Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      



CHIẾC VÒNG CỔ  



Nguyên tác của Guy de Maupassant

     Tác Giả: Guy de Maupassant sinh năm 1850 mất năm 1893 là một tác giả người Pháp thế kỷ 19, được nhớ đến như một bậc thầy về thể loại truyện ngắn, đồng thời là đại diện của trường phái Tự Nhiên, miêu tả cuộc sống, số phận của con người trong bối cảnh xã hội đưa đến sự vỡ mộng và bi quan.
     Ông đã viết 300 truyện ngắn, sáu tiểu thuyết, ba du ký và một tập thơ. Truyện ngắn xuất bản đầu tiên "Boule de Suif" năm 1880 được coi là tác phẩm nổi tiếng nhất của ông.
     Khi Maupassant 11 tuổi và em trai Hervé 5 tuổi, mẹ ông ly thân với người chồng hung bạo, nuôi hai anh em ông và trở thành người có ảnh hưởng nhất trong cuộc đời ông. Bà là một phụ nữ đặc biệt đọc nhiều và rất thích văn học cổ điển, đặc biệt là Shakespeare.
     Chiến tranh Pháp-Phổ nổ ra ngay sau khi ông tốt nghiệp đại học năm 1870. Ông nhập ngũ với tư cách là một tình nguyện viên. Năm 1871, ông rời Normandy chuyển đến Paris, làm thư ký tại Bộ Hải Quân trong mười năm. Trong thời gian này, cách giải trí duy nhất của ông là chèo thuyền trên sông Seine vào những ngày Chủ nhật và ngày lễ.
     Năm 1878, ông được chuyển đến Bộ Thông Tin Tuyên Truyền và trở thành cộng tác viên cho một số tờ báo hàng đầu như Le Figaro, Le Gaulois và l'Écho de Paris. Trong thời gian này ông dành thời gian rảnh rỗi để viết tiểu thuyết và truyện ngắn.
Năm 1880, ông xuất bản tác phẩm được coi là kiệt tác đầu tiên của mình, Boule de Suif, thành công vang dội lập tức. Nhà văn Gustave Flaubert mô tả đó là "một kiệt tác trường tồn". Đây là tác phẩm hư cấu ngắn đầu tiên của Maupassant lấy bối cảnh Chiến tranh Pháp-Phổ 1870-1871. Từ 1880 đến 1891 là thời gian sáng tác mạnh mẽ nhất trong cuộc đời của Maupassant. Tài năng và ý thức kinh doanh thực tế đã khiến ông trở nên giàu có.
     Maupassant là một trong số khá nhiều người Paris trong thế kỷ thứ 19 không ủng hộ việc xây dựng Tháp Eiffel. Ông cùng bốn mươi sáu nhân vật văn học và nghệ thuật nổi tiếng khác ở Paris đã ký tên vào một lá thư phản đối việc xây dựng này và gửi cho Bộ Trưởng Bộ Công Chánh vào ngày 14 tháng 2 năm 1887.
     Trong những năm cuối đời, ông muốn sống một mình, ám ảnh về việc tự bảo vệ mình, sợ chết và hoang tưởng về căn bệnh giang mai mà ông mắc phải từ khi còn trẻ. Có người cho rằng em trai của ông, Hervé cũng mắc bệnh giang mai và căn bệnh này có thể là bẩm sinh. Vào ngày 2 tháng 1 năm 1892, Maupassant tự sát bằng cách cắt cổ mình nhưng được cứu thoát; Ông qua đời tại Paris vào ngày 6 tháng 7 năm 1893 vì căn bệnh giang mai.


N àng là một cô gái xinh đẹp và quyến rũ được sinh ra như thể là một sai lầm của số phận, trong một gia đình ở tầng lớp thư ký trong xã hội. Nàng không có của hồi môn, không kỳ vọng nào, không có phương tiện để cho một người đàn ông giàu có và nổi tiếng biết đến, thấu hiểu, yêu thương hay kết hôn; vì vậy nàng phải lấy với một nhân viên có danh phận thấp ở Bộ Giáo Dục. Tên nàng là Mathilde Loisel.

Nàng ăn mặc giản dị vì chưa bao giờ được mua thứ gì đẹp, nàng không thấy hạnh phúc. Phụ nữ không thuộc trong một đẳng cấp hay giai cấp nào thì vẻ đẹp, sự duyên dáng và sự quyến rũ của họ bị đánh giá bằng nơi sinh và hoàn cảnh gia đình.

Nàng vô cùng đau khổ, tự cho mình phải được hưởng tất cả những món ngon và xa hoa của cuộc sống. Nàng đau khổ vì căn nhà tồi tàn của mình khi nhìn những bức tường bẩn thỉu, những chiếc ghế sờn cũ, những tấm rèm xấu xí. Những người phụ nữ khác cùng tầng lớp với nàng có thể không nhận ra những điều này, nó hành hạ nàng và khiến nàng bực bội. Đôi khi nhìn thấy cảnh cô bé Brenton làm việc trong nhà khiến lòng nàng hối hận. Nàng mơ thấy tiền sảnh treo những tấm thảm phương Đông, có những ngọn đuốc cắm trong ống đồng được thắp sáng từ trên cao trong khi hai người hầu cao lớn mặc quần ống túm dài đến đầu gối chợp mắt trên những chiếc ghế bành lớn, ngái ngủ vì hơi ấm ngột ngạt của lò sưởi. Nàng mơ về những căn phòng khách rộng rãi được trang bị bằng những tấm lụa quý hiếm, đồ nội thất sang trọng với những đồ trang trí vô giá, những căn phòng nhỏ đầy mời gọi, thơm phức, dành cho những buổi trò chuyện buổi chiều với những người bạn thân, được những người đàn ông nổi tiếng săn đón, những người mà mọi phụ nữ đều ghen tị và khao khát.

Khi nàng ngồi ăn tối trên chiếc bàn tròn phủ khăn ba ngày chưa thay, đối diện với chồng, anh ta vừa nhấc nắp nồi súp ra vừa la lên đầy phấn khích: "A! Thịt bò hầm! Còn gì tuyệt vời hơn". Nàng mơ ước có những bữa tối với đồ dùng bằng bạc sáng bóng, những tấm thảm trang trí trên tường thêu những nhân vật từ thời xa xưa và những chú chim lạ trong những khu rừng cổ tích; nàng mơ tới những món ăn ngon được phục vụ trên những chiếc đĩa tuyệt vời, được lắng nghe những lời thì thầm đầy tình tứ trong khi người đàn ông ăn miếng cá hồi hay con chim cút.

Nàng không có váy đẹp, không có đồ trang sức, không có gì cả; đó là những thứ nàng yêu thích. Nàng thấy những thứ đó phải được dành cho nàng. Nàng rất muốn được quyến rũ, được ghen tị, được khao khát và săn đón. Nàng có một người bạn cũ trước kia cùng học ở trường Bà Sơ rất giàu có, người mà nàng không muốn đến thăm vì mỗi khi trở về nhà và những ngày sau đó, nàng sẽ khóc vì đau khổ, hối hận và tuyệt vọng. * Một buổi tối, chồng nàng về nhà với vẻ hớn hở, tay cầm một chiếc phong bì.

- Xem này - Anh ta nói, - Có cái này cho em đây.

Nàng xé bao thư và rút ra một tấm thiệp, trên đó có in dòng chữ:

"Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Bà Georges Rampouneau rất hân hạnh được gặp ông bà tại Bộ vào tối thứ Hai ngày 18 tháng Giêng."

Thay vì vui mừng như chồng mong đợi, nàng bực bội ném tấm thiệp xuống bàn lẩm bẩm:

- Anh muốn em làm gì với tấm thiệp này?

- Anh nghĩ là em sẽ hài lòng. Em không bao giờ đi chơi, và đây là một cơ hội tuyệt vời! Anh đã rất khó khăn để có được nó. Mọi người đều muốn tham dự vì đây là một dịp đặc biệt, và có rất ít thiệp mời gửi cho các thư ký. Cả Bộ sẽ ở đó.

Nàng giận dữ nhìn anh chằm chằm, nói một cách thiếu kiên nhẫn:

- Như vậy anh muốn em mặc gì nếu em đi?

Anh ta không nghĩ về điều này, lắp bắp nói:

- Thì chiếc váy em mặc hôm đi xem kịch. Nhìn nó rất đẹp ...

Anh dừng lại, sững sờ, xót xa khi thấy vợ mình khóc. Hai giọt nước mắt chầm chậm chảy từ khóe mắt về phía khóe miệng. Anh ta lắp bắp:

- Có chuyện gì vậy? … Có chuyện gì vậy?

Sau khi lau má ướt đẫm, nàng trả lời bằng một giọng bình tĩnh:

- Không có gì. Chỉ là em không có chiếc váy mặc cho thích hợp. Em không muốn đến bữa tiệc này. Hãy đưa chiếc thiệp mời cho người khác có người vợ mặc quần áo đẹp hơn em đi.

Ngẩn người ra một lát rồi anh ta nói:

- Để xem nào, Mathilde. Một chiếc váy phù hợp giá bao nhiêu, một chiếc mà em có thể sử dụng lại vào dịp khác?

Nàng suy nghĩ một lúc, tính toán và cũng nghĩ có thể yêu cầu số tiền bao nhiêu mà không bị từ chối lập tức. Cuối cùng nàng ngập ngừng trả lời:

- Em không biết chính xác, nhưng em nghĩ là khoảng bốn trăm Francs.

Anh ta hơi tái mặt. Anh ta đã tiết kiệm đúng số tiền đó để mua một khẩu súng và đã dự trù cho chuyến đi săn vào mùa hè năm sau ở vùng quê gần Nanterre cùng với một vài người bạn.

Tuy nhiên, anh ta cũng nói:

- Tốt lắm, anh có thể đưa cho em bốn trăm Francs. Nhưng hãy cố kiếm một chiếc váy thật đẹp đấy.

♣ ♣

Gần đến ngày tổ chức, Nàng Loisel có vẻ buồn bã, bồn chồn, lo lắng dù cho trang phục đã có sẵn. Một buổi tối, người chồng nói:

- Em làm sao vậy? Ba ngày qua em trông rất lạ.

Nàng trả lời:

- Em buồn vì không có đồ trang sức, em không có một viên đá nào để đeo cả vì thế trông rất quê mùa và rẻ tiền. Em không muốn đi nữa.

- Em có thể đeo hoa, - Anh ta nói, - Rất hợp thời trang vào lúc này. Với mười francs, em có thể mua được hai hoặc ba bông hồng lộng lẫy."

Nàng không tin vào người chồng.

- Không … không có gì xấu hổ hơn và trông thật tội nghiệp giữa đám phụ nữ giàu có."

- Em thật khờ quá! - Người chồng nhăn nhó. - Vậy hãy đến gặp bạn của em, Madame Forestier và nhờ bà ấy cho mượn một số đồ trang sức. Em biết bà ấy nhiểu mà.

Nàng thốt lên một tiếng kêu sung sướng.

- Dĩ nhiên. Em không nghĩ về điều đó, bà ấy là bạn học cũ của em mà.

Ngày hôm sau, nàng đến nhà bạn và kể cho bà ấy nghe câu chuyện. Bà Forestier đi tới chiếc tủ, lấy ra một chiếc hộp, mở ra và nói với Loisel:

- Chọn đi, bạn.

Thoạt tiên nàng nhìn thấy một số vòng tay, sau đó là một chiếc vòng cổ ngọc trai, rồi một cây thánh giá kiểu Venice bằng vàng khảm đá quý, được chế tạo thủ công rất tinh xảo. Nàng thử đồ trang sức trong gương, đầy do dự, không muốn buông chúng ra. Nàng liên tục hỏi:

- Bồ có món nào khác nữa không?"

- Tại sao không. Nhưng tôi không biết bạn thích gì.

Đột nhiên nàng phát hiện ra trong một chiếc hộp sa tanh đen có một chiếc vòng cổ kim cương tuyệt đẹp. Tim nàng bắt đầu đập loạn nhịp vì lòng ham muốn. Tay nàng run lên khi cầm lấy chiếc vòng. Nàng đeo nó quanh cổ, ngây ngất đứng nhìn chính mình.

Rồi nàng hồi hộp, ngập ngừng hỏi:

- Bạn có thể cho tôi mượn cái này, chỉ cái này thôi, được không?

- Tại sao không, tất nhiên là được.

Nàng quàng tay qua cổ người bạn, ôm chầm lấy bà ấy một cách cuồng nhiệt, rồi chạy ra về cùng kho báu của mình.

♣ ♣ ♣

Ngày bữa tiệc đã đến. Nàng Loisel thật rực rỡ. Nàng đẹp hơn tất cả những người phụ nữ khác, thanh lịch, duyên dáng, hay cười và tràn đầy niềm vui. Tất cả những người đàn ông nhìn nàng không chớp mắt, hỏi tên nàng, cố gắng được làm quen. Tất cả các quan chức trong nội các đều muốn khiêu vũ với nàng. Bộ trưởng cũng chú ý đến nàng.

Nàng nhảy múa điên cuồng, say mê trong hoan lạc, quên đi tất cả mọi thứ trong niềm hân hoan với đẹp của mình, trong vinh quang của sự thành công, trong một đám mây hạnh phúc được tạo thành từ tất cả sự tôn trọng, tất cả sự ngưỡng mộ, tất cả những khao khát của đám đàn ông, cảm giác chiến thắng thật ngọt ngào tràn ngập trái tim người phụ nữ.

Nàng thấm mệt vào khoảng bốn giờ sáng. Chồng nàng đang ngủ gật từ nửa đêm trong một phòng chờ nhỏ vắng vẻ cùng với ba người đàn ông khác mà các bà vợ của họ đang vui vẻ nhẩy nhót.

Anh ta đưa cho nàng bộ quần áo mà anh đã mang theo, bộ quần áo giản dị của một cuộc sống bình thường, sự nghèo khó tương phản rõ rệt với sự sang trọng của chiếc váy dạ hội. Nàng cảm nhận ngay ra điều này và muốn chạy trốn, để không bị những người phụ nữ khác đang quấn mình trong những bộ đồ lông thú đắt tiền chú ý.

Người chồng giữ nàng lại.

- Chờ ở đây một chút, em ra ngoài sẽ bị cảm lạnh, để anh đi kiềm xe.

Nhưng nàng không nghe, chạy xuống cầu thang cùng với chồng. Cuối cùng khi ra đến phố, họ không thể tìm thấy một chiếc taxi nào. Họ tuyệt vọng đi dọc theo bờ sông Seine, run lên vì lạnh. Cuối cùng họ cũng tìm thấy trên bến cảng một chiếc taxi đêm cũ mà người ta chỉ thấy ở Paris khi trời tối, như thể họ xấu hổ về tồi tàn của mình vào ban ngày.

Hai người được thả xuống trước cửa nhà ở Rue des Martyrs, buồn bã bước lên cầu thang về căn nhà của mình. Đối với nàng, tất cả đã kết thúc. Người chồng nhớ là phải tới văn phòng lúc mười giờ sáng.

Trước gương, nàng cởi bỏ quần áo trên mình, ngắm nhìn lại lần cuối vẻ đẹp lộng lẫy của mình. Nhưng đột nhiên nàng thét lên một tiếng. Chiếc vòng không còn trên cổ nàng nữa! Chồng nàng chạy tới hỏi:

- Có chuyện gì vậy?

Nàng quay về phía anh ta hoảng hốt trả lời:

- Em có... Em có... Em không thấy chiếc vòng cổ của bà Forestier đâu nữa.

Anh ta đứng dậy ngây người, lắp bắp nói.

- Cái gì!... Làm sao!... Không thể nào!

Họ lục soát các nếp gấp trên váy, trong áo choàng, trong các túi áo, khắp mọi nơi nhưng chẳng thấy nó đâu cả.

- Em có chắc là em vẫn đeo nó khi rời khỏi nới đó không?" Anh ta hỏi.

- Có mà. Tay em đã chạm vào nó trong hành lang ở Bộ."

- Nếu em làm mất trên đường thì mình đã nghe thấy tiếng nó rơi. Chắc nó rớt trong xe.

- Vâng, chắc là thế. Anh có lấy số xe không?

- Không. Còn em, em cũng không để ý à?

- Không.

Họ nhìn nhau chằm chằm, sửng sốt. Cuối cùng anh ta mặc lại quần áo.

- Anh sẽ đi trỏ lại quãng đường đó xem có thấy không.

Nàng vẫn mặc chiếc váy khiêu vũ ngồi trên ghế suốt buổi tối đó, không còn sức lực để bước lên giờng ngủ, đầu óc trống rỗng.

Người chồng trở về lúc bảy giờ sáng. Anh ta không tìm thấy gì cả. Anh ta đến gặp cảnh sát, đến các tờ báo để đăng vài hàng về món tiền thưởng cho ai tìm thấy, đến các công ty taxi, tới mọi nơi mà tia hy vọng nhỏ nhất có thể.

Còn nàng chờ đợi cả ngày trong tâm trạng tuyệt vọng trước thảm họa khủng khiếp này. Người chồng trở về nhà vào buổi tối với hình dạng hốc hác, nhợt nhạt; anh ấy đã không tìm thấy gì hết.

- Em phải viết thư cho bạn của em, nói rằng em đã làm gãy chiếc móc cài trên chiếc vòng cổ và em đang nhờ người sửa nó. Điều đó sẽ cho chúng ta một thời gian để chờ xem sao.

Nàng đành viết lá thư cho Madame Forestier theo từng câu anh ta đọc cho nàng viết.

♣ ♣ ♣

Một tuần trôi qua và họ mất hết hy vọng.

Người chồng trông già thêm 5 tuổi, nói với nàng:

- Chúng ta phải xem làm thế nào để thay thế chiếc vòng đó mới được.

Ngày hôm sau, họ lấy chiếc hộp đã đựng nó và đến tiệm kim hoàn mà họ tìm thấy địa chỉ ở bên trong. Ông chủ tiệm nói:

- Thưa ông bà, tôi không phải là người đã bán chiếc vòng cổ, mà chỉ bán chiếc hộp đựng thôi.

Thế là họ đi hết tiệm kim hoàn này đến tiệm kim hoàn khác, tìm kiếm một chiếc vòng cổ giống như chiếc kia, lục lại ký ức của mình, cả hai đều phát bịnh vì đau buồn và thống khổ.

Trong một cửa hàng ở Palais Royal, họ tìm thấy một chuỗi kim cương giống như là thứ họ đang tìm kiếm. Nó trị giá bốn mươi ngàn francs. Họ có thể trả với giá ba mươi sáu ngàn.

Vì vậy, họ năn nỉ người chủ tiệm đừng bán nó trong ba ngày. Và họ đã thỏa thuận rằng sẽ trả lại nó với giá ba mươi bốn ngàn francs nếu chiếc vòng cổ kia được tìm thấy trước cuối tháng.

Người chồng có mười tám nghìn francs mà cha anh đã để lại. Anh sẽ đi mượn phần còn lại. Anh ta đi vay, một nghìn francs từ người này, năm trăm từ người khác, năm trăm chỗ này, ba trăm chỗ kia. Anh ta phải viết những tờ cam kết, những thỏa thuận với những người cho vay với tiền lời thật nặng. Anh ta đã đánh đổi phần đời còn lại của mình, mạo hiểm ký vào những tờ giấy mà không biết liệu có thể thực hiện được hay không, Anh kinh hoàng trước nỗi thống khổ sắp ập đến, trước sự khốn khổ đen tối sắp giáng xuống đầu anh trước viễn cảnh thiếu thốn mọi thứ và cả tinh thần nữa. Anh ta sắp chịu cực hình khi đi lấy chiếc vòng cổ mới, và đưa cho chủ tiệm kim hoàn ba mươi sáu ngàn francs.

Khi nàng Loisel đưa trả chiếc vòng cổ, bà Forestier nói:

- Đáng lẽ bồ trả lại tôi sớm hơn, tôi có thể cần nó.

Trước sự dễ dãi của người bạn, nàng không dám hé môi. Nếu bà ấy phát hiện ra sự thay thế này thì liệu bà ta nghĩ gì? Bà ấy sẽ nói gì? Bà ấy có coi bạn mình cho một tên trộm không?

♣ ♣ ♣

Kể từ đó, nàng Loisel biết tới cuộc sống khủng khiếp của những người thật nghèo. Nhưng nàng đã can đảm chịu đựng mà không một lời than thở. Món nợ khủng khiếp phải được trả. Nàng sẽ trả hết. Nàng cho người giúp việc nghỉ; họ thay đổi chỗ ở, thuê một gác xép nóng nực tạm trú.

Nàng bắt đầu biết sự cực nhọc của công việc nội trợ, những công việc khó nhọc trong nhà bếp. Nàng rửa bát đĩa, làm vấy bẩn bộ móng tay hồng hào của mình vì những chiếc nồi và đáy chảo đầy dầu mỡ. Nàng giặt đồ, quần áo của chồng và khăn lau bát đĩa rồi treo trên dây cho khô; sáng nào cũng mang rác xuống, gánh nước lên, dừng lại để lấy hơi. Và, ăn mặc lếch thếch như một thường dân. Nàng đến cửa hàng bán hoa quả, cửa hàng tạp hóa, cửa hàng thịt, tay xách giỏ, mặc cả, bị sỉ nhục, tranh giành từng đồng xu khốn khổ.

Mỗi tháng họ phải trả một số tiền cho người này, xin gia hạn món nợ với người khác. Chồng nàng làm việc thêm vào mỗi tối, làm sổ sách cho một thương nhân, và thường đến tận khuya, anh ngồi chép lại bản thảo với giá năm xu một trang.

Cuộc sống như vậy kéo dài suốt mười năm ròng rã.

Vào cuối năm thứ mười, họ đã trả hết mọi món nợ theo lãi suất cho vay thật nặng và với tiền lời kép tích lũy.

Nàng Loisel giờ đây trông già nua nhưng cũng trở nên mạnh mẽ, cứng rắn và thô bạo như tất cả phụ nữ của những gia đình nghèo khổ khác. Với mái tóc được chải một nửa, chiếc váy xộc xệch và đôi bàn tay thô kệch đỏ ửng, nàng vừa nói to vừa vung nước dội mạnh tung toé. Nhưng đôi khi, lúc chồng đi làm, nàng ngồi cạnh cửa sổ nghĩ về buổi dạ vũ cách đây rất lâu, khi nàng thật xinh đẹp, được ngưỡng mộ, săn đón.

Điều gì sẽ xảy ra nếu nàng không làm mất chiếc vòng cổ? Ai mà biết được. Cuộc sống thật lạ lùng, biến đổi không lường! Để kiếp một người bị hủy hoại hoặc được cứu rỗi thì cần phải làm sao đây?

♣ ♣ ♣

Một ngày chủ nhật, khi đang đi dạo ở đại lộ Champs Élysées để nghỉ ngơi sau một tuần làm việc, bất ngờ nàng nhìn thấy một người phụ nữ dắt theo một đứa trẻ. Đó là bà Forestier. Bà ta vẫn còn trẻ, vẫn đẹp, vẫn quyến rũ. Nàng Loisel xúc động. Có nên nói thực với bà ấy không đây? Phải, tất nhiên là nên nói hết sự thực vì dù sao bà ấy cũng là người bạn mà. Và hơn nữa giờ đây nàng đã trả hết nợ rồi. Nàng sẽ nói với bà ta tất cả. Tại sao không?

Nàng tiến tới gần người bạn:

- Chào buổi sáng, Jeanne.

Người kia ngạc nhiên khi một phụ nữ bình thường này xưng hô với mình một cách thân mật như vậy, Bà ta không nhận ra nàng. Bà lắp bắp:

- Nhưng - thưa bà - tôi không biết bà. Chắc bà nhầm với ai đó.

- Tôi không lầm đâu. Tôi là Mathilde Loisel đây mà.

Bà ta thốt lên một tiếng kêu thất thanh:

- Trời ơi! ... Mathilde của tôi thật tội nghiệp, tạo sao bạn thay đổi như thế này! ...

- Phải, tôi đã gặp khó khăn kể từ lần cuối cùng gặp bạn, và rất nhiều đau khổ ... và tất cả là do bạn! ...

-Tôi? … Làm sao … Do tôi?

- Bạn còn nhớ chiếc vòng cổ kim cương mà bạn cho tôi mượn để đeo trong bữa tiệc của Bộ Giáo Dục không?

- Vâng nhớ chứ, nhưng sao …

- Vì tôi làm mất nó … tôi đã làm mất nó.

- Sao? … Bạn đã trả tôi rồi mà.

-Tôi đã trả cho bạn một chiếc giống hệt như vậy. Và chúng tôi đã phải mất mười năm để kiếm tiền trả tiền nợ vì phải mua chiếc vòng thay thế. Thật không dễ dàng cho chúng tôi, chúng tôi không có tiền nên phải đi vay với tiền lời rất nặng. Nhưng cuối cùng nó cũng kết thúc, và tôi rất vui vì đã trả xong nợ.

Bà Forestier sững sờ.

- Bạn nói là bạn đã mua một chiếc vòng cổ kim cương để thay thế?

- Phải, lúc đó bồ không để ý sao? Chúng rất giống nhau.

Và nàng mỉm cười với niềm tự hào.

Bà Forestier xúc động nắm lấy cả hai tay người bạn.

- Ôi, Mathilde tội nghiệp của tôi! Chiếc vòng cổ đó là hàng giả mà! Nó trị giá nhiều nhất chỉ có năm trăm francs thôi!...




VVM.20.4.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
. newvietart@gmail.com - vietvanmoinewvietart007@gmail.com .