N ghệ đã bắn rụng chín mặt trời, chỉ để lại một . Từ đó trời đất có thiên tai và con người có nhân họa.
Ở phía Tây Thành Đô cõ gã họ Uông, gã không vợ con, sống đời áo cơm đạm bạc, mà hồn tịnh, tâm bình. Một buổi tối cuối năm, lòng chợt ngậm ngùi nhớ thời trai trẻ, tôi lội bộ đường xa tới tìm gã. Cuối con hẻm nhỏ nghèo nàn, tối tăm là một ngôi chùa cổ, tồi tàn. Tôi khẽ đẩy cổng bước qua mảnh sân hẹp, tiến tới căn chòi nhỏ ở góc vườn. Gã họ Uông đang nằm lười trên chiếc giường ọp ẹp.
-Này Uông tiểu tử, mau mau ra nghênh đón lão gia. Gã uể oải ngồi dậy, không chào hỏi, chỉ mỉm cười.
-Tết sắp đến rồi, sao không xó áo ra phố làm vài ly cho ấm?
-Lão Uông ta không còn lòng dạ nào.
-Trên đời này còn có điều khiến Uông tiểu tử phải chau mày nữa sao?
-Có đó! Gã chỉ về phiá bàn:
-Ngươi xem đi.
Trên mặt bàn gỗ tạp, những vết cháy đen giống hình mắt xích in rõ mồn một.
-Cái gì đây?
-Vết xích cháy.
-Ở đâu mà có?
-Do Hậu Nghệ lưu lại.
-Hậu Nghệ ư? Nghệ nào?
-Hậu Nghệ bắn rụng chín mặt trời.
Tôi tròn mắt. Cuộc sống của gã là một chuỗi bất ngờ kỳ dị, nhưng có lẽ đây là điều kỳ dị lớn nhất. Gã tiếp:
-Hậu Nghệ mới tới tìm tao. Lão cứ khăng khăng nhận mình là đầu mối muôn ngàn giống tội.
-Lão ở đâu? Vẫn sống ư?
-Lão vẫn sống, sống ở tầng địa ngục cuối cùng, tầng thứ mười tám. Tiểu tử, ngươi có muốn gặp lão chăng?
-Gặp lão?
-Hôm nay thứ mấy?
-Thứ sáu.
-À vậy mai nhớ đến, lão hẹn cuối tuần trở lại, cần gặp thêm vài người, làm chứng nhân cho lời thú tội. Lão tới lúc nửa đêm.
Lúc tiễn tôi ra cổng, gã họ Uông cười nói:
-Sáu tỷ người trên trái đất, lão lại chọn tìm tao, mày thấy có kỳ cục không?
-Tại sao?
-Có lý do đó, trước hết tại tao kỳ cục.
Hôm sau, tôi lại tìm vào con hẻm cũ. Lúc ấy đã gần nửa đêm. Gã họ Uông kỳ cục ngồi bất động bên chiếc bàn gỗ tạp, gã có vẻ xa vắng, đăm chiêu khác thường. Khi đó bên chùa, hồi mõ khuya vừa dứt. Đâu đây mùi hoa Ngọc lan quyện lẫn hương trầm thoang thoảng, tan loãng vào không gian, lòng người cũng tan theo, lâng lâng, nhè nhẹ. Có tiếng đằng hắng, rồi sư già sẽ sàng đẩy cửa bước vào. Sư già mỉm cười thật hiền:
-Mô Phật! Có một ít trà ngon, không biết tên là gì. Có một bộ đồ trà cổ, không biết từ đời nào, mời các thầy dùng thử.
Gã họ Uông cũng mỉm cười:
-Trà ngon của nhà chùa, ấm chén đẹp của nhà chùa, nước vô căn của trời đất, mượn hoa lễ Phật, để cảm thấy trong đời đôi lúc còn lưu lại chút dư vị thanh cao.
Sư già với gã họ Uông vốn là chỗ bạn thanh khí, vong niên. Ở sư già thoát ra vẻ đôn hậu, hồn nhiên, vô tranh, vô cầu. Bình thường sư già trò chuyện rất vui, vậy mà đêm hôm ấy, trong gian lều cỏ, không khí thật nặng nề, cả ba đều trầm ngâm, dường như không có gì để nói, thảng hoặc có qúa nhiều điều nên chẳng biết nói gì. Cả ba im lặng, thấp thỏm đợi chờ.
Bỗng cánh cửa bật mở, một cơn gió ùa vào, mang theo luồng khí nóng hừng hực, kinh người. Ánh sáng chập chờn của ngọn đèn dầu nhỏ như chợt tối đi, khi một bóng người rừng rực xuất hiện. Bóng người sừng sững như tòa cổ tháp, tóc râu tán loạn, ba vòng xích lửa cuốn quanh thân hình. Khách có dáng điệu hiên ngang của một trang dũng sĩ, nhưng giọng nói sang sảng lại có vẻ từ tốn, ôn hòa:
-Bạch cụ! Các thầy! Tôi không thể đến sớm hơn, để mọi người phải đợi. Thất kính, thất kính.
Sư già chắp tay:
-Mô Phật! Đây là một cuộc thiên cổ kỳ hội. Tôn ông đã chờ được nghìn năm, chúng tôi há chẳng đợi được vài giờ. Tôn ông, mời ngồi.
Chủ khách phân ngôi bên chiếc bàn gỗ tạp. Nghệ ngồi thẳng lưng, từng lời rẽ rọt:
-Bạch cụ! Các thầy! Nghệ tôi vốn là tên thiên cổ tội đồ, hôm nay được phép tới đây, để thành tâm cùng người đời tạ tội. Mục đích chính là muốn qua qúy vị, gửi lại một lời trần tình. Nếu được như thế, thì tội nghiệt của Nghệ này mới mong giảm được phần nào trong muôn một.
Sư già khôn xiết kinh nghi:
-Mô Phật! Trước sau tôn ông cứ khăng khăng nhận mình là đầu muôn mối tội. Lão trọc này ngu tối, không thể hiểu rõ căn do.
-Bạch cụ! Sử sách đã viết về Nghệ ra sao?
-Hậu Nghệ xạ nhật, bắn rụng chín mặt trời.
-Bắn rụng chín mặt trời, chỉ để lại một, của riêng mình. Đó chính là cái họa căn do Nghệ gây ra. Nếu vô phương chặn lại, thì còn di lụy tới muôn đời.
-Mô Phật! Lời lời đáng khiếp. Nhưng họa căn tùy thời mà sinh, tùy thời mà diệt, sao lại có thể di lụy muôn đời?
Nét mặt Nghệ trầm trọng, mắt tối lại, mà trán xếp thành những vết nhăn:
-Nghệ chết đi, bị đày xuống địa ngục, vĩnh kiếp trầm luân- Nghệ chỉ vào ba vòng xích đỏ- Đây chỉ là mấy vòng xích tượng trưng. Dưới địa ngục, mình Nghệ cuốn kín trăm vòng xích lửa, mỗi mắt xích là một mầm tội do Nghệ gieo trồng. Địa ngục trước kia chỉ vỏn vẹn một tầng, nhưng càng về sau, nghiệm ra tội Nghệ càng nặng, từ đó địa ngục mỗi lúc một đào sâu thêm. Tới nay Nghệ độc chiếm tầng cuối cùng, tầng thứ mười tám.
-Bắn rụng chín mặt trời, việc chẳng qua xảy ra một lần, sao tội mỗi lúc một nặng thêm?
-Vì từ đó tới nay, đã có muôn người đi theo con đường của Nghệ, con đường tiêu diệt kẻ khác, để chỉ còn mình là độc tôn. Mặt trời chẳng phải là ánh sáng, là chân lý đó sao?
Nghệ ngừng lại, đắn đo, rồi tiếp:
-Qúy vị có biết tầng mười bẩy dành cho những nhân vật nào đó không? Chính là lũ đồ tử, đồ tôn của Nghệ đó.
-Chúng tôi thiển cận, không rõ đó là những nhân vật nào.
-Đó là những nhân vật đã thành danh trong lịch sử. Ai chẳng biết Tần Thủy Hoàng phần thư, khanh nho, diệt trăm nhà để gom vào một mối. Rồi lãnh tụ các cuộc Thánh chiến, các tòa án Tôn giáo. Rồi những kẻ giương cao ngọn cờ chủ nghĩa, bắt mọi người khuất phục, nhất nhất theo mình, tiêu biểu nhất là chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan, mối đe dọa thường xuyên của loài người. Nhân vật kiệt xuất mới đây là Hitler. Bọn họ chẳng phải những kẻ tôn thờ chủ nghĩa độc tôn đó sao? Giết chín mặt trời, chỉ để lại một.
Nghệ dừng lại hồi lâu, tay chống cằm bất động, ánh măt mung lung dõi về qúa khứ, như muốn tìm chút gì còn đọng ở thời gian. Nghệ chậm rãi thuật lại đời mình.
…Có một chàng trai dáng cao lừng lững, da như đồng hun, khuôn mặt gân guốc, lầm lầm. Dáng chàng man rợ, nhưng vẫn oai nghiêm. Chàng trần nửa mình, ngang hông cuốn một mảnh da beo gấm. Đôi tay chàng cuồn cuộn, buông thõng qúa gối, lưng mang cung cứng, tên dài. Chàng trai đó là Hậu Nghệ. Một hôm, trên đường về, vai vác một con hổ lớn. Gần tới nhà- nhà Nghệ là một hang núi thăm thẳm, tối tăm- Nghệ bỗng dừng lại, ngửa mặt lên trời gầm thật to:
-Lão tặc Thiên.
Tiếng gầm của Nghê át cả tiếng biển Đông, làm mãnh thú giật mình, hoảng sợ…
-Bạch cụ! Các thầy! Ngày ngày, Nghệ phải dự các phiên tòa dưới địa ngục. Nghệ đã mắt thấy, tai nghe biết bao nhiêu thảm cảnh của loài người. Nghệ đã chứng kiến biết bao nhiêu tội ác hủy diệt, phát xuất từ thái độ ngạo mạn duy ngã độc tôn. Từ đó máu chảy thành sông, xương chất thành núi, triệu triệu sinh linh phải bước qua cầu Nại Hà để tiến vào Uổng Tử Thành. Diêm vương và Phán quan dù thiết diện vô tư cũng không khỏi thở dài, ngao ngán. Hôm nay Nghệ được lệnh tiếp xúc cùng qúy vị, để chận đứng bàn tay đẫm máu của những kẻ vẫn tự nhận mình là duy nhất đúng.
Bên chiếc bàn gỗ tạp, ba chúng tôi luôn tay vuốt mặt ướt đẫm mồ hôi, không biết mồ hôi đổ vì khí nóng, hay vì một viễn ảnh ghê người. Nghệ lại như lạc vào quá khứ.
…Theo truyền thuyết, thuở hồng hoang, đất trời mênh mông một màu đen tối, gió heo may không thổi, chỉ có cuồng phong, mưa bụi không rơi, chỉ toàn dông bão. Thế rồi một ngày, trong cõi hỗn mang bỗng xuốt hiện hai mặt trời rực rỡ, ánh sáng chan hòa mặt đất, cuộc sống bừng dậy, nẩy mầm. Vũ trụ từ đó được định hình, phía Đông là biển cả bao la, phía Tây là rừng xanh bát ngát, phía Nam là thảo nguyên ngút ngàn, càng lên phía Bắc, núi càng cao, tưởng có thể vén mây vươn tới cổng trời. Vạn vật thanh bình, mặt biển phẳng lặng như gương. Không có sóng to, gió dữ, cây cỏ màu xanh, rừng màu xanh và hoa lạ đủ màu. Điểu thú từng đàn vui sống bên nhau, đùa dỡn với mọi người. Mặt trời giao phối, cứ một vạn năm, một mặt trời con lại ra đời. Khi Nghệ sinh ra, cũng là lúc mặt trời thứ mười xuất hiện, mặt trời lớn nhất, nóng nhất và sáng nhất. Thuở ấy thời tiết không có bốn mùa, không có ngày đêm. Người ta căn cứ vào lúc mặt trời lớn nhất chui lên từ đáy biển Đông làm khởi điểm một ngày. Không khí ít chuyển động nên không có cuồng phong, chỉ có gió hiu hiu vừa đủ mát. Trên cáo không có mây đen tán loạn, chỉ có mây mỏng như tơ, tuyết sương không đổ, mưa rơi chỉ đủ ướt đất, sạch trời. Và lòng người, lòng người không có thù hận, chỉ chan chứa yêu thương.
Nghệ sinh ra trong một xóm nhỏ ven sông, gần biển. Nghệ có thần lực kinh người. Còn nhỏ có thể đánh ngã mười đứa trẻ cùng trang lứa. Lớn lên, Nghệ cưỡi sóng vượt biển Đông, đùa giỡn với giao long, vào rừng sâu, một đấm chết hổ báo. Có lẽ vì thế, dưới mắt Nghệ, không tồn tại thứ ánh sáng dịu dàng, thứ mặt trời hiền hòa nhỏ bé. Trong lòng Nghệ chỉ có một mặt trời duy nhất, đã sinh ra và lớn lên cùng Nghệ. Sáng sáng, Nghệ trần mình, dựa lưng vào vách đá, dưới ánh nắng rát mặt, rát da, mơ hồ cảm nhận vẻ quyến rũ của sức mạnh hủy diệt. Thế rồi Nghệ lấy vợ, sinh con, một mái lá bên sông, tưởng sẽ là nguồn vui bất tận. Nhưng tai họa bỗng dưng ập đến. Một căn bệnh quái ác tràn tới xóm làng, nhiều người tự nhiên bị chứng đau mắt quái lạ, mắt sưng tấy, rát bỏng, ánh sáng như ngàn vạn mũi tên đau buốt. Bệnh nhân phải rúc vào hang sâu, trốn chạy ánh mặt trời. Trước cảnh vợ con đau đớn, Nghệ bồn chồn, lo lắng, bứt rứt không yên, có lúc phẫn nộ bừng bừng. Theo lời khuyên của các bậc già cả, Nghệ cưỡi bè gỗ, xuôi xuống phương Nam, vấn kế lão Khôn ngoan. Lão Khôn ngoan có thân hình kỳ dị, từ lúc mới sanh, người lão đã gẫy làm đôi. Khi đứng, nửa thân trên của lão song song với mặt đất. Có lẽ từ lúc nhỏ tới lúc bạc đầu, lão chưa hề trông thấy mặt trời thật sự, lão chỉ thấy bóng mặt trời phản chiếu trên mặt nước. Lão hỏi Nghệ bằng một giọng lạnh lùng:
-Này chàng trẻ tuổi, ngươi tìm ta làm gì?
-Xin lão một lời khuyên.
-Phải rồi, phải rồi. Ta là người Khôn ngoan.
-Này lão Khôn ngoan, dân làng tôi phần lớn mắc một chứng bệnh đau mắt kỳ lạ, phải trốn chui, trốn nhủi trong hang tối. Lão có biết vì sao không?
-Vì ánh sáng mặt trời.
-Vậy làm sao chữa?
-Tiêu diệt nguồn gốc gây ra căn bệnh. Như ta suốt đời không đau mắt, vì chưa từng ngó mặt trời.
-Tiêu diệt nguồn bệnh, nhưng bằng cách nào?
-Sao ngươi ngu thế, thì giết bớt mặt trời đi.
-Mặt trời có thể giết ư? Bằng gì?
-Cung của ngươi có đủ cứng không? Tên của ngươi có đủ dài không?
-Mặt trời cao vòi vọi, làm sao bắn tới?
-Có hai con đường: một là vượt thuyền bảy ngày ra giữa biển Đông, chặn cửa ngõ mặt trời thức dạy. Hai là leo núi, tiến lên phương Bắc, tới tận cổng trời, ngăn đón khi mặt trời về ngủ.
-Vậy con đường nào dễ hơn?
-Không có con đường nào dễ cả. Sao ngươi hèn thế, làm việc lớn kể chi khó dễ. Thôi ngươi cút đi cho khuất mắt ta.
Từ giã ra về, Nghệ vào rừng sâu đẽo một cây cung lớn bằng gỗ dâu, loại gỗ dễ uốn cong mà không sợ gẫy, lấy mây ngâm nưới suối độc bảy ngày làm dây cung, lấy gốc cỏ bồng già làm tên, lấy răng nanh loài thanh lang mài nhọn làm mũi, lấy lông chim bạch trĩ làm cánh. Công việc hoàn tất, Nghệ đứng trên gò cao, lấy tấn giương cung, mũi tên xuyên suốt thân cây cổ thụ, cây rung lên bần bật, như muốn tróc cả gốc rễ.
Lúc ấy bên bìa rừng chợt xuất hiện một lão già, tuy râu tóc bạc phơ, nhưng mắt rất sáng và lưng rất thẳng.
-Này chàng tuổi trẻ, ngươi thử cung tên, chắc sắp có việc lớn phải làm?
-Ta đi giết mặt trời.
Lão già có vẻ kinh hoàng, tròn mắt nhìn Nghệ:
-Ngươi muốn giết mặt trời ư? Sao có thể nghĩ tới công việc điên cuồng ấy?
-Ta không điên cuồng, ta giết mặt trời để chữa chứng đau mắt theo lời lão Khôn ngoan.
-Có phải lão thân gãy làm đôi, từ nhỏ tới lớn chưa hề thấy mặt trời?
-Chính lão.
-Lão chưa từng thấy mặt trời, sao biết mặt trời gây ra căn bệnh? Nếu ngươi giết hết mặt trời, vạn vật sẽ chìm trong cõi tăm tối mênh mông, lấy đâu ánh sáng soi đường cho chúng ta đi?
-Ta sẽ để lại một mặt trời lớn nhất, sáng nhất, mặt trời của riêng ta.
-Này chàng trẻ tuổi! Mặt trời có lớn, có nhỏ, ánh sáng có gắt, có dịu, tạo nên muôn màu, nghìn sắc, phù hợp với sở thích từng người. Ngươi không có quyền tước đoạt niềm vui của kẻ khác.
-Ta phải giết mặt trời, vì mặt trời làm vợ con ta, người quanh ta đau đớn.
-Đau mắt không phải vì mặt trời, mà vì không biết chọn cách nhìn. Nếu ngươi thức dậy cùng lúc với mặt trời lớn nhất, ánh nắng chói chang sẽ làm ngươi quáng mắt, đui mù, nếu mắt ngươi không đủ sáng. Nếu ngươi thức dậy dưới ánh nắng dịu dàng, mắt ngươi lần lượt làm quen với nhiều sắc độ, ngươi sẽ thấy mỗi mặt trời đều có vẻ đẹp riêng.
-Lão Khật khùng, ta không ưa lý sự, ngươi đi đi.
Nghệ về hang tối, từ giã vợ con, chuẩn bị cuộc hành trình. Hôm sau Nghệ lên đường khi mặt trời lớn nhất vừa mọc. Nghệ mang theo cung tên, lưng đeo bầu nước, vai vác một con hổ lớn, sửa soạn vượt biển Đông.
Vừa bước vào con đường mòn dẫn ra bờ biển, Nghệ thấy lão Khật khùng dang tay cản lối.
-Ngươi đi đâu?
-Ta đi giết mặt trời.
Nghệ sấn tới, lão vẫn dang tay chận lại:
-Ta không để cho ngươi làm công việc điên cuồng ấy.
-Ngươi cậy vào cái gì để ngăn cản ta?
-Ta cậy vào lẽ phải.
-Còn ta, ta cậy vào vật này- Nghệ chỉ cây cung- Nể ngươi già cả, lão Khật khùng, hôm nay ta nhường ngươi một bước.
Nghệ gầm lên một tiếng, rồi trở bước quay về.
Sáng hôm sau, Nghệ lại từ giã vợ con, vai đeo cung tên, đầu để trần, lưng khoác da beo gấm, chân đi giày cỏ, men theo biển Đông, ngược lên phương Bắc, đi tìm cổng trời. Vừa leo tới đỉnh đồi cao, Nghệ đã thấy lão Khật khùng dang tay đứng đợi.
-Này chàng tuổi trẻ, ngươi đi đâu?
-Ta đi giết mặt trời.
Nghệ hầm hầm sấn tới, râu tóc dựng ngược, mắt tóe hào quang. Lão vẫn dang tay ngăn cản.
-Ta quyết không để cho ngươi làm công việc điên cuồng ấy.
-Ngươi cậy vào cái gì để ngăn cản ta?
-Ta cậy vào lẽ phải.
-Lẽ phải cũng có sức mạnh ư? Còn ta, ta cậy ở vật này.
Nghệ lạnh lùng lắp tên vào cung cứng.
-Lẽ phải bao giờ cũng có sức mạnh.
-Để xem.
Nghệ lấy tấn giương cung.
-Sức mạnh của lẽ phải không thể một sớm một chiều mà thấy được.
-Để xem.
Nghệ buông tay. Mũi tên rít lên như gió hú. Cả người lão đầu bạc văng về phía sau, mũi tên ghim cứng lão vào thân cây cổ thụ. Một dòng máu vọt ra từ vết thương, rất đỏ. Mặt Nghệ thoáng chút bối rối, rồi từ từ đanh lại. Nghệ đeo cung lên vai, lạnh lùng hướng về phương Bắc. Cuộc hành trình của Nghệ hầu như bất tận. Nghệ vượt suối băng ngàn, leo lên chót vót hàng trăm đỉnh núi cao. Nghệ đã buông thử hàng chục mũi tên, nhưng mũi nào cũng chỉ xé gió bay được tới nửa trời. Nghệ nén tiếng thở dài, tiếp tục vượt suối băng ngàn, tiến lên phía Bắc. Cho tới một hôm, đôi chân rắn chắc cũng cảm thấy mỏi nhừ, sau một ngày cật lực leo lên đỉnh núi cao chót vót. Ở chốn cùng trời cuối đất, Nghệ đứng ngó xuống, những ngọn núi xung quanh chỉ còn là những điểm nhỏ. Trên đầu Nghệ, bầu trời như rầt thấp, tưởng có thể với tay nắm được, dưới chân Nghệ là mây trắng chờn vờn. Đi tiếp ít bước nữa, Nghệ bắt gặp một phiến đá cao sừng sững, phẳng lì, trên viết hai chữ lớn. Tuy Nghệ không đọc được, nhưng thầm nghĩ, chốn này đâu có dấu chân trần tục, ắt là bút tích của người trời. Như vậy, Nghệ đã tới nơi cần phải tới. Nghệ cất tiếng cười lồng lộng, bao nỗi mệt nhọc chất nặng cuộc hành trình, bỗng chốc trút hết qua tiếng cười. Nghệ hạ cung tên xuống đất, dựa lưng vào vách đá, ngủ một mạch ba ngày. Tỉnh dậy, Nghệ ăn hết sạch hai đùi mãnh sư, uống cạn một bầu nước lớn. Nghệ chỗi dậy, vươn vai, gầm lên: Lão tặc Thiên, tiếng gầm vang dội núi rừng, đánh thức cả thượng giới.
Lúc ấy, mặt trời từ giữa biển Đông, lững thững đi về phía cổng trời, Nghệ dọn sạch một khoảng trống dưới chân, hít sâu một ngụm khí lớn. Nghệ lấy tấn, giương cung, đứng lấy thế đợi chờ, cung cứng uấn tròn như nửa mặt trời. Bắp thịt Nghệ cuồn cuộn, gân cốt kêu răng rắc, mặt đỏ bừng, tóc râu tán loạn. Mặt trời tới đúng tầm bắn, Nghệ quát lớn một tiếng rồi buông tên. Mũi tên xé gió, rít lên như muốn đâm thủng màng tai, mũi tên vút lên, xuyên mây, xuyên thủng bầu trời, bỗng thấy mặt trời rùng mình, rung chuyển, một dòng máu đỏ rực như thác lửa, sôi sục, ào ào trút xuống. Mặt trời rúm ró, quằn quại trong cơn đau, rồi cả một khối lửa khổng lồ rừng rực lao xuống biển Đông. Biển xanh ầm ầm nổi sóng. Bầu trời xám ngoét như giựt mình hãi sợ. Lúc đó quanh Nghệ một bầy dã thú phủ phục trong nỗi hoảng kinh tột cùng. Nghệ căng mắt nhìn mặt trời rẫy chết, rồi bỗng lớn tiếng cả cười:
-Lão tặc Thiên, ta thắng rồi, ta thắng rồi.
Trời cao và biển rộng mênh mông, sấm nổ, gió gào. Nghệ đứng đó, lưng thẳng, đầu cất cao, tưởng như mình vượt lên tất cả. Nghệ đứng ở đầu non, đứng ở nơi cao nhất, sừng sững như cột đá chống trời. Tai Nghệ lùng bùng những tiếng reo hò cuồng loạn, như vang vọng từ quê nhà:
-Hậu Nghệ xạ nhật, Hậu Nghệ xạ nhật.
Thế rồi Nghệ lại dựa lưng vào phiến đá, ngủ tiếp một mạch ba ngày. Tỉnh dậy ăn hết cả mình mãnh sư, uống cạn một bầu nước lớn. Rồi cứ thế tiếp tục, tiếp tục…
- Bạch cụ! Các thầy! Nghệ đã ngẩng cao đầu, lần lượt bắn rụng chín mặt trời và bị đầy xuống đáy mười tám tầng địa ngục. Bọn đồ tử, đồ tôn của Nghệ đã nhân danh một thứ chân lý tuyệt đối, duy nhất đúng, để tiêu diệt những ai không cùng một quan điểm với mình, chúng đáng bị đầy xuống tầng mười bẩy, tầng này hiện đã quá chật. Các vị, như vậy há chẳng phải Nghệ đã gây mầm oan nghiệt đó sao?
Bên chiếc bàn gỗ tạp, ba chúng tôi sững sờ, tê cứng, mình đẫm mồ hôi.
… Trong làn gió sớm mai mát lạnh, lòng Nghệ bỗng bừng bừng, háo hức như thời mới lớn. Một cảm giác tự mãn bồng bềnh sục sôi. Nghệ sừng sững đứng trấn cổng trời, đối diện với biển Đông nhỏ bé xa tít dưới kia. Mặt trời không còn đường chạy trốn, lần lượt rụng dưới cung cứng, tên dài. Sau khi Nghệ bắn rụng mặt trời thứ tư, ánh sáng không còn liên tục, giữa dòng thời gian lần đầu tiên xuất hiện một khoảng cách tăm tối mênh mông, khoảng cách ấy không biết gọi là gì, người đời sau gọi là bóng đêm.
Cùng với mặt trời rơi rụng, bóng đêm càng lúc càng dài, cuối cùng cân phân với ánh sáng. Biển Đông không còn phẳng lặng hiền hòa, từng con sóng bạc cuồn cuộn như tòa núi cao, người đời sau gọi là lớp lớp sóng thần. Bầu trời xám ngoét, từng cụm bông trắng lạnh lẽo bay tán loạn, người đời sau gọi là tuyết giá. Cùng với mặt trời rụng, thế gian bắt đầu có bóng tối, có sóng dữ, có cuồng phong, lũ lụt. Nghệ vẫn đứng đó, trên tuyệt đại cao phong, từng cơn gió loạn, tuyết rơi quất vào mặt, vào người Nghệ. Toàn thân Nghệ lần đầu tiên có cảm giác giá buốt, run rẩy, và lòng Nghệ chợt cảm thấy hoang mang.
Bỗng trong bóng đêm dầy đặt xuầt hiện một đĩa bạc lửng lơ, ánh sáng dịu dàng, hư huyễn, đĩa bạc không biết gọi là gì, người đời sau gọi là vầng trăng. Trong đêm âm u, giá buốt, một vầng trăng vằng vặc, rồi những ngôi sao lấp lánh, lấm tấm điểm sáng màn đêm. Đêm huyền diệu! Nghệ đứng sững, bất động, lặng ngắm ánh trăng, bâng khuâng cảm nhận được cái đẹp sâu thẳm đến vô cùng, Cõi lòng điên cuồng của Nghệ hầu như dịu lại. Ngoài mặt trời chói chang của Nghệ, lại có một vầng trăng dịu dàng…
Bên chiếc bàn gỗ tạp, bốn người lặng lẹ cúi đầu, xuôi theo những ý tưởng thầm kín, riêng tư. Nghệ với tay nâng chén nhỏ, uống cạn một hơi. Nghệ bỗng cười, cố làm xao động bầu không khí nặng nề:
-Thật uổng trà ngon, chén đẹp, những vật này đâu xứng với bọn mãng phu, ngưu ẩm chúng tôi
Đáp lại, chỉ thấy những nụ cười gượng gạo.
Rồi tiếng Nghệ ngập ngừng vang lên, cô độc mà giá buốt:
-Nghệ đã bắn rụng chín mặt trời, chỉ để lại một mặt trời duy nhất. Từ đó trời đất có thiên tai và con người có nhân họa.
Sư già chợt thở dài:
-Mô Phật! Đời là bãi chiến trường, nước mắt chúng sinh trong ba ngàn thế giới góp lại còn nhiều hơn nước đại dương.
Nghệ run giọng:
-Tội nghiệt của Nghệ đong đầy năm sông, bốn biển.
Tôi bỗng thấy thèm một cơn gió nhẹ, hay một chút hương thơm của chồi Ngọc lan. Giá có một tiếng hát ầu ơ, một hồi mõ sớm, chuông chiều, để làm xao động cái trầm uất của không gian tù đọng, nặng nề.
… Mặt trời thứ chín rụng rồi, một dòng máu đỏ dật dờ lan trên mặt sóng, bồng bềnh loang khắp biển Đông. Da trời xám xanh sắc giận. ánh nắng cuối cùng của một ngày tàn vụt tắt, vạn vật chìm sâu trong bóng tối mênh mông. Gió bỗng trở chiều, vũ trụ chợt nổi cơn thịnh nộ hồng hoang, sấm chớp gầm gừ, cuồng phong vần vũ, cây cỏ vặn mình vật vã từng cơn. Ở tít dưới kia, biển Đông gào thét ầm ầm. Thế rồi mưa từng đợc trút xuống như thác đổ. Mưa lạnh và gió lạnh thấm vào da thịt, Nghệ bỗng rùng mình, vội chui vào một hang núi sâu. Nghệ chợt thấy mình vô cùng bé nhỏ, bất lực, yếu ớt và cô độc. Nghệ còn rất trẻ, nhưng lòng lại tưởng đã già. Cảm giác hoang mang, sợ hãi thấm sâu vào từng thớ thịt. Trong bóng đêm u ám, Nghệ thấy thèm vô cùng hương vị của cuộc sống thanh bình, Nghệ thèm một mái ấm, một bếp lửa, một cánh tay vợ hiền, một tiếng bi bô của trẻ thơ. Nghệ muốn tìm đường xuống núi, xuôi bờ biển Đông, tìm lại cố hương. Nhưng trong bóng đêm dầy đặc, Nghệ thèm nhất là một hơi nắng ấm, dù chỉ là sợi nắng mong manh sót lại của buổi chiều tà. Nghệ đã bắn rụng chín mặt trời, bây giờ Nghệ lại thấy sợ bóng tối. Nghệ thao thức chờ đợi, mong chóng đến rạng đông. Nghệ chờ đợi, chờ đợi mỏi mòn, nhưng đềm dài chừng như bất tận. Mưa dịu dần rồi ngưng hẳn, trời trong và gió chuyển heo may. Nghệ chui khỏi hang đá, men tới sườn non. Nghệ ngẩng nhìn trời chờ đợi. Lúc ấy trăng hạ huyền vừa mọc, mỏng như lá lúa, ánh sáng phớt nhẹ màu xanh mềm mại, không đủ xuyên thủng đêm đen. Xung quanh Nghệ tuyết đổ phiêu phiêu, tuyết trắng, sương mờ làm ánh trăng thêm dịu, trăng như dòng sữa ngọt chảy xuôi. Nghệ đứng sững, xuất thần, hồn mở rộng, cảm nhận cái đẹp thiêng liêng của vũ trụ bao la, cảm nhận chút thân bèo bọt, bé nhỏ, yếu đuối của kiếp người. Sinh lực Nghệ từng chút, từng chút rã rời, tan loãng. Tuyết vẫn rơi và tuyết vẫn rơi, Nghệ chìm dần, chìm dần vào cõi chết, giữa cái vắng lặng, lạnh lẽo chất đầy không gian. Toàn thân Nghệ hóa đá, trơ trơ với thời gian.
Nghìn năm sau, nếu có ai lang thang lạc tới cổng trời, sẽ thấy một pho tượng đá đầy vẻ tang thương. Tượng đá phảng phất bóng dáng của một trang dũng sĩ, lưng đeo cung cứng, tên dài. Tượng dũng sĩ mà dường như thiếu vẻ hiên ngang, tượng đá có dáng trầm tư, mắt dõi về quá khứ. Đầu tượng cúi thấp như nuối tiếc, như ân hận, như chất chứa một nỗi buồn. Toàn thân tượng đá trong tư thế co ro, tưởng chừng sợ hãi, tưởng chừng run rẩy, tưởng chừng muốn thu mình thật nhỏ, để trốn tránh sức mạnh tàn phá của đất trời. Trong khóe mắt tượng đá, hình như nhỏ xuống hai giọt lệ long lanh…
Bên chiếc bàn gỗ tạp, đầu Nghệ cũng cúi xuống thật sâu, không gian trầm lắng. Bỗng Nghệ ngẩng lên nhìn mọi người, giọng run run, đượm vẻ khẩn thiết van nài:
- Bạch cụ! Các thầy! Các vị xin vì tôi lên tiếng một lần, bằng không, dưới địa ngục sẽ có lúc Nghệ phải đầy xuống tầng mười chín, hai mươi.
Lời Nghệ không có hồi âm, chìm vào khoảng vắng. Một lúc sau mới nghe tiếng thở dài thật sâu, rồi giọng gã họ Uông trầm đục mà bi tráng:
-Nhưng lời của ta, ai nghe? Ai nghe?
Tiếng nói lại rơi vào khoảng vắng, không chút âm vang. Vị sư giá vén áo đứng dậy, khẽ gật đầu chào mọi người, rồi lặng lẽ trở về thiền phòng, bắt đầu một buổi kinh sớm. Tiếng tụng kinh mơ hồ, lãng đãng, không biết vọng lại từ cõi nào. Tiếng mõ cá lóc cóc, lóc cóc dường như khắc khoải, thôi thúc, nghe sao mà buồn thảm. Lại có tiếng gã họ Uông khôn xiết ngậm ngùi:
-Nhưng còn lời ta, ai nghe? Ai nghe?