VIII- GIÓ ĐỔI MÙA
T iếng sấm Chiến thắng Điện Biên phủ rung chuyển cả nước, đem tin vui đến tận thôn cùng ngõ hẻm. Người dân thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp. Bầu trời, cánh đồng, dòng sông ngập tràn nắng mới. Đường quê sáng láng, rực lên màu cờ đỏ sao vàng. Lý Tấn tham gia trong nhóm dẫn đầu đoàn dân làng sang phố huyện, miệng hô tay phất lá cờ đỏ sao vàng đón mừng đoàn quân chiến thắng trở về. Đấy là những anh bộ đội đầu đội mũ bọc lưới, mặc áo trấn thủ màu xanh lá cây, bồng súng bước uy nghi. Các cô gái chỉ trỏ, nhận ra trong đó có các anh em con bà cô, ông bác cũng đang tươi cười vẫy lại dân chúng...
Cuộc sống trong hòa bình lập lại vi vu tiếng sáo diều, tiếng ca hát trên cánh đồng làng, bờ tre, bến nước.
Bà Lễ Đĩnh mất. Cho đến khi nhắm mắt xuôi tay, bà vẫn chưa hề nghe thấy lời tiếng dân gian nào thán trách con trai. Người ta vẫn gọi Tấn là ông Lý, ông Tổng một cách thân thiện và trìu mến. Bà thực sự mãn nguyện về con trai một thời trai trẻ gánh vác việc làng nước. Nó đã khiến bà nở mày nở mặt. Coi như nó đã giúp bà hoàn thành sứ mạng với nhà chồng. Bà cầm tay con nắm chặt: Còn Ba Xâm, dù thời buổi thế nào con cũng để nó ở lại nhà mình! Nó câm điếc, nhưng hiếu thuận con ạ!
-Vâng! Mẹ an tâm! Coi như chú ấy mãi là con cái nhà ta!
-Con còn nhớ không? Ngày rằm tháng bảy năm ấy, nếu mẹ không kịp tới ngõ chùa có lẽ thằng bé chết đuối không ai biết. Rõ khổ, mới năm cái tuổi đầu. Không rõ nó từ đâu đến, con cái nhà ai lại đi nom chuồn chuồn ở vạ sông? Lúc mẹ hô hoán người đến cứu vớt nó lên, thấy trên bờ vẫn còn một chiếc lờ đơm cá mại đựng những con chuồn chuồn. Mà cũng lạ sao không có ai đến nhận nó? Đằng đẵng mười mấy năm nay… Chả lẽ nó là con Trời con Bụt?
-Con ai thì con, cá vào ao nhà mình, mình nuôi mình quý phải không mẹ?
-Ừ… Hay là Trời thử nhà ta?
-Vâng! Nhà ta bao giờ cũng thiếu người! Câm điếc nhưng Ba Xâm sáng việc lắm mẹ ạ!... Tấn sẽ sàng đặt đôi bàn tay mẹ trở lại. Nhìn con trai lần cuối, bà nở nụ cười với ánh mắt tràn trề thương yêu và kỳ vọng.
Đám tang cụ Lễ Đĩnh đông nghịt người từ hàng xã hàng tổng đổ về. Người đi đưa tang kéo dài từ đầu làng tới cuối làng. Hồi ấy, làng xóm còn đầm trì, mộc mạc, nhưng con người ăn ở với nhau thật đầy ắp nghĩa tình. Trong lễ đưa tang, trướng và câu đối viếng bay rợp trên con đường ra cánh đồng sau vụ gặt tháng mười. Tuy Lý Tấn mười năm không còn quan chức lý dịch gì, nhưng cái tiếng nhân hòa của ông vẫn còn âm hưởng trong dân gian, nên gia đình vẫn được trọng nể và tôn vinh. Sự tôn vinh không cần bằng sắc, hô hào. Làm quan, đến lúc “quy cố viên” để vẫn kẻ lui người tới, quả thật không phải chuyện dễ! Vị thần nể cả cây đa! Người đi đưa tang rì rầm bàn tán như vậy. Lo chu tất tang lễ xong, cửa nhà trống huếch đến một thời gian dài. Là người con hiếu nghĩa, khi vắng bóng, vắng hơi mẹ, Lý Tấn vô cùng hẫng hụt. Lúc này đã là người đàn ông đứng tuổi, song ông vẫn cảm giác như còn tấm bé trong vòng tay mẹ. Mất mẹ, ông như con thuyền bị cắt khỏi bến đậu, bơ vơ trên dòng sông dưới vòm trời, ngoài xa chân mây đang ẩn hiện những cơn giông. Mất mẹ, coi như mất đi một chỗ tựa của một bức thành lũy vững vàng! Phải vài tháng tĩnh tâm, ông mới tiếp tục trở lại cửa hiệu. Rồi ông bán cửa hiệu Cống Mang cho một người cùng xóm. Từ giã ngôi cửa hiệu tràn ngập những làn gió biển mặn mòi trước mặt và hương lúa đồng ngan ngát sau lưng, ông chỉ giữ lại ngôi nhà “Thuốc lào Nhân Mỹ” ở chợ Rừng. Phụ giúp có Ba Lam và Minh Sánh. Hai chị em đã cùng cha vực lại cơ nghiệp buôn bán lên một thời mở mặt với dân phố. Mỗi bận kiểm hàng, kiểm tiền và bao gói hàng hóa, ông vẫn không quên dạy các con: Làm gì cũng phải trọng chữ “Tâm” chữ “Tín”. Buôn bán chỉ ăn lãi một ít thôi, mỗi thứ một tý gọi là lấy công làm lãi. Cóp ít thành nhiều. Tích tiểu thành đại mới bền lâu! Chớ “mài dao một năm chém một giờ!” coi như công cốc!
Cuộc cách mạng Cải cách ruộng đất diễn ra. Như một cơn bão lớn bất ngờ đổ vào vùng đất Hà Yên với những con sóng gió dữ dằn.
Đầu năm 1955, cũng như các làng xã ở Hà Yên, làng Lụa tổ chức mít tinh rầm rộ trên khu ruộng Lò Ngói chào đón các Đội cải cách ruộng đất. Tất cả trẻ già trai gái nón mũ nhấp nhô, đứng ngồi nghe phổ biến chủ trương. Đội cải cách đã thâm nhập vào các gia đình nghèo khổ nhất để bắt rễ, xâu chuỗi, ôn nghèo, gợi khổ, phát động quần chúng đấu tranh với giai cấp cường hào, địa chủ. Đội bồi dưỡng một số bần cố nông thành những cốt cán của phong trào. Trong quá trình vận động của tự nhiên và xã hội, sự kiện, sự việc, con người nào cũng có hai mặt. Đáng tiếc do hạn chế về tư tưởng và tầm nhìn văn hóa của những người thực hiện ở làng quê, mặt tích cực, tươi sáng đã không át nổi mặt tiêu cực, ấu trĩ và tối đen của nó. Bóng đêm đã vô tình trùm tỏa, phủ lấp, gieo bao nỗi oan ức lên nhiều nhà giàu vô tội.
Ruộng đất của mọi nhà giàu lấy ra chia cho bần cố nông. Nhưng trong quá trình thực hiện, cơn bão đấu tranh giai cấp “Trí, phú, địa, hào đào tận gốc trốc tận rễ” đã bị đi lệch đường lối, gây ra không ít thảm cảnh. Không khí nông thôn và cuộc sống nông dân vùng làng đảo đang từ tưng bừng náo nhiệt bỗng dưng bị xáo trộn, lảo đảo như người say thuốc mất phương hướng. Các Đội cải cách đã bất chấp thực tế, tình cảnh, tình người và lý lẽ. Hôm trước còn trú ẩn, ăn uống chén chú chén anh ở nhà địa chủ, hôm sau những người đi đấu tố đã đến trói gô địa chủ lại với những mũi súng dân quân du kích chĩa sau lưng, áp tải ra sân đình, sân nhà thờ họ.
Trong dân gian vùng quê này hầu như không có địa chủ nào đến nỗi cường hào gian ác. Trong vòng chu vi ba mươi nhăm cây số đê, thủy tổ các dòng họ từng chung một nguồn cội, một con thuyền ra đi từ kinh thành Thăng Long, dân các làng xã ra trông thấy nhau vào trông thấy nhau, chỗ nào cũng dây mơ rễ má, họ hàng hang hốc. Cả làng cũng như một ngôi nhà. Người ta sống nể nhau vì tình hơn trọng của cải. Trên một vùng đất giáp mặt với biển cả, trải qua bao đời người, dân làng và chức sắc phải chung lưng dựa vào nhau chống chở thiên nhiên, chống chọi với giặc cỏ, cướp biển, với quan lính triều đình thường xuống phách lối, gây phiền hà, nhũng nhiễu... để tồn tại hương thôn. Các nhà giàu chủ yếu chỉ đăm đăm sắm trâu tậu ruộng, có của ăn của để thì mở buôn bán giao thương. Họ không có ý thức cạnh tranh, giành giật, dùng mọi mưu ma chước quỉ đè lên nhau, cướp đường sống của nhau. Dân nghèo thì cấy trồng gặt hái, làm nghề chài lưới, nghề thủ công, dạy học... Nhà nào cảnh neo đơn, ít ruộng đất, ít lao động thì hết mùa hết thóc, đạm bạc rau cháo, bữa có bữa không. Nhà nào đói khổ quá, không biết tính đường làm ăn thì cho người đi ở đợ, cày thuê cấy mướn kiếm bữa qua ngày... Nhưng, các đội “Ba cùng” đã quá khích, phát động quần chúng ôn nghèo kể khổ. Đa số bần cố nông bị cốt cán Đội mớm lời vu oan giá họa, nói không thành có, kéo thù oán cá nhân vào đấu tranh giai cấp. Nhất Đội nhì Giời! Đội bảo gì cũng phải nghe. Đội sai đâu giáng đó, đâu cũng phải đến. Nhiều nhà giàu bị bất ngờ quy tố vào thành phần địa chủ “ngồi mát ăn bát vàng”. Giậu đổ bìm leo. Người ở đấu chủ nhà, hàng xóm đấu hàng xóm. Con đấu cha, chửi rủa cha, cháu đấu chú, vợ đấu chồng, con rể đấu mẹ vợ, con dâu đấu bố chồng… Nào địa chủ bắt người ở ăn cơm chó, người cày nhịn đói kéo cày… Nào địa chủ hiếp vợ bần cố nông ở chuồng trâu, cạnh cối xay. Nào địa chủ ra ruộng chọc cây xuống nước bảo thợ cấy: trời này mà các người kêu rét?
Trên đường làng chốc chốc lại có một đoàn thanh thiếu nhi đi cổ động gõ trống ếch vang dồn cùng tiếng hô khẩu hiệu rầm rĩ: Đả đảo cường hào! Đả đảo địa chủ! Đả đảo giai cấp bóc lột! Nông dân làng Lụa Vân vùng lên! Chia ruộng cho nông dân bần cố nông! Năm Sánh và Tư Dẫm cùng bọn trẻ xóm cũng đi trong đoàn cổ động ấy, vô tư vung tay, thẳng miệng hô đả đảo đến khản tiếng.
Trên các sân đình, sân nhà thờ họ diễn ra những cuộc đấu tố đau xót, đẫm nước mắt và sau này tỉnh ngộ, nghĩ lại cười ra nước mắt! Các nhà giàu, chức sắc bỗng thành tay trắng, dở khóc dở mếu, thậm chí có những người cùng đường, bị đẩy vào bi kịch đã tự tử ngay trong bồ thóc, thắt cổ treo trên xà ngang, cắn lưỡi ngoài bờ ruộng... Nhiều gia đình hỡi ôi không biết tránh đi đâu. Đêm đen đặc, cửa nhà đóng im ỉm, đèn đốt leo lét.
Cũng như các nhà giàu, các thân hào chí sĩ khác, gia đình Lý Tấn cũng bị xơ xác trong vòng bão đó, bị đội cải cách quy địa chủ vì có nhà gỗ lim, sân gạch, có nhiều ruộng nhiều trâu, có cửa hiệu buôn bán bên phố huyện... Các tài sản này đều là thành quả lao động từ thời cụ Lễ Đĩnh để lại và ông bà đắp đầm, cày ruộng, buôn bán ngoài phố huyện thêm cặp vào mà kế tục làm nên. Ông bà bị quy kết đúng các điểm, không cãi vào đâu được: Trí: chồng biết tiếng Pháp, đích thị là tay sai gián điệp của thực dân Pháp; biết chữ Nho, đích thị là tư tưởng phong kiến. Phú: Gia đình máu mặt có năm gian nhà ngói, tủ chè sập gụ, vườn trên ao dưới. Địa: vợ cai quản hàng chục mẫu ruộng. Hào: chồng từng làm lý trưởng, chánh tổng. Đã là lý trưởng, chánh tổng ắt có tội với nông dân!
Trên sân đình Lụa, giữa vòng vây nhung nhúc những người, ông và bà Cả bị trói giật cánh khuỷu, đứng chờ đến lượt. Ông đầu tóc rũ rượi, gương mặt chữ điền râu ria nham nhở. Bà Cả bịt kín nửa mặt bằng tấm khăn vuông đen, run như dẽ gà, chăm chăm nhìn xuống đất. Trước khi đấu Lý Tấn là cuộc đấu ông Xã Thành, anh rể, bạn “cọc chèo” của ông. Chị cu Phới hiền lành chân chỉ, hàng xóm bên nhà ông Xã Thành bị xúi bẩy, te tái đứng dậy:
-Xã Thành nghe đây! Mày đã nhiều ruộng lắm trâu, nhiều cày bừa, lại nuôi lắm ngan ngỗng, lắm vịt nhiều chim… Ngỗng vịt quàng quạc cả đêm làm xóm láng mất ăn mất ngủ…
Tay Cu Mại đi ở theo mùa nhổ mạ, gặt lúa cho nhà ông cũng nhảy ra. Chiếc khăn đầu rìu màu nâu xỉn quấn chặt lấy cái đầu mum múp cá rô:
-Đúng rồi! Tôi đi ở tôi biết nhà này nhiều trâu, nhiều vịt, nhiều thóc lắm gạo, lắm ngỗng, lắm chim… Người không có cơm mà ăn, nhưng chuồng vịt, chuồng chim nhà nó bao giờ cũng những thóc là thóc! Ăn lắm đẻ nhiều, đẻ toàn con gái... Thóc dư gạo mục cho con rể nó phá…
Đội Thẩm bật cười: Con gái kệ họ. Con rể cũng kệ họ. Quan trọng là… Đánh đổ giai cấp địa chủ cường hào, đem quyền lợi chia cho bần cố nông. Nếu lắm của cải thế thì ắt do bóc lột bần cố nông mà có…
Tí Chảnh vợ Cu Mại cũng băm bổ trỏ tay vào mặt ông Xã Thành: Mày là thằng bóc lột! Chúng tao làm quần quật duốt ngày chí đêm, hầu hạ dạ vâng vợ chồng mày, phục dịch đám con gái, phục dịch cả đàn ngỗng đàn chim. Ngồi mát ăn bát vàng, duốt ngày ngắm vuốt chim cò…
Cu Mại gạt vợ ra, xơi xơi một hồi: Chim của giời mày đánh bẫy về làm của mình… Với lại lười, không chịu quăng lưới bắt cả, lại bắt hai con chim cốc mò cá… chỉ việc xơi… Cốc mò cò xơi… Con chim cũng bị bóc lột. Súc vật nhà mày căng diều thóc gạo, còn chúng ông bốc cơm nguội, khoai khô… Có đúng không?
-Dạ… Dạ! Nhưng chiều nào vợ ông bà cố nông cũng đem một rá gạo của nhà con về nấu cơm cho trẻ con ăn ạ!
-Đấy là công chúng tao. Kể ra ông… ơ mày phải cho một thúng mới phải!...
-Dạ! Nhưng…
Đến lượt nhà Lý Tấn. Khi hai du kích điệu ra giữa sân, bà Cả đái cả ra quần, nước đái chảy lênh láng trên nền gạch vuông. Người nào đấu tố cũng đến trước mặt trỏ tay, vạch tuột vành khăn, băm băm xỉa xói. Tay Đĩ Lẽ do Lý Tấn thời làm lý trưởng thuê chuyên việc xẻ đất đào ao, đào mương thoát nước dọc đường… đã chực sẵn. Lẽ vuốt mặt đỏ gay, xắn tay áo như kẻ sắp lao vào keo vật:
-Tôi có ý kiến! Kể ra phải bắt cả vợ hai Lý Tấn ra đấu cho đủ bộ ba… Đội Thẩm khoát tay: Không cần! Vợ hai Lý Tấn thuộc bần cố nông. Để đảm bảo thời gian, chỉ cần đấu đại diện hai quả nhân này! Đề nghị bà con đi vào chất lượng!
-Được rồi! Nghe đây vợ chồng Lý Tấn! Tao đến xin cơm, mày cho tao cơm chó ăn thừa với hai quả cà thiu. Y như Dương Lễ đối xử với Lưu Bình… Đúng không?
-Dạ!
Đĩ Hạ là vợ Đĩ Lẽ quần ống thấp ống cao bước ra. Đám người đằng sau chợt bịt mũi khìn khịt. Mùi nước đái trẻ con từ người chị ta bốc khai khẳm. Đĩ Hạ nhảy cẫng lên, dí ngón tay vào trán bà Cả: Cho tao vay thùng thóc, mày lấy đũa bếp gạt miệng thùng rồi bắt khi trả phải trả hai thùng đầy có ngọn. Đúng không ?
-Dạ! Dạ… Không biết!
-Thóc khô mày tưới nước lên. Thóc lép mày bảo thóc mẩy. Đúng không? Mày còn bắt tao cho thằng cu Phiêu con mụ Hai nó bú rình. Nó cắn vú tao đứt cả chuỗm… Có đúng không?
-Dạ!
Xăm xỉa một hơi một hời, Đĩ Hạ ngồi thụp xuống ôm bụng, người toát mồ hôi hột, thở hổn hển: Đói với mệt quá! Từ sáng đã phải đấu mấy trận liền! Vợ chồng Lý Tấn ngơ ngác, chỉ còn biết khoanh tay gật đầu. Không gật không xong! Thấy Lý Tấn trân trân nhìn Đội Thẩm, một người đeo súng đứng sau ấn đầu ông xuống. Đội Thẩm dõng dạc gọi Cả Phin, con rể ông bà: Cả Phin đâu? Có đây không? Đến lượt anh vào tố! Không sợ gì sất! Đã có Đội bên cạnh. Bị bóc lột những gì anh cứ tố! Đám đông đẩy Cả Phin ra sân. Mặt bệch như đít nhái, Cả Phin lấy sức bình sinh, run run trỏ mặt bố mẹ vợ: Ông là… Bà… là…
-Đề nghị gọi cho đúng! Mày chứ… sao lại bà? Một xâu chuỗi lên tiếng.
-Dạ… Chúng mày… Ông… Bà… không cho tôi lấy cái… cái Luyến. Tôi… phải quì lạy cắn rơm cắn cỏ … Phải nộp… nộp con lợn cưới bẩy mươi ký lô…
Cô Luyến con gái thứ hai của ông bà Lý Tấn hiền lành và thuần phác, chỉ lo làm lụng. Cổ cày vai bừa, cùng dì Hai đảm đương mọi việc đồng áng, không quản nhọc nhằn. Theo trâu cày khỏe. Cấy hàng sào ruộng không biết mỏi lưng. Cả Phin là con một gia đình nghèo khó, chuyên làm chân sào cho các thuyền buôn gạch ngói miền trên. Những thuyền vật liệu trẩy từ làng gốm Bát Tràng, Hương Canh, Đáp Cầu về bến Cống Mang, Bến Ngự rồi trẩy ra các nơi Cẩm Phả, Ba Chẽ, Tiên Yên... Anh ăn khỏe làm khỏe, tháo vát. Lúc ngược nước, nhảy lên bờ kéo thuyền chạy phăng phăng. Nên các chủ thuyền rất thích thuê Cả Phin đi ở chân sào. Luyến có nhiều trai làng nhòm ngó, nhưng chỉ ưng anh chân sào hiền lành hạt bột. Bà cụ Đĩnh và ông Lý Tấn đã không theo các nhà giàu “cha mẹ đặt đâu con ngồi đó”, không hề phân biệt giàu nghèo, đã gả cô cho Cả Phin.
Làm nghề chân sào thuyền vận tải cực nhọc, nhưng phải đến khi lấy vợ, có bốn mặt con, Cả Phin mới cất được một ngôi nhà gỗ tạp lợp mái lá cuồi. Luyến mắn đẻ và dễ đẻ, sòn sòn năm một. Đi gánh nước cũng đẻ tụt cạnh bờ ao, vội giất tàu lá chuối lót ẵm con mang về. Ngồi đun bếp cũng đẻ rơi ra đám rơm khô… Nhà vợ chồng Luyến ở gần, dăm bữa nửa tháng bà Cả lại cho cô Tư Dẫm bê gạo bê rau sang cho chị. Nên khi bị buộc tố bố mẹ vợ, Cả Phin ấp úng là phải. Vừa lúc đó, Luyến hớt hải ở đâu rũ khăn xộc vào: Không đấu không tố gì sất! Về ngay! Về ngay! Ai bảo mày tố thầy mẹ tao? Thầy mẹ tao cho vợ cho con. Có tội tình gì?...
-Chúng… chúng nó xúi… xúi tao… Cả Phin ấp úng vì nghẹn cổ.
Luyến túm cổ áo Cả Phin xô đám đông lôi ra ngoài: Đêm xuống chuồng trâu mà ngủ Phin nhá! Xui ăn cứt gà cũng ăn à? Cả Phin nhùng nhằng: Đéo ở nhà nữa! Tao ra thiền đây!... Đám đông nhốn nháo. Bỗng nghe tiếng sấm ì ùng rung chuyển. Tiếng ì ùng mỗi lúc một gần, ngay ở ngọn tre. Mấy xám đùn lên những tổ mối khổng lồ. Bầu trời đang sáng chợt tối sầm nhanh chóng. Một cơn giông xuất hiện. Ào ào gió lốc. Mưa xối xả. Sấm sét chạy ngay trên đầu đẹt đẹt, sáng lóe. Phông màn, khẩu hiệu gãy đổ lả tả. Sân đấu tố tung tóe như ong vỡ tổ.
Đội cải cách còn cho người lẻn sau hè các nhà địa chủ giỏng tai nghe ngóng. Ngôi nhà gỗ lim của Lý Tấn bị niêm phong. Ba Lam đón bà Cả sang phố huyện. Mẹ con bà Hai xuống ở trong ngôi “nhà con” chuyên để nấu bếp. Tối đến cửa đóng then cài, lặng ngắt. Mùi khói ám tỏa nồng nặc. Liệu cơ thằng bé Tầm buồn đái, bà Hai bảo đái qua cửa mạch cũng được. Thằng bé bắc chim đái, bỗng có bàn tay túm vặn lấy chim. Giật bắn mình, nó thụt lại. Nước đái tung tóe, nó hoảng sợ thét lên: Mẹ ơi! Trộm bắt chim con! Trộm bắt chim con! Bên ngoài, nghe tiếng rít qua kẽ răng: Tiên sư mày. Đái vào mặt ông! Đang cho cu Thảo bú, biết ngay có người rình đằng sau nhà, bà vặn ngọn đèn rõ to rồi véo một cái cho thằng bé khóc thét lên...
Bên làng Phong Hạ, Tổng Cương, một chánh tổng sau thời Tổng Tấn, vì nhà gỗ lim to, nhiều ruộng, nhiều trâu cũng bị đấu tố kịch liệt. Đội kết án, giam ông vào một chỗ, chờ lệnh treo cổ xử bắn. May quá, có lệnh sửa sai, ông thoát chết. Những lần gặp Tổng Cương, Lý Tấn mới rõ chuyện xử bắn hụt của ông:
-Nhất Đội nhì Giời bác ạ! Phải khoanh tay cúi mặt bẩm thưa những người nông dân mà hôm qua vừa thân ái cấy hái, đập lúa cho mình, vừa cho họ bát cơm gánh nước, cho họ thúng thóc, rổ khoai… bằng “ông bà”. Thôi, gọi họ bằng ông bà cũng chẳng sao, gió bay lên giời, nhưng cái đau cắt ruột là họ bịa đặt và bắt mình nhận những điều không có. Hôm qua đường thông thì họ theo. Hôm nay khó khăn, vì miếng ăn và sợ chết, họ lại bỗng dưng trở mặt. Trước kỳ đài, khi tôi bị dẫn ra, sau những tràng hô “đả đảo địa chủ cường hào bóc lột”, “đả đảo Tổng Cương” họ moi xỉa, có kẻ còn ngoảnh đít hất mông vào mặt… Nhưng may sao, nhờ lệnh sửa sai về kịp, tôi được sống lại! Duy ngôi nhà gỗ lim thì bị tịch thu. Của đi thay người. Chết là thiệt. Được sống đến bây giờ là tốt lắm rồi! Chứ nhiều người có công lớn còn bị oan hơn ta nhiều! Ông xúc động kể về địa chủ Nguyễn Thị Năm...
Bà Nguyễn Thị Năm chủ hãng Cát Thanh Long ở Hà Nội, tản lên Thái Nguyên mua ruộng đất, phát canh thu tô. Bà là người phụ nữ đầu tiên bị quy là địa chủ và bị xử tội chết. Trước ngày tổng khởi nghĩa tháng 8-1945, nhà bà là cơ sở của Cách mạng. Bà đã hiến 100 lượng vàng cho Chính phủ mới thành lập và có hai người con trai tham gia Việt Minh. Bà vừa là địa chủ kháng chiến, địa chủ kiêm công thương, vừa là địa chủ hiến ruộng, thuộc diện chính sách được chiếu cố. Nhưng bà đã bị bắn trong xoáy lốc của cơn bão đời không ngờ tới…
Cũng thời điểm đó, bên tổng Hà Bắc, chánh tổng làng An Giang Đinh Văn Thịnh cũng suýt chết trong một cuộc đấu tố. Đinh Văn Thịnh là địa chủ từng làm chủ tịch lâm thời đầu tiên của Ủy ban hành chính kháng chiến xã An Giang. Hôm ông bị điệu ra bãi Ta ranh chuẩn bị xử bắn thì bỗng dưng vòm trời đầy mây đen kịt nổi lên. Một cơn mưa giông lớn ập đến cuốn đổ hết cả cờ quạt, băng đàn, khẩu hiệu… Cuộc xử tử buộc phải hoãn lại. Mạng ông còn lớn. Vì liền sau đó có lệnh sửa sai từ trên kịp về làng.
Kết thúc cuộc đấu tố, ruộng đất, trâu cày nhà Lý Tấn bị phân tán, xé lẻ. Chiếc sân gạch cũng bị đào tróc mất mấy hàng, vứt bỏ ngổn ngang. Bao nhiêu đồ đạc, mâm thau, nồi đồng, bát đĩa cổ quý giá trong ngôi nhà ngói năm gian bị chia chác đâu hết. Hai cái mâm gỗ dựng ở chạn bát đũa cũng bị băm sứt mẻ. Văn tự ruộng đất, biên lai ủng hộ vàng cho kháng chiến và tờ sắc phong của vua Bảo Đại cũng bị rút ra đốt mất. Cái “ống quyển” bằng ống tre trong chiếc hòm sắc gỗ sơn đỏ vẽ rồng phượng bị dẫm dập vỡ một đầu, ném chổng chơ xó nhà. Những thứ này, sau bà Hai nhặt lại được đem cất trên bàn thờ. Chiếc tủ chè gỗ gụ khảm trai điển “Mai Hạc” rất đẹp cũng không biết biến đâu mất vào thiên hạ? Bộ chiếu xếp bằng gỗ nghiến họ khiêng ra đến ngõ chắc do nặng quá và chắc cũng đã chia cho quả thực cho nông hộ nào đó nhưng vì to quá, áng chừng không đặt nổi vào nhà gianh, nên họ bỏ lại ngoài cổng ngõ. Bà Hai cùng Ba Xâm phải dùng những đoạn gỗ tròn làm con lăn, kê và dịch từng tí một mới đem được vào nhà.
Trong xóm, Đĩ Lẽ là một xâu chuỗi, một cốt cán năng nổ. Nhà Lẽ xáp ngay mé đường. Bà cụ Lanh, mẹ kế của Lẽ có nghề bán bún riêu cua đồng. Hàng bún riêu cua đồng của bà ngon có tiếng. Hàng ngày bà dậy từ nửa đêm giã cua, vớt bún, soạn sửa gánh bún riêu đi rao bán khắp làng trên xóm dưới. Chiều về lại đeo “giọng” lặn lội ra đồng, móc tay vào các bờ ruộng bắt cua hoặc mua cả “giọng” của bọn trẻ chăn trâu. Đôi bàn tay bị rắn nước cắn đầy vết nhang châm. Vợ chồng Lẽ thức đêm đi hội họp, về ngủ cả ngày, mặc mọi công việc cho bà mẹ kế. Bà lặng lẽ như cái bóng, tẩm ngẩm lo toan đắp đổi bữa sáng bữa tối cho cả nhà. Bà là một người đàn bà nhanh nhẹn, sống có tình, tuy hơi giảo hoạt do cái nghề nó tạo nên tính cách. Lẽ đối xứ với mẹ kế rất tệ bạc. Lôi thôi hắn mắng mỏ và cả chửi đổng bà như chủ đối xử với người ở vậy. Có bữa, bà vừa sắp gánh bún riêu để ngoài hiên, chưa kịp quẩy đi bán, hắn kéo ở đâu một lũ người lảo đảo như bọn mất ngủ sau canh bạc về nhà, cứ thế mở tung, đơm bún riêu ăn xì xụp cho bằng hết. Bà mẹ gạt nước mắt, không dám ho he.
Nghe cán bộ cải cách nói Đội sẽ chia nhà của địa chủ cho các bần cố nông, Đĩ Lẽ nhảy chân sáo. Hắn đánh bạo hỏi đội Thẩm: Liệu em có được vào diện chia nhà không cán bộ?
-Gắng phấn đấu sẽ được. Xóm này, thích nhà địa chủ nào thì đề nghị… Đĩ Lẽ về nói với vợ, rịn cả mồ hôi mặt: Mình sẽ có nhà. Nhà cao cửa rộng hẳn hoi! Sẽ thoát khỏi túp lều gianh vách đất. Mẹ mày tha hồ mà đẻ thêm mấy thằng cu nữa cho tao…
Bên nhà Lẽ, về phía nam có cụ Hương Chước, là một gia đình bị qui địa chủ, có ngôi nhà gỗ lim năm gian cũng thuộc hàng nhất nhì làng. Cụ Hương Chước thương cảnh Lẽ nghèo đói vẫn thường cho gia nhân mang cơm, mang gạo sang cho và cắt việc cho Lẽ làm để Lẽ kiếm thêm cái về nuôi vợ con. Đằng phía bắc có nhà Lý Tấn, Lẽ vẫn thường đến xin nhổ mạ, đập lúa thuê, tiền giao cháo múc, chẳng rơi vãi xu nào… Lẽ đi khắp xóm hỏi mấy ông bà cao tuổi xem hai nhà địa chủ ấy thì nên lấy nhà nào? Biết tính Lẽ tráo trở, ai cũng quay mặt đi, không biết! Sang nhà ông Khán Vọng hàng xóm, hắn cũng hỏi: Này ông! Nên lấy nhà Hương Chước hay nhà Tổng Tấn? Nhà nào mát? Ông Khán đáp: Nhà nào người ta cũng mát! Chỉ có nhà anh là bức thôi! Còn thối là khác!
Ông bà Khán Vọng cũng do chăm chỉ làm ăn, chắt bóp mà gần đến ngày cải cách vẫn cố công đi tậu ruộng. Thấy nhà ông bà cũng nhiều ruộng, lại có con trâu đực mộng cày khỏe, Lẽ ton hót với Đội Thẩm: Ông này cũng giàu lắm! Qui vào thành phần phú nông địa chủ được đấy! Đội Thẩm hoắm mắt: Qui nhà ấy thì lấy đâu ra chỗ cơm cháo với nước chè Vân? Chú mày ngu lắm! Chả là: nhà ông Khán bấy nay được Đội lấy làm nơi hội họp, luận bàn công việc. Bà Khán khôn ngoan bao giờ cũng dọn sẵn mâm cơm, ủ sẵn phình chè Vân nóng rẫy trong giỏ, cứ đợi lúc Đội về là bưng ra, mời xoắn xoặn… Vậy là ông bà Khán thoát khỏi cơn lốc! Nhưng cuối cùng, Lẽ chưa kịp đạt ý đồ thì có lệnh sửa sai. Hắn tiu nghỉu như con chó cụp đuôi bị mất mèng cơm!
Lý Tấn lặng người tựa vào cột hiên. Nước mắt chứa chan. Sân sướng bị bóc gạch lam nham. Vườn tược cây cối bị giẫm đạp. Chiếc kiệu hứng nước mưa cạnh gốc cau bị ghè sứt miệng. Một mảng tường hoa bị vỡ tung tóe vôi vữa. Cửa nhà tan tác đồ đạc. Bà Hai bê từ bếp lên một rá khoai củ lem nhem bằng ngón tay: Chiều nay không còn gì ăn. Ông dùng tạm ít khoai này vậy! Để tôi sang nhà con Luyến xem có giật tạm được ống gạo nào không!
Ban đêm thuê đò dọc, ông chở vội bức đại tự “Thế Phả Lý Ba” sang phố huyện gửi nhờ nhà ông Đỗ Nụ ở phố Lê Lợi. Lúc xuống đò ngang qua sông Tranh, tự nhiên gió thổi lồng lên. Nước thủy triều rặc mạnh. Sóng đánh tung tóe trùm khoang đò, ướt hết cả mặt sau bức đại tự ông đã cẩn thận đặt nằm úp xuống. Con đò nghiêng ngả tưởng không sang được bến bờ bên kia sông. Lý Tấn và mấy người phải xúm vào, bửa ngực chèo đấu với ông lái... Bức đại tự này mãi đến bốn mươi năm sau, ông Lý Tấn mới gọi con cháu lại bàn: “Nhà ta còn một bức đại tự khắc bốn chữ do tay thầy viết thảo... Các con sang phố huyện nói khó với người ta, xin về. Phải cố mà giữ lấy kỷ vật ấy…”.
Sau Cải cách ruộng đất ở nhà quê, Lý Tấn tưởng cơ nghiệp buôn bán bên phố huyện sẽ thoát nạn. Không ngờ ông vẫn bị sa vào cơn bão của Cải cách công thương. Trước đó, bên cạnh ngôi nhà làm cửa hiệu “Nhân Mỹ”, ông tậu thêm một ngôi nhà nữa, phá nếp cũ, xây dựng mới một cửa hàng lớn, dự định sẽ mở rộng, nâng lên thành hãng “Thuốc lào Nhân Mỹ”. Nhưng tòa nhà vừa xong chưa kịp khô vôi ve, liền bị Đội cải tạo công thương đến kê biên tịch thu. Lúc này, Lý Tấn mới sực tỉnh về cái tát oan dành cho cô con gái cả khi cô can ngăn: Thầy đừng xây nhà mới nữa vì người ta đang sắp sửa đánh vào tư sản, tiểu thương!... Ông đã mắng: “Ai cũng như chúng bay thì lấy đâu ra phố xá thị thành? Thầy xây nhà dựng cửa bằng tiền của chắt bóp từ mồ hôi… chứ có bóc lột ai đâu mà sợ!...”
Y rằng tòa nhà bị mất. Lý Tấn chịu thua. Các cô con gái xúm vào than vãn, trách cứ cha: Biết trước mà! Chúng con đã bảo mà thầy có nghe đâu! Mặt ông méo xệch trong hơi thở của một người lên cơn hen xuyễn:
- Thế gian biến đổi. Biết làm sao được… hả các con! Của đi thay người…
Giữa lúc nước sôi lửa bỏng thì ở nhà quê làng Lụa lại xảy ra việc cu Thảo bị trúng gió. Thảo là con trai thứ ba, (thứ tự gái trai trong nhà là thứ tám). Buổi chiều hôm ấy, một cơn gió lạnh bất ngờ thốc vào sân, chỗ mấy anh em Tầm đang bò lê bò càng chơi với nhau. Bỗng Thảo lăn đùng ra sân, im bặt tiếng bi bô. Mắt trợn lên. Mồm méo xệch. Tầm sợ hãi gọi mẹ. Bà Hai chạy tới vồ lấy, ôm chặt vào lòng như gà mẹ ấp gà con. Bà cụ Diệu hàng xóm sang bảo chỉ có máu con lươn mới chữa được bệnh méo mồm! Bà Hai đầm xuống ao, móc bằng được con lươn về làm thuốc cho uống và bóp quanh miệng Thảo. Nhưng cũng bó tay. Mấy ngày liền miệng Thảo vẫn méo. Bà ẵm con chạy tắt cánh đồng lên tận làng Hương Cốc cậy nhờ ông lang Ỳ. Ông lang lắc đầu:
"Thằng bé đẹp giai thế này mà bị trúng phong mất rồi!" Trổ hết bí quyết nghề thuốc gia truyền, ông lang vẫn không nắn được mồm thằng bé trở lại. Còn nước còn tát. Bà lại bế con lên nhà ông Lang Đặng. Cũng không kịp! Bà Hai vô cùng lo sợ. Chân tay luống cuống, bủn rủn như dẵm phải lửa. Bà chỉ còn biết đêm đêm ra giữa sân khấn vái lên những vì sao xa thẳm. Những vì sao chìm dần vào rạng đông. Từ đó Thảo mang chứng méo mồm…
Cơ nghiệp tan vỡ. Ruộng đất bị mất. Cửa hiệu bị xung công. Con cái bị hạn. Tinh thần hoảng loạn. Lý Tấn chưa biết định liệu ra sao. Sau đó, Ba Lam lấy chồng thương binh miền Nam tập kết. Ông quyết định giao căn nhà còn lại ở phố cho vợ chồng Ba Lam và Minh Sánh. Lúc này Minh Sánh đã mười ba tuổi. Tầm mới lên bẩy, được cha dắt sang phố xin vào học ở trường Tư thục của ông giáo Trần Giai. Dặn con mà hai hàm răng ông run cầm cập: -Thầy về nhà quê sinh sống con ạ! Sức thầy không còn bao nhiêu. Các con ở lại nuôi em ăn học. Cố mà vực cơ nghiệp lên. Chịu khó buôn bán… Nhớ lời bà nội từng dạy: Giàu nhà quê không bằng quét lê hàng phố… Phi thương bất phú…
Do sợ hãi những cuộc đấu tố, do ăn uống thất thường, rồi lo nghĩ không biết sẽ sống và làm ăn sao đây, bà Cả bị mắc chứng đau dạ dày. Chị em cô Cả, cô Ba Lam đưa mẹ lên Hà Nội chữa bệnh. Ba, bốn tháng trời nằm nhà thương bệnh mới đỡ. Từ nhà thương về, bà Cả ở lại với vợ chồng Ba Lam. Đêm đêm bà nằm mơ nói sảng toàn lạy ông đội bà cán, lạy ông nông dân, lạy bà bần cố… Cơn đau mất ruộng, mất trâu, mất cửa hàng, đồ lề, của cải vẫn còn dẳng dai dư chấn trong tâm trí bà. Mỗi khi có người đến thăm vô tình nói chuyện về Cải cách ruộng đất bà lại lăn đùng, ngất xỉu. Bà thường ngồi một mình lặng lẽ, run rẩy, rất sợ tiếp xúc với bên ngoài. Tấm lưng còng xuống, như một cái dấu hỏi.
Ông Lý Tấn sang đón bà về làng Lụa. Bà chắp hai tay, lắc đầu, nhất mực:
- Tôi chả còn mặt mũi nào mà về cái nhà với cái làng ấy nữa. Bao nhiêu cũng công cốc cả rồi. Còn cái xác nhà không! Ông bảo tôi về, lấy cái gì để làm, lấy cái gì để va vào miệng?...
-Bà hẵng để tôi nói. Bà cứ an tâm. Biết bà bệnh tật, tôi với bà Hai sẽ làm lụng nuôi bà. Ruộng đất, trâu cày, hàng hiệu mất thì thôi, còn người còn của. Tôi biết công lênh bà lắm chứ. Cũng vì tôi, vì gia phong cái gia đình này mà bà làm lụng, hà tằn hà tiện tích cóp mua ruộng sắm trâu… Bà cứ về quê hương bản quán cho người ta còn nhìn vào, không lại bảo chúng tôi gằn hắt bà… Kiên nhẫn thuyết phục, lòng ông cũng tan nát trước những lời vợ Cả. Ông biết một phần bà cảm thấy sẽ cô đơn sau bệnh tật, một phần đau đớn về cái tiếng địa chủ, về cửa nhà trống hoác, về những người hôm qua còn xun xoe, nịnh nọt, hôm sau đã giở mặt với bà… Nào bà có bạc ác gì cho cam!
-Thôi! Ông cứ về cùng bà Hai giữ cửa giữ nhà. Coi như tôi là kẻ tệ bạc trút gánh cho hai người… Còn một cái đòn ghế, cái manh giại… cũng cố mà giữ để rồi ăn nên làm ra… bà Cả nghẹn ngào, không nói được gì thêm.
-Nói gì thì nói, cả đời bà cơm hẩm cà thiu, rau muống mắm cáy lầm lũi lo toan… bà vẫn là người có công của cái nhà này cơ mà… Ông khẳng định: Bà là người mở cửa đón bà Hai về…
Trước tình cảnh ấy, Ba Lam an ủi cha: Thầy thông cảm. Mẹ con như “gà phải cáo”, yếu bóng vía, chưa thể sáng cái đầu ra được. Để mẹ bên này chúng con phụng dưỡng. Đây với bên quê có bao xa. Thỉnh thoảng thầy với bà Hai và các em sang thăm cho ấm cảnh…
Từ đó, ông chính thức từ giã phố huyện. Bỏ ngôi nhà “Nhân Mỹ”, ông dắt theo cậu Minh Tầm đang học ở đó, cùng về làng Lụa. Đang ở phố vui vầy có chị có em, tối có đèn điện sáng trưng, được chị dẫn đi xem “xi nê”, sáng đi học có chiếc bánh mỳ, nắm xôi ăn với miếng giò, Tầm vùng vằng: Con chẳng về nhà quê đâu! Ông nghiêm nét mặt: Không được! Chỉ em Phiêu ở lại. Con là con trai lớn. Người bé mắt to. Họ hàng gia ổ là gốc. Nên con phải về! Thời nào cũng vậy, dù đói kém mấy cũng phải có người giữ gốc!
Trước khi về nhà quê, cha con Minh Tầm đến chào tạm biệt ông giáo Giai dạy trường Tư thục. Trường Tư thục là một căn nhà lá trên một gò vườn cây cối xum xuê, nổi giữa khu đầm Cửu Long sau chợ Rừng. Ông giáo Giai người to cao, quắc thước, thường mặc bộ lụa trắng, tay cầm chiếc quạt lông chim giống như Khổng Minh trong truyện Tam Quốc. Ông dạy rất nghiêm. Trò nào nói tục, viết sai chính tả, không thuộc bài là bị ăn đòn luôn. Ông thường bế ngang chúng lên, dùng chiếc thước bạc đánh vào mông đít. Được cái sáng dạ, lại viết chữ đẹp, nên Tầm chỉ bị đòn đâu có hai lần, thuộc hạng hiếm trong lớp. Có điều lạ là không bao giờ ông khen Tầm trong lớp. Nhưng hễ đánh bọn học trò bên cạnh, thể nào ông cũng đưa mắt về phía Tầm như ngầm dạy: “Cố mà học, chớ mắc lỗi như chúng nó!” Và ông chỉ khen với cha cậu: “Thằng trò này nó viết chữ có hồn, có hoa tay! Văn nó viết được ...” Đang giờ dạy, ông giáo Giai bước ra tận thềm đón hai cha con. Đứng dưới sân, Tầm lễ phép khoanh tay cúi chào ông giáo mà giàn giụa nước mắt: -Dạ! Thưa… thưa thầy! Con xin phép thầy về quê… học ạ! Đã biết cảnh ngộ của gia đình trò Tầm, ông giáo cũng không khỏi bâng khuâng tiếc nuối. Ông nói với Lý Tấn: Cũng đành lòng vậy! Thằng bé này đã ngoan lại học giỏi. Cháu nó về quê, bác đừng để nó thất học. Tôi kỳ vọng vào sức học, sự học của nó! Ông choàng ôm lấy Tầm: Cố mà học cho thành tài, thành người con nhé!
Nhìn lớp học, Tầm muốn ở lại quá. Bao nhiêu kỷ niệm với bạn bè. Những hôm được nghỉ, Tầm tạt về làng, lúc sang thường mang theo những chú dế chọi đen nhánh bắt được dưới vầng cày cùng mấy củ khoai sống cho dế ăn và những nắm cốm xanh giã chập chuội chia cho các bạn. Đứa nào cũng quí thằng bạn nhà quê thơm thảo. Thằng Minh con ông hàng phở hay đem bát phở con con cho Tầm hẹn đổi lấy dế chọi. Cái Thành hay ăn trộm vặt, bắt được cứ toe toét chối rồi một chốc lại đem đồ sang trả. Thằng Quân cháu ngoại ông giáo nhu mì, hay cười tủm tỉm, thường dúi vào tay Tầm những viên bi long lanh nhỏ xíu…
Em trai dưới Tầm là Phiêu. Phiêu cũng khóc chào đời dưới ngôi nhà cổ ở làng quê. Nhưng đến năm ba tuổi, trong thời kỳ cải cách ruộng đất thì ông Lý Tấn và chị Ba Lam đón Phiêu sang phố huyện để nuôi. Vì lúc này ở quê dân tình nháo nhác, mê miết và lo sợ. Người lớn bị cuốn theo cơn lốc gạn tìm và trốn hú. Trẻ con bữa ăn bữa nhịn. Bà Hai phải ra rừng Cống Đào hái quả mắm, quả bàm bàm về luộc ăn trừ bữa. Phiêu sang phố huyện còn có miếng cơm, miếng bánh mỳ. Thỉnh thoảng Tầm cũng được nhận những chiếc bánh mỳ to bằng bàn tay bên phố gửi về do người làng đi chợ cầm hộ. Đói, được chiếc bánh mỳ là thích lắm. Vừa ngon vừa lạ miệng. Trận bão năm Ất Mùi làm vỡ đê, bà Hai kịp cho Tầm lên thuyền nan chèo sang phố chạy lụt. Tầm được ở lại chỗ chị Ba Lam sống với em một thời gian và được vào học trường Tư thục của ông giáo Giai là vì thế. Tuổi thơ anh em Tầm và Phiêu chỉ được bên nhau năm, sáu năm ngắn ngủi.
Phiêu lớn lên và học hành bên phố. Những đứa cháu con chị Ba Lam đều do tay bà Cả, chị Minh Sánh và Phiêu bế ẵm, trông giữ. Những năm chiến tranh chống Mỹ, Phiêu lại về quê trong các đợt đưa dân thành thị về nông thôn sơ tán. Lúc ở cả một chuỗi ngày dài. Khi chốc lát như cơn mưa đám mây. Cuốc bộ đi đi về về, qua đò Chiêm, vì anh em nhớ nhau. Chúng lại hòa vào không gian hương đồng gió nội trong những buổi đi cất vó tép, bắt cua, đơm rạm, nơm cá... Anh em dậy sớm trước cả sao mai mang vó tép rải ran ven các sông ngòi. Đến xẩm tối mới về, mang theo những giỏ tép, giỏ cua đầy ắp lẫn mùi bùn mùi nước, mùi rong rêu rơm rạ. Tóc đứa nào cũng khét nắng.
Phiêu có tài lấy những mẩu gỗ xoan đẽo thành những khẩu súng lục, khoét lỗ, lắp đầu van xe đạp, nhét bột diêm vào, bật que sắt làm kích nổ, bóp cò tạo ra tiếng nổ như pháo. Trẻ con trong xóm thích mê, chạy theo đòi xem, đổi những con dế chọi, những chiếc bánh đa lấy khẩu súng gỗ. Anh em Tầm còn đẽo những con gụ, sà vào những đám chọi gụ, mê miết theo vòng quay tít mù. Con gụ đẽo bằng gỗ tiện từ cành bưởi hoặc khúc cây mắm ngoài rừng ngập mặn. Đầu gụ nhô lên hình chóp nón. Vú gụ gắn đinh nhọn. Cầm con gụ đẫy dây dải rút quấn quanh, rồi lấy đà thả vung ra. Gụ quay tít ngàu trên chiếc đinh, chạy kéo dài trên mặt đất, phát tiếng kêu vo vo rất thích thú... Sáng tháng tám trong không gian mùa thu mát dịu, Tầm rủ Phiêu đi cắt cỏ, chăn trâu cùng bọn trẻ xóm. Tụi trẻ tranh nhau những bờ cỏ non chạy giữa các ruộng lúa để cắt. Anh em Tầm len vào các đầu bờ ruộng cắt một đoạn xí trước rồi quay lại cắt sau để được nhiều cỏ. Thằng Ngọ cắt bôi bôi bờ của nó rồi lẻn qua ruộng lúa cắt sang bờ của anh em Tầm. Tầm liền giằng lấy chiếc liềm của nó. Nó chửi xấp mặt: Địt mẹ con địa chủ phú nông! Ruộng hợp tác chứ! Tầm hoạnh lại:
-Này! Mày chửi ai? Địa chủ còn hơn thằng không có nước mà uống, phải đi xin nhà tao nhá! Ngọ đẩy Tầm ngã xuống ruộng. Phiêu chạy lại:
-Thằng này đểu! Anh để em cho nó một trận! Tầm can ngăn: Đừng chấp nó làm gì. Nhà mình với nhà nó cùng họ...
Tưởng chuyện đã xong. Sau đấy mấy ngày, đang cất vó, Phiêu thấy thằng Ngọ đi qua ném một hòn gạch xuống chiếc vó ngâm dưới bờ sông. Gọng chiếc vó gẫy đôi. Mẹ cha thằng thù vặt! Thế là Phiêu cầm luôn chiếc đĩa xúc tép chạy đuổi theo. Chiếc đĩa bay vèo sạt thẳng vào mang tai thằng Ngọ. Nó ôm tai khóc hu hu: Mẹ cha con địa chủ… mày đánh ông… Hôm sau nhà Tầm đang có giỗ, chú Thang bố thằng Ngọ sang mắng vốn. Ông Lý Tấn liền gọi anh em Tầm đến trước mặt chú, bắt xin lỗi: Đây là chú Thang chú họ với nhà mình! Máu lỏng còn hơn nước lã! Anh em chúng bay phải đoàn kết chứ!
-Nhưng mà nó chửi chúng con là con địa chủ! Phiêu nhanh nhảu phân bua.
-Câu chửi gió bay lên trời! Người ta chửi mà mình không nghe, không nhận tức là không có gì cả! Từ nay các con không được thế! Ông quay sang chú Thang: Chú cũng về dạy con chú đi! Không có địa chủ thì làm sao dân nghèo có ruộng để được chia mà cày cấy đến bây giờ? Đừng để trẻ con làm mất lòng người lớn. Thôi, tiện đây ta vào uống nước. Chú ăn với nhà tôi bát cơm!
…....... CÒN TIẾP