Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

Huyền Trân công chúa tranh của họa sĩ Phan Niệm

HOÀNG HẬU TRẺ VÀ LỜI CA GÓA BỤA



                         Kìa đàn chim phương xa
                         Bay qua núi dài, biển rộng
                         Sao chim không có nơi nghỉ, nơi ngừng…

H uyền Trân khêu thêm ngọn bấc sắp lụi. Nàng làm việc đó theo thói quen, chứ thực ra, ánh sáng hay bóng tối trong dinh thất của nàng giờ đây cũng chẳng có ý nghĩa gì đáng kể. Đã từ lâu, Huyền Trân không đọc thêm một cuốn sách nào. Nàng vật vờ như một cái bóng. Nước mắt đã khô kiệt. Vẻ u sầu quý phái cũng biến đi nhường cho vẻ hoang dại, vô hồn. Những người thị nữ mới cũng đã quen dần với tính khí khác lạ của chủ. Giờ, nàng là người không quá khứ, không tương lai. Hàng ngày, cứ vào lúc chập tối, nàng ngồi yên cho thị nữ tháo chiếc khăn trùm đầu ra để sức dầu thơm lên mái tóc đang thưa cằn dần đi. Khoảng hai tháng nay, Huyền Trân mắc một thứ bệnh quái ác: bệnh rụng tóc. Mái tóc dầy và mềm óng ả của thời thiếu nữ son trẻ từng làm Chế Mân vương mê đắm, giờ chỉ còn như một bụi gai xơ xác, tiêu điều. Đôi mắt thường mở to ngơ ngác và dịu dàng ngay trong cả những ngày sóng gió bất hạnh nhất, giờ cũng trở nên trống rỗng, vô cảm. Với nàng, thị nữ có khoác lên người tấm vóc quý hay mảnh sô gai quê mùa thì cũng như nhau; giờ khắc giữa Ngọ hay giữa Tý cũng thế mà thôi. Nàng cáo mệt để từ chối mọi cuộc viếng thăm của các vị đại quan, các trang công tử, các vị quan sứ hay các khách buôn, khách lữ hành phương xa (người thì muốn lấy lòng Trần Anh Tông, người thì do tò mò) - trừ vương huynh và đức Tuyên Từ thái hậu, người mẹ kế khắc nghiệt mà nàng không thể thoái thác lẩn tránh được. Nhưng ngay cả những cuộc viếng thăm bất đắc dĩ như thế cũng thưa thớt hẳn, và nàng dần bị lãng quên giữa chốn ly cung thâm nghiêm, giữa đất kinh kỳ náo nhiệt.

Song, định mệnh tai ác đâu có cho nàng tự lãng quên. Đêm nay, sau lúc khêu ngọn bấc lên, nàng quay lưng ngồi như tham thiền nhập định trong bóng của mình. Khi đã quen với bóng tối, ánh mắt gần như siêu tịnh của Huyền Trân chợt bắt gặp một chiếc tai đàn Satyr(1) lấp ló trên mép giường trải đệm gấm. Huyền Trân đã ra lệnh cất giấu kỹ tất cả những đồ đạc, kỷ vật mà nàng mang theo từ Chiêm Thành về, kể cả bài vị thờ Chế Mân vương. “Sự cố” này xảy ra chắc do một thị nữ khi dọn dẹp giường chiếu đã không cất lại cây đàn xuống tận chân giường. Một ngọn gió ngoài vườn thượng uyển chợt lay động rèm trúc, mang theo hơi lạnh của sương đêm. Như một tia chớp, ý thức của người đàn bà lặng câm chợt lóe sáng trước cây đàn. Và không hiểu từ lúc nào, bằng cách nào, cây đàn gỗ trắc phủ đầy bụi đã nằm trong đôi bàn tay xanh xao, thanh mảnh đang run rẩy của Huyền Trân. Từ trong sâu thẳm của ký ức phủ ngập sương khói, một giọt lệ đắng chợt lăn ra chầm chậm. Lần đầu tiên, sau nhiều tháng, Huyền Trân nghe thấy hơi thở của mình. Nàng lấy vạt áo nhẹ lau bụi trên thân đàn, rồi vặn cần đàn so dây. Nàng chăm chú làm việc này, thậm chí còn thấy hơi ngạc nhiên vì không hiểu cái gì đã làm cho nàng vừa thích thú, vừa buồn rầu đến thế - những cảm giác tưởng đã rời bỏ nàng mãi mãi. Khi một tiếng đàn được gẩy lên để thử âm, Huyền Trân bỗng lặng người đi trong chốc lát vì hoảng sợ: cả một thác lũ âm thanh đang bị ngăn lại ở đâu đó đang đe dọa ào tới nhấn chìm nàng. Nhưng cũng chính nhờ khoảnh khắc đó mà Huyền Trân thấp thoáng tìm lại được nỗi buồn thăm thẳm của đời nàng. Cái nỗi buồn không đau lòng xé ruột như trong những ngày để tang Chế Mân, cũng khồng day dứt khắc khoải như trong những ngày mới trở về kinh sư mong ngóng Khắc Chung… Nàng bắt đầu gẩy đàn và hát bài ca não ruột do nàng tự đặt lời, phỏng theo một điệu dân ca Chiêm Thành. Đêm nay, giữa thâm cung lặng lẽ, ngoài nàng ra, còn có lũ chuột chí chóe trên những thanh xà chạm trổ rồng phượng đang đứng lại để lắng nghe nỗi niềm ai oán nức nở của cả một dân tộc tìm thấy sự đồng vọng trong tâm hồn hoàng hậu Paramec Vari người Đại Việt.

Kìa đàn chim phương xa
Bay qua núi dài, biển rộng
Sao chim không có nơi nghỉ, nơi ngừng
Đây là dòng suối trong
Kia là tháp Chàm uy nghi sừng sững bên trời
Có nghe cây hát
Có nghe gió khóc
Có nghe biển gào
Buồng không, người góa bụa
Thèm một ngọn lửa nắng chiều
Người tráng sĩ đi đâu
Mặt đất hoang tịch cô liêu
Mặt trời không buồn tỏa sáng
Mặt trăng trôi lang thang mây phủ khói mờ
Biết bao người đợi cửa trông chờ
Giọt lệ sa
Chẳng đợi biển gào
Không chờ gió khóc…

Nàng đâu biết rằng, ở một nơi rất xa kinh thành, trên ngọn Tử Phong - ngọn núi cao nhất vùng núi Yên Tử, phụ hoàng Trần Nhân Tông trong vạt áo cà sa đang trằn trọc trên tấm phản mộc. Nhà tu hành có tầm cỡ của thời Trần sau này trở thành đệ nhất tổ của phái Trúc Lâm thiền, người anh hùng hội tụ của hào khí Đông A(2) từng lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh bại giặc Thát Đát hung bạo, lúc này đang khóc thầm. Ngài sắp tới gần cõi Niết Bàn. Ngày viên tịch về Tây Trúc không còn xa nữa. Ngài sẽ rời khỏi trần gian này nhẹ nhõm biết bao, nếu như công chúa Huyền Trân, giọt máu yêu quý nhất đời của ngài không phải trở về đất nước như một hoàng hậu góa bụa trong thân phận kẻ trốn chạy khốn khổ, nếu như… Ngài nhắm nghiền cặp mắt để xua đi bao giả tưởng, song chúng cứ xoáy mãi vào trái tim quá mệt mỏi vì đau buồn và thương xót của ngài. Từ ngày công chúa trở về Đại Việt tới nay, ngài chưa hề bước chân tới Kinh sư. Ngài không dám gặp lại con gái một lần nữa. Qua tin tức mỏng manh của vài nhóm Phật tử, những đô tướng miền biên viễn, ngài được biết về mối quan hệ “tà dâm” giữa Huyền Trân và Khắc Chung từ khi chiếc quan thuyền hồi hương còn lênh đênh giữa biển. Lúc đầu, như tất cả những bậc phụ vương chính đạo lại sắp được quy y chính quả, ngài nổi giận đùng đùng. Nhưng sau đó, tình thương con và lòng ân hận đã choán ngợp tất cả. Nhất là, những ngày gần đây, cứ vào độ chuông chùa thu không, dù đã đi nằm, hay đang lần tràng hạt niêm kinh trong Vân Yên tự, ngài đều thấy hình bóng người con gái út hiện về trước mắt, cùng những lời nói vừa đáng yêu vừa đường đột làm ngài đền giờ vẫn chưa thôi sửng sốt, kinh ngạc. Nàng xuất hiện trước ngài như một luồng ánh sáng êm dịu, với dáng hình non nớt tựa một đóa quỳnh đang nở. Nàng đã rờ tay lên tấm sô gai khoác ngoài tấm áo cà sa của phụ hoàng mà òa khóc nức nở như một đứa trẻ…

Được vua cha hỏi ý kiến về những việc đại sự của triều chính quốc gia, nàng không khỏi ngỡ ngàng. Song, nàng đã nói ra những điều của lương tri trong sáng vằng vặc.

- Phụ hoàng thứ lỗi cho con… Theo con, hai châu Ô - Lý họ đang chiếm giữ, ta không cần tìm cách đòi lại…

- Trời, con thật dại khờ và nông nổi! Con quên rằng do chính xương máu của các bậc tiên đế thời Lý mới có được những vùng đất ấy. Và mấy thế kỷ nay tiếp tục bao xương máu của binh sĩ Đại Việt đã đổ…

Huyền Trân cúi đầu.

- Thưa phụ hoàng, vậy xương máu cứ phải tiếp tục đổ mãi sao… - Giọng nàng run bắn, vì nàng đã phải cố tìm lòng dũng cảm trong ý thức rõ rệt về một sự phạm thượng nguy hiểm - Dạ, thưa phụ hoàng, con đã có dịp ra khỏi cung cấm. Con thấy ngay ở Kinh sư này thôi có biết bao người đói khổ, bất hạnh, quốc gia còn chưa lo nổi, huống chi lại có chiến tranh! Vùng Kinh Bắc, vùng Châu Hoan, vùng Ninh Viễn… những nơi ấy còn đầy rẫy đất bỏ hoang, sao chúng ta không đem cái sức lực chính chiến vạn dặm kia để dồn vào cải tạo đất đai, chấn hưng đất nước?

Như vừa bị bắn tử thương, vua Nhân Tông từ từ nhắm chặt đôi mắt lại và nói như rên:

- Ta không muốn có cuộc binh đao nào nữa. Nhưng việc thu hồi đất hai châu, ta vẫn phải làm. Chắc con chưa rõ: hai châu Ô - Lý vốn là thuộc nước Văn Lang thời các vua Hùng, bị triều đình nhà Đường cắt cho Chiêm Thành suốt bảy thế kỷ…

- Nhưng, tâu phụ hoàng…

Trần Nhân Tông hơi cúi đầu, gạt đi:

- Trên vai ta là sứ mệnh của cả tiền nhân, của cả hoàng tộc, con ạ.

Huyền Trân gần như kêu lên:

- Trời, thưa phụ hoàng, chúng ta lại cất quân ư?

- Cất quân là hạ sách. Nhưng biết bao xương máu, danh dự và quyền lợi buộc chúng ta phải lấy lại vùng đất hai châu. Và trọng trách này, phi con ra không ai làm nổi… Chính con sẽ cứu cho hàng ngàn binh sĩ hai bên khỏi bỏ mạng…

Huyền Trân lo lắng:

- Dạ, con không hiểu ý phụ hoàng.

- Ta muốn phá vỡ sách lược bất biến của Trung Hoa là muốn liên kết với Chiêm Thành để tạo thế vu hồi từ phương Nam trong âm mưu thôn tính Đại Việt. Vì thế… ta đã nhận lời cầu hôn của Chế Mân vương.

Đôi giọt lệ trào lăn trên má Huyền Trân.

- Phụ hoàng ơi, lẽ nào phận con lại theo vết hoàng bà An Tư?

- Bình tĩnh lại con! Ta đã sang Chiêm, trực tiếp trò chuyền với người sẽ trở thành hôn phu của con. Ta không hề có ý định gả con cho một kẻ phàm phu tục tử. Người đó chẳng những là một sợi dây liên kết bền chắc với nước ta, khiến nhà Nguyên hoảng sợ chùn bước, mà còn phải là một trang quân tử hào kiệt có thể đem lại hạnh phúc thực sự cho con. Ta thấy rõ vua Chiêm xứng đáng với con, và tràng pháo ngày hôn lễ sẽ còn là niềm hoan hỉ của cả hai dân tộc yêu hòa bình…

Nhưng trong khi nói ra những lời ấy, tận đáy lòng, ngài lại thốt lên những lời khác: “Huyền Trân! Con có biết bao đêm qua ta đã mất ngủ về một lời cầu hôn đó! Ta đã đoán định trước mọi điều, song những gì sẽ xảy ra với tương lai của con, với vận mệnh của đất nước này, thì chỉ có lẽ công bằng của trời đất mới phân tỏ được…”. Và sau khi chia tay lần cuối cùng với con gái trên núi Yên Tử, ngài đã tới trước tượng Như lai khấn khứa xót xa: “Kính thưa đức chí tôn đại độ cao minh. Con là Trúc Lâm đại sĩ, ngụ ở Vân Yên tự. Con đang hoang mang quá chừng. Công chúa Huyền Trân vừa tới vĩnh biệt con để ra đi. Xin người hay minh chứng cho lòng con, hãy phán xét cho con… Linh cảm lành ít, dữ nhiều. Phải chăng, điều đó sẽ dày vò con trong suốt quãng đời tàn còn lại? Mong đức chí tôn phù hộ độ trì cho con gái con, nó mới đôi chín tuổi xuân non dại, phận gái xông pha ngàn dặm vào đất lạ…”

Ngài biết rõ công chúa sẽ không bao giờ cưỡng lại ý vua cha. Nhưng ngài vẫn đau đớn chờ đợi một sự đồng tình của con gái. Và mỗi lời của sự đồng tình đó là một nhát dao đâm vào lòng ngài: “Thưa phụ hoàng, cứ nghĩ tới việc phải rời Kinh sư đi làm dâu xứ lạ, làm vợ một người con chưa hề biết mặt, quả là con chỉ muốn uống một liều độc dược. Nhưng nếu thế, con là một đứa con bất hiếu đáng nguyền rủa. Con đâu đã trả được ơn sinh thành của phụ hoàng và thái hậu. Cả với giang sơn gấm vóc này nữa…”

Nếu trong lịch sử có những người đàn bà đẹp “nhất cố khuynh nhân thành, tái cố khuynh nhân quốc”(3) thì cũng có những người đàn bà bằng sắc đẹp, bằng cả tình yêu chân thật và tâm hồn đoan chính giúp cho bao suối máu bớt đổ ra vô nghĩa. Huyền Trân không biết hơn bảy trăm năm sau thiên hạ sẽ đánh giá về nàng ra sao, nàng chỉ biết rằng, một sự đồng tình và tự nguyện của nàng trong lúc đó - dù chỉ là để tuân theo một ý chí sắt đá, tàn nhẫn chăng nữa, cũng là cần thiết để cứu lấy sinh mệnh hàng nghìn, hàng vạn con người của hai bên.

Phải chăng, đêm nay có sự giao cảm thần bí trong không gian, khi tiếng hát não lòng của Huyền Trân làm kinh động cả hoàng thiên hậu thổ, còn tâm linh của vị chân tu – người cha già đang trải qua một cuộc kiểm nghiệm và sát hạch nghiệt ngã? Mặc dù có đủ lý lẽ của một người hành pháp tối thượng luôn luôn đặt lợi ích quốc gia trên lợi ích riêng tư, mặc dù có đủ lòng nhân hậu của một người cha, Trần Nhân Tông cũng không làm được gì khác hơn cho số phận của người con gái yêu, để tới những năm tháng cuối đời, ngài đã chôn vùi mình trong hố thẳm của lòng thương xót và niềm ân hận.

Người đàn bà trẻ vẫn chưa thôi đàn hát giữa hoàng cung âm u tựa một nấm mồ. Đĩa đèn dầu lạc đã khô cạn, tim bấc chỉ còn thoi thóp những đốm sáng ma trơi. Cặp mắt Huyền Trân đẫm lệ, và vì thế, nàng được trả lại vẻ đẹp mê hồn của nàng mà sự tuyệt vọng cùng nỗi khổ đau liên tiếp, kéo dài chưa thể tàn phá nổi.

Người tráng sĩ đi đâu
Mặt đát hoang tịch cô liêu…

Câu hát trong đêm sâu đưa tâm trí nàng trở về những ngày tươi sáng của một thời thiếu nữ. Cũng trong dinh thất này, bao đêm nàng đã thầm mơ tưởng đến hình bóng của một người tráng sĩ. Người đó không phải là Trần Khắc Chung, không phải là những võ tướng trẻ tuổi, càng không phải là những trang công tử hào hoa phong nhã trong hoàng tộc hay ngoài hoàng tộc. Nhưng, trong con người ấy có Khắc Chung. Đúng hơn là hình ảnh Khắc Chung chứa đựng những tưởng tượng của nàng về người tráng sĩ. Dạo đó, Khắc Chung đã là một người đàn ông đứng tuổi. Ông giữ chức Trừ cung giáo thụ dạy học cho Đông cung thái tử. Những năm tháng oanh liệt đã trở thành dĩ vãng xa xôi, những người lính già không còn ai kể chuyện Nguyên Phong nữa(4), và ít ai có thể nhớ rằng chính Khắc Chung là người từng một mình hiên ngang đi vào tận sào huyệt Ô Mã Nhi thực hiện kế sách giả cầu hòa của triều Trần. Nhưng Huyền Trân lại nhớ rất rõ. Nàng thường yêu cầu một lão bộc già kể lại cho nàng nghe câu chuyện này, và lần nào nàng cũng say mê, trí óc non nớt của nàng thêu dệt thêm ánh hào quang cho nó. Bà nhũ mẫu, người hay lê la nghe ngóng chuyện, còn kể cho nàng nghe về gia thế của Khắc Chung. Ông có một cuộc sống âm thầm, khác lạ. Ông không giống những kẻ đua nhau xây dinh lập phủ, bòn vét của công, chơi bời trác táng. Dưới con mắt Huyền Trân, ông là con người đức cao, đạo trọng, trí dũng song toàn. Bố vợ Khắc Chung là một kẻ đầu hàng giặc Thát. Nhờ có công lao của Khắc Chung mà cả gia đình vợ không bị tù tội và tịch biên tài sản (lúc này ông đã được ban quốc tính họ Trần). Nhưng sau đó, ông sống cách ly với vợ con. Ông dọn vào ở một gian buồng nhỏ gần Đông cung, lấy cớ là một kẻ tu hành, ông nghiền ngẫm kinh sách, binh thư và để tâm trí dùi mài vào một chí hướng nào đó. Sự bí ẩn này cũng góp phần kích thích óc tò mò của Huyền Trân, và rồi cũng tới lúc nàng bồi hồi mỗi khi nghĩ đến Khắc Chung.

Nhưng rồi Khắc Chung đã làm nàng hoảng sợ trong lần gặp gỡ đầu tiên bởi những chính kiến và tham vọng của ông ta. Ngay trong đêm đó, Huyền Trân có một giấc mơ hãi hùng: xung quanh Khắc Chung là lửa cháy hừng hực, những tiếng kêu thét thảm thiết. Ông ta ghìm cương ngựa giơ thanh kiếm chém xuống một bức tượng vũ nữ Chiêm Thành. Bức tượng rỏ máu ròng ròng. Khắp người, ngựa Khắc Chung cũng hoen máu. Huyền Trân giơ hai tay ôm mặt, thét lên một tiếng kinh hoàng… Không ngờ, hơn hai năm sau, người chỉ huy đoàn dũng thủ bí mật vào Chiêm để cứu nàng thoát khỏi dàn thiêu lại chính là Khắc Chung. Gần một năm trời long đong trên biển cả, qua các đảo hoang, các thương cảng xa lạ, qua muôn vàn hiểm nguy, nàng được sống trong sự che chở của võ tướng Khắc Chung – sự che chở đầy phục tùng, đượm thương mến xót xa và e dè.

Hải đoàn Đại Việt sau khi trốn chạy khỏi mọi cuộc săn lùng của hải đoàn Chiêm Thành lại gặp ngay bão tố. Chiếc bị sóng đánh tan tành, chiếc bị mất tích, chiếc dạt vào hoang đảo… Huyền Trân và các thị nữ may mắn ở trên chiếc quan thuyền bị dạt vào một hòn đảo không có tên trên hải đồ. Nàng được đưa vào trong một hang đá tạm nương náu. Một đêm, nàng bị sốt cao, Khắc Chung chạy tới vấn an. Ông bảo với hai thị nữ đang ngủ gà ngủ gật:

- Các cô đi nằm đi, để tôi sẽ trông giấc cho lệnh bà.

Hai thị nữ tuân lệnh. Khắc Chung bước tới gần đống lửa giữa hang đá, chất thêm củi. Ông tháo gươm đặt bên cạnh rồi nhìn ngọn lửa nhảy nhót. Có đôi lần Huyền Trân mê sảng. Khắc Chung rời đống lửa bước tới gần giường nàng. Có lúc nàng kêu lên: “Tướng quân! Đừng bỏ ta mà đi”, rồi nước mắt cứ ràn rụa. Khắc Chung bùi ngùi, nhưng ông chỉ biết đứng nhìn, lặng yên như hóa đá. Ông thoáng ân hận là đã để hai cô thị nữ đi nghỉ. Gần sáng, quá mệt, ông nằm lăn ra nền đất ẩm. Chợt có tiếng gọi thảng thốt: “Tướng quân! Kìa tướng quân!” Khắc Chung bật dậy nhanh như mèo rừng, tay chộp lấy chuôi kiếm. Nhìn thấy Huyền Trân đang ngồi cạnh, khuôn mặt đỏ bừng vì sốt, đang lo âu, Khắc Chung bật cười:

- Sao vậy, lệnh bà không ngủ được à?

- Tội nghiệp tướng quân, nằm thế này sinh ốm mất. Sao tướng quân không về doanh trại? – Giọng Huyền Trân vẻ hờn dỗi.

Khắc Chung cười ngượng nghịu. Chợt ông kêu lên:

- Lệnh bà sao đi chân trần thế kia! Cảm lạnh mất!

Ông chạy vội tới bên giường nệm lá, cầm đôi hài đem đến đặt trước mặt nàng, nói như ra lệnh: - Lệnh bà sỏ chân vào hài đã!

Huyền Trân ngoan ngoãn làm theo, rồi nàng tới ngồi cùng Khắc Chung bên đống lửa. Khắc Chung nghiêm nghị:

- Xin lệnh bà đi nghỉ tiếp. Lệnh bà đương sốt cao.

- Ta ngủ sao được khi tướng quân nằm trên đất ẩm.

- Vậy thần xin trở về doanh trại.

Khắc Chung đứng dậy, đeo gươm. Thấy Huyền Trân gục xuống gối khóc tủi hờn, ông khẽ thở dài và lại ngồi xuống cạnh nàng. Hồi lâu sau, Huyền Trân thì thầm nghẹn trong nước mắt:

- Tướng quân ơi! Chàng cứu Huyền Trân này để làm gì? Giá như Huyền Trân chỉ là một cô gái dân dã bình thường, Huyền Trân sẽ đỡ khổ biết bao!...

Không cầm lòng được, Khắc Chung khẽ xoay người lại. Ông giơ tay đặt nhẹ lên đôi vai mảnh dẻ của người đàn bà. Dường chỉ đợi có thế, nàng liền ngả đầu vào vai ông, thổn thức. Cứ như vậy rất lâu. Khắc Chung không dám cử động. Ông nói khẽ, gần như hơi thở:

- Lệnh bà Huyền Trân! Có phải thần đang sống trong một giấc mộng?

- Tướng quân, mong chàng đừng nói gì cả…

- Vậy thì lệnh bà hãy nói đi! Rồi đây, thần sẽ tâu bày gì được với hoàng thượng? Và nếu sau này thần không có lệnh bà nữa, thần sẽ biết sống ra sao?

Giọng Khắc Chung run rẩy. Nước mắt Huyền Trân lại trào ra thấm đẫm vai áo ông.

- Tướng quân ơi, ta chỉ là một người đàn bà góa bụa và bất hạnh. Song ta rất sợ lòng thương hại của mọi người. Ta biết rõ: khi trở về Kinh sư, ta sẽ chỉ là một cái bóng vô hồn. Vì thế ta đã quyết chết theo Chiêm vương. Chàng bất chấp ước nguyện đó của ta… Ta bơ vơ quá!

Khắc Chung ngậm ngùi nuốt lệ.

- Lệnh bà biết không, ngày lệnh bà lên kiệu đi làm dâu xứ người, Khắc Chung này như đứt từng khúc ruột. Khi ấy, lệnh bà vẫn còn là một cô bé thôi mà…

- Dạo ở Kinh sư, nhiều đêm ta thường mơ đến tướng quân. Ta chỉ thần phục có mỗi chàng thôi…

- Thưa lệnh bà, thần rất hiểu điều đó. Nhưng thần không bao giờ dám mơ tới công chúa của hoàng triều. Huyền Trân lắc đầu:

- Chính là tướng quân yêu danh vọng của mình hơn cả.

- Nhưng thần làm sao mà sánh được với những trang tuấn kiệt trẻ tuổi!

- Tướng quân ơi! Chàng lầm rồi!...

Huyền Trân bỗng sôi nổi hẳn lên, song nàng chợt ngừng lại. Khắc Chung mỉm cười. Ông nhẹ nâng khuôn mặt hoen nước mắt càng lộ rõ vẻ thơ ngây của nàng lên bằng đôi bàn tay cháy nắng.

- Thật là nàng đã nghĩ như vậy ư? Khắc Chung này vốn quen với sách vở, trận mạc, rồi chuyện triều chính rắc rối, có bao giờ được nghe những lời ngọc ngà như vừa rồi. Khắc chung này xin được ghi tạc vào tâm khảm.

Huyền Trân đã lại áp cả khuôn mặt mình trên vai Khắc Chung. Nghe hơi thở đều đều, biết nàng đã ngủ, ông không dám động đậy, chỉ có ánh lửa bập bùng trong đáy mắt… Trong giấc ngủ lạ lùng trên vai người võ tướng, Huyền Trân đã mơ về thời thơ ấu tuyệt đẹp của nàng – tuổi thơ sống giữa những vườn hoa muôn sắc, giữa bầy thị nữ xinh đẹp nhí nhảnh, tuổi thơ sống bên bà nhũ mẫu, qua các hội hè dân dã, các lễ chay đàn nhà chùa khắp vùng Kinh Bắc… Nàng không biết rằng Khắc Chung cũng tựa sống trong mơ, không dám thở mạnh, trái tim tưởng đã cỗi cằn của ông rạn nứt trong lời thầm thì tội nghiệp: “Ta yêu nàng! Nàng cũng yêu ta… Cầu trời cho ta không bị đắc tội khi dám nghĩ tới điều đó…”. Gần sáng, lúc Khắc Chung khéo léo bế nàng lên chiếc giường trải nệm lá, nàng đã nửa thức nửa mơ, có cảm giác đang bay trên mây bập bềnh. Tỉnh dậy, nàng mới sực nhớ cả đêm qua nàng đã thiếp giấc đi ở đâu, nàng nói với hai thị nữ đang ngồi ở hai mép giường nhìn nàng lo lắng.

- Đêm qua, ta có một giấc mơ lạ quá. Sau nhiều ngày tháng bị đánh mất viên ngọc rắn thần kỳ, ta lại tìm thấy nó, vả lại ta nghe được tiếng nói thầm thì của các loài chim muông, hoa cỏ(5). Chưa có bao giờ ta cảm thấy mình muốn sống như bây giờ…

Hai thị nữ nhìn nhau vẻ dò hỏi và ngạc nhiên.

- Các em hãy tìm ý trung nhân của mình ngay trong đám đô tướng và dũng thủ của hải đoàn này. Ta biết rõ họ là những trang nam nhi tuấn kiệt bất chấp sóng gió, coi thường hiểm nguy.

Hai thị nữ đỏ mặt lên vì vui sướng, cúi đầu lạy tạ.

Giữa bốn bề trời nước mịt mùng, trên đường trở về cố hương, nàng đã hát cho Khắc Chung nghe bài ca của nàng, bài ca Chiêm Thành.

Kìa đàn chim phương xa
Bay qua núi dài, biển rộng…

Khắc Chung lặng người. Ông bảo nàng:

- Thú thực với lệnh bà, thần vốn không ưa sự bi lụy và những giọt lệ đa sầu đa cảm. Song bài hát vừa rồi quả là thấm vào lòng thần… Thần như được nhìn thấy cả một thời binh lửa, loạn ly. Thần chợt nghĩ: ở bất kỳ đâu cũng thế, lòng mong mỏi yên vui thái bình của mọi người đều tựa đất hạn trông mưa…

- Vậy mà – Huyền Trân ngắt lời ông – tướng công đã muốn dùng binh đao thanh toán cả đất nước Chiêm Thành!

Khắc Chung cúi đầu:

- Tâu lệnh bà, quả đúng vậy. Và chỉ trong những ngày gần đây, thần mới hiểu được tấm lòng nhân đức của lệnh bà khi dứt áo rời Kinh sư vào Chiêm…

- Nhưng bù lại, ta đã yêu Chiêm vương và được Người đáp lại xứng đáng, ta không ân hận gì cả. Tướng quân không biết điều ấy sao?

Khắc Chung nhẫn nhục và đau khổ.

- Tâu lệnh bà, thần hiểu rõ.

- Thôi, tướng quân về nghỉ đi. Ta cám ơn tướng quân.

Khắc Chung choáng váng quay đi như người bị say sóng. Ông chưa thể quen được với tính khí bất thường của một lệnh bà quý tộc. Còn Huyền Trân, sau lúc Khắc Chung đi khuất, nàng đã lặng lẽ khóc. Nước non ngàn dặm ra đi… Cái tình chi… Dân gian khi hát thế đã hiểu cái tấc lòng của nàng vì nghĩa nước, vì muôn dân. Nhưng ngoài nàng ra, ai hiểu nổi cái nghĩa tình riêng sâu nặng của nàng với Chế Mân vương? Quả là nàng đã vào Chiêm như một thứ đồ vật để đánh đổi lấy hai châu Ô - Lý đá sỏi và sự hòa hiếu tạm bợ giữa hai nước. May mắn thay cho Huyền Trân, nàng đã yêu được con người ấy. Còn Chế Mân, ngay từ giây phút đầu gặp nàng đã hiểu: giá có đổi cả vương quốc để có được nàng cũng không phải ân hận gì. Nàng đã phải xúc động trước mối tình si thẫm đẫm lòng trân trọng của người đứng đầu vương quốc Champa. Nàng dần dần tìm thấy tình yêu cứ chậm chạp nảy nở trong lòng nàng. Cái bản chất hoang dã của Chế Mân đã được tâm hồn trong sạch và tình yêu thánh thiện của nàng cảm hóa sâu sắc. Sống bên nàng, lần đầu tiên quốc vương Chiêm được nghe những lời nói thật, trong khi bao vây quanh ông toàn những điều xu phụng và giả dối. Sẽ là khiên cưỡng, áp đặt khi nói rằng nàng tham gia với Chế Mân những phương sách cải tạo bộ máy nhà nước trì trệ, mục ruỗng của Champa, hay cùng ông bắt tay vào chấn hưng lại một đất nước đang lao nhanh xuống hố diệt vong bởi tham nhũng, bất công và đói khổ cùng cực. Không, trước sau nàng chỉ là một người đàn bà được sinh ra để làm vợ, làm mẹ. Mặc dù nàng được giáo dục kỹ lưỡng bởi những bậc trí giả lừng danh, được hưởng một nền học vấn cao nhất thời đại bấy giờ, mặc dù nàng không bị đặt vào hàng cung phi mà được đặt ngang hàng với chánh hậu Tapasi, sức mạnh lớn nhất và duy nhất của nàng không phải là kiến thức và quyền lực. Những giọt lệ cảm thông của nàng trước khổ đau và bất hạnh của người dân Champa, trái tim dịu dàng thuần khiết của nàng đã tẩy rửa dần dần cái tính khí hung bạo, độc đoán của đức lang quân tuổi tác hơn nàng đến ba thập niên. Dĩ nhiên, gánh nặng của ách chuyên chế và bất công chẳng thể mất đi, song đám dân cùng và hạng nghệ sĩ, trí thức thấp giá không bằng súc vật nuôi của nhà vua chắc cũng được dễ thở đôi chút dưới vòm trời khắc nghiệt này. Nếu ở Lý Nhân, người dân Đại Việt đã lập đền thờ bà vương phi Chiêm quốc Mỵ E từng nhảy xuống sống tự vẫn để giữ trọn tiết hạnh khi bị vua Lý cưỡng ép, thì chắc rằng ở đất Chiêm Thành, ở một nơi nào đó, người dân Champa cũng đã lập đền thờ để hương khói hoàng hậu Paramec Vari đời đời.

Chế Mân đã bị giết sau một năm chung sống với hoàng hậu mới. Cái chết của ông cũng bí ẩn như cái tình yêu ngắn ngủi mà ông được hưởng. Tuy nhiên, cũng có thể dễ dàng hiểu được điều này: một khi Chế Mân tự thay đổi tâm tính, vỡ lẽ ra những sự thật hiển nhiên mà lâu nay có những kẻ cố tình bưng bít ông, cũng có nghĩa là ông đã tự chuốc lấy một lưỡi dao oan nghiệt treo hờ trên số phận. Nhưng ông lại vĩnh viễn thoát khỏi sự nguyền rủa của lịch sử. Ông đã không trở thành một tên bạo chúa khốn kiếp. Nhờ có nàng… Chính ông cũng đã thốt lên như vậy trước gương mặt thiên thần của nàng. Phải rời bỏ thế gian một cách đau đớn và đột ngột đúng giữa lúc trái quả tình yêu của hoàng hậu trẻ bắt đầu vào độ chín, linh hồn Chế Mân chắc sẽ được an ủi khi biết rằng, tập tục các hoàng hậu phải lên hỏa dàn tuẫn táng để chết theo Chiêm vương đã được nàng đón nhận như một điều tự nhiên và cần thiết đối với nàng. Vị hòa thượng võ nghệ cao cường được Trần Nhân Tông cử đi theo hộ vệ nàng đã bằng mọi lý lẽ lúc mềm mỏng lúc đanh thép thuyết phục nàng: tập tục thiêu sống người là một tập tục man rợ, và việc chết theo Chiêm vương là một điều vô nghĩa. Song, chỉ có Khắc Chung và đoàn dũng thủ bằng những hành động khôn khéo và liều lĩnh, mới có thể đưa nàng thoát khỏi ngọn lửa tưởng không thể nào tránh được. Sau cái chết của Chế Mân, bầu không khí u ám nghẹt thở của kinh đô Đồ Bàn bủa vây nàng. Không chốn nương tựa, nàng và các thị nữ, các nhạc công Đại Việt níu lấy nhau, nhắm mắt buông tay chờ đợi kết cục của số phận. Rồi liên tiếp sau đó là những cuộc gặp gỡ bí mật với sứ bộ Đại Việt đóng giả thương nhân do Khắc Chung đứng đầu, là dàn thiêu, là bão tố biển khơi, là thuyền đắm, là hải tặc, là thiếu thốn đói khát… Khắc Chung đã không phải đốt cháy thành Đồ Bàn để cứu được lệnh bà Huyền Trân như ông từng thề nguyền khi lãnh trọng trách trước vua Anh Tông. Ngờ đâu, chính ông lại là người đốt cháy lên cái khát vọng được sống và được yêu của người đàn bà trẻ bị đẩy tới chân tường tuyệt vọng. Đến lượt Khắc Chung cũng được tấm lòng nhân hậu của nàng cảm hóa. Người đàn ông dạn dày sương gió một khi đã được nghe từ cặp môi nàng thoát lên trong cơn sốt nóng: “Tướng quân! Đừng bò ta mà đi!” chắc sẽ không thể giơ nổi thanh gươm chém vào tấm thân vũ nữ Chiêm Thành mặc dù việc đó sẽ đem lại cho chàng một ngôi vua hay một lãnh địa giàu có.

Lúc chiếc quan thuyền xơ xác về với cửa biển Thần Phù, hai người đã trò chuyện với nhau trong lâu thuyền - và đó là lần trò chuyện cuối cùng giữa họ. Khi Huyền Trân rụt rè đề nghị: “Tướng quân ơi, chàng hãy thưa thật tất cả với vương huynh em”, Khắc Chung cười gằn:

- Không thể được, tâu lệnh bà ngây thơ, cành vàng lá ngọc! Thần chỉ là một kẻ lạc loài trong hoàng tộc. Thần đã lường trước những gì sẽ xảy ra. Thần không sợ bị rơi đầu, song thần lại sợ gây thêm đau khổ cho lệnh bà.

- Hỡi ôi! Phải chăng Trời Phật đã định sẵn cho em kiếp hồng nhan bạc mệnh!

- Thần bất lực quá… Song lệnh bà hiểu cho: khi chim thú đã săn được, cung tên sẽ bị treo lên, dây cung sẽ bị chặt đứt. Kết cục dành cho Khắc Chung này và nhiều võ tướng khác là như vậy đó!

Nước mắt nàng thêm một lần nữa tưới đẫm vầng ngực áo Khắc Chung… Đêm nay, nàng lại bị thức tỉnh cái nỗi đau lòng âm ỉ kia. Nàng xứng đáng và có quyền làm vợ, làm mẹ. Song những cơ hội may mắn đã tuột khỏi tay nàng. Cánh cửa dẫn đến hạnh phúc đã mãi mãi khép chặt trước nàng. Một người con gái liễu yếu đào tơ đâu có thể vượt qua nổi vòng cương tỏa của giáo lý và hoàng tộc. Chỉ cần có chàng, con người dũng mãnh và đảm lược trong mọi đại sự, mọi gian khó thử thách. Nhưng chàng lại không đủ lòng dũng cảm để sống với chính mình, để mọi danh vọng là phù vân giả dối và chỉ tình yêu là có thực, là vĩnh cửu. Thế thì, nàng còn tiếc gì quãng đời thừa?

Tháng trước nàng đã gọi hai cô thị nữ trung thành tới và đưa cho họ một gói bọc lụa.

- Các em, chút vàng bạc này ta đã chuẩn bị cho các em từ lúc ở Chiêm Thành. Các em cầm lấy mà về quê, coi như của hồi môn ta tặng cho các em.

Hai thị nữ bật khóc, quỳ lạy:

- Thưa lệnh bà, chúng con không muốn rời xa lệnh bà.

Nàng đưa tay nâng hai cô ngồi dậy.

- Các em đã cùng ta gánh chịu bao nỗi gian truân. Giờ, các em hãy trở về sống đời bình dị thôn nữ. Hạnh phúc sẽ trong trẻo và lâu bền. Còn trong hoàng cung lặng gió này, bão tố của số phận còn ghê gớm hơn cả bão tố trên biển khơi… Hãy đi đi! Còn ta, quãng đời còn lại chỉ có thể nương nhờ cửa Phật…

Giờ nàng sống hay chết, điều đó có nghĩa lý gì đâu. Dân chúng kinh sư và nhiều vùng đã lập đền thờ sống nàng ngay từ lúc nàng đang hưởng hạnh phúc trọn vẹn bên quốc vương Chiêm Thành, và lẽ ra nàng đã làm người nâng khăn sửa túi cho Chiêm vương dưới cõi âm. Sáng mai, nàng sẽ xuống tóc, trút bỏ xiêm áo lượt là để khoác áo ni cô. Đêm nay, đêm cuối cùng nàng được hát và được buồn. Phải, điều còn có nghĩa lý duy nhất đối với nàng chính là nỗi buồn thiên thu này đây. Thì ra nàng vẫn còn có thể khóc được. Nước mắt của nàng nếu không cảm hóa nổi những tâm hồn lang sói thèm khát binh đao và thèm khát nô dịch dân tộc khác thì ít ra cũng chia sẻ được nỗi đau của những người đàn bà góa bụa, làm dịu được cơn đói cơn khát của bao kiếp người vốn là nạn nhân của những cuộc tranh chấp quyền lực và đất đai… Nàng đã nghĩ về tất cả những điều này, theo cách của nàng, từ khi nàng chưa tháo tấm khăn tang, người thiếu phụ góa bụa ở tuổi ngoài đôi mươi. Đêm nay, cơn lũ âm thanh như ghìm lại sự phẫn uất để thận trọng và kính cẩn chảy qua một trái tim rớm máu chưa lành. Nàng đàn và hát. Nàng cứ để nước mắt chan hòa trên gò má nhợt nhạt.

Kìa đàn chim phương xa
Bay qua núi dài, biển rộng
Sao chim không có nơi nghỉ nơi ngừng…

Đàn chim bay từ ấy tới nay đã bảy thế kỷ. Đâu là nơi yên bình và ấm áp cho đàn chim dừng lại? Nước mắt của bảy thế kỷ chưa lúc nào ngừng chảy. Và máu. Có những khi máu còn nhiều hơn cả nước mắt./.

1. Một loại đàn cổ của nhiều dân tộc vùng Đông Nam Á, gần giống như đàn tì bà của ta.
2. Hán tự: chữ Đông và chữ A ghép lại thành chữ Trần
3. Quay đầu một lần làm đổ thành người, quay đầu lần nữa làm đổ nước người
4. Năm đại phá giặc nguyên Mông (Mượn ý một câu thơ chữ Hán của Trần Nhân Tông)
5. Trong câu chuyện “Ngọc rắn trả ơn”, truyện cổ dân gian Chàm.




VVM.25.7.2023 -

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .