Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


MỘT TRÁI TIM BUỒN



Biết còn buồn được bây giờ
Mai kia dẫu chút buồn hờ cũng không.

(Thơ NBL)

     - G iàng ơi, Lía buồn quá!

Mỗi khi gặp điều không như ý, Lía lại kêu lên như thế. Và cũng chỉ như thế mà thôi. Với Lía, mọi tâm trạng bi quan, buồn rầu, đau khổ, uất ức hay tức giận… đều gói gọn vào một chữ BUỒN!

Lần đầu tiên Lía bật kêu câu đó là ngày mẹ chết. Không hiểu bệnh gì mà mẹ Lía chết nhanh lắm, sau một buổi ốm nằm không dậy. Nhanh đến nỗi cha Lía chưa kịp rước thầy cúng về đuổi ma thì mẹ đã chết rồi.

Năm ấy Lía đang học lớp năm.

Mẹ Lía nhiều lần bảo rằng bà có hai mơ ước: Một là cho Lía học thật nhiều chữ để sau này Lía làm cô giáo. Mẹ không muốn ngày ngày Lía cắm mặt trên nương như đời mẹ, đời cha. Hai là chỉ gả chồng cho Lía khi Lía đã học xong chứ Lía không được lấy chồng sớm. Lấy sớm như mẹ vất vả lắm: cưới dâu về rồi, bà nội còn lần lượt sinh thêm ba người con nữa nên mẹ phải bồng ẵm chăm sóc lũ em chồng chẳng khác nuôi Lía sau này.

Cả hai mơ ước của mẹ Lía chẳng bao giờ thành hiện thực, khi cha Lía cưới mẹ kế về.

Mẹ kế không muốn Lía đi học nữa.

-Con gái rồi cũng về nhà chồng, học nhiều uổng phí…Tích nhiều ngô khoai mới no bụng, tích nhiều chữ vào đầu ích chi? Cái bụng ăn chứ cái đầu có biết ăn đâu?

Mẹ kế nói với cha thế. Và cha gật gù khen có lý.

Vậy là Lía không còn đến lớp học nữa, ngày ngày theo mẹ kế làm nương.

Năm Lía 17 tuổi, mẹ kế một hai thúc cha gả Lía lấy chồng, chắc vì ham của nhà bà Phò.

Bà Phò là một trong số người giàu hiếm hoi của bản. Ngoài nhiều nương cho thuê, nhà bà nuôi rất nhiều bò, dê và lợn. Gà vịt thì thôi, đếm không xuể.

Thông thường nhà giàu chẳng muốn cưới dâu nhà nghèo, chỉ vì Tỏa mê Lía quá, nằng nằng đòi mẹ cưới bằng được. Chắc vì Lía đẹp nhất bản, hiền lành và siêng năng cũng nhất bản.

Mặc bà Phò giảng giải, ngọt nhạt khuyên can, Tỏa không thay đổi ý định, còn đòi cưới ngay tháng này. Lía đẹp thế, để chậm một bước lỡ thằng con trai khác hớt mất thì sao?

Mẹ kế tính toán bàn với cha Lía rằng: nhà bà Phò giàu, phải đòi sính lễ thật cao, kẻo… phí! Ngoài số tiền lớn còn kèm thêm hai cặp bò cái vừa đến tuổi sinh con.

Nghe Tỏa về nói lại, bà Phò trợn mắt, rên lên như bị cướp… bóp họng! Bà hăng hái lắc đầu xua tay nguầy nguậy, rất quyết liệt nhưng đâu quyết liệt bằng thằng con cứng cổ cứng đầu. Tỏa hùng hổ lật quân bài ngửa: nếu mẹ không cưới được Lía, hắn lập tức vào rừng tìm ăn… lá ngón.

Thế là bà Phò sợ xanh mắt, lạnh toát tay chân, đành nuốt nghẹn răm rắp làm theo. Nên đám cưới Lía thật chóng vánh, nhanh hơn người ta chọn mua bò mua dê ở chợ phiên.

Mẹ kế hả hê cười. Tỏa hả hê cười. Chỉ có nước mắt Lía tuôn như mưa nguồn.

Sau này Lía mới biết Tỏa là quý tử của bà Phò, từ bé đòi gì được nấy, như ông vua con.

Bà Phò đẻ được một con gái -là cô Mỉ- rồi thôi. Tốn bao nhiêu tiền vào đủ loại thuốc thang lẫn rước thầy cúng quảy triền miên, bà mới sinh thêm Tỏa. May phúc cho bà, nếu không kịp có Tỏa hẳn bà phải trơ mắt nhìn chồng cưới vợ khác, kiếm con trai. Đã mất chồng, bà mất luôn phần lớn tài sản do công sức bà chắt chiu thu vén tạo ra.

Mẹ kế chỉ nghĩ đến vơ vét, chẳng cần biết bà Phò nuốt không trôi cục nghẹn thì sẽ trút sang đầu Lía cho bõ hờn. Thế là từ giờ mỗi ngày bà Phò không cần thuê anh Chia cắt cỏ nữa. Đã có Lía làm. Bà phải trừ dần vào số sính lễ lớn đã bỏ ra cho nhà Lía chứ.

Mấy năm nay làm nương với mẹ kế đã quen nhưng Lía chưa quen công việc cắt cỏ bò, tưởng đơn giản mà lại rất vất vả này. Vì càng lúc càng phải đi xa hơn mới tìm ra cỏ, lại đâu chỉ một chuyến đã đủ cho cả bầy dê đàn bò đông đúc. Lía phải còng lưng oằn vai cõng cỏ vài lượt như thế. Khối cỏ nào cũng to đùng, ướt sương rất nặng.

Đã thế, hai bữa cơm cũng chờ tay Lía về nấu. Mà phải nấu cho nhanh kẻo Mỉ xấu đói lắm. Có lần Lía bị bà Phò tát sưng mặt vì cơm lâu chín quá, Mỉ sắp xỉu rồi đây! Bây giờ Lía mới hiểu, được cưng yêu quá mà hai chị em Tỏa hư lắm. Con nhà giàu không phải làm việc nặng nhọc kiếm tiền đã đành, ngay các việc lặt vặt trong nhà cũng chẳng chịu động tay.

Tối Lía nằm xuống, vai đau, lưng mỏi, chân rã rời, hai cánh tay chi chít vết tích sầy sướt do cỏ sắc, gai nhọn lẫn liềm bén để lại.

Giá Tỏa can thiệp với mẹ vài câu cho Lía, hẳn bà Phò cũng bớt hà khắc phần nào. Nhưng giờ hắn có màng gì đến vợ? Lía đã là con ma nhà hắn rồi, chẳng sợ lọt vào tay ai khác, hắn cần chi quan tâm nữa?

Thì ra Tỏa thích Lía như một đứa bé thích món đồ chơi thú vị, chỉ muốn độc quyền chiếm hữu. “Cả thèm chóng chán”, chưa có trong tay thì khao khát, đến khi có được rồi thì rẻ rúng bỏ bê.

-Giàng ơi, Lía buồn quá!

Lía chỉ âm thầm kêu như vậy chứ không mở miệng trách móc Tỏa bao giờ. Tính Lía nhẫn nhịn đã quen. Thì cứ cho là do Tỏa vô tâm nên không lường hết nỗi nhọc nhằn của vợ, nào hắn có động tay cầm liềm cắt một dúm cỏ bao giờ mà thông cảm?

Giờ Lía mới biết Tỏa rất thích uống rượu với bạn bè, ngày nào không uống là ngứa ngáy khó chịu như bị rệp đốt kiến cắn. Đám bạn nghèo cũng là sâu rượu như Tỏa, chẳng khi nào có một xu dính túi. Bám vào Tỏa, họ mới được uống thỏa thuê.

Dần dần, Lía hiểu thêm một lý do bị bà Phò ghét: bà ganh tị thay con gái bà.

Hơn Tỏa 7 tuổi, Mỉ vẫn chưa có chồng. Dù bà Phò ra sức vun xới gầy dựng, hứa hẹn cho nương chia bò hậu hĩnh thì cũng chẳng anh trai bản gần bản xa nào chịu hỏi cưới Mỉ. Chắc do từ bẩm sinh Mỉ có vết bớt sẫm màu khá lớn ngay đuôi mắt trái, người già trong bản gọi đó là tướng “khóc chồng”. Làm gì có anh trai nào dũng cảm đến độ đổi mạng sống lấy chút tài sản phù du? Người “ngỏm củ tỉ” rồi, tài sản để ai xài đây?

Bà Phò đã cho Mỉ vào mấy bệnh viện lớn ở thủ đô, hy vọng bác sĩ cắt xẻo xóa được dấu vết “phản chủ” này. Tiếc là không thành công, do vết bớt có rễ sâu chạm đến mạch máu sao đó.

Dĩ nhiên không chỉ bà Phò mà cả cô Mỉ cùng ngấm ngầm ganh ghét Lía. Quần quật suốt ngày phơi mặt ngoài trời nắng như dội lửa mà Lía da vẫn mịn, má vẫn hồng, tóc vẫn mượt.

Lòng đố kỵ xui Mỉ hay thì thọt vào tai mẹ nhiều chuyện do chính Mỉ tưởng tượng ra, để Lía bị hiểu lầm, bị chửi mắng, bị ghét bỏ thêm. Phải khen cô Mỉ giỏi quá mới có thể suy diễn đặt ra những tình tiết ly kỳ, chặt chẽ đến không ai bắt bẻ được. Giá Mỉ là một nhà đạo diễn, nhất định đã trình làng vô số tập phim hấp dẫn, lôi cuốn khỏi chê! Khổ một điều, Mỉ không phải là đạo diễn, nên chỉ một mình Lía lãnh đủ hậu quả.

Mang tiếng dâu con trong nhà mà Lía bị đối xử tệ hơn kẻ ăn nhờ ở đậu. Nhìn trâu kéo cày trên nương, lỗ mũi phì phò sùi bọt trắng, Lía nghĩ trâu vất vả cỡ Lía là cùng.


-Giàng ơi, Lía buồn quá!

Khi Cải vừa lững chững tập đi thì Tỏa mắc một chứng bệnh lạ rồi mất. Thế là Lía góa chồng và Cải mồ côi cha.

Đã cô đơn trong gia đình nhà chồng, giờ Lía thấy cô đơn gấp đôi. Cho dù hôn nhân lạt lẽo thì mất đi người đàn ông trong nhà, người vợ vẫn hụt hẫng, chênh vênh.

Bà Phò gần như ngã quỵ, nằm liệt giường dai dẳng mấy tháng liền. Bà chì chiết chính Lía có tướng “khóc chồng” chứ đâu phải Mỉ như miệng thiên hạ hàm hồ? Làm như thể Lía tạo ra căn bệnh cho Tỏa vậy.

Những lúc ấy, Lía chỉ biết vùi mặt vào mái tóc tơ của Cải, âm thầm khóc. Lía thương Cải quá. Mồ côi mẹ năm mười ba tuổi, Lía đã thấy khổ sở lắm rồi, huống chi Cải còn nhỏ lắm.

Giờ Lía vừa làm mẹ vừa làm cha. Nhưng cả bà Phò cả Mỉ có cho Lía yên ổn nuôi con đâu. Thay vì thương xót Lía, họ lại quá quắt ne nẹt hơn. Sinh con rồi, Lía càng đẹp mặn mà. Lía như hạt cát làm xốn xang tròng mắt, như cái gai gây nhức nhối da thịt Mỉ.

Nhất là từ khi nghe phong phanh rằng Y sĩ Viễn ở Trạm xá bản có cảm tình với Lía, Mỉ càng hậm hực hơn. Vì Mỉ thầm thương trộm nhớ Viễn từ lâu mà chẳng được đoái hoài.

Càng hậm hực khi người Viễn thích lại là em dâu góa bụa của Mỉ. Mỉ chẳng thể chấp nhận được. Không thích Mỉ thì Viễn hãy thích một ai khác, chứ thích Lía, Mỉ không cam tâm.

Thật oan ức cho Lía. Suốt ngày cặm cụi chỉ mong cắt đủ cỏ đem về, Lía chẳng để ý đến ai. Cũng chưa một lần phải vào trạm xá nên không biết có một Y sĩ miền xuôi tên Viễn ở đây.

Cho đến một hôm, Cải sốt liên tục cả tuần không hạ. Bà Phò đã hai lần mời thầy cúng đến đuổi ma mà thằng bé vẫn nằm li bì, bỏ ăn bỏ uống.

Chiều tối đó Cải sốt cao quá, phát động kinh, sùi bọt mép y như con trâu lúc cày ruộng. Lía hoảng sợ, xốc con lên vai chạy vội đến trạm xá cầu cứu. Dọc đường cuống chân vấp đá, Lía ngã dúi dụi mấy lần, mặt mày nhem nhuốc, áo quần xộc xệch.

Y sĩ Viễn ra cổng trạm đón vào, nhanh chóng cấp cứu Cải qua cơn co giật.

Thấy Lía run rẩy nép sau cánh cửa rưng rức khóc, Viễn thương hại trấn an, bảo Cải chỉ viêm tiểu phế quản thôi, không sao đâu.

Cải được tiêm thuốc và truyền dịch, ngủ yên cả đêm, Lía mới nhẹ lo.

Lần đó, Cải phải nằm trạm xá năm ngày. Năm ngày ấy, Viễn cùng cô Y tá Sậy luân phiên chăm sóc cho Cải, cho cả Lía, tận tụy như chăm sóc người thân khiến Lía cảm động lắm. Từ ngày mẹ chết, trong đời Lía, đã có ai quan tâm đến Lía như vậy đâu?

Với tất cả lòng tôn trọng và hàm ân Viễn, trái tim Lía ươm mầm một tình cảm chưa thành hình nhưng thiêng liêng lắm. Như người đang run rẩy giữa trời đông giá rét chợt có ai đó khơi dậy ngọn lửa, dù chập chờn thôi đã đủ sưởi ấm một trái tim buồn.

Còn Viễn, thấu hiểu hoàn cảnh Lía qua lời kể của Sậy. Sậy là dân trong bản, dĩ nhiên không xa lạ gì nhà Lía, nhà bà Phò.

Chuyện Viễn thích Lía, có lẽ từ miệng cô y tá Sậy rò rỉ ra ngoài, có “vẽ rắn thêm chân” thành ra hai người thương nhau từ... hồi nảo hồi nao! Oan cho Lía là vậy. Sau lần Cải nằm trạm xá chữa bệnh, Lía không còn dịp gặp lại Viễn nữa, cũng chẳng có thời gian trống để nghĩ ngợi. Hình như Lía quên sạch rồi.

Chỉ Viễn nhớ. Nhớ và thương. Dù thương yêu hay thương hại thì vẫn là... thương!

Trước giờ Viễn chưa có người yêu, cảm xúc rung động lạ lẫm đầu tiên xâm chiếm làm Viễn vừa vui vui vừa... sờ sợ. Sợ gì, anh cũng không biết. Anh đã trải qua cảm giác này bao giờ mà biết?

Hình ảnh Lía quần áo lấm lem đất cát, mặt mày nhem nhuốc, co rút sau cánh cửa rưng rức khóc cứ chập chờn ẩn hiện khiến nhiều khi Viễn xao lãng công việc, ánh mắt thẫn thờ ngóng lên hướng núi xa xăm. Sậy bảo nhà bà Phò nơi sườn đồi ấy.

Có câu “Khi muốn, người ta tìm phương tiện. Khi không muốn, người ta tìm lý do”. Nên sáng nay đeo túi thuốc lên vai, Viễn giao cho Sậy trực trạm xá, còn anh sẽ vào bản phát thuốc tẩy giun định kỳ cho trẻ em. Mọi khi, việc này vẫn là của Sậy. Chỉ phát viên thuốc tẩy giun cho trẻ, đâu cần đến Trưởng trạm xá phải đích thân lặn lội từng nhà?

Cô Y tá tinh ranh đoán ra ngay thâm ý sếp, nhưng không nói mà chỉ tủm tỉm cười.

Lúc Viễn ghé vào nhà bà Phò, trời đã trưa. Nắng rất gắt. Mặt Viễn đỏ gay, mồ hôi rịn lưng áo. Mục đích của Viễn không đạt được vì chỉ có bà Phò và Cải ở nhà.

Dặn dò bà Phò vài câu, Viễn thất vọng dắt xe định trở về.

Từ sườn đồi cao nhìn xuống, Viễn chợt thấy xa xa bên dưới có một cô gái đang từng bước thất thểu lên đồi, vai cõng khối cỏ xanh rất to, to đến độ như nuốt gọn cả người. Đống cỏ lắc lư kéo dáng đi thành liêu xiêu, nghiêng ngả.

Đi dăm bước, cô lại dừng nghỉ, liên tục kéo tay áo lau mặt. Có phải trưa nắng làm mồ hôi đổ cay mắt hay vì cô đang khóc? Và có phải là Lía đấy không?

Viễn không biết cũng không can đảm chờ nhìn cho rõ mặt. Anh vội vã dắt xe theo lối khác xuống đồi. Lối này chật hẹp, cheo leo hơn, có nhiều đoạn dốc gần như thẳng đứng, nguy cơ chiếc xe đạp cũ của Viễn dễ dàng lọt xuống vực sâu.

Hình ảnh trưa đó ám ảnh Viễn nhiều ngày, thôi thúc anh quyết định “giải thoát” cho Lía càng sớm càng tốt. Vì Viễn đã thật sự yêu Lía hay chỉ theo bản năng giới tính: trong mỗi người đàn ông đều ẩn giấu một anh hùng “giữa đường thấy sự bất bình...”???

Nhưng khi công khai vào vấn đề, Viễn mới biết không đơn giản như anh nghĩ.

Chướng ngại lớn nhất không phải từ bà Phò hay cô Mỉ. Tỏa chết rồi, bà Phò không có quyền cấm Lía lấy chồng khác. Mỉ lại càng mong Lía sớm theo chồng mới đi thật xa, đừng lởn vởn trong bản này. Chướng ngại chính là Cải. Nếu Lía lấy chồng, Lía sẽ mất quyền nuôi con và Cải không có bổn phận gì với Lía nữa, kể cả bổn phận lo tang ma nếu Lía chết. Vì Lía thành con ma nhà chồng mới rồi mà.

-Giàng ơi, Lía buồn quá!

Cải là xương, là thịt, là máu huyết của Lía san sớt cho, làm sao Lía bỏ Cải được? Lía cũng chưa nghĩ đến chuyện lấy chồng mới. Nếu phải chọn, Lía muốn chọn Cải chứ không phải Viễn hay người đàn ông nào khác.

-Còn ở lại nhà bà Phò, Lía không chỉ hi sinh cả tuổi xuân, sống một đời vò võ mà còn tiếp tục chịu những khắc nghiệt của mẹ con Mỉ. Liệu sức Lía còn chịu được bao lâu?

Viễn đã giảng giải và đặt cho Lía câu hỏi ấy.

Lía không trả lời được. Sao Lía biết trước được ngày mai? Có thể Lía sẽ vẫn chịu đựng cho đến lúc già như bà Phò bây giờ, cũng có thể Lía kiệt lực gục ngã ngay hôm mai, hôm kia...

Lía mệt mỏi lắm rồi, Giàng ơi! Giàng thấu suốt mọi sự, Giàng hiểu Lía ở lại không phải vì tài sản nhà bà Phò, Lía biết không có phần của Lía. Chỉ lướng vướng Cải thôi.

-Nếu đòi được quyền nuôi Cải, Lía có chịu theo anh về đồng bằng sống không?

Sao đã biết đó là khát khao của Lía mà Viễn còn hỏi thế?

Được đem Cải đi cùng, Lía sẵn sàng theo Viễn về xuôi hay leo núi thẳm vào rừng thiêng cũng chịu hết. Và Lía khấp khởi hi vọng.

Với luật gia đình của người Kinh thì khi người cha chết rồi, đương nhiên người mẹ nuôi con, mọi liên hệ thân thuộc khác không có quyền tranh chấp. Nhưng đó là của người Kinh thôi.

Nên khi Viễn đưa đơn trình bày lên xã, lên huyện rồi lên cả tỉnh, nơi nào cũng lắc đầu không giải quyết. “Phép vua thua lệ làng”, Lía sinh ra thuộc dân tộc nào thì phải theo tập tục ngàn đời của dân tộc đó. Chính quyền không nên, không thể và cũng không dám can thiệp. Nên có không ít người mẹ trẻ, giống như Lía, chịu tiếng đời nhục mạ, chê bai “bỏ con theo trai” là vậy.

Vốn ác cảm sẵn, giờ thấy Lía đòi bắt Cải đi, cả bà Phò cả Mỉ càng ác cảm, hành hạ Lía nhiều thêm. Quằn quại như con giun dưới bàn chân dày xéo, Lía hết kiên nhẫn rồi.

Lía dần ngộ ra lời Viễn xác đáng. Tại sao Lía dại dột cúi đầu cho mẹ con Mỉ chà đạp đến vậy? Lía cũng là người, cũng có quyền sống hạnh phúc chứ? Và sao Lía từ chối người tốt để cam chịu suốt đời bên những kẻ xấu xa?

-Cứ để Cải cho bà Phò nuôi. Lớn lên Cải cũng biết tìm về với mẹ, Lía ạ!

Nhìn Lía khóc sưng húp mắt, Viễn chỉ biết an ủi vậy.


Mỗi cuối tuần là Viễn đưa Lía quay lại thăm Cải.

Chưa gặp Cải thì Lía khóc mà gặp rồi càng khóc nhiều hơn. Suốt đường về, Lía lả đầu trên lưng Viễn, khóc nghẹn. Viễn khuyên thế nào cũng không nín.

Nhưng chỉ vài lần thôi rồi Lía không còn gặp Cải nữa. Nhà bà Phò ở trên sườn đồi cao, Viễn và Lía còn đi dưới thấp hẳn bà đã nhìn thấy để kịp đem Cải giấu đi. Lía chờ mãi, đành về không. Rõ ràng bà Phò muốn giật Cải khỏi cuộc đời Lía rồi.

-Giàng ơi, Lía buồn quá!

Bây giờ sống cạnh Viễn, Lía được yêu thương, được chăm sóc, không còn vất vả nữa nhưng trái tim lại nhức nhối, đớn đau.

Viễn thương Lía đến thắt lòng nhưng chuyện nhà bà Phò, anh bất lực, không tranh đấu cho Lía được. Viễn chỉ còn cách xin chuyển về Thành phố, hy vọng cảnh mới người lạ sẽ giúp Lía khuây khỏa dần.

Viễn kiên trì dạy Lía học chữ, học ăn mặc, học thích nghi đời sống miền xuôi. Lía hòa nhập khá nhanh.

-Rồi em sẽ sinh đứa con khác thay thế Cải, sẽ không còn buồn như bây giờ.

Viễn nói gì cũng lọt tai nhưng câu này thì Viễn sai rồi. Thực tế chứng minh không phải vậy.

Các đứa con cùng máu huyết, cùng xương thịt của mẹ nhưng hoàn toàn độc lập, bởi mỗi đứa có một dấu ấn riêng, là kỷ niệm thiêng liêng đời mẹ. Đứa con này chỉ nhắc mẹ nhớ đứa con kia chứ không thể thay thế lẫn nhau. Bởi con là người, không phải bộ quần áo, chiếc xe hay cái chậu cái nồi cho mẹ thay thế.

Từ khi bắt đầu cưu mang Cỏ, Lía càng da diết nhớ Cải hơn.

Viễn nói dù con sinh ra là trai hay gái, anh cũng đặt tên Thảo. Viễn giảng giải ý nghĩa tên này:

-Thảo là “thảo hiếu ngoan hiền” hay “ngọn cỏ”, đều đúng.

Lía hiểu và Lía gọi con là Cỏ, để ghi dấu quãng đời tăm tối trước kia, khi ngày ngày lặn lội tìm cỏ, miệt mài cắt cỏ rồi oằn lưng cõng cỏ về nhà.

Chọn tên Bích Thảo, Viễn bảo nhiều người thích đặt tên Thảo lắm. Thanh Thảo là Cỏ Xanh, Kim Thảo là Cỏ Vàng còn con gái anh là Cỏ Biếc. Cái tên thật hay, mới gọi thôi đã thấy thơ mộng rồi.

-Tuy anh cũng chưa thấy hình thù cỏ biếc thế nào.

Viễn cười, thú nhận.

Từ khi có Cỏ, Lía càng quay quắt nhớ thương Cải. Nhớ và so sánh để thêm đau, thêm tiếc nuối.

Ngày đó, Lía bận bịu quá nên thời gian Cải ở bên bà Phò và cô Mỉ nhiều hơn ở gần Lía. Nên Cải không được Lía nâng niu, chăm sóc tốt như Cỏ bây giờ.

Cải ngoan lắm, không nhõng nhẽo như Cỏ. Trẻ con nhà người ta lúc ho hen nóng sốt là quấy khóc hành mẹ cả đêm. Cải thì không. Còn bé tí mà hình như Cải đã biết mẹ suốt ngày vất vả. Cải thương mẹ, không nỡ làm mẹ mệt mỏi thêm.

Mỗi khi thấy Viễn chăm sóc Cỏ ốm, Lía nhớ ngay lần Cải sốt cao động kinh sùi bọt mép, Lía đã ôm Cải chạy đến Trạm xá của Viễn.

Nhìn Cỏ xúng xính trong chiếc váy Viễn mua về, xinh như búp bê, lộng lẫy như công chúa nhỏ, Lía nhớ về những tối vừa phải nấu cơm hoặc giặt giũ vừa địu Cải theo, mặc Cải đái ướt lưng áo. Mùa mưa dầm lũ quét, đồ phơi ba ngày cũng chẳng kịp khô cho Cải đủ quần thay.

Đã nghĩ đến Cải, Lía không thể không khóc. Nước mắt đâu ra mà nhiều thế? Ngày mẹ chết, Tỏa chết, Lía cũng chưa khóc nhiều như vậy.

Đêm đêm, Lía thường mơ gặp Cải. Khi thì Lía quay về nhà bà Phò, khi thì Cải một mình xuống phố tìm mẹ. Hai mẹ con ôm chặt nhau. Cải vui quá khanh khách cười, không nói. Lía mừng quá cũng không nói, chỉ khóc. Nước mắt từ trong mơ chảy dài ra đời thực, ướt đẫm gối hoa.

Cỏ lớn lên từng ngày là một ngày Lía đau đáu thầm hỏi: “Bây giờ Cải ra sao?” Không ai trả lời Lía được.

Cải mạnh khỏe hay đau yếu? Bà Phò có cho Cải đến trường học? Cô Mỉ có ghen với Lía mà ghét lây Cải, chửi mắng đánh đập Cải?

Hình dung Cải thất học, Lía đau lòng lắm. Như mẹ Lía ngày xưa, Lía cũng muốn con học cao, thành đạt. Người mẹ nào chẳng mong điều tốt đẹp nhất cho con mình?

Bao năm nay, Viễn vẫn thường xuyên liên lạc với Y tá Sậy để hỏi thăm tin tức Cải nhưng không có tín hiệu gì. Bà Phò đem Cải đi đâu biệt dạng từ lâu.

Nhìn Lía đau khổ thương nhớ con, Viễn vô cùng ân hận. Sậy đã kể cho Viễn tất cả những gì Sậy biết. Mỉ thương Viễn từ ngày đầu Viễn về Trạm xá bản. Thương dữ dội nên ghen dữ dội. Bứt Cải khỏi Lía mãi mãi là cách trả thù thâm độc nhất Mỉ dành cho Lía, cho Viễn. Mỉ đã thành công. Lía không sống vui sao Viễn hạnh phúc? Sao Viễn có thể cười khi Lía còn khóc?

-Lớn lên Cải sẽ biết tìm về với mẹ...

Rất nhiều lần Viễn lặp lại như thế. Lía cũng chỉ cầu mong có thế.

Nhưng đợi Cải lớn lâu quá. Bao giờ Cải lớn? Cải biết gì về Lía để có thể đi tìm? Hay Cải nghĩ Lía đã chết từ lâu?

Lía nhìn đâu cũng thấy Cải. Mỗi lần tưởng tượng cảnh Cải bị bạc đãi là trái tim yếu ớt của Lía nhói lên, tần suất theo năm tháng càng dày, càng nặng. Đã nhiều lần Lía phải nằm bệnh viện dài ngày.


-Giàng ơi, Lía buồn quá!

Lía bất an khi nghe Cỏ muốn dẫn người yêu về giới thiệu.

Cỏ có người yêu rồi ư? Cỏ đang chờ thi Đại Học đã muốn lấy chồng sao? Không, Lía không chịu đâu! Lía không muốn Cỏ dẫm lên vết chân của Lía, của mẹ Lía.

Lía đòi Viễn phải giảng giải, phải ngăn cấm Cỏ bỏ ý định yêu đương nhăng nhít ấy đi. Lía lo lắng đến héo mòn còn Viễn vẫn tỏ ra trầm tĩnh. Viễn nghĩ ngợi lâu lắm rồi thở dài:

-Biết sao được, tình cảm con người mà?

Tim Lía lại nhói buốt. Lần đầu tiên Viễn làm Lía thất vọng. Đâu rồi người đàn ông mạnh mẽ ngày nào, đã đưa đơn lên tới tỉnh để đòi quyền lợi hộ Lía, đã giải thoát Lía khỏi nhà bà Phò, đem Lía về xuôi, cho Lía cuộc đời mới? Tuổi tác hay tình thương con mù quáng khiến Viễn thành yếu đuối, thay đổi đến vậy?

Viễn không quyết liệt ngăn cản Cỏ vì anh hiểu càng cấm đoán càng thúc đẩy Cỏ chống lại cha mẹ, vô cùng tai hại. Cô gái mới lớn nào đang yêu chẳng khư khư bảo vệ tình yêu (dù nông nổi, mù quáng) của mình?

Viễn không thể đối đầu với Cỏ. Anh chỉ nhẹ nhàng lựa lời dò hỏi để hiểu kỹ hơn về Sử, một kỹ sư trẻ của công ty chuyên sản xuất đồ gỗ nội thất xuất khẩu, cách nhà Viễn không xa.

Hai năm trước, Cỏ quen Sử trong chuyến thiện nguyện mùa lũ. Sau đó thường xuyên kết nối qua mạng xã hội, ý hợp tâm đầu, mau chóng chuyển tình bạn sang tình yêu. Mới đây, khi Sử xin được việc làm trong công ty gỗ gần nhà Cỏ thì đôi trẻ càng thêm gắn bó, hứa hẹn hôn nhân khi Cỏ hoàn thành 4 năm đại học.

Chính Sử mấy lần đề nghị Cỏ giới thiệu anh với gia đình Cỏ, là minh chứng thiện chí của một chàng trai đứng đắn, đáng tin cậy. Viễn cảm thấy yên tâm.

Dù Viễn trấn an rằng bọn trẻ bây giờ không chịu cưới sớm đâu, còn tìm hiểu nhau nhiều năm lắm, Lía vẫn không bớt lo. Lo nhiều tất buồn mà buồn quá tất phải bệnh. Trong ngành Y, hẳn Viễn biết rõ trái tim đã rạn nứt của Lía đang mong manh thế nào.

Viễn biết chứ và biết từ lâu. Mấy lần anh tưởng Lía không còn xuống khỏi bàn mổ. Vậy mà lần nào Lía cũng vượt qua, diệu kỳ như một phép lạ.

Phải rồi, còn đang khắc khoải về Cải, sao Lía yên lòng bỏ đi đâu cho đành?

Người bác sĩ trưởng khoa giải phẫu tim, cũng là bạn chí cốt với Viễn, đã kể trường hợp một ca mổ của ông mà khoa học chưa giải thích được. Đã cố gắng hết khả năng, ông và cộng sự cũng lắc đầu buông tay, vậy mà bà mẹ già -sắp mừng đại thượng thọ bách niên- vẫn ngắc ngoải thêm mấy ngày sau đó. Ông tin bà đang kiên nhẫn từng phút từng giây đợi đứa con xa vắng kịp quay về. Mãi mãi, mẹ vẫn muốn ở gần con.

Viễn cũng muốn tin như bạn. Dù anh biết niềm tin của anh quá đỗi mong manh.


Thêm một lần, Viễn phải đưa Lía vào bệnh viện.

Cũng thêm một lần, hai cha con Viễn mừng đến rớt nước mắt khi được đón Lía trở về. Cheo leo hơn bao giờ hết trong lần thập tử nhất sinh này, cuối cùng Lía vẫn vượt qua ngoạn mục, ngoài dự đoán của mọi người. Người bạn bác sĩ trưởng khoa của Viễn được tung hô thành tích như một chiến công vĩ đại.

Ngày nghỉ cuối tuần, Viễn quyết định mở tiệc vừa ăn mừng Lía tai qua nạn khỏi vừa thay lời cám ơn ê kíp mổ của bạn.

Cỏ tình nguyện đứng bếp. Cỏ muốn tự tay nấu những món ăn đặc sắc mà cô đã mất nhiều công phu học trên mạng. Bữa tiệc ý nghĩa này đã được Lía cho phép cô mời Sử.

Tuy còn yếu, Lía cũng gượng dậy ra ngồi chung bàn. Tiệc mừng Lía, Lía không thể vắng mặt.

Không cần ăn, chỉ ngắm nghía bàn ăn thôi Lía đã hài lòng rồi. Không ngờ Cỏ khéo tay quá, hơn cả những gì Lía có thể tưởng tượng.

Khách đã đến đủ, chỉ thiếu Sử.

Viễn sốt ruột, kéo Cỏ vào trong, hỏi:

-Bạn con có đến không?

-Anh ấy vừa điện thoại nhờ con xin lỗi ba mẹ. Đường đang kẹt xe nên anh sẽ đến muộn… A, đến rồi kia!

Ngoài sân, Sử vừa tắt máy xuống xe. Trên tay Sử là một lẳng hoa tươi.

Cỏ vồn vã chạy ra đón. Cô hơi khựng lại, bối rối khi thấy đi sau Sử còn một người đàn bà, tay cũng ôm hộp quá khá lớn.

Sử nói ngay:

-Hôm nay anh mời cô ruột theo, để xin phép gia đình em cho chúng mình chính thức đến với nhau.

Viễn vừa đỡ Lía đứng lên, chuẩn bị đáp lời chào của vị khách bất ngờ.

Viễn bàng hoàng nhận ra người khách này cũng mang một vết bớt sẫm màu sau đuôi mắt trái.

Có phải chính cô Mỉ đây không hay chỉ là một trùng hợp oái oăm?

Người đàn bà nhanh nhảu nói trước:

-Xin chào anh chị. Tôi là cô ruột của Cải… à quên, của thằng Sử đây…

Viễn không kịp nghe thêm vì Lía chỉ nghe có thế đã vuột khỏi cánh tay nâng đỡ của chồng.

Cải? Là Cải đấy ư?

Giờ Cải đã lớn rồi, đã biết về tìm mẹ thật rồi!

Mở mắt thức dậy mà đón con đi, Lía ơi!




VVM.13.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .