Việt Văn Mới
Việt Văn Mới



HỒ THIÊN MÙA XUÂN VỀ


T ừ thị trấn Đông Triều vào Công trường khai thác hầm lò số 4, thuộc khu mỏ Hồ Thiên, phải qua 30 km, trong đó có khoảng 10 km đường rừng mà quang cảnh ta chỉ còn nhìn thấy trong những đoạn phim xa xưa của thời chiến tranh ở khu Bốn cũ. Dấu vết còn lại của than thổ phỉ đấy, anh thấy sao? Phạm Văn Hưởng nói với tôi. Anh đang cầm lái và chiếc xe con do anh điều khiển lăn qua những hòn đá lớn lởm chởm, gập ghềnh, những con suối mùa nước cạn, trơ ra những hòn cuội to như cái mũ, cái nón, sấp ngửa, chênh vênh. Có đoạn, xe phải đi dọc suối, xóc nảy người, nghiêng ngả.

Suốt 10 km cuối đường, không thấy bóng người đi và bóng chim bay. Đường điện nối từ Đông Triều vào đây, mỗi km là 1 tỉ đồng. Hai bên đường, rừng không còn cây to, thi thoảng mới có cây keo tai tượng chừng vài năm tuổi, còn lại là sim mua và những cây hoang dại thấp bé, cằn cỗi. Đất bạc màu, khô rang, đỏ nhờ nhờ như đã nung dở qua lửa.

Mùa xuân đã về rồi, nhưng ở đây, ta chỉ cảm thấy mùa xuân trong hơi mát của những làn gió rất nhẹ. Vài giọt mưa lất phất và mơ hồ đáp vào cửa kính xe. Tôi chợt nhớ đến một bài thơ tứ tuyệt rất hay của vua Trần Nhân Tông viết về hồ Động Thiên mà các sách đều chú thích là thuộc vùng Quỳnh Lâm, Yên Tử, gần nơi nhà vua tu hành. Vậy chính là nơi tôi đang qua đây. Chắc xưa vua Trần thường qua lại vùng này trên đường từ Quỳnh Lâm, Ngoạ Vân về Yên Tử hay ngược lại:

Động Thiên hồ thượng cảnh
Hoa thảo giảm xuân dung
Thượng đế liên sầm tịch
Thái thanh nhì nhất chung…

Cảnh trên vùng đất hồ Động Thiên, mùa xuân mà hoa cỏ cũng không tươi tốt lên được như những nơi khác. Ông trời còn thương cái vùng hiu quạnh này, mà thỉnh thoảng từ cõi cao xanh, buông xuống một tiếng chuông… Tôi được biết dưới hồ Thiên còn có 8 triệu tấn than, nhưng không khai thác, chắc để bảo vệ cảnh quan môi trường của một vùng đất văn hoá lịch sử hiếm có này. Tôi hỏi Phạm Văn Hưởng, cái hồ có tên là hồ Thiên ở đâu? Anh đáp: Nếu tính theo đường chim bay từ đây đến hồ Thiên, hay đến am Ngoạ Vân, nơi vua Trần tu hành và viên tịch, cũng khoảng 7 km.

Sau 20 năm hoàn thành nhiệm vụ, với thành tích lớn về sản xuất than, xây dựng kinh tế kết hợp với quốc phòng, xí nghiệp khai thác than Quảng Lợi, do đại tá – kĩ sư Phạm Văn Hưởng, người con của quê lúa Hưng Hà, Thái Bình, làm giám đốc, từ Mông Dương đã chuyển về Đông Triều. Tại đây, xí nghiệp Quảng Lợi và xí nghiệp 91 chuyển đổi thành Công ti 91, với nhiệm vụ nặng nề phức tạp, khó khăn gian khổ hơn, nhưng triển vọng phát triển cũng to lớn hơn, là khai thác than ở vùng đất mới Đông Triều. Phạm Văn Hưởng làm giám đốc Công ti mới này.

Công ti đã tháo gỡ những vướng mắc về thủ tục đầu tư, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án xây dựng cơ bản khu mỏ Khe Chuối và mỏ Hồ Thiên. Năm 2009, đã đào được 5 629 mét lò chuẩn bị sản xuất, 3 290 mét lò xây dựng cơ bản, duy trì được từ 3 đến 4 lò chợ, sản xuất được 234 184 tấn than, doanh thu 136,6 tỉ đồng, lương bình quân 5 392 ngàn đồng một người một tháng. Năm 2010, nhiều khó khăn hơn, những chỉ tiêu chủ yếu đã đạt được là rất đáng kể. Những người thợ đã đào được 4 237 mét lò xây dựng cơ bản, 5 280 mét lò chuẩn bị sản xuất, sản xuất 225 200 tấn than nguyên khai, doanh thu đạt 130 tỉ đồng, lương bình quân 6 100 ngàn đồng một người một tháng.

Cùng với sản xuất và đảm bảo an toàn, Công ti rất chú trọng đến việc bảo vệ môi trường, củng cố hệ thống xử lí nước thải ở các khu sản xuất, hằng năm trồng hàng vạn cây xanh để hoàn nguyên đất đai.

Giám đốc Công ti, đại tá - kĩ sư Phạm Văn Hưởng cho biết, dự án xây dựng và khai thác khu mỏ Hồ Thiên, được tiến hành từ tháng 8 năm 2008. Hiện anh có 1000 công nhân. Những người lính mặc áo thợ và công nhân bậc cao của anh đã đào hàng nghìn mét lò xuyên vỉa, xuyên qua nhiều phay đá gan gà rất rắn chắc để tiếp cận với than. Trữ lượng than ở đây, ước tính 22 triệu tấn. Nếu xuống sâu từ 300 đến 500 mét dước mực nước biển, trữ lượng sẽ đạt 60 triệu tấn.

Tất cả mới ở giai đoạn ban đầu. Công ti đã áp dụng công nghệ mới vào khai thác hầm lò, đầu tư và đưa vào sử dụng giá khung di động ZH, băng tải than, tàu điện, hệ thống quạt gió đảo chiều, hệ thống cảm biến khí tự động tập trung, đầu tư máy khoan thăm dò trước gương, dây chuyền bốc xúc, máy xúc đá trong lò, triển khai thi công tuyến đường chuyên dụng vận tải than từ mỏ ra khu vực cụm Cảng và bến Cân, xây dựng và nâng cấp nhà ở cho công nhân… phấn đấu đến năm 2015, đào 91 071 mét lò, sản xuất hơn 3 triệu tấn than, doanh thu đạt 1 885 triệu đồng, tỉ lệ tăng trưởng hằng năm từ 15% trở lên, lương bình quân mỗi công nhân một tháng đạt từ 7 triệu đồng trở lên.

Văn phòng công trường khai thác hầm lò số 4 là một ngôi nhà tạm, xây xuềnh xoàng bên bờ con suối nhỏ, không có tên trên bản đồ, dưới bóng núi của vòng cung than Đông Triều. Tại đây, địa chất trưởng Công ti Phí Đức Ngọc, quê Ân Thi, Hưng Yên, đang vẽ trên bản đồ đường lò xuyên vỉa, cùng với quản đốc công trường Trần Văn Kiển, quê Tiên Lãng, Hải Phòng, tính toán tiến độ để sớm tiếp cận với than. Công trường này thuộc Công ti TNHH số 1. Còn 15 mét nữa sẽ gặp than. Phí Đức Ngọc đã báo cáo với giám đốc Phạm Văn Hưởng như vậy.

Quản đốc Trần Văn Kiển trao cho tôi chiếc mũ lò và bộ quần áo bảo hộ lao động, để đi vào đường lò vừa được xây dựng. Cửa lò mở ra một khoảng sân rộng, nền đất nâu, rất thoáng và sáng, với hai thanh đường ray cũng còn rất mới.

Nước trong lò, chảy thành dòng nhỏ xuống suối. Sân phẳng tiếp giáp với suối, bờ suối vẫn còn những bụi sim mua và ràng ràng, là vẫn còn xanh, chưa nhuốm than đen như ta thường thấy ở những cửa lò khác.Tường vách hai bên cửa lò nát gạch nâu, loại gạch trang trí rất đẹp mắt, chứng tỏ mĩ thuật công trình là một vấn đề được coi trọng. Đường lò khang trang cao ráo, sạch sẽ với hàng cột chống, hiện đại, chắc khoẻ, an toàn. Hệ thống điện và quạt gió hoạt động 24 / 24 với chất lượng cao. Đội quân tiên phong của mỏ, những người thợ đi lò đá nhanh rảo bước trước chúng tôi. Họ chuẩn bị vào thay ca. Năm 1963, tôi đã đi lò đá nhanh với Nguyễn Văn Vỡi, sau đó anh trở thành anh hùng lao động rất nổi tiếng ở vùng mỏ. Năm ấy, tôi dạy học ở Mạo Khê, tham gia phong trào văn hoá của công đoàn mỏ và hàng tuần đi lò với công nhân. Những câu thơ tôi viết về những người thợ đi lò đá nhanh, tưởng đã quên sau gần 40 năm, lại vang lên trong tôi, vẫn nguyên cái gân guốc của cường độ lao động nhọc nhằn và quả cảm:

Và vòm đá oang oang, tiếng máy tăng tốc độ
Mắt nhức nhối. Và ngực căng. Nghẹn thở
Anh em ơi, sau phay đá là than!

Và sầm sập tiếng mũi khoan ruột gà
xoáy vào thớ đá
Bình khí nặng, tay không được rời rã
Anh em ơi, sau phay đá là than!

Những người thợ đi lò đá nhanh cũng vẫn như xưa, cứng cáp, vươn tới, đầy nghị lực. Họ thực sự là những người anh hùng. Chỉ còn 15 mét nữa sẽ tới than. Những tấn than đầu tiên của công trường sẽ ra lò vào mùa xuân này…

Tôi đứng lặng trước không gian yên ắng đến kì lạ của một dải đồi vừa mới được ghi trên bản đồ công nghiệp Việt Nam: Khu mỏ Hồ Thiên, do những người lính Đông Bắc tạo lập. Dưới chân, con suối nhỏ chưa có tên gọi, đổ nước ra Cầu Máng ngoài xa kia, cầu do người Pháp xây dựng từ năm 50 của thế kỉ trước, rồi theo suối Trung Lương mà đưa nước ra sông Kinh Thầy. Khác với Quảng Lợi Mông Dương, khai trường lộ thiên không một bóng cây, bụi cuốn đến ngạt thở, mùa nắng thì nóng như thiêu, mùa mưa thì đất nhão ra thành bùn, ngập đến đầu gối. Ở đây có gì tĩnh lặng hơn, dù vẫn là khu công nghiệp khai khoáng và những người thợ lò, như con ong giấu mình trong những túi mật - trong lòng đất; dù vẫn người chỉ huy ấy, dám nghĩ dám làm, đầy bản lĩnh, cũng đầy lòng nhân ái. Phạm Văn Hưởng nói với tôi: Những người lính thợ vừa khai thác than, vừa phải giữ gìn nghiêm ngặt môi trường, vừa phải bảo vệ bằng được vùng di tích linh thiêng của Tổ quốc Việt Nam: Quỳnh Lâm - Yên Tử.

Tôi biết đây là một bài toán khó, phải có một cõi lòng trong sáng, không tham lam vụ lợi, phải có một trí tuệ thông minh với những tính toán đầy trách nhiệm trước lịch sử, mới có thể giải bài toán này được. Tôi tin vào những đường kẻ vẽ đầy thận trọng và quả quyết trên tấm bản đồ kia, để mở những ngách lò mới, và những tấn than ra từ cửa lò này, sẽ là những tấn than sạch, sạch về phẩm chất than, sạch về phẩm chất người, trong một cảnh quan được bảo vệ cho muôn đời con cháu.

Có lẽ vì thế chăng, mà tôi nghe trong cái se lạnh của mùa xuân về, giữa những hạt mưa bụi bay, trong khoảng yên ắng trang trọng của đất trời đầu năm, một tiếng chuông vang lên trong câu thơ 700 năm xưa của vua Trần Nhân Tông…

Trời thương vùng hiu quạnh
Khẽ buông một tiếng chuông…




VVM.21.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .