C ó một dòng sông bốn mùa nước chảy, chim ca, nơi tháng năm cùng tôi lớn với bao kỷ niệm. Những đoá hoa trắng ngần lổ đổ bên sông để tuổi đôi mươi Khương biết galăng một chút, hái hoa cỏ dại tặng cho cô bạn nhỏ của mình. Tôi cười bẽn lẽn, ngại ngần vẫn nhận giùm Khương. Lũ nhóc con trông thấy hí hững cười, chao ôi chúng làm tôi mắc cỡ chi lạ.
Đám trẻ lùa trâu lên đồi, cái nắng kéo bóng dài ra thườn thượt. Khương xắn quần quá gối cùng tôi xuống ruộng. Thời gian cứ lặng im, Khương nhìn tôi, bất chợt hai đứa đều quay mặt đi hướng khác, mỉm cười. Bỗng nhiên Khương nhắm mắt, bặm môi hít thật sâu vào để lấy chí khí:
- Quỳ này?
- Chi rứa Khương?
- Nói vài câu cho vui đi!
- Quỳ biết chuyện chi mà nói bây chừ.
- Hay Khương đọc thơ cho Quỳ nghe?
- Ừ, đọc đi.
Khương làm như mình là ca sĩ vườn sắp lên sân khấu biểu diễn, hắt hơi lấy giọng:
“Chúng ta rồi cũng phải xa nhau Nhưng xa sau vẫn hơn xa trước Những ngày tháng bên em hạnh phúc Không dễ gì anh dứt được ra…”
Tôi bĩu môi:
- “Vội gì anh ly biệt đôi ta?”
Khương lừ mắt, nhìn tôi ngạc nhiên thấy rõ.
- Nói lại một lần nữa được không?
- Sợ ai mà không dám… Vội gì Khương nói khúc chia đôi.
- Quỳ nói rồi đó nghe.
Ôi trời, câu ấy của Khương khiến tôi bừng tĩnh, hình như tôi vừa nói điều gì đó hơi kỳ. Con chuồn nhỏ nép mình sau ngọn lúa bật cười. Cánh đồng xanh reo, lúa đương thì con gái, mắc cỡ dưới ánh bình minh ngát vàng.
* *
Hôm nay Khương làm cho nhà tôi, ngày mai tôi rảnh sẽ sang bên ấy giúp lại công việc của nhà Khương. Cái kiểu làm vần công ấy chỉ tiện cho lũ nhỏ chọc ghẹo. Mặc kệ, tôi nghĩ bụng, con nít mà. Chỉ tội cho Khương, hay chơi thân với đám trẻ, tụi nó chọc cho ê cả mặt. Rồi y như cậu bé mới lớn, chạy sang nhà tôi, tỉ tê tâm sự. Tôi thấy vậy, nói thẳng thừng:
- Khương ngại thì thôi, từ bữa nay đừng qua lại với Quỳ nữa.
Nghe tôi nói Khương liền cãi lại:
- Ai nói chi đâu mà Quỳ nghĩ vậy.
- Biết mô, thấy ý ngại đó.
- Ừ, ngại thì cũng có nhưng thích thế, được không?
- Kệ Khương, Quỳ không biết.
* *
Chiều. Tôi ra sông giặt áo, Khương cũng đi cùng, hoàng hôn ngỡ ngàng buông xuống. Vân Khương cần mẫn giúp tôi. Cái tiếng nước có hồn nơi dòng chảy bâng quơ trong trẻo vì ai đó bên tôi, bỗng khiến trong tôi cuộc sống đẹp vô ngần, thoảng ước mơ về hạnh phúc mai sau. Ngỡ bọn trẻ chắc là không hay biết, nào ngờ chúng từ đâu chạy đến reo lên: A, chuyện chi kỳ rứa? Hết đứa này trêu lại đến phiên đứa khác. Tôi giật mình thả một chiếc áo trôi sông, Khương lóp ngóp bơi ra giữa dòng vớt lại.
* *
Chuyện ấy rồi cũng qua, chỉ một năm sau mà các em nhỏ đã thay đổi hẳn. Chúng bắt đầu biết điều hơn cho chị và anh. Những đứa trẻ chăn trâu còn biết hái hoa dại trên đồi để anh tặng chị.
Những ngày tết đã đi qua, bánh mứt trong nhà cạn sạch, cả mùi áo mới cũng mụi dần. Đầu trên xóm dưới không còn lấp loáng sắc màu rực rỡ của áo quần và những phong bì lì xì đỏ chót trên tay bọn trẻ, chỉ còn khí vị, hương xuân của đất trời, cây cỏ. Cũng như mùa xuân trong tôi và Khương đã có từ lâu nay càng thêm xanh màu. Mùa xuân, lướt thướt những bông mưa bụi, nhẹ nhàng bay ngang mắt, đọng trên tóc và ướt đôi vai. Tôi cùng Khương đi dọc mé sông, những bông hoa lốm đốm đang cố vạch lá xanh để chen lên đầu ngọn. Trông thấy chúng tôi, những bông hoa hớn hở mỉm cười, vậy mà Khương đành lòng đưa tay hái một chùm tặng cho tôi. Thế là Khương đã đem mùa xuân của thiên nhiên đặt vào tâm hồn tôi. Lòng dạ thế nào, tình cảm ra sao chỉ có chính mình mới biết. Tôi ái ngại khi anh nhìn tôi, tôi quay mặt ra sông, nghe tiếng sóng ru êm, nghe bên đời rung reo tiếng hát. Khương đưa tay phủi những hạt sương mưa trên tóc tôi. Gió vi vút thổi, gió lắt lay, lùm cây xào xạc, trời xanh phơi phới, mây bay. Có một vài cặp mắt trẻ con tinh nghịch lén nhìn. Tôi bẽn lẽn giấu nụ cười ái ngại.
* *
Một mùa xuân nữa đi qua, có nhà giàu ấy nhờ người mai mối hỏi tôi cho con trai họ. Ba mẹ biết tính sao chừ? Làm dâu nhà giàu cũng đỡ vất vả cho con. Tôi nũng nịu: Con không ưng, con thương ai sẽ lấy người ấy, sướng khổ chi con cũng chịu…
* * *
Khương hay tin, đứng trước ngõ nhà tôi đợi, người ta vừa về là chạy vào ngay, hỏi không kịp thở:
- Ba mẹ đã nhận lời họ chưa?
Tôi giả bộ gật đầu.
- Vậy Quỳ tính răng?
- Còn chi nữa mà tính.
- Quỳ ơi, Khương năn nỉ!
Khương thật kỳ cục, người ta lấy chồng thì việc gì đến Khương?
Tiếng mẹ tôi từ phía sau vọng lên:
- Hai đứa thương nhau vậy, thôi để ba mẹ tính chuyện cưới hỏi cho rồi.
Khương nghe mẹ nói mừng quýnh lên, rối rít cảm ơn mẹ rồi chạy vội về nhà. Mẹ tôi tặc lưỡi:
- Coi bộ thằng ni thương con lắm.
...
Tôi trở thành vợ Khương. Đêm tân hôn tôi muốn chết ngạt bởi căn phòng chồng tôi chất đầy hoa dại, trắng muốt và toả ngát hương. Từ nay không còn xa lạ nữa, đất chung, vườn ruộng cũng chung, công việc hai gia đình là một, đám nhỏ hết dịp cặp đôi. Vợ chồng tôi nhắc chuyện ngày qua mà cười mãi. Bên sông hoa dại trắng đầy, mỗi buổi làm về ngang qua đó, Khương chẳng bao giờ quên hái hoa tặng cho tôi.
Cuộc sống sẽ đẹp ngời nếu từng ngày ta đi qua không nhiều sóng gió. Đó là món quà quý giá mà trời đất đã ban tặng cho con người. Muốn bình lặng giữa biển đời ta phải biết sống bằng tình yêu thương chân thật. Đó là món quà quý giá mà người với người đã dâng tặng cho nhau.