R ất nhiều lần trong những cuộc rượu quán cóc vỉa hè, bên bờ đê hay giữa dòng kênh cạn quê xưa, cũng có lúc ở tận chân trời góc biển, khi có dịp gặp người cùng xứ sở chúng tôi vẫn hay nhắc đến ông- Lão Say xứ Vàm, người hàng binh của số phận. Có người khá nặng lời chê ông sống không ý chí, không bản lĩnh, thiếu trách nhiệm với gia đình và xã hội… Riêng tôi vẫn thầm kín trong lòng một niềm cảm thông sâu sắc về sự sụp đổ, thất bại, tuyệt vọng, sa lầy... và còn nhiều thứ vô phương cứu vãn khác trong cuộc đời một người đàn ông lẫy lừng đã từng là niềm tự hào của quê hương và dòng họ.
Rượu như một dòng trường giang trầm lắng đã chảy qua cuộc đời Lão Say suốt mấy mươi năm sau biến cố đó, đúng hơn là sau những ngày tháng lao tù. Ngày nào ông cũng tìm đến với rượu và uống như chưa bao giờ được uống, như chỉ còn một lần để uống. Rượu không chỉ là dòng sông vô tận mà còn là biển rộng, suối sâu, là mưa nguồn, thác lũ, là mạch đời bất tuyệt chảy vào tận nơi sâu thẳm trong ông, trở thành một cám dỗ u mê, một ràng buộc sinh tử nhưng vô cùng đơn giản bởi sự cần thiết của nó đối với ông. Chỉ là uống cho say đến vong thân để quên đi tất cả.
Ông uống triền miên, một mình, luôn luôn một mình với rượu. Cũng có thể có một vài người vô hình ngồi với ông vì thỉnh thoảng môi ông cũng mấp máy vài lời gì đó hoặc phác vài cử chỉ về phía trước mặt như đang có người đối diện. Ông lang thang nghiêng ngả suốt con đường trải đá xanh từ nhà ra chợ rồi từ chợ trở về, lom khom dọc đường hay cúi mình giữa chợ lượm mót vài thứ thiên hạ vứt đi, có khi là mấy mẫu da heo ôi thiu, xỉn đen, con cá nhỏ ươn sình, rau củ dập úng… tất cả như một lời xin lỗi với bà vợ già và lũ con đói meo đói mốc ở nhà. Những thứ đó làm dịu đi cơn giận của cả nhà vì họ đã lại xúm nhau nhặt rửa những thứ ông mới đem về, có khi còn hào phóng bỏ bớt những chỗ quá dơ, quá rữa nát! Rồi cũng xong một bữa cho cả nhà và ông cũng được yên thân với cơn say bất tận của mình.
Ông rất ít khi ăn cơm, có lẽ cảm giác đói trong ông không còn nữa khi đã từng trải qua những cơn đói kinh hoàng. Những cơn đói mà người ta đã khai thác như một thứ hung khí để giết người- nói cho dễ hiểu là bỏ đói cho đến chết. Những chai rượu vừa mua vừa xin, có khi chỉ là chai không nhưng ông vẫn ngửa cổ uống ngon lành. Hai bên đường đã quen với bóng dáng người đàn ông cao lêu khêu, gầy còm, loạng choạng đi về giữa trời trưa nắng như thiêu đốt của miền biển mặn hay giữa cơn mưa chiều bạt mạng có thể quật đổ cả đình thờ cá Ông. Hình như ở biển cái gì cũng rộng lớn, bao la, mãnh liệt đôi khi đến tàn bạo… chỉ có con người là nhỏ bé, cô đơn trong cái cõi miền không biên giới đó. Càng cô đơn nhỏ bé hơn, là ông, một ông già say rượu lang thang cùng trời cuối đất, miệng lảm nhảm điều gì đó chỉ có ông mới hiểu. Lạ một điều, nhìn ông rách nát tả tơi, ngẩn ngơ như người mất trí, nhưng ngay cả trẻ con cũng không hề trêu ghẹo ông. Thậm chí có nhiều người còn kêu ông lại dúi cho một thứ gì đó, nụ cười ngu ngơ bấy giờ mới nở nhăn nhúm trên mặt ông thay cho lời cám ơn. Một gương mặt gầy ốm choắt cheo vì nắng gió, gương mặt của người đã quên mất nhân thân, đã chết thành tro trong quá khứ.
Thật ra cũng có đôi lúc ông không quá say, như một người đàn ông chân chính, ông lặn lội vào tận bìa rừng nhặt củi, bắt vài con nha, con rạm hoặc cá thòi lòi, rồi vớt rong biển, hái mấy trái bần đem về cho vợ con… hoặc ai thuê gì làm nấy. Có lần khi đi làm thuê, ông té xỉu trên ruộng muối có lẽ do cái dạ dày rỗng không, do tuổi tác và trời thì nắng chang chang như đổ lửa. Những ngày dầu dãi với cái nắng cháy da ngoài ruộng muối như một diêm dân càng làm tai ông điếc đặc, giọng nói ngọng nghịu, đôi mắt mù mờ. Nhưng rượu đã bù đắp tất cả cho ông. Rượu làm ông quên đi thân phận, quên đi những gì định mệnh đã tước đoạt của ông, đưa ông ra khỏi tủi nhục của nghèo hèn, thoát khỏi sự bất lực của bản thân…
Và cứ như thế mãi, đến nỗi không ai còn nhớ đến ông, không ai còn nghĩ về ông mặc dù ông vẫn lang thang bên cạnh họ mỗi ngày như một kẻ vô hình. Buổi sáng thức dậy nhiều khi không thấy ông, những bữa cơm trắng không có ông, đêm về khép cửa cũng không cần xem ông về chưa, đã như vậy suốt mấy chục năm rồi… Mới đầu còn lo lắng, hốt hoảng, đổ xô đi tìm, nhưng sau rồi cũng quen dần. Ông cứ mãi xiêu dạt, ngả nghiêng, thoắt còn thoắt mất như thế. Bà vợ già đã quá khổ đau mệt mỏi vì ông, không biết phải làm gì hơn nữa. Cái xác ve của bà nói không chừng có khi còn hóa thành cát bụi sớm hơn ông, nói kiểu của bà, dù sao ông cũng còn có rượu giữ lại cái chân mạng lưu linh!
Đứa con trai duy nhất của ông sa vào độc đạo, có một ngày đã lãnh gần chục nhát dao vào thân thể, thương tích đầy người giờ đã thành một phế nhân. Những đứa con gái của ông lớn lên giang hồ biền biệt, ai mà dám làm con rể cái lão say nghèo rớt mồng tơi ấy! Cái lão đã không có bản lĩnh cứu vớt được gì cho chính cuộc đời mình nói gì đến ảo vọng trên trời về những thứ ngàn thu đã mất!
Mặc cho những gì xảy ra, không mặc cũng không được, ông vẫn say tối trời tối đất, ngọng, điếc và đui với rượu. Đó là những di chứng của cuộc lưu đày mười hai năm đằng đẵng với lao động khổ sai, với những viên đá ném vào mặt và những trận đòn thù tàn bạo, những cơn đói khát vật vờ, những lát khoai mì còn cả vỏ với đủ màu mốc trắng, xanh, đen... và vô số những thứ kinh khủng khác đã trở thành thức ăn trong miệng ông. Điều gì đã giúp ông sống sót trở về, có lẽ cũng chính điều đó giúp ông tồn tại đến hôm nay.
Ông té ngã lần cuối cùng trên con đường lởm chởm đá xanh, loại đá 5.7 trải suốt con đường khoảng 12 cây số từ tỉnh lỵ về đến chợ Vàm, một công trình giao thông dang dở trong những năm cuối của cuộc chiến tranh còn để lại. Con đường đợi chờ muôn thuở đó bất đắc dĩ trở thành một thứ chông gai, hầm hố, làm cho những bước "chân đăm đá chân chiêu" của người say càng bay bổng với cảm nhận hụt hẫng mơ hồ trong hơi men. Có lẽ ông cũng đã loạng choạng hơn, đã gắng gượng, rồi buông cả thân mình xuống đó và chắc cũng đã cảm thấu được sự vụn vỡ nát tan đâu đó ở châu thân.
Người ta đưa giúp ông về nhà khi thấy ông nằm sóng xoài trên đường đi lúc trời chạng vạng, đầu gối lên những viên đá đầy góc cạnh. Vài ánh đèn dầu mới thắp chập chờn hắt hiu trong xóm nhỏ, ông vẫn về ngang qua đó nhưng không còn nữa chiếc bóng liêu xiêu, chập chùng như đang bước đi trên sóng biển với tiếng thì thào trên miệng như những lời ký thác vào vô biên. Ai nấy vẫn tưởng ông say như mọi khi, họ khiêng ông vào nhà đến bên chỗ ngủ của ông, một đống chăn chiếu cũ mèm, hôi hám dưới nền đất và thả ông xuống đó. Thấy ông mềm nhũn khác thường, một người nói, không biết ông già có bị thương ở đâu không. Vẫn còn thở, không thấy vết trầy xước hay vết máu nào. Họ ra về, không phát hiện vết thương nhỏ và sâu sau gáy ông. Máu đã hóa thành rượu nên đã bốc hơi hoặc máu đã đông thành đất như trong chiếc vỏ của con ốc biển chết khô ven ruộng muối.
Ông mang theo vết thương chí tử đó như một kỷ niệm cuối cùng và càng lúc càng chìm sâu, sâu mãi dưới cơn say đã trộn lẫn với nỗi đau của thân xác, nỗi đau chỉ một mình ông biết (cũng như chỉ một mình ông biết nỗi đau trong tâm hồn của một-người-vẫn-còn-là-con-người giữa cuộc sống phù hư điên đảo này).
Giấc ngủ của lão già nát rượu ai hơi đâu mà để ý, có khi người ta còn mong ông cứ ngủ im như thế cho đỡ khổ thân và đỡ khổ người khác. Không một ai bên ông trong đêm đen dày đặc, ngay cả những tiếng nấc nghẹn trong cơn hấp hối và hơi thở hắt cuối cùng cũng chìm lẫn trong tiếng vách lá xào xạc. Cơn say đó đã khỏa lấp sự đau đớn của vết thương, đưa ông qua thế giới bên kia một cách bình yên, tĩnh lặng với niềm cô đơn trọn vẹn. Ông đã nghĩ gì, đã cảm nhận gì, cõi lòng thanh thản hay nuối tiếc, có muốn trối trăng điều gì, với ai… trong giây phút đứt lìa đó?! Chắc cũng không ai muốn biết làm gì!
Đến sáng trắng, rồi sắp trưa, không thấy ông dậy để cắp cái chai vào nách đi ra cửa như mọi ngày, bà vợ đến ngồi xuống bên cạnh chỗ ông nằm, kéo cái mền rách và lặng người...
Cái chết phơi bày như một điều đã từng mặc định. Gương mặt ông dãn ra, đôi mắt khép hờ, có nét gì đó giống như nụ cười lần đầu tiên nhìn thấy trên môi ông. Một sự giải thoát, một bước ngao du, một cuộc tương phùng hay lại là một kiếm tìm chờ đợi trong vô vọng?! Mà cho dù có là gì đi nữa, người đàn ông lạc loài vất vưởng trong chốn nhân sinh đó đã một đi không trở lại. Người ta cố tưởng rằng ông đang phiêu diêu trong một cơn say mới dù biết rõ đó là cơn say cuối cùng và vô tận của ông, để lòng người ở lại bớt ai oán, xót thương.
Tôi kịp trở về trong ngày cuối cùng thân xác ông còn nấn ná ở lại trần gian này. Ông nằm trong một cái quan tài bằng xi-măng xám đen như chính cuộc đời ông trong những năm tháng tưởng chừng vô tri, quên cả đớn đau và niềm tiếc nhớ về một quá khứ mà tự nó đã phai mờ sau mấy mươi năm đổ vỡ. Tiếng kinh hộ niệm của một nhóm người làm phúc đều đều vang lên như đang kể một câu chuyện không có đầu đuôi. Vợ con ông với những gương mặt thẫn thờ héo hắt dưới vành khăn trắng, không một ai khóc cả. Có lẽ ở họ nước mắt từ lâu đã không còn, không cần thiết, vì những gì họ trải qua trong cuộc sống này nước mắt chỉ làm cho họ yếu hèn và nhục nhã thêm thôi. Tình yêu thương đối với một người mà họ đã từng có, và nay đã mất, có lẽ chỉ còn trong thinh lặng, một trạng thái hoặc vô-cùng-tận hoặc không-có-gì-cả.
Tôi sắp mấy quả cam chín vàng lên bàn thờ, thắp một nén nhang với những vòng tròn luân hồi khói bay phơ phất. Nhưng tất cả những cái đó còn có nghĩa lý gì, chúng vô nghĩa ngay cả khi ông còn sống. Cái chết không phải đã là máu thịt của ông tự thuở nào rồi sao?! Một kiếp người sinh ra chỉ để đi dần đến cái chết, trên con đường chênh vênh hư huyễn đó có lúc nào cuộc sống nói lời mật ngọt với ông đâu. Chỉ có cái chết thường trực trong cơn say miên viễn kia mới là điều ngọt ngào êm ái nhất. Lặng im, bềnh bồng, bay lên cao, trôi lãng đãng theo mây gió tới cõi tự do vô cùng tận của riêng ông.
Nhìn di ảnh, tôi nhớ lại những âm thanh khật khừ trong cổ ông mỗi lần tôi về, dáng vẻ lýnh quýnh tội nghiệp đón lấy hành lý trên tay tôi, luôn nực nồng mùi rượu và mỗi năm mỗi già nua, ốm yếu. Tôi nhớ đến những bịch muối thô lấy trên thửa ruộng mặn mà hương biển mà ông đã làm quà cho tôi. Tôi cũng nhớ đến gói rong biển nâu đen ông đã vớt cho tôi mà tôi vẫn còn cất giữ ở một góc trong gian bếp nhỏ, những nhánh rong đã khô đến mức không còn có thể khô hơn được nữa. Nhiều lần trong lúc dọn dẹp gian bếp, nhìn đám rong biển đó không hiểu sao tôi cứ nghĩ tới những mạch máu ngưng đọng vĩnh viễn của một xác ướp, hay trong một thân thể mang bệnh trầm kha.
Lời chia buồn thành tâm của tôi trước người thân của ông như tan loãng vào không khí. Hình như họ không hề nghe thấy gì nên chỉ im lặng nhìn tôi như một kẻ xa lạ. Nét đau khổ ngưng đọng không biết từ bao giờ trên từng gương mặt như nặn ra từ đất. Và tôi biết rằng tôi đã nói những lời không cần thiết với những pho tượng đã rạn nứt từ trong sâu thẳm. Người đàn bà già nua nhìn khung cảnh ảm đạm chung quanh, ánh mắt vô hồn lướt qua cỗ áo quan, có vẻ như bà không hiểu điều gì đang xảy ra. Rồi bà quay đi, trên tay nắm chặt một bó nhang cháy dở không biết để làm gì, lủi thủi bước ra sau nhà đến chỗ thường ngày ông vẫn ngồi xếp bằng một mình với chai rượu. Ở đó vẫn còn lại những "di vật" của ông, một cái chai không, vài ba cái ly mẻ miệng lăn lóc, một hố không gian trống rỗng lặng im khuất lấp trong đất trời, những thứ đau thốn tim người với những ai đã từng biết ông trong quá khứ và cả hiện tại.
Người đến viếng lưa thưa, những người hàng xóm cũng nghèo nát như gia đình ông, chỉ khác là họ không có và cũng không hiểu nỗi buồn của ông- Lão Say, người tưởng như chưa từng ngẩng lên nhìn ai trong thế giới này, chưa bao giờ nói một lời nào trong suốt chuyến hành trình đi về nơi vô định.
Tôi lắng nghe quanh mình một nỗi trống vắng xa xăm. Ước gì lần trở về này cũng giống như những lần trước đây, ông sẽ lại lặng lẽ đi phía sau đưa tôi ra bến xe lúc trời vừa mờ sáng. Nhưng ông đã nằm kia và tôi mới là người sẽ đưa tiễn ông. Tôi có hàng trăm lý do để không phải ở lại trong đêm sẽ rất dài và u tịch này. Nhưng nửa thế kỷ suy tàn đã níu giữ tôi. Cõi vô ngôn bí ẩn bên trong một người vừa nằm xuống đã phủ vây tôi. Và khoảnh khắc tàn phai của những lúc cuối cùng- sự tắt nghỉ của hơi thở, sự phân hủy của xác thân, hay chặng đường ngắn ngủi còn lại ở cõi nhân gian cho đến lúc vùi sâu vào lòng đất... đã ám ảnh tôi đến nỗi không thể làm gì khác hơn là ở lại bên ông.
Một người đàn ông tóc bạc trắng lặng lẽ tới xá mấy cái trước quan tài rồi ra ngồi bệt xuống thềm nhà, hai tay nâng chiếc kèn harmonica cũ kỹ đưa lên môi. Những âm thanh hùng tráng của một khúc quân hành vang lên trong lẻ loi, đơn độc nhưng đầy kiêu hãnh, xoáy sâu vào tim tôi một cơn đau mà chỉ những ai đã từng đi qua ngày tháng đó mới hiểu thấu.
Chỉ còn một ngọn nến leo lét cháy trên nắp áo quan. Dòng lệ nến đỏ thẫm chảy không ngừng, từng giọt âm thầm rơi xuống nền đất như những vết thương bỏng rát. Chúng đông cứng lại và còn mãi đó như những vết sẹo khổ đau của một đời người không trọn vẹn. Có lẽ đó là dòng nước mắt duy nhất khóc cho sự thiếu vắng ông trên cõi đời này.
Ánh lửa cô đơn, yếu ớt cố lay động trong đêm buồn thăm thẳm như muốn thốt lên một lời gì đó trước khi lịm tắt. Trong tận đáy lòng, tôi cầu xin ở phương trời nào đó ông sẽ thoát khỏi cơn say dằng dặc của đời mình và tìm lại được những gì đã mất.