Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


tranh của họa sĩ Lương Nguyên Minh (Đà Lạt)

K ‘ REM



C ơn mưa do áp thấp nhiệt đới bất ngờ ập đến, vô tình giữ chân hơn hai mươi người trong nhóm thiện nguyện, ngồi lại với nhau trong một quán cà phê ven bìa rừng. Nói giữ chân là nói cho có để mà nói, chứ thực tế là gã lái xe hợp đồng, cảm thấy tiến thoái lưỡng nan, trước con đường ngập ngụa trong bùn lầy đất đỏ bazan.

Đang loay hoay tìm phương án, chợt có a đó lên tiếng hỏi:

- Thế nào rồi bác tài?

Gã tài xế tỏ ra kém vui hay đã có chuyện buồn bực xảy ra trước đó, sẵn giọng trả lời đầy vẻ thách thức:

- Tôi đố ai lái xe tôi qua được đoạn đường này, tôi thề sẽ bỏ nghề.

Trước lời tuyên bố chắc nịch của gã tài xế khoe có hơn hai mươi lăm năm kinh nghiệm, khiến ai nấy tỏ ra ngao ngán và thất vọng. Vậy là, đêm nay đoàn thiện nguyện cùng với hàng tấn hàng cứu trợ, chưa kể một xe tải chở đầy dụng cụ vui chơi ngoài trời cho các cháu, sẽ nằm chôn chân giữa rừng, trong khi trưởng thôn Dak Ngo trước đó đã cho tập trung dân lại từ đầu giờ trưa?

Còn nước còn tát, anh K cùng chị trưởng đoàn lăng xăng, hết a-lô điện thoại cầu cứu chỗ này liên hệ chỗ kia, quyết tìm cho ra phương tiện, giải cứu số hàng càng sớm càng tốt, để kịp tham dự đêm lửa trại tại trảng cỏ Bù Lệch.

Tận dụng thời gian mọi người đang chờ đợi, tôi đi trong cơn mưa lâm thâm, hướng về phía chiếc xe tải đang bị mắc lầy, thử xem tình hình nghiêm trọng đến mức nào. Nhưng chưa đi được bao xa, tôi đã bị mê hoặc bởi cảnh vật thiên nhiên vô cùng kỳ vĩ với một bên núi non trùng điệp, một bên bạt ngàn sim mua trổ hoa tím ngát màu thủy chung..

Đang thả hồn bay bổng, chợt thấy anh thanh niên, chở theo cô gái ngồi sau, chặn tôi lại bên đường hỏi thăm:

- Anh gì ơi! Cho em hỏi anh K là ai?

Tôi nhìn cô gái trùm kín người trong chiếc áo mưa, miệng che khẩu trang, đầu đội thêm mũ bảo hiểm, không thể đoán biết cô bao nhiêu tuổi, đẹp xấu thế nào?.

Tôi hỏi:

- Cô là ai?

Cảm thấy có gì đó bất ổn, cô gái cởi bỏ mũ áo, để lộ ra nét duyên dáng cô gái miền núi.

Cô đáp:

- Em là hiệu trưởng trường cấp một trong bản Dak Ngo.

- Cô tìm K có việc chi?

- Lúc nảy anh K điện thoai cho em, báo nhóm thiện nguyện đã tới, nhưng do tắc đường nên chưa thể có mặt.

Thoạt nghe giọng nói tôi thấy quen quen, chợt nhớ hình như đã gặp cô trong lần đưa năm mươi em học sinh trường Nông Lâm Súc Bảo Lộc, đi vẽ bản đồ trồng cây dâu tằm ở trong Tân Rai thì phải?

Tôi ngần ngại hỏi cô:

- Có phải cô là K’Rem?

Cô gái nở nụ cười thân thiện bên màu da bánh mật, trả lời tôi với chất giọng đặc sệt huơng vị núi rừng:

- Sao anh biết em?

Tôi khấp khởi mừng thầm giới thiệu:

- Anh là Nguyên em còn nhớ không?

Cô gái chợt reo mừng:

- Trời ạ! Anh đây sao, đã hơn mười năm không gặp còn gì, trông anh khác so với trước đây rất nhiều, bảo sao em nhận không ra.

- Khác thế nào hả em?

- Mập mạp và trắng ra.

- Em chuyển về Dak Nông lâu chưa?

- Bảy năm rồi anh.

- Theo chồng hay sao?

Cô gái làm ra vẻ giận dỗi trách móc:

- Phải chi trước đây anh chịu để em “bắt chồng” thì, bây giờ em đâu có phải mang tiếng ế?

Tôi cười hỏi lại cô:

- Sao hồi đó không nghe em nói gì?

K’ Rem đỏ mặt nói:

- Là con trai anh tự hiểu chứ đâu cần ai nói:

Băt chồng. Nghe hai từ này, tự dưng tôi liên tưởng tới tục lệ “cướp vợ” của người H’ Mông trên vùng cao phía Bắc, còn ở cao nguyên Trung phẩn, người K’ Ho vẫn còn lưu giữ nét đẹp văn hóa “bắt chồng”, một minh chứng cho chế độ mẫu hệ. Bởi, theo quan niệm của người K’ Ho, phụ nữ là người nắm hầu hết mọi việc lớn nhỏ trong gia đình, nên được quí trọng hơn nam giới. Đến tuổi cặp kê, người con gái sau vài lần hẹn hò, nếu thấy ưng bụng chàng trai nào rồi, chỉ việc về nhà đòi bố mẹ đến nhà người mình yêu đặt vấn đề “bắt chồng”.

Nhắc đến đây, quá khứ như cuốn phim quay chậm, đưa tôi trở về thời gian cách đây hơn mười năm. . . . . .

Hôm đó, sau khi đi các xã kiểm tra một số tổ công tác về, vừa đặt chân đến cửa, tôi tình cờ trông thấy từ trên xe lam, bước xuống là một cô gái trẻ, vai khoác ba-lô, tiến thẳng đến trước mặt tôi cúi đăù chào nói:

- Thưa thầy em được phòng giáo dục phân công về dạy trường mình ạ.

Tôi cười thầm trong bụng, nghĩ mình chắc giống ông thầy giáo hay sao, mà cô gái bị nhìn lầm?

Tôi hỏi:

- Cô muốn gặp ai?

- Em trình diện thầy hiệu trưởng để nhận sự phân công ạ.

Nhìn vẻ ngây thơ nơi cô tôi lên tiếng hỏi:

- Cô tên chi?

- K’Rem.

Tôi ngạc nhiên nhìn cô:

- Tôi cứ ngỡ cô là người Kinh kia đấy.

- Nhiều người gặp em lần đầu cũng nói như thầy vậy.

Tôi vội phân bua:

- Tôi là dân ngoai đạo cô ơi, được nhà trường cho mượn chỗ ở tạm, để tiện bề công tác thôi.

- Vậy mà em cứ tưởng, cô gái im lặng suy nghĩ trước khi tiếp lời, mong anh chỉ giúp em thầy hiệu trưởng với?

Tôi mang chiếc ghế từ trong phòng ra mời cô gái:

- Muốn gặp thầy hiệu trưởng, cô chịu khó ngồi chờ đầu giờ, vì ngoài giờ hành chánh ai về nhà nấy, trừ giáo viên từ các địa phương khác đến.

Nghe giải thích, cô gái đặt ba-lô xuống chân, khép nép ngồi lên ghế hỏi:

- Anh công tác gì ở đây?

Tôi trả lời cô:

- Tôi là thành viên trong đoàn công tác vẽ bản đồ cho vùng chuyên canh cây dâu tằm của huyện.

- Lý do nào giúp anh có được chỗ ở trong khu tập thể giáo viên?

- Thường mùa hè, khu tập thể rất ít người ở, nên xã đã làm việc với trường, yêu cầu dành cho tôi một phòng, ở lại trong thời gian công tác.

- Vậy chuyên môn chính của anh là gì?

- Tôi phụ trách cho vay các dự án trồng cây công nghiệp trong huyện..

Nghe giải thích, cô gái tỏ ra hiểu chuyện, gật đầu nói:

- Xem ra huyện điều anh đi vẽ bản đồ đâu có gì sai?

- Thì tôi có phiền trách chi đâu.

Qua trò chuyện, tôi phát hiện K’Rem không phải người Kinh như tôi nghĩ lúc đầu, mà cô là người dân tộc K’Ho, sống cách đây hơn ba mươi cây số đường rừng trắc trở, ở tận dưới chân núi Lộc Bắc. Điều này xem ra cũng dễ hiểu, bởi trong cuộc sống, ngày nào cô cũng giao tiếp, gần gũi, chung đụng với công đông người Kinh nhiều hơn dân tộc mình, lâu ngày ảnh hưởng văn hóa người Kinh, âu cũng là chuyện thường tình. Từ đó, quan hệ bạn bè giữa tôi và cô mau chóng trở nên thân thiết. Qua đó, mỗi tối sau khi cơm nước xong xuôi, tôi thường mang đàn ra sân, ngồi đệm cho cô hát đến tận khuya lắc khuya lơ mới ai về phòng nấy.

Những tưởng, tình bạn keo sơn thắm thiết đó, khó xảy ra việc chia ly, ấy vậy mà sau chuyến đi công tác trở về, tôi đã không cón trông thây K’Rem đâu nữa, kể cả một lời nhắn cũng không; cho dù, tôi đã bỏ công tìm kiếm, dọ hỏi nhiều nơi, vẫn không sao tìm thấy cô. Bất ngờ, sau đó một tuần, tôi nhận lệnh thuyên chuyển đi nơi khác, khiến việc tìm kiếm cô coi như mất hút..

Và. Chao ôi, sau hơn mười năm bặt âm vô tính, tôi và K’Rem tình cờ gặp lại nhau giữa chốn đại ngàn, để rồi nhắc lại câu chuyện cũ:

Tôi hỏi K’Rem:

- Hồi đó đang yên lành, bỗng dưng em biến đi đâu mất, là sao?

K’Rem nhớ lại, vào buổi sáng sau khi Nguyên chào tạm biệt, đi xuống các xã kiểm tra tiến độ công việc; bất ngờ, ngay trong ngày, cậu em họ từ trong Lộc Bắc chạy xe máy ra báo tin mẹ cô hấp hối. Thế là, cô quýnh quáng quơ vội áo quần nhét vào ba-lô, tức tốc nhờ cậu em chở về với mẹ. Trên đường đi, cô nhớ đã quên ghi lạii vài chữ báo tin cho anh biết, giờ có muốn quay lại cũng không thể, thôi thì đành phó cho “giàng”.

Về tới nhà, cô chỉ kịp bước qua cửa, nắm lấy tay mẹ khóc nức nỡ, trong khi bà thở ngắt quãng, hai mắt từ từ khép lại, xuôi tay, đi vào cõi vĩnh để cùng cha lo việc nương rẫy, chăm sóc đàn em thơ dại.

Nhớ lại chuyện cũ, hai mắt K’Rem nghe cay cay, cúi mặt đáp:

- Hồi đó, sau khi mẹ mất, em nhận thấy trách nhiệm đối với gia đình rất nặng, nên quyết định từ chối việc đi dạy tiếp.

- Em có biết anh đã đi tìm em khắp nơi không?

- Em thành thật xin lỗi anh.

Nhác trông thấy xe chở K cùng chị trưởng đoàn chạy trờ tới, tôi đưa tay làm hiệu cho xe dừng lại, rồi bước tới gới thiệu cô với K.

Sau một hồi trao đổ, làm việc với K xong, K’ Rem quay lại chỗ đứng:

- May nhờ gặp anh, nếu không chưa chắc em tìm thấy anh K.

- Công việc có thuận lợi không em?

K’Rem vui vẻ đáp:

- Qua trao đổi, trưởng thôn trong em đồng ý thuê giúp cho đoàn thiện nguyện hai chiếc xe: chiếc công nông kéo xe tải mắc lầy, chiếc còn lại chở đoàn cùng hàng hóa cứu trợ vào bản.

Tôi mừng rỡ hỏi:

- Vậy là ổn rồi, chừng bao lâu mới có xe hả em?

- Khoảng mười phút anh.

- Ơn trời, ai cũng nơm nớp lo sợ, đêm nay ngủ rừng.

Cảm thấy mọi khó khăn, đã được giải quyết, K’ Rem quay lại nói với tôi:.

- Em xin phép phải quay vào trong bản sắp xếp công việc, trước khi các anh chị vào..

Tôi vẫy tay chào tiễn cô:

- Hẹn gặp em lát nữa.

Đợi cho anh thanh niên chở K’Rem chạy khuất sau ngọn đồi, tôi quay lại quán cà phê ngồi chờ xe ra đón, nhưng trước đó không quên vận động mọi người, chung tay chuyển hết số hàng cứu trợ qua xe khách.

Cuối ngày, sau khi phát hêt các phần quà từ thiện, ai nấy vui vẻ lên xe ra về cho kịp dự đêm lửa trại, tôi ở lai với K’Rem như đã hẹn, dắt tay nhau đi ngắm hoàng hôn đang ráng vàng lên khắp núi rừng, trước khi bước tới ngồi lên một mô đất cao.

Hốt nhiên K’Rem lên tiếng hỏi:

- Chuyên gia đình anh ra sao?

- Ý em là . . .

- Vợ con anh thế nào?

Tôi cười giả lả nói:.

- Anh cũng ế giống em thôi!

- .Anh không nói cho vui đấy chứ?

- Cũng bởi câu nói này của em mà giữa chúng ta có sự ngăn cách.

- Em chưa hiểu?

- Tai em cứ khư khư với quan niệm “đàn ông con trai Kinh chỉ nói cho vui vậy thôi”, nên mới ra nông nổi.

- Đó là lỗi của em ư?

- Chả trách, trong một lần anh định tỏ tình cùng em, nhưng nhớ mải câu nói, khiến anh đâm ra cụt hứng.

Nghe tôi nhắc, K’Rem chỉ biết ngồi yên, hướng đôi mắt nhìn vào đêm đen, không nói nên lời. Tới chừng, nghe thấy tay mình ươn ướt nóng, tôi mới hay rằng cô đang âm thầm ngồi khóc thút thít.

Cảm động trước tấm chân tình của cô gái K’ Ho, tôi bất ngờ tìm tay nàng nắm lấy, trước khi đặt lên đôi môi nàng nụ hôn thắm thiết, nói: “Anh yêu K’Rem”./.




VVM.13.5.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .