Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         



ĐỨA BÉ BỊ THẤT LẠC



1 -

Gần như suốt đêm qua Phụng không ngủ được chút nào. Chị nằm trăn trở hết nghiêng bên trái, lại nghiêng bên phải, có lúc miệng lâm râm niệm Phật, cố dẹp hết những suy nghĩ lo âu, để lòng thanh tỉnh trôi vào giấc ngủ. Nhưng vẫn không được, chị hết suy nghĩ đến chuyện phỏng vấn vào ngày mai, lại nghĩ đến chuyện sẽ được đi Mỹ hay ở lại, chuyện nhà chuyện cửa, đủ trăm thứ. Điều khiến cho Phụng băn khoăn, ray rứt nhất là chuyện mấy đứa con, chị thầm nhũ giá như thằng Cu Minh còn sống, thì bây giờ nó cũng đã gần hai mươi tuổi rồi, nó có thể sẽ theo gia đình đi định cư ở Mỹ, cùng với chị và em nó. 

Mặc dù hôm đó, trong chuyến chạy loạn từ Pleiku về Quy nhơn, chị đành bỏ lại bên đường đứa con trai thân yêu mới lên ba, khi chị thấy nó không còn thở nữa, mặt mày xanh ngắt, trong khi chị phải ôm bé Thi mới được ba tháng trên tay, còn tay kia dắt bé Ngọc cũng vừa mới lên năm, trên vai còn phải mang theo mấy bọc lương khô, mấy hộp sữa và đồ đạc tinh tinh nữa, song khi hoàn hồn lại rồi, Phụng vẫn cứ luôn ân hận khóc thầm và nghĩ rằng có thể hôm đó cu Minh chưa hẳn đã chết.

Nỗi ân hận bắt đầu ám ảnh Phụng, từ sau khi về được Quy Nhơn chừng một tuầân, tình hình tạm lắng dịu, chị nhờ một người thân chở chị bằng xe gắn máy trở lại con đường cũ, với ý nghĩ tìm xác đứa con đem về chôn cất kẽo tội nghiệp.Đoạn đường không xa lắm, chỉ cách chân đèo Mang Giang vài ba cây số. Phụng, cố nhớ lại những sự việc xảy ra hôm đó. Khi đã qúa đuối sức, sau gần hai ngày mang con tìm về đồng bằng, sau những chặng nghỉ, lần này phía sau một tảng đá lớn ven đường chị bắt gặp một anh lính bị thương ở chân, đang ngồi tự băng bó cho mình. Phụng cũng dừng lại đặt con xuống trên chiếc pông sô của anh lính, thì cũng vừa phát hiện ra thằng cu Minh dường như đã tắt thở, mặt tái xanh. Chị vừa lay gọi con vừa khóc. Cùng lúc đó tiếng súng nổ dòn từ phía sau.

Anh lính gượng lết ra ngoài, rồi kéo chiếc pông-sô vào sát chân tảng đá, bảo chị :

- Chị ráng lo cho hai đứa kia đi, chạy thêm một đoạn nữa là xuống khỏi đèo . Tụi nó đuổi gần tới rồi đó, thằng bé này- anh đưa tay vào trước mũi đứa bé, lắc đầu- chị cứ để nó nằm đây, may ra tôi sẽ bồng về nhà thương với tôi.

- Ôi, tội nghiệp Minh ơi là Minh,..

Chị cúi xuống đặt tai lên ngực con trong lúc tiếng súng nổ liên hồi. Hoảng hốt chị bồng thằng bé út lên, nắm tay con bé lớn nghẹn ngào :

- Thôi, trăm sự nhờ anh lo giùm. Rồi lôi đứa bé vừa khóc vừa chạy men theo những bụi cây dọc ven đường

Về đến nơi an toàn, Phụng đựơc gởi vào ở nhờ với một gia đình vợ lính trong khu gia binh. Bao nhiêu công việc dồn dập lo ăn ở cho hai đứa con còn lại, cuốn hút chị vào đời sống, Phụng vẫn đau lòng nghĩ đến đứa con bị bỏ lại bên ven đường với người lính bị thương, nhưng không có cách nào khác để quay lại tìm xác con.

2-

Chiếc xe lên dốc chạy chầm chậm. Phụng nhận ra ngay tảng đá lớn hôm nọ. Xe chưa dừng hẵn chị đã nhảy vội xuống. Phía sau tảng đá chỉ còn dấu vết đám cỏ lá bị đè rạp xuống. Người bạn lái xe gắn máy cũng dựng xe gần đó. Cả hai người cố vạch những bụi cây lá chung quanh nhưng chẳng tìm thấy gì ngoài vài miếng giẻ dính máu của anh thương binh bỏ lại. Phụng ngồi bệt xuống đất ôm mặt khóc nức nở.

Để an ủi chị, anh bạn lái xe đoán :

- Có lẽ anh thương binh đã được một đơn vị nào đó cứu đem về bệnh viện rồi, và chắc họ cũng đem xác thằng nhỏ đi theo.

Trên đường trở về, Phụng cứ nghĩ đến lời đoán của anh bạn. Chị còn linh tính đoán thầm, có thể thằng bé còn sống. Ý nghĩ đó bám riết lấy chị, sau đó có mấy lần chị tìm đến bệnh viện Quy Nhơn để cố tìm gặp người lính bị thương chân hôm ấy. Nhưng trong lần chạy giặc hổn loạn đó có đến hàng trăm người vừa dân, vừa lính bị thương, nên không thể nào tìm được. Hơn nữa, Phụng không biết anh ta tên gì, đơn vị nào, mà thực ra chị cũng không thể nhớ mặt anh ta ra sao nữa. Giữa lúc hoảng hốt vì con chết, con sống trên tay, đạn nổ ầm ầm, Phụng không còn biết mình phải làm gì, thì câu nói của anh lính kia như một mệnh lệnh, giục chị chạy nhanh lên để cứu hai đứa con còn sống.

Trong suốt những ngày tháng đầy gian khổ đó, dường như Phụng không còn nhớ đến người chồng đang chiến đấu ngoài mặt trận nữa, mà chỉ lay hoay lo lắng cho mấy đứa con. Sau khi Buôn mê thuột bị quân Bắc Việt tràn ngập, tình hình ở Pleiku cũng xấu đi, và mọi người đều chuẩn bị trốn chạy về miền xuôi. Phụng cũng bắt chước mấy bà vợ lính khác lo gói ghém chút tư trang nhẹ., chờ theo xe nhà binh di chuyển xuống Quy Nhơn. Nhưng rồi mọi việc đã xẩy ra trong hổn loạn, không còn ai lo cho ai cả, mạnh ai nấy chạy, ai tìm được xe nào thì bám theo xe đó, cuối cùng không còn xe cộ nào nữa thì đành dắt nhau chạy bộ. May mắn mẹ con Phụng đã leo lên được một chiếc xe nhờ quen biết với anh tài xế.

Tưởng rằng thoát, không ngờ xe chạy mới được mấy tiếng đồng hồ, có lẽ mới hơn nửa đoạn đường thì bị chặn lại bởi đạn pháo kích. Bi kịch diển ra từ đó, thôi thì la liệt những người bị thương, bi chết, tiếng la thét, kêu gào lẫn trong tiếng súng tiếng đạn gầm rú. Nhờ mấy người lính giúp đỡ, mẹ con Phụng chạy lẩn vào trong khoảng rừng ven đường. Cứ thế mà chạy, mà bò, mà lết vượt lên phía trước. Trên vai Phụng chỉ còn chiếc xách tay nhỏ, sau lưng cõng thằng Cu Minh, tay bồng bé Thi, tay kia kéo bé Ngọc. Lòng thương con đã tạo thành một sức mạnh ghê gớm giúp Phụng tiến tới. Đôi giày vải của chồng tuy hơi lỏng nhưng lại là một vật dụng quý giá trong lúc này, làm cho chị yên tâm hơn khi mấy mẹ con lẫn theo đám người chạy loạn trong rừng.

Nghe ngóng nhiều người bàn bạc tình hình, nghĩ có lẽ cũng không yên, nên dù ở Quy Nhơn chưa được mươi ngày, Phụng lại nách hai đứa con lên xe đò về Saigòn nương nhờ nhà người chị con ông bác ruột ở Bình Triệu. Tin tức về Văn, chồng chị, một Trung úy pháo binh thuộc sư đoàn 22/BB vẫn mịt mù. Mãi cho đến sau ngày 30/4 anh mới tìm gặp được vợ con.

3-

Nằm bên vợ, Văn cũng cố dỗ giấc ngủ nhưng anh cũng không ngủ được. Anh nghĩ đến cái hẹn của Sở ngoại vụ cho gia đình anh phỏng vấn vào ngày mai, rồi lan man liên tưởng đến những người bạn tù hồi còn cải tạo ngoài Bắc.

Anh nhớ đến Hùng Dù, Hải móm, Thông sậy và nhất là Quý sún, những người bạn thân thiết đã nổi trôi qua bao nhiêu trại tù, rồi lần lượt bỏ xác nơi phương xa vì thiếu ăn, đói khát, nhọc nhằn. Giá như họ còn sống đến hôm nay chắc chắn rồi cũng sẽ gặp nhau trên đất Mỹ. Anh rưng rưng nghĩ đến bạn bè, đến những ngày xa xưa hồi còn là một người lính lang thang qua suốt mấy tỉnh cao nguyên và miền Trung yêu mến. Bao nhiêu kỷ niệm vui buồn của đời tù, đời lính xôn xao trong lòng anh không nguôi.

Biết vợ cũng không ngủ được, anh quay qua hỏi :

- Em lo lắng gì mà thở ra thở vào vậy ?

- Em nghĩ đến thằng cu Minh, có thể nó còn sống anh à.

- Thì hồi đó em kể là nó hết thở rồi kia mà.

- Anh cũng biết là mang ba đứa con chạy loạn như vậy, nhưng em đâu có biết trên trời dưới đất chi đâu, đúng là có Trời Phật dẩn dắt mẹ con em chạy, chớ em đâu còn hồn còn vía gì. Bồng nó đặt nằm xuống đất thấy nó không cục cựa nữa, em lay lay, gọi nó, đầu nó ngoẹo sang một bên, cái mặt nó lại xanh mét rồi, em để tai vào ngực mà không nghe tim nó đập nữa.

- Cũng có thể là nó còn sống, vì hồi đó súng đạn nổ ầm ầm, em mất hồn mất vía, còn lo chạy mệt quá thì còn đâu nghe đưọc chắc chắn là tim thằng nhỏ đã hết đập..Nhưng mà thôi em à, đã mười mấy năm rồi em nhắc lại chi cho thêm buồn. Số vợ chồng mình không nuôi đuợc nó, may ra nó còn sống thì người khác nuôi.

- Tội nghiệp cho nó, nếu không thì bây giờ nó cũng sẽ được đi Mỹ với gia đình mình.

Phụng ngồi dậy vào bếp uống nước. Chị nghe cổ họng khô rát như đã không được uống nước từ trưa đến giờ. Quay vào giừơng nằm, nghỉ một lát rồi Phụng bắt đầu kể cho chồng nghe.:

- Nói thực cho anh nghe, chớ mấy năm nay em vẫn còn nghĩ về thằng cu Minh, chắc là nó còn sống. Hồi em đi buôn theo tàu lửa năm tám ba tám tư gì đó, em có gặp một thằng nhỏ bán thuốc lá trên tàu cở tuổi thằng cu Minh mà giống in như anh vầy đó. Lần đầu gặp nó em sửng sốt, tưởng như là con mình, tự nhiên em có cảm tình với nó liền anh à. Em không hút thuốc nên em nhờ nó xuống tàu mua cho em xâu bánh ú, xong em hỏi nó bán thuốc mỗi ngày kiếm lời được bao nhiêu, nó nói được chừng vài ba chục, sẵn tiền lẻ em cho nó hai chục và nói để dành mua cái áo lành lặn một chút. Nó cảm ơn và vội leo xuống đất vì tàu chạy tiếp. Lần sau gặp nó, em cho tiền nó không lấy, em lại nhờ nó mua bánh rồi cho nó mấy cái bánh dầy, nó bảo để dành về cho mẹ. Hỏi ba mẹ nó làm gì, nó bảo cha bị bệnh chết rồi, nó chỉ còn me, mà mẹ cũng đau ốm luôn.

- Rồi em có biết quê nó ở đâu không?

- Để từ từ em kể tiếp cho anh nghe. Trong lần đi buôn ra miền Trung sau đó em có để riêng ra hai bọc kẹo ngoại, cây bút Pilot cũ của em hồi xưa, dự tính sẽ cho thằng bé để khuyến khích nó đi học, em cũng sẽ hỏi nhà mẹ nó ở đâu, để lần sau ghé ra thăm.. Nhưng lần ấy em không gặp thằng bé bán thuốc lá, và những chuyến buôn sau đó cũng không gặp lại nó một lần nào, hỏi mấy đứa nhỏ khác thì chúng bảo không biết. Vậy là biệt tăm luôn. Im lặng một chút, như cố hồi tưởng lại câu chuyện cũ, giọng Phụng lại ngậm ngùi :

- Nói thực với anh chớ, chỉ gặp nó có hai lần mà em có thể tin đó là thằng cu Minh, con trai của mình. Với linh tính của người mẹ nên khi nhìn thấy nó lần đầu là em mừng run lên, hồi hộp quá chừng. Chắc là vợ chồng mình với nó khắc tuổi nhau nên nó không sống với cha mẹ được. Tội nghiệp không biết bây giờ nó lưu lạc nơi đâu? Có được học hành gì không, hay lại phải vất vả với cái cuốc cái cày nơi đồng ruộng..

Có tiếng ú ớ mê ngủ từ phía giường thằng Thi, Phụng ngồi dậy bước sang kéo tấm chăn đắp lại cho nó..Thi bây giờ đã mười bảy tuổi nhưng ốm nhom, nó là đứa trẻ sinh thiếu tháng, lại gặp thời buổi khốn khó, bố đi học tập cải tạo ngoài Bắc, một mình Phụng phải lặn lội xoay xở buôn bán cóp nhóp từng đồng nuôi hai chị em nó, nên tuổi nhỏ của nó bị suy dinh dưởng quá lâu. Cho đến khi Văn được thả về, anh phải đạp xích lô phụ vào, đời sống mới no đủ dần lên. Thi đang học lớp Tám, còn Ngọc, chị nó cũng học xong lớp mười hai, xếp cái chứng chỉ tốt nghiệp vào ngăn bàn, lăn ra ngoài chợ buôn bán với mẹ.

4-

Buổi sáng cả nhà đều sửa soạn xong từ trước 5 giờ. Mấy người bà con bên ông bác của Phụng đem xe Honda đến chở lên Sở ngoại vụ. Nơi đây, đã có rất đông người đến nộp giấy để lấy số thứ tự sớm. Bạn bè quen biết tụ họp nhau quanh mấy gốc cây phía bên kia đường thăm hỏi rôm rả. Tuy vậy, trên khuôn mặt ai nấy đều có những nét lo âu, có lẽ mọi người đều nghĩ đến những giờ phút sắp tới đây khi vào gặp Phái đoàn phỏng vấn, với những bất ngờ không lường được, bởi dư âm của không ít người bị đánh rớt, trong mấy đợt phỏng vấn tháng trước.

Cuối cùng rồi mọi việc cũng suôn sẻ, gia đình Văn Phụng được chấp thuận cho đi định cư, thẻ IOM được cấp phát và giấy hẹn khám sức khoẻ cũng được trao cho từng người. Qua được cửa ải này rồi thì chỉ mấy tháng sau là lên đường.

Khi mọi vấn đề cần thiết liên hệ đến việc xuất cảnh đã tạm thời ổn định, chỉ còn chờ ngày đăng ký chuyến bay, vợ chồng Văn dắt nhau đi Quy Nhơn.

Chuyến đi với danh nghĩa tìm thăm lại một số bà con xa bên ngoại cuả anh, cùng một sốù bạn bè ở nơi một thành phố mà vợ chồng anh đã sinh hoạt ở đó hơn bốn năm. Và cũng còn một lý do thầm kín khác nữa, là nhân tiện dò hỏi tin tức về thằng bé bán thuốc lá năm xưa, mà Phụng đã bị ám ảnh, nghi ngờ nó chính là đứa con ruột của chị. Lúc đầu, nghe Phụng kể chuyện, Văn cứ cười thầm trong bụng, cho đó là một chuyện khôi hài, nhưng không dám nói ra, sợ làm Phụng buồn lòng. Nhưng sau mấy lần nhìn chị kể chuyện về thằng bé, Văn cũng đâm ra hoài nghi : biết đâu nó là con mình. Tưởng tượng lại chuyến chạy loạn của chị, Văn không khỏi rùng mình, rồi tự thầm cám ơn Bề Trên đã xui khiến cho chị đã đi vào con đường chết, mà cuối cùng mẹ con lại an toàn, trong khi số đông người từ Pleiku chạy về qua ngả Phú Bổn, Cheo Reo bị chết, bị thương không kể xiết.

Văn nghĩ, đã chạy giặc giữa bom đạn tơi bời mà một thân đàn bà, vừa bồng, vừa cõng, vừa dắt ba đứa con dưới năm tuổi vượt hàng trăm cây số, thì Phụng đúng là bà mẹ phi thường dưới sự chở che của Trời Phật. Đã thế, theo lời kể lại của Phụng lúc bỏ bớt lại đứa con mà chị nghĩ là nó đã chết, thì chắc gì chị đã nghĩ đúng, vì dù có bất cứ một người nào lâm vào hoàn cảnh như thế, cũng không còn đủ bình tỉnh để biết mình phải hành động như thế nào. Vì cái gánh trách nhiệm quá nặng, giữa một hoàn cảnh cực kỳ bi thảm, nên khi gặp được người lính bị thương, Phụng bỗng dưng như có được thêm một điểm tựa, một hy vọng. Bởi vậy, khi nghe người lính bảo để thằng bé lại với anh, lo đưa hai đứa nhỏ thoát thân, thì Phụng vâng lời một cách ngoan ngoản.

Nhiều đêm nghĩ đến con, Văn cố hình dung trong đầu mình về cuốn phim chạy loạn của vợ con anh, và cuối cùng anh kết luận điều mà Phụng nghi ngờ rất có lý, có thể hôm đó thằng bé bị kẹp mang sau lưng lâu quá, nên nó ngất đi chứ chưa hẳn đã chết, và sau đó có thể được ai đó cứu đem về bệnh viện cùng người lính bị thương.


Vợ chồng Văn gởi hai đứa con cho bà Dì của chúng, dự trù đi về Trung khoảng ba bốn ngày. Chuyến tàu lửa chạy cà rịch cà tang, nên cũng quá nửa đêm mới tới ga Diêu Trì. Nhờ có báo tin trước nên vợ chồng Hùng đưa xe gắn máy đến đón về Quy Nhơn. Bạn bè lâu lắm mới gặp nhau, bà với bà, ông với ông nằm nói chuyện trong bóng tối, cho đến gần sáng mới chợp mắt ngủ. Nhìn bề ngoài sau mưòi mấy năm thành phố Quy Nhơn trông có vẻ khác lạ, nhưng phía sau nó những giẩy nhà với nhũng mái tôn cũ vàng màu sét rỉ, phô lên những nét già nua, nghèo nàn quá đỗi. Hùng đưa Văn đi thăm những người bạn cũ, Văn nghĩ cuộc sôùng của phần lớn bạn bè của anh ngày xưa cũng chẳng hơn gì mình, mọi người đều tất bật với những công việc nặng nhọc, nên chẳng còn mấy ai nhớ đến những ngày tháng cũ. Dường như ai nấy đều muốn quên đi chuyện ngày xưa, bởi bạn bè đã lưu lạc về các vùng kinh tế mới, hoặc bỏ xứ đi làm ăn ở xa. Buổi chiều, Hùng mượn thêm một chiếc xe gắn máy, họ cùng nhau về Tuy Phước cho Văn Phụng ghé thăm mấy bà Dì, ông Cậu xa cách đã lâu.

Trong câu chuyện thăm hỏi, vợ chồng Văn kể lại câu chuyện đã bỏ lại đứa con trong khi chạy loạn, cùng với niềm tin lạ lùng của Phụng về thằng bé bán thuốc lá trên tàu lửa năm xưa. Dì Lâm hỏi Phụng :

- Sao hồi đó cháu không hỏi thử thằng nhỏ con ai, ở đâu?

- Thì cháu cũng định tìm hiểu như thế, nhưng đâu có thì giờ. Tàu đậu lại ga đâu chừng nửa tiếng, mà đâu có phải lúc nào cũng thấy hay gặp nó. Khi thì nó leo lên toa này, lúc nó lên toa kia rao bán cháu có biết nó ở nơi đâu.

- Cháu đã nghi ngờ vậy sao lần sau không tìm?

- Không hiểu sao lạ vậy chớ, từ khi vô tình nhìn thấy nó, chú ý đến nó rồi chỉ gặp nó có hai lần, rồi vắng biệt luôn. Đã có mấy lần tàu dừng ở Diêu Trì là cháu đi dọc từ toa này sang toa khác để tìm thằng nhỏ, nhưng chẳng gặp được.

- À mà thôi, để dì bảo mấy đứa nhỏ chạy xe vô Diêu Trì kêu con Út ra đây chơi luôn tiện hỏi thăm, may ra nó có còn nhớ không. Con Út của dì có cửa tiệm bán tạp hoá gần ga, bọn trẻ bán thuốc lẻ trên tàu ở ga này đều lấy thuốc của nó.

Buổi tối, khi cả nhà đang ăn cơm thì cô Út về tới. Phụng cũng nghe nôn nao trong lòng nên ăn vội cho hết chén cơm rồi ra bàn uống nước nói chuyện với cô Út. Hai chị em tuy không biết nhau trước, nhưng bây giờ thì câu chuyện cũng ấm áp, tự nhiên. Cô Út cũng hiểu mục đích của cuộc gặp gỡ này, cô nhìn Văn một lúc rồi bỗng dưng à lên một tiếng :

- Em nhớ mang máng có thằng nhỏ có lẽ nó giống anh.., nhưng lâu lắm rồi có đến bảy tám năm em không còn gặp nó nữa. Hồi đó hình như nó chỉ đi bán thuốc lá đâu có mấy tháng thôi. Em còn nhớ như vầy được, là vì nó là thằng nhỏ rất hiền, dễ thương, lúc nào thực thà, mua bán rất sòng phẳng. Tội nghiệp chẳng biết bây giờ nó ở đâu.

- Em còn nhớ nó tên là gì không?

- Lượm, cái tên cũng đặc biệt đó chớ, ở quê mình ít ai đặt tên con như vậy. Hồi đó nó nói cái tên, em tức cười nói với nó rằng, chắc mẹ mày lượm được mày ở đâu ngoài đuờng đem về nuôi phải không, nó cũng cười. Câu chuyện đến đó là mất dấu vết, mặc dầu cái tên Lượm vừa nghe, như một tia chớp rọi sáng lên, đập nhói vào tim Văn và Phụng.

Sáng hôm sau, vợ chồng Văn rời bỏ vùng đất mang nhiều kỷ niệm buồn đó, đón xe đò về sớm. Hơn mười giờ đêm mới tới Bình Triệu, vừa vào đến con hẻm đã thấy không khí chung quanh có gì khác lạ. Hai người vội bước nhanh lên, chợt thấy trước căn nhà mình có đông người đang tụ tập bàn tán ồn ào.Ngay giữa cửa ra vào, một chiếc giường nhỏ nằm choán ở đó, trên giường hình như có người nằm dài, được phủ kín bằng tấm chiếu hoa. Linh tính báo có điềm chẳng lành, Phụng hét lên một tiếng, nhào tới bên giường mở chiếc chiếu ra rồi gào to “Trờì ơi là Trời”. Và chị gục đầu xuống trên cái xác lạnh ngắt của Thi, đứa con trai út của chị.

Tiếng khóc bật lên thê thảm, nghẹn ngào. Văn cũng ngồi xuống ôm đôi chân đứa con đã chết. Trong lúc cha mẹ Thi về miền quê với hy vọng tìm tung tích thằng Minh, anh nó thất lạc đã lâu, thì ở nhà Thi theo mấy đứa bạn ra sông tắm, trượt chân chết đuối. Thật trớ trêu..

Máy bay chở số người đi định cư , đáp xuống phi trường Bangkok. Mọi người phải tạm dừng lại đây mấy ngày, chờ đợi chuyến bay trực chỉ sang Mỹ. Trong giãy nhà lầu ba tầng đã có rất đông người đến trước, khung cảnh phía trong hàng rào thật ồn ào, náo nhiệt.Vợ chồng Văn cùng đứa con gái duy nhất còn lại, lặng lẽ theo đoàn người qua cổng. Khác với những người ra đi vui vẻ như chim sổ lồng, gia đình Văn rời bỏ đất nước quê hương trong nỗi đau xót vì đứa con trai út vừa chôn cất, cỏ chưa kịp xanh. Nỗi vui ra đi chưa trọn vẹn, thì sự bất hạnh ập đến vật ngã Phụng suốt một tháng dài, cho đến ngày lên máy bayVăn cứ lo vợ mình không đi nổi.

Vào đến bên trong rồi mọi người đều được cho biết, hãy tự thu xếp chỗ ở tạm của mình.Văn nhìn quanh thấy nơi nào cũng đầy người. Những tấm vải, tấm drap hay mền được trải ra trên nền nhà thành từng khoảnh cho mỗi gia đình, có nơi tràn lấn ra cả lối đi. Anh bảo vợ con ngồi nghỉ tạm ở một góc hiên, rồi tìm thang gác lên lầu hai, hy vọng tìm được một chỗ thoáng đãng hơn cho mình. Vừa bước lên tầng trên, anh bỗng nghe có tiếng gọi :

- Văn phải không?

- Văn đây. Vừa đáp anh vừa nhìn về phía người mới hỏi anh.

- Phong đây Văn ơi. Cậu mới đến chiều nay phải không, gia đình mấy người, nếu chừng ba bốn người thì đưa lên đây nằm chung với vợ con tớ cho vui.

- Vậy thì hay quá, mình chỉ có ba bà con thôi. Để mình trở xuống dưới đưa bà xã mình lên nhe. Ổn định cái đã, rồi sẽ nói chuyện nhiều.

Phong với Văn trước kia cùng học chung một khoá pháo binh, ra trường Văn về sư đoàn 22, còn Phong phải lặn lội một thời gian với nhiệm vụ tiền sát diện địa, sau đó mởi thuyên chuyển về quân đoàn 2,. Nhà ba mẹ Phong ở Quy Nhơn, đơn vị Văn cũng thường hoạt động ở vùng đó, nên hai người thỉnh thoảng lại gặp nhau trong cái thành phố bé nhỏ này. Cho đến sau tháng 4/75 thì cả hai đều không còn biết tin tức bạn mình ở phương nào, mãi đến bây giờ mới bất ngờ hội ngộ trên đất Thái.

Sau những câu chuyện riêng của cảnh ngộ từng người qua cuộc đổi đời, bỗng dưng như giật mình, Phong hỏi bạn :

- Hồi chạy loạn cậu có đánh mất tấm thẻ bài không ?

Câu hỏi bất ngờ trượt hẵn ra ngoài câu chuyện làm Văn sửng sốt :

- Sao? Thẻ bài nào? Thẻ bài của tớ hả?

- Ừ, thì tớ hỏi là cậu có còn nhớ là hồi đó cậu có đánh rơi tấm thẻ bài của chính cậu ở đâu không?

Cạnh đó, Phụng bật ngồi dậy :

- Tấm thẻ bài của anh Văn?

Cả ba người kia, Văn, Phong và vợ Phong cũng ngồi lên, ngạc nhiên nhìn Phụng, Văn hỏi :

- Em còn nhớ tấm thẻ bài của anh?

Phụng nấc lên một tiếng, rồi ôm mặt sụt sùi khóc. Một lát, gịọng nàng nghẹn ngào :

- Đúng rồi, em nhớ rồi. Hôm trước ngày chạy loạn ở Pleiku em soạn đồ đạc để chuẩn bị ra đi, em có thấy tấm thẻ bài của anh với cả cái dây đeo bằng inox sáng trưng..Thằng cu Minh lấy ra chơi, em lấy cất vào xách nhưng nó khóc, không chịu, dỗ dành gì cũng không nín nên em phải lấy đeo vào cổ cho nó… Sau đó sợ nó làm mất của anh, nên em dỗ nó, bỏ chiếc thẻ vào túi áo sơ mi nhỏ xíu của nó, rồi dùng kim băng ghim lại. Rồi lật bật đủ thứ chuyện, nên em cũng quên luôn, bây giờ nghe nhắc mới sực nhớ.

- Thì ra là vậy. Thằng nhỏ đó là cu Minh, con trai của hai bạn. Văn chộp lấy tay

Phong hỏi dồn : "bạn có gặp thằng cu Minh ?"

Phong trầm ngâm một chút, như cố hồi tưởng một điều gì đó rồi thở dài :

- Tính ra thì câu chuyện đã xẩy ra cách đây đã hơn mười bảy năm. Hồi đó vào lúc gia đình binh sĩ và một số đồng bào từ Pleiku chạy giặc về xuôi, phần lớn theo quân đội về từ ngả Phú bổn, nhưng cũng có một số chạy về ngỏ đèo Mang Giang. Ban đầu thì VC định phục kích ngả này, nhưng sau đó thấy bên ta đổi hướng nên họ cũng chuyển quân về phía đó, nên bên này đồng bào thoát được nhiều. Lần đó tớ vì bị thương trong một trận pháo kích nên phải nằm điều trị tại bện viện Tuy Phước, tình cờ trong số những binh sĩ bị thương được đưa vào đây có một anh trung-sĩ bồng theo một đứa bé trai, anh ta bảo là đã cứu được nó trên đường đi. Lúc đó tớ cũng đã khá rồi, nên nhường cái giường nằm lại cho anh ta. Thấy thằng bé nằm mê man trên giường, tớ vội vàng đi kiếm bác sĩ thì vừa may gặp lão Tùng y sĩ trưởng vừa tới…

Kể đến đây, Ngọc – con gái Văn – cùng ba đứa con của Phong cũng ngồi dậy vây quanh, lắng nghe.

- Chắc cậu còn nhớ lão Tùng chứ, lão ta cũng nhiệt tình lắm. Trông thấy thằng nhỏ, lão ta đeo ống nghe vào tai rồi khám liền, lão nói thằng bé bị kích ngất có lẽ vì bị ngộp, nên nhịp tim yếu lắm, phải đưa vào phòng cấp cứu. Rồi lão ta bồng thằng bé đi, tớ cũng đi theo. Sáng hôm sau tớ ghé vào thăm thấy nó đã tỉnh, và khóc kêu mẹ…

Phụng bỗng đưa tay tay chụp lấy vai Văn, kêu lên :

- Đúng là thằng Minh còn sống rồi anh ơi.

Văn cũng nghe lòng dâng lên niềm xúc động, linh tính người mẹ đã khiến cho Phụng nuôi mãi trong lòng niềm thương nhớ, và tin tưởng đứa con trai của mình vẫn còn sống sót trong cái ngày kinh hoàng đó. Im lặng một chút cho câu chuyện bớt nóng đi, giọng Phong lại trầm trầm :

- Khi thay chiếc áo lấm láp có dính vài vệt máu của thằng bé, cô y tá phát hiện ra tấm thẻ bài găm trong túi áo, và cái dây đeo trên cổ của nó, cô ta đưa cho lão Tùng, lão ta cầm lấy xem rồi đi tìm tớ, bảo tớ rằng ; cậu xem đây này, sao lại có tên Văn, Võ trung Văn ở đây chớ? Không lẽ thằng bé này là con của trung úy Văn pháo binh? Tớ cầm tấm thẻ đọc đi đọc lại, không sai chạy vào đâu hết, cả tên và số quân của cậu, chớ còn ai vô đây nữa. Tớ với lão Tùng đến giường nằm của anh trung sĩ bị thương chân, hỏi xem đầu đuôi câu chuyện. Anh ta nói “ khi anh ta bị thương lết vào nấp sau một hòn đá lớn, anh ta gặp một bà vợ lính vừa cõng, vừa bồng ,vừa dắt ba đứa con còn nhỏ xíu chạy tới đó, chắc cũng kiệt sức nên quỵ xuống. Thằng nhỏ này được cõng trên lưng nhưng hình như đã mềm èo, ngất ngư trông như đã tắt thở.

Bà ta cuống cuồng, lay hoay bồng đứa lớn hơn lên, đặt đứa nhỏ xuống, rồi sụt sịt khóc vừa kêu con ơi con à, trong khi ấy thì súng nổ lung tung, tôi mới bảo bà để thằng bé lại tôi trông chừng cho, lo cứu hai đứa kia đi, bà ta bồng đứa nhỏ chừng mới có vài ba tháng lên tay , tay kia dắt con bé vừa chạy vừa quay ngó lại. Tôi ngồi dựa lưng vào hòn đá, bồng thằng bé nghe còn âm ấm, nên ôm nó trên bụng, quên hết chuyện súng đạn bên lưng. Cho đến khi được mấy anh bên địa phương quân đến cứu nên tôi mang nó theo luôn về đây.”Tớ và lão bác sĩ Tùng đều nghĩ rằng người đàn bà đó chắc chắn là vợ cậu. Phụng vội chen vào :

- Đúng người vợ lính đó là em. Thật ra em cũng không nhớ nỗi bằng cách nào mà em có thể tha ba đứa con chạy bộ hai ngày mà về đến đó được.

- Phải nói rằng, chỉ có những bà mẹ với tình mẫu tử bao la, mới làm được những việc như thế, chứ nếu là cánh đàn ông chúng tôi, cùng một lúc mang cả ba đứa con còn quá bé vậy, chắc không đứa nào kham nổi.

Ngừng một chút sau câu nhận xét, Phong trầm giọng như thì thầm :

- Lão Tùng bàn với tớ là nên đem đứa nhỏ về nhà mình nuôi tạm, rồi sẽ tìm cách liên lạc với gia đình cậu, nhưng khi đưa ra cái ý kiến đó, thì anh chàng trung sĩ kia nhất định không chịu. Hắn ta bảo chị ấy gởi thằng nhỏ cho tôi, thì để tôi nuôi nấng nó, chừng nào chị ấy tìm lại thì tôi trả cho chị ta, hơn nữa vợ chồng tôi lấy nhau ba bốn năm rồi mà chưa có con, vợ tôi bã buồn lắm, đem thằng này về chắc bã mừng, vì có tiếng khóc vui cửa vui nhà.

Thấy Văn bần thần ngồi yên, lòng Phong cũng hơi áy náy thầm nghĩ, có thể Văn không nói ra, nhưng chắc là trách mình với Tùng sao không lo cho con cái của bạn, nên lại nói tiếp :

- Sau đó chừng tuần lễ, anh chàng trung sĩ kia được xuất viện, thằng bé cũng khá rồi, nên tớ lấy xe đưa chàng ta về nhà nhân tiện biết nhà hắn luôn, để sau này có thể liên lạc cho cậu biết. Nhà hắn ở phía ngoài thị trấn Bình định chừng vài cây số, nên lão Tùng với tớ đến thăm mấy lần, đem cho nó mấy bộ quần áo và cả chục hộp sữa ông thọ. Lúc này thì bọn tớ có thể tin chắc đứa nhỏ này là con trai của cậu, vì nó tuy còn bé nhưng giống cậu như đúc.

Không hẹn, mà cả vợ chồng Văn cùng buông một tiếng thở dài.

- Rồi thì sau đó như cậu đã biết, tháng ba mất miền Trung, tháng tư mất Sài gòn và anh em chúng ta mỗi đứa một phương có biết nhau ở đâu. Mình cùng đi tù ngoài Bắc với nhau chín mười năm mà cũng chẳng gặp được. Cho đến năm tám lăm tám sáu gì đó, nhân có lần đến Bình định, tớ mới sực nhớ đến thằng nhỏ con của cậu nên tìm đến nhà thăm. Căn nhà đã đổi chủ và họ cho biết cách đây hơn năm, anh trung sĩ ngày trước bệnh chết, nên vợ anh bán căn nhà này, dắt đứa con trai vào miền Nam, nghe đâu vùng Sađec, Bặc liêu gì đó…

Lại một màn sương mù nữa phủ xuống, che mờ dấu vết hiện tại của cu Minh, mà bây giờ thì nó không còn là một thằng cu nữa, mà chắc là một thanh niên cao lớn, đẹp trai “giống Văn như đúc”, Phụng nhớ lại câu nhận xét cuả Phong lúc kể chuyện. Chị ao ước giá như được nhìn thấy nó, hoặc hình nó, hoặc một ai đó tin cho chị biết nó đang sống bình yên tại một nơi nào đó, chị sẽ yên tâm hơn nhiều.

Bữa ăn tối được dọn chung cho hai gia đình ngồi ăn với nhau.Câu chuyện hồi chiều còn ám ảnh mọi người. Thấy vợ chồng Văn không được vui, vợ Phong an ủi :

- Anh chị đừng nghĩ ngợi làm gì, đáng lẽ phải vui lên đó nhe, vì bây giờ thì anh chị có thể biết chắc rằng thằng Minh còn sống.

Hồi chiều, sau khi Văn và Phong đi nhận thức ăn về, Phụng có kể cho vợ Phong nghe chính chị đã ân hận gởi lại đứa con cho nguời lính, vì tưởng nó đã chết rồi trong khi chị đã đuối sức, còn phải vừa bồng vừa dắt chị và em nó. Bây giờ em nó cũng vừa chết nước, xác nằm lại nơi quê nhà. Nghe vợ kể lại, Phong cũng tiếp lời :

- Thoát được cuộc sống khốn khó này, theo tớ nghĩ là mình còn có cơ hội làm lại cuộc đời, và thư thả rồi chúng ta sẽ tìm được thằng bé. Cậu cứ an tâm đi, mình hứa sẽ cố gắng giúp vợ chồng cậu.

5-

Ngày hôm sau gia đình Phong có chuyến bay, còn Văn phải chờ đến một tuần nữa mới rời khỏi đất Thái. Hôm chia tay, Phong cho biết anh ta được một người bạn bảo trợ đến định cư tại thành phố Fremont, còn Văn sẽ đến thành phố San Jose. Hai người cùng về tiểu bang Cali, nhưng không biết rõ hai thành phố có xa nhau lắm không, chưa biết bao giờ mới gặp lại được. Đến phút chót, Phong mới nhớ có số điện thoại của người bảo trợ, anh đọc vội cho bạn ghi rồi vẫy tay từ giã.

Cuộc sống mới được bắt đầu với những lo toan nào nhà ở, nào làm thủ tục lãnh tiền trợ cấp, an sinh xã hội, khám sức khoẻ.. rồi ghi danh học ESL, rồi học thi bằng lái xe..Tất cả các công việc dồn dập cuốn hút mọi người sinh hoạt hàng ngày, quên bẳng đi chuyện liên lạc với bạn. Mãi đến mấy tháng sau tình cờ lục lọi trong đám giấy tờ cũ, chợt tìm thấy số điện thoại của người bảo trợ Phong, Phụng mới gọi thử. Hai gia đình từ đó mới liên lạc lại được nhau, thì ra hai thành phố của hai người bạn rất gần, chỉ cần vài ba chục phút lái xe là tới nơi. Tuy vậy đời sống trên xứ Mỹ luôn tất bật, lo làm, lo học thêm, chẳng có thì giờ vui chơi nhiều. Buổi tối, thỉnh thoảng nhắc điện thoại lên hỏi thăm nhau vài câu. Rồi phần ai lo việc nấy.


Một buổi chiều vừa đi làm về, Văn nghe có người gọi, nhắc phone lên nghe giọng Phong có vẻ vui mừng

- Văn phải không, tớ có tin vui cho cậu đây.

- Gì mà vui bạn?

- Tớ vừa nhận thư Việt Nam, Số là tháng trước mình có thư nhờ cô em mình ở Quy Nhơn tìm lên nhà cũ của thằng Minh, con của cậu đó, dò hỏi bà con trong chòm xóm, tìm được bà chị của người mẹ nuôi thằng Minh, bà ấy cho biết mấy năm trước mẹ con Minh về bên ngoại ở Thị xã Bạc liêu, nhưng mấy năm nay không liên lạc với ngoài này.

- Nhưng ở Bạc liêu mà có biết thuộc phường ấp gì mới được chớ?

- Cô ấy có hỏi thì bà ta nói mơ hồ nhà ngoại hồi xưa lợp ngói, ở phía bờ sông thuộc phường 2, phường 3 gì đó.

- Mà cậu có ai quen ở Bạc liêu không, hồi xưa mình có thằng bạn cùng đơn vị gốc ở Bạc liêu, nhưng nó đã chết năm 72 ở Quảng Trị.

- Mình chẳng có ai quen ở đó. Thôi, biết được thêm chừng ấy cũng quý rồi, từ từ có cơ hội sẽ hỏi thêm.

Đêm đó Văn kể lại cho vợ con nghe cái tin vui mà Phong đã cho biết. Cái tin vui đó chỉ tạo cho Phụng một đêm mất ngủ và cho Văn những tiếng thở dài.

Mấy tháng sau Phong lại gọi :

- Cậu có được mấy tuần vacation rồi?

- Hình như vài ba tuần thì phải.. À mà khoảng 130 tiếng, vậy là hơn ba tuần, cậu điều tra làm gì vậy? Định rủ mình lấy vacation về Việt nam phải không?

- Đúng rồi, tớ cũng được khoảng bốn tuần, ta cùng nhau lấy phép về VN một chuyến, có rộng thời giờ đi Bạc liêu ở mấy ngày, dò tìm thử thằng con trai của cậu sinh sống ra sao,rồi tìm cách bảo lãnh nó qua kẻo tội nghiệp.

- Cảm ơn cậu đã lo lắng giúp đỡ ý kiến cho vợ chồng mình rất nhiều. Ý kiến đó rất hay, để mình bàn lại với bà xã, có thể hai vợ chồng mình cùng về với cậu.

- Không cần phải đi hai người cho tốn kém, vợ cậu còn phải ở lại với con Ngọc chứ. Để nó ở lại một mình đâu được.

- Vậy thì mai mình đặt vé máy bay liền đi.

- Vé trong dịp Tết này mắc lắm, đợi ra khoảng cuối tháng hai tháng ba ít người về sẽ rẻ hơn.

- Ừ thì cậu tính giùm tớ luôn. Bà xã mình độ rày cứ suy nghĩ, mất ngủ hoài.

- Vậy cậu cứ yên tâm, việc mua vé để tớ thăm chừng, rồi lúc nào thuận lợi tớ sẽ báo cho cậu biết.

- Cám ơn cậu.

Suốt mấy tuần qua ngày nào vợ chồng Văn cũng phải làm over-time,. Cả hai nơi làm việc của Văn và Phụng đều rất bận. Văn thì từ 5 giờ sáng , còn Phụng thì làm trể hơn, 6 giờ, ngày nào cũng mười hai tiếng, nên về muộn, nhờ có Ngọc lo cơm nưóc nên Phụng cũng đỡ vất vả. Ngọc đã vào college nhưng chỉ mới lấy có 9 units nên cũng có thì giờ phụ việc cho mẹ, buổi trưa làm part-time cho tiệm bánh Mac Donald. Mọi người đều quay cuồng trong công việc nên cái Tết – nhằm ngày làm việc trong tuần- cũng trôi qua một cách lặng lẽ. Đôi lúc chợt nhớ đến cái dự tính về VN của Phong, Văn cứ do dự hoài. Công việc lúc rày quá nhiều, chắc gì supervisor đồng ý cho anh lấy vacation dài hạn, anh nghĩ có thể cũng đến tháng 4, tháng khai thuế công việc sẽ thong thả hơn.

Một buổi tối, lúc cả nhà Văn đương ăn cơm, có tiếng điện thoại reo, Ngọc nhắc phone nghe rồi nói :

- Có bác Phong gọi ba. Rồi đưa phone cho bố.

- Hi.. bạn, khoẻ không, có gì mà gọi sớm vậy.

- …

- Sao, bạn nói sao, Văn vừa hỏi, vừa bấm nút speaker cho cả nhà nghe. Giọng Phong có vẻ quan trọng.:

- Hai ông bà lên nhà tớ ngay đi, có việc cần lắm. Có thể khoá cửa cho Ngọc đi theo luôn.

- Việc gì vậy? Văn hỏi lại với nỗi lo lắng.

- Có việc cần, nhưng bạn cứ bình tĩnh. Sẵn sàng đi ngay nhe, mình đang đợi cậu đây.

Xe vừa đến nhà Phong đã thấy anh ta chờ sẵn ở cửa. Anh chạy ra mở cửa xe và bảo Văn ra ghế sau, để anh lái. Văn hỏi :

- Cậu đưa chúng mình đi đâu đây.

- Đừng hỏi, lát nữa cậu sẽ biết.

Khoảng mươi phút sau xe vào parking bệnh viện thành phố. Phong vẫn yên lặng mở cửa xe bảo mọi người theo anh vào phòng đợi. Vợ Phong đang có mặt ở đó, nét mặt chị có vẻ tươi vui, chị lên tiếng chào vợ chồng Văn, rồi đến gần Phong nói nhỏ : “ Không hề gì”. Vợ Phong mở cánh cửa đưa mọi người qua phòng bên. Lúc bấy giờ Phong mới rút từ trong túi ra, đưa cho vợ chồng Văn một gói giấy nhỏ. Tay Văn run run, anh mở ra. Một vật màu sáng ánh lên theo ánh đèn. Phụng thốt lên :

- Tấm thẻ bài.

Chị chồm tới nắm bàn tay Văn và soi lên đọc” Võ trung Văn”

- Sao, sao.. tấm thẻ bài này lại ở đây? A, không lẽ… thằng Minh đâu.?

- Hai bạn bình tĩnh. Đúng là Minh con trai hai bạn đang ở đây. Nó bị tai nạn xe được tớ gọi xe đưa đi cấp cứu, và nó đang nằm trong kia.

Vợ chồng Văn nhào đến phía cửa theo tay chỉ của Phong, nhưng Phong đứng chắn lại và nói :

- Chưa vào thăm nó được, nhưng hai bạn yên tâm, nó bị ngất, nhưng đã ổn định lại rồi, bác sĩ cho biết may mắn không hề gì, tuy nhiên vết thương ra khá nhiều máu, bác sĩ đang chẩn khám.

Nghe Phong cho biết tin về Minh quá bất ngờ, sự xúc động mãnh liệt khiến Phụng cảm thấy đầu óc quay cuồng, chân tay bũn rũn như muốn quị xuống trên nền nhà trơn bóng của bệnh viện.. Vân dìu vợ đến bên hai chiếc ghế trống đặt ở cuối hành lang, cùng ngồi xuống bên cạnh. Anh siết chặt tay Phụng, như cùng cảm thông nỗi mừng vui cùng với nỗi lo âu của vợ. Mắt hai người cùng đăm đăm hướng về phía cửa phòng, nơi đứa con trai bị thất lạc gần hai mươi năm, nay chắc đã cao lớn, trưỡng thành, đang được điều trị trong đó, trong một tình trạng khá hiểm nghèo. Cả hai đều thấp thỏm chờ đợi bác sĩ.cho biết về tình trạng của bệnh nhân.

Một lúc khá lâu sau, cánh cửa phòng cấp cứu bật mở, vị bác sĩ cùng cô y tá bước ra. Vợ chồng Vân đứng bật dậy tiến đến phía cửa, vợ chồng Phong cũng vậy. Cả bốn người cùng vây quanh bác sĩ cùng cô y tá, chờ nghe kết quả khám nghiệm.

Bác sĩ giải thích

- Nạn nhân đã qua cơn nguy hiểm, nhưng vết thương hơi sâu nên bị mất máu khá nhiều. Máu của nạn nhân thuộc loại máu O, rất tiếc loại máu này bệnh viện đang thiếu.Tôi đã yêu cầu các bệnh viện khác khẩn cấp chuyển đến, nhưng sớm nhất cũng phải sau 24 giờ mới có.

Phụng lúc này cũng đã bình tỉnh lại, nàng nói :

- Thưa bác sĩ, rất may mắn là máu tôi cũng thuộc loại O, Xin bác sĩ vui lòng giúp lấy máu của tôi chuyền cho nạn nhân. Tôi là mẹ ruột của nó.

Cả bác sĩ và y tá cùng ngạc nhiên

- Thật vậy sao ?

- Nó là đứa con trai của tôi, đã bị thất lạc gần hai mươi năm sau khi chiến tranh VN kết thúc.

Mọi người ái ngại nhìn Phụng, trông nàng có vẻ xanh xao yếu đuối quá, không biết có thể chịu đựng nổi việc lấy máu để chuyền cho thằng bé. Nhưng rồi trước sự tình nguyện một cách cương quyết của Phụng, bác sĩ đành cho phép chị vào phòng trong lấy chút máu để thử nghiệm, cuối cùng thì đúng là Phụng có loại máu O trùng với nạn nhân, nên việc chẳng đặng đừng đã xảy ra, máu của Phụng đã được rút ra chuyền cho thằng bé bị tai nạn.


Không biết thời gian trôi đi đã bao lâu, Phụng bừng tỉnh mở mắt ra chỉ thấy một màu trắng toát, màu trắng của trần nhà bệnh viện Chị quay sang bên nhìn thấy người thanh niên, nét mặt khôi ngô giống Văn như đúc, nằm thiêm thiếp trên chiếc giường kế cận với mớ băng trắng trên tay trên chân, chị nói thầm, đúng là thằng Minh đây rồi.

Nhìn thấy vợ mở mắt ra và quay đầu nhìn con, Văn vội đến bên giường, cầm lấy bàn tay của chi, âu yếm bảo :

- Em nằm yên cho khỏe, thằng Minh sau khi được chuyền máu em vào, nó cũng khoẻ nhiều.

Không hẹn, cả bốn con mắt của Phụng, Văn đều cùng hướng đến đứa con thân yêu và cũng nghĩ đến ngay đoàn tụ thật lạ lùng sau bao nhiêu năm biệt tích. Căn phòng bệnh viện bỗng chốc trở nên thân thiết ấm cúng, gần gũi hơn, ngọn đèn khuya như sáng thêm lên môt chút, soi rạng rỡ niềm hạnh phúc ngọt ngào đang dâng lên trong lòng đôi vợ chồng trung niên.




VVM.13.7.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .