Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TUỔI THƠ LẶNG LẼ



S au hai lần bị ném bom, ngôi nhà gỗ lim của ông nội cháy trụi chẳng còn gì ngoài cái nền đất đen thui. Ba má tôi với sự giúp đỡ của bà con làng Nghĩa An dựng lên một nếp nhà tre. Dựa vào góc vườn, sát bên đoạn hào tăng xê, cách biệt với hàng xóm, ngôi nhà trông thật cô đơn. Tuổi thơ của ba anh em tôi, lặng lẽ trôi qua quanh ngôi nhà đó.

Mỗi sáng thức dậy tôi thường bắt đầu bằng việc nhìn lên trời xanh, xem có máy bay Pháp xuất hiện hay không. Tôi chỉ biết quân Pháp độc ác qua hình ảnh Tây đi càn do anh chị thanh niên ban Văn Nghệ biểu diễn trong đêm lửa trại, dưới ánh sáng đèn mù u và cây duốc bện xác mía. Đuốc cháy phừng phừng lúc to lúc nhỏ, khán giả chen nhau, xem kịch lúc rõ lúc mờ. Thằng Tây nào mặt mày cũng đầy râu, dữ tợn… Nói xi lô xi là, chỉ chỏ tứ tung, rồi nhau kéo vào làng bắt gà( bên trongsân khấu) bỏ vào túi quần to bự. Khi chạy trở ra thì hai thằng Tây sập hầm chông, khóc váng trời. Vở kịch kết thúc - chị dân quân cầm gậy dẫn thằng Tây hai tay giơ quá đầu. Quân ta thắng lớn. Khán giả hoan hô dậy trời… Bọn trẻ chúng tôi căm thù giặc Pháp dù chưa bao giờ nhìn thấy. Mảnh sân trước nhà, dưới bóng mát của cây mít già là thế giới riêng của ba anh em tôi khi cha mẹ đi vắng, là nơi chúng tôi bày ra đủ trò của tuổi thiếu niên. Chúng tôi hay diễn lại vở kịch của người lớn: Chống Tây đi càn

Hôm nào nghỉ học thì tôi phải ở nhà trông em. Trước khi quảy gánh đi chợ má tôi thường mở khóa rương đựng gạo, xúc đầy một lon( sửa), giao cho tôi nấu cơm cho ba anh em.Tôi đặt lon gạo lên bàn và lấy cái nón lá úp lại.

Tôi là thằng bé hơn mười tuổi, mắt to, đen nhẽm, nghịch ngợm. Thằng em kế tôi da trắng, nói ngọng, hay khóc nhè. Thằng thứ ba, sáu tuồi, èo ọt, thích bắt chước làm theo hai thằng anh. Vì tách biệt với bọn nhỏ trong xóm nên ba anh em chơi thân với nhau và đứa nào cũng hiếu động.

Hôm ấy, vừa giao cho tôi lon gạo, má vội quảy gánh hàng ra ngõ. Tôi mừng rơn vì được tự do! Chỉ còn lại ba anh em, con chó Mực nằm mắt hướng ra đường, và đàn gà con kêu chiêm chíp theo gà mẹ, kiếm ăn quanh bếp. Đặt vội lon gạo lên bàn, quên lấy nón lá đậy lại , tôi gom hai thằng em , ra giọng đàn anh, phân việc:

- Thằng Ba lấy dao chặt tàu chuối làm súng . Thằng Tư lấy chiếc chiếu ra đây để dựng sân khấu. Tao kết nón lá mít làm lính Tây . Hôm nay diễn kịch “ Chống Tây đi càn”.

Hai thằng em “dạ” ran, khoái chí.

- Mấy súng anh Hai-? Có làm cho thằng Tư không? Nó không biết bắn mà”- .Thằng Ba hỏi

- Ba súng, cho cả thằng Tư nữa. Tao làm nón lá mít xong rồi nè- Trả lời thằng Ba , tôi treo ba cái nón lá mít, hình thù méo mó lên nhánh cây mít già.

Chuẩn bị thì lâu nhưng vở kịch “ Chống Tây đi càn ” diễn ra rất ngắn gọn. Thằng Ba, lấy lọ nồi quệt vào mặt làm râu, đóng vai lính Pháp. Nó nói xi lô xí là, chạy bắt gà rồi giả vờ bỏ vào túi quần .Vừa lúc ấy thì tôi và thằng Tư làm quân ta cầm súng tàu chuối từ gốc mít xông ra, miệng “ pằng… pằng” . Thế là Tây đi càn, thua chạy. Gần giống vỡ diễn của văn nghệ xã trong đêm lửa trại hôm kia, nhưng đơn giản hơn nhiều.

-“ Còn thiếu cảnh Tây sụp hầm chông anh Hai ơi !” Thằng Ba nói.

-“ Ờ…Anh em mình đào hầm đi” Tôi chạy vô bếp lấy hai cái dao, rồi đưa cho thằng Ba một chiếc.

Hai anh em hì hục đào một hố to hợn bàn chân người lớn, sâu quá đầu gối, rồi đặt mấy nan tre, lót lá mít lên, phủ cát lại, ngụy trang, trông giống như mặt đường bình thường. May là nền đất cát nên hai anh em đào khá nhanh.

Vừa lúc đó thì nghe tiếng gà tục tục liên hồi trên bàn, tôi vọt vô đuổi đàn gà đang quay quanh lon gạo. Nhìn vào lon gạo,than ôi! chỉ còn lưng phần ba. Tức quá, tôi lấy cái dao ném con gà mẹ. Cái dao bay vèo, gà nhảy tưng lên, hất lon gạo đổ xuống đất. Tôi vừa quệt nươc mắt vừa lấy chổi quét, gom gạo dưới nền nhà. Còn lại đúng một nắm. Mặt trời lên cao, nóng rực. Quên luôn trò chơi Tây sụp hầm chông, tôi vội vo nắm gạo và bắt nồi lên nấu cháo. Cháo loãng thếch. Múc ra hai chén, gắp mắm cái* từ cái hũ sành, vớt giòi* ra, nêm mắm vào cháo. Trưa đó, thằng Tư nhỏ nhất được một chén cháo đầy; thằng Ba lưng chén; tự biết lỗi, tôi chỉ vét cháo còn dính lại trong nồi. Chờ hai đứa ăn xong tôi dặn:

- Cấm mét chuyện này cho má, nghe chưa? Thằng nào không nghe lời thì tao không cho chơi trò đánh Tây - Hai đứa miễn cưỡng gật đầu. Tối hôm đó ba, má cùng về nhà và tôi bị một trận đòn nên thân không phải vì chuyện lơ đãng để gà ăn hết gạo, bắt các em ăn cháo.( Hai thằng em không khai báo với ba má chuyện này). Tôi bị đòn vì một nguyên do khác.

Số là, chiều hôm đó, chị Oanh, con bà dì Bảy ở đầu ngõ, đội thúng lúa lên nhà tôi để xay nhờ gạo( cối nhà chị bị gảy càng) . Đến gần gốc mít trước sân thì chị Oanh sụp một chân xuống cái hầm tôi đào ban trưa , mà quên chưa lấp lại. Chị té nhào, cả thúng lúa tung tóe ra sân. Thấy chị Oanh sập hầm, thằng Tư Út khoái chí reo lên: “ Sụp hầm rồi, hoan hô”. Tôi sợ quá, trốn luôn trong nhà. Chị Oanh vừa khóc vì đau chân vừa lầm bầm: “ Đồ mất dạy, tao mét cha mẹ bay, đánh nát xương…”. Bị ba đánh cho gần chục roi đau quắn, tôi bỏ trốn trong đêm lên nhà bác Tám. Mãi hai ngày sau tôi mới mò về nhà. Thấy tôi, má giận lắm, nhưng không la mắng gì. Và tuổi thơ lặng lẽ trôi qua…

Sau này chị Oanh lấy chồng là chuyên gia hàng không người Pháp vùng Vichy. Chúng tôi vẫn gặp nhau trên facebook. Vào dịp Têt chị Oanh hay về thăm quê. Khi lên nhà thăm ba má tôi chị vẫn cố tránh xa cây mít nơi chị bị sập hầm mà anh em tôi dào để chơi trò chống Tây đi càn thuở nhỏ.

Chú thích: - Mắm cái: mắm làm bằng cá cơm nguyên con




VVM.23.6.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .