T ừ trong quê mấy đứa em cô cậu nhắn ra “Thanh minh nhớ về nghe!”. Ừ, thì cũng như mọi năm thôi, bận bịu công việc quan trọng lắm tôi mới không về. Nhưng vẫn áy náy trong lòng. Như lỡ hẹn với một ai đó hay như khi đón hụt một chuyến đò về chợ đứng tần ngần hụt hẫng bên bờ sông một mình mà tiếc nuối “giá như mình đi sớm hơn một chút, giá như mình đừng ham ôm mấy nãi chuối sáp đem về…”. May mà mấy năm gần đây đã vứt bỏ hết công việc, đời sống chậm rãi thanh thản của kẻ vui thú điền viên khiến năm nào tôi cũng về quê đúng hẹn vào những ngày “thanh minh trong tiết tháng ba” này.
Còn nhớ mỗi lần năm hết Tết đến chúng tôi cũng quay quần vào ngày mùng một Tết bên mộ ông bà cha mẹ. Mảnh đất hương hỏa phía bên nhà ngoại tôi được giao cho ông cậu ruột nên cậu mợ mất rồi, mấy đứa em ở dài theo đó vẫn xúm xít lo giẫy cỏ, quét mộ, trồng cây kiểng chung quanh. Bởi thế khu nghĩa trang gia đình gồm hơn chục nấm mộ lúc nào cũng gọn gàng sạch sẽ. Theo tục người Việt, Tết nào bọn con cháu chúng tôi cũng cho các bậc trưởng thượng quá cố ăn Tết với mâm cúng tươm tất, quần áo, giày dép mới ghi tên từng người để đốt trước mỗi phần mộ. Nhưng mấy đứa em trong quê lại nói “Ông cố mình cũng từ bên Tàu qua, thanh minh mình cũng nên cúng theo tục người Hoa mới đầy đủ…”. Vậy nên, khi mọi ngã đường về nghĩa trang đông nghẹt người, khi các xe đò chật nứt khách từ phố về quê những ngày này thì tôi cũng chuẩn bị về quê, may mà đoạn đường chỉ vài chục cây số, chạy u một cái là tới. Nói vậy chớ trong lòng cũng náo nức bồi hồi lắm khi nghĩ đến bữa tiệc đoàn viên với bà con thân thuộc lát nữa đây. Hai mươi cây số có xa xôi gì nhưng đời sống mệt mề, quay quắt ai lo phận nấy muốn gặp nhau đâu phải dễ dàng. Bởi vậy mà mỗi lần thanh minh, mấy đứa ở TP chúng tôi đều cố về cùng một ngày để có dịp ngồi bên mộ các đấng sinh thành ôn chuyện ngày xưa.
Đi theo con đường đất hơi ngoằn nghoèo, bước qua một cây cầu dừa lớn là đã tới phần mộ. Mỗi đứa bày ra mấy dĩa bánh trái trước các mộ. Cứ theo thông lệ ba má ai lúc sinh thời thích ăn món gì là bọn con cháu cúng món đó. Nên thường trước mộ má và dì Ba tôi là bánh sữa, bánh pâtéchaud trong khi trước mộ cậu mợ tôi là thịt quay, bánh bò và trên mộ ông bà ngoại là thịt khìa, bánh mì…Mỗi đứa tự đem đồ về cúng, hồi nữa ráp lại đã thành bàn tiệc đầy ắp rồi. Nhưng êm ả nhất, thanh thản nhất là khi cả bọn con cháu ở thế hệ thứ ba này gần chục đứa cùng ngồi đó, nhắc nhở lại những chuyện xưa tích cũ, về một thời tuổi thơ đào trùn, câu cá, bắn chim, bắt ốc hay vẫy vùng trên sông nước chốn này. Dĩ nhiên tôi không sống suốt chốn này thời thơ ấu như lũ em cô cậu nhưng những ngày hè nhiều lần tôi được theo bà ngoại về đây nên con mương này, dòng rạch phía trước nhà hay khu vườn đầy tiếng chim chìa vôi, chim trao trảo thánh thót này vẫn là một phần ký ức tươi đẹp roi rói của tuổi thơ tôi. Thỉnh thoảng, trong từng câu chuyện, tiếng con chim trao trảo hiếm hoi còn sót lại đâu đó lại cất tiếng “Róc” một hồi dài, trong vắt thanh thao khiến chúng tôi càng nhớ tiếc một thời… Và trên đầu chúng tôi, vẫn những vòm cây xanh um, tán xòe rộng tỏa bóng râm mát rượi. Mấy cây mai trước mấy ngôi mộ có gốc đã cằn cỗi, uốn lượn với cành lá chi chít xanh rờn sau những ngày bung cánh vàng rực mùa xuân rồi. Có một lúc, khi tất cả ngồi lặng yên, tôi nhắm mắt hình dung lại những ngày thanh minh cũ khi theo bà ngoại tôi, rồi má tôi về mảnh vườn này, lạ lẫm với từng gốc cây, vạt cỏ và không hề biết gì về mấy nấm mộ còn thưa thớt chỗ này. Vậy mà giờ trở về, tóc đứa nào đứa nấy đã bạc gần nửa mái để thấy phần mộ gia đình đã nhiều hơn, nhiều hơn khi xòe tay đếm mà lòng rưng rưng ngậm ngùi. Dòng chảy của thời gian! Qui luật của muôn đời đó chăng?
Mấy ngày bước vào tiết thanh minh, trời bỗng dưng trở lạnh. Có cảm giác như gió xuân phây phẩy lại trở về khiến lòng cứ nao nao. Lại nghĩ đến buổi họp mặt bên phần mộ gia đình như tìm về nguồn cội cùng nhau thắp lên ngọn lửa tưởng niệm nồng ấm dù chỉ một ngày để ta đừng đánh mất ta trong cuộc đời này.