“Thương nhau tình thắm ối a nghĩa nồng…”
T hế là đã lâu lắm rồi tôi mới về Quy Nhơn. Chuyến tàu SE4 đưa tôi từ ga Nha Trang thẳng về ga Diêu Trì, từ Diêu Trì tôi đón xe ôm vào thành phố Quy Nhơn cách đó chừng mười lăm cây số. Ga Diêu Trì cách đây mười mấy năm là một ga nổi tiếng về gà và đồ ăn thức uống rất ngon nhưng về những năm sau này thì không còn thấy người ta bán gà ở ga nữa, thức ăn bán cho khách đi tàu thì cũng rất bình thường với những món xôi khô khốc cùng những miếng gà rang đi rang lại nhai không còn vị gì. Tôi hết sức ngạc nhiên khi bác xe ôm đề nghị một mức giá hết sức hữu nghị là năm mươi ngàn đồng cho cuốc xe ôm vào thành phố. Với khoảng cách như thế, ở Sài Gòn, thể nào các bác tài cũng đòi mức giá trên dưới một trăm nghìn đồng nhất là trong thời buổi khủng hoảng kinh tế, xăng dầu đắt đỏ như hiện nay. Nghĩ vậy, tôi chảng chần chừ gì, leo lên xe ngay mà không một lời trả giá. Bác tài này có giọng nói và phong cách chất phác, thật thà như rất nhiều những người dân lao dộng miền trung khác mà tôi luôn luôn thấy cảm tình và quý mến khi tình cờ gặp ở bất cứ nơi đâu. Con đường vào thành phố không khí rất trong lành và phong cảnh hữu tình khiến lòng người nhẹ nhõm và sảng khoái. Vào đến thành phố, nghĩ ngơi một chút ở nhà người quen, tôi đã có hẹn ngay với một cô bạn học chung thời cấp 1, nay đã gần 20 năm xa nhau thế nhưng vẫn liên lạc thường xuyên, hai đứa cùng đi dạo phố và ngồi vỉa hè ăn ốc, quán ốc có đủ các món ốc len, gỏi ốc (ốc trộn), nghêu, sò…cho tới bánh plan, cơm rượu. Đường phố Quy Nhơn nay đẹp đẽ hơn nhiều so với cách đây năm, bảy năm vì có nhiều con đường mới mở, thành phố ngày càng mở rộng hơn, sạch đẹp hơn với phong cảnh hữu tình một bên tựa vào núi, một bên nhìn ra biển. Không khí thành phố biển thật trong lành, đường phố ít xe cộ và rất là sạch sẽ. Vẻ thưa thớt và nhàn tản của những người dân đi trên đường khiến thành phố bé nhỏ mà duyên dáng này khoác một vẻ bình yên đặc biệt.
Quán xá hai bên đường không thật nhiều nhưng đều sạch sẽ, chủ yếu là những quán bún bò, bún giò với nước lèo dậy thơm mùi sả rất đặc trưng cho món bún miền Trung, và những quán bún cá, bún riêu, bún sứa thơm ngon đậm đà vị biển với những lát chả cá hấp, chả cá chiên hấp dẫn cùng vị nước lèo ngọt thanh nhờ được lọc nấu từ xương cá. Bún cá Bình Định và bún cá Đà Nẵng đều rất ngon, tuy nhiên, công thức nấu có khác nhau nên hương vị cũng khá khác nhau, bún cá Đà Nẵng có thêm vị bí đỏ cùng bắp cải hầm nhừ, còn bún cá Bình Định thì đậm đà hương vị riêng kiểu khác khó giải thích rạch ròi. Nhưng nhìn chung thì nó đều có cà chua, có chả cá hấp, chả cá chiên, và nước lèo thì nhất thiết phải được hầm lọc từ nước xương cá. Món bún riêu sứa làm tôi đặc biệt ấn tượng bởi mùi vị thơm ngon béo ngậy của riêu cua được kết hợp với vị thanh thanh, giòn giòn sựt sựt của những miếng sứa trong veo ngon lành. Cô bán hàng giải thích, bún sứa có thể ăn cùng nước lèo của bún riêu hay nước lèo của bún cá đều được, tùy sở thích của khách hàng. Ở Nha Trang cũng có món bún sứa, nhưng bún riêu sứa Quy Nhơn vẫn khiến tôi thấy lạ miệng và đậm đà hơn. Ăn miếng sứa giòn ngon, tôi chợt nhớ một kỉ niệm ấu thơ, cậu tôi ở xa về dắt mấy chị em tôi đi tắm biển, gặp phải buổi có sứa ngứa, tắm xong lên bờ, người cứ ngứa điên ngứa cuồng, ai nấy thi nhau gãi cho dù không thấy nổi mề đay hay mẩn đỏ gì bên ngoài, kỉ niệm đó ám ảnh đến mức sau này cứ nhắc đến sứa, tôi lại không sao quên được cái hôm tắm biển gặp sứa ngứa nhớ đời thuở ấy… Tuy hai bên đường, quán xá không nhiều và tấp nập như ở nhiều thành phố lớn khác, nhưng đi vào các con hẻm nhỏ, sẽ thấy cơ man nào là những hàng quà vặt, đồ ăn vặt rẻ tiền mà phong phú đa dạng có thể thỏa mãn bất cứ những thực khách nào muốn khám phá hàng ăn vặt miền trung. Buổi sáng thức dậy, chỉ cần bước ra đường, đi quanh xóm, thể nào bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp bên cạnh những hàng bún bò, bún giò, bún cá, bún riêu, là bao hàng bánh canh, bánh gói, bánh xèo, bánh căn, (một loại gần giống bánh xèo nhưng nhỏ hơn rất nhiều), bánh ướt, xôi…thậm chí có nhiều hàng bán suốt ngày, từ sáng đến chiều tối để phục vụ cho khách quen quanh xóm. Giá cả các món ăn này đều rẻ, hợp túi tiền mà nóng sốt, được phục vụ bởi những bà chủ rất thật thà với giọng nói véo von như chim hót. Ở đây có thể thường xuyên thấy cảnh chủ quán và thực khách chọc đùa nhau dân dã, hồn nhiên, vô tư bằng giọng địa phương tuy hơi khó nghe với một người phương xa tới nhưng lại rất đáng mến, tình cảm và có duyên. Dân lao động miền biển, dân “xứ nẫu” ăn nói rổn rảng, phát âm nghe méo chữ, âm điệu luyến láy bổng trầm, có thể gây ngạc nhiên cho nhiều khách lạ, nhưng chính điều đó cũng tạo thành một nét đặc thù riêng của người dân xứ này. Người Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Gia Lai có giọng nói mang màu sắc khá giống nhau tuy nặng nhẹ từng vùng hơi khác. Đến Quy Nhơn, bạn nhất định phải thử một miếng nem Chợ Huyện, vì nem chua nơi này rất nổi tiếng và có mùi vị riêng biệt không lẫn với nem chua vùng nào. Không bở, rời rạc, quá ngọt đường, nhiều tỏi ớt lại đệm nhiều bì như nem Lai Vung, nem Thủ Đức của miền Nam, không chua nhạt như nem Bắc ở Hà Nội, cũng không hề giống nem chua Huế, nem chợ huyện Quy Nhơn- Bình Định rất dai và ngọt thịt (ngọt thịt chứ không hề ngọt đường), vị chua ngọt hòa quyện tuyệt vời, dậy lên hương vị nồng nàn quyến rũ hòa hợp hết sức độc đáo đến nỗi thực khách nào đã lỡ ăn một chiếc nem chua Quy Nhơn thì sẽ cầm lòng không đậu mà nhón tay thêm chí ít là dăm ba cái nữa. Trong nem có một hạt tiêu ngon nguyên hạt tròn xoe, miếng nem đỏ hồng màu thịt chua được quấn bằng một lá ổi non. Sau này, chắc là lá ổi non không có nhiều nên người ta quấn luôn bằng lá ổi già. Có lẽ quấn lá ổi là để khi ăn một miếng nem, bạn sẽ cảm thấy được vị ngọt, vị chua, vị cay, vị chát, vị thơm hòa quyện với nhau hài hòa một cách kì lạ, đồng thời lá ổi là vị thuốc chữa đau bụng, kiết lỵ rất tốt, nên nó phòng cho những ai bụng yếu mà lại ăn đồ chua chăng? Ngoài ra, bạn cũng nên thử món bánh xèo tép nhảy của Quy Nhơn. Nó không giống món bánh xèo miền Nam to như cái chảo mà khô khốc và nhạt vị, không giống món bánh khoái Huế dày và nặng trĩu nhân bánh thập cẩm, cũng không giống món “bánh xèo miền Trung” hay được treo biển giữa Sài Gòn cứng giòn và nhầy nhụa những mỡ, bánh xèo tép nhảy của Quy Nhơn được đúc trên những chiếc khuôn đất rất bé, với lớp bột mỏng và những con tôm nhỏ rất tươi, rất ngọt thịt khiến chiếc bánh trở nên hấp dẫn đến mức một thực khách bình thường cũng có thể chén liền một mạch chục cái liền. Nếu muốn ăn gà thả vườn, bạn có thể đến quán Sáu Cao nằm ở khu Bông Hồng đối diện với đường lên khu du lịch Ghềnh Ráng (có mộ Hàn Mặc Tử). Vợ chồng cô bạn đã giới thiệu cho tôi quán này khi tôi ngỏ ý muốn mời vợ chồng bạn ăn trưa, hàn huyên. Đầu đường vào khu Bông Hồng này, tôi thấy tiệm bút lửa Dzũ Kha nằm bề thế áng ngữ, nhìn lên phía đường vào khu du lịch Ghềnh Ráng. Cách đây bốn, năm năm, “quán thơ” bút lửa Dzũ Kha này nằm trên khu du lịch Ghềnh Ráng, rất gần phía mộ Hàn Mặc Tử, lần này trở lại, tôi thấy đã có sự di chuyển vị trí rồi. Từ tiệm bút lửa Dzũ Kha đi thẳng vào khu Bông Hồng, bạn sẽ thấy núi Vũng Chua nằm rất đẹp, hữu tình ngay trước mặt tạo cho thành phố nét duyên dáng, trong lành. Quán Sáu Cao nằm trên con đường nhỏ này, và tôi rất ấn tượng với những món ăn được nấu rất ngon ở đây như món gà thả vườn hấp, nướng muối ớt, xôi bồ câu, chim cút quay…Bạn tôi nói rằng ở Quy Nhơn có nhiều quán Sáu Cao, nhưng quán Sáu Cao khu Bông Hồng này là phục vụ tốt và đầu bếp khéo tay nhất…Tối hôm đó, tôi cùng một vài người bạn cũ khác đến dùng bữa ở quán Anh Nhật Gia Viên trên đường Trần Hưng Đạo. Quán này bài trí theo lối xưa với ánh đèn vàng buồn bã, những hàng cột kèo giống hệt như cột kèo trong nhà cổ ở phố cổ Hội An – Quảng Nam. Khi thực khách vừa bước chân vào cổng quán, lập tức nhân viên ăn mặc theo lối cổ xưa sẽ đánh một hồi trống lên mặt trống trông cũng rất xưa để chào mừng và báo hiệu cho bên trong biết rằng có khách hàng mới. Quán Anh Nhật Gia Viên này phục vụ các món dân dã mát mẻ mang hơi hướng…Huế, Quảng Nam như bánh bột lọc, bánh nậm, bánh gói, bánh xèo (bánh xèo ở đây rất thơm ngon với phần nhân rất chất lượng, cũng lại khá to, chỉ ăn một vài cái bạn đã thấy ngang bụng), nhạc êm dịu, ánh sáng mờ ảo và phong cách cổ khiến nơi này rất có duyên để trở thành điểm hẹn cho những người bạn lâu ngày gặp nhau. Tôi cũng thấy vui vui khi chị bạn là giáo viên dạy Văn khen tôi rằng trông tôi chẳng khác nhiều so với cách đây bốn, năm năm, và anh bạn nhà báo còn lại cũng bảo rằng tôi đi dạy khéo có lúc bị nhầm với học trò. Dù sao thì nghe lời khen vẫn dễ chịu hơn lời chê, tuy nhiên tôi bây giờ đã khác hẳn tôi cách đây 4,5 năm. Trước đây, tôi còn như một cô bé con son rỗi, còn giờ đây, quay lại Quy Nhơn, tôi đã là mẹ của trẻ con rồi…
Những ngày ít ỏi còn lại, tôi dành nhiều thời gian để một mình ra biển, ngắm bờ biển Quy Nhơn đã gắn bó với tôi rất nhiều trong những năm tháng ấu thơ. Bờ biển Quy Nhơn giờ đã sạch sẽ, không còn rác rến bẩn thỉu như cách đây 20 năm, sát bờ biển, người ta đã mở ra một con đường mới tên gọi là đường Xuân Diệu, chạy song song với bờ biển, song song với đường Nguyễn Huệ, đi ra thẳng khu Eo Nín Thở ngày xưa. Ngày xưa, khu ấy được gọi là Eo Nín Thở là bởi vì dân chúng cứ đem rác đến đấy đổ, lâu dần, rác chất đống lên, hôi thối bay khắp một vùng, đến nỗi ai đi ngang qua cũng phải nín thở để đi qua cho mau. Cái eo biển ở đấy lại có nhiều người chết đuối, thế nên ngày đó, trong tâm trí người dân, Eo Nín Thở là cái gì đấy rất hãi hùng, gắn liền với bẩn thỉu và nguy hiểm. Giờ đây, Eo Nín Thở đã được cải tạo thành một cái công viên nhỏ nằm trong quần thể đường sá đẹp nhất thành phố, có bùng binh rẽ đi nhiều hướng: hướng lên Ghềnh Ráng để đến mộ Hàn Mặc Tử, trại phong Quy Hòa, hướng vào đường Nguyễn Huệ song song bờ biển, hướng chạy thẳng ra đại lộ Nguyễn Tất Thành – con đường to đẹp nhất thành phố Quy Nhơn, mà khi đi ban đêm, bạn dễ dàng liên tưởng tới đại lộ Nguyễn Huệ rực rỡ đèn hoa ở Sài Gòn. Đại lộ Nguyễn Tất Thành này được mở chạy qua sân bay cũ ngày xưa ở Quy Nhơn. Khi tôi còn bé, tôi nhớ cái sân bay này được bỏ hoang từ rất lâu, bên trong cỏ dại mọc đầy, mà thỉnh thoảng, bọn trẻ con chúng tôi đi học thêm lại rủ nhau đi tắt qua sân bay, có khi trời nhập nhoạng tối còn bị lạc đường, sa chân vào đám cỏ ngập ủng nước, sợ chết khiếp. Sau này, địa phương đã bỏ hẳn, xóa sổ hẳn cái sân bay từ thời chiến tranh này đi, để lấy đất mở thêm những con đường mới, trong đó có đại lộ Nguyễn Tất Thành rực rỡ đèn hoa này. Đường Nguyễn Tất Thanh này chạy dài mãi ra đến ven núi Bà Hỏa. Ngày xưa, ở chân núi Bà Hỏa có một cái bàu nước rất to. Giờ đây, người ta đã san lấp cái bàu nước này để xây đại lộ chạy qua, chỉ để lại một hồ nước nhỏ (phần còn lại của cái bàu cũ) và xây một chiếc cầu nhỏ duyên dáng nối hai đầu hồ nước lại, chính giữa xây một khu khá đẹp chuyên để này cây cảnh và hoa xuân của thành phố. Cảnh sắc ở chân núi Bà Hỏa này thật hết sức hữu tình, ngọn núi xinh xắn nằm ven hồ nước trong, ven núi là những ngôi nhà dân xây lưng lửng lưng chừng núi. Tôi cảm thấy thành phố Quy Nhơn thật xinh đẹp, duyên dáng, với một bên thì tựa lưng vào núi, một bên lại nhìn ra biển. Biển Quy Nhơn có nét đặc sắc khác hẳn biển Long Hải, biển Vũng Tàu, biển Nha Trang, biển Đà Nẵng…ở chỗ nó vẫn còn đời sống dân chài hết sức bình dị, thanh bình, nằm tự nhiên ở ngay mặt tiền biển thành phố. Đứng ở bờ biển, bạn sẽ cảm thấy thú vị vô cùng khi ngắm cơ man những chiếc thuyền đánh cá nằm san sát nhau ở biển gần bờ, những chiếc chòi biển bé nhỏ “chiếc nôi hứng gió, cửa ngó biển khơi” nằm rải rác bên cạnh những chiếc lưới có 4 trụ cắm sâu xuống biển được gọi là cái rớ (hay cái nhá). Tôi đã đứng hàng giờ liền ở bờ biển để ngắm những chiếc chòi biển bé nhỏ này. Ngồi chênh vênh trên chòi là những người đàn ông dân chài đang cặm cụi mưu sinh, họ quay cần cho 4 trụ của cái rớ hạ xuống, lưới được hạ thấp xuống dưới mặt nước biển cho cá vào. Khoảng mười lăm phút sau, họ lại quay cần cho 4 trụ thẳng lên, chiếc rớ được nâng hẳn lên khỏi mặt nước, đấy là lúc họ rời chiếc chòi biển, leo xống chiếc thuyền thúng nổi bập bềnh được phủ bằng lớp dầu rái cho khỏi thấm nước, chèo bằng tay từ hướng chòi biển ra tấm lưới của cái rớ xa xa để lượm cá vào thúng, mang về chòi. Tôi đứng hàng giờ nhưng thấy rằng rất nhiều lần họ bơi ra, bơi vào mà chẳng lượm được con cá nào, thế nhưng họ rất kiên nhẫn chờ đợi, lại quay lên quay xuống cái cần để hạ lưới xuống và nhấc lưới lên bắt cá. Đúng là mưu sinh vô cùng vất vả. Khách phương xa đến thì thấy thú vị, ngắm nhìn, trầm trồ, nhưng bản thân người lao động ngồi vắt vẻo trên chiếc chòi biển, vật lộn với sóng nước để bơi ra bơi vào trên chiếc thuyền thúng giữa chòi biển với chiếc lưới, trông từng con cá một như thế, hẳn chỉ thấy nhọc nhằn, vất vả, chẳng sung sướng gì. Tôi thoáng giật mình khi nhìn kĩ, những chiếc lưới kia có mắt lưới rất dày, dày đến nỗi chắc chắn sẽ không bỏ sót bất cứ một con cá nào, dù là cá rất bé đã lỡ chui vào lưới. Nước ta chưa thấy quy định rõ về độ to của mắt lưới đối với hoạt động của dân chài. Cứ cái đà mười lăm phút lại kéo lưới một lần, và mắt lưới thì dày như thế, rõ ràng càng ngày cá càng cạn kiệt, nguồn tài nguyên biển không phải là vô tận… Khí hậu biến đổi, thiên nhiên biến đổi…Con người ngày càng phải trả giá về những hoạt động vô ý thức, tàn phá tận diệt tự nhiên của mình. Một trong những bằng chứng về hậu quả đó, có thể thấy ngay ở biển Quy Nhơn, cách đây vài năm, do môi trường biển bị biến đổi mà cá mập loại nhỏ hết thức ăn ngoài khơi xa, đã vào tấn công cắn luôn người dân tắm biển ven bờ. Bây giờ đến Quy Nhơn, bạn có thể thấy bờ biển Quy Nhơn đã được nhà chức trách cho vây lưới dọc theo bờ biển, cách bờ tầm trên dưới vài chục thước, đấy là giới hạn để người tắm biển không bơi ra xa, và cá mập loại nhỏ bị vướng lưới sẽ không thể bơi vào sát gần bờ. Bờ biển Quy Nhơn bây giờ rất sạch đẹp, thanh bình với hình ảnh nhiều người dân chài ngồi đan lưới ngay trên bờ biển, những thanh niên đá bóng hoặc chơi bóng chuyền ở bãi cát và những đứa trẻ con được người thân dắt đi chơi vào những buổi chiều tà…Bờ biển Quy Nhơn cũng đã được xây kè lấn biển, tuy nhiên, có những đoạn kè không hiểu vì sao mà chưa chi đã sụt lở lam nham. Cô bạn tôi đùa rằng chắc nó đã bị rút bớt ruột đi rồi nên mới đâm ra như thế.
Lần này về Quy Nhơn, tôi không lên mộ Hàn Mặc Tử và trại phong Quy Hòa ở khu Ghềnh Ráng như những lần trước mà cùng vợ chồng cô bạn sang thăm khu Nhơn Hội, đi qua cầu Nhơn Hội – cây cầu dài nhất Việt Nam. Đó là khu ngoại ô mới mở của thành phố, cách khá xa trung tâm thành phố, phải đi mất bốn mươi lăm phút bằng xe máy qua cầu Nhơn Hội bắc ngang đầm Thị Nại. Đầm Thị Nại rộng đến nỗi cây cầu bắc qua nó dài hun hút, đi ở đầu này không thể nào nhìn thấy đầu kia, có cảm giác như cây cầu bắc qua biển cả vậy. Quả thật, nếu không đi cùng vợ chồng cô bạn, có lẽ tôi không có can đảm để đi qua cây cầu ấy một mình, vì nó vừa hoang vắng, vừa rộng và dài hun hút với những cơn gió dữ quật rít lên bên tai, lại như cheo veo giữa biển cả mênh mông, có thể khiến cho một tay lái yếu bóng vía không đủ can đảm để một mình vượt qua hết cái cầu để sang bên bờ kia là khu Nhơn Hội. Khu Nhơn Hội được quy hoạch khá bài bản nhưng còn rất hoang vu, hầu như rất ít người ở, và chưa hề được khai thác du lịch. Vợ chồng cô bạn tôi có mua một miếng đất bên khu này vì hi vọng rằng trong tương lai, khu Nhơn Hội đã và sẽ được nước ngoài đầu tư, sẽ phát triển sầm uất lên và vợ chồng cô ấy sẽ ở ngoại ô nhưng đi làm trong trung tâm thành phố bằng ô-tô.
Rời Quy Nhơn, tôi về huyện lị Hoài Nhơn cách Quy Nhơn chừng bốn giờ đi bằng ô-tô vì một lí do rất riêng tư. Ở đây, tôi nhận thấy, cuộc sống của người nông dân ngày càng khá hơn, đã có nhiều nhà xây nhà đúc khang trang với kiểu dáng đẹp như nhà phố. Đường sá nông thôn có nhiều đường đã đổ bê-tông, ít đường thôn còn bị sình lầy. Tất niên cuối năm, cúng rước ông bà, có nhiều nhà mổ cả một con heo, thậm chí có nhà còn mổ cả một con bò, bên cạnh gà, vịt… Họ thức suốt đêm để nấu cỗ, nhà này sang nấu giúp nhà kia với giá nhân công hết sức “tình cảm”, mỗi người giúp nấu một bữa cỗ chỉ nhận công năm chục ngàn đồng. Một bữa cỗ ở nông thôn Bình Định có khoảng chừng 5,6 người làm bếp suốt ngày và thâu đêm để chuẩn bị cho buổi mời khách chính thức. Một chú ở quê nói với tôi rằng, ở đây, nhà nào cũng một năm ít nhất một lần phải làm cỗ lớn để mời cả thôn, như một hình thức bù khú giao lưu gắn bó tình làng nghĩa xóm, lại cũng như một kiểu “trả nợ miệng”, vì người nào cũng đi ăn cỗ giáp vòng ở nhà mọi người trong thôn, thì tới lúc cũng phải làm một cỗ mời lại mọi người trong năm, cỗ ấy có thể là cỗ tất niên, hoặc đám giỗ một người thân trong năm, có khi là đám cưới… Do đó, người dân nơi đây “quanh năm đi ăn cỗ”, bận rộn với việc đi ăn cỗ vừa như một thú vui, vừa như một nghĩa vụ. Tuy nhiên, tôi nhận thấy khách quan mà nói thì cỗ tiệc ở nông thôn miền trung không ngon bằng cỗ tiệc ở nông thôn miền Bắc, chẳng hạn như món nem (trong nam gọi là chả giò) thì miền trung gọi là ram, món ram miền trung rất khô với rất ít nhân, nhân sơ sài, khô cứng, và cách nêm nếm chế biến các món ăn khác quả thực cũng không hấp dẫn lắm đối với những người có gu ẩm thực tinh tế. Tuy nhiên, cách mọi người giao lưu, cụng ly, trò chuyện với nhau thì hết sức thân thiện, cởi mở chân tình và ấm áp tình thân, và nếu là đám giỗ thì sau khi tan tiệc, trước khi về, mỗi người khách nhất định sẽ được gia chủ trao tận tay một gói “quà cỗ” nào đó mang về làm quà cho người thân ở nhà, thông thường là một ít bánh trái, mà thông dụng nhất là bánh ít lá gai – món bánh thường không được làm hằng ngày để ăn mà chỉ làm vào dịp giỗ quảy, khi nhà có đám. Bánh ít lá gai cũng là một món đặc sản của Bình Định. Món bánh ít được làm rất cầu kì, tốn nhiều công sức. Lá gai hái về phải rửa thật sạch, luộc thật kĩ, tuốt bỏ gân lá, để thật khô nước rồi đem giã nhuyễn ra, quết bằng chày tay cùng bột làm bằng gạo nếp ngon, nhào thật kỹ cho dẻo, nặn bánh, bánh hấp lên sẽ có màu đen tuyền óng ánh và vị thơm ngon đặc trưng của lá gai, nhân bánh có thể làm bằng dừa nạo sên với đường hoặc bằng đậu xanh ngào đường giã nhuyễn, hoặc trộn cả dừa và đậu xanh, tùy gu của từng nhà. Bánh được gói bằng lá chuối, tạo hình giống như hình tháp. Có lẽ vì thế mà ở Tuy Phước- Bình Định có cái tháp Chàm được gọi tên là tháp Bánh Ít chăng? Tôi còn nhớ bà ngoại tôi ngày xưa còn phơi lá gai thành lá gai khô để dành làm bánh trong những mùa không có lá gai tươi. Bánh ít lá gai trở thành món ăn thuộc và thân thương của người Bình Định, đến nỗi Bình Định có câu ca dao rằng: “Muốn ăn bánh ít lá gai/ Lấy chồng Bình Định sợ dài đường đi”… Bồng Sơn là thị trấn của huyện Hoài Nhơn, nằm ven con sông Lại Giang vốn hay bị nước dâng mùa lũ. Giờ đây, sông Lại Giang đã được xây bờ đê hết sức kiên cố nhờ một dự án tài trợ của Pháp, do đó, người dân không còn phải lo lắng mỗi khi mùa mưa về. Bờ đê lại trở thành nơi người dân có thể bày chút hàng kinh doanh ăn uống, cà phê, phục vụ khách thanh niên nam nữ hẹn hò nhau ra bờ đê hóng mát vào chiều tối…
Ngày xưa, Bình Định và Quảng Ngãi được ghép chung với tên gọi là tỉnh Nghĩa Bình. Sau này chia tỉnh, tên Nghĩa Bình bị mất đi, Bình Định đứng độc lập là một tỉnh riêng, nhưng không hiểu vì sao, tôi vẫn cứ thích cái tên Nghĩa Bình đầy thân thuộc. Rời Bình Định, quay lại Sài Gòn, lòng tôi tự nhiên cứ rưng rưng văng vẳng lên lời hát của bài hát “Đi tìm người hát Lý thương nhau” – bài hát thân thương hát về mảnh đất Nghĩa Bình, về con gái Nghĩa Bình mà thuở bé tôi rất thích qua giọng hát tha thiết của nghệ sỹ nhân dân Thu Hiền :
Thương nhau tình thắm ối a nghĩa nồng
Nghe câu hát anh đi tìm, đi tìm người hát
câu hát lý thương nhau.
Anh ra vườn đào em đã sang đồng mía.
Anh lên rừng quế em lại đến nương dâu.
Anh đi tìm em... Em ở phương nào?
Anh thăm vườn dừa, dừa xum xuê trái.
Đưa tay anh hái, nhưng mãi đợi chờ ai...
Anh xuống đồng sâu em lại lên ruộng cạn.
Anh đi tìm bạn, bạn còn đi xa...
Như ong tìm hoa... hoa nở phương nào ?
Để lòng anh mong,
để lòng anh nhớ, anh thương em như thế...
Hỡi cô gái Nghĩa Bình !
Bốn mùa trồng cây, bốn mùa em hái quả.
Dầu bao vất vả mà em vẫn hát...
câu hát lý thương nhau.
Mà em vẫn hát... câu hát lý thương nhau.
Tiếng hát quê hương, tiếng hát ân tình,
Tiếng hát Nghĩa Bình ơi biết mấy..... yêu thương!