- C òn hai hôm nữa đến ngày giỗ mẹ cháu! Chỗ hàng xóm thân cận, cháu mời bác! Chúng cháu cũng không bày vẽ nhiều đâu! Làm có dăm mâm thôi! Toàn thân cận cả! 17 giờ, bác nhớ sang nhé!
Chuyện trò đôi câu sau lời mời như thế, Chức về. Tôi vốn là chỗ quen thân với bà Cẩm - mẹ của Chức, thật lòng tôi khâm phục bà không để đâu cho hết. Ngày còn làm chung xí nghiệp, tôi lái xe gạt. Chiếc D17 là chiếc xe yếu, thường xuyên nhận nhiệm vụ túc trực trên đầu băng dồn than xuống mặt sàng. Bà là công nhân sửa đường. Những con đường vận chuyển than đất liên tục đêm ngày bị biến dạng nhanh chóng. Nếu không có các bà các chị, với những phương tiện thô sơ như băng-ca, mai cuốc… thì than không thể ra trên những cung đường lồi lõm những sống trâu, ổ gà, ổ voi, vũng vực... Lực lượng thiết bị không nhiều như những năm tháng về sau để hoàn thành những con đường mới nhanh chóng. Thôi thì nắng mưa, rét mướt, bụi bặm… thân quen rồi, không nói nữa.
Bà là vợ liệt sỹ. Anh chồng mới cưới vợ được mười lăm ngày, có tên nhập ngũ. Chị lên thăm anh trước khi đi B chứ không được gặp anh ở nhà. Ba năm chờ đợi, Cẩm nhận giấy báo tử của chồng trong lúc chưa hiểu rõ thế nào là hương vị tình yêu. Mọi việc cứ như mơ, chỉ khổ đau là có thật.
Có đợt tuyển người ra làm công nhân mỏ. Cẩm xung phong. Chị được xã ưu tiên có tên đi ngay sau đó.
Lần đầu tiên sau mấy ngày học an toàn, chị bẽn lẽn theo xe gấu thùng lên mỏ. Khắp tầng, một màn sương vần vụ, từng lúc từng lúc cuồn cuộn dâng đầy chung quanh. Lại nhớ những ngày đông rét mướt ở làng, người ta đốt lá, đốt rạ rơm lấy khói xua sương muối. Màn sương dày quyến luyến, che chở cho rau. Ở đây, nó chả chở che ai chỉ gây thêm khó khăn và làm cho người lần đầu bất chợt nhìn thấy đều phải công nhận đẹp.
Đêm đêm, toàn thị xã ngập chìm trong bóng tối. Đã quá lâu rồi không còn ánh điện. Người ta vẫn âm thầm nấu ăn, tắm giặt, sinh hoạt và yêu thương nhau. Chị sống âm thầm như thế. Ánh sáng đôi lúc cũng le lói, tù mù trong đèn hoa kỳ nho nhỏ, xanh như hạt đỗ. Dầu ga doan lấy từ mỏ về đốt, màu đỏ quạch, khói um như cháy nhà. Tất cả giành cho sản xuất than.
Đất nước thống nhất, chị lấy người chồng thứ hai. Anh đi bộ đội, chuyển ngành về làm công nhân phân xưởng sửa chữa ô tô vận tải mỏ. Họ quen nhau rồi lên duyên chồng vợ là do sắp đặt của tổ chức. Cẩm được ở cùng chồng gần một tháng. Chiến trường vừa yên tiếng súng lại sục sôi. Bọn Pôn Pốt hung tợn gây ra nhiều đau khổ cho đồng bào. Chúng gây lên vụ thảm sát man rợ tại Ba Chúc - một xã thuộc vùng Bảy Núi (Tri Tôn. An Giang) - nơi mấy năm trước anh đóng quân. Chúng hung hãn bắn người tập thể, dùng dao búa đập đầu, cắt cổ người dân tay không tấc sắt. Bọn Pôn Pốt xé xác trẻ em, nắm hai chân quật đầu vào gốc cây, vách tường, bờ đất. Thằng quăng trẻ con lên không, thằng chĩa lưỡi lê đón xác rơi xuống. Chúng lột quần áo phụ nữ, hãm hiếp, xẻo vú, thọc cây tầm vông, cọc trâm bầu, cán búa, nhét mọi thứ… vào cửa mình. Vừa được hưởng hòa bình mấy tháng, anh xung phong lên đường tái ngũ, chống giặc xâm phạm biên giới Tây Nam.
Chị ở căn nhà chưa kịp ấm hơi chồng. Bao nhiêu lo lắng, trăn trở dồn nén. Mọi thứ đều thiếu thốn. người thiếu phụ phải đầu tắt mặt tối chắt bóp cho sinh hoạt của mình đỡ thiếu thốn và chờ chồng về. Ngày ngày đi làm hết giờ, Cẩm tất tả vào chợ. Thôi thì mắm muối, rau trăm lá, cá ngàn con (*), thịt bạc nhạc… nấu ăn cho qua vài ba ngày. Thời giờ còn lại, chị vỡ đất, đào núi, tải rộng ra. Chủ nhật, Cẩm theo người đi lấy lá mui về ủ, làm phân xanh, cải tạo đất. Mồ hôi thấm đẫm áo khăn. Ngày một ngày hai, Cẩm cũng có một mảnh vườn, một đàn gà và con chó. Nghĩa là một cơ ngơi không giàu có nhưng tươm tất, chờ anh.
Cẩm được chị em bầu vào Ban chấp hành công đoàn công trường phụ trách nữ công. Được đâu hai năm, chị nhận được tin chồng hy sinh trên mặt trận Tây Nam. Chị suy sụp hẳn. Trời đất tan tành, phố phường tan nát, nhà cửa tan hoang trong cuộc đời chị.
Chị không chết được thì phải sống. Người phụ trách nữ công trên công trường gần ba trăm công nhân có đến 65% là nữ, đã từng an ủi, động viên bao nhiêu gia đình có chồng có con hy sinh trên mọi miền đất nước. Giờ đến lượt chị, chị không thể gắng gượng trước nỗi mất mát lớn lao của chính mình.
Chị đã lặng lẽ sống, giấu mọi đau khổ vào tâm được vì bên cạnh chị còn bao nhiêu người khác, nâng đỡ, an ủi bằng vật chất và tình cảm. Bà Cầu - một công nhân già sắp về hưu bảo chị: - Con ạ! Phụ nữ là khổ lắm! Mẹ cũng khổ, khổ một cách khác, hơn con bây giờ! Bà còn khổ hơn mẹ. Ai cũng khổ cả nhưng không phải ai cũng giơ ra, ai cũng cắn răng… Tùy người tùy việc thôi, con. Ai cũng phải sống dù sống không dễ. Mẹ về hưu rồi, khi nào con buồn nản không có chỗ giãi bày, hãy vào chơi nhà mẹ!
Nói vậy nhưng khi về hưu rồi, bà lại thường xuyên đến nhà Cẩm hơn. Chị được xí nghiệp bầu vào ban thường vụ công đoàn phụ trách nữ công mỏ. Công việc bận bịu, không còn thời gian chăm sóc đến mảnh vườn nữa. Bà Cầu lại là người san sẻ những khó khăn, chia sẻ mọi bận rộn việc nhà cho Cẩm. Nhiều lúc bà còn mang chuyện người như đánh thức hay chỉ dẫn Cẩm:
- Người ta đánh nhau chảy máu, vỡ đầu rồi vẫn thân ái bắt tay nhau coi như chuyện đáng tiếc, chuyện đã qua. Tại sao, chúng ta giận nhau thì ôm hận cả đời cũng chưa hết. Thiếu lòng bao dung như thế, chúng ta là người gì?
Bà giới thiệu cho chị người yêu mới.
Anh làm đốc công tại phân xưởng cơ điện. Do công việc và ham muốn tiếp tục học hành, anh có phần sao nhãng việc gia đình. Ngoảng đi ngoảnh lại đã ba mươi ba tuổi. Chị mới hai tám. Cả hai chân son mình rồi. Tình yêu không như sét đánh nhưng cũng nhanh đâm hoa kết quả. Anh chị tính tổ chức xây dựng gia đình vào cuối năm.
Hai bên họ hàng vừa biết mặt nhau. Anh chị vừa quen hơi bén tiếng. Hai tháng sau, vừa qua tết, anh lên đường chống giặc phương Bắc trong lệnh Tổng động viên của Chủ tịch nước Tôn Đức Thắng. Kẻ thù này lâu dài, dai dẳng hơn. Chị khóc lóc đưa tiễn anh lên đường trong ngày mưa phùn bay lả tả.
Cũng chỉ nửa năm sau, người chồng thứ ba hi sinh trong buổi sáng ngăn chặn giặc. Chúng cậy đông, ồ ạt lấn sang tràn ngập vùng biên.
Chị ba đời chồng. Tính chi li mới ở được cùng nhau hơn hai tháng! Cả ba người chồng đều chết trẻ, hi sinh trong cuộc chiến tranh giữ nước lâu dài và anh dũng của dân tộc.
Chị như người đã chết. Như cái xác biết đi, chị làm việc, nghỉ ngơi, ăn uống theo thói quen, theo nếp cũ. Những người xung quanh, những người cùng làm việc, cấp trên cấp dưới đều thương yêu, giúp đỡ chị nhưng chị chỉ thẫn thờ cười cười, không nói năng câu gì. Chị tâm tư với bạn:
- Mắt em nhiều lúc như tối lại. Có một cánh chim rã rượi, một chiếc lá úa đậu vào rồi mù đặc. Một lúc sau mới thấy lại.
Chị còn làm ủy viên thường vụ công đoàn phụ trách nữ công mỏ hết khóa ấy. Đến khi chuẩn bị đại hội khóa mới, Cẩm xin lãnh đạo cho trở về lao động tại công trường. Ngoài ba mươi rồi, chị muốn sống thoải mái trong môi trường quen thuộc, không học hành, không quan tâm đến những gì cao xa, mơ mộng nữa. Một hai chục năm, chị mong làm trọn vẹn đến những năm cuối cùng trong cuộc đời công nhân rồi thanh thản nghỉ hưu.
Lãnh đạo hướng dẫn, bố trí cho chị tham gia những khóa học nghiệp vụ mới. Bao nhiêu lời qua tiếng lại, không thành. Ai cũng tiếc cho chị. Nhưng chị quyết rồi. Về với công trường, sống trong môi trường đoàn kết thực sự, đấu tranh thẳng băng, quyết liệt rồi thôi. Ai vào việc nấy, không để bụng, để dạ. Vất vả, khó khăn đấy nhưng thoải mái, xông xênh vô tư. Đã thấy nụ cười hiếm hoi trên gương mặt chị.
Chị sống vui, thực sự vất vả nhưng nhẹ nhõm như vậy được vài năm. Bước sang tuổi bốn mươi, sóng gió dữ dằn bắt đầu nổi lên trong cuộc đời chị. Lúc đầu còn nhóm nhém, sau bập bùng rồi lan rần rật.
Chị có thai.
Ngày ấy, mọi người hăng hái vận đông nhau tham gia phong trào rồi trở thành luật lệ ép buộc phải sinh đẻ có kế hoạch. Mỗi gia đình chỉ có một, hai con. Ai không tuân thủ, có con thứ ba, nhẹ thì cách chức, chuyển ra lao động hoặc buộc thôi việc. Cẩm không chồng mà chửa hoang. Chị được lãnh đạo tập thể gợi ý làm đơn, xin xóa tên, ra khỏi Đảng. Chán ngán, buồn nản vô chừng. Đẻ con xong, đi làm hơn nửa năm, chị được vận động cho nghỉ sớm theo chế độ 176. Bao nhiêu công sức phục vụ cho sự nghiệp làm than đi tong.
Bà Cầu ngày ấy đã già, lại sang nhà Cẩm. Cẩm không nhớ đó có phải là lần cuối cùng trước khi bà về với tổ tiên:
- Người lạ khi gặp khó khăn còn giúp được nhau. Thật đẹp! Người quen thân nhau mà gặp khó khăn còn đẩy nhau! Thật xấu! Vậy mà cuộc đời luôn tồn tại hai loại người ấy! Xấu xa lẫn tốt đẹp. Tử tế lẫn đểu giả. Con không sợ! Về. Không sao đâu, có người có ta, cứ vững tâm mà sống.
Chị về, con nhỏ nhà neo. Làm lụng khó ra tiền. Bà Cầu nhắc chị đưa thằng Chức sang nhà bà, bà dắng cho mà tìm việc. Chị đã từng bịt khăn, đeo túi vào mỏ lấy trộm than; đóng ghệt vào bắp chân, leo núi bẻ ỏng, chặt cây; đeo giỏ xuống bãi lầy bắt cáy còng rồi đi hôi đọn… Dặt dẹo vài năm, chị dọn được một chỗ ngồi vừa bán hàng vừa trông con ngay trong khu nhà mình. Đầu tiên bán rau củ rồi bán cả thuốc lá, thuốc lào, rượu, mì ăn liền, bánh trái… cho cửu vạn những ngày hoành hành nạn than thổ phỉ. Thằng Chức lớn lên bằng những đồng tiền mồ hôi nước mắt như thế. Nó mập mạp bất chấp vất vả của mẹ. Những dư luận đồn thổi cuộn lên rồi cũng nhạt dần. Nhiều người tỏ ra thông cảm, chia sẻ yêu thương. Có nó, người mẹ được an ủi nhiều. Sau này lớn lên, nó theo bạn bè về xuôi lên ngược buôn bán cũng xây được cơ ngơi dài rộng. Bà Cẩm bế cháu, đưa cháu đi học, đi chơi, thanh thản tuổi già.
Khi Chức lấy vợ, có con trai. Bà khuyên vợ chồng cứ thoải mái đẻ, bà trông cho. Chúng bàn nhau để bà vui, không để bà phải khổ thêm vì con cháu nữa. Được chục năm, bà thanh thản rời cõi tạm.
- Mẹ cháu có tiêu chuẩn vợ liệt sỹ nhưng cháu khuyên chuyển cho gia đình họ ở quê. Khổ đau cũng khổ đau rồi. Con sẽ làm ra tiền không để mẹ phải khổ thêm. Mẹ cháu cũng nhất trí.
Ngay với nhiều người chả mấy ai biết bà là vợ của ba người chồng đều là liệt sỹ.
16h 00. Ngày 19 tháng 06 năm 2022
(*) Rau trăm lá, cá ngàn con: Loại rau trăm lá mới đủ một mở, cá ngàn con mới đủ một cân. Ý nói rau lá nhỏ, cá bé…
VVM.15.7.2023