Đ ời tôi luôn chênh vênh giữa ước mơ bình yên và thực tiễn hiểm nghèo. Nhiều người nghi ngại tôi như kẻ gây ra bất hạnh cho đời họ và tìm cách làm tiêu hao sức sống của tôi, đẩy tôi vào góc khuất khép kín cô đơn lặng thầm. Từ trong bóng tối, tôi thắp lên tia sáng, soi tìm sự thật, soi lại chính lòng mình và tự nhắc nhở hãy giữ tâm an với số phận.
Sau đình chiến 1954, Ba tôi bị tù Côn Đảo nên tôi gặp nhiều trở ngại, khi lên Bà Rịa đi học. Một số người coi tôi như một tội đồ, và gọi tôi là vẹm con, nặng lời khinh ghét tôi. Từ đó, tôi thu hình sống lủi thủi khép nép, không dám bày tỏ với ai điều gì, ngoài những trang tùy bút đầy cát bụi. Ai nghĩ gì về tôi cũng được, ai hại tôi cũng được, tôi xin phú cho trời đất. Thấy vậy, Tu viện Saint Paul giúp tôi mọi điều kiện để được đi học, trong đó có việc làm lại khai sanh. Trong khai sanh cũ, ba là Nguyễn văn Bản, con Nguyễn văn Thuận sinh 1940. Trong Thế vì Khai sanh mới, cha là Trần văn Ngự, con là Trần văn Thuận sinh 1943. Do đó, thằng mọi Nguyễn văn Thuận, vẹm con của tù nhân Côn Đảo Nguyễn văn Bản đã mất, chỉ còn cậu học trò Trần văn Thuận lần mò từng bước đến trường, từ tiểu học lên trung học, vào đại học rồi ra đi dạy.
Năm 1972, tôi được điều động từ Trung học Hà Tiên về trường Trung học Bình Tuy. Mới về, tôi ở chung với Ba Má, trước chùa Quảng Đức. Ba tôi làm thợ hồ, đúc bia mộ, xây sửa nhà cửa, sau khi ra tù. Tại đây, tôi được biết Ba tôi đang bị quản thúc, hàng tháng phải lên đồn cảnh sát Huyện để trình diện, đi xa phải xin phép. Trước đó, gia đình thuê nhà ở đâu, đều có sỹ quan hiến binh hay sỹ quan quân đội ở chung nhà, theo dõi. Tôi cảm thấy có điều gì bất an.
Để tranh phiền phức, tôi thuê nhà của thầy Lượng trong làng Thương Phế binh, gần trường Bình Tuy. Nhiều vị công chức và giáo sư trung học ở các dãy nhà trước, nhìn tôi với ánh mắt lạ thường, nên tôi phải ra ngõ sau, đi bộ qua trường. Vào cổng, tôi đến thẳng lớp dạy. Giờ nghỉ, tôi ở lại lớp, chờ chuông reo sang dạy lớp kế tiếp, không xuống phòng giải khát, vì ngại gặp quí giáo sư đạo mạo. Nhờ thế, tôi có dịp tiếp xúc với một số bạn trẻ, trao đổi thêm về những gì còn thiếu sót quanh bài dạy, bài học. Tôi cũng nhận ra đôi điều không có trong sách vở, chỉ có trong ước mơ của người trẻ tuổi. Những đôi mắt thanh xuân, những vầng trán thông minh để lại trong tôi một niềm tin yêu vô bờ. .
Tuy chưa tới hai năm học, phụ trách ít lớp, không quen thân với ai trừ thầy Nguyễn Tấn Hưng, cô Trịnh Thị Nghĩa và thầy Đào Văn Lộc, trong nhóm Pascal. Nhưng những bạn trẻ, tôi tiếp xúc qua giờ dạy, là hình ảnh đẹp trên Đất Mẹ La Gi.
Tháng Tư năm 1975, sau khi học tập cải tạo tại chỗ, được Ban Quân Quản cấp “Giấy phép làm thợ hồ”. Tiếp theo, qua giấy yêu cầu của ông Vũ Hồng, Ban Quân Quản giao tôi việc tu sửa trường lớp. Tôi lên trường Trung học Bình Tuy trình diện, một cán bộ chỉ tôi những nơi cần tu sửa. Nhờ Ba tôi và chú Tư Dẹo giúp đỡ, tôi và nhóm thợ hồ đã tu sửa những dãy lớp học cũ thành Khu Tập Thể, gần cổng sau trường. Trong thời gian này, người về trường càng ngày càng đông. Môt hôm, khi lên phòng cán bộ ký bàn giao công trình tu sửa, một giáo sư người Bắc di cư, từng ở trọ trong làng Thương Phế Binh, chỉ vào mặt tôi và mắng giờ rộ mặt thằng vẹm. Tôi lặng lẽ từ biệt ngôi trường cũ. .
Mùa hè năm 1975, Bác Sáu Danh cho tôi xem Giấy giới thiệu số 2 của ông Trần văn Bản, trưởng phòng Giáo dục Bình Tuy, giới thiệu tôi vào làm việc ở trường học, và hỏi tôi sao không đi dạy. Tôi chỉ vào căn nhà tôi đang xây, ở gần Chợ Cá Biển La Gi, và nhờ bác Danh nói với thầy Trần văn Bản, tôi chỉ muốn làm thợ. .
Rồi, Ban Quân Quản gọi tôi đi Học tập đợt 2, ở Đà Lạt. Sau đợt học này, tôi vẫn tiếp tục sử dụng “Giấy phép làm thợ hồ”, theo chú Tư Dẹo đi xây nhà cửa, giúp Ba tôi đúc bia mộ và mua lại nhà ông Huệ ở đầu cầu Tân Lý để tránh những ánh mắt kỳ thị. Phó công an Huyện cho biết ngôi nhà tôi đang ở thuộc diện đi kinh tế mới, và thu hồi “Giấy phép làm thợ hồ”, khuyên tôi nên đi dạy. Tôi đành lên trình diện thầy Hiệu trưởng Lê Đăng Cử và được phân công làm Trưởng ban Lao động.Tôi cũng đành chấp nhận, nếu có ai đó lại mắng tôi giờ rộ mặt.
Khi Ban kế hoạch 72 đến kiểm tra nhà thầy Trần văn Thịnh, thầy hiệu trưởng Võ Quang Lộc phân công tôi phụ Ban Kế hoạch 72 kiểm tra riêng loại sách tiếng Anh. Tôi cho đó là chuyên bình thường, vì khi vào kiểm tra nhà tôi, Thầy Lộc đã phân công hai giáo viên giỏi tiếng Anh xem xét tất cả sách tiếng nước ngoài. Xuống nhà thầy Thịnh, tôi chỉ nhận đọc vài quyển sách tranh thiếu nhi bằng tiếng Anh và nhận xét “tốt”, rồi tôi về ngay vì thấy thầy Thịnh nhìn tôi với vẻ khó chịu.
Một tháng sau, Sở giáo dục có công văn đình chỉ công tác chờ kỷ luật tôi với tội danh vi phạm nghiêm trọng kế hoạch 72, căn cứ vào sự tố giác của các tổ trưởng chuyên môn trường C3 Hàm Tân. Vài người nhìn tôi nói thẳng đáng đời, nhưng họ đâu biết tôi tự nghĩ đáng mừng vì đây là dịp tốt để tôi rời khỏi ngành giáo dục. Vào mùng năm Tết, Giám đốc Sở và Trưởng ban Kế hoạch 72, về C3 Hàm Tân rút lại công văn nói trên và khẳng định tôi thực hiện tốt kế hoạch 72 vì đã kiểm tra kỹ nhà tôi. Tôi cảm thấy bất hạnh vì phải ở lại C3 Hàm Tân.
Theo kế hoạch 75, sỹ quan biệt phái không được ở trong biên chế nhà nước. Thầy Trần văn Thịnh, thầy Đoàn Đức, thầy Lê văn Hộ và tôi nằm trong kế hoạch này. Đáng lý ra, tôi bị loại đầu tiên, khi các tổ trưởng chuyên môn C3 Hàm Tân tố tôi với tội vi phạm nghiêm trọng kế hoạch 72. Tiếc thay, đó không phải là sự thật, chỉ là sự vu khống để hãm hại tôi, nên trời đất không chấp nhận. Còn thầy Trần văn Thịnh, rất may mắn, vì thầy có đủ điều kiện, tự quyết định bỏ trường bỏ ngành về làm vườn, sống ung dung hạnh phúc, tránh được bao rắc rối sau này.
Ngược lại, thầy Đoàn Đức sanh con thứ năm, rất nhiều người biết. Trường C3 lấy sự thật ấy làm cớ để kỷ luật, đưa Thầy ra khỏi ngành,
theo đúng kế hoạch 75, không phải do ai đó tố cáo. Sau vụ thầy Đoàn Đức ra khỏi ngành, một số người đổ lỗi cho tôi, thậm chí vài người mắng
tôi nặng lời. Tôi im lặng, chỉ biết xin trời đất phán xét.
Năm 1982, một nhóm giáo viên tố Thầy Hiệu trưởng tham nhũng. Chi bộ, Công đoàn C3 Hàm Tân và Tổ chức Sở Giáo dục, họp để kết tội thầy Đào văn Lộc và tôi là đảng dân chủ nổi dậy. Tôi không ký biên bản kết luận, và đề nghị Sở Công An làm sáng tỏ. Một tuần sau, Sở Công An trả lời vụ việc không liên quan gì đến đảng dân chủ. Thầy Đào văn Lộc về làm hiệu trưởng trường Nhà Bè. Người thay hai chúng tôi là Ông Nguyễn Phi Thảo và Phan văn Bảng. Tôi làm đơn xin ra khỏi ngành. Ủy Ban Tỉnh yêu cầu tôi ở lại giảng dạy,chờ giải quyết.
Cuối năm 1993, báo Bình Thuận đăng một bài thơ trong đó có câu Đã mấy năm xa Sài Gòn ơi và khép tôi vào tội mơ tưởng đến Sài Gòn, thủ đô chế độ Mỹ Ngụy. Phòng Văn hóa Thông tin và Công An huyện Hàm Tân, nhiều lần, gọi tôi đến làm bản kiểm điểm về tội nói trên.Tôi không rõ chuyện gì và khai đi khai lại Tôi viết mấy câu đó trước 1975. Sau đó, một đảng viên ở báo Tuổi Trẻ về tỉnh Bình Thuận trình một trang lưu bút viết tay, có câu thơ nói trên, ký tên Trần Thuận vào 1972. Sài Gòn 1972 là Sài Gòn. Tất cả lặng thinh. Tôi rời khỏi trường C3 Hàm Tân từ đây và chưa bao giờ trở lại, dù đôi lần tôi đi dọc ngoài tường rêu.
Mùa hè năm 1994, Ủy Ban tỉnh Bình Thuận không cho phép tôi nghỉ việc, rời khỏi ngành giáo dục và điều động tôi đi xây dựng ngôi Trường chuẩn Quốc gia tại khu trường Sư phạm Mầm Non cũ. Khi tôi tiếp nhận mặt bằng chuẩn bị thiết kế ngôi trường, Tỉnh yêu cầu tôi sửa gấp hai dãy nhà để khai giảng trường Bán công Nguyễn Huệ. Tôi ở lại khu đất cũ, để tiếp tục thiết kế ngôi trường mới và điều hành trường Bán công Nguyễn Huệ, theo Quyết định của Tỉnh.
Tại đây,tôi rất buồn vì ai đó vu khống tôi nhiều điều khủng khiếp.Nhờ trời, mọi việc được sáng tỏ và tôi vẫn an nhiên với số phận mình.
Năm 2003, từ biệt trường Nguyễn Huệ, tôi về hưu.
Năm 2004, tôi bán nhà lấy tiền tu sửa, xây kiên cố hầu hết mồ mả Ông Bà Cha Mẹ Ba Má, vào tá túc nhà con trai Út tại Thảo Điền. Cuối đời,tôi lại xa quê Mẹ,lưu lạc nơi xứ người.
* Tôi thầm nghĩ, tôi như cây sậy trước hai mùa gió, Gió Bấc và Gió Nồm. Gió Nồm thổi qua, gió Bấc thổi lại, khiến Sậy rạp
xuống cỏ non. Có khi loài thú núp theo gió mùa, gặm sậy gần tàn tạ, nhưng sậy vẫn bám đất, ngẩng lên trời, làm bạn cùng muôn hoa, yên nhiên
trước cát bụi.
Thảo Điền, 2012