Việt Văn Mới
Việt Văn Mới

tranh của họa sĩ Trịnh Thanh Tùng

HỒI XUÂN


                        

C hiều xuống thật nhanh, nhanh như tuổi đời của chị  Thục. Mới đây thôi, chị còn là một giáo viên trường cấp một; thướt tha áo dài trắng, chạy xe Dame; nhiều đồng nghiệp đã ghen với cái nét  đài các và vóc dáng sang trọng của chị. Mặt chị  Thục hơi vuông tạo những nét cương quyết. Mà chị Thục cương quyết thật đấy, chồng chết khi tuổi đời mới 30. Chị Thục cương quyết không dễ dãi cho bản thân. Lẽ dĩ nhiên, hai đứa con trai rất kháu khỉnh đã là động cơ khiến chị cương quyết treo cái tiết giá lên cao. Mau quá, vụt một thoáng, chị trở thành bà lão hồi nào không hay! Có ngờ đâu cuộc đời đưa đẩy. Bước thêm bước nữa ai cũng nghĩ là vì chị Thục đang “Hồi Xuân”. 

Hồi xuân! Nghe cũng lãng mạn quá chứ? Chị Thục nhìn gương mặt già chác của mình trong gương rồi mỉm cười nhớ lại thời son trẻ. Chồng chị Thục là anh Tâm nghiện rượu nặng. Ngày nào cũng say, chị Thục chịu đựng cả chục năm với người chồng vô tích sự ấy. Cái say của anh Tâm bắt đầu từ một khủng hoảng việc làm. Ba anh Tâm là đảng viên nên anh mới được cất nhắc làm chủ nhiệm khu chế biến thủy sản Trùng Dương. Mới làm được một năm anh Tâm đi ngồi tù vì cái tội ham tiền ký giấy phép mua năm phuy dầu cho một ghe vượt biên. Thật ra, lúc bấy giờ ít còn ai ham vượt biên nữa vì các nước tây phương đã chán ngấy khối người khổng lồ đang ăn chực nằm chờ tại các trại tỵ nạn chưa phương giải quyết. Mỹ khuyến khích người Việt tỵ nạn hồi hương, bù lại được nhận khoản tiền ít nhiều gì đó. Anh Tâm chủ quan như thế nên hạ bút ký tờ đơn mua dầu cặn, không ngờ cái chữ ký oan nghiệt ấy đưa anh vào khám ngồi bóc gần hai quyển lịch. 

Chị  Thục lo cho chồng đến tán gia bại sản mới được mãn tù. Khi về, anh Tâm tìm không ra việc làm vì có án, mà là án ăn hối lộ.  Thất chí, anh Tâm nhậu li bì, sáng say chiều xỉn, bao nhiêu năm liên tiếp. Chị Thục hết lời khuyên giải, nhưng càng khuyên chén dĩa càng bay, đi thì thôi, về là chửi chó mắng mèo. Không biết anh Tâm bất mãn xã hội không dung túng anh, hay bất mãn chính mình vì cái tội ham tiền mà càng ngày ăn nói càng trở nên thiếu văn hóa. Cũng phải thôi, anh Tân có văn hóa đâu mà thiếu. Lêu lổng từ trẻ, anh Tâm ỷ lại vào người cha “có công cách mạng”. Con người như thế, chị Thục bỏ mặc anh Tâm không thèm đá động gì tới nữa. Cho đến lúc nước da vàng như nghệ, bụng chương lên, đi khám, bác sĩ cho biết anh Tâm bị chứng ung thư gan đến thời kỳ cuối. Chị Thục không chút ngạc nhiên, bởi một con người thiếu trí tuệ đã tự hủy hoại thân thể của mình bằng độc tố. Cũng may, Tâm qua đời sớm, ngoài thì buồn cho đúng thủ tục, bên trong chị Thục mừng vì vừa trút được gánh nặng.

Từ  ngày chồng chị Thục về bên kia thế giới  để tiếp tục say, chị Thục chưa bao giờ nghĩ  đến bóng dáng một người đàn ông khác, ít nhất  là bề ngoài. Cái nề nếp gia phong đã không cho phép chị tự do chăng? Có người cho rằng dù sao thì cũng nhất sỹ nhì nông. Nếu có bước thêm vài bước nữa thì chị Thục cũng phải chọn người có bằng cấp một tí cho xứng đáng với cái “mark” giáo viên. Nghặt một nỗi, đốt đuốc đi tìm ở cái thành phố nhỏ nầy cho được ông nào có kiến thức, tuổi cao, lại rảnh vợ để làm bạn cũng khó chứ nói chi làm chồng. Anh hiệu trưởng của trường chị đang dạy thì sao? Chết vợ, xứng đôi đấy! Nhưng về để mà nuôi nguyên đàn con sai nái của bà vợ trước thì thà làm bà sơ bà vãi sướng hơn. Chị Thục nghĩ thế và cương quyết ở vậy, cho đến một ngày định mệnh đưa đẩy chị lên xe hoa...kỳ. 

Chuyện tái giá của chị Thục tuy đơn giản nhưng đã gây thắc mắc cho nhiều người, nhất là bà con thân tộc bởi ai cũng biết sau vài thập niên nằm trơ  vơ, mùi đàn ông nó ra sao hầu như chị  quên mất. Con cái đã trưởng thành và sắp nên danh. Chị Thục đang sung sướng với chức năng làm mẹ. Chị hãnh diện là phải; thằng Tình, đứa con đầu đang là bác sĩ thực tập tại bệnh viện toàn khoa Nha Trang. Thằng Thâm có lẽ cũng theo nghiệp anh nó nên đang mài đũng quần những năm cuối trường thuốc. Cái bóng hạnh phúc vì sự nên hình, nên vóc, nên danh của hai đứa con làm cho chị Thục cứ lân lân như người vừa hớp ngụm rượu. Thế nhưng một khúc quanh lại đến trong cuộc đời vừa đúng 55 tuổi của chị. Đó là việc chị Thục lấy một anh Việt kiều vài tuổi lớn hơn con đầu lòng của mình. Cũng may chị đã nghỉ hưu, nếu không thể nào chị Thục cũng nghe những dị nghị của bạn đồng liêu, và anh hiệu trưởng chết vợ cứ đeo như đĩa. 

Nghe chị  Thục tái giá nhiều người không tin, lúc trẻ còn không muốn, huống chi đến giờ nầy “điện nước” hết rồi. Nhưng sự đời nó đưa đẩy nhiều khi chỉ có người trong cuộc mới biết. Bàn tán xoay quanh cuộc hôn nhân phức tạp của chị Thục có hai vấn đề người ta đặt ra: Thứ nhất, từ trước đến giờ thông thường chỉ nghe đàn ông Việt kiều già về quê tìm bồ nhí, vợ trẻ để thăng hoa cho cuộc sống vị kỷ. Thứ nhì, Việt kiều tìm người muốn xuất ngoại kết hôn kiếm chút hoạnh tài... Nhưng lạ lắm, hai điều trên hoàn toàn không nằm trong khung cuộc hôn nhân của chị Thục.  Như vậy tại sao chị Thục lấy chồng, lấy để làm gì? Mà lấy một đứa chỉ đáng tuổi con mình là thế nào?

Giản dị  lắm, năm năm trước, một buổi chiều hè, chị Thục  đạp xe hóng mát trên đường Trần Phú. Trước chị  là một người đàn ông đang loay hoay đưa mắt vào máy hình. Một cô gái phóng xe gắn máy từ sau tới, tròng tay phải vào dây chiếc máy hình làm cho người đàn ông kia bị giật ngã bịch ra ngoài đường. Một chiếc xe khác trờ tới tung vào người đàn ông, một tiếng la “ối” rồi lịm mất. Chiếc xe vừa tung người lạng quạng vài giây rồi thăng bằng trở lại, cả hai đều rú ga chạy mất hút lẫn trong đám xe cùng chiều. Mắt chị Thục vừa chứng kiến một cảnh tượng hãi hùng như trong phim hành động. Phản xạ của từ tâm, chị Thục liệng xe đạp vào lề, nhào tới xốc nạn nhân lên, máu me nạn nhân ướt cả áo lụa trắng của chị. Người đàn ông bất tỉnh, gọi mãi không nghe trả lời. Chị Thục kêu taxi đưa ngay vào bệnh viện cấp cứu. Vì nạn nhân bất tỉnh, chị Thục đứng ra lo vài thủ tục nhập viện, chạy chữa...

Dưới chân giường, người ta thấy tấm giấy ghi bệnh lý như sau:

“Nguyễn Tấn Tú, sinh năm: 1982, quốc tịch: Hoa Kỳ,

Bệnh trạng: bị xe gắn máy tung gãy hai xương sườn.

Người thân: Trần Đoan Thục...

Được mẹ dặn cẩn thận, bác sĩ thực tập Tình hết lòng săn sóc cho Việt kiều Tú. Trong thời gian dưỡng bệnh, chị Thục tới lui săn sóc Tú và xem như con. Khi lành bệnh, Tú và Tình kết thân thành đôi bạn bởi Tú cũng là bác sĩ, nhưng anh chuyên về giải phẫu thẩm mỹ - ngành mà Tình mơ ước từ lâu. Về nhà Tình chơi, ăn uống ...Tú vẫn gọi chị Thục bằng mẹ. xưng con, như Tình và Thâm.

  

Về  lại Mỹ, Tú tìm cách trả ơn gia đình bạn, muốn  đưa cả gia đình Tình xuất ngoại để giúp anh em Tình vào ngành họ ưa thích nhưng luật sư của Tú cho biết chỉ có con đường duy nhất hợp lý là Tú phải về làm đám cưới với “mẹ Thục”. Thế là một đám cưới đơn giản, nhưng có quay phim và mướn thợ chụp hình. Thục đắp sáp dày lên mặt, tròng áo cô dâu, Tú không cạo râu nhẵn thín diện đồ chú rể.

Chín năm trôi qua, Tú đã dẫn dắt hai người em kết nghĩa Tình và Thâm trở thành bác sĩ chuyên khoa giải phẫu thẩm mỹ. Mỗi người chịu trách nhiệm một nơi trên cơ thể con người. Viện Thẩm Mỹ 4T, viết tắt từ Thục, Tú, Tình, Thâm mới khai trương hai năm thôi mà khách sắp hàng. Thời buổi mà các đấng ông chồng luôn phàn nàn vợ về những dấu chân chim trên khóe mắt, bụng cả đống da nhão nhẹt, vế rỗ như mặt võng...thì các thẩm mỹ viện có cơ hội hốt bạc các bà.

Khách đông, ba anh em làm không xuể, những bậc thầy giàu kinh nghiệm ở trường được mướn về làm việc. Viện Thẩm Mỹ 4T đang là mối đe dọa lớn lao cho hai cơ sở thẩm mỹ đã có tiếng từ lâu là Bích Ngọc và Hạnh Phước.

Từ  ngày định cư, chị Thục lu bu quá nhiều công việc. Giờ nầy thì mấy đứa con không cho chị Thục ra dưỡng đường như những ngày  đầu khai trương nữa. Hai cô Ba Lan  khỏe mạnh lo quét dọn, lau chùi. Sổ sách kế toán, đều có nhân viên lo. Ở không không quen, chị Thục lại thấy buồn vì mấy đứa con chưa đứa nào có vợ để cho chị có chút cháu ẵm bồng.

Vài năm trở lại  đây, chị Thục rảnh rang, nên đi chùa đều đặn. Tuần nào cũng có mặt chị ở nhà bếp làm công quả. Chị Quảng Hoa, người đầu bếp chính chùa Trúc Lâm hỏi chị Thục:

- Nghe nói Diệu Hiền (pháp danh chị Thục) đón xe buýt về chùa, sao không bảo ông xã chở đi?

Chị Thục cười:

- Em có chồng đâu!

- Sao hôm trước ai nói chị qua Mỹ theo diện hôn nhân?

- Ừ thì hôn nhân, nhưng chia tay rồi.

- Lẹ dữ trời – Chị Quảng Hoa chép miệng!

Chị Thục che miệng nói vào tai chị Quảng Hoa:

- Mình đã diễn xong vở kịch cho tương lai hai đứa nhỏ.

Jan. 12, 2009




VVM.13.7.2023 - NVA

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .