Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




CHỊ DÂU TÔI



C hị lấy anh tôi là do sự sắp đặt của hai bà mẹ. Mẹ tôi và mẹ chị. Không có sự sắp đặt ấy, hẳn chẳng bao giờ chị trở thành chị dâu tôi. Người con gái anh tôi yêu là Thoa ở xóm bên cơ. Hai người quấn quýt nhau đến nửa làng biết rõ. Nhưng mẹ tôi không ưng Thoa. Bà cho rằng, hai nhà giàu nghèo cao thấp khác nhau sẽ không thuận cho sự đi lại. Nhà người ta giàu có đã đành; Thoa lại là cô gái có sắc, đỏng đảnh, e khó được sự thuỷ chung lâu bền. “Mà con còn định đi thoát ly, nên càng không lấy nó được đâu!” - mẹ tôi dứt khoát thế. Anh hỏi: “Vậy mẹ muốn thế nào ạ?”. Mẹ nói: “Con muốn công tác thoát ly thì nhất định phải cưới vợ đã. Không thì, em con còn đi học, mẹ lại già yếu rồi, biết dựa ai?” - “Thế mẹ muốn con lấy ai nào? Xin mẹ chỉ ra, con sẽ nghe!”.  

 Anh tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe mẹ nói tới An. Nhà An với nhà tôi liền kề nhau, ngăn cách bằng một bờ tường đất thấp lè tè. Khi mẹ An còn sống, ngày nào hai bà cũng ngồi chuyện trò với nhau. Để khỏi gần nhà xa ngõ, hai bà thoả thuận bạt một mảng tường để lấy lối qua lại dễ dàng hơn. Trước khi nhắm mắt xuôi tay, mẹ An còn nói với mẹ tôi: “Nếu bà có lòng thương yêu con An thì tôi vui lòng để nó làm dâu bà!”. Điều ấy, đã có lần mẹ tôi ướm thử anh Vinh tôi. Bị phản đối, mẹ tôi không hề nhắc lại lần nào nữa. Mấy năm qua đi, anh tưởng mẹ bỏ ý đồ chọn An về làm dâu. Nào ngờ...  

 Anh tôi đồng ý với mẹ rằng: An có sức khoẻ, chăm chỉ, giỏi quán xuyến việc cửa nhà. Tính nết An dịu hiền, biết ăn ở có trên có dưới. Thế là rất được. Nhưng anh chê An không được sắc. Chỉ vì mặt An rỗ nặng. Cánh trai làng thường gọi An là “An tổ ong” để phân biệt với “An bánh đúc”. Kết cục anh vẫn phải nghe mẹ, đồng ý lấy An. Nếu không, anh bỏ lỡ cơ hội ra đi; cái cơ hội mà, cánh thanh niên ít học ở quê tôi không mấy ai có được.  

 Thế là mẹ tôi lập tức tổ chức lễ cưới cho anh, bỏ ngoài tai tất thảy những lời bàn tán xì xào. Rằng tay Vinh bị cái Thoa đá, hay ngược lại? Rồi: Vinh lấy vợ cho hắn, hay là kiếm cô hầu cho mẹ già? Hắn có thực lòng yêu cái An không? Hay lấy cái An chỉ cốt thôn tính mảnh đất với ngôi nhà liền kề? Lại nữa: Xấu người như cái An mà vớ được tay Vinh kẻng trai cao ráo thì quả là tốt số. Thôi thì, chồng nó có yêu hay không, thế nào cũng được; miễn sao tranh thủ đẻ béng lấy một thằng cu là yên tâm rồi...  

 Một lần, tôi hỏi anh nên xử sự thế nào về những lời bàn tán ấy. Anh chép miệng: “Kệ họ!”. Mẹ tôi thì khuyên anh: “Con phải ăn ở sao cho đúng với tình nghĩa vợ chồng. Để người đời khỏi chê cười. Còn miệng thế gian thì không ai bịt được”. Mẹ lại khuyên con dâu: “Con nên bỏ qua tai mọi lời chọc ngoáy rèm pha từ bên ngoài. Cần giữ trọn phận làm vợ với chồng con. Chớ có để xảy điều gì khiến mất yên ấm gia đình. Còn thằng Vinh, mẹ có trách nhiệm bảo ban nó”.  

 Anh tôi đối xử với vợ tuy không thật mặn mà, nhưng vì nể vì sợ mẹ nên không dám thờ ơ lạnh lùng. Sớm tối cũng biết bảo ban vợ công kia việc nọ. Chị dâu tôi thì biểu lộ sự ngoan ngoãn phục tùng, và không hề bỡ ngỡ lúng túng điều gì khi bước chân về làm dâu nhà tôi. Bởi chị đã tường tận nếp nhà tôi. Hơn nữa, xưa nay mẹ tôi vốn coi chị như đứa con ruột thịt trong nhà rồi.  

 Cưới vợ được đúng mười ngày thì anh Vinh tôi ra đi. Mẹ tôi bịn rịn tiễn con từ sáng sớm. Chị dâu tôi khoác ba lô cuốc bộ cùng chồng đến bến ô tô phố huyện. Đoạn đường cả đi và về chưa đầy mười lăm kilômet, vậy mà sẩm tối chị mới về nổi nhà. Do lỡ chuyến xe sáng, anh tôi phải đợi chuyến chiều. Xe đi tỉnh, ngày có hai chuyến thôi. Đến bữa cơm tối, chị chỉ ăn một bát; chắc buồn và mệt. Mẹ tôi bảo: “Thằng Vĩnh dọn dẹp và rửa bát đỡ chị, con nhé!”. Chị cất lời ngay: “Mẹ! Việc ấy là của con”. Rồi chị xua xua tay ngăn tôi. Lại nói: “Em giúp chị lấy nước uống cho mẹ”. Chị xưng “chị” nói “em” nghe thật êm xuôi. Mà êm xuôi ngay từ hôm đầu chị về làm dâu. Tôi thì, nhiều lần gọi “chị” còn bập bõm lúng túng; nhất là xưng “em” xưng “tôi” lẫn lộn lung tung.  

 Một lần vắng mẹ, tôi bảo chị đừng để bụng khi tôi chót xưng hô nhầm lẫn. Chị cười: “Chẳng sao. Nếu anh cậu không lấy tớ thì...”. Tôi nói: “Mẹ mà nghe chị nói thế là bị uốn nắn đấy!”. Tôi đã bị mẹ đe nẹt từ trước ngày tổ chức lễ cưới anh chị cơ. Bà bảo: “Xưa nay mẹ nghe hai đứa chúng mày cứ tớ tớ - cậu cậu, nay mai thế là không được. Nói năng phải ra trên ra dưới, cho dù tuổi nó có ít hơn con”. Đúng là chị kém tuổi tôi. Kém tôi tám tháng mười hai ngày. Vì học cùng lớp, suốt cấp Một đến hết cấp Hai, nên tôi nhớ rõ ngày sinh tháng đẻ chị như in trong đầu.  

 Sau ngày anh Vinh ra đi, điều quan trọng nhất với mẹ tôi là mong tin con dâu mang thai. Trước đó, mẹ từng bộc bạch rằng: “Mẹ già yếu rồi, chỉ mong có đứa cháu là nhất. Để thấy được dòng máu nhà mình nó còn lâu dài về sau. Được thế, dẫu có chết mẹ cũng yên lòng để chết”. Mẹ còn nói với chị dâu tôi: “Đứa con như là cái sợi dây cột chặt chồng mình lại ấy, con ạ”. Như sợ con dâu chưa hiểu ý mình, mẹ tôi hỏi: “Con nhớ chưa nào?”. Chị liền thưa: “Vâng ạ”.  

 Cả những lúc cảm thấy con dâu mệt mỏi, mẹ tôi khuyên chị làm việc in ít thôi. Quá sức, nhỡ ra thì... phải tội đấy. Ý là mẹ lo không giữ được cái thai an toàn. Khi biết chắc chắn con dâu không mang thai, mẹ buồn thầm thầm. Tôi nói với mẹ: “Anh chị ấy đã già đâu mà mẹ lo. Một - hai đứa con, sinh lúc nào chẳng được. Như thời các cụ cứ phải con đàn cháu đống thì mới cần vội vàng chứ!”. Mẹ tôi mắng yêu: “Tông môn anh, chả có hiểu lòng mẹ tí nào sất! Cả anh nữa, sang năm không vào nổi đại học thì mẹ cũng cưới vợ cho. Anh có vợ, thế là mẹ tạm coi như xong phận sự với đời”. Tôi “vâng” để mẹ vui. Ý này tôi học được ở chị dâu. Mỗi khi thấy tôi bướng với mẹ, chị đều khuyên can. Khi thì chị khuyên tôi trước mẹ, có lần nói riêng. Cãi mẹ là không phải. Hơn nữa, mẹ già có sống được bao lâu nữa với con cái đâu. Đời mẹ đã khổ nhiều rồi. Đừng để mẹ buồn phiền thêm.  

 Cũng vì muốn mẹ vơi đi nỗi buồn phiền, tôi đã chiều ý mẹ, lên phố huyện đánh điện cho anh Vinh về. Anh Vinh tôi xa nhà chưa tròn nửa năm. Nhưng nhận điện, chắc chắn phải bò về. Đánh điện rồi, tôi mới nói nhỏ với chị dâu: “Nay mai anh Vinh về phép!”. Chị hỏi: “Ai bảo?” - “Tớ... à quên, em đánh điện!” - “Vĩnh điện thế nào?” - “Mẹ ốm nặng!” - “Nói dối, anh ấy về thì lôi thôi to!” - “Mẹ nhận tất. Mẹ mong có cháu bế bồng ấy mà! Chị thích không?” - “Cái chú này!... Thích hay không thì cũng phải chiều ý mẹ!”.  

 Rất tiếc là, đợt phép năm ngày của anh Vinh đã không đem lại niềm vui mà mẹ tôi mong mỏi ngày đêm. Tôi càng thương mẹ. Bởi mấy lần tôi còn bắt gặp mẹ nhòm nhõi cả cái chậu quần áo của con dâu tôi thay ra chưa kịp giặt, để tính ngày gọi anh tôi về cho đúng dịp sinh sôi.  

 Lần thứ hai tôi đánh điện báo anh Vinh về với lý do “Em nhập ngũ”. Tôi nhập ngũ vì trượt đại học. Anh tôi xin nghỉ tiêu chuẩn phép năm, được những mười ngày. Anh em gặp nhau hai ngày thì tôi lên đường. Phút chia tay, mẹ tôi khóc sướt mướt. Anh Vinh tôi cũng buồn, song tỏ ra cứng rắn bảo mẹ: “Chú ấy đi hết nghĩa vụ hai năm lại về. Chẳng làm sao mà mẹ phải khóc!”. Chị dâu tôi thì nhắc lại điều đã nói rồi: “Vĩnh yên tâm. Mọi việc ở nhà có anh chị lo!”. Lúc ấy hai mắt tôi ướt loà nhoà, nhưng vẫn nhận ra những giọt nước mắt lăn trên hai gò má chị dâu tôi.  

 Tôi nhập ngũ được khoảng một năm thì miền Bắc bước vào cuộc chống chiến tranh phá hoại do Mỹ gây ra. Tiếp đến giai đoạn chiến đấu quyết liệt với khẩu hiệu “Thời cơ nghìn năm có một”, để nhằm mau chóng thống nhất đất nước. Thế là cuộc đời quân ngũ của tôi không có thời hạn. Tôi cùng đồng đội lăn lộn trong chiến trường phía Nam, nên bặt hẳn tin tức gia đình. Sau khi chiến tranh kết thúc, tôi mang thương tích nặng trở về sống bên mẹ. Chân phải của tôi bị cụt qua đầu gối, và mất cả bên tay trái. Được về với mẹ là thể theo nguyện vọng ráo riết của mọi người trong nhà tôi. Đặc biệt là để mẹ tôi thỏa nguyện sự mong mỏi chờ trông con đằng đẵng gần chục năm trời. Vì thế, trại điều dưỡng thương binh chấp thuận đề nghị của gia đình, nhưng khi nào quá khó khăn thì sẵn sàng đón tôi trở lại.  

 Nhiều năm qua, mẹ tôi ốm yếu lắm. Ỉa đái chẳng chủ động được. Dò dẫm ra đến cổng không nổi. Anh Vinh tôi được điều về làm việc ở Hà Nội, thỉnh thoảng có đạp xe thăm nhà vào chủ nhật. Hầu hạ mẹ vẫn chỉ một chị dâu tôi. Nay thêm tôi thì vất vả cho chị quá. Vậy mà chính chị tỏ nhiệt tình nhất trong việc đón tôi về nhà. Chị thảo đơn đề nghị. Chị mấy lần phải tường trình lý do để chính quyền xã và huyện đồng ý chứng thực nguyện vọng của gia đình. Rồi mấy lần chị chạy lui chạy tới trại điều dưỡng cách xa hơn trăm kilômet. Tôi thật xúc động. Kính nể. Mang ơn. Một lần chị còn bảo sẽ lấy vợ cho tôi. “Lấy ai? Ai lấy?” - tôi hỏi. Chị nói: “Vĩnh có nhớ cái Xoan làng Phạm không? Nó có mặt trong Đoàn Thanh niên xã đến thăm Vĩnh ấy”. Tôi nghĩ một lát rồi gật gật đầu: “Xoan học sau chị em mình hai lớp.” - “Chắc chắn nó đồng ý Vĩnh, nếu cậu chấm nó”. Tôi bảo: “Chuyện ấy để sau này”. Còn bây giờ trăm sự khó nhọc đang đổ xuống đầu xuống vai chị, tôi bình chân như vại thế nào được. Nên tôi cố mau mau làm quen với cảnh sống mới của mình. Việc gì có thể tự được là tôi dứt khoát không khiến chị. Hầu hạ mẹ được việc gì là tôi làm. Những khi chị vắng nhà, tôi giặt giũ quần áo mẹ, cả việc lau rửa cho mẹ. Co nước từ giếng lên, tôi đặt cái ròng rọc cải tiến, để mình thả kéo ngon lành. Ít khi tôi để chị phải chui đầu vào bếp nấu ăn, sau khi tất bật công việc đồng áng trở về. Thấy thế, chị luôn luôn tỏ sự ái ngại. Tôi bảo: “Có khối việc chị phải lo cho cái gia đình mình!”. Sau đó, tôi còn bày việc trồng cây ăn quả và nuôi chim cút. Những việc này tôi đã quen làm ở trại thương binh. Nay cần áp dụng để tăng thêm thu nhập, lại vui và khoẻ người. Chỉ dựa vào phần trợ cấp thương tật của tôi với việc đồng áng của chị thì mức sống eo hẹp quá. Chị đồng ý đề xuất của tôi, nên sốt sắng lo tìm giống má, thức ăn, phân bón. Còn hay nhắc tôi làm việc thận trọng và từ từ thôi. Sơ ý để xảy ra sự cố thì khổ.  

 Thế rồi, sự cố vẫn xảy ra. Xảy ra lại không từ công việc vườn tược, chăn nuôi, dọn dẹp cửa nhà. Tôi bị ngã khi trèo nhà cầu đại tiện. Đêm khuya. Trời không trăng sao. Tối mịt tối mù. Tôi vừa đu chân lên bậc thềm thứ hai thì nạng chống bị trượt bất ngờ. Thế là toàn thân tôi đổ vật xuống một bên, đập vào đống gạch vỡ. Đầu tôi tái tê, bên tay còn lại thì bại liệt, cứng đơ. Bụng dạ xổ ra toé toè loe, ướt sũng quần. Có lẽ buổi tối tôi ăn uống phải chất độc ở nhà anh bạn. Lồm cồm mãi mới ngồi dậy được, nhưng tôi không thể nào với nổi cái nạng để cặp vào nách mà đứng lên. Tôi đành phải gọi chị dâu. Vừa ới một tiếng chị đã biết, cầm đèn chạy ra. Chị xốc nách tôi đứng dậy, và lấy thân làm giá đỡ đưa tôi lết vào nhà tắm. Ngồi xuống chiếc ghế tắm “đặc chủng” rồi, tôi càng thấy lúng túng. Chị bảo: “Vĩnh phải coi như đang là thương binh cần cấp cứu ấy. Tớ thì là y tá!”. Chị nói vậy thôi, chắc chắn là cũng ngượng. Bỗng nhớ cái hồi học cuối cấp Hai, bất ngờ tôi nhìn thấy chị thay quần áo, khiến cả hai đều ngượng đến chín mặt. Nay không có cách nào khác, tôi đành chịu để chị lột trần trùng trục, dội nước ào ào. Rồi kỳ cọ khắp người tôi. Động tác của chị vừa ào ạt, vừa ý tứ. Nhờ có cái khăn tắm rõ to, nên chị hạn chế đụng chạm hai bàn tay vào da thịt tôi.  

 Dìu tôi vào giường, chị tiếp tục xem xét cánh tay tôi. Chị bảo sai khớp. May cho tôi là chị biết mấy miếng cấp cứu tại một khóa học cứu thương thời chiến. Chị quỳ gối, hai tay vờn bóp cánh tay tôi; rồi bất chợt kéo “cục” một tiếng, khiến tôi đau nhói. Xoa dầu nóng xong chị bảo: “Ngủ một giấc ngắn là hết đau!”.  

 Mẹ tôi nằm ở gian bên, thấy sáng đèn, giọng ú ớ hỏi: “Vinh về đấy ư con?... Sao vợ chồng chẳng sinh cho mẹ thằng cháu?”. Chị dâu tôi bước đến bên giường, đáp: “Chú Vĩnh đấy mẹ ạ. Không phải nhà con đâu!”. Nhưng mẹ đã lịm đi ngay, chẳng hề hay biết. Trong đầu mẹ bây giờ có ghi lại được điều gì mới mẻ đâu. Chỉ những cái thuộc về quá khứ, xem ra mẹ còn nhớ ít nhiều. Bởi thế, nỗi mong có đứa cháu đích tôn là điều trăn trở triền miên trong mẹ.  

 Chẳng biết vì sao anh chị tôi chậm có con? Gần đây chị dâu tôi nói nguyên nhân thuộc về chị. Tôi hỏi: “Sao chị không chữa?” - “Chữa khắp nơi và đủ kiểu rồi. Cuối cùng người ta phát hiện là lệch dạ con, cũng đã nắn từ hơn năm trước. Rõ chán các thày thuốc, bệnh thật đơn giản mà cứ làm ra phức tạp. Không rõ nguyên nhân phức tạp từ đâu. Bởi trình độ chuyên môn yếu kém, hay là… Mà thôi, kể cái sự phức tạp ngoài xã hội trong lúc này chẳng để làm gì. Còn chuyện nhà mình xét cho cùng thì, nguồn gốc của sự phức tạp là từ người nhà mình. Chính người nhà mình đã làm cho mọi sự trong cái nhà này trở nên phức tạp và ngày càng rắc rối hơn”. - “Rắc rối thế nào cơ?”. Chị im lặng không trả lời. Có lẽ do anh tôi gây ra. Hẳn nào, những lần về thăm nhà, tôi thấy anh đối xử với vợ rất lạnh nhạt. Có tối không cả ngủ cùng nhau. Thế thì khổ chị quá. Chị gánh vác cái giang sơn nhà chồng đến nay đã trên mười năm. Thiếu chị, liệu anh tôi có thoát nổi luỹ tre làng? Tôi gặng hỏi để biết sự việc rõ ràng, để còn tìm hướng giải quyết. Chị nói: “Vĩnh chẳng giải quyết được gì đâu. Mà rồi làm mất thuận hoà anh em. Hơn nữa, chuyện trong nhà để làng xóm biết, khác nào vạch áo cho người xem lưng”.  

 Mặc dù không rõ cụ thể câu chuyện thế nào, một cuộc xung đột nho nhỏ giữa anh em tôi đã xảy ra. Xảy ra tại ngôi nhà vốn là của chị dâu tôi. Anh đã gói gọn con người mình bằng mấy câu nói như thế này: “Chú biết rõ vì sao tôi lấy An rồi. Còn cái gia đình này, không có nó gánh vác thì có người khác. Giá nó sinh được đứa con thì quan hệ tôi - nó khả dĩ tốt. Việc tôi chán nó chẳng phải là trường hợp hiếm lạ ở trên đời này. Tuy thế, tôi không thích to tiếng. Nó cũng vậy. Mà mẹ chúng ta thì còn sống sờ sờ kia. Nên rất cần kín tiếng. Để khỏi mang tiếng bất hiếu. Khi cụ mất rồi thì sự việc sẽ lập tức khác!”. Tôi nổi cáu: “Ở anh, thực chất cái quan niệm có hiếu chỉ là sự đánh lừa mẹ. Còn với vợ anh, anh đã phủi công lao chị ấy. Không phải người vợ nào cũng xả thân gánh vác gia đình nhà chồng như vợ anh đâu. Anh xử thế là bất nghĩa!”. Anh tôi đập bàn làm đổ cả hai chén nước: “Việc ấy thuộc về tao. Không trách nhiệm gì đến mày!”. Tôi thả chuỗi cười nhạo báng đuổi theo anh đang xăm xăm bước trong bóng tối ra phía cổng. Chị dâu tôi từ đâu bước vào, mái tóc dài xổ tung, mếu máo nói: “Tôi xin chú. Tôi van chú. Đừng có ầm ĩ mà đau lòng mẹ!”.  

 Tôi ngồi câm lặng. Mẹ hết biết để đau lòng rồi. Chỉ có chúng ta đau thôi. Rồi mẹ sẽ ra đi. Không lâu nữa đâu!  

 Đúng như tôi dự đoán, gần ba tháng sau mẹ tôi qua đời. Chúng tôi tổ chức đưa tang mẹ vào lúc sáng sớm, đề phòng máy bay Mỹ ném bom. Người khóc mẹ thảm thiết là chị dâu tôi. Chị khóc mẹ chồng như thể khóc cả đời mình: “Mẹ ơi! Từ nay con biết nương tựa vào đâu?... Mẹ ơi… con đơn độc bơ vơ...”.  

 Nước mắt khóc mẹ chồng chưa khô, chị lại phải đón nhận ngay sự khốc liệt phũ phàng. Sau lễ trăm ngày mẹ, anh tôi tuyên bố chính thức chấm dứt quan hệ vợ chồng với chị dâu tôi. Tôi bật lên như cái lò so bị dồn nén được bung ra: “Vì sao? Vì sao cơ chứ?”. Dường như anh tôi đã chuẩn bị thái độ nhẫn nhịn, nên bình tĩnh nói một cách chậm rãi: “Vì sao thì cô An đã biết tất cả. Chính tôi đã nói cho cô ấy biết dần dần, từ những năm trước kia. Tóm gọn lại là: Tôi chưa bao giờ thực lòng yêu cô ấy! Khi mẹ còn sống, vì thương mẹ nên tôi cố làm cho mối quan hệ với cô ấy dịu đi thôi. Còn với chú Vĩnh: Tối nay tôi muốn chú nghe chuyện này, coi như để biết một lời thông báo mà thôi. Chú chẳng nên can dự sâu làm gì!” - “Sao lại không nên? Tôi phản đối! Rồi chị ấy sẽ kiện. Sẽ không ký đơn ly dị!” - “Chú thích phản đối thì tuỳ ở chú. Còn cô ấy kiện hay không, cũng tuỳ. Việc ly hôn theo tôi là cần phải đưa ra toà xử. Tôi đã thảo đơn sẵn rồi. Nếu cô An không ký cũng chẳng sao. Miễn là lặng lẽ chấp thuận ly hôn, và đừng làm phiền tôi từ nay”.  

 Trong suốt cuộc trao đổi, chị dâu tôi chẳng nói điều gì. Cũng không hề sụt sùi. Dường như chị đã có sự chuẩn bị sức ghìm nén từ trước. Hay nước mắt chị cạn khô bởi khóc mẹ chồng, khóc số kiếp mình, trong những tháng ngày vừa qua? Tôi giục chị tỏ rõ ý kiến. Giọng chị buồn buồn: “ Cũng chẳng còn gì để mà nói nữa!”.  

 Sáng sớm hôm sau anh tôi đạp xe đi khỏi nhà. Như muốn mau mau trốn chạy chị dâu tôi. Tôi coi đó thực sự là một cuộc chia ly. Cuộc chia ly lặng lẽ, buồn tẻ đến rùng mình. Nhưng đâu phải sự chia ly như thế đã là xong, cho dù trong ý thức anh chị tôi đồng tình chấm dứt hôn nhân?  

 Anh đi rồi - tôi nghĩ - cần để đầu óc chị dâu tôi nghỉ ngơi ít ngày, lấy lại sự thư thái đã. Mọi việc trong nhà hãy gác lại, sẽ bàn định sau. Thế nhưng thật bất ngờ, hai ngày sau có tin anh Vinh tôi chết. Bom Mỹ đánh trúng hầm anh tại nơi sơ tán. Trong cái hầm chữ A, gồm anh tôi cùng ba người khác, bị hai quả bom nghiền thành tro bụi, hoàn toàn không còn để lại vết tích gì. Người cơ quan đến báo tin này, mấy tháng trước cũng đã về viếng mẹ tôi. Rất giận anh, song cả chị và tôi không sao ngăn nổi nước mắt.  

 Ngay hôm nhận tin, chị dâu tôi đặt bát hương thờ anh bên cạnh bát hương mẹ. Dân làng đến chia buồn rải rác trong mấy ngày liên tiếp. Ai ai cũng tỏ lòng xót thương cảnh ngộ chị. Giá mà chị có đứa con thì đành yên bề dang dở.  

 Tuy nhiên, tôi còn nghe được câu nói bông lơn từ ngoài cổng: “Mấy năm trước tớ gạ tặng cho một thằng cu, hắn có chịu đâu!”. Liền đó, một giọng nữ the thé cất lên: “Đồ dê đực mắt toét nhà ông, có chó cái nó cũng ỉa vào. May mà chưa kịp xơi tát của nó!”. Vẫn ông ta: “Nói nghe cao giá gớm nhỉ. Thời chiến tranh, con gái tơ còn ế chồng cả đống kia kìa! Đằng này… cái thứ gái xề…”.  

 Trước cảnh đau buồn của gia đình, những câu nói vô ý thức từ người đàn ông nọ đã làm tôi khó chịu chốc lát. Song, đã có lần tôi bình tâm suy ngẫm nghiêm túc về nội dung câu nói ấy: Thời chiến tranh… Con gái ế chồng… Và cảnh lỡ dở như chị dâu tôi…  

 Sau này, cả chị cũng chạm đến vấn đề này, vào cái chiều chị nhắn Xoan tới nhà tôi chơi. Khi Xoan về rồi, chị nói: “Vĩnh thấy thế nào? Xinh đẹp và đảm ra phết. Mà chưa lần nào đâu nhé. Có người yêu nhưng hy sinh ở chiến trường B lâu rồi. Rõ khổ cho nó!...”. Lát sau chị lại nói: “Nhưng không khổ bằng cái cảnh bố chồng già lọm khọm phải dẫn con dâu ra tỉnh nạo thai chui. Là cốt để chồng cô ta yên tâm cầm súng giết giặc. Rồi cảnh phụ nữ lỡ thì muốn có đứa con để dựa dẫm tuổi già mà không dám đẻ, vì sợ dư luận xã hội lên án. Những ai đã trót thì… thà tìm lối chui xuống đất còn hơn sống. Tuy thế, ở nơi này nơi kia vẫn có những đứa trẻ được sinh ra, mà người ta không rõ cha chúng là ai…”.  

 Tôi không muốn để câu chuyện ngưng lại lâu hơn, liền cất giọng hỏi: “Chị coi những trường hợp ấy thế nào?”. Thấy chị ngần ngừ, tôi dẫn giải thêm: “Là Vĩnh muốn nghe thực bụng chị cơ.” - “Kể ra thì… họ có đứa con là rất cần. Nghe bảo ở bên Tây, phụ nữ không chồng mà sinh con thì còn được nhà nước bảo trợ chu đáo hơn”. Sau đó chị đưa ra mấy trường hợp góa bụa độc thân, ngày già khổ đến cùng cực. Có người chết ba bốn ngày sau xóm giềng mới phát hiện được… Ánh mắt chị lúc ấy thoáng hiện lên nỗi buồn u ám. Hẳn chị có liên hệ đến số phận mình? Liệu chị có dám vượt qua số phận…?  

 Và, chị đã dũng cảm vượt qua!  

 Tối ấy, chị dâu tôi ngồi kể mọi chuyện về chồng. Anh đã có con trai bốn tuổi với người đàn bà ở Hà Nội. Họ vụng trộm ăn ở với nhau, không đăng ký kết hôn. Xét thấy không thể cản nổi mối tình ấy, chị đành âm thầm chịu đựng. Phần mình, chị chỉ mong sao có được đứa con với chồng. Đó là khát vọng của chị, nhưng không thành. Nguyên nhân do chị bị lệch dạ con. Khi chữa khỏi bệnh thì đến giai đoạn bị chồng bỏ lửng.  

 Vậy mà trước sau chị vẫn một lòng phụng dưỡng hầu hạ mẹ tôi. Bát cơm, manh áo, chén thuốc chữa bệnh mẹ... tất cả đều từ sức lao động chị làm ra. Anh tôi mỗi lần thăm nhà, chỉ biếu nổi mẹ đồng quà tấm bánh. Thế thôi! Hơn một năm qua, chị lại dồn sức hầu tôi.  

 Nay chồng đã chết; chị trở thành góa bụa, lại kém sắc, nên cụt đường hy vọng lấy ai. Biết rằng đẻ đứa con ngoài giá thú chẳng hay hớm gì trước dư luận xã hội, song chị thấy cần phải có. Đứa con như của để dành, là chỗ dựa vững chắc cho tuổi già của chị. Nhưng đẻ với ai, rồi cũng bị lật tẩy. Sớm muộn hình hài đứa trẻ sẽ tự khai báo nguồn gốc của nó. Sẽ gây rắc rối cho cả hai bên - kẻ nhận, người cho. Bởi ở cái xó quê này, người ta tường tận nhau từng ly từng tý, chứ có như đất thành thị đâu. Nghe tâm tình chị, tôi buột miệng: “Vĩnh thật lòng thương An, mà không biết giúp thế nào!”. Sau giây lát lặng im, chị cất giọng e dè nói: “Biết đâu... Vĩnh giúp được mình?”. Tôi hăng hái nói: “Giúp được, Vĩnh giúp ngay... Không tiếc! Có điều… mọi sự trên đời này đều trở thành “không thể” đối với Vĩnh rồi”. Nhưng khi nghe chị nhờ tôi để có đứa con, quả thực tôi bất ngờ tới mức ngỡ ngàng. Vì tôi không mảy may nghĩ đến tình huống chị đặt ra. Đến lượt tôi lặng im. Chị giải thích: “An biết làm như thế là không phải với vong linh mẹ. An cũng đắn đo trăn trở lắm. Nhưng đành van xin vong linh mẹ xá tội cho chúng ta. Chỉ có Vĩnh giúp An là an toàn, an tâm tuyệt đối. Sẽ không ai phát hiện nổi. Bởi cả cái làng này, ai ai cũng nói anh em Vĩnh giống nhau như hai giọt nước”. Bỗng chị khựng lại hồi lâu, có ý chờ đáp số từ phía tôi.  

 Tôi chưa biết nên nói với chị thế nào cho phải. Từ chối phắt thì khác gì tôi hất toẹt bát nước vào mặt chị. Đành ngập ngừng cất tiếng: “Việc này... xin An từ từ, để mình suy nghĩ thêm... Có được không?” - “Đương nhiên quyền quyết định thuộc về Vĩnh. Có điều... thời gian không cho phép từ từ được đâu. Chậm lại, chúng mình sẽ không thể nói dối. Vì… muốn hay không thì đứa trẻ sinh ra vẫn phải hợp thức là con anh Vinh. Như thế, chúng mình tránh được tai tiếng… Phải không?”.  

 Tôi từ chối hay không đây? Từ chối thì được thanh thản với vong linh mẹ và anh tôi. Nhưng khó tránh nổi sự dày vò suốt đời, mỗi khi nghĩ tới chị dâu tôi - một con người đang sống sờ sờ trong cùng mái nhà với tôi. Nhất là con người ấy tôi từng ngưỡng mộ, kính trọng, mang ơn… Nay chị cần sự giúp đỡ từ tôi, không gì khác là để mong thoát cảnh khốn khó cơ cực lúc tuổi già. Khát vọng thật chính đáng, tuy cách giải quyết có phần xa lạ với nếp sống nếp nghĩ của người đương thời. Ngay nếp sống nếp nghĩ ấy đang trở thành rào cản đối với tôi. Liệu tôi có dám vượt qua. Nhất là lúc này, tôi không thể từ từ toan tính phải trái thiệt hơn.  

 Tôi nhẩm tính, anh Vinh qua đời đã một tuần lễ rồi, khiến lòng tôi càng thêm rối bời. Tôi như đứng trước hai ngả đưòng, buộc phải mau chóng chọn một. Chọn thế nào đây?... 


 

VVM.15.3.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com