gia.. Thầy Đông chủ nhiệm bức xúc tuyên bố, cậu nào xung phong lên ngâm bài thơ “Ta đi tới” tôi sẽ cho ngay 10 điểm vào đầu giờ học ngày mai. Cậu Định có giọng nói trong veo, đã xung phong nhận lời và được ghi ngay điểm 10 tròn trịa vào hôm sau. Cả lớp chúc mừng, mặt Định vênh lên vẻ tự hào lắm.

Môn giảng văn của thầy Đông cũng thường xuy- ên được làm văn miệng, lớp Kiên có nữ sinh Thu Hiền người Hà Nội cũng thường được điểm cao với các bài văn miệng kể các câu chuyện phim như người thứ 41, Mùa hè đầu tiên, Trường học dũng cảm…

Vào năm học mới năm 1957-1958, trường cấp II Hạc Trì (Việt Trì bây giờ) được thành lập, cách làng Kiên chỉ một con sông (Sông Thao) để khỏi vất vả đi xa, để chị gái không phải gánh gạo hàng tháng nữa, Kiên đã xin chuyển trường về Việt trì.

Hạc Trì là một huyện cũ thuộc tỉnh Phú Thọ. Sau khi xâm lược nước ta, thực dân Pháp xáo trộn lại các đơn vị hành chính cũ, lập ra những tỉnh mới nhỏ hơn trước để dễ quản lý và đàn áp.

Việt Trì tách khỏi xã Bạch Hạc, trở thành một làng trong tổng Lâu Thượng, huyện Hạc Trì; còn xã Bạch Hạc vẫn nằm trong huyện Bạch Hạc, phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên. Nhận rõ Việt Trì là cửa ngõ án ngữ các tuyến đường giao thông thủy, bộ ở phía Bắc Việt Nam, không chỉ có vị trí quan trọng về mặt kinh tế mà còn là tiền đồn trọng điểm về quân sự, toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập thị xã Việt Trì và đặt trung tâm huyện lỵ Hạc Trì tại đây.

Huyện Hạc Trì có 1 thị trấn Việt Trì và 10 xã: trong đó có xã Minh Nông. Minh Nông là tên gọi một vùng đất khởi thuỷ của nghề nông. Xưa thuộc Kẻ Nú hay làng Nú. Theo sự nghiên cứu của các nhà ngôn ngữ học thì Nú đồng nghĩa là đồng âm với Lú và Lú nghĩa là Lúa; cho nên Kẻ Nú còn gọi là Kẻ Lú hay Kẻ Lúa - Làng Lúa. Thời nhà Lê, Kẻ Nú có tên gọi là Minh Nông thuộc huyện Phù Ninh sau đổi là Phù Khang, phủ Tam Đới, trấn Sơn Tây. Thời Nguyễn đặt là tổng Minh Nông huyện Hạc Trì. Ngày nay xã Minh Nông, thuộc thành phố Việt Trì.

Minh Nông có vị thế địa lý tiếp giáp với hạ lưu của 3 dòng sông lớn: Sông Thao - Sông Đà - Sông Lô, nên được thừa hưởng sự cung cấp, đắp bồi bởi một lượng phù sa màu mỡ từ 3 dòng sông ấy. Minh Nông có những cánh đồng rộng tới hàng mẫu Bắc bộ xưa, có những bãi bồi trải dọc ven bờ Thao giang. Đất Minh Nông có đủ 3 vùng địa lý tự nhiên: có đồi có dộc, có sông có trầm... Đồi Mã Lao nơi Vua Hùng dạy quân phóng ngựa; có dấu tích là nơi cư trú của người Đồng Đậu cách ngày nay hơn bốn ngàn năm. Nơi đây từ xa xưa đã là nơi đất tốt, lúa, kê sai quả, sông rộng lắm cá nhiều tôm, thuận lợi cho muôn dân tụ hội.

Về đây Kiên lại được gặp Thầy Phạm Chu. Trước dạy môn công dân ở trường cấp II Xuân Huy, nay về làm Hiệu Trưởng ở đây. Học sinh thường bàn tán với nhau, thầy là con rể cụ Tôn Đức Thắng, vì vợ thầy có tên là Tôn Thị Tuyết Dung. Và đúng như vậy.

Kiên học môn toán vào loại tạm được, về trường mới để bạn bè biết mình là học sinh như thế nào, không bị coi thường, Kiên đã nghĩ và đã thể hiện mình bằng cách thường giơ tay xung phong lên bảng.

Hôm ấy giờ toán của thầy Tuấn, cũng là thầy chủ nhiệm. Thầy bước vào lớp, sau khi học sinh đứng lên chào thầy, vừa ngồi xuống thầy nói luôn: Từ hôm nay lớp ta có thêm một học sinh mới, anh Đình Kiên đâu? Kiên đã nhanh nhẹn giơ tay đứng dậy: Thưa thầy Em đây ạ! Và hôm đó Kiên đã giơ tay xung phong lên giải bài toán mà trước đó Kiên đã được học ở trường Phùng Hưng một cách thành thạo. Cả lớp nhìn nhau, tín hiệu cho nhau thằng này học được!

Học ở Việt Trì Kiên đã được nghe chủ tịch Tôn Đức Thăng nói chuyện. Hôm đó học sinh đang ngồi học trên lớp thì trống trường tập trung với thông báo ngắn ngọn ra tập trung nghe cán bộ Trung ương đến thăm trường. Sau vài lời giới thiệu của thầy Hiệu trưởng Phạm Chu, Bác Tôn Đức Thắng tươi cười bước lên bục, vì trời bắt đầu nắng nên có người bảo vệ cầm ô che cho Bác. Bác Tôn nói: Trên đường Bác lên Tuyên Quang công tác, bác tranh thủ vào thăm các em (Đúng là thăm con rể!). Rồi Bác nói về tình hình đất nước xây dựng Xã hội chủ nghĩa và dặn dò học sinh phải chăm chỉ học hành cho tốt để sau này xây dựng tổ quốc ta giầu đẹp…

Cũng từ đấy học sinh đã khẳng định Thầy Phạm Chu Hiệu trưởng chính là con rể Bác Tôn không tranh luận với nhau nữa. Kiên còn nhớ chính thầy Phạm Chu có sáng tác bài hát “Chiếc khăn quàng đỏ” có nhưng ca từ: “Từ hôm nay đội mang chiếc khăn thắm màu cờ nước. Khăn đẹp bay cho gió tưng bừng. Màu khăn tươi vì bao máu ai… đã từng đấu tranh cho cuộc sống thanh bình…” cho Đội Thiếu Niên Tiền Phong của Trường cấp II Xuân Huy hát.



…....... CÒN TIẾP




VVM.31.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .