Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      


Tranh của họa sĩ Alix Aymé

NGƯỢC GIÓ



C ô Thu là chủ một tiệm buôn xe đạp ở thị Trấn Long Sơn. Vài chục chiếc xe đạp mới, dăm ba chiếc xe đạp cũ, một tủ kính bày bán đủ thứ phụ tùng từ khung, vành, lốp ruột đến bi, căm… và một người thợ sẵn sàng ra tay từ vá lốp đến đại tu, chừng ấy đủ làm cho cô trở thành một bà chủ tầm cỡ ở cái thị trấn mà hơn nửa cư dân còn đi xe đạp này. Thu đã có thằng con lớn sắp đi nghĩa vụ quân sự, nhưng trông còn trẻ vì biết cách ăn mặc và trang điểm. Bộ quần áo đúng mốt, mặt lúc nào cũng hồng tí phấn, môi lúc nào cũng đỏ tí son, nói năng lịch sự, ngọt ngào… làm Lễ thấy vui vui ngay lần đầu tiếp xúc. Thu chỉ vào một chiếc xe đạp mini cũ mầu đỏ còn nghiêm chỉnh, nói với Lễ :

-Đây là xe của em đó ! Em quý anh nên đành phải để cho anh, chứ em tiếc lắm…

Đúng là chiếc xe còn tốt thật mặc dầu mầu sơn đã cũ, chiếc này hợp với bé Hường lắm đây, Lễ thầm bằng lòng nhưng cũng kỳ kèo :

-Xe cũ mục rồi mà em còn tính cho anh đến hai trăm rưởi, sửa sang xong thành ba trăm, đắt quá, , anh làm sao mua nổi ?

-Anh là dân có tiền, bớt chi em tội nghiệp ! Em sẽ cho thợ sửa đàng hoàng mấy chiếc kia của anh và nếu cần thiết, thợ sẽ đến nơi chỉnh sửa cho vừa tầm tụi nhỏ, không tính tiền nữa được chưa ?

Tưởng tượng hình ảnh con bé Hường ngồi lên chiếc mini này, cái cặp-táp để trên chiếc giỏ phía trước, đôi mắt sáng trên khuôn mặt rạng rỡ đến trường, Lễ bằng lòng mua chiếc xe sau khi yêu cầu Thu sơn lại một nước sơn đỏ “ cho trẻ con nó thích “.

Long Sơn là một thị trấn nhỏ nằm ven biển. Trước đây, khu dân cư tập trung ở thị trấn gần biển vì dân chúng chuyên làm nghề biển. Sau khi dời cơ quan Huyện về đây, Long Sơn hình thành một khu đô thị mới, gần quốc lộ. Những dãy nhà cơ quan vừa được xây mới, trệt có, lầu có, mầu sơn còn tươi rói. Rồi người ta làm một đoạn đường rộng hai chiều, bắt đèn cao áp, trồng cây, trồng hoa trên cát…làm cho Long Sơn sang trọng, hiện đại hơn, còn dân “gốc” vẫn tập trung ở khu thị trấn cũ, với những dãy phố trệt lâu đời, với ngôi chợ bỏ hoang, với những miếu thành hoàng, thổ địa thiếu hương khói… Đường nhựa, đèn điện và những dự án còn trong dạng tin đồn làm cho vùng đất toàn cát, đầy xương rồng, thầu dầu tía này trở nên có giá. Ngư dân không có điều kiện ra xa bờ, đánh bắt lanh quanh biển nhà nên đời sống không khá mấy, một số bung tiền mua đất ở khu chợ mới để buôn bán, còn một số đi khai hoang tận cái xã xa trong núi . Gia đình bé Hường thuộc diện “kinh tế mới tự phát” ấy. Cha mẹ Hường chưa đến năm mươi tuổi, một bầy con bảy đứa. Không sống nổi với nghề cá, cả nhà dắt nhau vào Ba Động, một vùng đất hoang hoá, phá rừng làm rẫy. Hường là đứa thứ sáu trong nhà, mười hai tuổi, học lớp sáu nhưng người bé tí. Không có hộ khẩu ở Ba Động nên hằng ngày cô bé phải về học ở Long Sơn. Hường phải ăn trưa trước 9 giờ sáng, rồi đi bộ ra Long Sơn, 1 giờ chiều vào lớp, 5 giờ chiều tan học, về đến nhà khoảng 9 giờ tối…

Lễ về làm việc ở khu vực này gần 2 năm. Cơ quan của Lễ nằm cách Long Sơn hơn 7 cây số. Xa nhà, Lễ ăn cơm trưa ở cơ quan cùng với mọi người , buổi chiều tự túc. Trong phòng Lễ có đủ dụng cụ nấu ăn từ nồi cơm đến bếp điện, nhưng một mình ngại nấu nướng, Lể thường xuống thị trấn ăn chiều và mua báo luôn thể. Một lần, sau khi ăn xong đi về,Lễ chạy xe chầm chậm dọc Quốc lộ , gặp một số học sinh tan học, chúng vẩy tay đón xe để đi nhờ. Xe qua lố những đứa đi trước, Lễ mới dừng lại với đứa bé cuối cùng. Cô bé chạy đến bên xe Lễ mừng rỡ :

-Chú cho cháu đi “ quá giang” với !

-Cháu đi về đâu ?

Nghe Lễ hỏi cô bé chỉ về hướng trước mặt. Thấy cô bé không nói gì, Lễ gợi chuyện :

-Đói bụng hay sao mà đi chậm thế cháu ?

Cô bé lẵng lặng leo lên xe Lễ, sau này khi hai chú cháu “tâm sự” Lễ mới biết cô bé đói thật. Xe chạy được khoảng 3 cây số, cô bé đập vào lưng Lễ :

-Chú ! cho cháu xuống!

Xe dừng lại giữa đường, chẳng có xóm làng, nhà cửa gì cả, Lễ hỏi :

-Nhà cháu ở chỗ nào ?

Chỉ về hướng tây, nơi có những ngọn núi mờ mờ, cô bé trả lời :

-Nhà cháu ở trong ấy chú ạ .

-Vậy thì chú cháu mình đi tiếp, chú muốn đưa cháu về tận nhà cơ mà !

Lễ chở cô bé đi tiếp. Hết khoảng 20 phút trên đường cấp phối, qua mấy vạt ruộng khô, những khu nhà cửa có trồng rau, dưa… đến một cây cầu khỉ, cô bé chỉ nhà mình ở trong xóm núi, khoanh tay cảm ơn Lễ rồi chú cháu chia tạy. Qua câu chuyện dọc đường, Lễ mới biết được tên tuổi và hoàn cảnh gia đình của bé Hường. Khi Lễ hỏi :” Sao cháu không đi xe đạp cho nhanh ?” được nghe cô bé trả lời và Lễ mới biết gia đình 9 người vừa lớn, vừa nhỏ của Hường chỉ có một chiếc xe đạp, nên cô bé đành đi bộ, mỗi ngày mất 8 tiếng đồng hồ đi về. Trời ơi ! Lễ kêu thầm, ngày xưa ở quê, cả làng chỉ có mỗi mình Lễ học hết tiểu học vì trường xa, nhưng từ nhà đến trường, Lễ đi chưa hết 2 tiếng. Còn bây giờ, năm thứ hai của thế kỷ 21, bé Hường phải đi bộ mất 4 tiếng ! Điều này thúc dục Lễ quyết tâm thực hiện một “ chương trình xe đạp” để giúp các cháu. Bé Hường học lớp 6A1 trường Long Sơn 2, khuôn mặt trái xoan, mũi cao, mắt một mí nhưng sáng và có vẻ thông minh…Con bé còn giống hệt đứa cháu đang học lớp bốn của mình, đó cũng là một lý do thôi thúc Lễ giúp đỡ đám nhỏ. Sau đó, Lễ đã đến trường của Hường, nói ý định của mình với ban giám Hiệu và xin nhà trường chuyển giúp những chiếc xe đạp cũ cho các học sinh xóm Ba Động.
Một chiếc xe đạp cho bé Hường, chuyện ấy không khó, nhưng còn mười mấy đứa kia? Suy nghĩ mãi Lễ mới quyết định mua xe đạp cũ. Đợt đầu, Lễ nhờ người bạn ở Sài Gòn mua được 10 chiếc, tám chục có, một trăm có… chưa có chiếc nào quá một trăm rưởi ngàn, từ một chợ xe đạp cũ ở Bình Thạnh. Lễ nhờ xe bán hàng của cơ quan chở về, và chỗ Thu là xưởng sửa chữa, cái thay lốp, cái thay giò đạp, cái thay yên, cái làm thắng… cho Lễ. Mỗi chiếc xe hoàn chỉnh của Lễ chưa quá hai trăm ngàn, mới bằng ¼ chiếc xe đạp mới. Lễ sung sướng với sự tính toán của mình, nhưng phải có cho Hường một chiếc đàng hoàng thích hợp với vóc dáng của cô bé. Thế là bà chủ Thu tìm một chiếc mini đúng theo yêu cầu của Lễ…


Lan lượn một vòng rồi dừng xe ngay trước cửa phòng làm việc, vừa lau mồ hôi vừa quạt, đến trước mặt Lễ :

-Chú ! Xong rồi. Người ta hỏi chú quá chừng mà cháu chẳng biết nói làm sao!

-Vậy Lan nói làm sao ?

-Thì cháu nói như chú dặn vậy.

-Nghĩa là …

-Nghĩa là chú làm nghề đào hồ tôm, ở khu vực xóm cháu, nhờ cháu đem mười hai chiếc xe đạp đến Long Sơn 2 như chú và thầy Danh, hiệu trưởng đã thống nhất tuần trước.

-Vậy là ổn rồi. Thế có bị họ chê cũ, chê xấu không ?

-Không dám đâu ! Khi cháu vừa đến, đã có mấy thầy cô chủ nhiệm chờ sẵn và thầy Danh phân phối luôn tại chỗ.

Họ vui và mừng lắm chú ạ ! Họ nói chắc ông Lễ giàu có lắm mới cho một lúc mười mấy chiếc xe như thế này.

-Đúng rồi, giàu lắm ! Mấy chiếc xe đạp cũ giá trị lắm ! nên tôi đã nghỉ đàn đúm , bỏ thuốc lá “con mèo” mà hút “Era” hai tháng nay đó cô. Mà Lan này ! cháu có dặn thầy Danh về chiếc xe mini không ?

-Dạ có ạ ! Hường lớp 6A1, nhà trong Ba Động chứ gì ?

-Đúng rồi ! Chú cảm ơn cháu, Đó là nhân vật làm cho chú có ý tưởng “ Chương trình xe đạp” đó. Công việc này chỉ có chú cháu mình biết thôi đấy nhé ! Đừng cho ai biết kỳ lắm…

-Được rồi, chú yên chí. À ! thầy Danh có gởi chú cái thư cho chú đây này.

Vưa nói Lan vừa đưa cho Lễ bức thư của Trường Phổ Thông cơ sở Long Sơn 2, do thầy Danh hiệu trưởng gởi. Ngoài thư cảm ơn và mời Lễ đầu tuần tới có mặt ở trường để làm lễ chuyển giao số xe đạp đến tận tay phụ huynh học sinh ở Ba Động, còn có Giấy Biên nhận số xe đạp của Chủ Tịch Công Đoàn nhà trường và cô giáo Tổng Phụ Trách Đội Thiếu Niên Tiền phong nữa. Thế này thì to chuyện rồi ! Cách làm việc kỹ lưỡng của Ban Giám Hiệu Long Sơn 2 là đúng nhưng cũng nặng phần nghi thức quá ! Lễ nghĩ thầm…

Lễ nhấc điện thoại khi chuông réo đến 3 hồi :

-A lô ! Dạ có phải số máy của anh Lễ không ạ ? Làm ơn cho tôi gặp anh Lễ ạ .

-A lô ! Vâng tôi là Lễ đây, xin lỗi tôi đang tiếp chuyện với ai đấy ạ ?

-Em là Thuỷ, Tổng Phụ Trách Đội ở Long Sơn 2 đây . Chúng em đã nhận đủ số xe của anh tặng, do em Lan đưa đến sáng nay. Thật là mừng anh ạ ! Chúng em rất cảm ơn anh…

-Các thầy cô cám ơn tôi nhiều quá, coi chừng công việc tôi làm mất hết ý nghĩa đó !

-Không đâu anh , Có ý nghĩa lắm chứ ! Trường đã làm giấy mời các phụ huynh ở Ba Động, thứ hai này chúng em làm lễ bàn giao 12 chiếc xe đạp. Anh Danh, Hiệu Trưởng gởi anh Giấy mời, chắc anh đã nhận rồi chứ ạ ? Chúng em cũng thật lòng muốn mời anh có mặt hôm ấy. Anh nhớ đến nhé !

Nghĩ đến cảnh “ kính chào “, kính thưa “…, Lễ vội thoái thác :

-Thứ hai này thì tôi kẹt rồi cô giáo ạ, tôi phải đi thành phố có việc nên không thể có mặt cùng các thầy cô được. Vậy cô nói dùm với thầy Danh và quý thầy cô là nội dung đã thống nhất rồi, nhà trường cứ thế mà làm, hôm nào tiện, tôi sẽ đến thăm sức khoẻ quý thầy cô sau vậy…

Chứng kiến suốt cuộc điện đàm của tôi, Lan trêu :

-Chú mà cũng nói xạo ghê nghe !

-Chú xạo bao giờ ?

-Thì chú làm cán bộ ở đây mà nói với Thầy Danh là làm việc ở dưới khu hồ tôm. Lại còn “ai thuê đâu đào đó”ù nữa chứ ! Hôm nay lại bịa “tuần tới tôi phải đi thành phố “. Lịch làm việc tuần tới của chú, cháu đã “mail” cho tổng công ty và các bộ phận khác rồi , cháu còn lạ gì. Vậy là cháu thấy quả tang chú nói không đúng sự thật rồi nhé !

Đúng là Lễ có bịa thật. Lan là nhân viên văn phòng của Lễ, biết hết công việc cơ quan rồi. Lan trẻ trung, nhanh nhẹn, tính tình tử tế, đã có mặt từ lúc Lễ vừa về quan và được Lễ quý mến, tin tưởng như một người bạn nhỏ hay đúng hơn là con cháu ruột thịt nên mới nhờ Lan giao dịch với Long Sơn 2. Nghe Lan phê bình, Lễ phân trần :

-Chú đã nói với thầy Danh cứ việc chuyển giao cho đúng các cháu ở Ba Động là được, có dăm chiếc xe đạo cũ, đáng gì đâu mà phải “Tổ Quốc ghi công” cho thêm phiền !

Lan phản đối :

-Không đáng gì á ! Mấy lần cháu lên xuống chỗ cô Thu, hôm nay gọi xe ba gác chở đến trường, giữ cho xe đừng bị móp méo gì, rồi giao nhận nữa, đổ bao nhiêu mồ hô, mà chú bảo không đáng gì?

-Thôi, chú biết rồi ! cháu “vĩ đại” lắm ! Thay mặt nhà trường và các bạn nhỏ ở Ba Động, tôi xin cảm ơn cám ơn cô Lan, “con ông chủ hồ tôm”, được chưa ?


Một cú điện thoại. Số máy từ trường Long Sơn 2, nơi mà thời gian qua, thỉnh thoảng Lễ nhận được những cú điện thoại và lúc nào chàng cũng trao đổi với một thái độ trân trọng vì Lễ thương ngôi trường và những người đang hết lòng với đám học trò của mình. Cùng một thị trấn mà cư dân hầu hết đều còn nghèo khó, nhưng Long Sơn 2 khác Long Sơn 1. Long Sơn 1 là trường điểm, nơi tập trung những học sinh xuất thân là con nhà quan chức, chủ doanh nghiệp giàu có, là nơi hưởng được mọi sự ưu đãi. Có lần thầy Danh tâm sự với Lễ :” tiếng là trường được qui hoạch theo địa bàn dân cư, nhưng anh thấy đó, mấy người giàu có ở khu vực này đều tranh thủ gởi con vào trường điểm, họ nghĩ nó danh giá! ”. Quả thật ở Long Sơn 1 không thiếu cái gì, từ thư viện, phòng máy tính, đến mầu sơn tường, cửa kính, đến quạt trần, nước uống… đều được chăm chút đầy đủ và hiện đại, nó là trường “ ăn nói” của Phòng giáo dục, của Huyện mà ! Hình như cái phúc lợi thầy cô giáo ở Long Sơn 1 cũng nhiều hơn ! Đầu giây bên kia là Cô giáo Thuỷ, Tổng phụ trách đội :

-Hôm qua anh Lễ không đến mà xem phụ huynh học sinh trường em “ biểu tình”.

-Có gì mà “ biểu tình” ghê vậy, cô giáo ?

-Anh biết không, ở Ba Động còn thiếu một chiếc mà thành hai, tụi em “ghi nợ” chờ anh giải quyết đó.

-Sao thiếu một chiếc thành hai, lại còn “ghi nợ” là sao ?

-Học trò Ba Động có mười ba đứa, anh cho chỉ cho mười hai xe, không thiếu là gì ? Lúc chúng em mang xe ra tính trao cho Ba Động thì có một bà phụ huynh ở xóm Dốc Cát xông ra, không biết làm sao không mời mà bà ấy cũng biết mà đến, dành lấy một chiếc vì thằng bé con bà đang học lớp 6 như mấy đứa Ba Động nhưng nhà bà ta lại xa hơn Ba Động, mỗi ngày con bà phải ra Quốc lộ đón xe máy, xe thô sơ, xe khách và cả xe tải… đến trường.

-Thế là thầy Danh và các thầy cô đành chịu thua bà ấy ?

-Không thể nào làm khác được anh ạ ! Gia đình bà khó khăn thật sự, hai vợ chồng đang làm nghề chăn bò thuê ở Dốc Cát. Đó là một vùng toàn những động cát, hai vợ chồng và hai đứa con cùng ở tại chuồng bò. Em Sơn là con trai lớn, thằng bé học giỏi và rất chịu kho,ù mỗi ngày, em đều ra quốc lộ đón xe di nhờ đến trường, một đoạn đường dù là đường nhựa nhưng xa không kém các em ở Ba Động đâu anh !

-Nghe cách cô nói tôi biết cô và qúy vị dưới trường đã đồng tình với mẹ Sơn rồi ?

Thuỷ cười trong máy và rất dịu dàng :

-Chúng em không thể từ chối được, khi có một số em ở Ba Động, kể cả em Hường cũng muốn nhường phần mình cho Sơn. Thương lắm anh ạ !

Cách nói của Thuỷ thể hiện một tình cảm đầy yêu thương đến những đứa học trò nghèo khó của mình, hơn nữa cô lại nhắc đến bé Hường với tấm lòng cao quý của nó, làm Lễ không thể từ chối được. Lễ nhẩm tính về “ khả năng kinh tế” của mình và trả lời Thủy ngay :

-Được rồi ! Cô nói với thầy Danh và các thầy cô rằng tôi sê cố gắng thanh toán cái phần mà quý thấy cô đã “ ghi nợ “ cho tôi, nhé !

Lễ nghe cả nỗi mừng của cô giáo Thuỷ trong câu cám ơn khi chấm dứt cuộc điện đàm.

Lần này chỉ năm, bảy chiếc và cần trong một thời gian ngắn nên Lễ nhờ Thu mua giúp xe cũ về sửa chữa, nâng cấp hoàn chỉnh cho tiện, dĩ nhiên mỗi chiếc sẽ không vượt quá mức hai trăm ngàn đồng. Khi đến dặt vấn đề, Thu ý kiến ngay :

-Em sẽ lo cho anh chậm nhất là một tuần sẽ xong, 7 chiếc nhé ! Bây giờ anh ứng trước cho em nửa triệu đi, phần còn lại anh sẽ thanh toàn nốt khi nhận đủ xe !

Trong túi còn chưa quá một trăm ngàn, chỉ còn cách trông vào tháng lương tới, Lễ hoãn binh :

-Hai tuần cũng được cô Thu ạ, không cần nhanh đâu ! làm từ từ cho nó chắc chắn chứ mấy đứa cháu của tôi nó chạy ẩu lắm ! Để hôm nào tôi nhận được tiền chúng nó tôi sẽ thanh toán đủ cho cô, không cần phải đến hạn đâu ! Cô chủ tiệm vừa mời Lễ ly nước đá vừa cười :

-Nói vậy chứ em biết đám cháu của anh rồi, chúng nó ở Trường Long Sơn 2 chứ đâu ! Anh xài sang thế mà cứ hà tiện với em hoài, hôm nọ em còn mất nửa công thợ để “ nâng yên, hạ yên” cho con cháu của anh nữa đó.

-Tôi thầu cung cấp xe đạp cũ trả chậm ấy mà. Bên A hơi khó khăn nên cô cũng phải thông cảm để giúp tôi hoàn thành kế hoạch chứ.

-Em là phụ huynh học sinh Long Sơn 2 đấy.

Cô Thu nói với theo, khi Lễ từ giã tiệm xe đạp. Hoá ra cô Thu có con học ở Long Sơn 2. Lan cũng từng là học trò Long Sơn 2. Lan nghỉ học khi vừa xong Tú Tài để đi làm ở chỗ Lễ, nhưng quan hệ thầy trò của Lan vẫn sâu nặng . Lễ nghĩ đến các thầy cô và cái trường quê ngày xưa của mình, Anh cảm thấy mình làm đúng khi đã hết lòng với Long Sơn 2.


Thầy Danh trực tiếp đến nhà Lan gởi giấy, rồi sau đó còn có một cuộc điện thoại mời Lễ dự lễ sơ kết học kỳ I của Long Sơn 2. Nhằm ngày Chủ nhật nên Lễ không có lý do gì từ chối, với lại Lễ thấy mình cũng nên gặp gỡ các thầy cô ở Long Sơn 2, biết đâu lại có những điều thú vị, ví dụ như cuộc gặp gỡ ngẫu nhiên với bé Hường…
Trường Long Sơn 2 là ngôi trường cấp 2 lâu năm nhất thị trấn. Ngôi thánh đường chữ nghĩa của biết bao thế hệ trẻ tuổi ở thị trấn này, hiện đã xuống cấp thấy rõ. Cái kiến trúc mỗi dãy nhà ngói hai mái, dài đến 10 phòng, thời gian hai mươi năm qua làm cho nó đều giống nhau : tường vàng đã xỉn mầu, mái ngói võng xuống, rêu phủ lỗ chỗ mảng xanh, mảng đen, cửa kính có nhiều chỗ đóng bằng cát-tông…Văn phòng là một phòng học được kê bàn ghế, dụng cụ làm việc. Bàn Hiệu Trưởng ở đầu dãy, dãy bàn dài giữa phòng là nơi hội họp, gặp gỡ của các thầy cô, của hội đồng giáo dục, của công đoàn nhà trường, của hội phụ huynh học sinh… Hai chiếc tủ hồ sơ che hết một mảng tường, còn lại là những cờ lưu niệm, giấy khen và hình ảnh hoạt động. Ở đó còn có một tấm ảnh có bà Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục chụp kỷ niệm với thầy cô giáo vào năm 1985, nằm phía dưới ảnh Bác Hồ và Cờ Tổ quốc. Nghe nói Long Sơn 2 đã có kế hoạch sửa chữa từ hai niên khoá trước, đến bây giờ vẫn vậy !
Một phòng học sát Văn phòng được thiết kế làm hội trường. Một lẳng hoa tươi, thật đẹp bên cạnh tượng Bác Hồ dưới lá cờ Tổ Quốc. Từ phông màn đến khăn phủ bàn đều một mầu xanh lá cây làm hội trường sang trọng và trang nghiêm hẳn lên, chắc mọi người đã mất cả ngày trước để bài trí, trang hoàng…

Buổi lễ có đại diện Phòng Giáo Dục, có Ban Chấp Hành Hội phụ Huynh học sinh, có Đại Diện Hội Phụ Nữ và Hội Chữ Thập Đỏ Thị Trấn. Lễ xin ngồi cùng cánh Chữ Thập Đỏ là nhà Tài trợ thường xuyên cho trường và theo yêu cầu của mình, Lễ được giới thiệu như một thành viên của Chữ Thập đỏ. Tuy vậy, mọi người tỏ ra đặc biệt hơn đối với Lễ. Cô giáo Thuỷ dịu dàng trong chiếc áo dài xanh, hướng dẫn đội nghi thức làm lễ và điều hành hội nghị. Thuỷ hôm nay như xinh đẹp hẳn ra và có vẻ xúc động ! Điều ngạc nhiên hơn nữa là Thu, bà chủ tiệm xe đạp là một thành viên trong Ban chấp hành Hội Phụ Huynh học sinh Long Sơn 2, chả nào có lúc Lễ đã nghe Thu nói :” Em là phụ huynh học sinh Long Sơn 2…”. Người nào báo cáo thì báo cáo, người nào phát biểu chỉ đạo thì chỉ đạo, sau đó bàn đến phần chống dột cho mùa mưa sắp tới, mười mấy cái quạt trần không hoạt động… Làm không khí sôi động hẳn lên. Lễ bị thầy Danh trịnh trọng giới thiệu như một nhà Mạnh Thường Quân đã hỗ trợ cho các em ở Ba Động và Dốc Cát trong chương trình xe đạp. “Nhưng mà xe đạp…cũ” ! Lễ đã ghé vào tai cô giáo Thuỷ nói câu ấy làm cho Thuỷ phản đối kịch liệt :” Cũ ! Nhưng đã có ai để ý nó ngoài anh đâu, cứ thấy mấy đứa nhỏ Ba Động, Dốc Cát, mỗi chiều tan học đạp xe ra khỏi cổng trường là em thấy hạnh phúc rồi !”. Cô Tổng Phụ Trách Đội “ rì rầm” hơi lớn làm mấy người kế bên cùng liếc nhìn, Lễ phải nghoảnh đi chỗ khác.

Buổi lễ kết thúc, Hội Phụ Huynh học sinh mời “quý đại biểu người nhà’ trong đó có Lễ cùng ăn cơm thân mật tại nhà hàng số 9 ở Thị Trấn. Chỗ này Lễ đã đến nhiều lần cùng cơ quan tiếp khách. Nằm khuất trong một con hẻm lớn, yên tĩnh như biệt thự củaa một gia đình giàu có, nhưng thực ra đây là một nhà hàng sang trọng với những món ăn thức uống đắt tiền… Khi thầy Danh đưa thực đơn “ưu tiên cho anh Lễ đi chợ”, Lễ đề nghị được gọi một bữa ăn đơn giản :

-Bây giờ mọi người uỷ quyền cho tôi “đi chợ” thì tôi gọi các món đặc biệt nhé !

Tiếng “ông Chữ thập Đỏ” to nhất :

-OK ! Hôm nay tụi này gặp anh Lễ lần đầu mà, anh đừng ngại, cứ gọi thoải mái đi !

Khảo sát hết 2 trang thực đơn, lễ chọn món “kinh tế” nhất :

-Bây giờ ta ăn lẩu “cá bớp” nấu chua, “cá bớp” là đặc sản ở vùng này mà, ăn với bún, thêm mấy xị rượu thuốc uống cho thơm râu được rồi ! Không khí vui như thế này, ăn uống không mấy đâu.

Sau phát biểu của Lễ, mười mấy con người cùng vỗ tay ào ào. “Ông Chữ thập Đỏ” hình như phát hiện ra mình vỗ tay mà chưa thống nhất nội dung, đứng dậy :

-Không được ! Anh Lễ gọi mấy món đơn giản quá, anh sợ tụi tôi không có tiền hả ? Cô Thu “đi chợ” đi !

Cô Thu chủ tiệm xe đạp đứng dậy :

-Đúng rồi ! Hôm nay chúng ta “thành công tốt đẹp” mà, Phải không thầy Danh ? Đặc sản biển và rượu tây nhé !

Thầy Danh nhìn Lễ gật đầu nhẹ, ý muốn Lễ cùng đồng tình. Sau đó Thu cầm thực đơn đi thẳng vào quầy đặt thức ăn. Người phục vụ đem sô-đa và hai chai Remy Martin. Thu mở rượu, rót cho mỗi người một ly sec, riêng Lễ được bà chủ tiệm xe đạp pha đến 2 ly , gọi là “ưu tiên cho khách quý”. Thức ăn đượcbày trên bàn rất nhanh : “Mực một nắng” to hơn bàn tay, “ Tôm vỗ” bằng nắm đấm”, “cua huỳnh đế “ loại 4 con một ký, rồi “cá ngừ đại dương” ăn với mù tạt, rồi “kỳ đà núi tiềm thuốc bắc”… Nhìn bà chủ tiệm xe đạp kiêm thủ quỹ Ban Chấp hành hội Phụ Huynh học sinh điệu nghệ trong chương trình đồ biển rượu tây , bỗng nhiên Lễ nhớ lại lúc Thu kỳ kèo giá một, giá hai khi sửa chữa những chiếc xe đạp cũ của mình ! Lại cạn ly, lại trăm phần trăm, Lễ ăn uống như người bệnh khi uống đến ly thứ tư. Cô giáo Thuỷ là người ngồi gần hay tiếp thức ăn cho Lễ, nhắc :

-Anh Lễ ăn uống nhiệt tình lên đi chứ ! Hay thức ăn không vừa ý anh ?

-Cám ơn cô Thuỷ, thức ăn ngon lắm. Thầy Danh phân công cô săn sóc tôi đó hả ?

Cô giáo tổng phụ trách Đội, phản đối một cách rất có duyên làm Lễ thấy vui :

-Bộ…tự em không tiếp anh được sao mà phải Hiệu Trưởng phân công, mấy lần gặp nhau trong điện thoại làm anh khó chịu lắm phải không ? Toàn xin xỏ, vòi vĩnh không mà !

-Không sao đâu ! Cô Thuỷ quan tâm đến các “đồng chí đội viên” của mình thế là tốt. Tôi già rồi nhưng vẫn còn thích những bài hát viết cho thiếu nhi lắm ! Tôi có đàn ghi-ta, có trống bông-gô, mai mốt đội ta có hội trại gì đó , cô cho đội viên già này tham gia với nhé.

Nghe Lễ nói trúng tim đen, cô giáo trẻ vui hẳn lên. Thầy Danh ngồi cuối bàn bên kia, nâng ly lên ra dấu mời Lễ và nói :

-Cô Thuỷ nhớ tiếp anh Lễ tử tế để anh ấy còn “ vì con em chúng ta “ nữa chứ, cô Thuỷ nhé !

Lễ cầm ly rượu đứng lên, mời mọi người cùng uống, rồi tuyên bố xin phép đi về vì cảm thấy mệt. Có vài người lên tiếng muốn giữ Lễ lại vì bữa tiệc đang hồi sôi nổi. Trong đó tiếng cô Thu là rõ nhất :

-Anh Lễ không được về, “chưa say chưa về” !

Lễ chắp hai tay quá đầu vái vái mọi người, rồi đứng dậy. Tôi phải về ! Dứt khoát tôi phải về thôi, Lễ thầm nhắc mình như thế. Bữa ăn sang trọng làm Lễ không thấy vui thú nữa. Cô Thuỷ và Thầy Danh đưa Lễ ra chỗ để xe, bắt tay và nói lới cảm ơn, hẹn gặp… thật xúc động !


Khi Lễ ra đến Quốc Lộ, từng tốp học sinh tan học về bằng những chiếc xe đạp . Không biết có đứa trẻ nào ở ba Động đang ngồi trên chiếc xe đạp cũ của mình không ? Từ lâu, Lễ vốn không muốn nhớ đến và thậm chí cũng không muốn người nào trong Ba Động biết chàng, kể cả những đứa trẻ, nhưng nhìn hình ảnh chúng nó “í ới” trên những chiếc xe đạp, Lễ thấy nó gần gũi và quen thuộc quá ! Thấy những đứa trẻ gò lưng đạp xe ngược chiều gió, Lễ có cảm giác như mình cũng đang bị gió xô ngược lại . Lễ chợt buồn, cái buồn của một anh tiểu nông, bữa tiệc tốn kém quá ! Nghĩ đến những đứa trẻ nghèo ở Ba Động, ở Dốc Cát, Lễ bỗng thương chúng nó và thương cả những chiếc xe đạp cũ của mình, giá như…

Tuy Phong, Bình Thuận 10/2002 - Đà Lạt 6/2005




VVM.24.2.2023

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com