Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
         


THỰC ĐƠN ĐẶC BIỆT




Nguyên bản: КОЛЫМСКИЕ РАССКАЗЫ
     (CÂU CHUYỆN TỪ KOLYMA)


     ĐÔI LỞI VỀ TÁC GIẢ VÀ TẬP TRUYỆN :
     Varlam Tikhonovich Chalamov (tên Nga: Варла́м Ти́хонович Шала́мов) sinh ngày 18 tháng 6 năm 1907 tại Vologda và mất ngày 17 tháng 1 năm 1982 tại Moscou.
      Nhà văn, nhà báo và nhà thơ, Varlam Chalamov là một người đã sống sót được sau hơn 17 năm trong Gulag.
     Ông đã trải qua phần lớn thời gian bị giam cầm từ năm 1937 đến năm 1951 trong các trại lao động cưỡng bức tại vùng Kolyma ở Sibérie , một phần là vì ông ủng hộ Leon Trotsky và ca ngợi nhà văn chống Liên Xô Ivan Bunin. Năm 1946, trước cái chết, ông trở thành trợ lý y tế trong khi vẫn còn là một tù nhân. Ông giữ công việc này trong suốt thời gian thụ án, sau đó thêm hai năm nữa mặc dù đã được trả tự do, cho đến năm 1953.
     Từ năm 1954 đến năm 1978, ông viết một bộ truyện ngắn về những trải nghiệm của chính ông trong các trại Gulag.
     Bộ truyện này được sưu tầm lại và xuất bản thành sáu tập, gọi chung bằng tựa đề Kolyma Stories (Kolyma Tales)- Câu Truyện Từ Kolyma.
     Bản thảo gốc Câu Truyện Từ Kolyma được đưa sang Mỹ năm 1966 rồi xuất hiện trên tờ New Review trong những năm 1970 và 1976. Phiên bản tiếng Nga chỉ xuất hiện trên bản in vào năm 1978 tại Luân Đôn bởi cơ sở Overseas Publications Interchange Ltd . Năm 1980, John Glad đã xuất bản Kolyma Tales từ các bản dịch của chính ông, trong đó có tuyển tập các câu chuyện. Cuốn sách tiếp theo, Graphite, cung cấp thêm những câu chuyện từ Kolyma Tales.
     Колымские рассказы (Kolyma Tales) xuất hiện lần đầu tiên ở Liên Xô vào năm 1989 và được người dân Liên Xô xếp hàng để mua.
     Vào năm 2018, phần đầu tiên của ấn bản tiếng Anh hoàn chỉnh . Bộ sách bao gồm ba tập truyện đầu tiên đã được New York Review of Books xuất bản với bản dịch của Donald Rayfield. Ba tập truyện còn lại được xuất bản tiếp vào năm 2020.
     Những "Câu Chuyện Từ Kolyma" được coi là kiệt tác của Chalamov và là "biên niên sử cuối cùng" về cuộc sống trong các Gulag.
    Toàn bộ Câu Chuyện Từ Kolyma dựa trên hai lĩnh vực: kinh nghiệm cá nhân và lời thuật lại về những câu chuyện đã nghe. Các câu chuyện dựa trên cuộc sống của các tù nhân (chính trị hoặc chuyên nghiệp) trong trại tù và mối quan hệ của họ với chính quyền. Chúng ta tìm thấy lời kể của những tù nhân đã trở nên hoàn toàn thờ ơ, mất trí trong những điều kiện man rợ, giết người và tự tử một cách vô cảm.
    Viết về việc bị giam cầm dưới chế độ Staline nhưng Chalamov chỉ đề cập một lần đến Joseph Staline trong bộ sách, chỉ một nhận xét ngắn gọn về bức chân dung lớn của Staline treo trong văn phòng của một cơ quan hành chánh. Có thể vì qúa ghê tởm khi nói đến Staline nên Chalamov không muốn đề cập tới tên của kẻ sát nhân này.
     Bộ sách được chia thành năm phần: Truyện kể Kolyma, Bờ trái, Người thợ xẻng bậc thầy, Tiểu luận về thế giới tội phạm và Sự phục sinh của cây thông rụng lá.
     Chúng tôi xin được lần lượt giới thiệu cùng qúy độc giả những "Câu Chuyện Từ Kolyma".

     TỪ VŨ


♣ ♣ ♣


S au năm 1938, Pavlov được gắn huân chương và nhận nhiệm vụ mới ở Ủy viên nhân dân Nội vụ của nước cộng hòa Tatare. Con đường đã được dọn dẹp quang đãng: tất cả các nhóm tù nhân đều được giao nhiệm vụ đi đào những chiếc mộ. Cơn bệnh đậu mùa và chứng loạn dưỡng thực phẩm ... đã nỗ lực thực hiện nhiệm vụ của chúng. Sự can thiệp qúa chậm trễ của y học đã cứu được những người có thể được cứu hay nói đúng hơn là những gì còn có thể được cứu, bởi vì những người được cứu cũng đã vĩnh viễn không là con người được nữa. Tại mỏ Djelgala vào thời này, trong số ba nghìn người lao động, chín mươi tám người đã đi làm, những người khác được miễn hoàn toàn hoặc tạm thời đưọc miễn làm việc, hoặc đăng ký trong vô số OPé và Oka.(trạm, đội phục hồi sức khỏe).

Tại các bệnh viện lớn, người ta đã ra sắc lệnh về việc cải tiến thực phẩm và công thức của Traout "để điều trị thành công, người bệnh phải được cho ăn và tắm rửa", sắc lệnh rất được phổ biến. Tại các bệnh viện lớn, một chế độ ăn kiêng đã được soạn lập với một số "thực đơn" khác nhau. Tuy nhiên vì không có nhiều sự đa dạng trong các thực phẩm nên thường xuyên bệnh nhân khó có thể phân biệt được thực đơn này với thực đơn khác vì tất cả đều gần giống nhau.

Ban quản lý các bệnh viện được phép chuẩn bị thực đơn đặc biệt nằm ngoài quy định bình thường của bệnh viện cho các bệnh nhân ở trong tình trạng đặc biệt nghiêm trọng. Số lượng tù nhân bị bệnh được phép có những thực đơn đặc biệt này không cao cho lắm, trung bình cứ một hoặc hai cho ba trăm giường.

Điều không may duy nhất cho bệnh nhân được chỉ định ăn một thực đơn đặc biệt (bánh kếp, thịt viên hoặc thứ gì đó thậm chí còn một vài thứ kỳ diệu hơn), là anh ta đã ở trong tình trạng không còn đủ khả năng để có thể còn nuốt được và sau khi liếm láp một ít thứ này hay thứ kia, những thúc ăn này từ chính cái muỗng do anh múc, anh ta sẽ bỏ muỗng rồi quay đầu đi. Anh đang là một con mồi của những cơn đau đớn vì đã qúa kiệt sức.

Theo truyền thống, chính người bạn cùng giường của anh ta mới có quyền hoàn tất những di vật "vương giả" này, nếu không thì là một bệnh nhân nào đó tự nguyện chăm sóc những người bệnh trầm trọng nhất và giúp đỡ y tá sẽ được quyền hưởng.

Đó là một nghịch lý, phản đề của bộ ba biện chứng pháp. Thực đơn đặc biệt chỉ được phục vụ khi nào bệnh nhân không còn sức để ăn bất cứ một món gì. Đó là nguyên tắc, nguyên tắc duy nhất làm cơ sở cho việc thực hành các thực đơn đặc biệt: chúng chỉ được cấp cho những người đàn ông kiệt sức nhất, bệnh họan nhất.

Vì vậy, việc phân bổ thực đơn đặc biệt đã trở thành một dấu hiệu đe dọa kinh hãi, một biểu tượng của cái chết sắp xảy ra. Lẽ ra những người bệnh phải sợ hãi những thực đơn đặc biệt này, nhưng khi đó lương tâm của những người sẽ được nhận cũng đã mờ mịt, và không phải những bệnh nhân này sợ mà chính những bệnh nhân vẫn còn có thể phán xét, vẫn còn cảm xúc khi được nhận thực đơn đầu tiên của mức thang ăn kiêng đó sợ !.

Ai sẽ được chỉ định ăn thực đơn đặc biệt ngày hôm nay?. Mỗi ngày, người quản lý trực của bệnh viện phải đối mặt với câu hỏi khó chịu này, trong đó tất cả các câu trả lời đều có vẻ không trung thực.

Thực đơn đặc biệt đã biến thành món ăn mà một người bị kết án tử hình vào trước giờ bị hành quyết yêu cầu vì đấy là ước muốn cuối cùng mà ban quản lý nhà tù có nghĩa vụ phải đáp ứng.

Nằm bên giường cạnh tôi là một chàng trai trẻ hai mươi tuổi sắp chết vì chứng loạn dưỡng đường tiêu hóa, mà lúc đó người ta vẫn gọi là "bệnh thừa vitamin".

Chàng trai trẻ khăng khăng từ chối thức ăn, cậu ta từ chối súp bột yến mạch, súp lúa mạch trân châu, bột yến mạch, bột báng. Khi cậu từ chối bột báng, thì người ta đề nghị với cho cậu một thực đơn đặc biệt.

Bác sĩ đang ngồi trên giường nói với người bệnh nhân trẻ:

- Bất cứ điều gì em muốn, Micha, bất cứ điều gì em muốn, chúng tôi sẽ làm điều đó cho em. Em hiểu không ?

Micha yếu ớt phác nhẹ một nụ cười có vẻ sung sướng nhưng không trả lời.

- Vậy em muốn gì? Canh thịt?

- Không... Micha nói, lắc đầu.

- Thịt viên? Bánh nhồi? Phô mai với mứt?...

Micha lại lắc đầu.

- Vậy thì tự em nói đi…

Micha thở dài bập bẹ.

- Cái gì? Em nói gì?, người bác sĩ vội vàng hỏi.

- Galouchki.

- Galushki?.

Micha gật đầu đồng ý rồi mỉm cười thả lưng xuống chiếc gối. Bụi cỏ bay tung ra khỏi gối.

Ngày hôm sau, món galouchki đã được chuẩn bị cho Micha.

Như một ngọn đèn dầu lửa trước khi cạn hết dầu, lúc này Micha trở nên linh hoạt hơn, chàng trai trẻ run run cầm chiếc thìa, múc một miếng galushka từ chiếc  gà-men  đang bốc khói, liếm nó.

- Không, tôi không muốn, không ngon.

Và ngay tối hôm đó Micha chết.

Bệnh nhân thứ hai được hưởng lợi thực đơn đặc biệt là Viktorov, người bị tình nghi ung thư dạ dày. Anh ta đã được chỉ định cho ăn thực đơn đặc biệt cả tháng nay, và làm cho những bệnh nhân chung quanh giận điên người vì anh ta ... không chịu chết: thực đơn quý giá đó sẽ được trao cho người khác. Viktorov không ăn gì, và cuối cùng anh ta chết. Thực sự thì anh không bị ung thư dạ dày mà đó là dạng suy kiệt phổ biến nhất, chứng loạn dưỡng cơ.

Khi bệnh nhân Demidov được chỉ định cho một thực đơn đặc biệt sau ca phẫu thuật viêm xương chũm, anh ta đã từ chối:

- Tôi không phải là người ốm yếu nhất trong phòng bệnh này.

Anh ta dứt khoát từ chối, không phải vì thực đơn đặc biệt có gì đáng sợ. Không, Demidov tự cảm thấy rằng anh ta không có quyền lấy khẩu phần ăn như vậy, khấu phần đó vốn có thể hữu ích cho những bệnh nhân khác. Một cách chính thức các bác sĩ đã muốn làm điều tốt cho Demidov .

Đó là thực đơn đặc biệt./.

                                                       ♣ Mời đọc tiểu sử của VARLAM CHALAMOV ♣



VVM.24.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .