Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
                


THÁNG TƯ
MANG BÓNG DÁNG NHỮNG CON TÀU




T háng tư, phương ngoại đang tiết xuân, khí trời mát mẻ, cây cỏ xanh mơn mởn, hoa lá bạt ngàn khắp mặt đất, hương sắc ngạt ngào, bướm ong rộn ràng. Người Giao Châu ở xứ này cũng hoan hỷ biết bao, đời dẫu có vất vả mưu sinh nhưng cuộc sống ấm no sung túc, thọ hưởng bao nhiêu phúc lợi xã hội, xã hội văn minh, môi trường trong lành, y tế, giáo dục, văn hóa, chính trị… đều vì con người mà phục vụ. Ở xứ này mọi người bình đẳng và có cơ hội như nhau, miễn là có năng lực và chịu học hành. Mọi người đến xứ này với nhiều lý do khác nhau, di dân vì tỵ nạn chính trị, tị nạn chiến tranh, vì kinh tế, du học, sổ xố… Riêng người Giao Châu thì một bộ phận lớn đến đây vì những ngiệt ngã của cố quận mình.

Ngược dòng thời gian mấy mươi năm về trước, khi miền Nam sụp đổ, hàng chục ngàn người ồ ạt di tản bằng máy bay, tàu thuyền của Mỹ. Đây là lớp người Giao Châu đầu tiên đến xứ này và là những nhân tố đầu tiên để hình thành nên cộng đồng về sau. Sau lớp di tản này là lớp người vượt biên, vượt biển bằng tàu, thuyền. Đây là lớp người mà sử gọi là thuyền nhân (boat people). Hàng triệu người sống không nổi với sự hà khắc chuyên chế của chính trị, đói nghèo lạc hậu về kinh tế… Những thuyền nhân lao ra biển đi tìm đường sống, tìm tìm do. Hàng trăm ngàn người lao vào cái chết để tìm sự sống. Họ cá cược sinh mạng mình với thần chết, hàng loạt tai họa chờ chực ở phía trước: hết nước ngọt, hết lương thực, bão tố, thuyền hỏng máy, hải tặc… Người ta ước tính có đến năm trăm ngàn người đã vĩnh viễn nằm lại dưới lòng biển cả. Trong số những người Giao Châu ở hải ngoại thì người vượt biển, vượt biên là những người ra đi bằng con đường nguy hiểm nhất, đau thương nhất, chết chóc nhiều nhất. Những con tàu ọp ẹp chứa đầy người lênh đênh trên biển thật chẳng khác gì lá tre, lá trúc. Những con tàu, ghe, xuồng bằng gỗ hay sắt cũng đều rất nhỏ bé và mong manh. Những con tàu đã đưa người đi tìm tự do, đi tìm đất mới để sống. Cũng vì lẽ này mà mỗi khi tháng tư lại về thì trong tâm trí, trong ký ức của người Giao Châu hải ngoại lại hiện lên hình bóng những con tàu. Những con tàu vượt biển, những thuyền nhân Giao Châu đã một thời làm lay động lòng người khắp thế giới, cái thảm nạn lẽ ra không có nếu miền Nam không sụp đổ. Chữ thuyền nhân lẽ ra cũng không có nếu thể chế chính trị không quá khắc nghiệt và tàn bạo. Lịch sử vẫn cứ lập đi lặp lại những chuyện đau lòng nhưng con người dường như chẳng học được gì. Tháng tư mang bóng dáng những con tàu, cho dù đó là những con tàu to lớn hiện đại của Mỹ đưa người di tản, hàng ngàn con tàu đánh cá của hàng triệu người vượt biển, những con tàu nhân đạo đi vớt người trên biển như Cap Amua chẳng hạn… Vô số bóng dáng những con tàu thấp thoáng trong tháng tư đen, tháng tư máu lệ...nói thế nào cũng khó có thể hình dung được một giai đoạn đau thương của lịch sử chưa xa mấy của người Giao Châu. Thuở ấy những thuyền nhân bị tập trung vào cá trại tị nạn ở các nước đông nam Á: Thái Land, Mã Lai, Indonesia, Philipine… Sau đó lần lượt đi định cư ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Úc…

Sau lượt thuyền nhân là lớp người ra đi với diện HO, ODP, đây là một lượng người đông đảo và ra đi an toàn nhất, lớp người này đi bằng máy bay, đi đàng hoàng, hợp lệ… và từ đây cộng đồng người Giao Châu hải ngoại hình thành. Lớp người cuối là những người đi diện bảo lãnh, đoàn tụ gia đình, hôn nhân, du học… Ngày nay cộng đồng người Giao Châu đã trưởng thành và vững mạnh. Ngày nay cộng đồng lại đối diện sự phân hóa đã và đang xảy ra. Lớp trẻ không có ký ức đau thương như của lớp người già. Lớp trẻ không có dĩ vãng đau thương của tháng tư năm xưa. Lớp người đến sau như du học, kinh doanh, hay di dân vì kinh tế cũng không quan tâm đến chuyện chính trị, dân chủ, nhân quyền… Những năm gần đây thành Ất Lăng nói riêng xứ Cờ Hoa nói chung đã và đang có những xung đột giữa lý tưởng và thực tế. Những thành phần vô cảm đã rước ca sĩ – văn công họ Đờm sang biểu diễn, hợp tác với những âm mưu bôi xóa dĩ vãng và những người vì lý tưởng thì phản đối, sự xung đột xảy ra và những kẻ xu phụ quyền thế, hám tiền có phần thắng thế, ở đời con người ta thường phù thịnh chứ mấy ai phù suy! Người Giao Châu hải ngoại giờ nhạt nhòa với dĩ vãng tháng tư năm xưa, họ ào ạt đi xem Đờm ca sĩ hát. Người Giao Châu vốn là thuyền nhân năm xưa giờ hình bóng con tàu vượt biển cũng mờ nhạt rồi, thậm chí quên hẳn đi rồi. Bởi vậy họ mới bắt tay hợp tác với những người đã từng khiến họ phải chạy trốn xứ sở bằng những con tàu, ghe, thuyền mong manh ấy! Tháng tư có về nhưng trong tâm những người ấy bóng dáng những con tàu không còn nữa. Họ đã quên, đã cố tình quên, đã bôi xóa đi hình bóng những con tàu ngày xưa đã đưa họ đến đất mới, đến bến bờ tự do.

Cộng đồng người Giao Châu hải ngoại cả bình dân lẫn trí thức giờ sính xài những từ ngữ ngô nghê vô nghĩa như: bùng, toang, vỡ òa, hoành tráng, trình, an yên, sư thầy, ạ… Sự giao thoa tác động qua lại giữa trong và ngoài là lẽ đương nhiên, nhưng ở đây chỉ có một chiều. Văn hóa từ trong ra ngoài hết sức tự do và được thúc đẩy bởi quyền lực chính trị, trong khi văn hóa từ ngoài vào thì bị ngăn cản, cấm ngặt, chỉ riêng nhóm ca sĩ và thương gia là được chào đón và bọn ấy cũng phải chấp những những điều kiện mà nhà cầm quyền áp đặt. Nhóm showbiz ngày xưa có không ít kẻ vượt biển bằng tàu giờ thì quay đầu cũng bằng tàu nhưng tàu bay. Kiếm tiền là chuyện đương nhiên, tuy nhiên kiếm tiền đâu cần phải nịnh bợ, ton hót, nói lời phụ ơn bạc nghĩa hay tự tiện thay đổi ca từ, sửa văn của người khác, những việc ấy vừa không thể chấp nhận được, vừa tự hạ thấp nhân phẩm bản thân.

Thời gian thay đổi lòng người đổi thay, những thế hệ lớn dần dà mai một, những thế hệ trẻ hay lớp người mới đến sau không quan tâm đến tháng tư năm xưa, dĩ nhiên là chẳng còn hoài niệm về bóng dáng những con tàu. Không chỉ là lớp trẻ hay lớp người đến sau, ngay cả những người vốn là nạn nhân của tháng tư, thuyền nhân của những con tàu năm xưa giờ cũng bôi mặt bôi xóa tháng tư, vứt bỏ ký ức bóng dáng những con tàu. Tất cả cũng chỉ vì quyền lợi vật chất hay cái danh hão nào đó.

Sự sụp đổ của miền nam vào tháng tư năm xưa quả là thảm họa cho bao lớp người, nay lại có những người gây nhiễu loạn tháng tư, thật sự tháng tư nào có tội tình gì? Tháng tư là chứng nhân lịch sử của tộc Giao Châu

Cứ mỗi tháng tư về, hình bóng những con tàu lại hiện lên trong tâm trí chúng ta. Có những người không hề trải qua chặng vượt biển hãi hùng ấy nhưng vì sự đồng cảm và thấu hiểu nỗi hãi hùng ấy nên lòng vẫn rưng rưng mỗi tháng tư về, lòng xúc động mãnh liệt khi nghĩ tưởng về những con tàu mang những thuyền nhân vượt đại dương. Mới đây một con tàu trong số hàng ngàn con tàu vượt biển năm xưa được đưa vào viện bảo tàng ở Cali. Con tàu (tam bản) ấy đại diện cho hàng ngàn con tàu vượt biển làm chứng nhân cho một giai đoạn lịch sử đau thương.

Ất Lăng thành, 0423




VVM.21.4.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .