N hân ngày Father’ Day và sắp tới đây tôi có kỷ niêm 50 năm ngày khóa 26 VB Đà Lạt ra trường; tôi bâng khuâng tưởng nhớ lại Ba tôi,- người luôn giữ trong lòng mình , một tình yêu Võ Bị… sâu xa.
Ba tôi rời xa quê hương Nghệ An từ lúc 18 tuổi khi còn là một thư sinh. Vào nam rày đây mai đó, khi làm công nhân đồn điền cao su ở Buôn Mê Thuột; rồi lên Đà Lạt với đủ thứ nghề: thư ký tòa án, thợ may và cuối cùng là thợ cơ khí ở Trường Võ Bị Đà Lạt
Nhìn những bộ quân phuc của các Sinh Viên Sĩ Quan làm tăng vẻ kiêu hùng của những thanh niên này, ba tôi rất thích nhưng chỉ để ngắm nhìn vì ba tôi nhỏ con, mặc dù trình độ văn hóa đủ đáp ứng yêu cầu
Cho tới khi Ba tôi lâp gia đình và sinh ra tôi, ba tôi vẫn nuôi ước vọng có một ngày tôi được thành người sĩ quan Đà Lạt. Điều đó thể hiện rõ khi ba tôi xin được bộ đồ dạo phố mùa đông của Sinh Viên may bị lỗi về cặm cụi sửa cho tôi mặc tết. Qua đường kim, mũi chi vô cùng khéo léo của ba , tôi có bộ đồ mặc tết độc đáo năm lên 5 tuổi.( Có đầy đủ mũ kê- pi, cũng do ba tự làm ).
Có lẻ cũng ấn tượng về mái tóc hai phân gọn gàng của mấy chàng Sinh Viên nên từ lúc cắp sách đi học cho hết Đệ Nhị cấp ( cấp 3 ), đầu tóc tôi luôn là demi- court, do ba tôi hớt. Ông mong một ngày nào đó , tôi sẽ theo binh nghiệp, nhưng nhất là được vào Võ Bị Đà Lạt.
Năm 1969, tôi bị động viên sớm khi chưa có kết quả thi tú tài 2, tôi đi Thủ Đức được vài tháng thì ở nhà ba tôi nhận được giấy báo tôi đậu tú tài2 . Ba tôi,- lúc này tuổi đã lớn,- nhưng ông lặn lội từ Pleiku (nơi định cư cuối cùng của gia đình tôi sau bao năm lang bạt ở Cao Nguyên) về tận trường Võ Bị Đà Lạt để nạp hồ sơ cho tôi thi tuyển vào khóa 26 VB DL. Công việc cũng mất công cho ba tôi phải đi đi, lại lại nhiều lần để bổ sung hồ sơ mà khoảng cách Pleiku- Đà Lạt cũng khá xa, nhưng ba tôi vẫn kiên nhẫn, quyết tâm hoàn thành hồ sơ cho tôi.
Khi tôi trúng tuyển thì đó là niềm tự hào lớn lao của ba tôi. Khi tôi là Tân Khóa Sinh, ba tôi vẫn hỏi thăm những người quen phục vụ trong trường về sức khỏe của tôi và tính từng ngày tôi được làm lễ gắn an pha.
Được biết tin ngày lễ gắn an pha của khóa 26, ba tôi lấy một ít tiền dành dụm của gia đình mua vé máy bay để kịp về dự lễ ngày lên Tân SVSQ của tôi, nhưng tiếc rằng máy bay bị delay nên ba tôi không chứng kiến tôi được đeo an pha. Ba nói khá buồn và tiếc.
Ngày hôm sau, khi đoàn xe chở khóa 26 lần đầu tiên đi dạo phố đậu ở khu Hòa Bình thì ba tôi đã có mặt tìm đón tôi rồi trong bộ đồ phong phanh với cái lạnh se se của Đà Lạt. Tôi nhìn và thấy thương ba nhiều. Sau đó ba dẫn tôi đi ăn uống và chụp hình để về khoe với mọi người.
Từ năm thứ nhất đến năm thứ tư , ba như người đồng hành từ xa. Có dịp lên Đà Lạt, ba thường đến trường thăm tôi vào ngày chủ nhật.
Vào năm thứ tư, khóa 26 cùng 3 khóa đàn em đi công tác “ tâm lý chiến” ở miền trung. Ba tôi không liên lạc đươc tôi nên nhớ và ông đã nhận làm tài xế xe “ bò vàng “ chở gỗ tròn giao cho một xí nghiệp chế biến gỗ ở Đà Nẳng vừa nhận tiền công vừa hy vọng gặp được tôi
Một đoàn xe convoy chở gỗ gồm 3 chiếc chạy gần tới Đà Nẳng thì chiếc đầu trúng mìn, chiếc xe kế do ba tôi lái trờ thì húc vào đuôi xe trước. Hậu quả là ba tôi đập mặt vào vô lăng xe, gẩy toàn bộ hàm răng và phải đi bệnh viện. Tôi hoàn toàn không biết về tai nạn của ba tôi vì đang đi công tác, di chuyển nhiều nơi nên không có địa chỉ ôn định. Ôi chỉ vì nhớ và muốn thăm con nên mới gặp xui xẻo như vậy. Mái sau này tôi về thăm nhà thì mới biết ba gặp tai nạn vì muốn thăm tôi. Nghe xót xa quá.
Ngày mãn khóa.
Ba tôi rất vui, nhận được tin tôi viết trong thư báo ngày tốt nghiệp của khóa tôi- khóa 26. Sẵn chiếc xe “ cổ lổ sỉ “ vừa mới tậu để chở hàng hóa cho má tôi; ông có quyết định liều lỉnh là lái xe đi từ Pleiku lên Đà lạt, vượt qua đèo dốc khúc khỷu, quanh co mà ít người dám đi như ba tôi. Ông tự tin vì ông là thợ máy rất giỏi. Ông có bằng sửa chữa xe “ đệ tứ cấp “ ( tân trang nguyên một chiếc xe )lúc còn trong quân ngũ.
Ba tôi lên đường trước ngày mãn khóa hai ngày, nhưng người tính không bằng trời tính: chiếc xe bị “ pan “ ở một nơi vắng vẻ, cheo leo. Ba tôi phải thức hôm, thức đêm; nhịn đói, nhịn khát để sửa xe ( cũng may ông mang đồ phụ tùng “ sê cua “ theo ) và do đó lại trễ hẹn với ngày mãn khóa của tôi…
Các bạn của tôi, đa số có người thân, người yêu đến tham dự ngày lễ trọng đại này. Còn tôi đơn độc một mình vì người cha thân yêu của mình không kịp tới. Tôi buồn và biết ở góc phố Đà lạt nào đó ba tôi cũng buồn theo, thật nhiều.
Thế rồi ngày vui cũng qua. Ba đứng đón tôi ở cổng Thái Phiên, nơi có con đường dẫn tới trường Mẹ thật thơ mộng, lãng mạn; nhưng lúc đó chỉ có mấy chàng Tân Sĩ Quan vừa tốt nghiệp đi bên người yêu hớn hở tìm về chân trời mới. Còn tôi và người ban ( Phạm Minh Sơn) lên xe ba, trở về Pleiku.
Con đường về Pleiku cũng gian nan không kém. Lúc xe qua đèo Mang Yang thì địch ở trong rừng bắn ra xe vì trong xe có hai người mặc sắc phục lính. Ba tôi điềm tĩnh, tăng tốc xe giữa đường đèo để thoát tầm súng của địch. Tiếng cắc cù từ súng địch không còn nữa. Ba tôi cho xe chạy chậm lại. Chúng tôi thán phục ba vì biết vượt qua sự nguy hiểm của súng đạn và con đường đèo chênh vênh; một bên là vách núi, một bên là vực sâu…
50 năm nhìn lại, tôi vừa nhớ kỷ niệm ngày ra trường và nhớ thật nhiều về người cha thân yêu của mình: người luôn dành những tình cảm thật nhiều cho ngôi trường tôi theo học và đó cũng là một góc Đà Lạt mà ba tôi quí mến thông qua sự có mặt của tôi tại ngôi trường nằm trên ngọn đồi 1515 này.
(Father’ Day 18/6/2023 )