Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
                


THẢNG THỐT NHA TRANG



C hiều nào nàng cũng ngồi tựa vào cái trụ xi măng trên bức tường đá chắn sóng, mắt đăm đăm nhìn ra biển. Trước mặt nàng là vịnh Nha Trang. Hình ảnh nàng với biển thật đối nghịch. Cái nhỏ nhoi, yếu đuối của người con gái đặt bên cạnh cái mênh mông, vô tận của đại dương. Gió thổi nhè nhẹ, sóng gợn lăn tăn. Mặt biển chiều thẫm sâu như mắt người thiếu phụ. Phía khơi xa, chân trời huyền ảo, mờ mờ mịt khói sương. Sóng chỉ dữ dội khi có gió lớn. Mới biết, sóng bao giờ cũng bắt đầu từ gió. Gió yên thì biển lặng. Khi gió mạnh lên thì sóng cũng khôn cùng...

Ở thành phố này, tôi không có người quen nên chiều đến, thường ra biển một mình. Hình như có sức hút gì đó, lạ lắm, tôi cứ đến ngồi gần chỗ nàng. Cũng không biết có tương khí tương đồng gì hay không, đôi khi, nàng cũng hay ngước nhìn sang tôi.

Nàng mặc bộ quần áo bà ba mỏng, cắt rất khéo, bó sát người, mái tóc đen nhánh buông xõa ngang vai làm nổi bật khuôn mặt trắng trẻo mịn màng. Trông nàng mềm yếu và quyến rũ đến lạ lùng. Trên tay nàng cầm một gói nhỏ. Nhìn dáng vẻ của nàng, tôi có cảm giác là nàng đang ngóng đợi ai đó từ phía xa khơi trở về. Mỗi lần nhìn nàng, lòng tôi chợt xốn xang. Không phải xốn xang vì rung động con tim, mà là nhìn dáng vẻ của nàng, tôi linh cảm thấy một điều gì đó, vừa mơ hồ, vừa cụ thể, nửa rất thực, nửa như là hư ảo...

Chiều nay tôi mạnh dạn bước lại gần, dương chiếc máy ảnh nhỏ xíu, ống kính chỉ ngắn bằng đốt ngón tay của tôi hướng về phía nàng để làm quen. Khi lấy được khuôn hình của nàng, tôi nói nhỏ chỉ đủ cho một mình nàng nghe. Không biết sao giọng tôi tự nhiên lại thì thầm như tiếng đồng vọng: - Chụp ảnh nhé!

Nàng giật mình, vội ngồi sát hơn vào trụ cái trụ xi măng, như thể đó là chỗ cho nàng nương tựa, mắt ngước nhìn tôi e ngại: - Dạ, hông... Nàng nói giọng Nam bộ, nhẹ nhàng mà dễ thương quá đỗi. Nói rồi nàng quay mặt ra hướng biển. Tôi bấm máy đánh xoạch. Thế là xong! Tôi đã có bức ảnh của nàng theo mặt cắt nghiêng. Buổi tối, tôi hồi hộp mở máy ra xem. Tôi phóng to ra rồi lặng ngắm nhìn nàng. Khuôn mặt thanh tú, vẻ buồn dịu dàng và thánh thiện, nửa như nàng Tô Thị, nửa như đức mẹ Ma Ri A. Không biết sao, tự nhiên có cảm giác tôi với nàng có duyên nợ từ kiếp trước. Đã gần một giờ sáng mà tôi vẫn không sao ngủ được. Bên tai nghe như có tiếng thì thầm vọng từ biển cả. Như người mộng du, tôi bước ra phía cửa sổ của căn phòng trên tầng bốn, nhìn xuống cái trụ xi măng trên bức tường đá chắn sóng, nơi ban chiều nàng ngồi, chỉ còn là khoảng trống tối om, hoang lạnh. Tôi cố hình dung dáng nàng ngồi, vẻ mặt đượm buồn cùng đôi mắt hiền dịu, ẩn chứa bao nỗi niềm của nàng. Nàng là ai? Chờ đợi cái gì phía khơi xa kia? Nàng còn trẻ lắm. Sao vẻ mặt nàng lại đượm buồn như thế? Có cái gì bí ẩn trong đôi mắt trong veo của nàng. Nhất định chiều mai, tôi sẽ đến làm quen và nói chuyện với nàng...

Cuối cùng rồi sự chân tình của tôi cũng được đền đáp. Nàng đã mĩm cười với tôi khi tôi từ khách sạn đỉ ra. Tôi hỏi: - Chiều nào em cũng ngồi ở đây ư? Chờ ai vậy?

Nàng nhìn tôi, không nói. Nhưng rồi có lẽ vẻ mặt hết sức ngô nghê và chân thành của tôi, ánh mắt nàng dịu lại. Cuối cùng rồi nàng cũng đã trả lời câu hỏi của tôi.

- Chờ ông nội và ba.

Trời ơi! Nàng có điên không? Làm sao lại chờ ba và ông nội chứ không phải chờ một chàng trai đánh cá nào đó ngực căng tràn nắng gió từ biển khơi trở về?

Giờ thì lại là lúc tôi nhìn nàng. Cái nhìn của tôi có chút gì đó, vừa thảng thốt vừa lo âu. Thảng thốt vì thấy lạ lùng quá. Còn lo âu vì liệu thần kinh của nàng có bình thường không? Tôi đặt câu hỏi hết sức ngô nghê.

- Ông nội và ba em ư?

Nàng nhìn tôi, ánh nhìn như dội lên từ qua khứ sâu thẳm.

- Ông nội đã ra đi từ vịnh biển này. Đến nay vẫn không thấy ông trở về.

Bà nội và em mong ông lắm.

Thì ra là thế! Nhưng ông nội nàng là ai? Sao lại ra đi từ vịnh biển này?

– Bà nội em khóc nhiều lắm, một phần vì thương nhớ ông, một phần tủi phận mình, giờ mắt bà đã mờ - Nàng thầm thì như đang nói với người trong mộng. Bà kể, khi ông ra đi, ông hôn như mưa lên khuôn mặt đầm đìa nước mắt của bà. Bà nội khi đó đang mang thai ba. Ông nội nói trong buồn tủi: - Mình thân yêu! Cuộc chiến đã đến hồi kết! Anh là bên thua cuộc, phải ra đi khỏi đất nước này. Anh muốn đưa em theo, nhưng không thể! Đại dương là muôn trùng bão tố, lành ít dữ nhiều. Phận gái theo chồng, nhưng em đang mang thai. Em phải ở lại để sinh nở. Em phải sinh con và nuôi dưỡng nó nên người, đó là giọt máu duy nhất anh gửi lại. Anh linh tính nó là con trai. Khi nào con khôn lớn, em hãy đưa vật này cho nó. Hãy nói với nó rằng, đây là thứ còn lại duy nhất ba tặng cho con. Cái gói này, chính là kỷ vật ông nội đã trao cho bà. Ông em đã ra đến ngõ, lại quay lại quỳ xuống chân bà. Ông xin bà hãy tha tội cho ông, vì đã không xứng làm chồng làm cha. Đã trốn chạy trách nhiệm như một kẻ hèn nhát.

- Ông nội em là người đàn ông tốt nhất trên đời. - Nàng nói trong hoài niệm về một thời đã xa. Bà nội em nói thế! Bà bảo em rất giống ông nội. Nghe bà nói, em càng thương ông hơn. Em đã nhiều lần mơ thấy ông về...

Thế trong gói ấy, ông em gửi lại cái gì vậy?

- Bà em không mở ra. Bà muốn giữ nguyên vẹn như ngày ông em trao cho bà.

- Lại còn thế nữa! Nhưng ông em chẳng đã bảo là gói ấy trao cho ba em rồi mà?

- Đúng là vậy! Mãi đến khi ba em làm chủ một con tàu cá lớn, tức là ba đã trưởng thành trong ý nghĩ của bà em. Chuyến ra khơi đầu tiên, bà trao kỷ vật của ông nội cho ba. Nhưng chuyến đi ấy, ba vĩnh viễn không trở về. Tầu của ba đang đánh cá ở ngư trường , đã bị một tầu nước ngoài tấn công. Chúng đã trèo lên, cướp hết mọi thứ trên tầu rồi ném tất cả mọi người xuống biển. Cái gói bà nội trao cho ba, ba đã nhờ một bạn chài còn sức hơn mang về trao cho đứa con gái tội nghiệp của mình. Trước khi chìm xuống đáy biển, ba cũng chưa kip mở nó ra. Nàng gục đầu nức nở, đôi bờ vai nhỏ nhắn rung lên. Khi nàng ngẩng lên, trên khuôn mặt xinh đep, thánh thiện của nàng, đã đầm đìa nước mắt.

Tôi ngắm nhìn cái gói nhỏ, bên ngoài bọc vải nilon đã chuyển sang ố vàng do tác động của thời gian. Sao nàng không mở ra xem bên trong có gì? Bởi theo di nguyện của ba nàng, cái gói ấy đã thuộc sở hữu của nàng rồi còn gì?

Với một sự tò mò hối thúc, tôi khích lệ :

- Sao em không mở cái gói ấy ra xem, ông nội đã gửi gắm gì trong đấy? Biết đâu lại chẳng giúp ích cho bà em lần ra dấu tích của ông nội? Nàng nhìn tôi, tự nhiên ánh mắt tỏ vẻ xa lạ. Có thể tôi chưa hiểu nàng. Tôi đã đụng chạm đến cõi sâu thẳm của lòng nàng. Nàng quay mặt ra biển, nàng giận tôi chăng? Tôi vội vân vua: - Thì anh nghĩ thế! Trong di vật gửi lại của người đi xa, bao giờ cũng ẩn chứa một thông điệp nào đó. Biết đâu?...

Giọng nàng tức tưởi:

- Má em hổng cho mở. Má bảo phải đợi ba về! Má không tin là ba đã chết.

Cuộc đời, có những lúc, không ai có thể thay đổi niềm tin của một con người, mặc dù, đôi khi đã biết chỉ là vô vọng. Có lẽ vì thế mà bà nội nàng trướcđây và má nàng bây giờ, vẫn không dám mở gói kỷ vật ấy ra, bởi vẫn còn hy vọng. Đừng đụng chạm vào những gì mà ta đã gọi là thiêng liêng. Có lẽ bà nội nàng và má nàng nghĩ thế. Người ông của nàng đã ra đi từ những năm bảy mươi của thế kỷ trước. Đất nước bây giờ đang mở rộng cửa, đón chào những người con xa xứ. Nếu còn sống, chắc đã lần đường tìm về rồi chứ sao lại bặt vô âm tín như thế? Nhưng một khi chưa mở gói kỷ vật ấy ra, vẫn còn một chút hy vọng. Thà còn một chút, còn hơn không. Tôi không biết làm gì để an ủi nàng. Nhưng thực lòng, trái tim tôi cũng đang loạn nhịp. Hai thế hệ nhà nàng đã ra đi từ vịnh Nha Trang, thành phố biển yên bình, xinh đẹp này, để lại trên đời những số phận góa bụa, đơn côi.

Tôi đành im lặng, không dám nói thêm gì nữa, sợ chạm vào nỗi đau của nàng. Nhưng tôi biết, từ giờ phút này, có thể là định mệnh, nàng đã là người thân thiết với tôi. Nàng đang cần sư chở che. Tôi phải có trách nhiệm chăm sóc nàng, làm vệ sỹ cho nàng, không để nàng đơn độc trong cõi trần gian này thêm nữa...

Những ngày sau, cứ chiều xuống là tôi ra một vị trí khác ngồi đợi nàng. Tôi muốn biết ai đã đưa nàng tới đây?

Đó là bà cụ già đã ngoài bảy chục tuổi, tóc bạc trắng như cước. Tôi đoán chắc bà nội nàng. Hai bà cháu cùng trên Tacxi bước xuống. Nàng đã nói đúng. Bà cụ mắt đã lòa. Nàng phải dắt đi từng bước một đến bên cái trụ xi măng, hai bà cháu cùng tựa vào, nàng chỉ tay về phái khơi xa, hai bà cháu thầm thì tôi không rõ, chỉ thấy bà cụ đưa hai tay ôm lấy cái trụ xi măng, những nét co giãn giật lên giật xuống hiện trên khuôn mặt già nua. Có lẽ bà đang hồi tưởng lại cái ngày chồng mình, rồi đứa con trai độc nhất xuống tầu ra khơi chăng?

Hai bà cháu đứng tựa vào nhau bên bức tường đá. Gió biển chiều lồng lộng thổi, hai mái tóc như quện làm một, trong cùng một nỗi chờ mong khôn tả. Tôi ngồi thụp xuống phía bên kia bức tường để nàng khỏi thấy tôi chứng kiến phút giây cảm động của hai bà cháu. Chỉ một lúc thôi, bà nội nàng cầm cái gói nhỏ ấy trao cho nàng, chiếc taxi vẫn chờ bà nàng. Còn lại một mình, nàng lại ngồi vào nơi mọi chiều vẫn ngồi, mắt đăm đăm nhìn ra biển. Tôi lặng lẽ tiến lại gần nàng từ phía sau, đứng bên cạnh nàng, không nói. Hình như có linh tính, nàng quay lại nhìn tôi. Nàng không thể biết, trên thế gian này, đã có một người đã thấu hiểu nỗi đau của gia đình nàng.

- Anh đã nhìn thấy tất cả rồi sao? Bà nội em đấy! Thỉnh thoảng bà vẫn bảo em đưa bà ra. Mỗi lần ra biển như thế, đêm về, bà không ngủ, cứ ngồi một mình, hai tay bà lần lại từng nốt dây buộc trên cái gói của ông nội. Bà muốn tìm lại hơi ấm từ đôi tay người đã đi xa...

Chiều nay biển Nha Trang gió thổi lên từ từ như mơn man da thịt. Tôi và nàng ngồi bên nhau. Tự nhiên tôi cảm thấy ngột ngạt, khó chịu. Ngoài khơi, sóng gió dâng lên ào ạt. Trong vịnh cũng thế, những con sóng nhỏ đang lớn dần, ào ào đổ bờ.

Tôi rủ rê: - Tắm chứ? Nàng lắc đầu e ngại. Tôi động viên: – Có anh làm vệ sỹ, lo gì? Tôi nhìn thấy ánh mắt do dự của nàng chuyển trạng thái. Nàng đã đồng ý. Tôi tưởng nàng vào tiệm thay đồ tắm như bao người con gái khi xuống biển. Nhưng không. Nàng để nguyên quần áo như thế, tay vẫn ôm gói nhỏ, kỷ vật của ông nội, từ từ lội xuống mép sóng. Nàng trườn xuống nước nhẹ nhàng như một con rái cá. Nàng bơi giỏi lắm. Nàng buộc lại cái gói nhỏ ấy vào trước ngực như thể một cái phao cứu sính. Hai tay sải những đường bơi khá điêu luyện. Tôi bơi theo nàng canh chừng, không dám sát bên, sợ nàng hiểu nhầm. Tôi cứ bơi như thế, phía sau nàng. Biển chiều tự nhiên vắng. Những người tắm biển mọi hôm chợt vụt biến đi đâu hết. Chỉ còn lại tôi với nàng cùng bơi thả lỏng, hai cái đầu nhấp nhô như hai chấm đen trên vịnh. Bổng nhiên gió cứ mạnh dần lên. Sóng biển từ ngoài khơi ào ào đổ vào vịnh. Thấy nguy hiểm, tôi gọi to: - Bơi vào bờ đi em! Sẽ có sóng lừng đấy! Hình như nàng không nghe thấy tiếng tôi gọi. Đầu nàng nhấp nhô trên sóng, lúc nổi lúc chìm, cứ xa dần. Tôi hoảng hốt bơi theo nàng. Hôm nay nếu nàng có mệnh hệ gì, tất cả tội đổ lên đầu tôi. Vì tôi đã rủ nàng xuống tắm. Trước nay, nàng chỉ ngồi tựa vào cái trụ xi măng trên bức tường đá chắn sóng chứ có xuống biển đâu? Tôi càng gào lên thì khoảng cách giữa tôi và nàng càng xa. Tôi cố bơi theo nhưng hình như tôi đã kiệt sức. Những đợt sóng mới lại dâng cao thêm. Dưới chân bức tường chắn sóng, nước biển sủi bọt đục ngầu. Một con sóng lớn ào lên đẩy nàng lên cao rồi từ từ rút ra xa, phút chốc, vịnh Nha Trang như cạn đến đáy. Từ phía đại dương mênh mông, tôi nghe như tiếng nàng vọng lại, âm u đầy bí hiểm. Bất thình lình, tôi bị một con sóng hất lên bờ cát, nằm sóng soài, vô vọng nhìn ra khơi. Nàng đã biến mất giữa trùng dương. Hoảng hốt, tôi vội vùng dậy, chạy như tên bắn đến một tòa nhà có bóng người lố nhố ở tầng trệt, gào lên, xin họ hãy bơi thuyền ra cứu nàng. Có rất nhiều người nghe thấy tiếng tôi, bơi thuyền, có cả xuồng máy phóng ra biển, quần lượn tìm nàng. Mãi đến khi bóng tối ập xuống, ngoài khơi biến thành một tấm thảm đen đặc, người ta mói ngưng cuộc tìm kiếm.

Mấy ngày sau, người ta vẫn không tìm thấy thi thể nàng. Vào một buổi sáng sớm, có mấy người chạy thể dục theo dọc bờ vịnh, thấy một gói nhỏ bọc ni lon bị sóng biển đánh dạt vào bờ, người ta tò mò giở xa xem, thì thấy trong mấy lớp giấy báo, một bộ đồ lính thủy quân lục chiến thời chính quyền Việt Nam Cộng Hòa đã cũ, ướt đẫm nước biển.

Riêng tôi, tôi không tin nàng đã chết. Ngoài khơi kia, rất nhiều tầu thuyền đang neo đậu. Biết đâu nàng đã được họ cứu thoát?

Ngày mai tôi sẽ rời thành phố Nha trang. Công việc của một kỹ sư thiết kế đồ họa đã tạm ổn. Các mẫu kiến trúc của những tòa nhà hiện đại cùng di tích cổ ở thành phố biển xinh đẹp, thân thiện và yên bình đã nằm gọn trong cặp của tôi.

Chắc phải lâu lắm tôi mới có thể trở lại thành phố biển này. Chiều xuống, tôi lại ra cái trụ xi măng trên bức tường chắn sóng nơi nàng vẫn thường ngồi tựa vào đó ngóng đợi ông nội và ba nàng. Trên mặt vịnh, sóng lao xao đùa với gió miên man vỗ bờ. Biển như quên hết chuyện cũ. Tôi nhìn qua mấy hòn đảo, ngoài xa kia là trời biển mênh mông, trập trùng sóng lớn. Hình dung lại vẻ mềm mại yếu đuối của nàng, giờ phiêu dạt ở bến bờ nào? Nước mắt ràn rụa, tôi đau đớn thốt lên: Em ơi! Bây giờ em đang ở đâu?

Tôi trở về khách sạn trong lòng trống rổng. Chẳng còn thiết gì đến ăn uống, mặc cho tiếng chuông báo đã đến giờ ăn, tôi nằm vật ra giường, chìm trong mộng mị. Đêm ấy, tôi mơ thấy có một một con thuyền nhỏ nhuốm ánh bình minh đỏ rực, đôi cánh buồm dang ra hai phía, căng phồng gió biển, đang hướng vào đất liền, nơi tôi đang đứng. Muôn ngàn tia sáng lung linh, huyền ảo, giống như ánh sáng phát ra trên tượng Phật quan thế âm Bồ Tát. Trên thuyền có ba người . Một người mặc quần áo sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa, một người áo dân chài và một cô gái trẻ đứng tựa vào nhau, mắt cùng nhìn về một phía. Khi thuyền vào gần, tôi đã nhận ra nàng, mái tóc mềm mại tung bay trong gió. Nàng cũng nhận ra tôi, nét mặt nàng tỏ vẻ mừng rỡ, tay vẫy rối rít. Khi thuyền cặp bờ, nàng ôm chầm lấy tôi như thể nàng khao khát giây phút này từ kiếp trước. Nàng chỉ vào người đàn ông có khuôn mặt khắc khổ, dáng già nua, mặc bộ quần áo sỹ quan Việt Nam Cộng Hòa tự giới thiệu với tôi là ông nội nàng. Còn người đàn ông trung niên kia là ba nàng. Không biết sao, ba nàng lại gọi tôi là con và xưng ba với tôi, khi trông thấy ông nội nàng ôm tôi, gọi tôi là cháu và hôn lên trán tôi, tình cảm thân thiết như một người ông ruột thịt...

Tôi tỉnh dậy, nhìn ra biển qua khung cửa sổ. Mặt trời đã lên cao. Trên bãi cát trải dài, những người tắm biển đã về gần hết. Tôi thơ thẩn lần theo bờ vịnh, hy vọng còn lại chút dấu vết của nàng. Biển đã giấu trong lòng mình tất cả. Tôi chợt hiểu, biển dịu dàng, sao có lúc lại trở nên giận dữ đến thế?

Nhà sáng tác Nha Trang 5/2015



VVM.25.7.2023-NVA.

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .