Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

tranh của họa sĩ Đặng Cấn

ĐÊM CÓ TIẾNG CHIM HÓT



                                 

V ào một đêm cuối năm, khi đám sinh viên chúng tôi sắp tới kỳ nghỉ Tết, thị xã tổ chức một Hội chợ triễn lãm rất lớn. Suốt buổi chiều, tôi từ chối hết thảy bạn bè để chuẩn bị cùng nàng đi dự Lễ khai mạc buổi tối. Chạy đôn chạy đáo mượn khắp nơi được một mớ tiền, tôi ngồi lì trong phòng, vắt óc nghĩ ra một chương trình đầy trẻ trung và lãng mạn. Tất nhiên chỉ có tôi và nàng. Chúng tôi sẽ lướt qua tất cả các gian hàng, sẽ mua một hai món qùa nho nhỏ làm kỷ niệm. Sẽ chơi cùng với nhau một trò gì đó. Có thể là ném vòng cổ chai, cũng có thể là sẽ hô lô tô. Sau đó sẽ uống nước cam vắt. Và sau đó, sẽ dạo lòng vòng trong phố. Rồi cuối cùng… cuối cùng sẽ là một bất ngờ đầy thú vị với nhau trước thềm năm mới.
     Đắm chìm trong thế giới tưởng tượng bay bổng, phải tới khi trời sập tối, tôi mới chợt nhận ra là nàng đã lỡ hẹn hơn nửa tiếng đồng hồ. Rất có thể cái đồng hồ mượn của thằng bạn chạy nhanh chăng. Nhưng đồng hồ của nó là thứ xịn, giá gần cả triệu bạc, làm sao mà sai được. Tôi chạy đến phòng trực ký túc xá nhìn thêm giờ của cái đồng hồ công cộng hiệu con ngựa có cánh. Rõ là nàng đã trễ hơn nửa tiếng. Không sao. Với tình yêu thì nửa tiếng có là bao. Con gái thường hay chưng diện. Có thể nàng còn đang chăm chút cho mái tóc vốn rất mốt theo kiểu xì tôn Đức của mình. Mà cũng có thể là nàng đang chuốt lại mười đầu móng tay thon nhỏ. Chao ôi! Những ngón tay của nàng mới thanh tú và yểu điệu làm sao. Mỗi khi nàng ngồi chống cằm trên bàn học kê bên cửa sổ, những ngón tay uốn cong, mềm mại và trắng mịn như những cánh hoa cúc. Có lẽ trong khi chờ đợi, tôi cũng nên xem lại bộ cánh của mình tí chút. Cái quần ka ky Mỹ chánh hiệu của thằng bạn, có hơi chật so với tôi một chút, nhưng nó lại khiến tôi có vẻ như mạnh mẽ hẳn ra. Cái áo có cầu vai và túi nắp, coi cũng mốt ra trò. Đôi giày vía của thằng bạn chí cốt hơi cũ, nhưng mô đen bụi của nó lại rất hợp với bộ cánh tôi đang mặc. Nghĩa là tất cả đều đã chỉnh chu đâu vào đó cho một cuộc dạo chơi với người đẹp.
     Nhưng mà trời ạ, vì sao đã qúa giờ hẹn một tiếng mà nàng vẫn chưa đến. Nàng đã nhắc đi nhắc lại là sẽ chạy xe máy đến đón tôi cơ mà. Nhà nàng ở Ngã Tư, cách trường tôi chỉ tám cây số. Hay là xe nàng bị trục trặc. Hay là nhà nàng có chuyện gì đó. Đã hơn một tiếng rưỡi đồng hồ so với giờ hẹn trôi qua. Đầu óc tôi bắt đầu căng lên những tiếng “hay là”, “hay là”. Hay là đám bạn của nàng đã đến rủ nàng đi đâu đó. Chúng nó đứa nào cũng có xe, đứa nào cũng chịu chơi, chịu quậy. Nhưng mà nàng đã hẹn với tôi rồi cơ mà. Hơn nữa nàng và tôi cũng đã từng có với nhau một vài kỷ niệm. Vậy thì vì lẽ gì cơ chứ? Hay là… Đầu óc tôi như căng ra, như sắp nổ bung thành trăm ngàn mãnh. Bạn bè trong ký túc xá đều đã rủ nhau đi chơi từ hồi chiều. Ký túc xá trở nên vắng vẻ tới lạ thường.
     Cuối cùng, không chịu đựng nổi những tiếng “hay là”, “hay là” đang nổ bung bung trong đầu như súng trận, tôi quyết định một mình lội bộ ra phố.
     Phố trong ngày Lễ hội cuối năm rất đông vui, nhộn nhịp, nhưng sao tôi cứ thấy trống vắng và nhạt nhẽo thế nào. Đã vậy lại đụng cộp thằng bạn cùng phòng, nó nhìn tôi rồi cười và hỏi:
     - Nàng đâu? Sao mầy lại đi một mình?
     Tôi nhún vai nói với thằng bạn:
     - Nó ở bên kia. Đang đứng nói chuyện với đám bạn. Thôi, tao đi đây.
     Nghe tôi gọi người yêu là nó, bạn tôi ngớ ra sửng sốt; nhưng rồi đang say sưa với niềm vui của mình, nó cũng chẳng cật vấn thêm điều gì. Vỗ vai tôi một cái thật mạnh, nó hối hả chạy theo đám bạn đang ồn ào vừa đi vừa trò chuyện. Nó đi, tôi cũng bỏ đi.
     Tôi bỏ đi, nhưng là bỏ đi về ký túc xá, vì tôi rất sợ đám bạn thấy mình đi bộ một mình với bộ cánh rất diện, hoàn toàn khác hẳn với cách ăn mặc thường ngày của tôi.
     Về tới nơi, tôi định thay bộ đồ ra, leo lên giường nằm ngủ cho quên đời. Nhưng rồi tôi lại nghĩ, lỡ chúng nó trở về sớm, chúng nó thấy tôi nằm một mình, chúng nó lại đồn rầm lên là tôi bị bồ đá trong ngày Lễ hội thì khốn. Vậy là tôi lại lếch thếch một mình cuốc bộ ra phố. Nhưng lần này tôi lại nghĩ, đừng có ngu mà lủi tới chỗ đông người, để chúng nó phát hiện ra mình chường mặt độc thân trong ngày hẹn cuối năm thì thật chẳng ra thể thống gì. Vậy là tôi đi ngược ra phía ngoại ô.
     Tôi đi khật khà khật khưởng, cảm thấy rất chật chội và khó chịu trong bộ cánh mặc khín của mấy đứa bạn. Mà quái lạ, cả cái đồng hồ, dường như nó cũng gõ tích tắc thành tiếng. Tôi muốn lột ra, nhưng lại sợ lỡ làm mất thì biết kiếm đâu ra tiền mà đền. Ba tôi dạy học, má tôi cũng dạy học. Cả nhà sống trong một cái chái nhỏ che tạm kế văn phòng trường học. Em gái tôi đã học tới lớp 12, nó cũng đang rất cần tiền để mua sách vỡ, vậy mà tháng nào nó cũng tìm cách chắt móp gởi lên cho tôi mười ngàn bạc, cùng với lá thư viết bằng giấy tập học trò. Chữ của nó rất đẹp, từng dòng chữ đều tăm tắp. Nó viết bao giờ cũng có thêm một câu: em gởi cho anh mười ngàn để ăn sáng, nếu ăn xôi thì được năm bữa. Lần đầu cầm mười ngàn và đọc lá thư của nó tôi đã khóc. Tôi biết là em tôi phải nhịn ăn sáng mới có tiền gởi cho tôi. Hồi nhỏ hai anh em còn sống với nhau ở nhà, nó đã biết đối xử tốt với tôi như vậy. Mỗi lần theo đám bạn đi hôi cá, lỡ tôi bị cá trê chém, bao giờ nó cũng khóc thút thít, rồi khóc nấc lên thành tiếng. Sáng ra mỗi đứa ăn một chén cơm nguội với một khứa cá, vậy mà nó còn vẻ phân nửa khứa cá của nó cho tôi. Tôi tìm mọi cách từ chối, nhưng lần nào nó cũng nhất định không chịu. Giờ này ở dưới quê chắc là buồn lắm. Đèn điện thì thắp đèn huỳnh quang nửa thước, tối tò mò tù mù. Đường xá thì gập ghềnh hê hủng, có muốn đi chơi cũng không biết đi đâu. Nghĩ tới đứa em, lòng tôi cháy lên nỗi buồn rười rượi.
     Đang mãi nghĩ về em gái, bỗng tôi nghe có ai hỏi:
     - Ủa, Tùng hả? Sao đi đâu mình ên ra ngoài này?
     Nhìn lên, tôi nhận ngay ra Thu Hường. Thu Hường là bạn học cùng lớp với tôi, được bạn bè mệnh danh là Hường cô độc, bởi từ hồi nào tới giờ, chưa ai từng được thấy Thu Hường cặp với ai bao giờ. Không phải vì Hường xấu, mà vì Hường lớn con qúa cỡ; cả trường không có ai đi bên Hường mà xứng đôi được cả. Với tôi, Hường phải cao to gấp rưỡi. Hơn nữa gương mặt Hường lúc nào cũng vừa nghiêm nghiêm vừa hơi u ẩn buồn, đi bên Hường, nhất định người ta sẽ lầm là hai mẹ con đi với nhau.
     Tôi đứng lại, nhìn Hường và hỏi:
     - Hường không đi dự khai mạc Hội chợ triễn lãm à?
     Không. Hường đi một mình tủi thân lắm. Ai người ta cũng có cặp. Ở nhà buồn thì Hường ra ngoại ô cho khuây khỏa. Vậy chớ Tùng, tại làm sao cũng ra ngoại ô?
     - Ừ, thì cũng cho khuây khỏa ấy mà. Hay mình thả bộ với nhau đi.
     Vậy là hai chúng tôi kết thành một cặp. Chúng tôi thong thả đi sóng đôi xa dần ra phía ngoại ô. Cả hai đều im lặng mà đi. Tôi im lặng vì nỗi buồn trống vắng. Còn Hường im lặng vì điều gì thì tôi không biết. Sự im lặng của chúng tôi khiến cho đường phố ngoại ô dường như cũng bị lây nhiễm. Nhà cửa cứ thưa thớt dần. Đèn đóm cũng thưa thớt dần. Cả người xe cũng dần dần càng lúc càng thưa thớt. Vòm trời cao khoáng đạt cũng chỉ thưa thớt một vài vì sao cuối năm đơn chiếc, nhấp nháy buồn như nước mắt. Thi thoảng mới có một vài sợi gió thổi dài thườn thượt. Ngoại ô đã thật sự trở nên trống vắng.
     Bất giác Hường hỏi tôi:
     - Ta đi tới đâu bây giờ?
     Ừ nhỉ! Chúng tôi sẽ đi tới đâu bây giờ. Đồng đất Lộc Hòa đã sắp hiện ra. Ao hồ và hoang vắng. Nhưng trở về thì lại đối mặt với thực tế trống rỗng của lời hẹn mối tình đầu trong đêm Lễ hội cuối năm. Nỗi đau ấy như một nhát dao cứa vào tim tôi. Còn Hường, Hường không phải đối diện với ai ngoài sự đối diện với chính mình. Chắc chắc Hường chẳng có gì để mà khổ đau và bận tâm hết cả.
     Tôi nắm lấy tay Hường và nói:
     - Cứ đi suốt đêm như thế này, chịu không?
     Hường nói nhỏ nhẹ:
     - Giá có chiếc xe máy thì tốt.
     - Không, có con ngựa hay hơn. Đường vắng, mỗi đứa mình phi một con ngựa. Phi như tiết tấu bài “Lý ngựa ô” ấy. Phi tới sáng thì chắc tới được Sóc Trăng.
     Hường cười rất tươi:
     - Vậy thì phi luôn xuống Kiên Giang. Tới đó ta sắm cho mỗi con ngựa một bộ “dây cương bằng lác”, “lục lạc bằng đất”, rồi ta kiếm cái dinh mà về.
     Có thể phải về thật. Đêm đã trở lạnh. Ngoại ô rộng ngút ngát. Hơi nước từ những ao hồ rộng lớn phả lên buôn buốt. Từ đây về tới ký túc xá chắc cũng phải hơn nửa đêm mới tới. Cứ quên đi cuộc hẹn hôm nay, rồi leo lên giường nằm ngủ là xong chứ gì. Tôi đang tính bàn tới chuyện trở về, nhưng không ngờ Hường lại nói:
     - Hay mình đi chơi đi Tùng! Hường có quen bà má bên kia cầu Lộc Hòa.
     Đi thì đi. Đi cho hết một đêm trót lỡ với nhau cuộc hẹn, biết đâu lại tìm ra thêm một niềm vui mới. Mình đã đọc biết bao nhiêu là sách, chứng kiến biết bao nhiêu những cuộc tình lỡ hẹn. Nhưng đó cũng chỉ là tình yêu trong sách. Tình yêu trong cuộc đời, lỡ hẹn dầu chỉ một lần cũng đau đớn lắm. Mình cứ thử đi với Thu Hường, xem thử một người chưa từng có người yêu như Thu Hường, Thu Hường có hiểu được, có chia xẻ được với một cuộc tình lỡ hẹn hay không.
     Ngôi nhà của bà má cất cặp theo dòng sông Lộc Hòa. Đó là một ngôi nhà lá nhỏ nhoi và hiu hắt. Sự hiu hắt của tuổi già trống vắng trong đơn côi. Chồng má là du kích hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Con trai duy nhất của má cũng là du kích hy sinh trong chiến tranh chống Mỹ. Chính đoàn trường chúng tôi đã nhận lãnh phụng dưỡng má suốt đời. Hường biết điều đó, Hường vẫn thường xuyên lui tới chăm nom săn sóc cho má, vậy mà tôi thì lại không hề hay biết một chút nào.
     Để chuộc lại lỗi lầm của mình, tôi xin phép được đốt một nén nhang cuối năm để tạ lỗi với hương hồn những người đã khuất. Khói hương bay la đà. Không hiểu vì sao không bốc lên mà lại cứ sà thấp xuống, quanh quẩn trong ngôi nhà bày biện sơ sài của má.
     Từ khi vào gặp má, Hường hoàn toàn biến đổi thành một cô gái khác. Nhanh nhẹn, tươi trẻ và linh hoạt hẳn lên. Nét nghiêm nghị, u ẩn buồn không còn nữa. Đến cả dáng vóc cao lớn dềnh dàng dường như cũng gọn lại. Hường tíu tít chạy đi nấu nước chăm trà. Rồi Hường lui cui ngồi xắt dưa mắm, trong khi nồi cháo cò đang sôi lục bục trên bếp. Lửa bếp nổ lách tách. Những ngọn lửa nhảy múa rung rinh, soi hắt bóng Hường ngồi nghiêng nghiêng lên vách lá. Căn nhà bỗng chốc như ấm hẳn lại.
     Bà má tên Ba, đâu chừng ngoài tám mươi tuổi. Bởi má hay ăn trầu nên có tên gọi là Ba Trầu. Má vừa ngồi ngoáy cơi trầu, vừa hỏi tôi:
     - Bây là bạn trai con Hường há con? Tội nghiệp, vậy mà từ trước tới nay má chỉ thấy nó thui thủi có một mình. Con gái con lứa, còn mấy tháng nữa là tốt nghiệp ra trường, không có người yêu coi tội lắm. Hai đứa bây đến đây với má, cứ tự nhiên với nhau như ở nhà. Sau này ra trường, hai đứa tìm cách xin về đây mà dạy. Ngôi nhà tuy không ra gì, nhưng vuông vườn còn tới bốn công. Tụi bây có lương, biết chăm lo khéo vén thì sống cũng đỡ.
     Mới đầu nghe má hỏi thăm, tôi đã tính nói hết sự tình cho má biết. Nhưng khi ngồi đối diện với má, nhìn vào đôi mắt già nua đang thoáng thoáng chút niềm vui hy vọng, tôi chợt nghĩ rằng mình không nên nói ra sự thật. Đôi khi nói ra sự thật lại là một tội ác. Nghĩ vậy, tôi tìm cách nói thác đi.
     - Má à, tụi con là thanh niên, ra trường phải về vùng sâu phục vụ, có đâu được phân công quanh quanh gần thị xã.
     Má nhổ quết trầu vào ống nhổ, nở một nụ cười răn riu mà nói:
     - Bây nói vậy cũng phải. Nhưng con cháu mấy chả, học hành xong xuôi, có đứa nào chịu đi vùng sâu. Má quen biết mấy chả thiếu gì. Hồi đó tụi nó đến ở ăn cơm trong nhà má ròng rã tháng này tháng khác, năm nay năm khác, má không đào hầm bí mật tứ giăng trong nhà ngoài bãi, tụi nó sống sao nổi. Mà con Hường nó kể, quê nó ở Bạc Liêu, ba má và anh chị nó cũng hy sanh hết cho đàng mình hồi còn chiến tranh chống Mỹ. Hoàn cảnh nó thương lắm con ơi! Bây thương nó, phải thành tâm với nó, đừng có mà léo hánh con nầy con nọ, ông trời ông bắt tội. Thanh niên bây giờ sống theo hiện đại, coi tình yêu hổng ra cái giống gì. Sống kiểu đó hổng được đâu con.
     Hường nhắc nồi cháo đặt lên bàn, rồi trở xuống bếp dọn mâm chén. Má dặn với theo.
     - Hường à! Còn ơ cá lòng tong kho mặn ở trong chạn đó con.
     Nói xong câu ấy, má day sang tôi, hỏi:
     - Đâu, bây có nghe thấy tiếng gì sau hè không con?
     Tôi không nghe thấy gì cả. Đêm vẫn yên ấm thanh bình. Ngôi nhà vẫn phưởng phất mùi nhang thơm bổi hổi. Nồi cháo cò đang tỏa khói ngun ngút.
     Khi Hường từ dưới bếp lên tới, má cũng hỏi:
     - Hường à, bây có nghe thấy tiếng gì sau hè không con?
     Hường hồn nhiên hỏi lại:
     - Tiếng gì há má?
     Má cười ngỏn ngoẻn:
     - Trời đất, hai cái đứa này! Thiệt tụi bây không nghe tiếng gì sao? Tiếng chích chòe gọi sáng chớ tiếng gì nữa.
     Bấy giờ, thốt nhiên sau hè nghe rộ lên tiếng chích chòe hót thật. Không phải một con mà là hai con đang ríu rít hót gọi mặt trời.
     Nhìn ra trước cửa, trời hừng đông đã hựng lên ráng hồng ưng ửng chín.




VVM.21.4.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .