Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

TỪ CHUYỆN CON GÀ MÁI ẤP TRỨNG
ĐẾN CHUYỆN CON NGƯỜI



S áng nào cũng vậy, Mai thức dậy, vội rửa mặt, rồi thay nước, thắp nén hương trên bàn thờ Phật. Mai ngồi yên lặng, chú tâm niệm Phật một lát, mới mở cửa trước bước ra sân - vươn vai hít thở bầu không khí trong lành buổi sáng sớm. Nàng nghe luồng gió mát im vắng, nhẹ nhàng đưa đến như lan tỏa khắp cơ thể - đón ngày mới đang về.

Ánh nắng vàng tươi, ấm áp chiếu rọi khắp sân vườn, cho nàng cảm giác an bình, và dường như cả khu vườn hôm nay, bừng sáng hơn, xanh mát hơn, trong mắt nàng, sau đêm mưa đầu xuân vừa qua.

Đàn gà đang kiếm ăn ở ngoài vườn, thấy Mai, vội kéo nhau chạy vào sân ríu rít bên chân nàng, đòi ăn. Mai mỉm cười, nhìn lướt từng con trong đàn, giọng thân thiện: “chờ chút, chờ chút, chị cho ăn liền, đừng vội nha!”; nói rồi, nàng lấy thau hốt thóc mang ra sân, vãi cho gà.

Năm ngoái Mai mua hai con gà mái của một người quen làm giống, mới hơn một năm mà đàn gà của nhà nàng lớn nhỏ gần bốn chục con; chưa nói đến bị lạc mất hoặc chết. Mỗi lần đi đâu về, vừa bước vào ngõ là đàn gà lục tục kéo theo sau, làm nàng cảm thấy vui và thích thú, như có người thân đang chờ.

Mai ngồi xuống chăm chú nhìn gà ăn - một con gà mái mẹ ngậm hạt thóc thả xuống “tục tục”, bầy gà con ríu rít chạy lại , bu quanh, giành nhau mổ hạt thóc mẹ nó vừa thả xuống. Những chú gà con tơ vàng óng mượt, chạy “lẩm đẩm” như trẻ con, dễ thương làm sao. Mai nhìn bầy gà con chạy tíu tít bên mẹ, nhớ nghĩ; mới tháng trước, gà mẹ cả ngày nằm ấp trong ổ trứng, chịu đói, chịu khát, lâu lâu mới nhảy khỏi ổ chạy ra ngoài vươn cánh, giũ lông; vậy mà giờ đây, đã nở ra một bầy gà con, trông xinh xắn, tròn trịa.

Mai nhớ có lần ngồi xem gà mẹ ấp, nàng thấy nó lùa hết ổ trứng vào lòng ủ nóng; chốc chốc đưa mỏ trộn đều trứng, và cái trứng nào lòi ra ngoài, nó đưa mỏ lùa vào bên trong đôi cánh xòe rộng của nó. Mai đưa tay vào ổ trứng rờ xem thử sắp nở chưa, bị gà mẹ mổ vào tay đau điếng, muốn chảy máu. Nàng cười “Thôi được rồi, chị hổng làm gì mầy đâu”, rồi quay vào nhà; chỉ mấy hôm sau, nàng thấy vài chú gà con bên ổ trứng, gà đã nở tự lúc nào.

Mai ẵm gà mẹ “xuống ổ”, nhốt vào một cái giỏ thưa, rồi hốt hết gà con vừa nở bỏ xuống cho mẹ nó; xong, bỏ mấy nắm “cám công nghiệp”, chén nước, cho nó. Còn lại trong ổ hai cái trứng không nở, nàng đem vào nhà “ủ điện”, nhưng vẫn không nở được. Trứng đã bị hư rồi hay sao?.

Mai chăm sóc mẹ con bầy gà hằng ngày, nàng nhận thấy có con khỏe mạnh, sởn sơ, có con gầy yếu, không được lanh lẹ chạy nhảy như những con khác. Nàng nghĩ, gà mẹ không phân biệt một cái trứng nào (nhiều khi, Mai bỏ trứng của con gà khác vào cho nó ấp, nó vẫn ủ ấm, coi như của nó đẻ), luôn trộn đều tất cả; vậy sao có trứng nở tốt, có trứng bị hư?

Nhìn mẹ gà dắt đàn con đi ăn, Mai liên tưởng đến con người - vai trò làm mẹ. Mẹ luôn chăm chỉ kiếm từng miếng ăn cho đàn con. Người mẹ nào cũng muốn con mình khỏe mạnh, chóng lớn, thông minh, phát triển tốt, có một tương lai tốt đẹp, rạng rỡ. Có món gì ăn luôn nhường cho con, còn mình ăn gì cũng được, chút mắm, chén canh cũng lây lất qua ngày.

Mai chợt nhớ đến gia đình ông bà Trung cùng xóm với Mai, có hai người con gái và hai người con trai; nhưng mỗi người một tính khí khác nhau. Người chị Cả tính tình hiền hậu, nhu mì, biết kính trên nhường dưới, quý trọng cha mẹ, yêu thương các em; người chị gái kề, thì ngược lại, chỉ muốn ăn chơi, cờ bạc, hỗn láo với cha mẹ, với bà con chòm xóm. Hai người con trai - một người bị bệnh “Khờ bẩm sinh” (Down), trông ngơ ngơ, ngáo ngáo, ba mươi tuổi mà như trẻ con; người còn lại, dù cha mẹ cố công cho ăn học, nhưng vẫn không học qua lớp Chín được, đành phải đi học nghề, kiếm sống. Ông bà Trung buồn lắm, nhất là bà Trung, luôn nói với mọi người rằng: “Cái số bà phải vậy, bà yêu thương các con như nhau, chứ bà có phân biệt đứa con nào - ăn cùng mâm, sống cùng nhà, ngủ cùng giường; chịu sự dạy dỗ, chăm sóc, yêu thương chung của cha mẹ; sao con gái lớn lại ngoan hiền, hiếu thảo? con gái kề lại ngỗ nghịch thế kia? Còn hai thằng con trai, đứa thì bệnh, đứa thì học miết cũng không xong lớp 10?”.

Nghe bà Trung tâm sự, Mai chỉ an ủi bà chứ biết giải thích thế nào cho bà an lòng. Cha mẹ nào mà chẳng thương con, luôn ước mơ, hy vọng con mình giỏi giang, vươn cánh vào đời với những gì tốt đẹp nhất?

Mai nghĩ lan man, lại liên tưởng đến một trường hợp khác, đó là lớp học của mình chứ chẳng đâu xa. Nàng nhớ, lớp mình ngày trước, sĩ số trên bốn mươi học sinh, sau này ra trường có một số bạn là giáo viên, có người là kỹ sư, kiến trúc sư, có người làm chánh án, người là thầy tu; nhưng cũng có người cơ cực, nghèo khổ, có người tù tội. Cùng những người thầy dạy dỗ từng môn học, thầy cô nào cũng mong trò giỏi, nên người, trưởng thành tốt đẹp, có ích cho gia đình và xã hội; chứ thầy cô nào có muốn học trò mình chơi bời lêu lỏng, cờ bạc, rượu chè, tù tội?

Và nữa, trong một lần về thăm chùa, lễ Phật, nghe giảng pháp. Nàng được nghe thầy thuyết giảng về ý nghĩa ngày đại lễ Vu Lan - trong bài giảng, Thầy có chia sẻ: “…Trong một ngôi chùa, có chín, mười đệ tử cùng theo học một sư phụ; có người trở thành một chân tu, có người trở lại đời? Vị bổn sư nào nhận đệ tử, cũng với ý nguyện dẫn dắt, rèn luyện và chuyển hóa để người học Phật tu hành, tri kiến giải thoát, trở nên một chân tu, mang lợi lạc cho bản thân, cho người, cho đời; chứ nào muốn các đệ tử của mình xuất tu, trở lại đời, hay bị tha hóa bởi đời sống cám dỗ chung quanh, vốn nhiều chông gai, phiền não? - Do “nghiệp lực” của mỗi người từ nhiều kiếp không đều - đó là “quả” của những “nhân” đã gieo từ trước; người chưa đủ duyên thì xuất tu, không phải đi tu là dễ! Người tu vừa tự độ (lo cho mình), độ tha(lo cho người)”.

Liên tưởng đến nhiều trường hợp khác nhau, Mai như chợt lóe sáng dần những điều chưa hiểu rõ. Nàng nghĩ, trứng không nở con, hay nở con to, con nhỏ, khỏe, yếu không đều nhau; chính là do sự hấp thụ năng lượng của mỗi trứng từ mẹ không đều, và đôi khi trong trứng đã có mầm hư thối. Có lẽ từ khi được hình thành trong buồng trứng mẹ, những cái trứng ấy không tiếp thu được nhiều dưỡng chất (hay duyên - “căn cơ” của nghiệp) chăng?

Trong gia đình và trong trường học cũng vậy. Nếu người con, người học trò nào, tự bản thân không tự mình nỗ lực, vượt khó vươn lên, học hỏi, rèn luyện, hay dễ bị ảnh hưởng xấu của tệ nạn xã hội chung quanh; thì sẽ không trưởng thành tốt được. Nói xa hơn, cũng do “nghiệp” từ bao kiếp, mới có cái “quả” ngày hôm nay. Đức Phật đã khuyên dạy ”Nhà lợp không khéo, ắt bị mưa dột; cũng vậy, người tâm không khéo tu rèn, ắt bị tham dục lọt vào”. (PC 13 - Phẩm Song Yếu)

Trong một ngôi chùa, nếu người học Phật không có chí nguyện lớn, không kiên định, hay vì lý do xuất gia không chính đáng; sẽ dễ bị thối chuyển vì gian khổ, vì ảnh hưởng của môi trường xã hội, vì lòng tham đắm còn vương. Phẩm Tâm - câu số 38, Đức Phật chỉ rõ: “Người Tâm không an định, không hiểu biết Chánh pháp, lòng tin không kiên cố, thì trí tuệ khó thành”.

Nghĩ như vậy, Mai tin rằng, ngoài căn cơ (định nghiệp) đã có, mỗi người phải tự mình nỗ lực rèn luyện, làm chủ mình; nơi nương tựa duy nhất vững chãi, là chính mình, thì mới hy vọng được toàn vẹn và hoàn hảo, sống một đời sống có ích cho mình và cho người - xã hội ngày một An bình và Hạnh phúc.

Mai mỉm cười, nhìn đàn gà mổ thóc trước sân, khe khẽ hát: “Mỗi ngày tôi chọn một niềm vui. Chọn những bông hoa và những nụ cười. Tôi nhặt gió trời mời em giữ lấy, để mắt em cười tựa lá bay…”. (*). Nàng nghe niềm hạnh phúc dâng tràn trong lòng và chọn cho mình “một niềm vui” (…), như lời cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn đã nói, đón ngày mới đang về trong tình thương yêu dạt dào cuộn chảy.

Nha Trang, Trung tuần tháng 2/2020
(*) - Bài hát Mỗi Ngày Tôi Chọn Một Niềm Vui của cố nhạc sĩ TCS





VVM.06.4.2023