MAI SAU SÔNG NƯỚC BÃI TRIỀU ?
Ô ng Trới nhẩn nha chèo chiếc thuyền nan nhỏ sát dọc bờ sông Chanh. Thỉnh thoảng ông dừng lại ghé vào bãi, rồi lội xuống khệ nệ bê lên thuyền những hòn đá xù xì những vỉa vỏ hà cồn bám lỗ chỗ. Có hòn nặng thế mà ông lấy sức bê ngon ơ. Thoạt nhìn tôi cứ tưởng ông lấy những hòn đá đó về để làm gì. Xếp xuống chân móng nhà? Hay đặt kè cho lối đi ra bến sông? Hóa ra không phải. Rõ ràng tôi thấy ông chở chúng ra giữa dòng sông và cần mẫn bê từng hòn ném xuống. Tôi tò mò hỏi những người dân xóm Bến Đò, họ cười một cách hóm hỉnh:
-Bên nước Tàu xưa có chuyện Ngu Công dời núi. Xóm Bến Đò bây giờ có ông Trới nhặt đá lấp sông! Nói đùa vậy thôi. Chú biết không? Ông ấy nhặt đá cũ do người ta cào hà cồn dưới đáy sông lên, họ moi hết ruột, còn đá quẳng đó chổng chơ trên bãi. Ông ấy xót, sợ loài hà cồn không có đá bám sẽ mất giống. Nên ông làm vậy, một mình gây tổ cho hà...
Đón tôi xuống thuyền nan, ông Trới cười vang vang mặt nước, chòm râu bạc trắng rung rinh, lấp lánh trong nắng gió:
-Sông Chanh rỗng ruột đến nơi mất rồi! Người ta chỉ biết cào, biết móc hà lên ăn ngay thôi. Nào có ai chú ý ném hòn đá trở lại cho dòng sông để còn chỗ cho chúng bám mà sinh nở! Đánh bắt cá tôm, mà cứ từng tốp từng thuyền lẩn lút nhúng điện xuống nước thế kia thì sông nào chịu nổi? Rồi ông hạ giọng: Chú biết không? Đến khi chết tôi vẫn mang ơn dòng sông này, vì nó đã nuôi sống bao đời người qua bao đận đói kém, giặc giã... Vậy mà... cứ đà này nguồn sống sẽ cạn kiệt nay mai!...
Chao ôi! Nhìn dáng ông sừng sững bê hòn đá nổi trên khoảng trời, tôi bất chợt lại nhớ chuyện sông nước, bãi bờ quê tôi những thuở...
Hằng năm cứ đến mùa mưa, nước lũ từ thượng nguồn các con sông đổ về mang theo phù sa đỏ quạch, là ven các bến, bãi bên bờ sông Bạch Đằng, sông Chanh, sông Rút...lại cơ man những chiếc vó, những chiếc thuyền câu, những chặng đăng đáy, ô cạp... giăng ra chắn bắt cá tôm. Chợ cá xôn xao trên mặt nước. Khung cảnh mùa mưa thật náo nức trong sương sớm hoặc dưới ánh chiều chạng vạng.
Lúc sinh thời, cha tôi thường bảo: trời phú cho dân vùng ta sông nước, đất bãi triều cửa sông Bạch Đằng. Ngay từ thuở ban đầu tổ tiên ta đặt chân lên đây, con người đã sinh ra nhiều tài trí, lắm hoa tay! Để bắt được con tép, con ốc, con cua, người ta nghĩ ra cái vó, cái giỏ, cái giọng. Muốn bắt con cá, con tôm, người ta biết chuốt nan nứa, nan tre đan cái lờ, cái đó; biết se sợi gai kết cái lưới, cái te... rồi ông kể một loạt những ngư cụ đánh bắt cá tôm của người dân trên đất bãi triều. Gia ổ nhà tôi có cha con cụ Xã Xìn, anh em ông Lục Bân giữ nghề đánh “dể” hằng mấy đời. Cái nghề thật kỳ lạ: chỉ cần đóng hai chiếc thuyền dài và hẹp thành cặp dể đi sóng đôi xòe ra như hai lưỡi kéo, quét vôi trắng lên mạn gỗ, chèo thật nhẹ nhàng. Bầy cá kìm, cá đối đang ăn nổi thấy động, thấy lóa mắt, cứ thế nhảy lao xao vào dể như sao sa. Có những nước gặp bầy cá lớn nhảy đầy dể, người ta phải chèo chạy vì sợ đắm.
Khai thác con hà sú nhỏ nhoi cũng là một nghề kiếm sống của người dân xóm Vỏ Hà xã Phong Hải. Mỗi độ nông nhàn, dân xóm lại đưa từng đoàn thuyền nan ra các bãi sú vẹt ven sông, gạy những vỉa hà dăm bám trên gốc sú dày đặc như những mảng địa y bám thân cây cau. Những con hà sú ruột mềm trắng mọng, có thể ăn tươi sống ngay tại chỗ rất ngon lành. Món hà này thường để ăn gỏi với lá đinh lăng ghém bánh đa có đủ gia vị chua cay, mặn ngọt thật là thú vị. Hoặc nấu riêu với cà chua, thả ngọn rau cần ta, ăn rồi thật khó quên. Bây giờ nhiều nhà hàng đặc sản làm món riêu hà đãi khách, quyến rũ đấy nhưng dù sao vẫn không thể đậm đặc bằng nồi riêu hà xứ quê như những ngày chưa xa mấy.
Trước đây bác rể tôi có nghề câu cá vược. Mỗi độ hạ tàn, thu sang là hàng ngày ông cùng bạn câu ra đầu ghềnh Cốc trên bãi sông Rừng, hoặc khi tháo cừ Cống Vông, bắt đầu mùa câu cá vược. Dạo này, nước lũ trên các con sông đổ xuống sông Bạch Đằng, sông Chanh, mang theo phù sa, phù du cùng nước mặn dưới biển dâng lên giao nhau thành từng vệt xuôi ngược tựa những dải lụa, chảy âm vang cả một vùng bãi. Cá vược hội tụ từng đàn đuổi bắt mồi là những đàn cá con ăn nổi xôn xao trên mặt sóng nhuốm hồng. Ngồi câu trên chiếc thuyền nan, chờ hồi lâu, thấy động tay, nghe sần sật cuối đầu dây biết là con vược đã cắn câu, ông thong thả kéo vào, từ từ thu khoảng cách, vần cho con vược mệt nhoài. Liệu cơ chắc ăn, ông mới giật đánh phắt một cái. Con vược rất khỏe, giãy đành đạch, nổi óng ánh những vẩy vàng vẩy bạc...
Hồi còn nhỏ, cho đến những năm đầu thập kỷ 80, chúng tôi vẫn còn được thấy những con cá heo lớn bằng con nghé từ ngoài biển bơi vào Bến Ngự Sông Chanh, tới cửa sông Rừng nhào lộn như diễn viên xiếc. Chúng thường bơi sau những chiếc thuyền vận tải căng buồm lướt sóng, như thể muốn bơi thi. Đặc biệt lạ, là vào những ngày mồng Một, ngày Rằm, cá heo bơi như hội. Khi người đứng trên bờ thích chí vỗ tay thì chúng càng nhào lộn những pha ngoạn mục, phơi lên cái bụng trắng xoá tỏ vẻ điệu đàng hơn!...
Nhưng bây giờ những hình ảnh thân quen ấy đã thưa vắng, nhạt nhoà hoặc mất hút trên vùng sông nước, bãi triều quê tôi.
Tất cả những thứ hải vật hấp dẫn ấy của dòng sông, miệt đất bãi triều mà thiên nhiên ban tặng bao đời cho con người vùng quê tôi giờ đây đang lặn dần vào quá vãng, bởi môi trường ngày càng ô nhiễm và sinh thái đang mất cân bằng. Những cánh rừng ngập mặn bạt ngàn như chiếc áo xanh khổng lồ đang bị bóc dần khỏi vùng đất bãi triều, nhường chỗ cho những khu đầm nuôi tôm trắng nước dưới ánh mặt trời thiêu đốt. Chất thải công nghiệp, rác thải đời sống con người tuôn xả ra các dòng sông, tấp vào các triền bãi. Các loài thủy, hải sản đã thiếu môi trường thủy sinh tốt, lại đang bị con người khai thác đến cạn kiệt bằng mọi phương tiện thủ công và hiện đại để thỏa mãn nhu cầu cuộc sống trước mắt. Mìn nổ, xiếc điện, chã điện ngấm ngầm chăng thả khắp nơi dưới sông, ven bãi. Con giống bị tiêu diệt từ trong trứng. Lưới chì vét sát chân cồn, đáy sông, đánh xong rách lưới vứt đi, chỉ cốt sao vớt lên đầy nặng. Ngày trước, dân các làng Hải Yến, Cẩm La, Vị Khê, Yên Trì... ra các bãi triều soi, bắt hoặc câu cáy bằng dụng cụ thô sơ; con cáy còn có thời gian để sinh sôi, tồn tại. Chỉ ngừng soi bắt một kì trước thôi, là nước sau cáy còng đã ngôm đầy lũng bãi. Bữa cơm làng quê bốn mùa thơm ngon vị mắm cáy. Nhưng một thời người ta không ngần ngại dùng cả thuốc trừ sâu bột 666, DDT vãi dọc các bãi làm cho những con cáy con còng say thuốc hàng loạt để dễ bắt được nhiều hơn. Do vậy loài cáy còng cũng nhanh chóng tiệt giống. Bây giờ phải khó khăn lắm mới tìm được âu mắm cáy bán ngoài chợ, nhưng cứng rắc và nhạt thếch!
Huyện Yên Hưng hiện có hơn 13.000 ha đất bãi triều và thực tế đã đưa gần 9.000 ha vào khai thác nuôi trồng thủy sản. Phong trào đắp đầm nuôi tôm phát triển mạnh mẽ trong các làng xã giúp nông dân nhanh chóng xoá đói giảm nghèo để vươn lên giàu có. Thời kì đầu, nuôi quảng canh, khai thác nhờ vào thiên nhiên là chính. Nhưng sau này để đạt năng suất, hiệu quả cao hơn, người ta chuyển sang nuôi trồng bán thâm canh và thâm canh công nghiệp. Tình trạng đắp đầm ồ ạt diễn ra. Cơn “sốt” đầm tăng lên. Hàng loạt rừng ngập mặn bị chặt phá để giải phóng mặt bằng. Từng ra các khu đầm Liên Vị, Hải Yến, Hà An...tôi không khỏi sững sờ trước cảnh mặt nước trắng băng. Nhúng tay, nước đầm nóng bỏng. Những con cà đa trơ mo khô khốc như những hòn đá cuội ngoi lên bờ, bò vào các hang đất trú nắng. Còn đâu những cây sú vẹt, trang đước cho chúng nép mình trong tán lá xanh! Còn đâu những cánh rừng ngập mặn từng điều hòa mát lạnh không gian, từng che chắn cho những con đê qua bao mùa giông bão! Người ta ngộ nhận rằng: phải dọn trắng nước nuôi tôm mới tốt!? Nhưng theo đó là môi trường sinh thái, thủy sinh đất bãi triều lập tức bị phá vỡ. Nguồn nước sông biển tự nhiên bị hạn chế, không thể điều hòa cho các đầm thủy sản. Càng về sau, nguồn nước trong các đầm càng bị ô nhiễm nặng nề, gây ra tôm chết bệnh hàng loạt. Đó là một điều tất yếu sẽ đến khi con người tước đoạt đi quyền tạo hóa của thiên nhiên!
Tôi hỏi ông Lê Văn Từ, một chủ đầm nuôi tôm lâu năm ở Liên Vị:
-Năm nay, nghe tin ông thắng đầm, tuy chưa đậm lắm, nhưng cũng còn hơn xa các đầm khác?
-Cũng tạm được! Ông Từ khẳng định: Cái chính là đầm tôi còn rừng nguyên sinh. Tôi cho rằng để nguyên sú vẹt, môi trường sinh thái và nước mặn sạch rất tốt cho tôm phát triển. Con tôm cũng như ta đi giữa đường nắng lửa mà gặp bóng cây...
Còn đây, ông Đặng Văn Thành, một chủ đầm ở Hải Yến đã phải thốt lên:
-Bây giờ khắp nơi bị ô nhiễm môi trường. Bao nhiêu thứ đều đổ dồn ra sông, bắt sông chịu hết. Cứ chiều chiều ông ra đây mà xem sẽ thấy dòng chảy sậm đặc một thứ “phù sa đen” ngang qua cửa cống. Đấy là nước thải của các nhà máy xi măng, đóng tàu… trên thượng lưu khiến nước sông đổi màu. Chẳng còn tôm cá giống tự nhiên nào vào được đầm như ngày xưa. Trước đây, các đầm Liên Vị, Phong Cốc, Hải Yến mỗi năm thu hoạch hàng nghìn tấn rau câu, thu được hàng tỷ bạc. Ba năm nay nay thì mất hẳn giống rong tảo quí này rồi! Nghề nuôi tôm của chúng tôi đang thua lỗ liểng xiểng...
Thật vô cùng xúc động khi bản tin VTV1 một ngày nọ đưa hình ảnh những người bạn Nhật Bản lội trên bãi triều Việt Nam, trên bãi triều làng Hà An quê tôi trồng từng cây sú, cây vẹt cùng chúng ta gây lại những cánh rừng ngập mặn. Một người bạn nói đại ý: rừng sẽ sống và phát triển nhanh chóng nhưng sợ nhất bà con ta tiếp tục chặt phá lấy củi đốt và đắp đầm nuôi tôm tràn lan !..
Cuộc sống hiện tại, có cách nào hữu hiệu hơn, mạnh hơn để phát triển trở lại những cánh rừng ngập mặn trong khi vừa phát triển và sản xuất phục vụ đời sống con người, vừa cân bằng được sinh thái thiên nhiên, cho sông nước bãi triều tiếp tục sinh sôi các loài thủy hải sản trong quy luật tự nhiên? Đó là câu hỏi bức xúc của tương lai, là trách nhiệm của các nhà quản lí, các nhà khoa học, của nông dân, của mỗi người chúng ta hôm nay phải chịu trách nhiệm với hậu thế! Bao giờ tấm áo xanh sẽ khoác lại rộng dài và xanh hơn lên cơ thể các bãi triều, các dòng sông quê ta?
Bàn chân lội lún sâu trên mặt bãi, tôi thở không ra hơi. Vậy mà hằng ngày ông già của dòng sông vẫn miệt mài, cô đơn lội bì bõm bê những tảng đá vô tri kia một cách nhẹ bẫng và ném xuống dòng sông. Mỗi hòn ném xuống là mỗi lần vang lên một tiếng “tùm” tưởng như vô nghĩa! Để rồi người đời lại vô tư móc của cải dưới đáy sông lên như móc một thứ của trời vô hạn. Rít xong một hơi điếu cày, ông già hẹn tôi:
- Sang mùa sau ông tới khúc sông này sẽ thấy thuyền nan như lá tre đổ về cào hà cồn đông như chợ Tết!
Bước lên khỏi con thuyền nan nhỏ bé, tôi cứ hình dung mãi gương mặt ông với bàn tay thô rám, sần sùi bởi những vết vỏ hà bám đá làm trầy xước. Cuộc đời này, vùng đất này còn những người lầm lũi, yêu cuộc sống trong cái lẽ giản đơn như thế, tôi nghĩ và tôi tin vào mai sau sông nước, đất bãi triều...