Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


MỘT CON MA CHẾT



C hạy xe ôm đêm đã mấy năm, nhưng mãi hôm cúng tất niên vừa rồi tôi mới biết thêm được nhiều điều…đã cũ !

Khi bốn chiếc bàn nhỏ, loại để bán cà phê cóc, đã đầy đủ lễ vật : Một con gà trống luộc, một đĩa xôi, một đĩa thịt heo quay, một chai rượu, và dĩ nhiên không thiếu “ hương, đăng, hoa quả “, Phẩm già đốt ba cây nhang, đưa cho tôi, trịnh trọng :

-Ông cúng đi !

Tôi từ chối :

-Anh lớn tuổi hơn em, làm đại diện cho cả cái bến này thì được chứ còn tôi…

Phẩm phản ứng ngay:

- Tôi già nhưng là già ngu, không chữ nghĩa, còn chú mày đã mang tiếng làm thầy thiên hạ thì nói chuyện với ông bà là đúng rồi, cúng đi !

Rồi cả mười cái miệng khác :

- Anh Trí cúng đi, cúng đi, cúng đi…! Giàn hợp xướng ấy tạo nên một sự ì xèo, giống như “ cố lên, cố lên ! “ lúc tôi đang kề ly rượu vào miệng cố uống mà còn ngập ngừng.

Thấy không thể chậm trễ được, tôi cầm lấy ba nén nhang tiến đến trước “ bàn thờ “ , đưa hai tay lên trước trán, lẩm nhẩm những câu vái, câu cầu… Thật tình tôi đã từng đọc“ Gia lễ “, “ Thọ Mai “ , thậm chí còn nhớ cả chương “ Minh Tâm Bửu Giám “ hay chút “quẻ”, chút “hào” trong kinh Dịch…nhưng rất lúng túng trong việc cúng tất niên cho một bến xe ôm như hôm nay. Tôi lúng túng vì tôi không biết được thân thế, sự nghiệp của ông tổ xe ôm là gì để kính thưa, kính xin ! Mà thật ra, đến Viện Sử học cũng chẳng biết ông tổ xe ôm là ai, huống chi cái đám tạp nham cuả chúng tôi. Nghĩ “ lòng thành tất hữu thần “, tôi kính thưa Trời đất, Tổ tiên, thần thánh, tất cả ông bà khuất mày, khuất mặt…, mời về chứng giám tấm lòng của nhóm xe ôm bến Mũi Tàu. Lễ vật không sang trọng bằng những chỗ giàu có nhưng lòng tôn kính là thật sự vì khi đã ra đứng bãi xe ôm này thì với ai trong chúng tôi cũng là một sinh kế duy nhất, có khi là nghề cuối cùng ! Tôi vái mời cả những người quen biết với anh em xe ôm bãi này đã quá cố, để họ về cùng liên hoan tất niên với anh em chúng tôi. Tôi làm sao không nhớ đến anh Phước chạy chiếc Minsk chết vào mùa mưa năm kia vì thằng khách bãi vàng đâm chết, lấy xe, ba ngày sau người dân tộc mới phát hiện ra xác ! Tôi mời cả con bé Oanh làm nghề đứng đường bị tụi khốn nạn hiếp cho đến chết rồi vất vào bụi cây. Tôi cũng không quên lão Tám già xe ngựa đã uống rượu cả đêm trước chợ rồi chết…

Tôi khoanh tay đứng yên, thỉnh thoảng rót rượu hầu “khách cõi trên “, chưa kịp ba tuần trà thì khách mời dự tiệc đã đến, lao nhao sau lưng.

Có tiếng Tư Mập :

-Anh Trí ơi…Còn nồi cháo nữa nè !

Phẩm trách :

– Sao cháo bây giờ mới đến hả Tư ?

–Tối em mới dọn hàng ra, nhóm lửa, nấu nước rồi cắt cổ nhổ lông làm tốc hành đó anh ! Thôi thì ông bà thông cảm cho em !

Thằng Phúc-tiểu-đệ chen vào :

-Ông bà thông cảm cho con chứ !

Tư mập sửa lại:

-Ông bà thông cảm cho con. Đ. Mẹ mày nhỏ mà láo, tao đánh thấy mẹ bây giờ !

Phẩm ra tay :

-Tư ! Em biết là tụi mình đang làm gì không mà văng tùm lum thế hả ?

– Dạ em xin lỗi ông bà, xin lỗi các anh cũng vì cái thằng…

Nói xong, Tư cũng khoanh tay đứng cạnh tôi và Phẩm một cách cung kính. Tư là dân đường phố có nòi, mẹ Tư ngày trước từng sống ở vỉa hè, hiên chợ. Tư được sinh ra trên đường phố, bây giờ tương đối “ thành đạt “, ở nhà thuê đàng hoàng, có một gian hàng bán cháo lòng tại chợ đêm, thu nhập đủ sống và lo cho hai đứa con không cha. Không làm nghề xe ôm, nhưng Tư là địa chỉ thân thiện của đám chúng tôi. Chúng tôi hay uống rượu đêm chỗ Tư mập, không tiền thì ký sổ vô tư. Nhiều lúc Tư còn ưu ài dành cho chúng tôi bó cẳng vịt, tô cháo cuối nồi, không tính tiền để anh em đưa cay. Tính tình bỗ bả sẵn sàng văng tục và khua dao với mấy thằng ma cô, ma kề…Tư từng bị Công An nhốt mấy ngày vì tội “ chống lại người thi hành công vụ “ khi thành phố thực hiện nghị quyết gì đó để đường thông, hè thoáng, mà hàng cháo lòng của Tư đã làm cho hè không thoáng ! Sau đó Tư không bán hàng ban ngày nữa, nên mới kết thân với đám chạy xe ôm chúng tôi…

Thật ra, không riêng gì Tư mập, cả đám xe ôm ở cái bến Mũi Tàu này thằng nào cũng trầy trật, ba chìm bảy nổi cả. Phẩm già trước là lính Sàigòn, mười năm leo lên được cái chức thượng sĩ trong một đơn vị địa phương quân nổi tiếng hay đánh nhau với những thứ lính thuộc đẳng cấp đàn anh như sư đoàn 23, biệt kích, nhảy dù…Được cái Phẩm không thuộc loại ăn giựt, chơi chạy hay hiếp đáp bà con, lại còn hay “ ra tay nghĩa hiệp ”nên chẳng bị ai ghét bỏ. Phẩm học tập cải tạo tại Phường ba ngày là chính thức trở thành công dân của đất nước Việt Nam độc lập ngay. Sau đó, Phẩm tình nguyện đi xây dựng kinh tế mới, khai hoang làm rẫy gần mười năm, lại dắt díu vợ con về thành phố làm thợ đụng, tức là đụng việc gì cũng làm, miễn là có tiền nuôi sống gia đình. Sau khi trôi dạt vào các bãi vàng, bãi thiếc không ăn thua, Phẩm trở về làm bốc xếp, chìm nổi mãi mới nhập bọn với chúng tôi. Muốn làm thì làm, muốn nghỉ thì nghỉ, chẳng phụ thuộc vào ai, làm xe ôm sướng thật ! Có lúc Phẩm đã tự hào nghề nghiệp như thế.

Lãng kém tôi vài tuổi, dạy học, đêm đêm giã từ chăn êm nệm ấm xách xe ra đường “kiếm chút cháo”, buồn ngủ thì biến ! Mới đầu, Lãng bị các nhóm ma cũ ăn hiếp đủ điều. Sau đó, Lãng trôi dạt về Mũi Tàu với chúng tôi.

Nhớ hôm đầu đến bến, Lãng nhỏ nhẻ :

-Mời anh Trí, anh Phẩm và các anh đi uống với em ly rượu.

Phẩm hỏi :

-Về cái gì ?

Lãng chưa kịp trả lời thì Phúc con đã nhao lên :

-Ông này làm lễ ra mắt anh em mình đó mà, ổng có lòng thì mình có bụng, nhậu đi anh !

Phẩm lừ mắt :

- Đây là bãi tự do, thằng nào muốn đến thì đến, muốn đi thì đi, chẳng vì điều gì mà mày khép nép cả. Anh em mình cùng dân áo rách, thằng nào bắt nạt đồng nghiệp là tao thiến đấy ! Thôi bây giờ mày “ xếp tài “ vào chạy đi, khuya cùng “hợp tác xã” với tụi tao, đi làm một xị chống lạnh !

Đến hai giờ sáng, Lãng chạy được ba chục, góp sáu ngàn cùng cả bọn kéo đến Tư mập.

Phúc là Sinh viên con nhà giàu ở Nha Trang. Phúc học chưa ra trường thì người yêu có bầu. Cha mẹ không cưới, Phúc bỏ nhà, sống đời vợ chồng với Hạnh. Phúc làm đủ nghề để nuôi vợ đẻ, rồi nuôi con…Về Mũi Tàu Phúc là tiểu đệ, nhưng được anh em thương quý vì tính tình thật thà, thẳng như ruột ngựa, đó là chưa kể Phúc còn phiên dịch, bắt khách tây cho cả bọn…

Tôi bỏ dạy học, đi làm kinh tế, qua đủ nghề, làm gì cũng thua. Tôi vào bãi vàng Tây Sơn sau cái thất bại đi thầu xây dựng . Nhóm thợ mộc cùng sống chết với tôi một thời gian lần lượt bị sốt rét đều bỏ cuộc. Tôi lây lất trong bãi cùng đám lao động người dân tộc mấy tháng trời rồi cũng giã từ giấc mộng vàng. Chính ở bãi vàng, tôi gặp Phẩm từ K.67 về rồi gắn bó với nhau cho đến lúc về thành phố . Nếu ở K.67 chỉ có vàng cám thì ở Tây sơn là vàng cục, nhưng xát suất trúng được vàng cục rất ít, còn trúng tủ lạnh ( sốt rét ) thì anh nào cũng có ! Thật ra, nếu không có những ràng buộc gia đình, người ta có thể sống dài dài ở bãi vàng khỏe re, vì mọi thứ sinh hoạt, từ xăng dầu, thức ăn, gạo mắm đến bia rượu, gái gú đều ký sổ tất, chỉ thanh toán vào lúc có vàng. Có nhiều quán “nuôi băng” phải sập tiệm vì chẳng có băng nào trúng cả. Thế mà các quán còn cạnh tranh nhau dữ dội nên cánh đãi vàng cứ rung đùi mà ghi nợ ! Ngày Phẩm lếch thếch, đưa băng mình từ K.67 sang, gặp lúc tôi đang nắm một băng, làm chủ gần mười mét mặt tiền dọc suối, nằm ngay “điểm đậm”. Ở K.67, đánh vàng là phải đào hầm, miệng hầm vuông có cạnh sáu, bảy mét, phải cừ (dùng cây chống để gia cố cho đất không sạt lở ), đến chỗ có sái ( hỗn hợp đất đá có vàng ) thì hầm chỉ là một cái giếng nhỏ rộng chừng một mét vuông. Từ lớp đất có sái ấy, người ta theo dấu vàng, đào hàm ếch sâu vào chung quanh. Có người chết không lấy được xác vì chui vào lòng đất sâu quá, hầm sập, hàng trăm khối đất đá đè lên ! Còn vàng Tây sơn nằm lẫn trong đất từ mặt đến đế (lớp đá dưới cùng ). Các trùm băng chia phần nhau từng lô dọc theo suối, cứ thế đánh lên đến đỉnh đồi. Chúng tôi sử dụng cuốc chim, xà beng đánh bật gốc cây, đào đất đá xả lên bạt, dùng máy bơm đưa nước lên, phun rửa thứ hổ lốn ấy mà tìm vàng. Có anh may mắn gặp được cục vàng bằng chiếc dép lào, nặng cả ký là thắng to, còn hầu hết chỉ kiếm được chút đỉnh vàng cám, ngày dăm bảy phân, một chỉ từ chiêc máng hứng dòng nước rửa sái, đủ cho quân ăn kẹo !

Nghĩ tình đồng hương thành phố với nhau, tôi cắt cho Phẩm ba mét trong số mười mét ngang của băng tôi. Đất ít, băng của Phẩm đánh nhanh như máy ủi ! Phía đất của Phẩm lõm xuống tận đế, còn phía tôi là thành ta-luy cao đến ba mét. Cuối tuần lao động, sau một cơn mưa đêm, Phẩm dắt quân ra điểm sớm, một thằng em Phẩm thấy có một một miếng vàng nhô ra từ ta-luy, gỡ lấy, đem cân được sáu cây. Phẩm mừng quá, tổ chức một bữa rượu, nói phải trái với tôi rồi rút quân về. Tôi nghĩ trời cho Phẩm nên chẳng ăn chia gì. Từ đó Phẩm ơn tôi, mãi sau này Phẩm vẫn nhắc cho anh em về một quá khứ “đậm đà tình nghĩa “ ấy.

Ở bãi Tự Do này, chúng tôi “chia tài” tức là chở khách theo thức tự trước sau, chứ không dành giựt, ép giá khách như các điểm khác, tên nào quen thói bậy bạ vào đứng cùng anh em tôi ba ngày rồi cũng “ biến “. Cái quá khứ mấy năm dạy học của tôi đã được một số học trò cũ - bây giờ trưởng thành hay chào bằng thầy làm người ta nể nang đôi chút, còn thành tích đánh nhau của Phẩm từ trước bảy lăm làm cho các tay anh chị phải gờm, nên bãi Tự Do là một bến xe ôm giữ được văn minh, lịch sự nhất …

Chúng tôi trải bạt ngay giữa bãi , dọn thức ăn vừa cúng xuống cùng quây quần bên nhau. Các khách mời còn tăng cường thêm mồi và rượu, đại biểu hàng cháo lòng thì có đĩa lòng, đại biểu xe hủ tiếu thì có hủ tiếu, xương xúp, đại biểu bánh mì dạo thì có bánh mì…Bữa tiệc khoảng hai chục người toàn những cư dân “ tình thương mến thương” của chợ đêm. Liên hoan chưa tới một tiếng thì can rượu năm lít gần cạn.

Phẩm móc túi :

- Phúc-con đi nghiên cứu thêm rượu !

Tư mập vội đứng dậy :

-Anh Phẩm để em lo, chiều nay em mới lấy chục lít, xin cho em được góp vào tất niên !

Phẩm xua tay :

-Vậy là hao cho em quá, thôi để tụi anh “hợp tác xã” đi !

Tư đứng dậy, giọng hơi nhè, dáng nghiêng ngã :

-Anh Phẩm phụ lòng tốt của em à nghe! mỗi năm chỉ có một lần, anh làm như không có em…

Tư nói xong thì ngã chúi vào lòng Phẩm. Phúc con có dịp :

-bà mập lấy cớ được ngã vào anh Phẩm à nha! Phẩm nhẹ nhàng đặt Tư nằm gối đầu lên đùi mình, lặng lẽ lấy dầu gió xoa vào màng tang , rồi cởi chiếc áo khoác, choàng lên người Tư.

Phẩm bảo Nhàn – xe ôm gốc cò gái :

- Mày sang hàng Tư bảo đệ tử hộ tống nó về nhà, rồi mày đưa chúng về luôn ! Tội nghiệp nó, đàn bà con gái mà ham vui… Phẩm hướng ra phía gốc thông, nơi có mấy cô gái thức đêm chờ khách muộn đến xả xui :

- Ê…mấy đứa vào đây ăn cháo đi !

Có tiếng vọng vào :

-Dạ…tụi em vừa ăn bún, còn no anh Phẩm à, có anh nào sợ lạnh ra đây em ủng hộ cho một cú tất niên luôn !

Thằng Nhàn nham nhở :

-Con Hoa phải không ? Mày chờ tao chở chị Tư về, hai đứa mình chống lạnh tới sáng nghe em !

Nghe nhắc Hoa, tôi nạt ngang Nhàn :

-Bà Bảy già đó…Chú lo chở bà Tư về đi, rồi muốn, ra đây mà mặc sức !

Hoa là người quen biết từ những ngày đầu tiên tôi ra Mũi tàu chạy xe đêm. Hoa là dân gốc huyện, từng là sao ở vũ trường, ra đứng đường vì không chịu sự thao túng của mấy tên bảo kê.

Một hôm mưa, nó đến choàng vai tôi :

-Chú Trí…Mình đi hát karaoke đi.

–Chú không có tiền, từ tối đến giờ chưa có chục bạc thì hát xướng gì !

– Cháu có tiền, chú đừng lo !

Chán trời mưa, tôi cũng theo nó vào một con hẻm gần chợ, một chai rượu rhum, mấy gói đậu phụng, thế là hát. Phải nói nó hát rất hay và chỉ hát những tình khúc tôi thích, nên tôi có cảm giác như tìm thấy một cái gì mới lạ trong thề giới nhầy nhụa ở cái chợ đêm này. Tôi vừa thích thú vừa mang ơn nó. Từ đó, dưới mắt tôi, những nét phấn son nham nhở, cái mùi nước hoa rẻ tiền chẳng làm nó xấu đi. Nó lão làng trong nghề đứng đường đón khách nhưng với tôi, nó vẫn như một đứa con gái nhà lành. Tôi chú cháu với Hoa và thật sự quan tâm tới nó.

Nghe lời tôi, Hoa đã đi học uốn tóc hơn nửa năm nay và sẽ khai trương cửa tiệm trong chợ vào dịp tết này. Cách đây mấy hôm nó còn dặn :

- Chú nhớ vào tiệm con mở hàng nha ! Cháu sẽ trực tiếp gội đầu cho chú, chú sẽ không phải trả công và mất tiền bo đâu ! Vậy mà hôm nay đã hai mươi tháng chạp nó còn ra đây, có lẽ đi làm kiếm tiền để trả nợ cho mụ Ly tiền góp !

Trong khi chúng tôi lo thu dọn bãi chiến trường , Phẩm nổ máy xe phóng đi :

- Tao sang bên hàng con Tư xem tình hình thế nào nhé ! Nó mà bề gì thì tụi mình chỉ có ăn mày…

Mọi người đều đổ sang mấy chiếc xe Quảng vừa đỗ trước cây xăng. Những chiếc Hải Âu một thời là báu vật trong giới xe khách. Ngày trước, khách phải sang đăng ký trước một đêm ở Công Ty Du Lịch mới được đi Hải Âu nếu không muốn ra bến liên tỉnh chen vào những chiếc minibus có từ thời Ngô Đình Diệm. Danh giá lắm, nhưng bây giờ Hải Âu chủ yếu chở heo và gà. Một chuyến Hải Âu chỉ được mươi người khách là những chủ hàng, còn lại là heo Quảng Nam và gà Quảng Ngãi. Sự lưu thông hàng hóa này giúp cho chúng tôi có việc để làm, kiếm được chút đỉnh, mặc dù lúc bưng vác bị phân heo, phân gà vung cả lên người.

Tôi ngồi hút thuốc lá vặt dưới gốc một cây thông già, nhìn đêm và mọi người vật vờ trước mặt, thấy hay hay ! Ở cái thành phố xinh đẹp này, người ta thường nhắc đến đêm với hương hoàng lan, với tiếng dương cầm, với ly rượu thơm bên những lọ hoa hồng… Còn với tôi bây giờ, khói thuốc quyện vào sương, ánh đèn đường đỏ quạch, tiếng cá quẩy dưới hồ, lao xao tiếng mua bán từ trong chợ, văng vẳng tiếng xe ngựa chở hàng đi chợ sớm…Tất cả những gì của đêm sâu Đà Lạt như động vào lòng tôi, sao mà thương quá !

Hoa đến ngồi cạnh, lặng lẽ ngã đầu lên vai tôi :

-Sao chú không ra đón hàng xe Quảng, chú Trí ?

Tôi nhẹ nhàng :

-Chú kiếm đủ tiền chợ rồi, bây giờ chú đang kiếm một thứ khác hay hơn.

Hoa nắm tay tôi, hỏi :

-Cháu thấy có gì hay đâu chú ? Vắng vẻ và lạnh lẽo, còn chú cháu mình như những hồn ma…

- Ừ chú cháu mình là những con ma sống ấy mà! Sao cháu chưa về ? Đã xong tiệm chưa ? Sắp đến ngày làm bà chủ sao còn ra đây ?

Hoa thực thà :

- Cháu tính ở nhà, nhưng nghe bến xe ôm mình tất niên nên ra…

- Đã ra, sao không cùng đến liên hoa cho vui ?

–Cháu có gởi chị Tư chai rượu cúng nhưng không ghé vào, cháu ngại gặp thầy Lãng !

– Thì Lãng cũng như mọi người chạy xe ôm khác thôi, có gì đâu mà ngại ?

– Chú không biết đâu…Mỗi lần gặp cháu, thầy cứ buồn buồn thế nào ấy. Cháu cảm thấy có lỗi khi phải làm nghề này, nên cháu cố gắng mở tiệm uốn tóc, một phần cũng vì thầy Lãng.

– Tính Lãng nó hơi khó vì đã quen ngày ngày đứng lớp, cháu bận tâm làm gì ?

Hoa bóp mạnh tay tôi, ghì chặt vào ngực :

- Nhưng thầy Lãng là thầy của cháu từ dưới huyện ! Suốt những năm cấp hai, cháu đều gặp thầy, dù chỉ học môn văn với thầy một năm lớp 8…

Trời ơi ! Tôi la thầm. Hóa ra họ là thầy trò của nhau, thầy một lòng bám trường, bám lớp theo nghề cho dù không đủ sống, hằng đêm phải ra chợ làm anh xe ôm, còn học trò thì đứng đường, bắt khách ! Tim tôi như thắt lại khi liên tưởng đến hình ảnh cô Hoa, học trò cấp hai nhỏ nhắn, dễ thương đang chân sáo với lũ bạn cùng trang lứa…

Trận rượu tất niên của bến xe ôm Mũi Tàu làm Tư mập nghỉ bán hôm sau. Thấy tôi đến thăm, Tư vội tung chăn, ngồi dậy : Anh Trí ngồi tạm, tháng có vài trăm nên nhà chật hẹp quá phải không anh ? –Anh thấy thế này là ổn rồi, nhà to chỉ mắc công quét dọn chứ ích gì. Tư bảo thằng bé con rót cho tôi ly nước lọc, rồi với dưới gối lấy ra gói thuốc lá mời tôi. Tôi ngạc nhiên :

- Tư hút thuốc từ hồi nào vậy ?

Tư bẻn lẻn :

-Lâu rồi ! Nói chơi chứ thuốc của anh Phẩm đó ! Chiều nay, anh ấy đến thăm em, rồi bỏ quên…

Thì ra lão Phẩm đi thăm Tư mà không rủ tôi cùng đi để còn có tí quà cho người bệnh, tôi trách thầm.

Tôi ngồi hút thuốc nhìn quanh. Hai đứa con Tư đang ngồi lặng lẽ làm bài. Thằng lớn khoảng mười tuổi thỉnh thoảng đưa ngón tay lên miệng, ra dấu đừng làm ồn khi có khách. Đứa nào trông cũng trắng trẻo, sạch sẽ, dễ thương…chả trách lúc nào Tư cũng khoe “ thằng Trung nhà em, thằng Dũng nhà em ” với một vẻ trân quý, tràn đầy hạnh phúc. Phía dưới tấm kệ gỗ bàn thờ là một khung hình khổ lớn của mẹ con Tư. Tôi buột miệng :

-Tấm hình ba mẹ con em chụp từ khi nào thế ?

Mắt Tư sáng lên :

-Gần tám năm rồi đó anh ! Anh không thấy lúc ấy em đang bồng cu Dũng sao ?

Quả tình đây là một bức ảnh đẹp, hai đứa trẻ tít mắt cười và người mẹ cũng vui không kém. Trong ảnh, người mẹ trẻ có khuôn mặt trái xoan, đôi mắt mở lớn , nụ cười mãn nguyện…khác xa với Tư mập bây giờ.

Tôi hỏi Tư một cách tự nhiên :

-Hồi đó trông em trẻ và vui quá, có lẽ chưa ra chợ đêm ?

–Hồi đó em bán chợ chiều, vừa bán vừa xem chừng công an chứ đâu có sung sướng gì anh ! Tấm ảnh này, em chụp vào mồng một tết năm ấy, lúc em đưa con đi chùa, anh thấy có đẹp không ?

-Ừ đẹp lắm ! Phải nói tay thợ này thuộc loại nghệ sĩ đây, chớp được thời điểm em và mấy cháu đang vui…

-Có thợ nào và nghệ sĩ nào đâu ! Ba mẹ con em đi một chiếc xe ôm, rồi cũng chính anh chàng xe ôm ấy chụp cho ấy chứ !

- Xe ôm nào thế ?

–Anh Phẩm chứ ai !

Tôi lại kêu trời thầm trong bụng, đêm nào tôi và Phẩm cũng gặp nhau, cũng như không có đêm nào là không ghé lại hàng của Tư, kể cho nhau nghe hàng tỷ thứ chuyện, mà chuyện Phẩm đưa mẹ con Tư đi chùa và chụp hình thì tôi chưa bao giờ nghe ai nhắc đến !


Những ngày tết là mùa kiếm tiền của cánh xe ôm vì thời điểm ấy nhu cầu đi lại rất nhiều. Đi dự tất niên, đi chúc tết, đi chùa, đi thăm mộ…cho đến những bữa nhậu gặp gỡ đầu năm thì xe ôm là phương tiện nhanh nhất lúc nào cũng có sẵn. Cánh xe ôm thường cộng cả phụ phí tết vào tiền công với nụ cười “ chúc mừng năm mới “, nên khách xe ôm thường tỏ ra dễ dãi và hào phóng. Xe ôm chỉ thực sự ăn tết từ sau mồng bốn tháng giêng, khi đã qua những ngày cao điểm, những ngày thu nhập bằng năm, bằng mười ngày thường. Không làm phu cho thiên hạ, chúng tôi “ mặc đồ tết “ nghĩa là đóng bộ nghiêm chỉnh, có anh diện đủ vét-tông, cà vạt ra dáng rất quý ông, đưa cả vợ con đến từng nhà thăm hỏi và chúc tết nhau. Nâng lên hạ xuống, vui nổ trời, lỡ say thì lăn ra ngủ không còn sợ ảnh hưởng đến nồi cơm gia đình… đó là lúc chúng tôi thật sự ăn tết.

Tôi nghỉ chạy xe từ hăm tám tháng chạp để lo việc nhà. Tôi phải lo một nồi bánh chưng, lo cả việc vệ sinh, trang hoàng nhà cửa, trong khi vợ tôi chịu trách nhiệm bánh mứt, thịt kho, củ kiệu… rồi cúng tất niên, rước ông bà về ăn tết. Tôi không thể vắng nhà vì được mẹ tôi ủy thác trong chuyện lễ nghi hương khói, đi thăm hỏi và tiếp khách đầu năm. Tôi cũng không thể vắng nhà được vì các con tôi đi làm, đi học ở Sài gòn đã đếm từng ngày để về tết. Sự có mặt của tôi ở nhà rất quan trọng đối với những người thân vì tôi là con trưởng trong nhà, là chồng là cha của vợ con tôi, vì những quan hệ lâu năm với xóm giềng… Tôi chỉ có mặt ở Mũi Tàu vào tối mồng bốn, khi đã cúng đưa ông bà xong, khi vợ tôi chuẩn bị đi dạy và các con tôi trở về thành phố.

Lãng đến nhà tôi vào trưa mồng bốn tết, vẫn áo quần nghiêm chỉnh, nhưng đi một mình với nét mặt buồn xo. Lãng báo tin Phẩm đã chết ! Cấp cứu từ chiều mồng ba, tắt thở lúc ba giờ sáng, Phẩm chết đột ngột đến không ngờ ! Lãng nghẹn ngào trong nước mắt :

-Tối mồng một, em ra chạy mở hàng cuốc đầu năm, gặp anh ấy cũng ra chạy lấy ngày. Anh ấy vẫn khỏe mạnh vui vẻ, còn hẹn nhau mồng bốn đến chúc tết anh, đâu ngờ…!

Phẩm nằm trong quan tài chưa đậy nắp, đôi mắt khép mà khuôn mặt như mỉm cười độ lượng…Tôi chợt nhớ đến anh với cái dáng cao to rất lực điền, mái tóc chớm bạc, cười rung ria mép, “ chúng mình là dân áo rách…” !

Tôi nhớ rõ lúc anh em chọn bãi để đứng :

-Khách sạn, vũ trường đã có đám “ xe ôm nhà lầu“ chuyên bắt khách cho gái, cửa chợ và bến xe là nơi của đám xe ôm có số, có giấy của Công An, thôi thì mình cứ ở Mũi Tàu này, cái chỗ “ vùng sâu, vùng xa “, xương xẩu một tí nhưng chẳng ai tranh dành, rồi đặc tên là bãi Tự do với những tiêu chí của nó. Tôi còn nhớ cả khi anh gợi ý cả bọn Mũi Tàu “chơi hụi không lãi” để có “ tiền chẵn “ cho anh em chi dùng khi cần thiết mà cho tới hôm nay Phẩm vẫn chưa nhận phần hụi của mình ! Tôi còn nhớ như in lúc anh nói về mình:

-Tao già rồi, còn đánh đấm gì, một chút dư âm của những ngày trai trẻ liều lĩnh thôi ! Tao chỉ là con cọp giấy, dọa những đứa tào lao, yếu bóng vía. Cọp giấy mà giữ được bình yên cho anh em mình thì cũng quí lắm chứ, ha…ha…ha…

Phẩm cười mở hết lòng mình ! Lúc ấy, Lãng gọi là “nụ cười rất chi Lương Sơn Bạc !”. Tôi lặng lẽ vuốt mắt, nắm tay Phẩm, thầm nói : -Vậy là hết rồi Phẩm ơi, anh về với trời đi, may ra ở cõi thiên đường hay niết bàn nào đó sẽ không có xe ôm,. Sẽ không làm ma đêm như ở Mũi Tàu nữa, linh thiêng phù hộ cho “ dân áo rách” mình nhé !

Nhang khói xong, tôi tiến đến nói lời chia buồn cùng Liên-vợ Phẩm, Trung – đứa con trưởng của Phẩm với hai đứa em nó. Những chiếc khăn tang, những đôi mắt sưng đỏ, những tiếng khóc tức tưởi và bi thảm…Bên tôi, nước mắt Lãng chảy dài. Phúc- con khóc lặng lẽ, còn Nhàn-đao- phủ vừa khóc vừa kể lể về những ngày Phẩm đã cảm hóa, dạy dỗ nó…Tôi không cầm lòng được, đến nỗi nước mắt rơi trên tay tôi, trên ngực Phẩm…

Tôi chợt thấy Tư mập đứng kép nép từ phía góc xa của căn phòng, cạnh bàn thờ gia tiên và cành đào đang nở hoa. Cu Dũng ngơ ngác nép vào chân mẹ. Hai mẹ con Tư đều chít khăn trắng ! Tư ôm chầm lấy tôi như với một người thân thiết duy nhất vừa được gặp, òa khóc :-Hết rồi anh Trí ơi ! Anh Phẩm mất thì mẹ con em làm sao đây ! Sự có mặt với khăn tang và tiếng khóc của Tư làm tôi chợt hiểu ra về một điều riêng tư mà lâu nay luôn được dấu kín. Ngay cả vợ Phẩm, cũng chỉ biết được bí mật này khi Phẩm vừa tắt thở, -…Thôi thì chung phận đàn bà, hai chị em cùng góa bụa với nhau…Liên đã nói với tôi về sự xuất hiện của Tư để nhận phần khăn tang cho mình và con như thế.

Một xe chở quan tài, một xe chở tăng ni, một xe chở các cụ lớn tuổi… chỉ thế thôi nhưng tiễn Phẩm là cả một đoàn người dằng dặc, Những người bán hàng đêm như hàng cháo, hàng bún, hàng bánh mì, sữa đậu nành, đến hàng nghêu, sò, ốc, hến, khô đuối, rượu đế…Những mối rau, mối heo gà, những người bạn ba gác, xe ngựa…cùng với đám xe ôm ngày, xe ôm đêm đủ các bến bãi trong thành phố có mặt gần hết. Hoa cùng mấy đứa bạn nghề của nó từ gái nhà lầu đến đứa gốc cây, vừa dìu, vừa đỡ Tư Mập đi phía sau đội hình gia đình của Phẩm. Những tiếng khóc bật ra, những tiếng khóc nén lại đều thành nước mắt, sao mà buốn quá ! Đúng là buồn như đám ma !

Đà Lạt-Mùa thu 2008



VVM.28.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .