1.
Chuyến tàu đêm thường hay đánh thức tôi dậy bằng hồi còi lanh lảnh khi về bến lúc nửa khuya như nhát kéo cắt đôi đêm dài ra làm hai để khi chuông đồng hồ trên tường đổ hồi tạo thành dòng suối chảy giữa hai bờ đêm sâu cạn mang theo một phiến lá vàng lẻ loi ngu ngơ vừa lướt ngang đời tôi chưa kịp để lại một ánh mắt, một nụ cười nhưng lưu lại nơi tôi những dấu hỏi về con người của nàng khi mùa thu chưa kịp về giữa lúc tuổi đời nàng còn rưng rức mầu xanh và đôi môi hồng chưa hề nói tiếng yêu ai.
Michelle, tôi gọi nàng là ánh sao lẻ loi, một hôm xuất hiện trên bầu trời khuya của đời tôi, cũng là ánh sao lẻ loi. Bầu trời riêng tư ấy không có dòng Sông Bạc hoặc Milkyway nào lấp lánh như những hạt kim cương thơ mộng gắn vào một thảm nhung đen như bầu trời của mọi người, để suốt cuộc đời ai nấy mỗi đêm trăng sáng đều mỏi mắt đi tìm ánh tinh cầu cho riêng mình, tôi hài lòng ngắm nghía vì sao lẻ loi sáng chói mọc kế bên vì sao nhỏ hơn của tôi.
Vào một buổi sáng sớm mùa xuân khi ngọn gió đông rét mướt vẫn còn thổi qua lòng những con phố hẹp đuổi theo những chiếc lá bàng khô năm cũ, những hạt mưa phùn như bụi đời phù hư tơi tả làm ướt một phiến đời rêu phong, dưới chân, những cột đèn đường dãi ánh sáng vàng vọt đứng lặng im làm ngơ trước ngã tư đèn vàng chớp tắt, dòng xe bỏ lại những cây bàng cô đơn và những cột mốc hai bên đường nhưng lại cuốn theo cánh gió lạnh căm, người bộ hành duy nhất là tôi chờ qua đường để tới bịnh viện, nơi tôi làm việc. Đồng hồ trên tháp chuông nhà thờ chính tòa vừa điểm 7 tiếng khi tôi bước vào khu nội khoa, bầu khí hoàn toàn tĩnh lặng ngoại trừ tiếng giầy của tôi, chiếc hành lang dài thậm thượt với ánh sáng lạnh lẽo của đèn nê ông, mang hơi hướm mùi thuôc tây lẫn với mùi thuốc sát trùng, một vài tiếng ho khan phát ra từ sau khung cửa đóng kín, nơi mùa xuân thường là vắng mặt chỉ xuất hiện trên tờ lịch treo tường, nơi những cơn đau và ho khan đã che lấp vạt nắng vàng và tiếng ho khan át đi những lời nhắn nhủ của bầy chim vành khuyên. Đây cũng là thế giới của tôi mỗi ngày, không phải sự có mặt của tôi mỗi sáng ở đây chăm chỉ như người đi làm mướn sợ bị đuổi việc, nhưng là muốn mang lại mùa xuân cho họ cũng như cho cả nàng và…tôi
-Chào bác sĩ Nguyễn Giọng khẽ khàng như hơi gió của người bịnh nhân mới được chuyển đến thì phải, già dặn hơn một cô gái nhưng trẻ hơn một thiếu phụ.
-Hân hạnh được biết cô, đêm qua ngủ được không, cô được chuyển đến từ chiều qua ?
-Vâng, thưa bác sĩ, từ khu oncology. Chào nàng với nụ cười buổi sáng trước khi bật đèn bước vào phòng làm việc, nàng cũng chào lại tôi với đôi mắt huyền đen như nhung nhưng chật chội những lo toan, nhìn khuôn mặt nàng, tôi nhận ra khuôn mặt có ít nhiều nghị lực không muốn đầu hàng số mệnh, người ta chuyển nàng về khu này trong thời gian ngắn trước khi được xuất viện. Tập hồ sơ dầy cộm mang tên: Michelle Nguyễn Miller như khoe với tôi cô đã vừa trải qua một quãng thời gian chữa trị lâu dài, dài và khúc khủy chênh vênh như cây cầu ván bắc qua dòng sông của thần chết mà nàng đang bước trên nhịp sau cùng để bước vào sự sống mà tôi quen gọi bằng từ văn hoa: sống lại từ cõi chết. Có lẽ Doctor chuyên khoa cũng đã cho nàng hay, nên khi gặp lại tôi nàng mang tới một chút sinh khí vui tươi mà tôi thường đọc đươc trên những trái bàng xanh vào những trưa hè gió mát trồng trên những con đường dành cho người đi bộ ven bờ hồ, ngoài chiếc áo lụng thụng mầu xanh nước biển của nhà thương mặc trên người, nàng hiện rõ dáng dấp một cô sinh viên, mái tóc đen huyền như dấu kín bên trong đầu bảo vệ những tâm tư, những con chữ một thời ki cóp không muốn phơi bày ra, mái tóc còn cũn cỡn chấm mang tai vì hậu quả của Chemotherapy, Hormonal therapy trong nhiều tháng chữa trị, bước chân khoan thai như đang đi dạo mát, vết chân như chân một loài chim không nhớ tên, tôi kéo ghế mời nàng ngồi đối diện, trước mặt tôi là hồ sơ bịnh lý của nàng đang xem dở. Ngước mắt lên tôi bắt gặp hai ánh mắt nàng có vấn vương điều gì không rõ, nét mặt trở nên đăm chiêu, nghĩ rằng nàng có điều chi liên quan đến sức khỏe muốn bày tỏ, nên tôi đợi nàng lên tiếng trước.
2. Sài gòn 1989.
Con chim sắt Singapore Airline đang chuẩn bị đáp xuống phi trường Tân sơn Nhất, sau khi đã nuốt trọn nhiều ngàn cây số nối liền hai mảnh đất, nhìn đồng hồ mới 1 giờ chiều, mấy người khách da trắng đươc chào đón không phải bằng những vòng hoa sứ thơm tho như khi tới Hawaii, nhưng giản đơn là những tia nắng vàng rực rỡ cũng đủ làm bộ vó của họ nôn nao. Ông bà Miller rất gọn nhẹ bước vào phi trường chỉ với hai luggages nhỏ xách tay và làm như đã từng quen biết nơi chốn này, mặc dù đây là lần đầu tiên họ đặt chân tới, gương mặt họ như đang đặt hết niềm tin vào những trái tim suốt đời chỉ róng lên nhịp đập của lòng nhân từ bác ái ẩn sau những chiếc áo nữ tu đen và sự sắp xếp của vị luật sư người da trắng đã thông qua Embassy Canada lòng vòng gần một năm qua. Ông bà quá giang một cuốc taxi, ông Miller trao cho người tài xế tấm danh thiếp :
Soeur Dominic Antonieta Phạm
Orphanage of Tam Bình- Thủ Đức- Sài gòn.
Người tài xế trẻ nói với ông bà Miller bằng thứ tiếng ngoại ngữ ăn đong:
-welcome to Hochiminh city, are you on holiday ?
Nhận ra câu hỏi có vẻ như không cần thiết, bà liếc ông rồi liền đổi subject:
-Is this address familiar to you sir?
-Yes meme.
Vừa bước chân vào trung tâm lần đầu tiên, người ngoại quốc thường không thể hiểu và tin được sự nghèo đói và bần cùng do sự cuồng tín của chế độ tạo nên làm họ đến ngỡ ngàng không riêng gì các trẻ em ở đây hầu hết là thiếu dinh dưỡng, mà cả đến lớp người buôn thúng bán bưng hoặc tài xế cũng nheo nhóc không kém va đen đủi như vỏ cây khô. Bối cảnh này làm cho niềm tin lúc ban đầu của ông bà bị thui chột đi ít nhiều. Nội trú chỉ có vỏn vẹn ba dẫy nhà lợp lá gồi đấu vào nhau theo hình chữ H với sức chứa chỉ đủ cho 40 em trong khi phải quá tải với con số 75.
Vài em sẽ may mắn được xuất ngoại đợt đầu tiên (kể từ ngày Tây phương bỏ cấm vận ) trong chương trình cha mẹ nuôi quốc tế, được chăm sóc đặc biêt được ở khu riêng ăn mặc tươm tất có da có thịt, một hình thức rao bán trá hình trẻ con mồ côi để thu lợi nhuận, bày ra hàng rào luật lệ dựa trên công pháp quốc tế về luật di dân để kiếm thêm mấy đồng tiền cắc ngoại tệ, biết gãi vào lòng thương xót của dân Tây phương để trục lợi.
Một cô ra vẻ dân thành thị học thức dẫn bé gái khoảng năm tuổi mặc áo đầm sọc ca rô, cổ thắt nơ đỏ, tóc được cắt theo kiểu Tây phương chân đi giầy bước vào văn phòng của Soeur Giám đốc để được gặp mặt cha mẹ nuôi. Đứa bé không biết đã được huấn luyện thế nào từ bao giờ nhưng khi vừa gặp mẹ Bề trên, biết khoanh tay, cúi đầu chào, hôn bà rồi tự động quay qua nhìn thẳng vào ông bà Miller tự giới thiệu tên bằng một mệnh đề theo công thức đã được gọt dũa đầu đuôi
-Kính chào ông bà, tên con là Michelle Nguyễn Miller, con hân hạnh và vui mừng được gặp ông bà. Rồi ôm hôn hai người.
Cô vừa rồi thông dịch câu nói ra Anh ngữ khiến ông bà Miller hài lòng. Bà xin phép được ở với đứa bé trong lúc luật sư hoàn tất thủ tục hồ sơ xuất cảnh trước mặt Soeur Giám đốc viện và ông bà Miller.
3. London-Ontario
Con chim xanh cất giọng hát đầu đời khi nó tự soải cánh bay lên bầu trời thơ mộng của mảnh đất trung tâm đầy nghệ thuật Kitchener-Waterloo vào lúc tuổi vừa lên sáu. Nó là bông hoa lạ, rất lạ không rõ giống mang từ đâu tới đươc trồng lên trong khu vườn của hầu hết dân da trắng ở xứ này. Trường tiểu học tư thục St. Anne School vừa thức dậy sau một mùa hè nóng ran, lũ ve sầu kêu lên oai oái và càng nóng thì lady bug càng nhiều, chúng có măt ở khắp nơi nhất là trên các bãi tắm xinh như những hạt cam thảo nhưng cũng làm phiền người ta không ít, nay trở mình trước một mùa thu mầu lá chớm vàng và vài dải mây trắng lững lờ trôi tạo nên khúc dạo đầu prelude cho một Synphony phải ngỡ ngàng khi bông hoa non nớt đươc bà mẹ dìu qua cổng trường trước nhiều ánh mắt non nớt thơ dại cùng tuổi. Ở tuổi này chúng như chim cùng bầy chỉ cần mấy phút sau là chúng đã bắc xong nhịp cầu thông thương. Những bà mẹ đưa ánh mắt nhìn bầy con rồi nhìn nhau như đang ngoái nhìn tìm lại bầu trời tuổi thơ đã bay xa mà khi bước xuống đời chân cứ vấp vào những khổ đau mới thấy tiếc thương.
Thành phố chỉ độ bốn chục ngàn dân, nhỏ thôi đủ làm nên cái nôi hồng cho cánh chim nhỏ bé, dân cư thưa thớt nhưng lại chật chội cho một nền văn hóa nghệ thuật rất cao gõ lên cùng một nhịp tim với các thành phố lân cận đang trên đà phát triển về ngành giáo dục, y tế và kỹ thuật communications, viễn thông với sự góp mặt của những đại học và colleges danh tiếng University of Waterloo, Western Univesiy of Ontario, Fanshawe. Thành phố mang nickname Thành phố rừng xanh, vì khí hậu tốt tươi lại lọt thỏm vào giữa các đại hồ Ontario và St. Claire, hồ Erie và Huron thích hợp cho ngành trồng nho, thủ đô của các loại rượu vang danh tiếng và ice wine.
Chính nơi đây Michelle đã lớn lên như cây maple bốn mùa thay lá, đôi mắt huyền nhung nhưng lại xanh thẫm da trời, lãng đãng áng mây trôi, sóng sánh tiếng đàn dương cầm và lênh đênh trong vắt như nước ngũ đại hồ, được hấp thụ nền giáo dục nhân bản từ trong gia đình tới học đường, cái quá khứ tuổi thơ vẫn được cha mẹ nâng niu cài vào tim bằng những giờ học Việt ngữ cuối tuần trong lớp học cộng đồng người Việt, khi xong trung học Michelle đã thông thạo cả ba ngôn ngữ Việt Pháp Anh, khu vực cha mẹ nàng sinh sống thuộc vùng South West Kitchener chỉ dành riêng cho dân executive người Việt nam không dám lai vãng tới nên Michelle chỉ có những đứa bạn da trắng. Cả thời niên thiếu như viên đá sỏi ngủ yên trong dòng suối đời êm ả . Đêm nay nàng thao thức bên những trang sách mượn về từ thư viện mang tên: CÒN ĐÓ MỘT VÌ SAO của tác giả Thomas Thompson nói về một quá khứ của ai đó nơi miền đất rất xa xôi nơi nàng cũng đã được sinh ra ở đó nhưng nay đã trở nên xa lạ không còn lưu lại vết tích gì và cũng có một tuổi thơ bất hạnh như nàng khi mới vừa năm tháng tuổi đang cần một đôi bàn tay yêu thương, ấm áp vỗ về, một bầu sữa thơm của người mẹ như bao đứa trẻ khác, giấc mơ tầm thường ấy chỉ là vạt nắng mong manh cuối ngày đã mau chóng trở nên trái sầu rụng xuống đời, nó bị bỏ quên bên lề xã hội, một xã hội vừa đói rách tả tơi kém may mắn ngơ ngác trong cảnh đổi đời, nó đặt nằm bơ vơ trong cái giỏ tre lót sơ sài bằng chiếc khăn cũ kỹ vài bộ áo quần, hơi ấm của người mẹ đã không còn lảng vảng bên cạnh, nhưng đã cuống quýt men theo vết chân hối hả như chạy trốn, có lẽ bà (?) cũng đã vắt đến giọt sữa cuối cùng cho con mình và đã không đủ can đảm ngoảng mặt lại nhìn nó lần sau hết trước khi dấn thân đi vào mưa gió và cũng có thể trong lòng bà còn sót lại chút gì hy vọng nhỏ nhoi nào đó le lói trong tim khi đủ ăn, đủ mặc sẽ đi tìm và chuộc lại con về. Thằng bé đã được một trái tim nhân từ, một Good Samaritana dừng chân lại, bà cúi xuống mỉm cười mà như khóc vì thằng bé vẫn đang say ngủ, giọt nước mắt nóng hổi vô tình nhỏ xuống mặt làm nó nhột nhạt ọ ẹ rồi khóc ré lên, đó là tiếng khóc khốn cùng mở đầu cho một kiếp đời tăm tối nhạt bóng yêu thương, đêm hôm ấy trong thiên hà bỗng mất sáng một ánh sao. Người đàn bà nhân từ ấy không ai xa lạ, đó là bà phó bề trên tu hội Couvent des Oiseaux Đalat.
Từ đó bánh xe cuộc đời của nó ký thác lăn theo vòng quay của trung tâm SOS Đà lạt- tỉnh Lâm đồng với hàng trăm đứa trẻ khác cùng thân phận, cùng một ngôi sao xấu không hề biết lấp lánh trên bầu trời về đêm, bị chôn vùi trong Milkyway, đó là cái xã hội hỗn mang xung quanh chẳng ai thèm biết đến, nó sống nhờ vào những bữa ăn bố thí của những cơ quan từ thiện đến từ những phương trời xa xôi, lúc lên năm nó đã hiểu được thế nào là thân phận mồ côi vì thiếu thốn tình thương và nhất là hơi ấm của cha mẹ, đã biết kiên nhẫn chịu đựng dựa đầu vào nỗi đau để lớn lên. Tuổi lên tám với những đứa trẻ ngoài đời có lẽ chỉ biết vòi vĩnh cha mẹ đòi bánh đòi quà, còn nó đã tỏ cho mọi người trong trung tâm biết nó là đứa trẻ thông minh, nhiều sáng kiến biết trổ lá xanh tươi, vươn vai giữa một thửa vườn đầy sỏi đá, dù chưa một lần biết đến vị ngọt của cuộc đời được mua bằng tiền của thế giới bên ngoài bức tường ngăn đôi. Cái lạnh của cao nguyên Lambian chính là cái lạnh cần thiết cho sự nảy nở lớn mạnh của một chồi thông, nó biết dùng mủ cao su ( latex ) để biến chế thành những đôi giầy, đôi dép, dùng diện tích nhỏ hẹp trong phòng ngủ thành factory. Những bàn chân mồ côi lem luốc giá buốt mùa đông đã thay bằng những đôi giầy khít khao ấm áp. Trong giờ học Anh ngữ, khả năng lãnh hội của nó còn nhanh hơn học chữ Việt, nó tạm thời quên đi nuốt xuống những giọt đắng bất hạnh hôm nay, ráp vá tủi hờn thành nón lá che nắng mưa giông bão, không ngoái lại nhìn theo vết xe đã lăn vào quên lãng, nó không kêu trách ai đã vì lầm lỡ sinh ra nó, tin tưởng sẽ có một ngày mai biết đâu mặt trái của đồng tiền lại là cơ hội cho nó bước lên. Con ngài ( Papu )không thể mãi mãi là con ngài, nó cũng vậy nằm yên trong kén chờ thời bung ra thành cánh bướm monarch, hàng rào của trung tâm dù cao tới đâu cũng phải nhường bước cho đôi cánh của nó. Trời ngoài kia vẫn còn xanh, rừng thông vẫn vi vu, thác Camly vẫn dội về tiếng nước đổ, ngọn Lambian vẫn ngạo nghễ cùng năm tháng, biển cả vẫn rì rào khúc nhạc muôn đời của trùng khơi, nắng mưa vẫn chan hòa tưới lên làm vạn vật xinh tươi trong nỗi nhớ của thiên nhiên dù con người đã hơn một lần bỏ quên nó, thì lẽ nào Thượng Đế nỡ lòng nào bỏ quên .
Năm nó lên mười là mùa đông sau cùng nó trút lá gởi lại những phiến lá vàng mà nó đã cưu mang cả một thời thơ ấu cùng với khung trời tuổi nhỏ, những phiến lá biết ơn để chập chững bước theo gót chân cha mẹ nuôi về một quê hương mới, chân trời mà nó chỉ được nhìn thấy trên báo chí, trên hình ảnh, nó sẽ được bao dung chào đón trong một xã hội chan chứa tình người chan chứa tình thương thuyền đời sẽ được dành cho một bến đỗ, vẫn có những phong ba, bão nổi không tránh được trong đời, nhưng mưa bão không phải là nước mắt, trường học không phải là xà lim, đói có bánh ăn không phải là bánh vẽ, miền đât mọc lên nhiều hoa trái hơn gai góc, có những nhà máy luyện thép gang nhưng không dùng để đúc súng đạn nuôi mộng xâm lăng mà để phụng sự hòa bình, thánh đường là nơi đoàn chiên đến gặp gỡThượng đế không có chỗ cho những con chiên ghẻ và những con cáo già đội lốt linh mục, của cải để ngoài đường và trong sân không phải để dụ dỗ những quân ăn cắp, sẽ hết những ngày tung hô vạn tuế những tên đầu xỏ, bất lương, xã hội sẽ bớt đi những bầy lang sói đội lốt chiên, buổi sáng ra đường không còn phải thấy người ta đi lượm những thai nhi quăng bừa bãi trên hè phố làm xót sa trời đất chai đá lòng người nhưng là những khuông viên đại học hứa hẹn với tuổi trẻ tương lai đầy hoa gấm, đền bù lại những thua thiệt cho những kiếp người bất hạnh đến từ những miền đất khổ đau, mặt trời sẽ mọc lên mỗi buổi sáng mang theo những tia hy vọng để tương lai mọc lên trên mảnh đất mầu mỡ tình người. Hành trang của nó mang theo là những ân huệ từ những trái tim vĩ đại tưới gội lên tuổi thơ, một giấy khai sinh mang hai quốc tịch với tên ghép: Nhật Nguyễn Thompson, một ít lưu luyến dành cho những đứa bạn và thành phố núi thơ mộng.
Trong đêm nay, Michelle nghe rõ những trằn trọc trong hồn, một miền ký ức sương mù nhưng đang khuấy động theo từng trang sách, nên không biết là nàng đã khóc từ lúc nào, vì suốt gần 20 năm không nghe ai nhắc tới quá khứ của mình, chúng ngủ quên trong xó tối của dĩ vãng và phủ lấp lên trên bằng lớp bụi thời gian không còn rõ nét, bao nhiêu thì giờ nàng đã đem đầu tư vào các lớp học,ngày ngày như con thoi rảo chân trên những vìa hè quen thuộc đã trở nên thân quen với từng cụm cây góc phố, ngay cả với những tiếng thở dài của gió trên cành về đêm mong trời mau sáng hoặc mùi café mỗi khi ngang qua đánh thức miền quá khứ nôn nao vào một lúc nào đó. Những trang sách vừa rồi đọc lên có lẽ cũng chính là những trang sách của đời nàng, ý thức mình là đứa trẻ mang trong đời hai dòng lịch sử đối chọi nhau mà chính nàng cũng không nhận ra. Khi rời Việt nam, chàng đã mười tuổi biết xuất xứ và ít nhiều quá khứ của chàng còn mình chỉ là phiến lá vô danh rớt xuống đời giữa thời tao loạn. Những trang sách dẫn nàng đi quanh co tìm về lối mòn tuổi nhỏ nhưng không tìm được một ánh sáng nào rọi vào khúc đường đầy sương mù bên kia trước lúc 5 tuổi đời, khúc đường mòn đó giờ đây trở nên quan trọng sẽ biến thành con mọt gặm nhấm tâm hồn nàng không ít, dấy lên dấu hỏi to đùng: “ Ai là cha mẹ tôi?” mà với một đứa trẻ như nàng rời quê hương lúc tuổi còn thơ thì sẽ không dễ tìm ra cái chân trời chứa câu giải đáp.
Thế còn Thomas Thompson là ai, dân Tây mà có giọng văn mạch lạc không kém gì một nhà văn Việt nam, lật trang sau bìa : Fulton Publishing- Toronto. Nhân vật trong sách hiện nay tên gì hiện đang sống ở đâu, chàng chỉ hơn mình năm tuổi và làm cách nào để gặp được chàng. Ý nghĩ tìm gặp nhân vật trong sách, trở thành nhu cầu như cánh chim lạc hối hả đi tìm bầy, có bao nhiêu cánh chim đã rời tổ được đậu xuống trên dải đất này như chàng và nàng, có lẽ ít lắm- nghĩ vậy- đã lâu nàng chưa được hót lên cái âm giai bài ca mẹ Âu Cơ lưu tryền âm thầm trong dòng máu của giống chim Việt muôn đời bất khuất, không phải chỉ hót một mình nhưng là từng bầy. Con thuyền đời sau gần 20 năm định cư nơi bến cũ êm vui bỗng nhiên chòng chành như bị cơn gió bấc lạnh run vừa thổi qua một tâm hồn bối rối. Tâm hồn cao thượng của chàng là tha thứ cho cả những người cùng một giọt máu đang tâm bỏ rơi chàng, lạc mất tuổi thơ cùng với ước mơ thần tiên bay theo những cánh diều, cũng tha thứ cho cả một xã hội lầm lạc chen lấn nhau trong cơn hấp hối thiếu thốn từng miếng ăn, manh quần, tấm áo, bầu khí tự do cần thiết cho buồng phổi tâm linh đã ném họ vào sa mạc khô cháy cạn kiệt tình thương, điều này giúp cho nàng ít nhiều quên đi đống bầy nhầy quá khứ để bàn chân đỡ vấp phải nỗi đau bốn mùa.
Nàng vừa nghĩ ra một kế sẽ đi tìm nhà văn Thompson, hy vọng là ông đang sống không xa thủ phủ Toronto.
4.
Ly cà phê nóng đậm đà ấm môi giữa buổi sáng thanh bình không hẳn đủ bảo đảm cho một ngày may mắn, hay vạt nắng vàng sau vườn đang nghe những lời chim hót cũng vậy, người và đất trời Ontario đã từng kinh qua những cơn phong ba do người ta khuấy lên không bao giờ báo trước. Kinh tế đang xuôi chèo mát mái thình lình rơi vào cơn khủng hoảng, sa sút việc làm, nhân công lo lắng bị sa thải. Các quán cà phê đầy những người mất việc tụm năm túm ba xôn xao về cái bản hiệp ước North America Free Trade Agreement giữa ba quốc gia Hoa kỳ, Canada và Mexico đã nhiều năm trao đổi với nhau không bận tâm với hàng rào quan thuế lôi thôi thì bỗng vua Trump bản chất chi ly từng xu, tính hơn, tính thiệt chủ trương: MAKE AMERICA GREAT AGAIN bằng mấy đồng tiền lẻ, làm đình trệ kinh tế hai nước láng giềng. Michelle vừa ôm mảnh bằng đại học vào cơ quan ngồi chưa ấm chỗ đã rụng xuống như trái bôm gãy cành, đành ôm vali áo quần về nương nhờ mẹ chờ cho qua cơn bĩ cực. Nhưng không ai biết trước bánh xe định mệnh sẽ lăn qua những chặng đời nào, thênh thang, hoa gấm để làm son trẻ một bờ môi hoặc quanh quẩn như dòng sông hai bờ sâu cạn lạc lối ra biển làm đen tối một khúc đời, có bao nhiêu niềm vui bao nhiêu nỗi buồn đang chờ ở mỗi chặng dừng chân.
Mà thật vậy.
Cái mùa đông không ai trông chờ ập xuống trên hai bờ vai nhỏ giữa lúc hàng cây bàng còn vui đùa hớn hở giũa nắng hè những trái bàng còn xanh rưng rức hứa hẹn với mặt trời một mùa chín đỏ.Phía sau cánh cửa khép hờ không ngăn được bước chân của thời gian, Michelle nằm đó bóc gần hết một cuốn lịch, những tờ lịch rơi xuống chao nghiêng cùng lúc với những sợi tóc mun óng ả ngày nào cũng lần lượt bỏ nàng ra đi không thèm ngoái lại, để lại trên giường bịnh hơi thở chỉ còn thoi thóp, những ngày buồn như nhánh sông chẩy qua khúc đời tăm tối có lúc tưởng như không còn cơ hội để nhin thấy cuốn lịch năm mới.
Trong cuộc hành trình có ai không mang theo mình một hành trang. Hành trang của nàng là một trái tim còn xanh, một cánh chim chưa bay hết một vòng đời, món nợ với thời gian cần phải trả, những ước mơ chưa thành hình những bến bờ chưa kịp đặt chân đến.Nàng không thể như chiếc lá khô rơi xuống nơi góc đời tĩnh lặng, gió vẫn chờ mong mơn man tà áo lụa, nắng vẫn chờ mong hôn lên làn tóc rối hàng ghế đá bờ hồ vẫn lạnh lẽo vì thiếu hơi ấm của nàng và sỏi đá dưới chân vẫn ngủ quên. Có một câu danh ngôn Michelle không còn nhớ đã đọc được ở đâu “ Đừng lo cho tương lai vì tương lai chính là hiện tại, cũng đừng tiếc thương dĩ vãng, vì dĩ vãng là những gì đã qua rồi” . Nàng đã nhìn lên bầu trời thấy ngôi sao định mệnh lấp lánh hơn bao giờ và mặc dù chưa thể đứng lên đi lại dễ dàng, nhưng sau trận đánh cuối cùng, ông thầy Oncologist tuyên bố nàng đã phục sinh, lưỡi hái của tử thần đã bị ông bẻ gẫy. Michelle chuẩn bị hành trang cho một kiếp sống mới, đọc hết quyển sách còn dang dở để tìm cho ra người “ Pen pal”.
5.
- Michelle, con có quen ai tên là Thomas Thompson không ? Bà Miller đang bận tay ở sau bếp hỏi với ra.
Michelle mới đi ra ngoài về, rõ ràng nghe mẹ hỏi nhưng không tin vào tai mình, nàng chạy như bay vào trong bếp
-Phải mẹ vừa gọi con…?
-Ừ, ai là Thomas Thompson ?
-Thưa mẹ, con không biết.
- Nếu là bạn của con thì mẹ cũng vui thôi, có gì đâu mà phải dấu mẹ, con gái lớn rồi.
Câu nói của bà làm cô gái đỏ mặt:
-Con đâu có dấu mẹ, hay là mẹ đang dấu con điều gì thì có phải không ?
- Ok…Con này độ rày mày ranh mãnh thật, con gái lớn rồi có bạn trai là chuyện thường. Bà vừa nói vừa trao cho Michelle gói quà nho nhỏ:
-Vừa rồi có người thanh niên tuổi độ ba mươi ngoài lái chiếc convertible nghé đây tự giới thiệu là Thomas Thompson, đòi gặp con, nhưng tiếc quá rồi trao tay cho mẹ gói quà nhỏ này. Qua ánh mắt bà Miller nhận ra gương mặt con gái như những làn mây trời lúc trắng,lúc đục thay đổi trong cơn gió mùa đi từ ngạc nhiên này qua ngạc nhiên khác, tâm hồn như đang bị ai bắt cóc không còn chú tâm vào lời nói của bà nữa, gói quà trên tay bỗng run rẩy.
-Michelle,con ok ? Có điều gì làm con sợ hãi như vậy, mẹ xin lỗi con. Bà vội ôm lấy con gái và đến lượt bà cũng đang bối rối với nhiều dấu hỏi.
-Hay là để mẹ mở ra xem nào. Dưới ánh đèn, đó là một quyển sách mang tựa đề: CÒN ĐÓ MỘT VÌ SAO kèm theo một tấm thiệp mời.
“ Thưa ông bà,
Đối với ông bà thì tôi là một người lạ, nhưng tôi biết ông bà qua những chương trình từ thiện, còn với cô Michelle thì lại là người quen, tôi sống trong cùng thành phố với ông bà và quen biết nhiều người, cũng như họ vẫn thường đến với tôi, đây cũng là dịp may hiếm có cho tôi nếu như ông bà và cô thu xếp cho tôi được cơ hội gặp gỡ vào trưa thứ bảy tuần này tại quán café La Cigale Bistro. Số điện thoại của tôi….
Thomas Thompson.
-Con chưa khi nào gặp người đàn ông này như trong thư xác nhận - Michelle vừa nói vừa lắc đầu- có điều ông là tác giả quyển sách mẹ vừa đưa cho con, cũng là quyển con đã mượn từ thư viện đang đọc dở viết về cuộc đời của một cậu bé người Việt nam mồ côi từ thuở nhỏ như con, cũng từng lớn lên trong cô nhi viện và may mắn cũng được ra khỏi nước lúc tuổi đã lên mười.
Điều bí ẩn là không rõ vì đâu mà tác giả lại biết con đang coi sách và điều khó hiểu hơn là ông đọc được ý nghĩ trong con đi tìm ông để hỏi về nhân vật chính trong sách hiện nay đang sống ở đâu.Con muốn nhân cơ hội này đi tìm ra sự thật, mẹ hỉ………..
Cuckoo…Cuckoo…Cuckoo…Chiếc đồng hồ cuckoo clock treo trên tường kế bên bàn học vẫn chỗ cũ từ khi nàng lên năm, thân quen như đứa bạn không thể thiếu trong đời vừa gáy lên cắt ngang giấc chiêm bao làm nó đứt đôi như chiếc dây thung quá dãn kéo Michelle ra khỏi giấc ngủ nặng nề nhưng sao vẫn nghe tiếng mẹ nàng nói bên tai. Sáng mùa đông, bảy giờ vẫn còn rất tối đồng lõa với cơn làm biếng, nấn ná chưa muốn ra khỏi cái chăn, nhưng nghĩ lại giấc chiêm bao hồi đêm có cảm giác như lời ai mách bảo và thôi thúc nàng chỗi dậy viết xuống những chi tiết vừa diễn ra trong cơn mơ mà nuối tiếc không được tham dự vào phần kết của giấc chiêm bao đamg vẽ lên khung vải bức tranh trong lòng nàng sẽ gặp được người trong mộng, vì đôi khi trong thế giới ảo như khi con người nhìn lên chiếc cầu vồng tin rằng nó ở rất xa không ai với tới được nhưng thực chất nó đang ở ngay trước mặt, đánh lừa con mắt loài người bằng ảo ảnh của nó. Khám phá này tạo ra niềm tin là dùng hình ảnh của thế giới ảo để làm nền móng, mấu cầu bắc qua thế giới thật.
“ Café La Cigale Bistro đâu có xa xôi gì, nó tọa lạc ngay ngã tư đèn vàng từ nhà nàng chỉ đi bộ chưa tới mười phút, ngày xưa thời còn trung học, Michelle tới trường phải đợi đèn ngửi mùi café sao thấy nôn nao, muốn làm người lớn để được ngồi dai với ly café bốc khói trên tay tờ báo trên lòng, điếu thuốc cháy dở trên môi,thật là thú vị. Vậy mà hôm nay đã trở thành người lớn lâu rồi mà vẫn chưa một lần bước chân vào quán. “ Nhưng sao lạ nhỉ, có lẽ hay là tại mình chưa có đôi, hay tại đời mình chưa một lần nếm mùi cay đắng, chân chưa từng vấp ngã khi bước xuống cuộc đời để lại vết thương chẳng bao giờ lành, lúc đó người ta dùng chất đắng trong ly như một phương thuốc để làm nguôi ngoai giọt đắng trong lòng. Chẳng rõ café ở quán có gì khác café ở nhà không, mà sao quán lúc nào cũng đầy người, mỗi sáng cha mẹ nàng có thói quen pha café và ăn sáng ngay trong bếp, nên nàng cũng không có nhu cầu ăn tiệm ăn hàng, nhưng trong lúc chiêm bao, quán café La Cigale lại được chọn làm địa điểm của câu chuyện liên quan đến đời nàng, nó vừa gãi vào tính tò mò vừa pha trộn ít nhiều mầu sắc dị đoan, như một số người tin vào thuyết dị đoan thường nói: “ Có hay không có là do bởi lòng tin hoặc không tin”.
Indian Summer Fest đang diễn ra ở khắp nơi, như một lễ hội sau cùng trong năm tiễn đưa linh hồn mùa thu về nơi an nghỉ dưới lớp lá vàng mà những trận mưa thu thay cho những giọt nước mắt khóc thương cho một nhan sắc chóng tàn phai. Một tháng mười đỏ ối và không gian bỗng tái sinh chỉ qua một đêm yên tĩnh, gió đã thôi không còn rung cây làm phiền lòng lá thu nữa, mưa cũng thôi không còn lướt thướt làm ray rứt lòng người. Trai gái dành những ngày nghỉ còn lại trong năm tay nắm tay đáp xuống những gian hàng Fall fair họp chợ ngay trên bến bãi thưởng thức café, bánh kẹo, pastry và các món ăn lạ miệng từ nhà quê làm ra. Tôi theo con nắng đầu ngày và dòng người vui chân thả bộ tới những gian hàng mỗi năm chỉ họp một lần để nhìn tận mắt những gót hồng tung tăng trẩy hội rồi ghé vào café La Cigale ăn sáng.
Phiến lá vàng rơi qua đời tôi đã biến thành mùa thu cũ sau ngày nàng xuất viện đến nay đã hai mùa thu qua tôi vẫn chưa một lần tái ngộ, thế giới thì bao la, dòng đời vốn lao xao trôi nhanh theo gót chân vội vã của kiếp người xuôi ngược, nhưng dấu chân kỷ niệm ngày cũ nàng còn lưu lại trong tôi trong khu nội khoa vẫn chưa nhòa và những dấu hỏi về xuất xứ của nàng vẫn ám ảnh tôi những đêm thiếu ngủ, không biết vì nàng hay vì tiếng còi tàu rộn rã lúc vào bến. Mùi café lãng mạn bay quanh quẩn bên những chiếc bàn tròn trải khăn bông những khăn len hờ hững trên bờ vai người tình gợi nhớ những chiều đông rét mướt dưới sương mù bên bờ hồ Xuân Hương năm nào.
Lời cám ơn vừa rớt khỏi bờ môi của ai đơ dành cho cô hầu bàn vừa lướt qua chỗ tôi dịu dàng như hơi thở vừa cất lên từ phía bên trong quán, đánh thức thính giác của tôi “Không thể lầm được”, tôi lẩm bẩm rồi làm bộ điềm tĩnh như muốn đi về phía phòng vệ sinh. Ánh mắt vừa dừng lại trên mái tóc mun ngày nào khuôn mặt quen thuộc trước đây hôm nay đã bỏ xa những âu lo ngày cũ, cũng đôi môi hồng này trước đây chưa từng ban cho tôi một nụ cười. Cảm giác có ai đang tiến về phía mình nàng ném ánh mắt thật nhanh nhưng lại đụng phải ánh mắt của tôi.
-Trời ơi Michelle, phải em là Michelle không ?
- Vâng, chính em, Bác sĩ tới đây hồi nào ?
-Cũng vừa tới thôi, Michelle đi với ai vậy, người đó đâu rồi ?
Nhận ra ánh mắt của Dr. Nguyen có nét hờn ghen làm nàng dồn cơn bực lên môi :
-Chưa gì đã nổi cơn ghen lên rồi. Michelle láu lỉnh.
-Đẹp như Michelle, ai mà không ghen. Tôi cũng chọc lại
-Vậy chớ, vẫn có kẻ đi tìm người đẹp hơn đó.
-Không dám đâu.
Michelle trách móc ra mặt, giọng hờn dỗi cong cớn hắt ra như mưa rào thêm ánh mắt vừa cứa vào tay tôi bỏng rát, trả thù vì suốt hai năm qua chẳng thèm đoái hoài gì đến nàng.
Tôi kéo ghế ngồi đối diện với nàng không cần mời, hiểu ý của câu nói, nhận ra mình đã vô tình thiếu tâm lý về đàn bà, con gái đến vô cùng phức tạp vui đó, buồn đó, khóc cười, cười khóc vừa ghét vừa yêu vừa càm ràm trách móc cứ rối tung cả lên và bỗng thương nàng đến xót xa, ai mà biết đến nông nỗi này, tôi không ngần ngại nhận lỗi về phần mình :
-Michelle, bây giờ cho anh xin lỗi được chưa ? Tôi vừa hai phải trái mít ướt, không biết, rồi sáng nay hên hay xui đây, thôi thì đành xuống nước.
Nàng im lặng cũng không thèm nhìn tôi, tay phân vân xoay tròn ly café nhưng tôi đoán nàng chỉ cần có bấy nhiêu đang cố dấu cơn thổn thức ùa vào như sóng biển lúc vừa tỉnh cơn mơ trào lên mi mắt nên đã không nén được tiếng thở dài.
Michelle như giỏ trái cây mới năm phút trước vẫn còn xanh, giờ xem ra đã chin mùi. Nơi đây lý tưởng thật nhưng không tiện cho chuyện khóc cười. Tôi đến bên dỗ dành nàng đứng dậy và dìu ra xe, nàng hơi bẽn lẽn nhưng bàn tay ấm của nàng còn bẽn lẽn hơn vẫn ngoan ngoãn trong tay tôi nét bẽn lẽn của người con gái chưa từng yêu ai lần đầu.
Chiếc mui trần như hiểu tâm trạng của hai người, nó lầm lũi lăn bánh ra khỏi đám đông hướng về một khu rừng thu bỏ lại phía sau thế giới ồn ào. Ngồi trên xe mà tâm hồn Michelle như đang viễn du vào thế giới nào khác, nàng đang lắp các mảnh vụn của giấc chiêm bao trong đêm trước lại với nhau nào là chàng ngoài ba mươi lái xe convertible mầu hoa phượng đến đậu trước cửa nhà nàng, nào là quán Café La Cigale Bistro và thấy nó đang hiện hình. Thấy Michelle làm thinh, gió bay làm tóc nàng như xổ tung trên trán trên mặt nhưng nàng cứ để nguyên như vậy, nghĩ rằng Michelle vẫn còn chưa hết giận nhưng chờ cho tôi năn nỉ, ỉ ôi thêm nên cũng im lặng chuẩn bị cho mình sẵn những lời ngon ngọt ứng phó với cơn sóng gió ba đào sắp nổ tung ra đủ làm tan tác một đêm thu. Khúc phim cũ đang quay lại đã từng làm tôi bất mãn với chính tôi, thời gian hai năm chưa đủ bào mòn hình bóng nàng còn trong bộ nhớ của tôi, tiếng còi tàu vẫn nhăc nhở làm lòng tôi nhức nhối hằng đêm, nhưng làm sao tôi ngăn nổi con đò khi nàng đã qua sông, tôi giận tôi hết nước vì đã không chịu khó nửa đêm chui rào vào vườn cấm hái hoa, để hôm nay thành kẻ chiến bại. Hôm nay nàng không ngần ngại để rơi ra ngoài giọt sầu đã ủ chin trong lòng cùng với tên tôi dấu trong gối hàng đêm dù không bị đánh thức bởi tiếng còi tàu như tôi.
Té ra, thời gian xa nhau vừa qua cần thiết để làm chín mùi và lên men một cuộc tình, dù rằng nó đang được nàng tráng men lên bề mặt bằng cơn nhõng nhẽo đầu tiên.
Chỉ mới vừa được yêu chưa đầy nửa giờ mà tôi đã phải vận nội công đến hai lần thì yêu quả là gian nan không những “ Chết ở trong lòng một tý, mà có thể là chết luôn chưa biết chừng”. Và quả thật không ngờ, tất tật đều là chuyện không ngờ tâm hồn nàng như cánh gió vừa xoay chiều, Michelle quay qua cười tươi với tôi như chưa từng có chuyện gì xẩy ra, làm tôi lại một phen chưng hửng:
-Anh à, anh có tin vào định mệnh không. Giọng đã hết giận hờn
-Định mệnh, ý em muốn nói gì chứ, anh chưa rõ.
Michelle lấy trong bóp ra quyển truyện CÒN ĐÓ MỘT VÌ SAO đưa tôi coi và lái tôi sang đề tài khác, ngang phè:
-Anh đã đọc truyện này chưa
- Đã… rồi sao cô bé
-Vậy anh có biết tác giả là ai không ? Ngừng một chút ra chiều suy nghĩ rồi gãi đầu:
- A…a…Thomas Thompson đúng chưa. Tôi sắp thắng canh bạc đến nơi, nên tiếp tục đùa dai, đưa nàng vào mê lộ.
-Anh biết tác giả hiện nay ở đâu không.
-Biết. Không xa em lắm đâu, nhưng để em làm gì chứ.
- Em muốn đi tìm nhân vật chính trong sách này. Vì anh ta cùng hoàn cảnh bất hạnh như em, cả hai có thể dễ dàng thông cảm nhau trong tình bạn. Anh nghĩ em có thiếu thực tế không và anh có sẵn sàng giúp em không.
-Em rất thực tế, điều chắc chắn là anh sẽ giúp em, bằng cách tối nay anh sẽ chỉ cho em thấy có vì sao rất sáng đang xích lại gần vì sao kia.
Đôi mắt thăm thẳm bỗng trở nên lấp lánh:
-Thật hả anh.
Chiếc xe bỗng dừng lại và cả hai đều có chung cảm giác thuyền đời vừa tìm được bến đỗ.
(Mùa thu 2021)