CHƯƠNG I : LÀNG
K iên sinh ra và lớn lên ở một làng quê thuần nông. Tên làng là thôn Phú Thịnh xã Phú Cường. Các cụ bô lão của làng muốn dân làng mình, con cháu mình đời đời kiếp kiếp giầu có thịnh vượng hùng mạnh nên đặt tên làng tên xã như vậy chăng? Kiên có được nghe các cụ kể lại: Xa xưa gọi là Trang Thanh Lãng (Sóng sanh) Thanh Trì (Đầm sanh) sau đến thời Trần - Lê được đặt tên nhị xã Thanh Lãng Thanh Trì, tổng Thanh Lãng, huyện Tiên Phong, Phủ Quảng Oai, Trấn Sơn Tây (Xứ Đoài). Phú Thịnh là vùng bài bồi được tạo nên từ hàng triệu năm trước, nơi hợp lưu của 3 dòng sông, hữu ngạn dòng sông Hồng phía dưới là sông Thao, sông Đà, phía trên là sông Lô chảy vào sông Hồng. Thời Vua Hùng nơi đây là những hồ nước, bãi bồi trải dài từ Bắc xuống Nam xen kẽ có những dòng chảy nối sông qua làng. Từ đầu làng có các xứ Chỗ Xã, Giộc Gio, Giộc Mạt, Gò Đồng, Giộc Gi ang chảy qua nền đình vào Chằm Cố. Tục truyền trang Thanh Lãng được nổi lên giống hình Phượng đeo kiếm, trang Thanh Trì có dáng hình Hổ thú.
Làng Phú Thịnh ngày nay là làng văn hóa có hơn 40 dòng họ, có trên 600 hộ gia đình, gân 3.000 nhân khẩu với nghề thuần nông là trồng lúa và làm màu. Nơi đây được gắn với nền văn minh lúa nước cách trung tâm lúa nước có tên gọi Minh Nông (Việt Tri) có Làng Lú (Nú) - gọi chệch của chữ Lúa chỉ cách nhau dòng sông Hồng. Kiên còn được nghe trước khi có tên Phú Thịnh, Phú Cường làng Kiên còn có tên gọi phe Thanh Lãng - phe Thanh Trì… Kiên cũng chẳng hiểu tại sao các các cụ nhà mình lại gọi nhau là “phe”. Không hiểu có phải gọi phe phái để phân biệt đẳng cấp không? Phe Thanh Trì giầu có hơn, còn phe Thanh Lãng nghèo hèn hơn. Khi lớn lên Kiên đã được nghe ông già bà cả truyền khẩu nhau: Thanh Lãng trống thủng chuông rè. Cả họ toét mắt cả phe kèm nhèm. Nhang án ba chân gỗ, một chân tre…
Bây giờ xã Phú Cường cũng có hai thôn, Thôn Phú Thịnh, thôn Chiểu Dương…
Làng Phú Thịnh nằm trong con đê. Con đê được đắp lên để ngăn nước sông Hồng. Đầu làng cuối làng có điếm canh nước. Nói về con đê Kiên đã được học sử, Kiên biết hệ thống đê điều ở nước ta được vua Trần Thái Tông quan tâm từ năm 1248: “Để bảo vệ tài sản cũng như ruộng đồng Trần Thái Tông đã ban lệnh đắp đê phòng lụt từ đầu nguồn đến tận bờ biển gọi là đê Đỉnh Nhĩ (quai vạc). Đặt quan Hà đê chánh sứ, phó sứ trông coi việc đê điều..”.
Làng Kiên được bao bọc bởi lũy tre, có cổng làng cũng làm bằng tre, chống lên hạ xuống khi cần thiết. Có điếm canh gác cổng làng, cũng là nơi trú chân cho các bác thợ cày, các bà các cô đi cấy nhưng còn quá sớm cổng làng chưa mở.
Cánh đồng làng Kiên rộng thẳng cánh cò bay, cứ mỗi khi gặt hái xong, những thửa ruộng gần lũy tre làng, được dân làng đem gà ra thả để chúng nhặt thóc rơi, còn tụi trẻ thả trâu bò cho chúng gặm cỏ, chia hai phe dùng đất ném nhau hò hét ầm ĩ, hoặc đánh khăng, đánh chắt. Những anh con nhà giầu chơi thả diều sáo kêu vu vu vang vọng cả khoảng trời thật thích thú hoặc cưỡi ngựa phi theo bờ làng trông thật oách.
Theo chân những con trâu con bò đang thanh thản gặm cỏ là những chú cò trắng nghiêng nghiêng ngó ngó bắt ruồi muỗi, xa xa khoảng giữa cánh đồng là những đàn Sếu hàng trăm con vừa xà xuống nhặt thóc rơi vừa kêu “ta… ac, ta..ac” thật vui tai.
Kiên được nghe các lão nông trong làng gọi tên các khu vực đồng làng với cái tên hay hay, ngồ ngộ: Gò Sương Rồng, Gò Mưa Bui, Quán Đổ, Quán Mới, Chằm Cố. Ở Chằm Cố có một khuôn viên có nhà cửa kiến trúc theo kiểu Tây bằng gạch, có trồng tre bao quanh, dân làng kể đây là nhà cửa của các vị cố đạo đến ở để tuyên truyền thành lập làng đạo giáo ở vùng này.
Giữa cánh đồng làng nổi lên một xóm trại khoảng có 30 nóc nhà, các cụ kể dân ở xóm trại là những người dũng cảm đã nhiều lần đánh tan tác bọn cướp bằng những chùm lưỡi câu quăng ra, có những cái tên nổi danh như ông Ba Lư, Ông ba Hảo, Bà Ký Phục…
Sau ngôi đình Đương là khu rừng Cấm mà dân làng gọi là Gò Đống, có những cây Nhội to, dây dợ chằng chịt. Người ta nói Gò Đống là nơi đất tốt, đã có gia đình giầu có đêm đêm ra đào huyệt chôn trộm mồ mả nhà mình để hy vọng phát lộc phát tài. Ngoài Đình Đương, còn có Đình Bắc, Đình Đoài, Đình Thượng, Văn Chỉ… Cột đình nào cũng hai đứa trẻ ôm mới xuể.
Ngôi chùa làng nằm nép vào chân đê, trông thật bề thế. Có thờ Ông Ác Ông Thiện với đôi mắt sáng quắc, có thờ Phật nhịn ăn để mặc, người gầy nhom, thờ Phật nhịn mặc để ăn béo mẫm.
Cổng làng có cây gạo mọc nghiêng gốc to xù xì 4 đứa trẻ ôm mới xuể, hằng năm đều ra hoa kết qủa, hoa gạo đỏ rụng đầy dưới gốc cây, những hoa kết quả treo lủng lẳng trên cành, quả già nứt toác những lọn bông gạo trắng phau bay lả tả theo chiều gió vể phương trời xa thật bắt mắt…
Những tối mùa hè thanh thiếu niên trong xóm gần cổng làng thường ra cổng làng để tụ tập hóng mát tán tỉnh, nói chuyện và hú gọi ma trơi đang lập lòe dưới khu Chầm Cố…
Phú Cường là xã có truyền thống cách mạng, được Nhà nước phong tặng “Đơn vị Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Pháp”. Ở đoạn sông làng có nhiều cán bộ, du kích đã hy sinh khi vượt sông về hoạt động.
Cả 2 thôn Thanh Chiểu và Phú Thịnh đều được công nhận là Làng văn hóa. Một nét đẹp văn hóa mà người dân nơi đây duy trì nhiều năm là truyền thống ăn Tết Độc lập, mừng ngày Quốc khánh 2-9. Các thế hệ người dân xã Phú Cường đang lao động, sản xuất tại địa phương cũng như con em đi công tác xa đều tự hào về quê hương mình vì duy trì được ngày Tết Độc lập rất có ý nghĩa, thể hiện tinh thần dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước.
Ở xã Phú Cường còn có một nét văn hóa độc đáo nữa là truyền thống ăn tết ngày Giỗ Tổ Hùng Vương 10-3 âm lịch, trong khi các nơi khác lại ăn tết vào ngày 3-3 âm lịch (Tết Hàn Thực)…
Trong ngày Tết Độc lập, người dân xã Phú Cường thường nấu bánh chưng, bởi nếu không có bánh chưng thì không phải là Tết. Nếu như trong ngày Tết Nguyên đán, bà con thường gói bánh chưng bằng lá dong, thì trong ngày Tết Độc lập, bánh được gói bằng lá chuối.
Những đòn bánh chưng hình tròn mịn màng, thơm dẻo cùng với các món chế biến từ thịt lợn được bày ra đĩa để thắp hương tổ tiên. Sau đó, các thành viên trong gia đình cùng nâng cốc chúc sức khỏe và mừng ngày Quốc khánh.
Mỗi người con xã Phú Cường đi công tác xa đều ghi dấu kỷ niệm về ngày Tết Độc lập, nét đẹp văn hóa của quê hương - nơi có cánh đồng lúa thẳng cánh cò bay và những vườn táo trải dài ven sông Hồng.
Kiên là đứa con trai nhà nghèo, thuộc diện con một nên được chiều chuộng hết mức. Bố Kiên làm thợ sơn, suốt năm tháng vắng nhà, chỉ về nhà những ngày giỗ tết rồi lại đi biền biệt, bố Kiên có người em gái tên là Y. Nguyễn Thị Y… nhưng rồi đi đâu làm gì cũng chẳng ai biết, người thì bảo cô đi Sài Gòng, người thì bảo đi Xiêm, Kiên chỉ được nghe nói có 2, 3 lần bà gửi tiền về cho gia đình rồi không thấy nữa, người ta đồn bà đã chết mất xác ở đâu đó.…
Mẹ Kiên cũng chỉ ở nhà khi làng bắt đầu vào mùa vụ cày cấy, gặt hái, đập đất làm màu, khi xong lại đi làm thuê ở xa xứ hoặc làm vú em nuôi con người ta. Đôi khi cũng làm hàng xáo một thời gian năm bữa nửa tháng. Kiên có hai chị gái, nhưng khi Kiên lên chín lên mười thì hai chị đều đi lấy chồng. Dân làng kể hai chị hoàn toàn khác tính khác nết nhau, chị cả thì hiền lành, chị hai thuộc loại đáo để.
Nghe mẹ Kiên nói bà sinh nở nhiều lần nhưng đều bị chết yểu. Kiên cũng có người em gái đặt tên Lũng, khi lên 4 tuổi em cũng ra đi. Lúc đó Kiên đã lên 8 tuổi, khi em chết Kiên đã gào lên và khóc tức tưởi bắt mẹ phải đẻ em cho Kiên. Sau này Mẹ nói vậy!…
Ông bà nội chết sớm. Mẹ Kiên thường đón bà ngoại về chăm sóc cơm nước cho Kiên. Trong một lần Kiên ngủ với bà, Kiên đã bị một cơn ác mộng: trước mặt Kiên là một con người khô đét những cái xương khô khốc ghép lại với nhau, đến đứng cạnh giường Kiên, nhìn Kiên với đôi mắt sâu hoắm, nhe những cái răng dài đen và cười “hềnh hệch” với Kiên, rồi dùng hai bàn tay xương xẩu xoa xoa vào mặt Kiên, Kiên đã thét lên…
Cũng từ hôm ấy ngủ với bà Kiên rất thính, bà dậy là Kiên cũng dậy theo, bà đi đâu Kiên đi đấy, sau đó Kiên đã mắc tiếng oan, bà đã nói với mẹ Kiên: “Thằng con chị nó ghê gớm lắm nó sợ tôi lấy cắp của nả của nhà chị nên tôi đi một bước nó theo một bước”… Mẹ chỉ cười vì Kiên đã kể cho mẹ về cơn ác mộng rồi.
Mẹ Kiên nói Bố Kiên cũng thuộc “typ” đàn ông đào hoa lắm đi làm thợ đã có vợ theo về, nhưng cũng chỉ ở nhà được mấy tháng rồi cũng bỏ đi vì nhà nghèo ăn đói. Mẹ Kiên nói bà ấy gọi mẹ là chị, hai người đã hợp sức trồng được năm cây cau trước nhà.
Bố Kiên cũng vào loại có học ít nhiều, biết xem sách chữ nho và chữ quốc ngữ, sách Tử vi Tướng số. Bố đã dạy Kiên những câu châm ngôn: “Công cha như núi Thái sơn, công mẹ như nước trong nguồn chảy ra, một lòng thờ mẹ kính cha, Giữ tròn chữ hiếu mới là con ngoan”. “Muốn sang thì bắc cầu Kiều, Muốn cho hay chữ phải yêu mến thầy”. “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư”. “Ăn vóc học hay”, “Thương người như thể thương thân”, “Lá lành đùm lá rách”, “Lành cho sạch rách cho thơm”… từng câu chữ trong châm ngôn đều được bố Kiên giảng giải kỹ lưỡng.
Khi dạy chữ những buổi sơ khai bố Kiên đọc những câu ca rất vần để cho Kiên dễ nhớ: Để nhớ các chữ i, t; o,ô; o. a bố Kiên dạy: “i, t có móc cả hai- i ngắn có chấm (.) - t dài có ngang (-).” “O tròn như quả trứng gà - Ô thì đội mũ (^) - Ơ là thêm râu (’). “o, a hai chữ giống nhau - Chữ a khác bởi móc câu bên mình”…
Bố đã dạy Kiên về nhận biết các loại dấu “Huyền ngang (-) sắc dọc (/), Hỏi còm (?), Nặng tròn chấm dưới (.), Ngã cong đôi đầu (). Khi tập viết bố Kiên đã mua vở về viết chữ bút chì cho Kiên tô.
Khi Kiên đi học đã hỏi bố, những con số “không” nằm giữa những con số khác gọi là gì, bố Kiên đã trả lời không cần suy nghĩ bảo đọc là “linh” rồi bố Kiên ví dụ cho Kiên hiểu, nếu thấy con số “một- Không- Hai” (102) thì đọc là một trăm linh hai. Kiên lại hỏi thế là con số “Một-Không-Không-Hai” (1002) thì đọc thế nào… Bố Kiên lại trả lời, đọc là một ngàn linh trăm linh chục hai đơn vị, bố còn nói thêm cứ đọc con số không là linh, Kiên lại hỏi, thế những con số “không” (0) đứng trước thế nào? Bố cười: Thì con cứ vứt nó đi…
Bố Kiên cũng có một giá sách truyện, Kiên biết chuyện Trạng Lợn, Trạng Quỳnh, Bợm lại mắc Bợm, Tấm Cám, Phạm Công- Cúc Hoa, Phạm Tải - Ngọc Hoa, Tống Trân - Cúc Hoa, Truyện Kiều... từ cái giá sách của bố. Và có lẽ cũng vì thế lớn lên Kiên thích xem báo xem chuyện và thích viết là vậy. Bố Kiên cũng là một Đảng Viên Đảng Lao động Việt Nam.
Bên cạnh nhà Kiên là một nhà giầu, có nhà khách, có nhà thờ, có nhà ngang cửa khém cho người ở ra vào, có hai người con trai đều biết tiếng Pháp, đều theo nghề dạy học. Nhà to sân gạch rộng, chiều chiều tụi trẻ con hàng xóm được tự do chạy nhảy hò hét đánh trận giả trong cái sân rộng mệnh mông ấy. Kiên có hai cái sẹo ở má, ở cằm là chứng tích những cuộc rượt đuổi nhau ở cái sân này.
Tám tuổi Kiên được mẹ cho đi học. Bạn học Kiên thời đó là Thành, là Vu, là Thụ… cứ mùa hè là chúng kéo nhau đi vào các khu vườn người ta để xục xạo tổ chim. Sau này Thành đi bộ đội, lon trung tá thì về hưu, Vu làm công nhân xây dựng khu công nghiệp Việt Trì, Thụ là con nhà giầu nên về Hà Nội học, sau trở thành kỹ sư Hóa chất làm việc ở nhà máy Cao Su Sao Vàng… Kiên tuy mọi người cho là nhanh nhẹn, nhưng vào loại lười, ham chơi hơn ham học, đến lớp nhiều khi bài không thuộc, chỉ mong sao thầy giáo không hỏi bài là mừng. Nhưng là học sinh làm sao mà tránh được chuyện thầy không hỏi bài… Một lần thầy gọi hỏi bản cửu chương: 3 lần 7 bao nhiêu? Kiên trả lời một cách thông thạo: Thưa thầy 21 ạ. Thầy hỏi tiếp với giọng có nhấn mạnh đôi chút xem trò có nhanh trí hay không: Thế 7 lần 3… Kiên trả lời một cách rứt khoát tỉnh bơ, ráo hoảnh: Thưa thầy bản cửu chương bẩy thầy chưa bảo học, cả lớp đã cười ồ về câu trả lời ngô nghê của Kiên.
Một lần khác thày gọi lên bảng đọc bài. Kiên đã nói dối thầy một cách cũng ráo hoảnh: Hôm ấy con nghỉ ạ! Thầy ngạc nhiên vì xem sổ điểm danh Kiên không vắng. Thầy giáo bảo Kiên đem vở cho thầy xem… Vở của Kiên được mẹ đóng cho loại giấy mỏng tang nên thầy phải dở đi dở lại ba bốn lần mới thấy. Kiên đã mừng hụt… Thầy đã tìm được bài chép, bảo Kiên nắm tay lại để lên bàn, thầy dùng thước kẻ quất cho 3 cái, quất cái nào thầy đều nói “nói dối này”. “nói dối này” Khi nghỉ ra chơi, Kiên tỉnh bơ nói với bạn bè: Nếu tao xé rồi đố thầy tìm thấy… Khi lên lớp 3 Kiên cũng bị phạt quỳ một lần vì tính hài hước… Ấy là khi cô giáo viết bài trên bảng, trong bài có chữ “mèo”, nhưng dưới chữ “mèo” ở vị trí chữ “e” lại có cái mũ đinh đọng đầy bụi phấn trông như cái dấu nặng, mặc dù cô đã đánh dấu huyền. Thằng bạn ngồi cạnh cũng có tính hài hước như Kiên hỏi: chữ gì mày? Kiên trả lời không cần suy nghĩ: con “mẹo” mày! Cô giáo ngừng tay, quay xuống hỏi Kiên đọc lại cô nghe… Kiên vẫn lớn tiếng: mờ eo meo nặng mẹo ạ!... Mặt cô đỏ bừng, cô giáo bảo Kiên đọc lại lần nữa, vì bướng bỉnh Kiên vẫn đọc như vậy… Kiên bị cô giáo gọi lên cạnh bảng phạt quỳ…
Năm 1948, giặc Pháp nhẩy dù xuống làng Kiên nơi giáp danh hai thôn, thôn Phú Thịnh và thôn Chiều Dương, ban đầu cả làng có chạy tản cư sang vùng tự do ít bữa, nhưng vì cuộc sống nơi tản cư khó khăn quá lại bàu đoàn thê tử kéo nhau về.
Chúng nhẩy dù và xây bốt trên triền đê khoảng đất trống nằm giữa hai thôn. Về phía sông là bãi dâu của người dân trồng dâu nuôi tằm, chúng bắt phá đi và làm sân bay loại nhỏ cho máy bay bà già từ Gia Lâm lên hạ cánh. Dân trong vùng gọi là bốt Chiểu Dương… Kiên cũng chẳng hiểu tại sao lại không gọi bốt Phú Cường? Vì bố là Đảng Viên nên được giao nhiệm vụ có trách nhiệm giúp đỡ nuôi dấu cán bộ hoạt động nằm vùng. Cũng từ khi có bốt giặc, từ đầu làng đến cuối làng, đã hình thành con đường đi của cán bộ, du kích, dân làng gọi là đường giao thông cù. Một khi có động là cán bộ có thể rút theo con đường đó từ cuối làng về đầu làng và ngược lại.
Nhà Kiên phải đào thêm một cái hầm bí mật nữa để nuôi dấu cán bộ. Nói đào thêm vì ngoài vườn đầu nhà đã có một cái hầm công khai dùng trú ẩn máy bay và tránh mũi tên hòn đạn lạc rồi. Hầm bí mật lần này được đào trong nhà, dưới nền chuồng nuôi bò, có làm nắp cẩn thận rất tinh vi, người ngoài nhìn khó mà biết có hầm… Những đêm đào hầm Kiên cũng được thức để xem cho đến lúc buồn ngủ thì thôi, bố mẹ chỉ nhắc là không được nói chuyện với ai.
Trước đó để hàng xóm không biết nhà Kiên đào hầm bí mật nuôi dấu cán bộ nằm vùng hoạt động, bố mẹ Kiên đã thuê thợ đến đào ao ngay trong vườn nhà nói là để thả bèo nuôi lợn và nuôi cá. Cứ đêm đến bố mẹ Kiên mới tiến hành đào, đất cho vào giành và từng giành được bê đi đổ xuống ao… Khi hầm bí mật được đào xong là có cán bộ đến ở ngay. Người đầu tiên đến ở là anh cán bộ trẻ có tên là Chí, anh Chí trắng trẻo sinh trai, hàng ngày anh thường giúp bố vót đũa vót nan đan giành sọt để mẹ đem đi chợ bán lấy tiền. Sau đó là một người già hơn, giới thiệu tên là Thân, tối tối thường ngồi viết cái gì đó, được bố Kiên coi là người em đặt tên là Bát, vì ốm đau được ông anh là Bố đem về chăm sóc thuốc thang. Bố cũng dặn dò với Kiên là không được nói với ai. Khi có động là cán bộ phải nhanh chân rút xuống hầm. Bố hoặc mẹ phải vào ngụy trang nắp hầm.
Cũng thời gian này bố mẹ Kiên được cán bộ kháng chiến đến tuyên truyền bàn bạc cho Kiên được ra vùng tự do học, hồi đó Kiên đang theo học lớp 4 do thầy Nguyễn Ngọc Xước nhà giầu bên cạnh nhà Kiên giảng dạy. Thầy giáo Xước biết chuyện này đến nói với bố mẹ Kiên: Ông bà chỉ có mình cậu là con trai, tôi nghĩ ông bà nên để cậu ấy học trong này cũng được, ra ngoài ấy (ý nói ra vùng tự do) 2 cộng 2 là 4, trong này cũng 2 cộng 2 là 4 cho đi như kiểu con tin, xa nhớ…
Cán bộ kháng chiến biết có lời khuyên này nên đã đến hối thúc bố mẹ Kiên không nên thay đổi ý kiến. Kiên và số bạn bè đã được sắp xếp ra vùng tự do bằng thuyền, đi vào lúc 11 giờ một đêm trời không trăng sao… Thuyền đi một cách lặng lẽ, không có Thành đi cùng… Mái chèo buông xuống nước rất nhẹ. Dòng sông lặng lờ êm trôi. Kiên biết Sông Hồng còn có các tên gọi khác nũa là Hồng Hà, là sông Cái. Đoạn chảy qua Phú Thọ gọi là Sông Thao, đoạn qua Hà Nội còn gọi là Nhị Hà. Sông Hồng bắt nguồn từ vùng núi tỉnh Vân Nam, Trung Quốc. Sông Hồng chảy vào lãnh thổ Việt Nam qua thủ đô Hà Nội rồi đổ ra biển Đông Đồng bằng nằm ở hạ lưu. Phụ lưu chính của sông Hồng là sông Đà, sông Lô. Nước sông Hồng về mùa lũ có màu đỏ - hồng do phù sa, đây cũng là nguồn gốc tên gọi của nó.
Phù sa sông Hồng giúp cho đồng ruộng thêm màu
mỡ. Do lượng phù sa lớn mà lòng sông luôn bị lấp đầy
khiến cho lũ lụt thường xuyên xảy ra, vì thế mà hai bên
bờ sông người ta đã đắp lên những con đê để tránh lũ lụt
ngăn nước tràn vào dồng ruộng làng mạc.