C on gái xấu nhất có lẽ là sau khi thi, làm bài không được!
Tôi đón Gấm trước cổng trường. Thoáng nhìn, đã biết em có hy vọng trượt vỏ chuối.
Không còn là “Đóa hồng tươi thắm” mà tôi ví von, Gấm ỉu xìu như con gà nuốt dây thun. Hai má phụng phịu. Hàm răng trên cắn chặt môi dưới, run run. Cặp mắt mọng nước, nhìn xuống. Gấm siết chặt cái cặp trước ngực, lững thững bước như mơ ngủ. Tôi đứng trơ trơ đó mà em không thấy, lãnh đạm đi luôn.
Nửa buồn cười, nửa tội nghiệp, tôi cũng ỉu xìu hết mấy giây. May là có ai đó giẫm phải chân, đau điếng, tôi bừng tỉnh, vội đuổi theo em.
- Gấm!
Ngước nhìn, thấy tôi, em òa khóc. Bối rối, chẳng biết làm sao, cuối cùng tôi cũng thốt được:
- Nín đi, anh thương!
Nói xong, tôi giật nẩy mình. Thế nào, Gấm cũng giận dỗi, bảo tôi là thằng cơ hội. Nhưng may mắn làm sao! Em mãi chìm trong đau khổ trước viễn ảnh tương lai đen tối nên không chú ý. Gấm vừa kéo tà áo dài lau nước mắt vừa tức tưởi:
- Hỏng rồi, anh ơi!
Trời ơi, giọng em than thở mới ngọt làm sao! Tôi lâng lâng sung sướng. Phải chi em còn thi thêm vài đợt tốt nghiệp nữa thì hay biết mấy. Tuy nhiên, tôi vẫn làm mặt đau khổ, an ủi:
- Tầm bậy, hỏng đâu mà hỏng. Mới thi có một môn đã hoảng lên rồi. Biết đâu, chiều nay em làm bài được!
Ánh mắt Gấm thoáng vui nhưng tia hy vọng tắt ngấm ngay khi đó:
- Nhưng em dở Văn lắm!
- Đừng sợ, lấy điểm Toán kéo qua.
- Môn Toán em càng dở.
Thiếu chút nữa tôi đã gắt gỏng:
- Môn nào cũng dở, thi làm quái gì cho mệt!
Nhưng tôi đã kịp điều chỉnh thành một câu khác mà chính tôi còn phải tự khen mình là thông minh:
- Lo gì, “Học tài, thi phận “.
Em có vẻ nguôi ngoai, đi sát vào tôi:
- À há! Biết đâu... vái trời Phật phò hộ cho em thi đỗ, em sẽ ăn chay... một tháng!
Trời đất! Sao con gái đều một ruột như nhau, hễ đi thi thì cầu đỗ sẽ ăn lạt. Làm sao chịu nổi. Như vậy chẳng có lợi gì cho Trời Phật mà còn thiệt thân. Cả một tháng không được nếm mùi thịt cá... Phải rau cỏ suốt! Gấm đã ốm chắc sẽ càng ốm thêm. Tôi xót cả ruột:
- Hồi đó, lúc đi thi, anh có nguyện: “Nếu đỗ sẽ cúng heo quay”.
- Nhưng nhà em độ nầy sa sút, chắc không lo nổi.
- Em khờ quá, vái cúng heo chớ có phải nguyên con đâu.
- Vậy thì cúng gì?
- Cúng... một cái đuôi heo cũng được.
Gấm cười rúc rích:
- Ăn gian hén, tội chết!
Tôi thích chí xoa hai tay vào nhau, cười cười:
- Tội gì. Anh vẫn thi đỗ và sống nhăn răng nè.
Đang cười, Gấm chợt nhíu mày:
- Còn em chắc rớt quá! Hồi nãy, chữ hydro mà em viết lộn là zero. Đúng là điềm xui.
Cắn chặt môi để không bật cười, tôi trấn an em:
- Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó! Chữ hydro hồi đó anh viết nhầm là siro mà có sao đâu.
Khúc khích cười, Gấm phát nhẹ vào vai tôi:
- Thôi, đừng có làm bộ, ông tướng ơi!
Đúng lúc đó, một chiếc xe máy đỗ sát bên chúng tôi, Gấm kêu lên: “Ba!”.
Ông Thanh, ba Gấm vẻ mặt không vui, hầm hừ:
- Hừ, thi với cử mà... lên xe, ba đưa về!
Chiếc xe lao đi, lòng tôi chùng xuống, xót xa.Tôi lủi thủi rẽ sang đường khác, tránh đi ngang nhà em. Tôi không muốn nhìn thấy đôi mắt ác cảm của ba Gấm. Chung qui chỉ tại cái nghèo. Ngoài giờ học, tôi phải làm thêm một số việc để giúp mẹ, nuôi sống gia đình. Tôi dạy kèm tư gia, chạy bàn cho quán cà phê, giữ xe đạp ở quán bia. Thật là xúi quẩy. Ông Danh gặp tôi ở đó. Ông gửi xe cho tôi để vào quán. Hôm sau, khi tôi đến nhà tìm Gấm, ông ra chận ở cửa, bảo:
- Con Gấm không có ở nhà.
- Dạ, xin phép bác, cháu về, khi khác...
Ngắt lời tôi, giọng ông nhòn nhọn:
- Này, cậu Kiên, sao cậu lại chọn một cái nghề đã không sang trọng còn lựa chỗ chẳng mấy trong sạch vậy cậu?
Phải gắng hết sức tôi mới không tuôn ra những câu hằn học:
- Thế nào là một nghề sang trọng vậy bác? Còn bác, vì cớ gì lại bỏ ra một số tiền để vào một chỗ chẳng mấy trong sạch?
Nhưng vì yêu Gấm, tôi im lặng. Đắc ý, ông Danh lại tiếp tục... lên lớp:
- Tuổi trẻ bây giờ sa đọa quá!
Nếu ông không là cha của Gấm thì tôi đã nhân danh cho tuổi trẻ đấm vỡ cái mõm kia. Tôi trừng mắt nhưng dịu giọng:
- Dạ, con sẽ noi theo gương bác, cố gắng sống tốt hơn.
Rồi không thèm nhìn khuôn mặt đỏ bừng, sượng sùng của ông, tôi bỏ đi. Từ hôm ấy, Gấm bị cấm cửa, không được gặp tôi. Vì tự ái, tôi cũng tránh gặp Gấm, dù rất nhớ. Tôi vẫn tiếp tục giữ xe cho quán bia. Tìm ra chỗ làm đâu phải dễ. Tôi không thể để cho lũ em của mình đói cơm, rách áo. Cái sạp trái cây ở chợ của mẹ tôi đem đến một số lợi tức quá khiêm tốn. Còn ba tôi, ông chỉ biết có rượu, may là rượu đế và thỉnh thoảng cũng có ý định buôn bán. Bán nhà. Lâu lâu, ông bắc thang đính lên cây sầu đông trước ngõ một tấm bảng: “Bán nhà” Vài hôm lại trèo lên, gỡ xuống, thêm vào chữ: “Tại đây có bán nhà”. Một lần, bực quá, tôi sinh ra hỗn, thét lên:
- Con lạy ba, ba đừng khoe nghèo, khoe suy sụp nữa!
Ba tôi lè nhè :
- Nhà tao, tao bán. Thằng nào cản, tao đập vỡ sọ nó!
Tôi trở nên tàn nhẫn:
- Vậy thì ba chỉ cần ghi hai chữ “nhà bán” rồi treo trước cửa thì đúng hơn.
Tội nghiệp! Hôm sau ông lấy tấm bảng xuống, sửa lại thành “Nhà bán” rồi treo ngay cửa như tôi châm chọc.
Học và làm, làm và học. Giảng đường đại học rồi tư gia, rồi quán cà phê rồi bãi giữ xe. Bấy nhiêu đó đủ làm cho tôi chóng mặt. Tôi bị lôi vào quỹ đạo của bận rộn, tất bật. Nhờ vậy, tôi tạm nguôi nhung nhớ hay không có thời giờ nghĩ tới việc lén lút hò hẹn. Và, một tháng qua, tôi đã nguôi dần cơn giận dỗi, mặc cảm thua thiệt cũng mờ dần. Sáng nay, nhân lúc rỗi, vô tình ngang qua trường của Gấm. Tôi bàng hoàng nhìn cây phượng già đã chìa ra những chùm hoa đỏ thắm. Gió lay, vài cánh hoa rơi. Mùa hè đã về rồi đấy ư? Mùa chia tay, mùa thi... Tôi chợt nhớ hôm nay là ngày Gấm thi tốt nghiệp PTTH. Mới đó mà đã ba năm, ba mùa quen cũ. Ba mùa yêu êm đềm. Mới ngày nào, em thẹn thùng tay kéo nghiêng vành nón lá, tay kéo áo dài sau ra trước rồi bối rối buông lơi, quấn tà trước kéo về phía sau khi bắt gặp ánh mắt đăm đắm nhìn của tôi. Chỉ có vậy mà tôi cứ hồi hồi hộp hộp mãi, cả tuần lễ lâng lâng trong niềm cảm xúc lạ thường.
Vậy mà bây giờ, một tháng trôi qua, tôi và em như nghìn trùng xa cách. Chỉ vì vô lý của ba em và nỗi bất lực của ba tôi cộng thêm cuộc sống đòi hỏi phải đấu tranh để tồn tại.
Hôm nay, đứng trước cổng trường em, tôi bỗng nghĩ, để cho tình yêu cúi đầu trước những điều như thế thì cũng thật là vô lý. Sao tôi và Gấm không cố vượt lên trên nghịch cảnh để đến với nhau. Tôi cảm thấy mình mạnh dạn hơn, can đảm hơn, tôi đứng chờ em tan giờ thi với trái tim yêu rực đỏ.
Nhưng, Gấm chẳng có vẻ gì buồn nhớ hay mừng rỡ lúc gặp lại tôi. Gấm mãi lo khổ đau về bài làm của mình, khiến cho tôi ngỡ ngàng , hụt hẫng. Em còn nhỏ và hồn nhiên quá! Tình yêu đối với em chỉ là một món trang sức làm duyên cho con gái. Chỉ tiếc, một thằng sinh viên nghèo như tôi không đủ sức làm đẹp đời em. Tạm biệt em, Gấm thân yêu! Tôi trở về chỗ của mình, nơi có cây sầu đông quanh năm cúi đầu ủ rũ.