Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




VỀ DƯỚI
ÁNH TRĂNG XƯA


THÔI ĐÀNH XẾP LẠI ƯỚC MƠ




N ăm 1968, ông bà Thiên - ba mẹ của Tuệ Nguyên, trở về quê hương, sau bao năm bôn ba ở xứ người. Ông bà Thiên xây một căn nhà ở thị trấn, gần ga Đông Tác, trên khu đất của người cậu ruột bà Thiên cho; khi ông bà chân ướt, chân ráo trở về quê. Tuy vậy, Tuệ Nguyên vì còn học năm cuối của bậc Tiểu học, nên phải ở lại dưới quê cùng nội, chờ cuối năm học mới chuyển về cùng gia đình. Mỗi chiều thứ Bảy, Tuệ Nguyên thường đi xe lửa, có khi theo xe đạp, có khi đi bộ cả mười cây số để về nhà, trong niềm háo hức, mong chờ cả tuần, gặp lại ba mẹ và các em. Những ngày tháng đó luôn sống động trong tâm hồn thơ trẻ của cô bé, làm cô bé vui hơn, trên gương mặt bớt đi sự u uẩn, rười rượi, dẫu còn lắm đăm chiêu; đôi lúc gặp người quen lâu ngày không gặp, họ nói cô bé tuy nhỏ nhưng có nét suy tư, già dặn trước tuổi.

Ông bà Thiên đón bà Hai về phụng dưỡng, gởi Tuệ Nguyên lại cho bà Bốn - cô ruột của ông Thiên, đang mở một cái quán nhỏ trên lò gạch ông Tí. Tuệ Nguyên được bà Bốn chăm sóc, được bà chìu chuộng, yêu thương, cũng nguôi ngoai nỗi nhớ. Tuệ Nguyên có một người bạn cùng lớp rất thân, ở đối diện lò gạch, nên mỗi sáng đến trường, hai đứa chờ nhau đi cùng. Trưa trưa, cô bé không còn rong chơi theo bờ tre nữa, mà sang nhà bạn cùng xay bột, gỡ bánh, rồi được mẹ bạn cho cả hai ăn bánh ướt. Miếng bánh ướt thơm thơm mùi bột, đậm đà vị mặn của mắm ở nhà tự làm, cô bé cứ hít hà, khen ngon; và cái hương vị ấy theo bước chân cô bé trong suốt quãng đời về sau, cùng tình bạn gắn bó thủy chung, không bao giờ phai nhạt. Ca - tên người bạn nhỏ, và Tuệ Nguyên giống nhau ở nhiều thứ - tính cách, sở thích và lòng thương người; tuy nhiên Ca thường nói bạn mình hay “mít ướt”, khuyên bạn phải mạnh mẽ lên, dù bất cứ hoàn cảnh nào; nhiều người thường nói “hai bà cụ non” là vậy!

Một buổi trưa đi học về, hai đứa vừa đi vừa tán chuyện, một chiếc xe jeep ghé sát vào làm hai đứa giật mình phóng sát vào lề đường. Một người Mỹ cao, to, dềnh dàng, thò đầu ra nói một tràng, ném xuống hai quả cam vàng, rồi chạy thẳng. Tuệ Nguyên khều tay Ca, rủ bạn cùng chạy lại lượm hai quả cam; nhưng Ca kéo tay cô bé lại, giọng dứt khoát:

- Không được lượm. Tụi nó khinh!

Tuệ Nguyên ngơ ngác, nói khẽ:

- Sao mầy nói nó khinh? Nó khinh sao liệng cho tụi mình?

Ca kéo tay bạn đi nhanh, giọng lạnh tanh:

- Nó không khinh mà liệng dưới đất à? Sao nó không đưa trên tay?

Tuệ Nguyên mỉm cười nhìn bạn, vẻ thán phục:

- Ừ hen! Sao nó không đưa mình mà liệng vậy ta?

- Vậy mới nói!

Hai đứa đi nhanh hơn, Tuệ Nguyên liếc nhìn hai quả cam có vẻ tiếc, làm Ca tức mình, hét lớn:

- Tiếc cái gì mà tiếc! Đi nhanh lên!

Tuệ Nguyên bỗng cười lớn:

- Ơ! Cái con nầy, tiếc đâu mà tiếc. (rồi thú nhận), nhưng mà cũng hơi tiếc thật đấy!

Cả hai cùng cười. Tuệ Nguyên cũng như Ca, cảm thấy mình thật dũng cảm, gạt bỏ sự ham muốn, mê thích. Một mẫu chuyện đáng nhớ trong đời, mà mỗi lần gặp nhau cả hai thường nhắc kể.

Cuối năm, Tuệ Nguyên thi rớt đệ thất, phải học trường Tư thục, Ca được vào trường công lập, nên không có dịp gặp nhau nữa; tuy vậy, tình bạn vẫn như xưa, không có gì thay đổi.

“Ngôi trường Nắng” là biệt danh mà Tuệ Nguyên dành cho trường Trung học Tư Thục Bồ Đề Hiếu Xương mà cô bé đang theo học; bởi trường được xây dựng trên một bãi cát trắng, trống trơn, chỉ có bàn chải mọc xung quanh khu đất. Cái nắng chói chang, ngồi trong lớp vẫn cảm thấy “rát bỏng”; ngọn gió nồm hiu hiu, trong tiếng giảng bài của thầy cô, làm cho đám học trò thơ trẻ cứ ríu mắt, buồn ngủ. Những lần cắm trại, sinh hoạt trường lớp là những kỷ niệm tươi đẹp trong đời học sinh của cô bé; dù năm tháng đi qua, vẫn luôn nhớ nghĩ và in đậm trong trái tim quê mùa, chơn phác của Tuệ Nguyên.

Học một buổi, buổi còn lại, Tuệ Nguyên phải “ẵm” em, chơi với em; ẵm đến nỗi bên hông nổi hạt, tím sẫm, bởi các em cứ đòi chị ẵm miết trên tay, không chịu ngồi xuống. Tuệ Nguyên thương cái hông sần sùi, tím tái, cứ xoa tay, mong cho tan mất những cái hột xấu xí nầy; nhưng em nầy vừa lớn lên, em nữa lại ra đời, cô bé càng thương cái hông của mình hơn. Mỗi lần có bạn học nào ghé nhà chơi, các em cứ xoắn lấy chị, làm cô bé mắc cỡ, đến tội nghiệp.

Dù bận bịu như vậy, nhưng nếu như các bạn rủ về nhà trên quê chơi, là cô bé sẵn sàng buông hết mà đi; bị mẹ giận, mắng hoài là vậy. Những lần về quê bạn chơi, cô bé vui lắm; thích những rò cải, rò tàn ô, xà lách, mơn mởn, tươi xanh; thích những trái dưa leo non đầy phấn trắng, những trái xoài chua chua, giòn giòn, lủng lẳng trên cành; và lâu lâu, cô bé cũng rủ bạn về quê nội mình, hái dừa, hái ổi; tuy bà về ở cùng vợ chồng con trai, nhưng bà cho những người vùng trên tản cư ở nhờ ngôi nhà bỏ trống dưới quê.

Tuy lớn “nhồng” lên rồi, nhưng Tuệ Nguyên vẫn hồn nhiên, ngu ngơ như thời Tiểu học. Cô bé mặc “bính” áo dài của chị gái bỏ ra vì chật, không chút mắc cỡ. Đôi khi, dép đứt quai, chưa được mẹ mua cho đôi khác, cô bé cột dây, xỏ cái cây ngang qua, mang đi học, không sợ bạn bè chê bai, chọc ghẹo; đến trường, vẫn còn xoắn áo dài lên nhảy dây, cười giỡn vui vẻ. Lúc nầy, cô bé không còn mít ướt nữa, mà dạn dĩ hẳn lên; có thể đứng trước lớp thuyết trình một tác phẩm văn học, hoặc ca hát, trình diễn văn nghệ không một chút e dè, ngượng ngập. Ở ngôi trường Tỉnh Hạt công lập phía dưới, Ca nghe bạn học khá hơn, dạn dĩ hơn, mừng và ngạc nhiên lắm; bạn ấy nghĩ, có lẽ Tuệ Nguyên đã không còn cảm thấy cô độc, vì được sống cùng cả nhà, nên vậy.

Năm tháng trôi qua, Tuệ Nguyên lớn lên, ra dáng một thiếu nữ lúc nào chẳng hay. Trên gương mặt trang nghiêm kia, có một chút gợn buồn; đôi mắt trông vời vợi, thăm thẳm. Mái tóc mượt mà chảy dài xuống đôi vai thon gọn, xinh xinh trong cái dáng mảnh mai, e ấp. Tuệ Nguyên biết mắc cỡ, không còn chạy nhảy hồn nhiên như trước nữa, mà nghiêm nghị, thẳng thắn, ít nói. Mặc dù được chuyển xuống trường công lập vì thành tích học tập khá, nhưng Tuệ Nguyên không muốn rời xa ngôi trường mình yêu quí và các bạn thân mến, nên ở lại trường cho đến ngày đất nước thống nhất; ngôi Trường Nắng đóng cửa, tất cả học sinh được chuyển xuống ngôi trường Tỉnh Hạt công lập. Tuệ Nguyên lại cùng lớp với Ca!

Một năm học mới bắt đầu. Năm học cuối cấp của Tuệ Nguyên ở bậc Trung học phổ thông là năm học đầu tiên dưới chính quyền mới. Mọi thứ đều lạ lẫm, khó khăn, không đủ sách phân bổ (bấy giờ sách không bán, mà được nhà trường cấp cho mỗi tổ hai, đến ba bộ); cùng với sự phân biệt con nhà có công và con nhà tham gia chính quyền cũ; làm Tuệ Nguyên lo lắng, dao động. Dù vậy, Tuệ Nguyên hết sức cố gắng, không chểnh mảng việc học, mong ước được tốt nghiệp và được thi vào đại học như các bạn. Cuối năm Tuệ Nguyên Tốt nghiệp xếp loại khá, nhưng không thể thi vào đại học, vì ba đang học tập ở tận miền Nam xa xôi.

Tuệ Nguyên chạy lên, chạy xuống từ Thị trấn Phú Lâm, đến Phú Hiệp để ký cho bằng được cái lý lịch nộp hồ sơ thi đại học, cao đẳng, đến rã rời, phờ phạc. Nhận cái lý lịch vừa được ký, chưa kịp mừng, Tuệ Nguyên vô cùng thất vọng, bao nhiêu niềm tin, sự hớn hở, bỗng chốc tan biến; vì họ phê “Xét lý lịch nầy cô không được đi đại học. Không ai có quyền chứng nhận cho cô đi đại học”. Tuy nhiên, niềm hy vọng chợt le lói, dù mong manh; nàng nghĩ thật ngây thơ, họ không cho mình đi đại học, thì mình nộp đơn vào thi cao đẳng vậy.

Tuệ Nguyên rất muốn được là một cô giáo làng, ngày ngày được đến trường, truyền đạt kiến thức đã học được cho những em học sinh miền quê, chơn phác; muốn góp một phần nhỏ, xây dựng nền giáo dục vùng quê, còn nghèo khó. Ước mơ nầy, cháy bỏng trong trái tim đôn hậu của nàng; để về sau, dù không được như nguyện ước, nàng vẫn có những lớp học nhỏ, giúp những trẻ em vùng khó khăn mà nàng từng sống qua.

Và Tuệ Nguyên nộp hồ sơ thi Cao Đẳng Sư Phạm vào ngày cuối cùng hạn nhận hồ sơ, trong buổi chiều hiu hắt đáng nhớ ấy, ở trường Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang.

Dường như cả lớp, ai cũng đậu đại học, cao đẳng, hoặc trung cấp; trừ những bạn có lý lịch không được “trong sáng” là bị đánh rớt. Tuệ Nguyên buồn bã, nhìn xung quanh bằng đôi mắt e ngại, nơm nớp. Nàng chạy tới, chạy lui, quanh quẩn từ ủy ban xã, ra phòng lao động, để coi tuyển lao động mà nộp đơn xin việc làm. Nhưng dù nàng cố gắng đến đâu, xin chỗ nào, họ cũng nói lý lịch của nàng không thể nhận được.

Tuệ Nguyên đành xếp lại những ước mơ, những khát vọng cháy bỏng, bước vào đời bằng sự ngại ngùng, nhọc nhằn trên những chuyến tàu ra vào, vào ra, Qui Nhơn - Nha Trang ngang qua ga Đông Tác với những túi gạo trắng, dẻo, thơm của đồng lúa quê mình. Những lần bán gạo xong trở về, Tuệ Nguyên khép nép, ngại ngùng, khi gặp những bạn sinh viên về thăm nhà ngày cuối tuần, và thèm được như họ, với cái nhìn khát khao, mãnh liệt. Nàng kiên nhẫn, giở sách vở ra những khi rảnh rổi, để ôn lại, với hy vọng một ngày nào đó, chính sách được mở rộng, cho con em của những người làm việc dưới chính quyền cũ được bước vào đại học, cao đẳng, như lời mình được nghe. Nhưng dường như, may mắn không đến với nàng, đã bao năm trôi qua mà chính sách vẫn như cũ; khiến nàng ưu tư, thất vọng hơn.

Sau một thời gian buôn bán gạo, Tuệ Nguyện cảm thấy quá chán chường, chua xót, xin mẹ về lại ngôi làng quê, nơi có lũy tre làng bao dung nàng thời tuổi nhỏ, để làm ruộng cùng người chị gái.

Tuệ Nguyên tập làm quen với đồng ruộng, với nhọc nhằn cơm áo. Tập nhổ cỏ, dặm lúa, cắt lúa, gánh lúa, tập tát nước bằng gầu dây; tập cả việc phân bổ thời gian, làm sao cho hợp lý, để công việc được suôn sẻ, nhanh chóng. Những ngày mới tập tát nước bằng gầu dây, nàng cứ chúi nhào xuống mương; nhưng rồi, việc gì tập riết rồi cũng làm được. Nàng cam phận, làm một người nông dân chân chính; nàng còn phải học hỏi nhiều hơn nữa, về cách bón phân, gieo hạt; và còn phải tập xay lúa, giã gạo, tập sàn, sảy, giê lúa nữa. Nhiều lúc nàng cảm thấy chông chênh, như người vừa lạc vào một hành tinh nào khác trong một hệ nào đấy của cuộc đời. Nhưng rồi, tất cả đều trôi qua, và nàng trở thành một cô thôn nữ thực thụ, trong bộ bà ba đen, bên làng quê nghèo, heo hút.

Nhìn cánh đồng lúa xanh mượt trải rộng trước mắt, những sóng lúa nhấp nhô, rì rào, gợi trong tâm hồn nàng tình yêu quê tha thiết. Mỗi ngày, được nhìn ngắm đồng lúa rập rờn xanh mởn, nhìn ngắm những bông lúa vàng ươm sắp gặt, Tuệ Nguyên thấy lòng thư thái, vui vui; kết quả một vụ mùa bội thu dưới sự chăm sóc của hai chị em, bao nhiêu nhọc nhằn đều tan mất.

Sau đó, không còn làm ruộng riêng rẽ nữa, mà tất cả phải vào Hợp Tác Xã Nông Nghiệp, đi làm theo tiếng “kẻng”. Mỗi lần nghe tiếng kẻng vang lên từ trường Bình Dân, thúc giục ra đồng, là Tuệ Nguyên cảm thấy rùng mình, sợ hãi. Mỗi thứ đều trở nên cứng nhắc, sáng ra đồng, trưa về, xế ra đồng, chiều về; ngày nào cũng như ngày nào. Lúc trước, dù vất vả, khổ cực, nhưng hết vụ mùa là được nghỉ ngơi, thư giãn, đến vụ mới bắt đầu ra đồng; còn bấy giờ, dường như không có ngày nghỉ; tối tối còn phải đi họp, mít - tinh, không có thời gian để đầu óc thảnh thơi, ngơi nghỉ!

Những buổi làm công điểm tuy vất vả nhưng nhờ các cô, các chị hay kể chuyện vui để cả đội quên đi nhọc nhằn khi phải khom mình dưới cái nắng như thiêu như đốt. Nhớ hôm đội cấy lúa ở ruộng sâu, các cô tập cho lớp trẻ thật vui nhộn. Cô Hà lớn tuổi, giống như trưởng nhóm, vui vẻ, gần gũi, làm Tuệ Nguyên cảm thấy được an ủi, phấn chấn hơn. Cô liệng một mớ mạ, rải đều theo từng luống, rồi ra lệnh:

- Con Nguyên, con Hiền, con Thuấn, và mấy đứa nhỏ nhỏ kia nữa, xuống lối đi. Tụi mầy đi trước, mỗi đứa đi hai con mạ thôi, khi nào lanh tay tăng lên ba con mạ; chân bước cho đều, rẽ mạ cắm cho nhanh; tụi tao đi phía sau, đứa nào làm không kịp tao nhốt hết ở giữa, khỏi ra luôn đó.

Các bạn trẻ nghe lời cô Hà, bước xuống lối, mỗi người cầm bó mạ lên tay, chuẩn bị cấy. Nhìn thấy Tuệ Nguyên loay hoay mãi không biết phải làm sao rẽ mạ, cứ dồn một cục, cô Hà giục:

- Con Nguyên kia, cầm bó mạ vậy làm sao mà rẽ được? Coi đây này!

Nói rồi cô Hà cầm bó mạ đưa ngón tay cái đẩy nhẹ, mạ rẽ ra từng con nhỏ, Tuệ Nguyên bắt chước theo tay cô, và nhẹ nhàng rẽ mạ cắm xuống ruộng. Tuệ Nguyên vui lắm, giọng hớn hở:

- Con cảm ơn cô Hà! Cô chỉ thoáng một cái là con làm được liền, hay thiệt đấy.

- Mầy thông minh mà! Có đứa chỉ miết cũng không làm nhanh vậy đâu nghen! - chợt chép miệng, tội nghiệp, học cho cố vô, rồi cũng về làm ruộng thôi con ạ!

Một cô lớn tuổi cười khì:

- “Nhất sĩ nhì nông, hết gạo chạy rông, nhất nông nhì sĩ”. Tụi bây nhỏ không biết đấy chớ, nghề nông cao quý lắm đó nghen các con!

Hiền đang cấy bên cạnh Tuệ Nguyên cười khúc khích:

- Dạ tụi con biết vậy, nhưng khom cả buổi đau cái lưng lắm cô ơi; làm cái nghề cao quý nầy thì con chịu thua; xin không được việc gì, tụi con mới về đây làm cái nghề bất đắc dĩ nầy đấy, cô!

- Chấp nhận đi các cháu! Không có người làm ra hạt lúa, hạt gạo, lấy gì ăn để làm những việc kia? Nghề nông là nhất đấy! Tụi mầy chưa quen nên thấy vậy thôi, chớ quen rồi, thích lắm á! Khỏi lo, khỏi nghĩ, ngày ra đồng, tối nằm xuống là ngủ khì một giấc, phẻ ru hà!

Tuệ Nguyên cười vui, góp chuyện:

- Dạ! Tụi con cảm ơn các cô! Cái gì lâu rồi cũng quen, rồi dần dần cũng yêu thích hết. Cuối mùa, nhìn thành quả mình làm ra, thấy vui lắm cô ơi!

- Đúng rồi. Mầy giỏi à Nguyên! Phải vậy chớ! - nói xong, cất tiếng hát, “Trên đồng cạn, dưới đồng sâu, anh cày, em cấy, con trâu nó đi…. hơ hơ…”, cười lớn, nó đi đâu vậy mọi người?

Một giọng rè rè cất lên:

- Con trâu nó đi…. hơ hơ hơ… bừa!

Mọi người đồng cười rộ, trong cái nắng vàng hanh, lao xao, vang cả cánh đồng.

Đêm đêm, bên ngọn đèn dầu leo lét, Tuệ Nguyên nhìn xuống đôi chân xám xịt, vàng vàng màu phèn, ứa nước mắt. Nàng thương đôi chân trắng trẻo ngày nào, không một vết sẹo; giờ sần sùi, tái xám như da rắn sắp lột; đưa tay vuốt nhẹ gót chân trần nứt nẻ, buồn bã. Rồi nàng nhớ, nhớ vô cùng những buổi đạp xe cùng các bạn về quê, hái xoài, hái ổi, hái dưa leo, cùng ăn cùng đùa giỡn; mới đó mà như xa lắm rồi. Nàng đưa tay quẹt những giọt nước mắt vừa lăn trên má, trên môi; thầm nghĩ, các bạn đã quên mình thật rồi, không một ai thăm hỏi, không một lời nhắn gởi. Nàng tủi thân vô cùng, những người bạn quen thân suốt thời phổ thông, giờ không ai biết nàng ở đâu, làm gì? Tuệ Nguyên nghĩ, những người bạn học cũ ấy, họ có cuộc sống khác, có thế giới riêng của họ, khác với mình; nên mặc cảm, sống thu mình như con ốc nhỏ, chơ vơ, trơ trọi, không muốn gặp lại ai. Nàng lầm lũi, tối gà lên chuồng là nàng lên giường, sáng gà ra khỏi chuồng là nàng thức dậy; chị nàng thường ví nàng giống gà là vậy!

Một hôm, Ca tìm đến nhà thăm nàng, nhân dịp cuối tuần về nhà. Vừa bước vào sân, Ca nhìn thấy Tuệ Nguyên đang ngồi suy tư trên chiếc phản bên hiên nhà, liền cười chào vui vẻ:

- Chào “bà cụ non” yêu quý của tui!

Tuệ Nguyên tươi như hoa, giọng hớn hở:

- Chào cô giáo! Bữa nay trông xinh hẳn ra à nghen! Đời sinh viên có khác!

Ca gạt phăng:

- Thôi đi mầy ơi! Sinh viên đói meo, có gì đâu mà nói? Mầy đừng có “nhạo” tao à?

Tuệ Nguyên bỗng nghiêm mặt:

- Ai nhạo mầy chi? Sinh viên mà đói, thì tụi tao đây no à? Mầy cứ nói!

- Ừ! Thời buổi khó khăn nầy, ai cũng vậy hết - bỗng ngập ngừng, lâu nay mầy có gặp đứa nào không?

Sự mặc cảm, hờn tủi bỗng tràn ngập trong tâm hồn nàng; tự nhiên nàng giận chính mình, không làm được việc gì, uổng phí tuổi thanh xuân, chôn chân ở làng quê nghèo, hẻo lánh. Nàng tự trách mình, sao không biết vươn lên, không niềm tin, không hy vọng, thì sống thế nào đây?.

Tuệ Nguyên nhìn sâu vào mắt bạn, giọng chậm rãi:

- Mầy nói đứa nào, là đứa nào? Tụi bạn lớp mình à? Mầy nghĩ, tụi nó rảnh hay sao mà gặp một đứa quê mùa như tao? Bây giờ suy nghĩ tụi nó khác, tao khác, công việc cũng khác nữa. Một đứa “gốc rơm, gốc rạ” như tao, mà tụi nó nhớ sao? Chỉ có mầy “khùng” mới nhớ tao thôi. Tao nghĩ, tụi mầy là tương lai của đất nước, con đường rộng mở trước mắt, nhớ làm gì một đứa “nhà quê” như tao?

Nét mặt Ca như căng ra, bao nhiêu điều muốn kể về cuộc đời sinh viên cho bạn nghe bỗng chốc bay đi đâu mất hết. Giọng Ca đanh thép:

- Mầy nghe đây nè! Tuổi trẻ là tương lai của đất nước, không phân biệt ai với ai. Mầy dẹp ngay cái tự ái cũ rích ấy đi. Không ai có quyền bắt mầy thôi mơ ước. Mà mầy biết không, mơ ước chính là nền tảng để vươn lên đấy! Tao nghĩ, một ngày nào đấy, lâu hay mau tao không biết, mầy sẽ làm được những gì mày muốn làm. Hãy hy vọng và tin tưởng, mở lòng ra đón nhận tất cả, kể cả những cái mình không muốn, không thích.

Tuệ Nguyên dịu giọng:

- Mầy nói nghe hay lắm, nhưng nếu mầy nằm trong hoàn cảnh của tao mầy sẽ hiểu thôi. Bước ra ngoài kia là sự phân biệt, họ liếc chừng, nhắc nhở cho tao nhớ, mình là con nhà “ngụy quân, ngụy quyền”, thì hy vọng cái nỗi gì? Sự phân biệt đó nằm sâu trong máu thịt họ rồi, mầy biết không? - chợt thở dài, còn bạn học cũ hở? Quên đi. Không ai nhớ gì tới mình hết, làm sao tìm thăm mình? “Gặp thời thế, thế thời phải thế” thôi mầy ơi!

Ca cầm tay bạn, nhẹ nhàng:

- Quên hết những tự ái vớ vẩn ấy đi. Tao biết mầy học giỏi, có ý chí. Mở lòng ra bạn ạ! Thứ nhất, để nhẹ lòng; thứ hai, để nhìn thấy cuộc sống nầy có ý nghĩa hơn, tốt đẹp hơn. Tao chỉ nói với mầy như vậy thôi, chẳng biết phải nói gì hơn?

Tuệ Nguyên ứa nước mắt, rưng rưng nhìn bạn:

- Cảm ơn mầy còn nhớ tới tao, ghé thăm tao, với những lời động viên thật ý nghĩa. Đôi khi mình cũng muốn quên hết cho nhẹ lòng, nhưng mầy thấy đấy, coi nè! - Tuệ Nguyên giở ống quần, giơ đôi chân nứt nẻ, tím tái cho bạn coi, thở dài chua xót, làm sao quên được đây!

Ca nhìn bạn thấu hiểu nỗi đớn đau trong lòng bạn, không biết phải nói gì để xoa dịu vết thương đang rướm máu? Như sực nhớ ra món quà mình mang về tặng Nguyên, liền mở túi xách, lấy chiếc khăn lót bình hoa mới tập móc, cười vui vẻ:

- Tặng mầy nè. Đây là chiếc khăn lót bình hoa tao vừa tập móc đấy! Tác phẩm đầu tay, giành tặng người bạn nhỏ thân thương của mình đấy!

Tuệ Nguyên nhìn sâu trong mắt bạn, thấy tấm chân tình bạn giành cho mình, thấy cả sự ẩn chứa trong đôi mắt ấy; lòng bỗng chùng xuống, thấu hiểu. Một chút bâng khuâng, xao động, và càng quý mến bạn nhiều hơn nữa. Ở đấy, nàng còn nhìn thấy một tấm lòng, một tâm hồn cao quý, xứng đáng là một nhà giáo tương lai! Và món quà kỷ niệm chân thành ấy, luôn theo bước chân truân chuyên, lận đận của nàng, lên rừng, xuống biển, cùng với nỗi nhớ thương những ngày tháng thơ trẻ, hai đứa cùng xay bột, phơi bánh, năm nào.

Tuệ Nguyên được mời vào đội văn nghệ thôn, vì có giọng hát, giọng ngâm thơ tốt. Nàng nghĩ, thôi thì vào đội văn nghệ, góp vài tiết mục chia vui cùng bà con thôn xóm, vốn đã khổ nhiều rồi; cũng là một phần giúp bà con về mặt tinh thần vậy.

Về sau, đội văn nghệ thôn chuyển thành đội văn nghệ của Hợp tác xã Nông Nghiệp, chuyên lưu diễn khắp nơi, dưới hình thức kinh doanh của HTX. Tuệ Nguyên buồn chán, xin ra khỏi đội, bị chính trị viên của đội cho là có tư tưởng phản động; cho nên, nàng phải lưu diễn khắp nơi như một “con hát” thực thụ; điều nầy, khiến nàng chua xót, đau đớn hơn. Nàng nghĩ, thôi thì “phải vai, đóng tuồng”, vậy thôi, ra sao thì ra. Mặc kệ tất cả.

Có nhiều buổi tối lưu diễn xa, sau khi xong phần biểu diễn tân nhạc mở màn, hết nhiệm vụ; nàng lang thang trên con đường làng trống vắng trải ánh trăng trong, để miên man suy gẫm cuộc đời mình. Và nàng tự hỏi, hạnh phúc hay đớn đau trong những tràng vỗ tay vô tư của khán giả? Buồn hay vui khi mỗi đêm bước lên sân khấu?

Một cơn gió thoảng qua, hiu hiu, dịu mát, Tuệ Nguyên hít sâu luồng gió mát vào lồng ngực, thở dài, băn khoăn.




VVM.29.5.2023