Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      

Tranh của Charles Ash

TIẾNG THỞ DÀI CỦA DÒNG SÔNG


                     

N gày báo tử anh, mẹ không còn nước mắt để khóc, ngồi bệt xuống hè, nói không ra lời:

- Con ơi! Mày cướp công mẹ rồi, An ơi!      

   Tôi không tin cuộc đời này có linh hồn bất tử.

Cách đây nửa năm tôi mơ thấy anh về. Ba lô con cóc, đôi dép râu buộc quai, đặt uỵch xuống chiếc phản gỗ tạp đã mọt, nói gọn lỏn:

- Chào cả nhà, con về đây mà! - Anh cười nói như ngày nào dẫn tôi ra bến sông nhà. Anh bảo tôi lặn xuống, mở mắt ra nhìn, sẽ nghe được điều gì hay lắm… Tôi có nghe được gì đâu, mau chóng ngoi lên mặt nước mong được hít thở khí trời.

Anh tôi cười hỏi:

- Em có nghe được gì không?

- Không!

- Dòng sông nói gì với em?

- Em không nghe được gì cả! - Tôi trả lời trong nước mắt.

- Dòng sông nó nói với em điều gì không?

- Chả nói điều gì… Chỉ nghe tiếng rỉ rả hoang vu… màu vàng vàng…

- Hỏng! Nghe được mà … Có tiếng thở dài… Nào gắng lên nào … Một lần nữa xem sao…

    Anh ôm lấy tôi cùng lặn xuống. Tôi bình tĩnh bám vào tay anh. Tôi mở mắt ra nhìn… Một vùng mênh mông huyền bí … Tai tôi nghe được điều gì nhỉ … Không nhận ra được gì. Chỉ có lồng ngực giật thột, tắc nghẹn. Tôi cấu vào tay anh cuống cuồng mong được trồi lên mặt nước. Anh tôi cười phì phì phun lên mặt nước ánh màu cầu vồng ngũ sắc.

- Có nghe được điều gì mới không?

- Sợ lắm… Không nghe được điều gì cả.

- Nó thở dài… Từ xa xôi lắm… Tiếng thở dài … thườn thượt như tiếng của con người ấy …- Bộ mặt anh phảng phất sự nghiêm trang…   

  Tôi dụi mắt, tỉnh dậy như vẫn nghe được tiếng thở dài của dòng sông đâu đây, cũng có thể là tiếng thở dài của mẹ tôi nằm ở giường bên cạnh. Không gian ẩm lạnh, tiếng cựa quậy của xương cốt ngôi nhà già nua của bố mẹ tôi… Đêm nào cũng vậy, phần nhiều là về đêm thức giấc dậy, tôi vẫn nghe tiếng răng rắc thật huyền bí, cựa mình của ngôi nhà.   

  Mẹ tôi ngồi bệt nơi hè đá khóc không ra nước mắt:

- An ơi!... là An ơi!... Con cướp công của mẹ rồi!

Tôi càng tin, cuộc đời này không có sự bất tử.

Cha tôi mất lúc tôi mới lên ba, anh An tôi được hỏi vợ lúc lên ba. Tôi chưa kịp hỏi vợ thì ông đã mất. Mẹ tôi cười khoả lấp:

- May đấy, không lấy gì mà đi Tết bố vợ.

Mấy chị gái đi lấy chồng, còn lại ba anh em trai côi cút. Anh thứ hai của tôi, yếu đuối nên trời bắt tội đi sớm từ lúc chưa tròn ba chục tuổi. Người làng này bảo, nhà ấy có cái dây chết non… Tôi tưởng giải phóng miền Nam rồi thì anh em được gặp nhau. Anh sẽ trở về gian nhà già nua của bố mẹ, yên hàn với việc cày bừa, nào ngờ…

- An ơi! Sao không về cho mẹ chăm sóc con như ngày bé thơ … Con ơi là con!

Mẹ tôi đang nhớ anh đấy … Tôi đã vĩnh viễn mất anh rồi … Chắc ở đâu đây, lẩn quất trên chốn cao xanh, anh vẫn ngong ngóng về chốn quê nhà, đau đáu niềm nhớ nhung muốn phù hộ cho đứa em côi cút, lạc đàn. Tôi là đứa còn xót lại của nhà này, mà mẹ tôi từng đẻ tới chín mười bận… Rồi đây ai sẽ trò chuyện, lo giỗ chạp, đi tìm những chiếc mộ lạc mà những năm anh em tôi vắng nhà nhờ hàng xóm chôn cất. Nếu phúc đức là một sự tích cóp chắc anh muốn giành cho tôi phần nhiều cả niềm thương cảm và sự chịu đựng. Cả phần lo kiếm sống và băn khoăn cùng người chết…   

   Tôi lén mọi người ra bến sông… ôi con sông xưa sao mà gày yếu… Vắng rồi, cầu đá này từng in dấu chân anh. Từng in sự đè nặng của gánh củi, gánh lúa … còn đâu, dáng điệu nhỏ nhắn nhanh nhẹn, chân toẻ ngón in trên cầu đá… Cái năm đói kém sau hoà bình, anh vừa mới mười bốn tuổi, đã theo người lớn đi lấy măng, đi sơn tràng. Chỉ có kiếm củi mới có thể mua được ống gạo chờ đến ngày mùa vui. Nhà giàu đã rậm rịch tết nhất rồi. Nhà tôi mỏi mắt chờ anh về. Mẹ và tôi ra sông nhìn lên mạn ngược, nơi có dãy núi xanh, mỏi mắt chờ anh. Lỡ tết này anh không về thì sao? Tôi cố xoá đi ý nghĩ ấy. Nếu kiếm được củi, lại chính anh è vai, gánh ra doanh trại Tây Hồ bán cho bộ đội, mới mong được những tờ bạc còm. Đêm đó nhà tôi tan hoang vì nỗi sợ. Có tiếng gõ cửa thất thần. Mẹ tôi hoảng hốt nói như khóc:

- Ai gõ cửa đấy! Nhà này không có gì đâu! Xin các ông kẻ trộm tha cho…

Tôi và anh Lạc réo lên theo tiếng mẹ:

- Xin các ông kẻ trộm tha cho …. Nhà tôi không còn gì đâu!

- Mẹ ơi! Con đây mà …! - Anh An tôi ngất xỉu nơi cửa. Có lẽ vì anh thương mẹ và chúng tôi, cũng có thể anh đói.

- Trời ơi, là trời! - Mẹ tôi hết hồn ôm lấy anh.

- Bè bị cuốn vào hắp nước sông Âm mất rồi!... May mà con còn vào được bờ… Còn lấy được chiếc búa …

- Thôi … Con đừng tiếc nữa …. Con còn sống về đây cùng mẹ và các em mày là may rồi… Còn chiếc chuồng trâu mẹ sẽ bán đi lấy tiền sắm tết…

     Năm đó nhà tôi ăn tết nghèo bằng tiền bán chuồng trâu, gia tài cuối cùng sót lại.

Vài ngày rau cháo hoàn hồn, anh thì thào vào tai tôi:

- Lúc sắp chìm xuống đáy nước, anh nhìn thấy mẹ và các em đang khóc anh… Chính lúc ấy anh nghe tiếng thở dài não ruột của dòng sông. Không hiểu làm sao mà anh lên được - Anh cười - Mà trôi vào bờ lại cầm nổi chiếc búa nữa… - Anh đã quên nỗi nhọc nhằn đói lả, bò được ba bốn chục cây số về đến nhà mình. Tôi không tài nào hiểu nổi được.

♣ ♣   

  Bây giờ thì anh không còn để nói lời ấy cùng tôi. Dòng sông quê còn đó. Tôi không nghe được gì cả, nước vẫn lững lờ trôi. Anh An mất thật rồi, vậy mà tôi vẫn tin, một ngày nào đó anh sẽ trở về. Như năm xưa, vừa giải phóng miền Nam, anh lễ mễ gánh hòm xiểng, ba lô trở về. Mẹ tôi ngồi bệt ở bậc thềm khóc. Sau này tôi mới biết lương thiếu uý lấy đâu ra tiền mua quà cáp cho mọi người. Anh vay của bạn bè cả đấy, rồi hết phép lại phải nai lưng ra tiết kiệm trả hàng năm trời. Người lính như anh thật khổ, cứ phải vắt lưng ra, chia nhỏ cho người ở nhà …

Lần ấy tôi đã nói cùng anh, đừng nghĩ chi đến phấn đấu, cấp chức. Về đi. Vợ con có xấu tính xấu nết cũng được. Anh đã lấy người ta rồi. Có con rồi… Còn tình yêu muôn thuở ở đâu mà chờ đợi … Chị Tâm còn đâu nữa mà mong gặp lại. Vợ anh có xích mích với mẹ cũng được. Ở giữa anh phải chịu nỗi khổ của hai phần dày vò… Anh buồn mà đi, ý chí làm người gọi anh đi, ở phía xa có tiếng súng … Nơi ấy anh lại đến, tôi nào biết được nỗi buồn, sự khát vọng trong anh. Bây giờ thì chị ấy khóc, gọi tên anh. Người vợ hơn anh ba tuổi mà cha tôi đã hỏi khi cụ cùng ngồi mâm nhắm rượu, đặt chỗ cho đời con mình.   

  Sông quê nhà ngầu đục… Tôi như vẫn thấy anh, vắt áo trên vai ra sông, ngồi bên cầu đá, lắng nghe tiếng thở dài của dòng sông … Cũng có thể anh ngồi đó ngó sang bên kia bờ, nơi hút tầm mắt, chị Tâm thường ra gánh nước. Anh bảo chính chị Tâm lần đầu nói với anh, anh mới biết được, dòng sông có tiếng thở dài đầy bí mật.

- Em có nghe thấy dòng sông nói gì không?

- Không, em không nghe được gì cả! - Tôi trả lời.

- Cũng có thể thế thật.  

  Anh tôi cưới vợ, cái năm nhà làm ăn có nhỉnh hơn chút xíu. Cái năm chị dâu tôi chớm tuổi mười chín. Còn chị Tâm, người mách cho anh biết tiếng thở dài của dòng sông như thưa dần ra bến… chị tránh cặp mắt của anh bên này ngóng sang.  

  Anh không trở về nữa rồi. Tôi tin một điều, thiêng liêng và ngây thơ như lời mẹ tôi thì thào: “ … Trời điềm con ạ! Mẹ mơ thấy anh mày về, nó chỉ vào ngực này … Mẹ nhìn thấy nhiều huân chương lắm. Nó cười với mẹ … Mẹ không tài nào ngủ được nữa …”. Sáng ấy chị dâu tôi hớt hải từ buồng mình ra nói với mẹ: “… Mẹ ơi! Có con cú nó vào nhà…”. Mẹ bảo, chắc là tường nhà nó đổ nên cú vào bắt chuột. Mẹ nói cứng cho chị yên lòng, còn mẹ lại thở dài thườn thượt.

   Tôi tin, trên đời này có sự hiển linh mà mình không hiểu nổi, và chịu sự bất lực hèn kém ghì kéo từ ở đâu đó, ở chốn vô cùng.

- An ơi! Sao con chưa già tóc già râu … Sao con không để mẹ đi thay… Trời hỡi! Sao mà bất công làm vậy, lá vàng chưa rụng mà lá xanh lìa cành… Ngày xưa, người ta vẫn chửi là nhà vô phúc, có người chết trận, ông bà ông vải không tài giỏi, che chắn cho con cháu thoát được hòn tên mũi đạn… Một người đi trận là có âm binh, dòng tộc đi theo, nhà nhiều người đi trận phải chia ra ở khắp chiến trường. Và cái mệnh của người kia không che nổi, có thể anh ta được cất nhắc lên tước vị cao, nơi giành cho các thiên thần … Lúc này anh An tôi ra đi ở lứa tuổi bốn mươi mốt. Người làng bảo cái tuổi ấy, ngày xưa các cụ đã để râu rồi, có cháu nội ngoại rồi. Anh tôi không gặp may.

Dân làng tôi không lạ gì chuyện anh An tôi yêu chị Tâm. Anh yêu chị từ dạo hai người còn sinh hoạt thiếu nhi. Anh thường bơi qua sông ngồi trên gốc dừa trễ nải nghiêng mình xuống dòng sông chờ chị xuống cầu ao gánh nước. Anh từng núp nơi gốc dừa ngắm chị đứng ở sân trải tóc. Mẹ chị, goá từ lúc hai mươi ở vậy nuôi chị, chị bảo mẹ ưng cho em lấy anh rồi. Nhưng anh không cưỡng lại số phận, phải cưới vợ do cuộc dạm hỏi của cha tôi nơi mâm rượu khi anh lên ba. Chị Tâm nói với anh An, nếu không còn mẹ già, em cũng chẳng thiết sống làm gì. Anh nói với chị anh cũng thương mẹ và các em, nếu không anh cùng em trốn đi nơi nào đó, tận rừng rú rau cháo có nhau. Chỉ cần có chiếc búa, con dao là nuôi được nhau mà… Tôi vẫn ngồi ở bến sông chờ anh bơi qua sông gặp chị. Có lẽ chuyện yêu đương, liều lĩnh này chỉ anh, chị Tâm và tôi biết … Nhưng không phải, còn có dòng sông biết. Vì anh bảo, anh và chị dạo còn “ chũm cau” vẫn lặn hụp xuống mở mắt nhìn nhau. Anh bảo dòng sông có màu vàng ngọt lừ như nước mía. Anh bảo chị kéo anh áp vào ngực gật gật đầu. Lần đầu tiên trong đời chị cho anh một phát hiện mới mà bấy lâu trôi tuột đi như dòng nước. Anh nghe được tiếng thở của dòng sông, nơi ngực của chị. Có lẽ anh không kể ra, nhưng lần bị chìm ở sông Âm thuở nào, anh còn trồi lên được từ đáy sâu bởi nghe được tiếng thở dài của dòng sông.   

  Anh đi lính năm sáu lăm, tôi cũng ra đi sau anh cách một vài tháng. Đáng lý tôi đi trước anh kia, vì anh bận cái chân đội trưởng sản xuất. Nhưng anh lên xã xin đi thay tôi, nó mới chưa đầy mười bảy, xin được khất dịp sau. Tôi biết, anh muốn tôi ở lại lo chuyện học hành. Anh từng thất học, anh muốn tôi học hộ anh để mở mặt cùng thiên hạ, nhưng chuyện học hành đành gác lại, cả nước có giặc, ai nỡ ngồi lại mái trường.

Lần gặp anh năm sáu bảy ở Hàm Rồng, anh nói anh đi Nam. Vẫn người nhỏ thó nom thật tội. Đói ăn, giống nòi lỡ vận anh chẳng tài nào cao to như người. Chắc anh không tỉ mẩn, hèn hạ như tôi khi thấy mình nhỏ con đâu. Nhưng tôi vẫn thương anh đến trào nước mắt. Anh không giấu giếm niềm khát vọng của người lính muốn lập công. Anh thở dài bảo, chị Tâm đi thanh niên xung phong rồi. Mẹ chị ôm anh khóc, dặn anh trên đường ra trận, con cố gắng gặp em. Khổ chưa, nếu con và nó … Anh hứa với mẹ chị rồi, anh sẽ tìm gặp Tâm, dù cùng trời cuối đất anh vẫn đi tìm. Tôi thương anh quá chừng, da anh sốt rét vàng vọt. Người anh nhỏ thó thế kia, liệu có đi nổi chặng đường Trường Sơn dài dặc.

- Em phấn đấu vừa thôi! … - Anh dặn tôi vậy. Anh không nói ra nhưng tôi chột dạ. Anh sợ cả tôi và anh ngã xuống lúc này, mẹ già ở quê còn trông chờ vào ai.

- Anh đừng lo, đánh nhau cao xạ có lúc hoà bình, với lại sống chết có số rồi. Em chỉ lo cho anh thôi.

- Yên chí … Anh còn có khoảng thời gian nghỉ ngơi sau trận đánh … Mà này, cũng lo chuyện vợ con đi em ạ! Đừng kén chọn làm gì cho rườm rà … Mẹ lo cho em lắm. Cứ mỗi lần nổ súng ở Hàm Rồng là mẹ lại thở dài … - Chết chửa, anh từng đau khổ với tình, vậy mà anh lại muốn tôi yên ổn sao? Anh muốn có đứa nhóc thắp hương cho mẹ, khổ thân chưa, anh chứa trong mình sự chối bỏ và sự chấp nhận đến đau lòng.

♣ ♣ ♣

    Anh viết thư cho tôi thật dài. Tôi nào tin lại nhận được lá thư dày cộp như vậy. Thời đó người ta có nghĩ có tình, ai nỡ quẳng đi nỗi khát khao chờ thư của người lính.

Anh bảo số trời nó mách, được nghỉ ở Quảng Bình một vài ngày để củng cố cho anh em vào B sâu. Anh liền đi tìm chị Tâm. Trời cũng có mắt nên mách anh tìm ra lối của chị Tâm. Em không tưởng tượng ra đâu, nơi nào có con đường mòn, có đạn bom là anh đến ráo. Nơi nào có giọng nói rì rào qua kẽ lá là anh đến, mong tìm ra hơi hướng của chị. Anh bảo thật ngốc, lại còn lặn xuống sông nghe tiếng thở dài của dòng sông mà tìm nơi chị ở. Điều này em không biết được đâu, nhưng anh thì biết. Chắc đơn vị thanh niên xung phong làm đường, phải làm ở gần nơi có nước, chị làm sao không ra sông tắm. Anh nghe được hơi thở của da thịt chị, tiếng mách bảo của dòng sông ấy mà… Tôi đâu tin lời anh nói. Nhưng anh gặp được chị ở miền Tây Quảng Bình.

Sự ê chề của thất vọng xui khiến anh ra vục mặt ở dòng suối nhỏ. Anh hỏi dòng sông rằng, có biết Tâm của anh ở nơi đâu không? Con suối bảo rằng biết, ở tận đầu nguồn, xa lắm. Có lán lợp bằng cỏ tranh, liếp nứa. Có phải không nào, ở đó có người thiếu nữ tóc dài, nàng từng ấp ủ chuyện dường như rất bí mật, chỉ có hai người biết được. Có chàng trai đi sơn tràng ra sông tắm, lặn xuống dòng sông trò chuyện cùng người con gái ở hạ lưu. Chàng bảo rằng, em chờ anh nhé. Anh đã hỏi nàng rồi đấy thôi, rằng anh nói chuyện cùng em nhờ dòng sông trao lời, em nghe được chứ. Chị Tâm gật đầu, em nghe được thật mà… Em nghe được cả hơi thở của anh, cả tiếng thở dài của dòng sông nữa… y hệt sự rung động trong lồng ngực anh ấy.

   Đó là những ngày xa vời trong ký ức. Lúc anh và chị Tâm đầy niềm tin tưởng lớn lao. Một ngày nào đó về bên nhau trao trọn tình yêu thề bồi… Có nó mà anh vượt qua được tuyệt vọng, quay về với cuộc sống.

Anh ngược theo dòng suối mà đi tìm chị, Anh tin một điều thế nào cũng gặp chị. Anh tìm được những chiếc lán khô, nằm xiêu vẹo nép vào ven suối. Trời ơi! Làm sao mà những cô gái ngây thơ lại có thể sống được ở đây nhỉ. Anh hớt hải hỏi với giọng thất vọng:

- Các cô cho tôi hỏi thăm …. Có ai là Tâm … tóc dài ở đây không?

- Anh cút đi không nào!- Họ quây tròn lấy anh đuổi đi.

Một cô gái tinh nghịch nói bỗ bã:

- Hãy nhắm mắt lại đi nào, anh bộ đội.

Anh nhắm mắt lại. Vẫn cô gái ấy lại nói lào thào vào tai:

- Xong rồi! Mở mắt ra nào!

  Các cô gái cười vang rừng. Sau này thì anh hiểu được chuyện. Có cô vừa ra tuyến về, bom vùi rách không còn một mảnh quần áo, nhưng vẫn còn sống. Các cô gái quây tròn lấy cho cô gái thay quần áo. Anh đến vào đúng lúc ấy… Cô gái vừa thay xong quần áo, mặt đỏ lựng hỏi anh:

- Anh bộ đội xấu hổ hả … Hỏi Tâm nào kia?

- Tâm tóc dài - Anh nói hú hoạ.

- Không đào đâu ra Tâm tóc dài.. Chỉ có Tâm sư cụ thôi … Anh có quen không?   

  Đúng Tâm của anh rồi. Thay vì mái tóc dài óng mượt, bây giờ chị đã rụng hết tóc. Chị trùm đầu bằng chiếc khăn trùm đen ngày ra đi mẹ đã dúi vào ba lô. Chị nhìn mẹ cười rơi những giọt nước mắt.

- Anh còn nhớ em không?

- Sao em lại hỏi anh thế!

- Em đâu còn là Tâm ngày xưa nữa!  

  Sốt rét, đói khổ và bom đạn đã cướp đi của chị sắc đẹp nổi tiếng một thời. Chị dụi vào ngực anh để mặc cho nước mắt giàn giụa. Anh nói với chị như ngày nào, nhờ có tiếng thì thào của con suối mà anh tìm được em đấy. Tưởng làm chị vui lên nhưng chị khóc thành tiếng:

- Thôi, anh nói chi đến chuyện đó nữa. Mai ngày có hoà bình, em cũng không về đâu … Nếu anh thương em, lúc rỗi rãi sang thăm mẹ giùm. Thật tội nghiệp cho mẹ…

- Đừng … Em đừng nói thế! Anh thề cùng dòng sông của chúng mình … Em về đi, anh sẽ nuôi em mà …

- Nhưng còn chị ấy! Đoàn thể ai cho phép?

- Em đừng sợ … Lẽ nào cuộc đời này lại để mặc em khổ!

- Nhưng em còn đâu là Tâm nữa hả anh! - Chị đã khóc. Đắng cay, tuyệt vọng vì bệnh tật làm chị thấy chán nản.  

  Anh rủ chị đi ra bờ suối. Chị nhìn anh đầy cảm kích. Anh bế chị xuống nơi con suối phình ra như người bụng mang dạ chửa. Anh khoát nước ỳ ọp cho khuôn mặt chị hồng lên. Anh ôm chị lặn xuống dòng suối nông choèn. Anh hét lên:

- Em có nghe thấy gì không?

- Có … Em có nghe thấy dòng suối nói.

- Nó nói sao?

Nó nói: “ Em yêu anh!”.

   Khác xưa rồi. Ngực chị không còn căng tròn như quả dừa vừa nhú…Bây giờ chỉ teo tóp bám vào khuôn xương gầy, dáng nét của bà già … Anh muốn làm cho chị trẻ lại… Lòng trinh trắng như thuở ấu thơ…

Sau bảy lăm anh đã đến nơi đó để tìm chị, chỉ thấy hố bom, sự hoang tàn sau chiến tranh.. Anh muốn tìm ngôi mộ của chị đem về quê, xây cất bên gốc dừa mà ngày nào anh và chị thường ngồi hóng mát. Nhưng chuyện ấy anh chưa kịp làm, anh đã ra đi. Anh cũng như chị Tâm nào ai biết mộ nằm ở nơi nào…

Ngày tôi cưới vợ mẹ tôi ngồi bệt ở hè khóc. Mẹ khóc không ra lời. Tôi biết mẹ khóc vì thương tôi phút chốc thành côi cút. Anh tôi không về. Khóc một nỗi cảnh nhà tàn tạ. Một phần nữa mẹ chạnh nhớ chị Tâm … Trong trái tim của mẹ nỗi xót xa, bởi những lời thề ước…

    Đám cưới không làm cho mẹ sống được lâu thêm. Mặc dù vợ tôi rất chiều mẹ. Những mất mát dày thêm cướp đi của mẹ niềm thanh thản. Tôi vẫn ra sông nhà để tắm sau mỗi buổi trưa đi cày ở đồng về. Có lúc chợt nhớ chuyện xưa, tôi mở mắt ra nhìn dòng nước. Màu vàng tối. Tiếng rỉ rả của côn trùng đầy mệt nhọc…

Thời gian vẫn trôi đi, như dòng nước. Lặng lờ vô tư, giận dữ… ít ai nhắc đến chị Tâm và anh An. Cây dừa một lần bị sét đánh cụt mất ngọn. Xóm làng chẳng ai dám chặt sợ xúi quẩy. Nắng gió thời gian làm cháy đen, đêm trăng nhìn tưởng bóng người … Sau khi mẹ chị mất, xã dùng nhà làm nơi hội họp cho mát. Nhưng thời kỳ mở cửa chẳng ai tới nữa, vì trái đường. Lâu rồi nhà cũng hỏng. Một gã nào đó táo tợn dựng lên ở đó chiếc lò gạch. Ý chú chàng muốn ở gần bến sông cho dễ vận chuyển. Nhưng làm ăn thua lỗ, hắn sinh ra rượu chè rồi lỉnh đi đâu mất. Bây giờ lò gạch đổ nát, hoang phế đứng cạnh cây dừa cụt ngọn.

   Tôi vẫn ra sông tắm sau buổi cày. Vẫn lặn hụp cố tình lắng nghe dòng sông trò chuyện. Tôi không làm sao hiểu được điều ấy. Tôi đâu có trái tim như anh mình, như chị Tâm.. Vận mạng không nói với tôi điều ấy… Dòng sông không thở than cùng tôi … Nhưng tôi tin một điều, ở đâu đó có sự bất tử của linh hồn anh tôi và chị Tâm.. Như tiếng thở dài của dòng sông.  




VVM.14.3.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com