M ẹ tôi xưa đẹp nhất làng. Chính vì mẹ xinh đẹp, mà cha tôi si mê. Anh trai cày cưới cho kỳ được. Bà hơn ông ba tuổi. Ngày cưới, mẹ tôi 23, còn chồng tròn tuổi đôi mươi, dù bao lời châm chọc, cả trước và sau đám cưới. Trước cưới thì hỏi trêu: chị yêu của mày đâu rồi? Sau cưới, châm chọc hỏi, chị vợ xinh đẹp của mày giấu ở nhà để ngắm nghía a? Nay ở tuổi ngoài năm mươi, mẹ tôi vẫn còn mặn mòi lắm. Nhiều người khen vậy và với tôi là con, lại là đứa trai duy nhất, trong ý nghĩ bao giờ chả yêu quý, chả thấy mẹ mình vẫn xinh đẹp nhất làng.
Nay ai ở phố phủ quê tôi, nhắc đến tên công ty tư nhân của mẹ, đều kính nể, người đàn bà giỏi giang, một tay dựng nên cơ đồ; kể cả cánh giám đốc công ty khắp huyện, lên đến tỉnh, đều ngả mũ bái phục. Và tôi có ngày trưởng thành như hôm nay, ấy là do công lao nuôi nấng, giáo dưỡng của mẹ.
Nhớ ngày ấy, mẹ con tôi cực khổ lắm! Dù lúc đó tôi còn thơ ngây, tuổi lên năm, lên sáu. Cứ nhớ chiều ấy, đã xâm xẩm tối, tôi đứng đợi mẹ ở cổng. Mẹ tôi sao chưa về? Câu hỏi ấy vòng vọng trong tôi. Đúng là mong như mong mẹ về chợ.
Bác hàng xóm cạnh nhà là người thật tốt. Lạ sao ngày ấy còn bé xíu, tôi đã cảm nhận ra điều đó. Mấy bận bác chạy sang, hết dắt dụ, lại lục lọi mâm cơm, ngó nhìn, rồi thương cảm chép miệng than:
- Khổ! Buôn bán gì, mà giờ này con mẹ chưa về. Cơm nước để cho trẻ mỏ thế nay a? Cơm độn rặt khoai với khoai.
Mẹ tôi có lần kể, cơm độn sắn. Hôm ấy nấu nướng xong, tôi đói, kêu khóc, mẹ xới một bát cho ăn trước, rồi có việc, chạy đi đâu đó. Lúc quay về, thấy con trai nôn mửa, người ngợm ngứa ngáy. Nó bị say sắn rồi. Mẹ cuống cuồng chạy ra vườn hái chét rau muống, chạy vội sang vội nhà bác hàng xóm vay tý mật mía, về giã rau muống vắt lấy nước, hòa mật mía đường cho tôi uống. May mà con trai bị say sắn nhẹ. Từ bữa ấy, mẹ không dám nấu cơm độn sắn cho tôi ăn nữa, chuyển sang nấu độn khoai lang khô.
Tôi nhớ mãi, bữa ấy bác hàng xóm chạy về, rồi lại chạy sang, bê cho tôi bát cơm nóng hôi hổi, cơm nhà bác độn sắn. Bát cơm còn có miếng thịt gà to tướng. Bác bảo tôi, thằng bé mới lên năm: “Nhà tao giết thịt con gà toi, mới có thịt ăn đấy”. Vì nhà ít khi được ăn thịt cá, nên tôi nhớ mãi miếng thịt gà toi và bát cơm độn sắn bác hàng xóm cho.
Nhà tôi có con gà mái mơ, thi thoảng nó đẻ trứng và chỉ mỗi mình tôi được ăn thôi - như lời mẹ nói:
- Trứng này chỉ mỗi mình cu Ti ăn! Không ai được ăn đâu nhá.
- Thế con Mướp có được ăn không? - tôi hỏi mẹ.
- Cũng không được ăn?
- Con Vàng?
- Cũng không được ăn. Đã bảo, chỉ mỗi mình cu Ti thôi.
Và sáng sáng, tôi lon ton chạy ra, bắc ghế, ngó vào ổ, để nhặt trứng. Mẹ cười bảo:
- Chiều nó mới đẻ. Đẻ, nó sẽ mách anh cu Ti ầm lên đấy. Nó cục ta cục tác nhắc.
- Thế á. Nó mách con? Nhắc mỗi mình anh cu Ti nhá!
Và những hôm con Mái Mơ đẻ, tôi lanh chanh leo lên nhặt trứng và reo hò ầm ĩ:
- Mẹ ơi, có trứng này, trứng này! Trứng của riêng anh cu Ti thôi!
Có hôm con gà nằm ổ đẻ, tôi trèo lên ngó nghiêng, thấy vậy, mẹ vội vàng nhắc:
- Cu Ti không được xem gà đẻ. Xem là lang ben đấy!
- Lang ben là gì, mẹ?
- Lang ben là sau này lớn, Ti sẽ không đẹp trai đâu.
Sợ không đẹp trai, từ đấy chỉ khi con Mơ đẻ xong, nhảy ra cục tác gọi, tôi mới trèo lên nhặt trứng.
Tôi đang một mình xúc bát cơm ăn trong nhà, trời thì nhập nhoạng. Trong ánh đèn dầu, bác hàng xóm vừa thắp lên, nhìn ra cửa, kìa mẹ đã về. Vứt bịch bát cơm, tôi ào ào chạy ra đón mẹ; bà cũng sấp ngửa vụt lại, ôm chầm lấy con. Nhìn mẹ, tôi dỗi hờn, nức nở khóc, ăn vạ:
- Mẹ xin lỗi cu Ti. Hôm nay xe khách hỏng, bác tài phải dừng, chữa xe đấy!
- Mặc kệ bác tài! Ti không chơi với mẹ nữa! Không chơi với bác tài nữa!
Mẹ ghì ôm tôi vào lòng, thơm hết đầu, mặt, má thằng con, rồi áp đầu nó vào bầu ti thơm tho của mẹ.
- Eo ơi, sắp thanh niên, cưới vợ rồi, còn sờ ti mẹ.
Kệ mẹ trêu, tôi cứ sờ, cứ nắn bầu ti yêu quý của tôi. Nó chỉ của độc tôi thôi.
Ngày tháng vất vả của mẹ con tôi rồi cũng qua. Bước chân vào phổ thông trung học, tiếp đấy tôi hanh thông đậu đại học. Biết mẹ vất vả, nên tôi cố gắng. Khi nhập trường, dù hoàn cảnh nhà mình lúc đó đã khá giả, tôi vẫn tự lực, không ỷ lại mẹ. Quên sao được những ngày tháng mẹ con tôi cơ cực. Bé tẹo, tôi phải trèo lên chuồng gà, nhặt trứng; phải tự xúc cơm, ăn một mình và lớn lên chút nữa, sáng sáng tự cắp sách đến lớp, tối tối ngong ngóng chờ mong mẹ về.
Lần ấy nấu cơm trưa, năm đó tôi đang học lớp ba. Đúng khi đang nổi lửa, đầu ngõ có đám rước dâu, tiếng mọi người ồn ã. Tôi ùa theo đám trẻ đi xem đón dâu, quên cả nồi cơm vừa đặt lên bếp, rơm rạ lửa còn cháy đùng đùng. Nghe tiếng pháo cưới, tôi xô nhanh vào tranh cướp những quả pháo xịt. Khói thuốc, xác pháo tung bám đầy đầu tóc. Đang hả hê vì tranh cướp được mấy chiếc pháo tép xịt, chợt tôi nghe tiếng kêu thất thanh:
- Cháy nhà rồi! Ối làng nước ơi!
Tôi hốt hoảng nhìn cột khói bốc lên cuồn cuộn, lại chính hướng nhà mình và còn nghe thấy tiếng làng xóm réo gọi tên nhà tôi nữa. Cuống cuồng tôi bổ về nhà. Kìa, hàng xóm nháo nhác kẻ xô, người chậu múc nước chữa cháy. Đồ đạc trong nhà bị vứt tung tóe ra ngoài sân. Chiều tối ấy về nhà, mẹ không hề trách mắng một câu. Lúc ấy tôi chỉ muốn mẹ quát mắng, quất cho tôi dăm, bảy roi, dù có đau quắn đít. Nhưng chỉ thấy mẹ ngồi lặng, mắt đăm đăm ngó nhìn quang cảnh nhà cửa tan hoang; những vì kèo, rui mè giơ ra, mái tranh cháy trụi thui lủi. Tôi ấp úng bước lại gần mẹ:
- Con xin lỗi mẹ. Mẹ cứ đánh con đi! Mẹ…
Mẹ ghì tôi vào lòng, vuốt ve lên mái tóc cháy nắng, vàng hoe của thằng con trai.
- Mẹ mới có lỗi. Con tôi nhỏ dại quá, đã phải nấu cơm, rửa bát. Khổ thân con tôi quá!
Và mẹ khóc, khóc tức tưởi, tiếng khóc lặng nén, chất chứa, dồn ứ từ lâu trong lòng. Tôi ghì chặt mẹ, nước mắt ứa chảy. Tôi thương mẹ tôi quá! Mẹ có nỗi buồn, mà ngày ấy còn nhỏ dại, tôi đâu có hiểu.
Ra trường, với kết quả loại giỏi, tôi được giữ lại làm giảng viên và thật may mắn, vài năm sau giành suất học bổng cao học tại trường đại học Bonn nổi tiếng. Khi đưa tiễn con ra sân bay, tôi cảm nhận, có điều gì mẹ khó nói. Thi thoảng nhìn tôi, rồi mẹ lại lảng nhanh và thoáng thở dài. Thắt lòng, tôi đồ đoán tâm trạng của mẹ, sắp phải xa con. Chờ tôi bắt tay chào các cô chú trong công ty, gọi riêng con ra một góc, mẹ đưa lá thư, dặn tôi sang đến bên Đức, hãy mở ra xem. Trên máy bay tôi nóng lòng định bóc, nhưng nghĩ ngợi, rồi lại thôi.
Từ Nội Bài đáp máy bay sang Frankfurt, bên ấy có hội sinh viên Việt đón sẵn, tôi theo ô tô chạy tiếp ba tiếng nữa, thì tới thành phố Bonn. Ngôi trường thật đẹp. Nghe giới thiệu có sinh viên của 130 quốc gia theo học. Ngôi trường đại học danh giá này, thành lập từ năm 1777, nơi có bảy người giành giải thưởng Nô ben, chính Các Mác từng theo học nơi đây.
Thủ tục xong xuôi, lao vào học tập, nhưng nội dung bức thư của mẹ, cứ ám ảnh, thường trực trong tôi. Đọc thư mẹ tôi đã khóc, khóc nhiều lắm. Tôi thương mẹ quá! Day dứt câu hỏi trong tôi, nên hay không?
Quán cà phê của trường nằm bên con đường chúng tôi lên giảng đường. Thi thoảng tôi vào đó nhâm nhi tách cà phê. Sáng ấy, mùa thu đẹp, trời trong xanh ngăn ngắt, nhất là lá phong vàng, rực rỡ trời thu. Thành phố Bonn đẹp tuyệt. Tôi đã tranh thủ dạo quanh thành phố, thăm bảo tàng nhạc sỹ thiên tài Beethoven, thăm nhà thờ, tòa thị chính, còn ghé cả quán ăn mà sinh thời, nhạc sỹ từng dùng bữa nơi đây. Và nhất là ngắm những hàng cây cổ thụ ven đường phố Bonn, cây to đến vài vòng tay người ôm.
Thời tiết vậy, không thưởng thức, phí quá! Cứ vùi đầu vào sách vở, thư viện, rồi cũng đến nhức đầu; lại nữa, câu dặn dò trong bức thư mẹ viết, tôi có đáp ứng được không? Tôi rẽ vào quán, gọi tách cà phê. Công nhận cà phê xứ Tây chả thơm ngon như cà phê Việt. Nhâm nhi, tôi thoáng so sánh và chợt nhớ về chuyến lên Buôn Ma Thuột, thưởng thức cà phê Ban Mê, ngắm nhìn quán Trúc Xanh, đường Lê Duẩn ở miền phố cao nguyên.
Đang nghĩ ngợi, thoáng nhìn sang bàn bên, tôi thấy ông già người Á ngồi đó. Hình như trước đó ông ta nhìn tôi. Bắt gặp ánh mắt tôi, ông ta vội vã quay nhìn ra hướng khác. Quan sát, trên bàn ông ta ngồi chỉ có chai nước khoáng và đang ngó đăm đăm ra ngoài ô cửa sổ, nhất là khi có toán sinh viên nào qua lại, cứ dán mắt vào nhìn. Người nước nào, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc? Dáng vẻ có lẽ là người Việt. Mái tóc hoa râm, đôi mắt mệt mỏi, một khuôn mặt của một người từng trải, phong trần, gió sương.
Ông ta bao nhiêu tuổi? Thật khó đoán định: năm mươi, sáu mươi, hay là hơn? Nom, sao thấy có nét quen quen. À, tôi nhớ ra rồi. Có lần từ trong lớp, vô tình ngó ra hành lang, tôi nhìn thấy ông ta đang ngấp ngó nhìn vào lớp, lại đang nhìn về hướng tôi. Bắt gặp ánh mắt tôi, ông ta vội đánh mắt ra hướng khác.
Kìa, ông ta đứng dậy. Đến lúc này tôi có dịp quan sát kỹ: Khổ người to đậm, cao lớn, bước đi tập tễnh, nặng nhọc, trên tay chống cây gậy. Dị tật, hay thương tật? Bước qua cửa, ông ta thập thững bước tiếp. Người như vậy, không thể là nhân viên phục vụ của trường.
Rồi tôi cũng quên nhanh ông già tật nguyền đó. Ngồi đây để thưởng thức cà phê, ngắm mùa thu vàng chứ! Mỗi người một số phận, trời đã định rồi. Mình nào hơn gì ông già đó và thương xót, làm sao hết khắp lượt được. Tôi bỏ hai tiết học đầu. Vừa ngồi vào bàn, anh bạn người Philippin bên cạnh bảo, buổi sáng có người tới hỏi thăm, tìm kiếm tôi đó. Sao tôi chợt nghĩ nhanh đến ông già đó. Thảo nào, nom ông ta quen quen. Tôi đã tìm ra ông ta rồi chăng?
Càng ngẫm nghĩ, tôi càng day dứt. Hôm sau nữa, bước qua quán cà phê, tôi đánh mắt vào góc bàn kia, vẫn thấy ông ta ngồi đó. Hôm sau và hôm sau tiếp, khi đi qua, tôi vội lảng tránh, vội vã bước nhanh qua chỗ đó.
Đang ngồi trong lớp, ngó qua cửa sổ, tôi thoáng thấy ông ta chống gậy, nặng nhọc bước ngoài hành lang. Lấy cớ có việc, tôi vội vàng đứng lên, theo cửa sau, bước nhanh ra khỏi lớp. Đã cả tuần lễ, có việc tra cứu trên thư viện, nên tôi không theo đường cũ lên giảng đường. Sao tôi lại cảm thấy sốt ruột, vừa muốn đi qua con đường đó, qua quán cà phê, lại vừa muốn không.
Sáng ấy lên giảng đường. Quái lạ, nhìn vào quán cà phê, thấy sinh viên xúm đông đỏ; ngay ở cửa có chiếc xe chữ thập đỗ. Rồi mấy nhân viên y tế khiêng băng ca từ trong quán đi ra. Ngó nhìn, kia ông già ấy nằm thiêm thiếp trên băng ca. Thấy bảo, bị đột quỵ, nặng lắm, chắc chả qua nổi. Tôi bàng hoàng. Mình có lỗi với mẹ ư? Lá thư mẹ trao, tôi nhớ đến từng lời. Sao lúc đọc, lại nhớ tới câu chuyện ngày bé, tôi từng hỏi mẹ:
- Con giống ai hả mẹ?
- Giống mẹ!
- Giống bố cơ! Sao bố mãi chưa về. Nhà thằng Xon, bố nó gửi công ten nơ to đùng nhá!
Đang dở dang câu, chợt thấy mặt mẹ sầm xuống. Lần đầu tiên nhìn thấy thái độ của mẹ vậy và cũng lần đầu tiên, tôi nghe mẹ nặng lời:
- Từ rày, cấm chỉ nói chuyện đó nữa!
Lúc đó tôi im lặng, chả biết sao phải như vậy. Bức thư tôi đọc, phần mẹ viết cho bố: “Đây là con trai của ông, đứa con mà tôi dứt ruột đẻ ra trong những ngày khốn khó. Nó sẽ tới gặp ông đấy. Tất cả, tất cả, tôi đều tha thứ rồi. Với tôi, nay đã là quá vãng. Chỉ còn nó, đứa con trai bé bỏng, duy nhất của ông. Từ tấm bé, con thường khao khát bố. Chắc nó ao ước một lần được gọi tiếng bố. Ông hãy cho con được một lần như thế! Tôi xin vĩnh biệt, chào ông!”
Dưới là thư là dòng địa chỉ số nhà và tên phố tại thành phố Bonn. Nội dung lá thư chỉ vỏn vẹn vậy. Còn thư mẹ viết cho tôi:
“Ngày xưa ấy khốn khổ lắm con ơi. Làng quê mình nghèo, đất chật người đông. Nghề phụ đâu có. Con trai trừ ra bến sông đội cát, con gái đi làm gái, mới kiếm ra đồng tiền.
Bố mẹ lại vừa cưới nhau xong. Mẹ sớm sớm sấp ngửa gánh hàng lên chợ phủ. Cả ngày tong tả ngược xuôi, mà kiếm chửa nổi ống gạo. Rồi mẹ mang thai lần đầu, bỏ; lại tiếp, lại bỏ. Sức khỏe cứ dặt dẹo. Nhờ có ông họ của con, bố con mới chạy được làm chân nhân viên ở huyện. Lương của ông ấy, cái chân nhân viên quèn, tháng tháng lĩnh mấy chục bạc và 13 cân gạo sổ, bản thân còn chưa đủ, nói gì lo cho vợ. Thế rồi chạy vạy, bố con được đi lao động xuất khẩu sang Đức. Trước khi đi, ông ấy chả hay biết, vợ vừa mang thai tiếp. Ngày sinh con, mẹ vượt cạn một mình.
Buổi đầu sang bên ấy, bố con cũng chịu thương chịu khó lắm, gửi về nhà được ít hàng. Rồi năm 1989 Đông Đức tan vỡ. Tin đồn về nhà lắm lắm. Bên ấy bố con cũng trăm bề khốn khó. Rồi lại tin về, bố con lấy một cô đầm, lấy để nhập quốc tịch Đức. Nhập quốc tịch được mấy năm, thì ông ấy bỏ người ta, lấy cô vợ người Việt.
Hình như bố con buôn bán gì đó, thuốc lá lậu thì phải, đánh hàng từ Ba Lan sang Đức. Làm ăn nghe nói cũng được. Thấy bảo làm lên đến cấp tướng, cấp soái trong đường dây. Đùng một cái phong thanh về làng, do tranh giành mối hàng, phe phái đánh chém nhau, chủ mưu gây ra, lại chính do cô vợ Việt. Bố con mất tiệt, mất gia đình. Đã bị trọng thương, lại còn tù tội, tù đến mấy năm ấy. Giờ lay lắt, khổ lắm!”
Đọc thư mẹ viết cho tôi và viết cho ông, tôi thấy giận ông quá. Mẹ có thể tha thứ, còn tôi? Những câu hỏi cứ đặt ra, dằn vặt, tôi có đến gặp ông? Trong sâu thẳm, tôi rất muốn được một lần gọi cái tiếng, mà như bất cứ đứa trẻ nào cũng được gọi.
Người đàn ông tôi vô tình bắt gặp tại quán cà phê, chính là cha tôi. Thật day dứt, tôi đã tránh mặt ông. Giờ lại đúng lúc ông lâm nạn. Một người từng bội bạc, bỏ mặc vợ con trong hoàn cảnh cơ hàn; lúc ăn nên làm ra, có phút giây nào chợt nghĩ đến vợ, con, đứa con mà ông chưa hề biết mặt ở chốn quê nhà? Đến, hay không, lòng tôi day dứt quá!
Trình bày và được bác sỹ cho phép vào thăm, với yêu cầu, tôi đừng quấy động, bởi bệnh nhân yếu lắm! Phòng bệnh nhân trắng lạnh, trắng lạnh ga giường cùng bốn bức tường trắng toát. Ông nằm đó, im lặng. Những giọt nước truyền buông giọt. Nó như tính đếm thời gian trôi, thời gian đến. Tôi bước nhẹ, bước nhẹ lại gần giường ông. Con người đó im lìm nằm kia là cha của tôi, người gieo mầm để sinh tôi ra trên đời, cũng để lại nỗi hờn tủi trong tôi.
Vô tình chạm tay vào chiếc bàn, gây nên tiếng động nhỏ, đôi mắt ông thoáng mở. Ánh mắt lờ đờ nhìn ngó căn phòng, chầm chậm dừng lại nơi tôi. Ánh mắt vừa chạm nhau, gương mặt ông chợt bừng lên, đầu như dươn dướn. Vội vã tôi tiến lại. Cánh tay ông nhúc nhắc, như muốn gượng lên. Tôi vội vã nắm bàn tay ông, mắt nhấp nháy, đôi môi ông cũng mấp máy. Tiếng ông thều thào. Cố trấn tĩnh, mà tôi chỉ loáng thoáng nghe như tiếng gió:
- Con ơi!... Con của bố…
Nắm chặt bàn tay ông, tôi nức nở:
- Bố! Con đây. Con của bố đây!
Tôi gắng nghe những tiếng thều thào, ngắt quãng của cha:
- Bố … đã … đến,… nhưng… lại… ngập… ngừng… !
- Con cũng thế! Bố ơi, tha thứ cho con!
Tôi đã nghe tiếng cha gọi và kịp bật ra tiếng gọi đáp lại lời cha. Kìa, đôi mắt cha tôi đã vội lặng thinh, như nhìn vào cõi xa xăm, xa xăm ấy. Cha tôi đã vội vã đi rồi, sao?
Trước khi từ giã kiếp người, ông kịp trăng trối đôi điều còn nợ nần, day dứt. Trong nghĩa trang tĩnh lặng, tuyết trắng lạnh đến trong muốt, ngồi lặng đọc cuốn nhật ký của cha:
“ Ngày… tháng… năm 199...
Con trai bé bỏng! Đêm nay tha phương lặn lội kiếm ăn giữa xứ người giá rét, ngồi trong xe, bố chợt nhớ tới con và mẹ con.
Xe hàng của bố đang dừng đợi. Thông tin nhận được, cũng chẳng hay lắm. Cuộc sống là giằng với giật ấy. Thôi, chuyện làm ăn ấy mà!
Xong chuyến hàng này, bố sẽ tranh thủ về nước đôi tuần! Bố sẽ giấu dì mày bên này. Chả hay, mẹ mày có tha thứ cho bố không?”
Dòng nhật ký của cha, mờ nhòe trong mắt tôi. Cha ơi, cha đã về nước Chúa bằng an. Còn với con, đã có điều an ủi, được gọi tiếng cha máu thịt của mình!