Việt Văn Mới
Việt Văn Mới
      




HAI ĐƯỜNG NGÔI RẼ



                         “Ta tiếc cho em trong cuộc đời làm người
                         Ta xót xa thay em là một cánh hoa rơi
                         Người đời vô tình giẵm nát thân em
                         Người đời vô tình giày xéo thân em
                         Người đời vô tình giết chết đời em…”
                                 Nhật Ngân - Tình Kỹ Nữ

1. 

‘Trời ơi, sao đau mà không nói... ’ Tôi sẽ nhớ câu nói đó của chị Thuận đến hết đời nầy, coi đó là cái vốn tình thương vô giá mà mình may mắn có được, không bao giờ mất và không phải ai ai cũng có.

2. 

Thằng Phương đỏ mặt lượm cái tràm tạt bao thuốc mà nãy giờ nó cảm thấy như tràm nầy xui xẻo lại không thuận tay khiến thua xất bất xang bang. Chiều, mặt trời từ từ lặn xuống khỏi đầu rặng mía bên kia sông. Gió đồng trống ba bên mát rượi mà nó thấy nóng vì đã mất nhiều vốn. Xấp tiền-bao-thuốc đủ kiểu được xếp vuốt thẳng thớm trước khi lâm trận giờ đã lưng lưng khiến nó đỏ mặt. Ngó lên con nhỏ bạn, đứa con gái duy nhứt đứng coi trò chơi của bọn con trai chỉ để ủng hộ nó, nó khoát khoát tay, hất hàm nói không sao, chút xíu tao gỡ được thôi.

Một thằng nhóc trong nhóm châm chọc:

‘Ra ngõ gặp gái không thôi đã xui tận mạng. Ghệ mầy đứng trù còn xúi quẩy hơn, thế nào rồi cũng sạch túi thôi con ơi. Gỡ ghẻ từ từ tới hết vốn là cái chắc!’

Thằng cu Tèo, con của cai cựu Phòng, ba nó trước làm cai sở cao su Dầu Tiếng nghe đâu đã ôm trộm nửa tháng tiền lương của cu-li dưới quyền bỏ trốn về đây có số vốn khấm khá mua được chức Phó Hương Quản làng, nói mà không cười:

‘Gớm, gỡ ghẻ bẩn bỏ bu, đau bắt chết. Tớ chả bao giờ gỡ ghẻ cả. Tắm xà phòng tự khắc hết. Cớ gì phải gỡ?’

Cả bọn cười hô hố. Con nhỏ vừa giận dỗi vừa mắc cỡ nguýt thằng nầy một cái dài sọc rồi vùng bật chạy đi. Thằng Phương tính phản đối gì đó mấy đứa bạn trời ơi đất hỡi của nó nhưng không biết nghĩ sao, làm thinh, lầm lũi đậu tiền chơi tiếp.

Trời tối từ từ, mấy chục đàn chim lần lượt bay ngang, mỗi đàn có một con tiền trạm, các con khác bay theo sau, thỉnh thoảng làm điệu lượn lượn là là thay đổi đội hình nhưng rồi lúc nào cũng lập thành một trận nhàn lạ mắt tiếp theo khiến người coi không chán.

Có thằng lớn nhứt trong bọn ngừng chơi, chỉ chỏ:

‘Chim bay từng đàn ngộ quá, phải có lưới giăng thì bắt được nhiều ha! Gần tới rằm tháng Chạp rồi, đem lên chùa bán cho người ta phóng sanh cũng kiếm được nhắm mớ tiền thiệt còn hơn tiền-bao-thuốc nầy, cả cọc mà không mua đươc cái bánh ú nhỏ! Mấy con chim trời đó ba tao nói ăn thịt thì ngon hết ý, ba tao nói chim trời mà, thịt thơm hơn thịt gà vì chúng nó bay nhảy cả đời để kiếm mồi.’

‘Có lưới ông nội mầy cũng không thăng thiên lên đó để bắt được đâu. Cao thấy mẹ.’ Tiếng một đứa nào đó câu mâu. Rồi thì mỗi đứa xọ vô vài ba câu không cần biết trúng trật. Nào là bắt chim bán cho người ta phóng sanh bà ngoại tao nói là ác độc chứ đâu phải làm phước. Nào là sư sãi tổ chức phóng sanh trong chùa thì làm sao bậy được, năm ngoái ba tao mua mấy chục con đủ loại đem vô chùa đưa cho sư ông phóng sanh má tao trúng đề hai ba lần... Cuộc chơi tạt bao thuốc ỏm tỏi trở thành cái chợ chồm hổm họp cuối năm ở bến đò chợ.

Trong tiếng la ó ồn ào của lũ trẻ bỗng nhiên có tiếng kêu con vọng lại từ cách đó chừng hai sân đập lúa.

Rồi Dì Năm má thằng Phương hiện ra, một tay lùa con về, một tay quơ ra phía lũ trẻ:

‘Gì mà la ó vậy bây? Chơi thì nhỏ nhẹ với nhau, la ó đâu tốt. Như đánh lộn không bằng. Bây chơi mà tao nghe bắt mệt! Bớt bớt cái miệng mỗi đứa một chút thì hay biết mấy!’

Thằng cu Tèo nói lấy lòng người lớn:

‘Chúng cháu chơi vui với nhau thôi bác ạ, chẳng đánh nhau đâu, bác chớ ngại.’

Dì Năm ngó xuống thằng nhỏ:

‘À Tèo con ông Cai cựu sở cao su đây à? Giỏi ha! Dân miền ngoài nên nói năng khôn ngoan quá! Gì chớ con nít đánh lộn thì chẳng ai ưa, có khi còn mất lòng mất bề người lớn.’ Bà lùa thằng con đi về phía nhà mình, nói thêm:

‘Phương con về giúp má kiếm chị Thuận. Nó đi mất biệt sớm tới giờ.’

Thằng Phương gỡ tay má ra, quay lại chộp mớ tiền-bao-thuốc của nó thồm lẹ vô túi quần, trở lại mau, nắm tay má. Dì Năm tiếp:‘Tao sai nó ra chợ Vũng Liêm từ hồi sớm mà bây giờ tối trời rồi cũng chưa thấy về. Không biết có chuyện gì hông nữa!’

Cũng thằng Tèo, nhảy vô lẹ như chớp giựt một cọc tiền-bao-thuốc của thằng Phương rồi ù té chạy như giông. Giương ánh mắt tiếc rẻ ngó theo nhưng thằng Phương không có cử chỉ gì vì sợ vía của mẹ.

Má kêu đi kiếm chị Thuận...

Tôi biết chị Thuận đi rồi là không trở về nhà nầy nữa. Nguyên mấy ngày nay cho tới sáng nay tôi thấy ánh mắt chị khác thường cách dễ sợ. Sự lạnh lùng trong từng cử chỉ của chị cho biết những sôi sục âm ỉ trong lòng sau đêm kinh hoàng đó. Chị trở thành con diều hâu đứng trên mõm đá ngó xuống đồng ruộng xa mấy chục cây số chớ không phải là con chim sẻ yếu ớt bình thường nhảy cò cò lững thững bằng đôi chưn yếu ớt của mình.

Chị dào dào, bớt miệng kiệm lời hơn bình thường nhưng không lộ gì là sẽ bỏ đi nên tôi cũng yên tâm. Chuyện là tối nào đó tuần trước, hôm má tôi đi Sàigòn độ mười ngày lo công chuyện, ba của tôi, ông già ghẻ ưa nói chuyện luân lý chữ nghĩa đó, ưa đờn ca tài tử đó, đã làm chuyện coi hỏng được. Ổng đập cửa buồng chị Thuận rầm rầm, kêu giựt ngược giựt xuôi bắt chị Thuận mở cửa buồng nói là không mở tao chết thì bây mang họa, tao đương trúng gió nặng. Tôi sợ quá, đương ngủ ngon mà bật ngồi dậy cái rột, mắt ráo quảnh, tuột lẹ xuống đất ngồi co ro kế bên cây chổi tàu cau như là lấy nó che tôi cho ổng khỏi thấy. Muốn trốn mà không biết làm sao, tôi chỉ che ờ hờ rồi khóc thút thít vậy thôi.

Dưới ánh đèn dầu, Thị Thuận mặt mày coi như không còn hột máu. Chị chần chờ quay tới quay lui cũng lâu ớn rồi mới chịu bận vô thêm hai ba cái áo bà ba, lình xình làng xàng một hồi nữa mới cột lại mớ tóc. Chị nói:

‘Phương cứ ngồi đó nhe. Ổng đuổi thì đừng đi. Ở đây với chị.’

Tôi hỏng biết sao mà chị biểu tha thiết như vậy nhưng cũng co mình cho thiệt nhỏ. Nếu co bằng cỡ con kiến tôi cũng co. Tiếng đập cửa càng nhiều thì tôi càng co, hai chưn xếp sao mà hai đầu gối tôi ép sát vô hai gò má. Tôi thấy nước mắt mình chảy ướt hai đầu gối.

Ông già ghẻ tôi hét lớn lên:

‘Bây không mở thì tao đạp cửa vô, đừng nói tao mượn rượu làm nư nha. Tao đau bụng, nhức đầu quá, chỉ cần bây cạo gió cho tao chút thôi. Người trong nhà với nhau mà bây làm như tao muốn ăn thịt bây không bằng. Tao đâu phải là ông Ba Mươi đâu. Tao là người mà!’

Rồi ông già tôi, ông già ghẻ giàu chữ nghĩa mà tôi không ưa đó, xách lổ tai tôi cố đẩy ra khỏi cửa phòng, trong khi chị Thuận nắm tay tôi kéo giựt ngược lại. Tôi bị té cái quá mạng, đầu đụng vô cạnh chưn giường chỉ dám khóc i ỉ, mếu máo. Tiếng khóc càng lúc càng nhỏ lại dưới con mắt trợn trừng như ông kẹ trước mặt.

Ổng đẩy tôi ra ngoài, đóng xập cửa buồng lại. Tôi ngồi thụp xuống chưn ngựa bộ ván ở ngoài buồng nức nở, tay rờ chỗ đụng trên đầu hồi nãy, thấy ướt ướt, rít rít rồi ngủ quên trong tiếng khóc và tiếng động ầm ầm vùng vẫy của chị Thuận bên kia vách.

Tôi thức dậy khi cảm thấy lạnh lạnh do mấy giọt nước mắt của chị Thuận nhỏ lên má mình. Đảo mắt quanh nhà, chẳng thấy ổng đâu. Má tôi còn vài bữa nữa mới về. Áo sóng chị Thuận xộc xệch. Chị ôm tôi nói nhỏ nhỏ:

‘Chị khổ quá em ơi. Ổng dày xéo thân chị, giết chết đời chị, rồi chị làm sao sống hết đời mình đây. Chỉ nghĩ tới mang nỗi buồn năm nầy qua năm khác cũng thấy đời chị kể như kết thúc rồi. Hết rồi em biết không? ’

Tôi không hiểu hết ý nghĩa những gì mình vừa mới nghe nhưng cách nói buồn buồn và như là có tiếng nấc chen giữa từng chữ khiến tôi tức giận nói mạnh dạn:

‘Em ghét ổng, ổng đã làm cho chị buồn. Lớn lên em đuổi ổng ra khỏi nhà rồi em cưới chị làm vợ. Tử tế với chị, cho chị ăn ngon! Em không thích thấy chị ăn cơm với chuối hay với dưa hấu hoài hoài.’

Chị Thuận tát nhẹ vô má tôi:

‘Đừng nói xàm mà. Em lớn thì chị già rồi cưới sao mà cưới! Cưới con chị thì có! Cón ăn kiểu đó là tại chị muốn thôi.’

‘Không, chị lúc nào cũng đẹp như bây giờ! Chị lai Tây mà, đâu có già được. Mà chị không có con đâu, không có chồng sao có con đươc chớ!’

Chị chua chát:‘Vậy mà có đó em ơi.’

Nghe như vậy tôi nhớ tới người tình của chị.

‘Mà em không cho Cậu Ba Vĩnh cưới chị đâu. Cậu ấy bỏ xóm đi buôn bán hoài, không săn sóc chị, để chị khóc.’

Tôi nhớ như sau câu nói của tôi, cái buồn của chị biến mất đâu chừng mấy phút rồi trở lại.

Chị nói:

‘Em lo giữ con Kén mà cưới nó đi, đừng nói chuyện lãng quẻ không tốt.’

Tôi giẫy nẩy:

‘Con Kén hả? Đời nào! Nó như con trai, tối ngày ngồi trên cây với lại cứ đi chơi với bọn con trai, cưới về chắc hai đứa quánh lộn quanh năm.’ Tôi bắt chước má tôi nói giọng điệu người lớn.

Chị Thuận lại cười, miệng méo xệch, véo má tôi:

‘Đừng nói bá láp nà. Mới bằng trái ớt mà nói chuyện lấy vợ, chê đứa nầy đứa kia. Đừng nghĩ tới chuyện gái ghiếc cưới xin gì hết a. Gái là dao thép cắt xương, rượu là thuốc độc hai phương hại người đó em! Con nít lo học hành siêng năng đi mai sau nhờ tấm thân.’

‘Em bảy tuổi rồi còn nhỏ nhít gì đâu! Tôi nói như con két mẹ theo những chữ má tôi thường than thở về tôi.’

Bỗng nhiên tôi hỏi:

“Mới bằng trái ớt là sao chị?’

Chị Thuận đứng dậy:

‘Thôi hỏi dần lân hoài mệt quá. Đi tắm rửa đi! Mặt mày quằn quện như chúa Ôn đó.’

Chị Thuận đứng dậy, như là có chút xiểng niểng và đau trong mình, chị đưa tay chống trên đầu tôi để vững hơn.

Tôi cảm thấy mình ghét cay ghét đắng ông già ghẻ của mình, ghét còn hơn những lần ổng đánh tôi oan ức hay là chửi mắng má tôi khiến bà vô buồng trong khóc thút thít bỏ cơm nước. Tôi nghe đau đau trên đầu, rờ thấy cục u to bằng trái ổi.

3.

 Cũng như mọi khi, cả đoàn Hương Chức Hội Tề lần lượt kéo nhau về đây sau mỗi lần họp hành ở nhà việc. Người tới sớm thì hụ hợ chỉ cách kê bàn kê ghế, người tới sau thì lăng xăng chào hỏi kẻ trên người trước, đặc biệt không ai là không nở nụ cười thân thiện với bộ mặt tươi tắn nhứt đối với cô Thuận. Thuận thấy có gì kỳ kỳ khác mọi lần là các ông Hương Cả, Hương Thân, Hương Hào lại vắng mặt.

Đoàn ca nhạc tài tử được cho ngồi trên bộ ngựa gõ, chỗ có thể nói là danh giá nhứt trong nhà ngoài bàn tròn của chức sắc làng. Cô Sáu Chiêu danh ca của đoàn chuyên môn hai bản Tây Thi và Tứ Đại Oán tình nguyện giúp Thuận phần nào lo việc bưng mời trà nước bánh trái nhưng đã bị chủ nhà cản đản nói dầu sao Thuận nó cũng là kẻ ăn người làm, để nó làm nhiệm vụ...

Phải nói là mấy ổng đờn xa xướng hát hò ú liu xang xê nghe cũng đáng phục nể, mấy ổng lại là người học thức, nhớ dai, nói bàn nhiều câu chí lý, đáng học đáng nhớ.

Đâu giữa chừng bữa tiệc Hương Quản làng mặt đỏ bừng bừng, giơ cao ly rượu nói Nho: Ly tiết chi trung, khởi vô hiền giả chi oan rồi cắt nghĩa không cần ai hỏi: Trong chốn ly tiết, dễ đâu không có người ngay mà mắc nạn. Phó Hương Quản cai cựu bắt bẻ rằng nói thế bố ai hiểu được, phải nói ly tiết là gì trước chứ... Ông chủ nhà giảng hòa nói rằng hồi nhỏ thầy đồ dạy luy tiết là ở tù ở rạc, bị giam cầm. Luy tiết cũng như rạc ràng là tù bọng. Một ông nào đó trong ban nhạc tài tử bỗng đổi đề tài nói lúc nầy tin tức nhựt trình cho thấy người ta bỏ vô bưng, vô biền nhiều quá, rồi ông ngâm nga một câu ca dao không biết cũ hay mới nhưng tạo nên cãi lẩy mới:

Chiều chiều ra đứng bờ biền, Xa xuôi biệt dạng, lòng phiền nhớ em.

Biền là gì. Cũng ông chủ nhà giải thích là ao hay hồ lớn mà có nhiều cây, tuy không cao lắm nhưng um tùm, rễ nhiều quấn quít nhau. Nước không sâu nhưng dưới đó là bùn lắm khi đặc sệt, lún vô đó khó thoát ra.

Phó Hương Quản cai cựu lớn tiếng:

‘Ối giời, thế thì là đầm chính thị rồi, như đầm Dạ Trạch ấy mà! Người Nam kỳ các ông thêm tiếng bưng tiếng biền chi cho khó hiểu. Tiếng nào đã có thì dùng, thêm tiếng mới chỉ khổ người mới nghe chẳng biết thế nào mà lần.’

Chắc là nghe tới tiếng đầm gợi ý, một ông trong nhóm ngâm nga:

Trong đầm gì đẹp bằng sen. Lá xanh bông trắng...

Chưa kịp ngâm hết lời thì cũng Phó Hương Quản buông ra câu thiệt là lãng quẻ:

‘Phải ngâm thế nầy mới đúng bác ạ:Trong nhà gì đẹp bằng sen...’ và ông ngó Thuận với cặp mắt trai lơ kèm theo cái cười phô trương hai hàm răng cải mả đen cạnh do khói thuốc lào.

Mất cỡ và bực mình Thuận bước ra sau nhà bếp rồi lẻn ra ngoài hè, đứng đè ngực thở vì bực mình, tức giận.

Ba bốn ngày rày nghe Cậu Vĩnh về làng chưa đi, ghe còn đậu ở bến mà cậu biệt hơi biệt dạng.

Tiếng Cậu nói vài tuần trước còn văng vẳng bên tai. Thuận nhớ lại hình như lúc đó lòng đã chùng xuống, đã cảm thấy đời mình như vừa bắt được khối hạnh phúc vô cùng to lớn mà trời ban tặng không báo trước như là bù đắp cho cuộc sống khó khăn mấy lâu nay. Không thể nhớ hết và thấu hiểu toàn văn, Thuận chỉ đoán ý rồi chăm chăm ngó vô bộ mặt thành khẩn của Cậu mà thấy mình bay bổng, sẽ hết nghèo khổ cui cút.

Rồi mình có một người chồng thân yêu, học thức, biết giao tiếp bán buôn, anh ta chắc chắn có một vị thế trong xã hội. Và mình sẽ từ bỏ đời vừa làm công vừa làm con nuôi như bao lâu nay. Không biết gì nhiều về Cậu Ba vì Cậu ít về làng xóm, nhưng gia đình tía cậu ở xã Mỹ Hòa nầy ai cũng biết là một nhà bao nhiêu đời lương thiện. Cậu lâu nay đi đi về về Sàigòn vì biết chút đỉnh tiếng Tây và đương làm đại diện cho một chành lúa ở Bình Tây, Chợ Lớn...

Trời xui đất khiến sao mà bữa hôm cúng đình, Thuận được bà chủ ra lịnh dắt thằng Phương đi coi vì nó đòi quá chừng. Bà chủ nhấn mạnh là ông chủ cầm chầu thì nhà mình đi hết cho xôm. Cả làng đều khen ông cầm chầu tuyệt vời, biết đánh trống thưởng, biết đánh tang bắt tì đúng chỗ. Rồi không biết Cậu Vĩnh bắt mắt Thuận lúc nào mà sau đó tìm cớ tới nhà nhiều lần. Thấy cử chỉ của người trai văn minh Sàigòn nầy tha thiết và coi bộ chơn thành Thuận cũng xiêu lòng mặc dầu lần nào ông chủ nhà cũng háy nguýt ghét bỏ ra mặt không cần che giấu. Thuận miên man. Trong nhà càng ồn ào thì Thuận càng nhớ người yêu, nhóng mắt ra xa hai ba thửa ruộng vẫn không thấy người tình.

Thằng Phương ở đâu chạy bỗ vô đứng trước mặt Thuận kể huyên thiên:

‘Con Kén bữa nay thua quá cỡ, cõng tui mệt thiếu điều ứ hơi.’

Thuận nhẹ tay đẩy nó ra:

‘Sao? Kể nghe coi!’

‘Thì chơi thẩy tràm gần mức ăn cõng. Đứa nào xa mức hơn thì thua, thua thì cõng đứa kia một khúc chừng mười thước Tây vạch sẵn.... ‘Tui thua cõng nó, nó nói lưng mầy xương không ngồi đau đít mà tóc của mầy hôi mồ hôi thấy bà cố nội. Con nhỏ có da có thịt thiệt tình, cõng nó coi bộ nặng mà ôm hai bắp vế nó tròn ủm trơn lùi như da lươn.’

‘Lại sanh ngụy nữa!’ Thuận nói nhỏ.

‘Tui được nó cõng chừng mười mấy lần. Nó cõng coi bộ mệt, tôi thúc lên hoài mà cứ bị tuột xuống, tui phải trườn trên nhiều lần, nó không chịu xốc mạnh, nói là sợ gãy xương. Hai cẳng tui kẹp vô hông nó.... Hổng thôi té còn gì. Cái áo nó vải gì mà trơn chùi tui nói mầy kéo áo lên cho tao ngồi khỏi trơn. Nó dẫy nẩy như cua gãy càng nói mầy lộn xộn đòi nầy đòi kia thì thôi tao hỏng cõng nữa.’

‘Tui nghe mùi tóc của nó thơm thơm mà khác với mùi tóc của chị. ... rồi con nhỏ dùng dằng nói không cõng nữa, thiếu bao nhiêu mai mốt chơi nữa trừ. Rồi nó chạy về, nói, tao nghỉ chơi luôn bữa nay.’

‘Lại bắt đằu có ý tưởng ngụy rồi.’ Thuận nói nhỏ vừa lấy tay xỉa vô trán thằng Phương vừa có ý tưởng sẽ không cho nó ngủ chung nữa.. Thuận vừa nghe thằng nhỏ tía lia kể chuyện vừa nhớ tới người tình. Mới hợp nhãn đâu chừng vài ba tháng, cả mấy ngày nay buồn chết được mà không thấy tăm dạng đâu. ...

Bỗng nhiên vài ba người lối xóm đi ngang ngó vô nhà rồi ngó Thuận bằng cặp mắt thương hại. Rồi một đoàn lính tráng ào ào như sôi bước vô sân, đi đầu là nhóm ba người Hương Cả, Hương Thân, Hương Hào. Kế đó là năm sáu người lực điền, kè sát Vĩnh, hai tay anh đã bị trói ra sau. Họ xô mạnh anh ngã lăn chiên vô thềm nhà. Một câu nói mơ hồ vang lên trong trí khi Thuận té xuống bất tỉnh:

‘Thằng có học thức mà giết người không gớm tay. Ghê thiệt!’ Cho mầy tử hình đền tội cũng chưa đủ!’

Chữ nhà Phật, ý nói Phật cứu vớt người khỏi bể khổ, như người vớt kẻ chết đuối chở sang bên kia sông vậy.

4. 

Mười năm rồi tôi bị chuyển qua lại bao nhiêu là phe nhóm không nhớ hết. Ban đầu là bộ đội Hoàng Thọ, rồi bộ đội Nguyễn Trung Trực, rồi quân của tướng Lâm Thành Nguyên, rồi thuộc binh sĩ của Quốc Gia Việt Nam trong Liên Hiệp Pháp, cuối cùng là của bộ đội Bảy Viễn... Nghĩa là có lúc làm Thanh Niên Tiền Phong, lúc làm Công An Xung Phong... đã hành động theo lời của cấp chỉ huy, mấy ổng biểu đi hành quân thì cụ bị chiếu nóp súng ống, lựu đạn, cơm nước theo đoàn.

Bây giờ thì tôi lạc đoàn, lang thang trên một con đường đê dài dẫn ra bờ sông sau khi lần mò cả tuần lanh quanh trong Rừng sác, nhờ người dân ăn ong ở đây che chở để trốn tránh đoàn quân Nùng thiện chiến của ông Wòng A Sáng mà ra được tới Cần Giờ. May là lúc lộn xộn hỗn quan hỗn quân trước khi chạy cũng quơ được khá bộn trong kho tiền của mấy ông Tài, Sang, Viễn đương bị pháo kích tanh bành, bạc văng tung tóe như giấy lộn...

Tôi lững thững như người nông dân trong vùng có chuyện đi ra tỉnh. Người ta nói đây là đò Bến Hạ, qua sông là thuộc tỉnh Bà Rịa yên ổn. Tàn quân của Bình Xuyên không qua tới. Địa bàn chiến dịch của ông Tướng Minh cũng không bao gồm bên đó.

Một cậu thanh niên trong nhóm người đi chợ sớm loắt choắt tâm sự với bạn mà cũng khá lớn tiếng, chừng như có ý riêng:

‘Không biết bữa nay bà Thuận Lai chèo đò hay là con nhỏ con bả. Tao mê nó lậm! Đẹp quá chừng! Như Tiên.’

Nghe hai tiếng Thuận Lai tôi rùng mình nổi gai ốc, thời gian kéo về hai chục năm trước, từ khi chị Thuận bỏ nhà tôi đi biệt. Tôi bước những bước chưn không hồn do chuyện cũ bao trùm trong trí mà người ta nói là sương mù não do quá nhiều ký ức tranh nhau kéo về, chuyện nầy chồng chéo lên chuyện kia. Ông già ghẻ tôi nhập bọn đờn ca tài tử thường xuyên tới nỗi bỏ bê nhà cửa nhiều khi cả tuần không về, ổng say mê rồi cặp với cô đào trẻ Sáu Chiêu nên thường về đánh đập mẹ con tôi. Ổng bị ông Cai Phòng dụ dỗ hốt me, đánh chắn sao đó khiến thiếu nợ ngập đầu phải bán nhà bán ruộng. Má con tôi bị đuổi, dọn ra ở cái chòi lá xập xệ cất dựa bờ sông, chỗ cái vườn mía Tây của chúng tôi trước đó. Má lao lực cực quá chết vài năm sau khi tôi vừa mới bể tiếng, nhổ giò. Tôi gật đầu theo tụi bạn xách áo theo bộ đội Hoàng Thọ đu trên ngọn dừa bắn tàu Tây do chẳng có gì để luyến tiếc nơi chôn nhau cắt rún. Cũng không biết sợ biết tiếc mạng mình. Còn gì nữa đâu? Đời có gì vui sướng đâu mà lo giữ mình giữ mạng?

Chừng độ chục người xuống bến, con đò được đẩy sào ra khỏi bãi. Cô gái chèo đò đứng chèo ở phía sau lái, tôi thấy mặt rõ ràng. Đó là khuôn mặt của chị Thuận ngày nào, như đúc cùng một khuôn. Tôi ngó sửng làm cho cô ta đỏ mặt, bậm môi, ngó lảng ta ngoài mênh mong trời nước trong khi vẫn kéo đẩy mái chèo. Gió sông thổi lạnh mình lạnh mẩy. Kéo áo che ngực, tôi sực nhớ là mình có tiền nhiều. Phải tìm cách cho cô ta chút đỉnh mà không lộ. Lộ thì nguy hiểm vô cùng. Không biết chị Thuận lúc nầy ra sao. Nhớ như in câu nói:Đừng nói xàm mà. Em lớn thì chị già rồi cưới sao mà cưới, cưới con chị là may! Tôi bật tiếng cười khan khiến hai ba người ngồi kế bên ngó cách ngạc nhiên. Tôi thấy mình nên tránh nhìn cặp đùi cứng đầy bắp thịt như đùi ếch của cô ta hằn in theo lớp vải ú đen may quần rộng thùng thình của dân quê lam lũ.

Bắt chước mấy đứa con nít đưa tay xuống nước để cho đò kéo đi vẽ những lợn sóng lăn tăn bất tận tôi hưởng cái cảm giác lành lạnh pha nỗi vui mừng thoát nạn, có tiền rủng rỉnh lại sắp gặp được người thân.

Người đàn bà tôi nghĩ là chị Thuận, cặp rổ rau tập tàng bên nách, cái khăn rằn vắt trễ tràng một bên vai như tôi thường thấy ở má tôi trước đây. Bỗng nhiên cảm giác âm ấm hai mươi năm trước tràn về khi tôi rút vào lòng chị những khi khó ngủ. Người đàn bà già trước tuổi kia là chị Thuận thương mến của tôi sao. Tất cả đều đã đổi khác, còn lại chăng là khóe mắt xưa và cử chỉ đi đứng nói chung không thể trùng với ai được.

Cô lái đò lui cui cột đò vô cây neo. Đường ngôi rẽ trên đầu cô thẳng và trắng kỳ diệu giữa trùng trùng gốc tóc đen như đường ngôi của chị Thuận mà tôi ưa ngó khi chị lom khom kỳ cọ mấy ngón chưn tôi mỗi khi chị thấy tôi tắm ẩu xối nước ào ào cho có, để mấy ngón chưn đóng đầy hờm đất... Cô lái đò háy sắc lẻm mấy người thanh niên kia, kể luôn tôi rồi bước mau lên bờ méc má:

‘Chuyến nầy xui quá, đò ít người mà hai ba ông thần đèn mắc toi cứ lom lom dòm bằng ánh mắt kỳ lắm, nhớt nhả thấy rõ. Ghê thấy bà! Cái ông lạ mặt kia thì...’

Chị Thuận đưa mắt ngó về phía tôi, không tỏ chút gì ngạc nhiên. Chị chưa nhận ra thằng nhỏ ngày xưa ước ao khi lớn lên cưới chị.

Tôi bước mau tới ngang mặt chị, nói nho nhỏ chỉ chị đủ nghe:

‘Bằng trái ớt mà...’ Rồi không cho chị tỉnh hồn, tôi tiếp theo:‘Trờii ơi sao đau mà không nói.’ Câu xuýt xoa ngày xưa khi chị khám phá ra cái đầu u nần của tôi. Chị Thuận đương đi, đứng lại liền, ngó tôi như ngó người chết hiện về.

Cô lái đò Bến Hạ ngó tôi rồi ngó mẹ mình, bộ ngạc nhiên cùng cực. Chị Thuận lật đật cúi để cái rổ xuống, kéo tôi lại:

‘Chèn ơi, cậu đây sao? Cậu Phương à? Lâu ớn há! Chắc cũng đã hai chục năm rồi. Thành nhơn chi mỹ rồi!’ Chị nắm tay tôi kéo về phía cái chòi lá làm chỗ cho khách chờ đò giới thiệu với con gái mình bằng những từ ngữ thay đổi liền như trở bánh tráng nướng mà tôi không ngờ:

‘Chào anh Phương đi con. Anh Phương hồi đó giúp mẹ nhiều chuyện lắm, không có anh Phương thì mẹ còn khổ hơn nhiều.’ Chị liến thoắng trái với cử chỉ trầm tĩnh, chậm rãi của người hơi lớn tuổi hồi nãy:

‘Anh Phương mà mẹ nhắc với con hoài đó, đây là anh Phương bằng xương bằng thịt...’ Rồi chị rưng rưng nước mắt. Chị hai tay đắt hai người chúng tôi đi vô bàn nước, nói:

‘Vô đây! Vô đây! Hai đứa vô đây! Mà cháu Phương có gia đình chưa vậy? Đâu bây nói tao nghe coi!’

5.

 Vậy đó, ban đầu đổi lại, kêu chị Thuận bằng Dì, bằng Bác rồi bằng Má cũng hơi xốc lưỡi chút đỉnh, nhưng riết rồi cũng quen. Chị Thuận thì kêu tôi bằng con ngọt như đường phèn, nhẹ hơi như má tôi hồi nảo hồi nào.

Chị tâm sự là sau đêm kinh hoàng đó chị coi như đời mình đã bỏ đi, nhưng gắng gượng sống, dự định về sau thú thiệt với Cậu Ba Vĩnh - nhưng sẽ không nói ai gây ra chuyện. Rồi thì Vĩnh bị gia đình Cai cựu Phòng giá họa tiếp theo khi thằng con lớn của ông ta giết một lượt hai cô thợ gặt mà ông ta lo tiền để Hương Quản làng phù phép sang tội qua người khác. Chị nói mình phải bỏ đi thôi. Mất chút lòng trinh bạch, mất người tình trăm năm, luôn luôn sống trong lưới rập thì con thử nghĩ coi... Chị hỏi trong khi những giọt nước mắt rớt nghe tí tách nhè nhẹ trên bàn tay già nua gân xanh nổi hằn. Chị nhấn mạnh là mình sống khổ sở, bụng mang dạ chửa chỉ một thân một mình tự lo, vài ba năm sau, cứng cáp, gái một con cô đơn trong loạn lạc rủi nhiều hơn may. Mười năm, mười năm từng ngày cố quên chuyện cũ thời con gái. Chị ngó mơ hồ ra ngoài sông rộng trời chiều. Rồi cũng như nhiều người già khác, chị têm miếng trầu bỏ vô miệng nhai nhóc nhách, nói chữ:‘Mình là con chim sợ cung tên, né tránh những đề nghị yêu thương. Một con trâu ghẻ chốc trên lưng thấy quạ bay qua liền tung vó chạy.’

Ngừng nói, chị quay lại ngó ra bến đò, con đò nằm đó chơ vơ nửa thân sau trên bùn, chị gật đầu chào mấy người quen đi qua rồi tiếp tục tâm sự. Chị nhấn mạnh là luôn luôn nhớ tới sự ngây thơ lúc đó của tôi và đã luôn cầu mong tôi không bị hư hỏng hay chết chóc khi sống trong một môi trường như vậy:Đầy rẫy cạm bẫy và người xấu hèn.

Tết nay, vợ tôi Thảo, em bé chèo đò Bến Hạ, và tôi, đứa lãng tử lưu linh lưu địa lăn lóc trong bom đạn súng ống mười năm mà không chết... chúc Tết Má Thuận.

Ánh mắt bà dịu hiền của người từ mẫu. Con chim ưng sẵn sàng vươn móng trả thù đời đã biến thành con nai mẹ ung dung ngó lên bầu trời xanh để thưởng thức mấy cụm mây trắng bay qua, chơn ơ hờ đạp nhẹ lên lá vàng khô, quên mọi biến động tàn nhẫn đau thương đã tàn phá đời mình.

Tôi đọc được trong ánh mắt và cử chỉ của Mẹ Thuận một sự buông bỏ, hỷ xã hoàn toàn. Quên hết chuyện trước.

‘Hệ quả của thời Pháp thuộc đã tạo nên một giới chức dựa hơi chế độ, chỉ biết ăn ngon, làm giàu, lợi dụng chức vụ không cần biết tới nỗi khổ đau nhục nhã của người khác, đã đổ lên đầu Mẹ một oan khiên.’ - bà nói và ngó tôi bằng cặp mắt hiền từ của một người có tuổi, thoát tục.

Không khí trở nên lạnh cóng. Mẹ Thuận nói thêm:

‘Di sản thuộc địa cộng với chiến tranh tạo nên tang thương bầm nát ngứu đời mẹ. Mất cái trinh trắng con gái và mất người tình một đời. Nhưng cũng kỳ diệu khó nói là cũng chiến tranh đó đã đem đứa con cưng của Mẹ về đây để tạo hạnh phúc cho hai người đàn bà yếu đuối nơi chốn sơn cùng thủy tận nầy.’

Cho tới lúc đó Mẹ Thuận và em Thảo cũng chưa biết rằng trong gói quần áo của tôi chứa một số tiền có thể nói là lớn lượm khi kho tiền của loạn tướng Bảy Viễn và các ông Tài, Sang tung tóe vì bom đạn. Tiền đó đã khiến biết bao nhiêu người phụ nữ nhẹ dạ nhảy cầu Bình Lợi sau khi say mê thử thời vận trong hai khu giải trí chết người Đại Thế Giới, Kim Chung.

Tôi hứa với lòng mình là sẽ dùng phần lớn tiền nầy là

Ngoài kia pháo nổ lớn và Đài Phát Thanh Quốc Gia phát ra những bản nhạc Xuân vui nhộn...

Mồng một Tết, mừng tuổi ‘chị Thuận’  xong, tôi nói một câu tấn ơn:

‘Hồi đó khi chị Thuận đi rồi thì em mỗi ngày ra vô phòng chị lần nào cũng hi vọng chị về mà trăm lần như một thất vọng như người tình mong được thơ tình mà chẳng thấy.’ Sau câu nói tôi le lưỡi tỏ vẻ sợ vì cách xài chữ của mình.

Mẹ Thuận ký đầu tôi như hồi nhỏ, ngay chỗ cái thẹo hồi đó.

‘Bởi vậy mới đền cho mi đây!’ Bà nói và ngó Thảo. Em đỏ mặt, cúi đầu.

Tiếng pháo nổ ì ầm từ khu nhà giàu của xứ Bà Rịa yên bình đưa lại. Ngoài kia nắng vàng hực đường xá.

‘Thanh bình quá!’ Tiếng của Mẹ Thuận, của em Thảo hay tiếng của tôi? Mà có thể của cả ba không chừng!

(Quê người, năm thứ 42, rằm tháng Giêng Canh Dần – 2022)





VVM.24.2.2022

| UNIVERSELLE LITERATUR | UNIVERSAL LITERATURE | LITERATURA UNIVERSAL | LETTERATURA UNIVERSALE | УНИВЕРСАЛЬНАЯ ЛИТЕРАТУРА |
vietvanmoinewvietart007@gmail.com