M ột buổi chiều, chị mệt rã rệu, đến nổi cứ phải ngồi há miệng thở dốc, bèn gởi lớp cho bạn, lên văn phòng xin phép về sớm.
Cô ta đang nằm tênh hênh trên giường ngủ (chiếc giường đã từ lâu có thể gọi là của riêng chị), chân bắt chéo, tay cầm điếu thuốc, chu môi thổi ra những cụm khói tròn xoe điệu nghệ. Chị chẳng lạ gì cô ta, nhưng cái kiểu nầy thì quá lạ đi chứ! Hơn năm nay, chuyện cô ta dan díu với chồng chị đã ngấm ngầm được chấp thuận. Nhưng, không phải tại đây- ngay trong ngôi nhà nầy!
Cô ta quay lại, thấy chị, không buồn chào hỏi. Chị nhíu mày kinh tởm. Cô ta giương mắt khiêu khích nhìn chị!
Tiếng dội nước ào ào trong buồng tắm, rồi chồng chị bước vào, chiếc khăn to quấn quanh người, miệng oang oang, thiếu đại từ ngôi nhất lẫn ngôi hai: “Bữa nay nhà trọ sửa sang, cô ấy không có chỗ nghỉ.” Quay lại cô ta, chồng chị nhỏ giọng, âu yếm: “Đi em, chúng mình kiếm cái gì ăn, anh đói lắm rồi.”
Chị không còn đủ sức để có thể có bất kì một phản ứng nào, ngoài việc vịn theo vách tường lần sang phòng con, ngả người xuống và rơi vào trạng thái chập chờn giữa tỉnh và mê, giữa thức và ngủ, đầy mộng mị nặng nề. Đầu chị nhức nhối. Chị muốn dậy đi tìm viên thuốc nhưng không thể nào trở mình được. Thân thể chị tê cứng. Cổ họng khô rát. Lát sau, chị thấy rõ ràng mình ngồi dậy, đi ra ngoài lấy ly nước. Chiếc ly chỉ cách bàn tay chị chừng vài phân. Chị nhoài người tới. Kỳ lạ thay, chiếc ly như đùa cợt với chị, nó cứ lùi dần ra phía sau và luôn giữ khoảng cách cũ. Rồi trong tiềm thức, chị bỗng nhận biết được đây chỉ là giấc mơ! Chị cố vùng vẫy, cố thoát khỏi giấc ngủ chết chóc. Nhưng tất cả đều vô ích! Chị mệt lã, kiệt sức…
Thôi thì đành buông xuôi… Chết đi cho nhẹ nhàng. Sẽ không còn vật vã khổ đau, không phải oằn lưng chống đỡ, không phải nghiêng người né tránh… Nhưng, chị bỗng nhớ đến con! Không, chị phải sống! Chị không thể đầu hàng! Chị tin nếu vùng dậy được hẳn chị sẽ sống. Chị cố cựa quậy đầu, cố ngọ nguậy đôi tay, cố cử động những ngón chân, cố há miệng ra. Chị biết chắc chắn là chỉ cần làm được một trong những động tác đó là chị thoát được cánh cửa dẫn đến cõi vĩnh viễn. Hình ảnh phân thân của chị trong giấc mơ đã quị xuống, ngồi bệt trên bờ vực thẳm đen ngòm hun hút đầy gió lạnh và bóng tối, đang vô vọng nhìn cái ly bây giờ vẫn cứ lắc lư trước mặt, đúng khoảng cách như lúc đầu đến giờ. Chị kinh hãi nhận ra cái khủng khiếp của niềm tuyệt vọng đớn đau kia! Giờ thì chị biết mình phải làm gì. Dồn tất cả sức lực còn lại, chị thét to lên và xoay nghiêng người.
Ngay lúc đó, một bàn tay kéo chị. Chị thở hắt ra, vùng dậy. “Mẹ làm sao vậy?” Con trai chị vừa đi học về. Chị ngơ ngác giây lát rồi ôm chầm lấy con, nức nở, nước mắt ướt đầm vai áo nó. Chị chạy ra vườn, sung sướng hít thở cuộc sống! Một thứ hạnh phúc diệu kì tràn ngập trái tim! Một thứ hạnh phúc chị chưa từng gặp trong đời: Được thở! Thở! Thở!…
Tối, chị vừa đóng cửa tắt đèn xong thì có tiếng xe dừng trước nhà. Tiếng xe quen thuộc. Chị lẳng lặng mở khóa, không buồn nhìn. Nhưng rồi chị phải nhìn, bởi phía sau chồng chị là cô ta. Cả hai đều có hơi men. Cũng may, con chị đã ngủ. Chồng chị lên tiếng: “Tụi nầy nghỉ đỡ đây đêm nay nghe!” Cách thông báo như một mệnh lệnh ngắn gọn nhưng đầy đe dọa, mà chỉ có riêng chị mới biết rõ sức công phá tàn bạo dữ dội ngầm chứa trong ấy! Chị lách qua nhường lối cho họ. Họ vào thẳng phòng ngủ của chị.
Lặng lẽ và nhẹ nhàng, chị lướt qua phòng con.
Thật ra, từ hồi chiều, chị đã không nằm trên cái giường đó. Và tính sẽ đem quẳng nó đi. Còn bây giờ, chị biết mình rất cần vài viên thuốc ngủ nhưng tủ thuốc lại nằm trong phòng kia. Đành vậy! Có lẽ đêm nay chị sẽ thức trắng.
Và, dù tất cả đã bão hòa. Phải, tất cả đã bão hòa (chị nhấn mạnh). Nhưng chị không thể không bịt tai lại khi nghe rất rõ, trong đêm khuya im vắng, tiếng thở của bọn họ vọng sang từ bên kia bức vách ngăn mỏng mảnh.
… Cũng một buổi chiều, chị vừa ra khỏi trường. Bất ngờ mưa to, gió lớn. Chị không mang áo mưa. Nấp trong hiên nhà lạ một lát, lòng chị bỗng dưng như có lửa đốt. Không chờ đợi được nữa, chị đạp xe băng vào màn mưa dày đặc, gió thổi buốt lạnh. Chị run lập cập trước căn nhà nhỏ mái tôn vách ván, vá víu xiêu vẹo, tối thui im ắng, nhập nhòa trong bóng chiều chập choạng đẫm mưa xám xịt.
– Thương ơi Thương à. Thương ơi mở cửa cho mẹ! Thương ơi Thươngà!
Bên trong hoàn toàn im lặng. Linh cảm chẳng lành đang trở thành sự thật. Cảm giác lo lắng rồi sợ hãi trào lên. Chị hốt hoảng kêu khóc. Người ta
phá cửa ra. Thương nằm trên giường, lạnh ngắt tự lúc nào. Chị ngất đi. Văng vẳng bên tai chị tiếng người lao xao. Trong tất cả những âm thanh hỗn độn đó, chị lọc được một điều, Thương, đứa con gái yêu quý của chị chết vì gió độc.
Chị tỉnh lại khi Thương đã nằm yên trong quan tài. Nét mặt bé thơ thánh khiết tựa thiên đồng trông thật bình yên trong làn ánh sáng chập chờn của ngọn nến trên đầu. Từ chiều qua tới giờ chị không hề khóc. Và bây giờ mắt chị cũng vẫn ráo hoảnh. Chị muốn gào thét lên nhưng không còn sức lực. Chị muốn đạp đổ, tung hê một cái gì đó nhưng chân tay chị hoàn toàn bải hoải rã rời. Thương của chị, đứa con gái bé bỏng tội nghiệp mà chị đã nghiêng người né tránh những lời dèm pha cay độc để Thương được làm người. “Cha con đâu hở mẹ?” Có mấy lần nó hỏi chị như vậy. Chị chưa dám thành thật trả lời con. Thương còn quá bé để có thể hiểu và cảm thông cho chị, để có thể đồng ý với số phận. Chị đành nói dối Thương rằng, cha đã bỏ mẹ con mình, như chị đã nói thật với anh của nó.
Thỉnh thoảng, chị cho phép cha của Thương đến thăm con, thời gian tối đa là mười lăm phút, vừa đủ để anh kịp vuốt mái tóc bom-bê đen nhánh dày mượt của con. Lần đầu tiên chứng kiến cảnh đó, chị suýt khóc. Những lần sau, chị ra ngồi trước hiên nhà. Có những vết thương nhức nhối mà ta không được chạm đến, có những cung bậc tình cảm nhói lòng mà ta chỉ nên nhắm mắt, đưa tay chặn ngang lồng ngực. Phần chị chịu thiệt thòi đã quá đủ rồi. Một gia đình nữa tan vỡ mà làm chi?
Hôm đưa con ra nghĩa địa, chị hoàn toàn không còn chút ý thức nào của cõi thực. Mọi việc xong xuôi. Tất cả đều đã ra về. Chỉ còn mỗi mình chị ở lại với Thương. Khi trời sẫm tối, chị đứng dậy, thoáng thấy cha Thương từ xa, khuất sau gốc sứ tím.
Chuyện chị có mang Thương là đề tài khá hấp dẫn cho một số người. Thương là con của ai? Một thời người ta xôn xao bàn tán, đoán non đoán già, cong môi nhọn mỏ. Chị đã li dị chồng. Chồng chị hoàn toàn không hề một lần ghé thăm mẹ con chị. Vậy Thương là con của ai? Chị, một cô giáo, không thể dạy lễ nghĩa đạo đức khi bị nghi vấn về đứa con đang mang trong bụng. Cô hiệu trưởng, cô trưởng phòng giáo dục, vừa trách móc vừa cảm thông, đành đưa quyết định chuyển chị đi xa. Tưởng được yên thân ở ngôi trường mới, nhưng chị vẫn bị miệng lưỡi thế gian bủa vây. Họ có vẻ khoái trá khi to nhỏ với nhau về chị. Họ thêm mắm muối hành tiêu ớt tỏi vào đời chị cho tăng phần khoái khẩu. Mấy ông nhậu xin xỉn còn vui miệng, con Thương giống tao cái mũi, giống mầy cặp mắt….
Con gái đã ra đi, mãi mãi. Con trai vào Sài gòn học. Nhà chị vắng lạnh. Chị lấp khoảng trống bằng cách chăm chút bản thân mình. Đứng trước gương, thấy mình hãy còn xuân sắc, chị vui lên, tự tin hơn và quên đi phần nào những bất hạnh nhọc nhằn cùng cực… Vơi dần nỗi ám ảnh về sự cô đơn, sợ hãi… Rồi dần dần chị lấy lại phong độ cũ, xinh xắn trong điều kiện tài chính cho phép khiến nhiều kẻ phát ghen. Không sao cả, ngoài một buổi lên lớp, chị đã nhận giữ trẻ. Chị đã làm tất cả những gì làm được để con trai vào đại học. Cứ mỗi chiều thứ Bảy, chị chờ đợi niềm vui ấm áp. Con chị từ ngoài chạy như bay vào. Mẹ con ôm nhau, rối rít như thể xa nhau hàng mấy năm dài! Ai bảo con trai ít biểu lộ tình cảm nhỉ? Thế là đủ. Phải, quá đủ để chị quay đều… quay đều theo nhịp sống và luôn giữ một độ nghiêng cần thiết.
Cũng một buổi chiều- chiều cuối năm, thằng con reo to ngoài ngõ:
– Mẹ ơi, con về đây này!
Chị vù chạy ra. Miên, chủ nhà trọ của con chị, nghiêng nghiêng mái tóc đã lấm tấm muối tiêu, cười hiền queo, chào chị, ánh mắt hơi ngượng nghịu. Con chị tươi roi rói, hớn hở:
– Mẹ ơi, con mời bác Miên về nhà mình ăn Tết cho vui, mẹ nhá! Bác ấy
chỉ có một mình, tội nghiệp lắm.
Đặt túi xách xuống sàn, Miên nói nhỏ đủ chị nghe:
– Tôi sợ làm phiền em, nhưng cháu nhất định kéo tôi về, nếu bất tiện,
sáng mai tôi quay lại Sài gòn.
Bất tiện lắm chứ, xóm chị khối kẻ chân tay nhàn hạ, ưa ngồi lê đôi mách. Chị thở dài nhè nhẹ. Định nói, anh nên chơi một lát rồi ra đón xe về Sài gòn. Nhưng chị lại cười hiền lành:
– Đâu có sao, mời anh ở lại ăn Tết cùng chúng tôi.
Đành vậy, chứ nỡ lòng nào…
Miên như người thân thuộc từ lâu, cùng mẹ con chị dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa đón xuân. Hai bác cháu ra vườn chặt nhánh mai to nhất đẹp nhất cắm vào bình, chưng trước cửa. Nàng xuân đang nhón gót hài bước vào căn nhà nhỏ nghèo khó nhưng ấm cúng và rộn rã tiếng cười. Chị bỗng thấy mình trẻ đẹp hơn. Nghe yêu thêm cuộc đời. Gánh nặng lo toan dường nhẹ thênh.
Chị đi chợ mua nếp, đậu xanh, thịt heo … để gói bánh tét. Những đòn bánh Miên cột, chặt tay nhất, đẹp nhất.
Đêm ba mươi êm đềm tĩnh lặng, bóng tối mịn mượt như nhung. Chị và Miên ngồi canh nồi bánh sau hiên nhà. Con chị đã ngủ từ lâu (thật ra trước đó nó đã thập thò chỗ cửa bếp, lỏn lẻn cười rồi vào giường đánh giấc). Bếp lửa đỏ hồng tí tách reo vui. Miên say sưa nhìn sâu vào đôi mắt long lanh e thẹn mà anh biết vì ai…
Họ đã nói với nhau những chuyện gì? Có lẽ tôi không đủ hơi sức kể lể chi tiết ra… Bởi những kẻ đang tìm hiểu nhau có biết bao chuyện để nói, nói mãi nói hoài cũng không chán: Chuyện mây bay trên trời… Chuyện cỏ mọc dưới chân… Nào con kiến leo cành đa… Nào những những kỉ niệm của họ từ thời tám hoánh, những trò chơi tầm xàm như trốn ngủ trưa để tạt lon trong cái nắng chang chang, hay trần truồng rượt bắt nhau dưới mưa… Thậm chí họ còn ngửa mặt đếm sao nữa cơ đấy!… Ối dào, hơi đâu mà để ý ba cái chuyện rất ư lẩm cẩm, bá láp bá xàm của họ! Nghe họ nói thì chán chết đi được!
Điều đáng kể là sáng hôm sau, đầu mày cuối mắt của họ đều bừng sáng. Chị cứ hát thầm thì: La la lá la. La la lá la. Nghe xuân sang thấy trong lòng mình chứa chan … Đôi uyên ương sánh vai nhịp nhàng thắm duyên…Dưới nắng xuân trông bướm hoa đang tỏ tình… Những bước chân của Miên thì hình như cứ nhịp nhàng theo nhịp điệu bài ca.
Người ta bảo rằng, đã hàng tỉ năm nay, Mẹ Đất không những sớm hôm tảo tần mưa nắng, can trường quay quanh mặt trời trên mặt phẳng Hoàng đạo, mà Mẹ còn phải vất vả nhọc nhằn, nhẫn nại tự quay theo một trục nằm nghiêng khoảng hăm ba phẩy năm độ, để đem về cho bầy con yêu thương của mẹ bốn mùa xuân hạ thu đông, để sự sống đơm hoa kết trái.
Và hôm nay, Mẹ Đất vừa biểu diễn xong một vũ khúc quay vòng quay vòng. Dịu dàng uyển chuyển… Đẹp mê hồn trên cái sân khấu khổng lồ của vũ trụ bao la vô cùng vô tận, với thời gian 365 ngày vời vợi… Cho các con của Mẹ được tận hưởng mùa xuân mơn mởn chồi non lộc biếc, nồng nàn tươi thắm sắc hoa, và chim hót líu lo, bướm ong rập rờn