Đ ầu những năm sáu mươi…
Một đơn vị quân đội về thị xã lập doanh trại. Khi đào giếng bắt gặp xác chết. Xác chết ngồi, mặc bao gai, bị trói, hai tay quặt ra sau.
Người ta cho là đàn ông, túng đói, đi ăn cắp gạo của Nhật, bị Nhật chôn sống. Có người đoán chắc xác ông Bình. Bán cám cho Nhật nuôi ngựa, ông mang mùn cưa trộn vào. Ngựa ăn chướng bụng chết. Tụi Nhật tóm ông mang chôn sống.
Thày tôi biết ông Binh, nói không phải. Ông bị Nhật bắt. Nhật mổ bụng ngựa đã chết, thấy mùn cưa trương lên, dẫn ông Binh đến, bắt bốc ăn. Ông không ăn được. Chúng lột quần áo, trói ông lại, đánh đến thừa sống thiếu chết, nhét vào bụng ngựa khâu lại, mang chôn.
Chẳng biết đúng sai ra sao nhưng người chết là có thật. Tôi đến xem. Dây thừng đã nát vẫn còn dấu vết.
Tôi kể lại với anh Tý. Anh là con ông bác, hơn tôi mười lăm tuổi. Anh vê xắn, căng kéo ống quần lên. Một vết sẹo dài bằng ba ngón tay, bóng loáng nhưng thâm xì dọc suốt vệt đùi:
- Dấu vết của chó Nhật đây.
Năm ấy, Nhật đã đảo chính Pháp. Mỏ làm ăn cầm chừng. Cuộc sống cu li chùng chình như đứng trên võng. Thợ thiếu việc, bị dãn hàng loạt. Than không bán được, ùn tắc ngoài cảng như núi như đồi. Người đi làm hầu như không lương, chỉ được trả công bằng một thứ cháo bột ngô vàng trộn hàn the nấu đặc sệt, đổ ra, xắt thành miếng gọi là bánh đúc ngô. Một ngày thợ giỏi được ba thanh bánh đúc. Mỗi thanh lớn bằng hai thanh đậu phụ và một cân gạo. Tàu hoả không kéo than, đi chở lương thực cho lính Nhật từ cảng lên, xếp ùn ùn. Những người nhanh nhẹn, liều lĩnh mang túi may sẵn đựng khoảng dăm mười cân và một cái thăm. Lợi dụng lúc không thấy mặt chúng, thọc cái thăm qua khe hở toa tàu, xọc vào bao cho gạo chảy xuống túi. Đầy hoặc thấy chúng là chạy. Chúng rượt bắt. Có người xoạc cẳng, ngã xấp mặt. Có người bị bắt. Bị bắt coi như chết. Chúng đập túi bụi rồi bắn ngay hoặc mang đi không bao giờ thấy trở lại. Anh Tý năm ấy lên tám tuổi, mồ côi cha, ở với mẹ. Hai mẹ con chỉ nhìn người ta bị đuổi, bị đánh, bị giết chứ không dám bén mảng. Sau có người thương hại xin cho đi cắt cỏ ngựa. Hai mẹ con ra bãi hoang (nền trường trung học cơ sở bây giờ) cắt cỏ. Cỏ cao ngập đầu. Mẹ cắt, con nhỏ chỉ đi theo. Những bó cỏ non chít vừa hai chít tay, dài hơn mét. Ba bó dồn lại một. Mẹ vác mỗi chuyến hai bó. Gần đến nơi, mẹ chuyển cho con một bó, mang qua cầu sắt vào cảng. Phía phải có tên lính Nhật đeo kiếm, dắt chó béc giê. Con chó ngồi, miệng há, lưỡi thè dài. Bên kia là tên thu cỏ, lùn tịt, nhận rồi rũ xem có đúng loại không. Phía dưới, tên ngồi cạnh bao cơm, chuyển cho người nộp cỏ. Mỗi bó được trả công một nắm cơm nho nhỏ như quả bòng non. Mỗi con ngựa ăn một ngày hết bốn bó như thế. Chắc chúng có nhiều ngựa nên mới đông người rồng rắn đến cắt. Hôm ấy như thường lệ, hai mẹ con anh mang cỏ lên cầu cảng. nếu để ý, anh đi mé khác không sao, đằng này lếch thếch kéo vác bó cỏ qua phía chó ngồi. Cỏ dài cứng quệt vào miệng nó. Nó đau, ngoạm một cái vào chân anh. Anh vứt bó cỏ, gào lên, lăn ra thành cầu. Mẹ anh cũng cuống quýt, mếu máo. Tên Nhật giật mạnh cổ chó. Tên thứ hai vội vã thu cỏ, xua mẹ con vào chỗ nhận cơm. Tên thứ ba dúi thêm cho anh một nắm. Còn bé nhưng anh biết đây là nắm cơm đền cho việc chó cắn mình.
Chiều hôm ấy, anh nằm nhà. Một mình mẹ cắt cỏ. Miếng ăn kém đi. Ngay hôm sau, vết chó cắn sưng tấy lên, nhức nhối không chịu nổi. Mẹ anh kiếm lá bọ mắm, lá bồ công anh, lá cúc vàng, lá lốt…đun nước rửa, nhai búp táo, búp ké đắp vết thương cho anh. Do điều kiện vệ sinh thấp kém, vết thương cứ khép miệng lại lở ra, máu mủ lùng nhùng. Mẹ anh phải bỏ việc, ở nhà chịu đói, canh chừng quạt đắp cho anh. Hơn nửa năm mới khỏi. Vì vết sẹo ấy, anh không dám mặc quần đùi. Không phải ngại mọi người nhìn mà do vết sẹo làm cả đùi anh tê bại. Đến giờ, để trần ra một lúc là buốt. Anh vẫn phải tắm nước nóng. Đi mưa lâu hoặc nước lạnh dội vào là anh giẫy lên, người xanh xám lại, gai ốc nổi từng mảng. Vết sẹo đã gây di chứng cho cả đời anh.