S au hơn một tháng tập trung ở trại cải tạo Nam Bình, Nhơn được tha về nhà, sống cuộc đời hiền hòa, bên gia đình, cùng đồng ruộng xanh ngát mầu ước mơ, làm một nông dân an phận. Nhiều lúc nhớ lại, những ngày đóng quân ở Thanh An, Eo Gió, đêm đêm nghe tiếng chim kêu sao mà não nuột. Sương mù giăng khắp núi đồi, kín cả đường về, mang theo nỗi nhớ nhà da diết. Anh thường nhìn về phía Đông, cuối chân trời xa, để nhớ về ngôi nhà nhỏ đầy hoa vàng, có ba mẹ và các em đang quây quần bên nhau, làm anh như muốn trở về mau, sà vào cái không khí ấm áp ấy. Nhưng đó chỉ là ước muốn, khó mà thành hiện thực; nên nỗi buồn cứ vương vấn trong tâm hồn của một gã thư sinh, vừa rời ghế nhà trường, khi có lệnh Tổng Động Viên, phải vào lính như anh. Ngày ngày phải trèo đèo, lội suối, phải đeo bên mình những thứ giết người, súng ống lủng lẳng, mà anh không hề muốn chút nào; làm anh càng ngậm ngùi, nhớ nghĩ, ao ước được như các bạn tiếp tục ngồi ghế nhà trường, với ước mơ bước vào giảng đường đại học. Và mong ước lớn hơn nữa, một ngày nào đó, đất nước sẽ không còn tiếng súng, người người được sống cảnh thanh bình, không còn lo sợ cái chết đến bất cứ lúc nào.
Nhơn gặp lại Tuệ Nguyên, sau một thời gian dài không gặp; có phần ngạc nhiên và bất ngờ. Cô láng giềng năm nào bé tẹo, da ngâm đen, gầy như cây sậy, giờ trở thành một thiếu nữ xinh xắn, duyên dáng. Bỗng nhiên, anh cảm thấy như mùa xuân đang trở về, mang theo sức sống mới, đầy niềm tin và hy vọng mới. Anh lảng đảng tập làm thơ, đêm về, lướt ngang qua ngôi nhà có cái hồ ngũ giác trước cửa, cố nhìn vào như muốn tìm kiếm một niềm vui nhỏ nhoi; và nỗi nhớ cô láng giềng xinh xắn ấy ngày một nhiều hơn, da diết hơn.
Nhơn ghé nhà tìm gặp Tú - người cậu út của Tuệ Nguyên, mong được làm quen với nàng; nhưng nàng chỉ cúi chào rồi ra nhà sau, vì là bạn của cậu. Một hôm, Nhơn đến mà không có Tú ở nhà, Tuệ Nguyên ra chào anh, lễ phép:
- Anh tìm cậu Tú à? Bữa nay cậu đi vắng, không có nhà, hôm khác anh đến nha!
Nhơn chợt bối rối:
- Cậu Tú không có nhà à? Vậy… vậy… em có thể ngồi với anh một lát được không?
Anh cảm thấy lúng túng một chút, rồi tự tin hơn, khi nghĩ đây là cơ hội làm quen, được ngồi bên nàng; nói cùng nàng những ước mơ, hoài bão, quan niệm sống của mình. Anh nở nụ cười tươi, dạn dĩ:
- Em nói chuyện cùng anh nhé! Buổi tối buồn ơi là buồn!
Tuệ Nguyên có phần e ngại một chút, nhưng cũng kéo ghế mời anh, giọng nàng nhỏ nhẹ:
- Dạ mời anh ngồi.
Nhơn cảm ơn nàng, và ngồi xuống. Bỗng nhiên anh bối rối, không biết mở đầu phải nói gì; chợt nhớ tới Nguyên Sa với những bài thơ tình học trò dễ thương, liền hỏi nàng có thích thơ Nguyên Sa không? Nàng trả lời, học trò nào mà chả thích thơ Nguyên Sa? Anh ngẩn người một lát, chợt thấy nàng đang mặc chiếc áo mầu xanh da trời, liền đọc “Áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc. Áo nàng xanh anh mến lá sân trường”; nàng nhìn xuống chiếc áo mầu xanh mình đang mặc, có chút e thẹn; nhưng rồi bình tâm nhanh, trêu anh:
- Nếu nàng mặc áo mầu trắng thì sao?
Nhơn trả lời nhanh, không cần nghĩ ngợi:
- Áo em trắng quá nhìn không ra!.
Tuệ Nguyên phá lên cười, làm anh hơi ngượng, rồi tự tin đáp trả, vui vẻ:
- Bởi như mầu sương khói, để anh yêu, tập làm thơ - rồi ngâm nga, “Hỡi em - đôi mắt con ngựa nòi Mông Cổ. Mắt nhìn soi thấu trái tim ta!”.
- Đôi mắt con ngựa nòi Mông Cổ nhìn xuyên suốt đến trái tim thiệt đấy à? Sao anh biết?
- Sao anh lại không biết chớ! Đôi mắt của em giống đôi mắt con ngựa nòi Mông Cổ lắm.
- Anh thiệt là…! Dám ví đôi mắt người ta như đôi mắt con ngựa?
- Ý anh nói, đó là cái nhìn sâu thẳm, làm xao xuyến trái tim anh - chợt ngập ngừng, anh… anh có một bài tự truyện, muốn gởi em đặt giùm tên. Mai anh mang xuống cho em đặt giùm anh nha?
Tuệ Nguyên mắc cỡ:
- Ai biết gì đâu mà đặt tựa! Em không biết đâu?
- Thì em cứ đọc, rồi cho anh biết cảm nhận, được mà!
- Em học dở môn văn lắm, không biết gì đâu nghen.
Vậy mà, ngày mai anh lại mang xuống đưa nàng một tập khoảng bảy trang, viết bằng giấy Pơ - luya mỏng, chữ viết nắn nót, cẩn thận; dù nàng không nhận, anh cũng để đấy rồi đi.
Buổi tối, Tuệ Nguyên giở tập tự truyện của Nhơn ra đọc. Nàng ngạc nhiên khi mỗi lúc một hiểu ra là anh viết cho nàng, khiến nàng e ngại. Anh viết rằng, sau những ngày lính trận, được trở về sống bên những người thân yêu; được nhìn thấy nàng, được đón chờ con tàu mang nàng trở về, mỗi khi nàng về quê nội, là anh vui và hạnh phúc vô cùng. Anh ao ước được sống an vui cùng nàng trong một mái tranh nghèo, bên đồng ruộng thân yêu. Sớm sớm ra đồng, tối về, anh đàn, nàng hát. Ước mơ dung dị như vậy có được nàng chấp thuận hay không là tùy thuộc ở nàng; nếu như nàng từ chối, anh thất vọng biết bao nhiêu, có thể sẽ bỏ đi thật xa, xa lắm. Nàng không biết xa lắm là những đâu, nhưng nàng chưa thể trả lời anh được; và cái tựa đề của tập tự truyện cũng không đặt, còn nằm im trong tủ sách của nàng, như một món quà anh tặng.
Mỗi tối đi họp phân hội về, Tuệ Nguyên thường đi bên anh, vì cùng đường về; dường như nàng không nói gì, trừ khi anh hỏi gì đó, phải trả lời. Nhiều lúc anh nói muốn biết câu trả lời của nàng, nhưng nàng chỉ cười không nói; dù trái tim nàng cũng thoáng xao xuyến, bâng quơ. Một buổi chiều, anh ghé nhà, gởi nàng một tập nhạc gồm những tình khúc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, mà anh đã bỏ công vẽ khuôn nhạc và viết, nói là tặng nàng; vì biết nàng rất yêu thích nhạc Trịnh.
Tuệ Nguyên mở tập nhạc ra để xem, bắt gặp một bài thơ anh gởi cho nàng, viết trong một mảnh giấy nhỏ, bỏ trong tập nhạc. Nàng vội mở ra - một chút bâng khuâng, xao xuyến và một chút buồn vương. Bài thơ có tựa đề là “Nguyệt mộng”, bởi anh thường ví nàng như một vầng trăng, sáng soi cuộc đời anh, trong những ngày anh buồn bã nhất, vừa trở về sau cuộc chiến.
“Trăng dát thỏi vàng trên bãi mộng
Cát đùa theo chân sóng lao xao.
Kìa em! Trăng nước sao mà rộng,
Mơ hồ ta lạc giữa chiêm bao!
Em mơ nguyệt bạch thành Trăng Nữ,
Ta hóa chàng Tiêu thổi sáo đồng.
Cạn chén quỳnh tương say chất ngất
Đê mê hồn đắm giữa lừng không.
Bàng bạc trăng vờn trên mái tóc,
Trăng soải mình theo mấy điệu đàn.
Nguyệt nữ nàng ôi cao tiếng hát,
Cho vầng trăng rụng xuống dương gian!
Cho vầng trăng nhận ta chìm mất
Ta uống trăng vào tận trái tim.
Dường như sao tụ vào trong mắt,
Em cười môi nở ngát hương đêm.
Hãy cứ cho thuyền trôi mãi miết,
Lênh đênh qua các nẻo sông hồ.
Và hãy để yên ta được chết,
Giữa vầng nhã nhạc ánh trăng mơ!
Trăng ơi! xiêm áo em lồng lộng,
Mười ngón tay đan tuyệt khúc vàng.
Mơ đã chín mùi trong nguyệt mộng,
Đành tâm em đập mảnh trăng tan?! (*)
Từ đó, anh không gọi nàng là Nguyên nữa, thay vào đó là “Nguyệt Nữ” - cái tên mới, anh tự đặt và hài lòng với chính mình. Anh lập một cái vườn nhỏ sau nhà, đặt tên là “Nguyệt Xưa”, để đêm đêm ôm đàn ngâm thơ, ca hát, nhớ thương nàng. Nhiều lúc, Tuệ Nguyên cảm thấy nhớ anh, rồi băn khoăn không biết đó có phải là tình yêu không?
Nhớ hôm thi văn nghệ xã, tổ chức ở trường Cơ Bản, cả đội cùng tham gia; nàng hát một ca khúc của Nguyễn Phú Yên - Thuyền Em Đi Trong Đêm, mà nàng rất yêu thích.
Vừa bước xuống sân khấu, anh chạy lại bên nàng nói lớn, giọng vui vẻ:
- Chúc mừng ca sĩ!
Tiết - một đội viên trong đội văn nghệ, thấy vậy cười, châm chọc:
- Ông Nhơn phong cho nhỏ Nguyên làm ca sĩ, chắc ổng có tình ý gì đây, phải không mọi người?
Mọi người đồng reo lên “đúng rồi!”. Tiết tiếp lời:
- Hèn chi, tui cứ thấy sao sao ấy mọi người à, ổng cứ lăng xăng bên nó miết; mà tui thấy hai người nầy đẹp đôi lắm đó, mọi người có thấy vậy không?
Dũng phụ họa:
- Đúng. Đúng. Đúng. Tui cũng thấy vậy! - quay qua nháy mắt cùng Nhơn, ông lo lót tui đi, tui giúp cho, tui nói là chỉ chịu liền hà!
Tuệ Nguyên ngượng ngùng, lí nhí “mệt mấy người ghê á!”, rồi bước ra phía sau. Nhơn cười tươi, phân trần:
- Tui có lăng xăng gì đâu, tui yêu quý Tuệ Nguyên mà, mọi người ủng hộ tui nghen! - nói nhỏ với Dũng, anh cảm ơn em! Ủng hộ hết mình nghen!
Dũng cười toe toét:
- Còn phải nói! Tui là tui quý hai người lắm đó, trông đẹp đôi làm sao; ông cũng đẹp mà chỉ càng đẹp hơn.
- Cảm ơn lần nữa nè!
Sau khi biểu diễn xong, tất cả lại đi bộ trở về, quãng đường hơn mười cây số. Thấy Tuệ Nguyên hơi nhức đầu, anh vội chạy lại nhà bạn mượn chiếc xe đạp, đến bên nàng, lo lắng:
- Em lên xe đi, anh đưa về, đi bộ không nổi đâu, bệnh đó!
Nàng bẻn lẻn lên xe, anh và nàng chạy trước, mọi người đi bộ phía sau. Anh cũng như nàng, không ai nói với ai lời nào, mà trong lòng ai cũng hồi hộp, xao xuyến. Qua hết con đường làng có bóng tre bao phủ, là quãng đường dọc theo sân bay, quạnh vắng. Ánh trăng trên cao tỏa vàng mông mênh, rực rỡ, xuống khắp cánh đồng lúa xanh mởn phía bên kia, soi rõ từng viên sỏi trên con đường ngập ánh trăng trải dài phía trước. Nhơn chợt cảm xúc ngâm một bài thơ ngắn, giọng anh nho nhỏ mà nàng nghe rất rõ, trầm bỗng, dặt dìu, theo ánh trăng trong, theo cơn gió đêm hè mênh mông, quạnh vắng. Nàng khen anh ngâm thơ hay, giọng truyền cảm, rung động lòng người. Anh cảm ơn nàng đã nghe anh ngâm thơ và anh cũng muốn nghe nàng hát một bài. Anh gợi ý:
- Em có thể hát anh nghe một tình khúc nào đó không? Của Trịnh Công Sơn chẳng hạn?
Nàng ngại ngùng:
- Em hát có hay đâu, chẳng qua em thích mới “nghêu ngao” cho vui thôi mà.
Nhơn ân cần:
- Anh rất thích nghe em hát. Anh thấy hay là được rồi mà.
Tuệ Nguyên nghĩ một lát, rồi nói khẽ:
- Em hát bài “Nhìn Những Mùa Thu Đi” của Trịnh Công Sơn, anh đừng cười à nha!
Anh giục:
- Em hát đi, anh lắng nghe, sao lại cười chớ!
Tuệ Nguyên hít một hơi thật sâu, lấy giọng - “Nhìn những mùa thu đi, em nghe sầu lên trong nắng. Và lá rụng ngoài song, nghe tên mình vào quên lãng, nghe tháng ngày chết trong thu vàng…”; Tiếng hát trong trẻo, ấm áp, mông mênh trong đêm trăng; anh thoáng nghe một chút ray rức, buồn thương, về thân phận của một kiếp người. Mùa thu đi qua, nghe tiếng lá rơi ngoài song, ngày tháng như lịm chết trong nắng thu vàng, sầu úa. Anh cảm thấy cả hai như lạc vào cõi hoang liêu, cô tịch, xa xăm, vời vợi. Và tiếng hát vút cao, mỗi lúc một dặt dìu, dồn dập, để anh thấy đêm trăng hôm nay sao liêu trai, rực rỡ đến vô cùng. Anh nghĩ, có lẽ, đêm trăng kỷ niệm nầy sẽ theo bước chân anh trong những ngày dài, mờ xa ở phía trước.
- Em hát hay quá, anh nghe nó sâu lắng, da diết làm sao ấy. Em có thấy trăng đêm nay đẹp không?
- Rất đẹp anh à! Từ nhỏ em hay ngồi ngắm trăng, thầm thì cùng trăng về ước mơ của mình.
- Em ước mơ gì? Nói anh nghe.
- Mơ ước thì nhiều, nhưng đạt được ước mơ lại là một điều khác nữa.
- Đúng rồi em. Em cứ ước mơ đi, có tốn kém gì đâu mà sợ? Bỡi đời sống sẽ nghèo nàn, nếu ta thôi mơ ước.
Tuệ Nguyên cười buồn:
- Anh nói hay nhỉ! Nhưng đến một lúc nào đó, những ước mơ sẽ lụn tàn, chỉ còn lại như một đóm lửa nhỏ, leo lét, trong đám tro lạnh lẽo, mà thôi.
- Chỉ cần một đóm lửa nhỏ thôi, là sẽ không bao giờ tàn lụi được. Em nhớ kỹ điều đó!
Nàng “dạ” lí nhí, thấy anh nói có lý. Mình cứ ước mơ, nếu sống một đời sống, mà không có ước mơ, sẽ buồn chán lắm. Thế là, ước mơ được làm một cô giáo làng lại bừng sáng trong nàng; và một ước mơ lớn hơn nữa, là nàng ước gì mình viết được những cảm xúc, suy nghĩ, khát vọng, yêu thương, mà mình trải qua nhỉ? Chỉ để vơi đi một chút, vậy thôi.
- Em có thấy đoạn đường hôm nay như ngắn lại không? Mới đó mà gần đến nhà rồi?
- Anh đạp xe không mệt sao thấy đoạn đường ngắn lại?
- Không mệt chút nào. Có em bên cạnh là anh vui, quên đi cái mệt liền.
- Hay nhỉ!
Giọng Nhơn trầm trầm, ấm áp:
- Cảm ơn em về buổi tối hôm nay!
Nàng e dè:
- Em phải cảm ơn anh mới đúng! Có anh đưa em về, nếu không, đi bộ về đến nhà, thế nào cũng bị bệnh.
- Anh cảm ơn em! Vì cho anh cơ hội được bên em, trong một đêm trăng tuyệt đẹp như thế nầy. Anh sẽ nhớ mãi đêm trăng hôm nay, em ạ!
Ánh trăng trên cao sáng vằng vặc như soi rõ và chứng kiến một mối tình vừa chớm nở.
Trong đợt kêu gọi thanh niên tham gia nghĩa vụ lao động, Nhơn đăng ký tham gia đợt đầu tiên.
Đơn vị anh đóng ở Lỗ Rong, nơi rừng thiêng nước độc, dễ bị sốt rét. Hằng ngày anh cùng các bạn chặt cây phát hoang làm rẫy. Những rẫy bắp, rẫy mía, khoai sắn xanh mượt, kín cả núi đồi, cũng không làm anh vơi đi nỗi nhớ nàng. Anh viết cho nàng lá thư, nói cho nàng nghe đêm xuống núi rừng hoang vu như thế nào, nỗi nhớ ray rức ra sao? Một bức thư anh gởi, làm nàng không ngủ được, cứ lay lắt nhớ, nhớ mãi khôn nguôi.
“Lỗ Rong, ngày… tháng… năm….
Tuệ Nguyên thân mến!
Không phải bây giờ anh mới viết những dòng này cho em, mà trước đó hầu như bất cứ lúc nào, vui buồn, hạnh phúc hay đớn đau, anh đều âm thầm chia sẻ cùng em, trên những dòng nhật ký chép vội vàng. Bao giờ anh cũng dõi theo bước chân em lạo sạo trên sỏi đá, vất vả trên đồng ruộng, hay thơ thẩn những chiều trên bãi cát sau nhà.
Anh nghĩ rằng, tâm hồn em luôn lo lắng cho những an nguy của đời anh, cho dù em không nói ra; và đó là nỗi nhớ lớn nhất anh cưu mang, nghĩ đến em bằng tất cả yêu thương sâu đậm, không bao giờ phai nhạt trong anh. Dáng vẻ trang nghiêm, lạnh lùng của em làm anh yêu quý em hơn; và trong sự trang nghiêm kia, là một tâm hồn thanh cao khiến anh vô cùng quý mến, kính trọng. Mỗi người trên đời nầy đều dựa vào đức tin để sống, và em chính là niềm tin vững chải giúp anh nghị lực vượt qua, mỗi lần mỏi mệt. Anh mơ hồ thấy nụ cười và niềm cảm thông sâu xa với anh, trong tâm hồn em. Ký tên - Nguyễn Văn Nhơn”.
Nàng thường xuyên nhận thư anh, cảm nhận được những gì anh nhắn gởi; nhưng vốn ít nói và có chút nhút nhát, nên không dám hồi âm cho anh. Rồi một ngày, nàng hay tin anh vượt biên và bị bắt. Tuệ Nguyên thấy lòng rối bời, lo lắng, trái tim nàng như có ai bóp mạnh, đau nhói. Nàng nghĩ mông lung, không hiểu được sao anh lại có thể ra đi, khi nói là yêu nàng; cho đến khi một người bạn cùng trong đội Thanh Niên Xung Phong cho nàng hay, thì ra, anh nghĩ nàng không yêu anh, nên buồn và muốn ra đi, như lời anh đã viết trong tự truyện.
Vắng bóng anh, Tuệ Nguyên cảm thấy như thiếu một cái gì đấy rất quý báu, trong tâm hồn; và chợt nhận ra là rất nhớ anh, nhớ đến vô cùng. Nàng ước mong, nếu như thời gian quay trở lại, nàng sẽ nói với anh rằng, nàng yêu anh biết bao nhiêu; nhưng tất cả như mệnh số, tình yêu ấy phải lao đao, thử thách, mới mong sum họp. Và mỗi đêm, nhìn vầng trăng trên cao, nàng luôn mong ước, nguyện cầu, một ngày anh bình an trở về; nàng sẽ đón nhận tình yêu anh, dù là người trở về từ trại tù.
Nàng nghĩ, anh thuộc về một nơi nào đó xa xăm, vời vợi; đôi tay nàng nhỏ bé quá, không thể vói tới, không thể vượt qua cái khoảng cách thăm thẳm ấy để đến với anh. Nàng viết thư trả lời anh rằng: “Tình yêu không có nghĩa là một lời hứa hẹn, mà xa hơn nữa là sự đợi chờ, thủy chung. Em không muốn đánh mất tình yêu cao đẹp đó, sẽ sống trong tình yêu thần thánh mà anh đã giành cho em. Em nhớ có lần anh kể em nghe chuyện hạt đường và chiếc muỗng, một cuộc tình buồn như chúng ta. Họ gặp nhau trong ly cà phê, được ở bên nhau trong thoáng chốc, rồi vĩnh viễn mất nhau. Em không dám nghĩ xa hơn, chỉ mong chút bình yên. Anh bảo trọng!”. Và nàng buồn, buồn vô hạn; đến bấy giờ nàng mới hiểu hết ý nghĩa câu anh nói “Hạnh phúc như một chiếc ghế” - chỉ cần ngồi xuống, là sẽ thấy!
Nhớ có lần đến nhà chơi, anh hỏi nàng, giọng xa xăm:
- Có bao giờ em nghĩ, hạnh phúc như một chiếc ghế không?
Nàng thẩn thờ:
- Một chiếc ghế ư?
- Phải. Thuở còn đi học, một người bạn anh đã ví như thế. Thời đó, anh chỉ cười, cho rằng bạn mình kiểu cách, muốn nói quanh co như một triết gia; nhưng càng lớn, anh càng thấy điều đó hữu lý vô cùng.
- Em không hiểu.
- Một ngày nào đó, em sẽ hiểu thôi.
Và đến bây giờ nàng hiểu, thì anh đã xa vời vợi!
(*) Thơ - NC