T ừ nhỏ, tôi đã bị bạn bè ghét bỏ. Vì tính tôi hung dữ, xấu xa quá chăng?
Không. Tôi rất hiền, đến yếu đuối nhu nhược. Người yếu đuối thì chẳng thể hung dữ với ai. Tôi cũng không xấu bụng, trái lại, tôi luôn quan tâm và sẵn sàng giúp đỡ bất cứ ai, hết khả năng mình.
Buồn thay, thiện chí của tôi bị đánh giá là “diễn sâu”, là “giả dối”, nặng nề hơn, là “mặt sấp mặt ngửa”.
Không thể thanh minh hay bào chữa, tôi chỉ biết lặng im, thu mình khép kín hơn, để bị gán thêm hai tiếng “kênh kiệu” và dĩ nhiên càng bị ghét bỏ, xa lánh.
Hiểu biết một chút, tôi tìm ra nguyên nhân từ đầu óc bọn trẻ con non nớt truyền nhau, khổ thay, đã ghi dấu ấn cay đắng cho tôi: dựa vào một bộ phim truyền hình nước ngoài, tôi được xếp vào loại con gái “ngậm thìa vàng” !
Oan biết bao! Cũng như tất cả mọi đứa bé sinh ra trên đời, nào tôi có được quyền chọn cha mẹ cho mình? Gia đình tôi mấy đời giàu sang và ba tôi là một doanh nhân thành đạt, là “lỗi” tôi gây ra à? Mỗi ngày tôi được chú tài xế công ty lái xe hơi đời mới đưa đón đi học là “tội không thể tha thứ” của tôi sao?
Dấu ấn tệ hại ấy đeo đuổi tôi đến trưởng thành.
Bởi thế khi Bảo tỏ tình, tôi đã rất hoài nghi. Giá nhà tôi nghèo hơn một chút hoặc giá tôi là một cô gái xinh đẹp thì khác: tôi chẳng chút băn khoăn mà sung sướng đón nhận hạnh phúc Bảo hứa hẹn đem đến cho tôi ngay.
Đằng này, tôi thẳng thắn tự nhận mình là cô gái kém nhan sắc. Dĩ nhiên các Thẩm Mỹ Viện tên tuổi đã giúp tôi thay đổi nhiều, nhưng phần nào thôi, vẫn… chưa như ý! Trong khi Bảo đẹp trai, lịch lãm, phong độ ngời ngời!
Vậy sao Bảo chọn tôi? Ông chồng nào chẳng hãnh diện khi cưới cô vợ xinh đẹp? Có toan tính gì giấu kín đằng sau lời tỏ tình của Bảo? Bảo yêu tôi vì con người tôi hay yêu… tài sản nhà tôi?
Câu hỏi ngày đêm lởn vởn trong đầu làm tôi đau khổ và mệt mỏi. Câu hỏi chỉ có Ông Trời và Bảo trả lời được!
Kế thừa một công ty xuất nhập khẩu tên tuổi từ thời ông cố tôi gầy dựng, ba tôi hiện đang là Tổng Giám đốc -với nhiều công ty con rải rác các tỉnh thành cả nước-, chỉ có tôi là con độc nhất. Dù mẹ tôi qua đời khi còn khá trẻ, ba tôi cũng chẳng nghĩ đến chuyện tục huyền. Khác với quan niệm của đa số đàn ông, ba tôi không quan trọng việc phải có con trai nối dõi.
“Con gái giỏi giang vẫn nối dõi được mà? Còn không thì chọn một đứa cháu…” Đôi lần tôi nghe ông cười xòa, trả lời vài người bạn như thế. Tôi không hiểu có phải việc điều hành Tổng Công ty nặng nề trở thành áp lực quá lớn khiến ba tôi mệt mỏi đến suy cạn tình cảm riêng tư chăng?
Còn về phần Bảo: Gia đình ngoài Quảng khó khăn, anh một mình vào Sài Gòn tự lập từ lâu, vừa làm vừa học.
Thời gian đến thực tập tại công ty ba tôi, Bảo nổi bật như một hiện tượng. Ba tôi đặc biệt quý mến anh sinh viên nghèo giỏi giang hiếu học này. Trong bữa cơm tối, ông thường kể cho tôi nghe, khen Bảo cả về đạo đức lẫn tư duy nhạy bén, khôn ngoan trong xử lý công việc.
Ba tôi vẫn tự hào có mắt tinh đời, đánh giá nhân viên ngàn người chưa hề sai một. Ông nhìn thấy Bảo là mẫu người kế thừa Tổng công ty mà từ lâu ông vẫn lo lắng kiếm tìm. Tôi xiêu lòng phần lớn cũng từ những nhận xét này của ba tôi, người tôi rất mực tin tưởng.
Công bằng mà nói, sau ngày cưới, Bảo luôn tỏ ra yêu thương tôi, chưa làm gì cho tôi buồn lòng hay phải nghi kỵ cả. Tuy vậy, bình luận của vài nhân viên công ty -dù vô tình, dù cố ý- lọt tai tôi, như gai nhọn nhoi nhói tận tim. Trong hạnh phúc, tôi vẫn ngay ngáy lo một bất hạnh chực chờ.
Có phải ảnh hưởng lo sợ ấy nên chung sống hơn ba năm mà tôi vẫn không có thai?
Biết Bảo khao khát con nên sự trễ tràng là áp lực làm tôi bất an. Tôi cảm thấy mình “có tội”, không chỉ với Bảo mà với cả gia đình nhà chồng nữa. Nếu tôi không thể sinh con -nhất là một đứa con trai- liệu rồi tôi còn níu giữ Bảo được bao lâu? Hay chồng tôi dễ dàng vin vào lý do này mà đi tìm người phụ nữ khác? Tiền bạc bây giờ đã không còn là bận tâm hàng đầu của anh nữa rồi.
-Chị Thu, em có chuyện rất quan trọng cần nói ngay với chị…
Mặt Trâm -em họ tôi- đầy nghiêm trọng, cách nhấn nhá câu chữ còn ra vẻ nghiêm trọng hơn, làm tôi linh cảm sắp nhận một tin chẳng lành. Tôi hồi hộp quá, vừa muốn hỏi dồn tới lại vừa muốn Trâm khoan nói vội cho tôi chút thời gian kịp… hoàn hồn.
Biết nhà lúc này chỉ có mình tôi, Trâm vẫn đảo mắt quanh suốt lượt, rồi hạ giọng gần như thì thào:
-Anh Bảo có… “Tiểu Tam”! Chị biết không?
Trâm nói điều tôi lo lắng từ lâu, đâu có gì mới lạ, sao tôi vẫn choáng váng chẳng khác vừa bị ai giáng một gậy vào đầu? “Tiểu Tam”, “Tuesday” hay “Trà Xanh” là những danh từ gần đây trên mạng xã hội dùng chỉ “kẻ thứ ba” chen vào đời sống vợ chồng người khác.
Tự nhiên tôi khó thở, không nói ra lời. Tôi đưa cả hai tay ôm ngực như giữ cho trái tim yếu ớt khỏi nứt toác ra, tóe máu.
Hẳn nhìn tôi thất thần nên ánh mắt Trâm đầy thương hại:
-Chị Thu, chị hãy bình tĩnh… Phải tỉnh táo mới giải quyết được tai họa này…
Bình tĩnh? Thì tôi đang cố bình tĩnh đây! Giải quyết? Tôi biết giải quyết thế nào? Trong từng vấn đề nhỏ nhặt, tôi đã luôn yếu đuối, nhu nhược, huống chi chuyện động trời này sao tôi đương đầu nổi?
-Chị đừng lo… Em sẽ giúp chị…
Giọng Trâm hậm hực, đầy tức tối:
-Không ngờ anh Bảo vô ơn thế, có tiền tài sự nghiệp như ngày nay đều nhờ cả nhà vợ. Vậy mà… quẹt mỏ như gà!
Lời Trâm khiến tôi tủi thân, nước mắt rưng rưng.
Cả buổi chiều đó, tôi chỉ lặng lẽ khóc và nghe Trâm kể những gì “mắt thấy tai nghe”: Tai Trâm nghe tiếng trẻ khóc, mắt Trâm nhìn thấy Bảo tay xách mấy hộp sữa bột đi vào căn nhà trước hiên có căng sợi dây phơi đầy khăn áo trẻ con. Căn nhà đó nằm sâu trong một hẻm nhỏ khá kín đáo và kề cận nhà người bạn hôm nay Trâm đến thăm.
Thế này thì ra Bảo có “Tiểu Tam” ít nhất cũng từ năm ngoái, nên giờ họ đã có con với nhau, “một bé trai mới sinh vài tháng” như người bạn cho Trâm biết.
Ngay đôi mắt tinh đời của ba tôi cũng chẳng nhận ra: không chỉ giỏi kinh doanh mà Bảo còn xuất sắc về khả năng đóng kịch nữa, nên không lộ chút sơ hở nào cho hai cha con tôi nghi ngờ cả. Nếu hôm nay Trâm không tình cờ đến chơi với bạn, làm sao bắt gặp sự thật đắng lòng này?
Các chị em nào đã rơi vào hoàn cảnh như tôi, khi biết chồng có Tiểu Tam, các chị đã xử lý thế nào? Chứ tôi mụ mị, hoang hoang đường đường, không biết làm gì ngoài khóc nghẹn. Đau đớn, uất ức, bẽ bàng…
Mặc Trâm đưa ra nhiều tư vấn, tôi chỉ lặng thinh. Trâm làm tôi càng phân vân khó nghĩ hơn. Sao không cho tôi thêm chút thời gian để tỉnh táo nhận định vấn đề?
Trâm giục tôi cần kể ngay cho ba tôi biết, để ông rút mọi quyền lợi ban phát cho Bảo. Bảo hoàn toàn không xứng đáng lòng tin tưởng và quý mến của ông. Nhưng tôi không muốn ba tôi thất vọng sinh đau buồn. Thêm một người biết chuyện là thêm một sỉ nhục cho tôi mà thôi.
Trâm xúi tôi “bắt tận tay day tận mặt” cho Bảo hết chối cãi, tôi lại dùng dằng… không nỡ. Bảo có thể xấu hổ mà đi luôn, trong khi tôi vẫn muốn chừa “lối cũ chồng về”. Còn nghe Trâm hứa cùng tôi đi… đánh ghen, “rạch dao lam lên mặt nó”, tôi đã rùng mình rúm ró cả người, như thể chính tôi sắp bị Trâm rạch dao lam vào mặt!
Trâm kể “Tiểu Tam” còn rất trẻ, trẻ hơn Trâm nữa, sao tôi nỡ… xuống tay? Tôi lại nghĩ: hủy hoại dung nhan tình địch không những độc ác mà đôi khi “lợi bất cập hại”, biết đâu chồng thêm ghê sợ vợ rồi càng thương xót, cưu mang “nó” trọn đời, thay vì giữ lại chút nhan sắc cho “nó” dễ… tìm chồng khác!!!
Đưa hết ý kiến này tới ý kiến khác tôi vẫn không chấp nhận, Trâm phát bực, gắt lên:
-Vậy giờ chị muốn sao? Cứ khóc thôi thì thay đổi được gì?
-…
-Hay chị muốn hai tay dâng chồng cho người khác? Đừng quên họ đã có con rồi đấy, chị thì… chưa.
Cần gì Trâm nhắc, tôi cũng biết đó là điểm yếu nhất của mình. Giá tôi sớm có con, chưa chắc Bảo đến với Tiểu Tam. Giờ thì đứa bé là báu vật của Bảo mất rồi, là cầu nối, là sợi dây liên kết chặt chẽ tình cảm hai người họ, dù trong tội lỗi hay ngoài vòng luật định thế gian.
Ngẫm nghĩ hồi lâu, Trâm nói:
-Em còn một cách không cần làm to chuyện mà vẫn tách được họ...
Trời ơi, nếu trong đời tôi có một sai lầm ngu ngốc nhất thì đúng là lần này đây, khi cuối cùng tôi đã nghe theo Trâm.
Mà tâm trạng đang rối ren hỗn loạn thế này, tôi làm gì đủ khôn ngoan cân nhắc? Tôi chỉ còn thấy sự việc trước mi mắt chứ không nhìn xa trông rộng được hơn. Nên tôi không nhận ra hết sự tàn nhẫn trong kế hoạch “nhổ cỏ tận gốc” Trâm bày ra. Hẳn có “ma đưa lối, quỷ dẫn đường” chứ xưa nay tôi vốn hiền hòa lắm?
Tôi vẫn nghe bảo: trong mỗi “con người” thì một nửa là “người”, một nửa là “con” (thú). Cái nửa xấu xa trong tôi mang lốt thú gì để giờ phút này trồi lên, cho tôi hiện nguyên hình: cọp, beo, sư tử, rắn độc hay hồ ly?
Bên tai tôi, lời Trâm đều đều như ru ngủ: “Bạn em nhờ coi nhà để về quê vài ngày thăm mẹ ốm... Thế nào cũng có lúc “nó” phải đi ra ngoài… Một người Hoa đang tìm con nuôi...”
Chắc vì tôi khóc nhiều, quá mệt mỏi rồi nên loáng thoáng tai này nghe chưa trọn câu đã luồn tai kia, đi mất.
Thôi thì cứ mặc Trâm làm những gì Trâm cho là tốt nhất để cứu vãn hạnh phúc vợ chồng tôi. Giờ ngoài Trâm ra, tôi còn biết tin ai, nhờ ai?
Giấc ngủ muộn của tôi vừa bị cơn ác mộng ngắn phá vỡ.
Trong mơ, tôi thấy “khuôn mặt thật” của mình, rõ ràng như nhìn vào tấm gương soi.
Tôi biết chắc chính là tôi đó, dù không mang nét quen thuộc nào của tôi: Một cái đầu lớn nhiều sừng và cả bộ mặt cũng mọc sừng chi chít. Ở trán, ở mũi, ở tai, ở cằm… Sừng to sừng nhỏ chen chúc nhau, nhọn hoắt, bén ngót như mũi dao. Nhất là từ khung miệng rộng hoác nhe ra lổn nhổn mỗi cái răng đã biến thành một cái sừng sáng quắc. Một khi những sừng đó -dù chỉ một cái thôi- đã chĩa vào ai, chắc chắn kẻ ấy phải từ hấp hối đến… tử thương!
Có phải đây là hình ảnh phần “thú” trong tôi?
Kinh hoàng, tôi rú lên bật dậy, mồ hôi vã ướt tóc mai, tay chân run lẩy bẩy. Không hiểu ác mộng có báo trước điều gì sắp đến với tôi chăng, nhưng linh cảm sẽ vô cùng tệ hại!
Sau hôm Trâm tiết lộ bí mật của Bảo và cũng từ lời khuyên của Trâm, tôi cáo bệnh nằm riêng, tránh cả bữa ăn chung, nhiều lần vờ ngủ mê không nghe tiếng Bảo gọi để khỏi mở cửa. Trâm nói cần đề phòng Bảo phát hiện cử chỉ lạ nơi tôi sẽ sinh nghi rồi kịp chuyển mẹ con Tiểu Tam đến nơi khác.
Nhưng cần gì phải giả nữa, tôi bệnh thật rồi! Bỏ ăn mất ngủ, tâm trạng lúc nào cũng căng như dây đàn, tôi nằm rã rượi trong phòng cả ngày. Tôi từ chối không cho Bảo chở đi khám bệnh và ngay cả thuốc anh mua về, tôi cũng không uống. Làm gì có thuốc nào trị được bệnh tôi lúc này?
Điện thoại báo tín hiệu tin nhắn mới. Từ nơi nào đó, Trâm gửi về vài lời ngắn gọn: “Việc đã xong. Chúc mừng chị”.
Trâm nói lời chúc mừng tôi nhưng tôi có mừng đâu. Trái lại, tôi thấy nhói lòng, cảm giác áy náy đan xen sợ hãi. Có phải ác mộng vừa rồi phán xét tôi đồng lõa với Trâm? Có phải tôi chưa lần làm mẹ nên không thể đồng cảm để thấu hiểu lòng một người mẹ? Tôi run rẩy bấm tin nhắn hỏi Trâm đang ở đâu, Trâm trả lời: “Em đang về. Nhà kia đang chờ chuyến bay Cao Hùng cất cánh” (*).
Thế là mọi việc suôn sẻ, mau chóng đúng như Trâm sắp đặt. Vậy sao tôi vẫn bất an? Sự thật sẽ không bao giờ bị tiết lộ, tôi có gì mà lo lắng? Tôi biết Bảo sẽ không tránh khỏi đau khổ, nhưng thời gian là Vị Lương Y đại tài sẽ nhanh chóng chữa lành mọi thương tích cho Bảo, cho tôi, cho cả… Tiểu Tam.
Bảo đã đi làm về. Cũng tiếng gõ cửa phòng quen thuộc như mọi lần, và như mọi lần, tôi cũng vờ không nghe.
Hơn bao giờ hết, lúc này tôi đang bối rối -nếu không nói là hoảng loạn- chẳng dám mặt đối mặt với chồng. Quên bẵng Bảo chính là “tội đồ”, tôi lại thấy anh như quan tòa sắp đưa án phạt thích đáng cho tôi.
Lắng nghe tiếng chân Bảo xa dần rồi im bặt, tôi lại vùi mặt xuống gối, khóc thầm. Những ngày tháng sắp tới với tôi sẽ thế nào đây, tôi chưa hình dung được. Và do chưa hình dung được nên tôi mãi chìm đắm trong nặng nề u uất.
-Anh Bảo!... Anh Bảo… ơi!...
Tiếng gọi thất thanh cùng tiếng đập cửa bên ngoài dồn dập làm tôi giật mình bật dậy, mở cửa phòng nhìn ra. Từ trên lầu, Bảo cũng đã nghe, đang nhảy hai bậc thang một xuống, rất nhanh.
Cửa vừa hé, ai đó đang đứng chờ bên ngoài lăn ngay vào và nếu chồng tôi không nhanh tay đỡ kịp thì đã úp sấp mặt xuống đất rồi. Đó là một cô gái đầu tóc rối tung, đi chân đất, hình như đã ngất xỉu trong tay Bảo.
-Ngọc!... Ngọc!... Sao thế này, em?
Bảo đỡ cô gái nằm lên sofa, hốt hoảng lay gọi.
Còn tôi lúng túng như gà mắc tóc, luống cuống chẳng biết phải làm gì. Nhìn mặt người tên Ngọc này quen quen và có phải là Tiểu Tam đây không?
Một lát sau, Ngọc dần tỉnh lại. Tỉnh lại để vật vã khóc như mưa, khiến lòng tôi cũng rưng rưng theo.
Rũ rượi trong vòng tay Bảo, Ngọc chỉ nói được vài câu đứt quãng:
-Anh Bảo… Bé Bo… mất rồi… Em…
-Bé Bo… làm sao? Con đâu mà em một mình đến đây?
Nhìn hai người thắm thiết thế kia, tôi không chịu đựng nổi. Mà tôi cần gì phải chờ nghe Ngọc kể lể nữa? Tôi đã biết đây chính là Tiểu Tam của Bảo rồi, còn bé Bo là đứa bé vài tháng tuổi Trâm vừa đánh cắp trót lọt, chuyển cho một gia đình hiếm muộn nào đó.
Nhưng tôi quay lưng chưa kịp trở vào phòng mà tiếp tục nghiền ngẫm nỗi đau, thì Bảo đã gọi giật lại:
-Thu! Em cho anh xin lỗi… Chuyện khá lâu rồi mà anh chưa tiện nói thật với em…
“Ra giờ anh dám công khai nhìn nhận Tiểu Tam đấy! Dũng cảm thật!” Tôi tức tối nghĩ.
-Thu ạ, đây là Ngọc, con cậu mợ anh ngoài quê... Em còn nhớ không?
Bây giờ đến lượt tôi không đứng vững. Tôi thả rơi người xuống ghế, lặng câm như tượng đất, ngớ ngẩn nhìn hai người.
Mắt tôi vẫn thấy rõ Ngọc mềm oặt trong tay Bảo, như hết cả sinh khí. Tai tôi vẫn nghe tiếng chồng ngắn gọn kể một câu chuyện. Nhưng giờ sao tôi đâm ra ngờ nghệch thế? Ngây ngô, lơ đễnh như thể chuyện chẳng hề dính líu đến mình.
Thảo nào tôi thấy Ngọc quen quen. Ngày cưới, tôi đã chào hỏi từng người trong gia đình cậu của Bảo. Nhưng năm ấy Ngọc mới học lớp mười, ngây thơ lắm, không già dặn “gái một con” như hôm nay. Cũng vì quá ngây thơ mà “khôn 3 năm dại 1 giờ” với người đàn ông vợ con đùm đề từ lâu.
Ở quê Ngọc, “chửa hoang” vẫn là thành kiến nặng nề, khó được thông cảm. Nên chỉ có Bảo là người thân duy nhất, thành đạt, lại ở rất xa, cho Ngọc có thể tin cậy, bám víu tựa nương.
Bảo thú nhận rất mặc cảm với gia đình vợ, nên ngại ngùng mãi chưa dám cho tôi biết.
Anh nói thêm: quá thương yêu đứa bé nên Ngọc cương quyết giữ thai, bất chấp mọi hậu quả cho tương lai còn dài sau này. Thấu cảm tấm lòng người mẹ trẻ, Bảo đứng ra chăm lo cho Ngọc sinh nở an toàn.
Hình như Bảo còn nói nhiều nữa nhưng tai tôi ù đi, điếc đặc mất rồi. Mà lúc này tôi cần gì nghe thêm, chỉ cần... sám hối!
“Em sai rồi, Bảo ơi!” Tôi thầm kêu trong nỗi ân hận dày xéo. Nhưng ân hận thôi, ích gì?
“Tha thứ cho chị, Ngọc ơi!” Lời tha thứ có băng bó được trái tim đang tan nát của Ngọc?
Phải có hành động thiết thực cứu vãn kia! Tôi cần chặn đứng kịp thời việc Trâm đã làm, thật nhanh, kẻo muộn màng! Bằng mọi giá, phải tìm lại bé Bo trả cho Ngọc.
Tôi hối hả gọi điện cho Trâm, kiên nhẫn chờ đợi, nhưng liên tục chục cuộc gọi mà điện thoại Trâm không tín hiệu. Do máy cạn pin hay đang ngoài vùng phủ sóng?
Ruột gan cồn cào, tôi lo sốt vó: điều quan trọng hơn hết lúc này là chuyến bay đến Cao Hùng đã cất cánh hay chưa?
Tôi thầm van vái cầu mong nó… delay, không chỉ delay một hai giờ mà kéo dài luôn vài ngày càng tốt. Để tôi và Trâm còn cơ hội chuộc lại lỗi lầm. Để đứa bé vô tội không bị bứt khỏi cội nguồn một cách oan khiên…
Cùng với Bảo, tôi xiết vai Ngọc trong vòng ôm run rẩy.
Ước gì ngay bây giờ, tôi có thể dũng cảm nói được thành lời, với Ngọc, một câu thôi:
-Thương quá, “Tiểu Tam”!
(*) Cao Hùng là 1 trong 4 thành phố của Đài Loan có sân bay quốc tế.